Giới thiệu các Tổ chức Quốc tế Việt Nam tham gia (Kỳ 1)

Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Việt Nam đã hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại Liên hợp quốc, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, ASEAN … Có thể nói ngoại giao đa phương là một điểm sáng trong hoạt động ngoại giao thời đổi mới. Những kết quả đạt được trong mối quan hệ đan xen này đã củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, tạo ra thế cơ động linh hoạt trong quan hệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ độc lập tự chủ và an ninh cũng như công cuộc xây dựng đất nước

Tại đây, bạn có thể tìm hiểu thông tin về các tổ chức quốc tế chính và quan hệ giữa Việt Nam với một số tổ chức này.

  1. Liên Hiệp Quốc (UN)

Liên hợp quốc (LHQ) chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945 khi Hiến chương LHQ được phê chuẩn bởi Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và đa số các quốc gia ký kết trước đó.

Theo Hiến chương LHQ, LHQ gồm 6 cơ quan chính là:

– Đại hội đồng (ĐHĐ): là cơ quan đại diện rộng rãi nhất của LHQ, hiện gồm 193 quốc gia thành viên. Các thành viên ĐHĐ đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quỗc gia thành viên đều được một phiếu bầu.

– Hội đồng Bảo an (HĐBA): có trách nhiệm chính là gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế. Theo đó, HĐBA có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược. Các quyết định và nghị quyết của HĐBA khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

– Hội đồng Kinh tế – Xã hội (ECOSOC): là cơ quan soạn thảo và điều phối các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân quyền của LHQ, và được đặt dưới quyền của ĐHĐ. Phần lớn các nghị quyết và quyết định của ĐHĐ LHQ về kinh tế, xã hội, nhân quyền và nhân đạo đều bắt nguồn từ các khuyến nghị do ECOSOC trình lên.

– Hội đồng Quản thác: có nhiệm vụ giám sát các vùng lãnh thổ quản thác được đặt trong Hệ thống theo các thoả thuận riêng với quốc gia quản lý các vùng lãnh thổ này.

– Toà án Quốc tế: Chức năng chính của Toà án Quốc tế là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, các vụ kiện do các quốc gia đưa lên phù hợp với luật pháp quốc tế. Mục tiêu của toà án là áp dụng các tập quán quốc tế để thiết lập các quy tắc được các quốc gia liên quan chính thức công nhận; các thông lệ quốc tế được chấp nhận như luật; các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế được các quốc gia công nhận; các phán quyết của các toà án… Toà án cũng khuyến nghị ĐHĐ, HĐBA về lĩnh vực luật pháp, các vấn đề luật pháp nổi lên trong phạm vi hoạt động của các cơ quan này.

– Ban Thư ký: gồm một Tổng Thư ký (TTK) và một số nhân viên tuỳ theo yêu cầu của tổ chức. TTK do ĐHĐ bổ nhiệm, theo kiến nghị của HĐBA. TTK là viên chức cao cấp nhất của tổ chức LHQ.

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính , nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế – xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội…

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) ngày 20/9/1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với LHQ ngày càng phát triển. Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Mặt khác, chúng ta cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế–xã hội của đất nước. LHQ trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại LHQ ngày càng được nâng cao. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực… đồng thời và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Ngày nay, khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, việc đẩy mạnh mối quan hệ này và nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng nguồn hỗ trợ của LHQ nhằm phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội là rất cần thiết.

2. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 trên cơ sở Tuyên bố Băng-cốc, với 5 nước thành viên ban đầu là In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Sau 40 năm tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á (thêm 5 nước là Brunei, Cămpuchia, Lào, Mianma và Việt Nam), là một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở Châu Á – Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới. Hiện nay, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu bao trùm là hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.

Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là: IAI) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.

Hiến chương ASEAN quy định bộ máy tổ chức của ASEAN gồm các cơ quan chính sau:

– Cấp cao ASEAN là cơ quan hoạch định chính sách tối cao của ASEAN, bao gồm những Người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ các quốc gia thành viên. Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức mỗi năm 2 lần.

– Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, họp ít nhất 2 lần một năm, có nhiệm vụ điều phối các hoạt động hợp tác ASEAN nói chung và chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao.

– Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN bao gồm Hội đồng Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSCC), Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) và Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCCC), họp ít nhất 2 lần một năm, do Bộ trưởng có liên quan của quốc gia đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN chủ trì, có nhiệm vụ theo dõi và điều phối hợp tác ASEAN trên từng trụ cột Cộng đồng mình phụ trách.

– Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN (CPR) đặt tại Gia-các-ta, đóng vai trò là cơ quan đầu mối, theo dõi và điều phối các hoạt động hợp tác hàng ngày của ASEAN.

– Tổng thư ký ASEAN và Ban thư ký ASEAN đặt tại Gia-các-ta, đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ hành chính cho các hoạt động hợp tác ASEAN.

– Ban thư ký ASEAN Quốc gia, nằm trong Bộ Ngoại giao của các nước thành viên, chịu trách nhiệm theo dõi và điều phối các hoạt động hợp tác ASEAN ở cấp quốc gia.

Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN ngày hôm nay.

Sau 15 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã khẳng định được vị thế và uy tín của mình; các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác bên ngoài đều đánh giá cao sự tham gia tích cực và những đóng góp của Việt Nam trong việc củng cố và phát triển trong Hiệp hội, cũng như quan hệ hợp tác với các nước đối thoại của ASEAN. Tham gia hợp tác trong ASEAN đã góp phần quan trọng vào việc củng cố môi trường hòa bình và an ninh cho sự nghiệp phát triển đất nước; phá thế bao vây về chính trị, cô lập về kinh tế, tạo thuận lợi cho triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hoá của Đảng ta.

3. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)

Tháng 1 năm 1989, tại Xê-un, Hàn Quốc, Thủ tướng Bob Hawke đã nêu ý tưởng về việc thành lập một Diễn đàn tư vấn kinh tế cấp Bộ trưởng ở châu Á – Thái Bình Dương với mục đích phối hợp hoạt động của các chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế ở khu vực và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương. Nhật Bản, Ma-lai-xia, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Bru-nây, In-đô-nê-xia, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Mỹ đã ủng hộ sáng kiến này. Tháng 11 năm 1989, các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của các nước nói trên đã họp tại Can-bê-ra, Ôt-xtrây-lia quyết định chính thức thành lập APEC.

Sau đó, APEC kết nạp thêm Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan (với tên gọi theo tiếng Anh là Chinese Taipei) vào tháng 11 năm 1991; Mê-hi-cô, Pa-pu-a Niu Ghi-nê tháng 11 năm 1993; Chi-lê tháng 11 năm 1994 và tạm ngừng thời hạn xét kết nạp thành viên trong ba năm. Đến tháng 11 năm 1998, APEC kết nạp thêm ba thành viên mới là Pê-ru, Liên bang Nga và Việt Nam, đồng thời quyết định tạm ngừng thời hạn xem xét kết nạp thành viên mới trong mười năm để củng cố tổ chức.

Đến nay, APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên với khoảng 2,5 tỷ dân; 19.000 tỷ đô la Mỹ GDP mỗi năm và chiếm 47% thương mại thế giới (xem bảng 1). APEC bao gồm cả hai khu vực kinh tế mạnh và năng động nhất thế giới: khu vực Đông Á và khu vực Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô) với những nét đặc thù và vô cùng đa dạng về chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Chỉ trong mười năm đầu tồn tại và phát triển, các nền kinh tế thành viên APEC đã đóng góp gần 70% cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh quá trình liên kết và hợp tác kinh tế ở các khu vực và trên phạm vi toàn cầu phát triển mạnh, tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành xu hướng bao trùm, APEC ra đời như một sự đáp ứng đúng lúc đối với yêu cầu và lợi ích của các nền kinh tế ở châu Á- Thái Bình Dương vốn đang ngày càng tuỳ thuộc lẫn nhau hơn. Từ chỗ ban đầu hoạt động như là một nhóm đối thoại không chính thức, APEC đã dần dần trở thành một thực thể khu vực đi đầu trong việc thúc đẩy tự do hóa mậu dịch, đầu tư và hợp tác kinh tế. Ngày nay, APEC bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trong khu vực và các nền kinh tế năng động nhất, tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Các nền kinh tế của các thành viên APEC cho thấy sự đa dạng, phong phú của khu vực cũng như các trình độ và phương thức phát triển khác nhau. Mặc dù giữa các nền kinh tế trong khu vực có nhiều điểm khác biệt nhưng việc họ hợp tác được với nhau trong một diễn đàn đã phản ánh mục đích và quyết tâm chính trị chung là thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững trong khu vực và trên thế giới. Mục đích chung của APEC đã được xác định ngay từ Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ nhất ở Can-bê-ra, Ôt-xtrây-lia năm 1989. Mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực đòi hỏi phải thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế nhằm tăng cường lợi ích chung thông qua việc khuyến khích các luồng hàng hoá, dịch vụ, vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa các thành viên.

Tuy nhiên, không giống như các tổ chức khu vực khác (đặc biệt là EU), ngay từ đầu APEC không nhấn mạnh đến mục tiêu tạo lập hệ thống ưu đãi thuế quan, liên minh thuế quan, hay thị trường chung, mà nhấn mạnh tới việc tăng cường hệ thống thương mại đa phương mở.

Ngày 14/11/1998, các thành viên của APEC đã thông qua việc kết nạp Việt Nam, cùng với Liên bang Nga và Pêru, làm thành viên chính thức của APEC; đánh dấu bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế của Việt Nam.

Trong 7 năm qua, APEC đã đóng vai trò quan trọng duy trì quá trình tự do hoá và tạo thuận lợi hoá cho dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực. Thị trường APEC cũng đang tạo nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI và gia tăng khôi lượng thương mại với các đối tác trong APEC. APEC cũng chính là điều kiện để Việt Nam khẳng định quá trình hội nhập kinh tế đầy đủ của mình. Việt Nam có nhiều đối tác lớn trong APEC như các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga. Thị trường APEC có tiềm năng rất lớn đối với Việt Nam, chiếm khoảng 80% kim ngạch buôn bán, 75% vốn đầu tư nước ngoài và trên 50% nguồn viện trợ phát triển (ODA). 

4. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

WTO với tư cách là một tổ chức thương mại của tất cả các nước trên thế giới, thực hiện những mục tiêu đã được nêu trong Lời nói đầu của Hiệp định GATT 1947 là nâng cao mức sống của nhân dân các thành viên, đảm bảo việm làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực của thế giới. Cụ thể WTO có 3 mục tiêu sau:

Thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hoá và dịch vụ trên thế giới phục vụ cho sự phát triển ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường;

Thúc đẩy sự phát triển các thể chế thị trường, giải quyết các bất đồng và tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên trong khuôn khổ của hệ thống thương mại đa phương, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế; bảo đảm cho các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước kém phát triển nhất được thụ hưởng thụ những lợi ích thực sự từ sự tăng trưởng của thương mại quốc tế, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của các nước này và khuyến khích các nước này ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới;

Nâng cao mức sống, tạo công ăn, việc làm cho người dân các nước thành viên, bảo đảm các quyền và tiêu chuẩn lao động tối thiểu được tôn trọng.

WTO thực hiện 5 chức năng sau:

  • Thống nhất quản lý việc thực hiện các hiệp định và thoả thuận thương mại đa phương và nhiều bên; giám sát, tạo thuận lợi, kể cả trợ giúp kỹ thuật cho các nước thành viên thực hiện các nghĩa vụ thương mại quốc tế của họ
  • Là khuôn khổ thể chế để tiến hành các vòng đàm phán thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO, theo quyết định của Hội nghị Bộ trưởng WTO.
  • Là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên liên quan đến việc thực hiện và giải thiứch Hiệp định WTO và các hiệp định thuơng mại đa phương và nhiều bên.
  • Là cơ chế kiểm điểm chính sách thương mại của các nước thành viên, bảo đảm thực hiện mục tiêu thúc đẩy tự do hoá thương mại và tuân thủ các quy định của WTO, Hiệp định thành lập WTO đã quy định một cơ chế kiểm điểm chính sách thương mại áp dụng chung đối với tất cả các thành viên.
  • Thực hiện việc hợp tác với các tổ chức kinh tế quốc tế khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới trong viêc hoạch định những chính sách và dự báo về những xu hướng phát triển tương lai của kinh tế toàn cầu.

WTO có một cơ cấu gồm 3 cấp :

  1. Các cơ quan lãnh đạo chính trị và có quyền ra quyết định (decision-making power) bao gồm Hội nghị Bộ trưởng, Đại hội đồng WTO, Cơ quan giải quyết tranh chấp và cơ quan kiểm điểm chính sách thương mại;
  2. Các cơ quan thừa hành và giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương, bao gồm Hội đồng GATT, Hội đồng GATS, và Hội đồng TRIPS;
  3. Cuối cùng là Cơ quan thực hiện chức năng hành chính – thư ký là Tổng giám đốc và Ban thư ký WTO.

Ngày 7/11, tại trụ sở của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) đã diễn ra phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO về việc kết nạp Việt Nam vào tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này.

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách thương mại theo hướng minh bạch và tự do hóa hơn, việc cải cách này thể hiện ở các cam kết đa phương về pháp luật và thể chế cũng như các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ.

– Việt Nam đã thực hiện đúng các cam kết đa phương và các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức trong giai đoạn ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

– Là thành viên của WTO, ta đã cố gắng tham gia tích cực các cuộc đàm phán trong khuôn khổ WTO ở các nội dung có liên quan đến Việt Nam có liên quan đến Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp, sở hữu trí tuệ, trợ cấp thủy sản và chương trình hỗ trợ thương mại của WTO…..

– Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho phiên rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên của Việt Nam, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian đầu năm 2013.

5. Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM)

Tháng 3/1996, Tiến trình Hợp tác Á-Âu (Asia-Europe Meeting – gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập theo sáng kiến của Xinh-ga-po và Pháp, và dưới sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại phi chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM.

Số lượng thành viên của ASEM tăng từ 26 (từ năm 1996) lên 39 thành viên (tại ASEM 5, Hà Nội, năm 2004) và 45 thành viên hiện nay (Danh sách kèm theo). Đến nay, vai trò cùa ASEM trên thế giới ngày càng tăng, chiếm 58% dân số thế giới, gần 60 % tổng kim ngạch thương mại thế giới  và khoảng 50% GDP toàn cầu.

Mục tiêu của ASEM là tạo dựng “một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á – Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn” và “tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”, “duy trì và tăng cường hòa bình và ổn định cũng như phát huy các điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững”.

Cấp quyết định chính sách là Hội nghị Cấp cao, gồm các vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ của các nước ASEM, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu và Tổng Thư ký ASEAN, họp hai năm một lần, luân phiên Á-Âu. Quyết định phương hướng hoạt động, kết nạp thành viên mới; thông qua các vấn đề lớn và dài hạn, cũng như các lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn.

Về cơ chế hoạt động: Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng Quan chức cao cấp ngoại giao (SOM) là kênh điều phối chung toàn bộ các hoạt động. Bộ trưởng kinh tế, tài chính, văn hóa và cấp thứ trưởng điều phối trong các lĩnh vực này. Các Bộ trưởng khác (môi trường, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, di cư, lao động…) nhóm họp khi cần thiết .

Cơ chế điều phối hoạt động thường xuyên: ASEM chưa được thể chế hoá, chưa có Ban Thư ký thường trực, nên toàn bộ công việc điều phối thường xuyên do bốn điều phối viên đảm nhận (1 từ ASEAN – hiện là Brunây và 1 từ Đông Bắc Á – hiện là Trung Quốc, điều phối viên thường xuyên EC và nước Chủ tịch đương nhiệm của EU – hiện là Pháp). Các điều phối viên thu thập và cung cấp thông tin cho các thành viên, thay mặt cho khu vực mình trao đổi với các khu vực khác về các vấn đề, sơ bộ chuẩn bị cho các hoạt động chính hàng năm. Để hỗ trợ việc trao đổi thông tin, một Ban Thư ký điện tử, đặt tại Ban Thư ký ASEAN đã được lập, song hiện còn nhiều khó khăn.

Trải qua 12 năm hình thành và phát triển, Hợp tác ASEM đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. ASEM đã trở thành một khuôn khổ đối thoại và hợp tác liên khu vực quan trọng, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa châu Á và châu Âu, cũng như hợp tác song phương giữa các thành viên trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập ASEM, luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á-Âu trên cả 3 lĩnh vực: đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác khác. Bên cạnh việc hoàn thành tốt vai trò điều phối viên châu Á trong ASEM từ năm 2000 đến 2004, đóng góp lớn nhất của Việt Nam là tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (Hà Nội, 10/2004).

Việc tham gia ASEM tạo thêm điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hỗ trợ cho quan hệ song phương, đẩy mạnh ngoại giao đa phương; tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi văn hóa đào tạo, giáo dục phục vụ các yêu cầu phát triển đất nước. Đồng thời, tham gia với tư cách một thành viên bình đẳng, Việt Nam có cơ hội cùng xây dựng luật chơi chung của cả Á-Âu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới; từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

Việt Nam đã đưa ra 10 sáng kiến và đồng tác giả 15 sáng kiến khác (trong đó, 14 sáng kiến đã được triển khai), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thay đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, du lịch, kinh tế. 

6. Cộng đồng Pháp ngữ (OIF)

Khái niệm về Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19, dưới ngòi bút của một nhà địa lý người Pháp – O. Reclus. Lúc đó khái niệm chỉ được hiểu là bao hàm toàn bộ các dân tộc, các vùng nói tiếng Pháp trên thế giới. Mãi đến những năm 60 của thế kỷ 20, cùng với phong trào phi thực dân hóa, sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và cùng với  xu thế liên kết khu vực, quan hệ giữa các nước thuộc địa nói tiếng Pháp mới giành được độc lập với chính quốc và giữa các nước này với nhau có những biến đổi sâu sắc.

Trong bối cảnh đó, bắt đầu từ sáng kiến tháng 3/1962 của Tổng thống Xê-nê-gan, Lê-ô-pôn Xê-đa Xen-gho, đã dấy lên một phong trào vận động cho sự ra đời của một Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp với mục đích phát triển các mối quan hệ văn hoá, khoa học và kỹ thuật giữa các nước này với nhau. Hàng loạt các tổ chức quốc tế sử dụng tiếng Pháp được thành lập như Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước có sử dụng tiếng Pháp (CONFEMEN, 1960), Hiệp hội các trường đại học sử dụng từng phần hoặc toàn phần tiếng Pháp (AUPELF-UREF, 1961), Liên minh các nghị sĩ nói tiếng Pháp (AIPLF, 1967), Tổ chức hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT, 1970)… Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước trong các tổ chức này vẫn mang đậm tính chất nghề nghiệp và kỹ thuật, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhiều nước muốn có một tổ chức có tầm vóc chính trị, có vị trí và tiếng nói đáng kể trong quan hệ quốc tế.

Chính vì vậy vào tháng 2/1986, theo sáng kiến của cố Tổng thống Pháp Phờ-răng-xoa Mít-tơ-răng, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của các nước có sử dụng tiếng Pháp  đã được tổ chức tại Pa-ri với sự tham gia của gần 40 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Tháng 12/1998, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 12, họp tại Bu-ca-rét (Rumani), đã thông qua tên gọi chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

CHXHCN Việt Nam chính thức gia nhập ACCT từ năm 1979 (trước đó chính quyền Sài Gòn đã tham gia tổ chức này ngay từ khi mới được thành lập). Từ đó, ta lần lượt tham gia vào nhiều tổ chức khác thuộc Cộng đồng Pháp ngữ. Ta đã tham dự các Hội nghị cấp cao ngay từ Hội nghị đầu tiên và tháng 11/1997, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 7 tại Hà Nội.

Trước đó, Việt Nam đã lần lượt được bầu là thành viên của Uỷ ban nối tiếp quốc tế (CIS) trước đây của Hội nghị cấp cao, sau đó là uỷ viên Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF). Tháng 1/1996, Việt Nam trở thành Phó Chủ tịch và tháng 1/1997, là Chủ tịch của CPF.

Từ tháng 12/1996 đến tháng 12/1998, Việt Nam là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và từ tháng 11/1997 đến tháng 9/1999, là Chủ tịch Hội nghị cấp cao. Việt Nam cũng tích cực tham gia các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành của Cộng đồng như Hội nghị Bộ trưởng Văn hoá 1990 và 2001, Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp 1989 và 1995, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường 1991, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục 1992 và 1998 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính 1999, Hội nghị phụ nữ Pháp ngữ 2000 và các hội nghị của các cơ quan khác của Cộng đồng như Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Hiệp hội quốc tế thị trư¬ởng các thành phố sử dụng một phần hay toàn phần tiếng Pháp (AIMF), Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ (FFA)…

Bên cạnh sự tham gia vào các tổ chức đa phương toàn cầu (Liên hợp quốc), tổ chức khu vực (ASEAN, APEC) và liên khu vực (Phong trào không liên kết), việc ta tham gia vào Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp nằm trong chủ trương chung của chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế vì hoà bình, độc lập và phát triển. Hiện nay, ta cũng đã xây dựng được một mạng lưới quan hệ song phương với hầu hết các nước trên thế giới.

Với việc tham gia vào Cộng đồng Pháp ngữ, ta có điều kiện mở rộng quan hệ với nhiều nước châu Phi, là khu vực ta có quan hệ đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giải phóng và giành độc lập dân tộc nhưng còn ít quan hệ hợp tác kinh tế đồng thời khai thác được sự hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực và phần nào viện trợ của các nước phát triển và các tổ chức trong Cộng đồng, có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước.

7. Hội nghị về Phối hợp hành động và Các Biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA)

7.1. GIỚI THIỆU CHUNG

Ý tưởng thành lập Hội nghị về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở Châu Á được Tổng thống Ca-dắc-xtan Na-da-bai-ép đề xuất ngày 5/10/1992 tại Khoá họp lần thứ 47 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ngày này được chọn là Ngày CICA) với mục tiêu lập ra một Diễn đàn mở ở Châu Á nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng trong khu vực và phát triển hợp tác giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, đến năm 1999 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao CICA lần đầu tiên mới được tổ chức và thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên CICA.

Mục tiêu hoạt động: Tăng cường hợp tác thông qua các phương thức tiếp cận đa phương nhằm thúc đẩy hoà bình, an ninh và ổn định ở Châu Á; Loại bỏ các mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện; Đấu tranh chống sản xuất và buôn bán ma tuý; Tăng cường thương mại, hợp tác kinh tế vì sự thịnh vượng và ổn định ở Châu Á; Hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường; Ngăn chặn sự phổ biến, tiến tới loại trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt; Phát triển các biện pháp giải quyết vấn đề nhân đạo; Đẩy mạnh sự hiểu biết, tôn trọng và khoan dung lẫn nhau giữa các nền văn minh; Tạo điều kiện áp dụng các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các thành viên.

Các nguyên tắc cơ bản: Bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng các quyền chủ quyền vốn có; Kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; Toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; Giải quyết hoà bình các tranh chấp; Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; Giải trừ và kiểm soát vũ khí; Hợp tác kinh tế, xã hội và văn hoá; Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

Thành viên có 26 nước gồm Áp-ga-ni-xtan, Ai Cập, A-déc-bai-gian, Ba-ranh, Băng-la-đét, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, I-ran, I-rắc, I-xra-en, Gióc-đan-ni, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-dơ-xtan, Mông Cổ, Pa-ki-xtan, Pa-le-xtin, Ca-ta, Hàn Quốc, Nga, Tát-gi-ki-xtan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, U-dơ-bê-ki-xtan, Việt Nam.

8 nước quan sát viên gồm Bê-la-rút, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xri Lan-ca, U-crai-na, Hoa Kỳ.

4 tổ chức có quy chế quan sát viên là Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Liên đoàn Ả Rập, Hội đồng Nghị viện các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (TURKPA).

Các lĩnh vực hợp tác chính trong diễn đàn gồm: chính trị-an ninh, kinh tế, môi trường, những nguy cơ tiềm ẩn mới (khủng bố, rửa tiền, buôn người), hợp tác nhân đạo. Đây là diễn đàn liên chính phủ khu vực để đối thoại, tham vấn và thông qua các quyết định, biện pháp về các vấn đề an ninh ở Châu Á trên cơ sở đồng thuận. Các nước từng giữ vai trò chủ tịch CICA: Ca-dắc-xtan (2002-2010), Thổ Nhĩ Kỳ (2010-2012; 2012-2014). Hiện Trung Quốc là nước chủ tịch CICA (2014-2016; 2016-2018).

7.2. CƠ CẤU TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

Cơ cấu tổ chức:

– Cơ quan ra quyết định cao nhất của CICA là Hội nghị những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của CICA. Hội nghị Thượng đỉnh CICA họp định kỳ 4 năm/lần để tiến hành tham vấn, xem xét tiến trình phát triển và xác định các ưu tiên trong hoạt động của CICA thời gian tiếp theo.

– Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao họp 2 năm/lần. Đây là diễn đàn trung tâm nhằm tham vấn, xem xét mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của CICA.

– Uỷ ban quan chức cao cấp (SOC) tổ chức họp ít nhất 1 lần/năm (thông thường 2 lần/năm), để tiến hành tham vấn về các vấn đề hiện tại của CICA, giám sát công việc của các nhóm làm việc đặc biệt và điều phối tổ chức các cuộc họp khác.

– Nhóm làm việc đặc biệt (SWG) nghiên cứu các vấn đề cụ thể, thực hiện các nhiệm vụ được giao và báo cáo lên Uỷ ban quan chức cao cấp.

– Ban thư ký thường trực của CICA có trụ sở tại A-xta-na, Ca-dắc-xtan. Đứng đầu Ban Thư ký là Giám đốc điều hành (do nước Chủ tịch chỉ định).

Cơ chế hoạt động:

– Các quyết định và khuyến nghị của CICA ở mọi cấp được thông qua dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Nguyên tắc đồng thuận được hiểu là không có bất kỳ quốc gia thành viên nào phản đối trong quá trình thông qua quyết định và khuyến nghị với sự có mặt của ít nhất 2/3 số nước thành viên.

– Ngôn ngữ làm việc: Tiếng Anh, tiếng Nga

– Ngôn ngữ sử dụng trong các văn kiện chính thức: tiếng Anh

Tài chính: Các quốc gia thành viên đóng góp trên tinh thần tự nguyện vào Quỹ hoạt động của Ban thư ký. Nguồn đóng góp chủ yếu từ các nước lớn, có vai trò trong CICA như Ca-dắc-xtan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Trung Quốc, Nga….

7.3. SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM TẠI CICA

Việt Nam tham gia CICA nhằm tạo thêm kênh đối thoại tiếp xúc, thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại với các nước Trung Á và Trung Cận Đông. Một số hoạt động chính của Việt Nam tại CICA. Từ năm 1993 Việt Nam tham gia Diễn đàn này với tư cách khách mời và sau đó là quan sát viên. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Ca-dắc-xtan tháng 9/2009, Việt Nam tuyên bố xin gia nhập chính thức CICA. Ngày 14/10/2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã có thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Ca-dắc-xtan (nước Chủ tịch CICA) đề nghị kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức. Cuộc họp Uỷ ban quan chức cao cấp diễn ra vào tháng 1/2010 đã phê chuẩn Việt Nam chính thức gia nhập CICA tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN