“Giống như đi trên tên lửa”: Phi công Mỹ nhớ lại nỗi kinh hoàng của cuộc ném bom Giáng sinh năm 1972 ở Việt Nam

VIỆT NAM TRÊN BÁO MỸ

Đó là một trong những cuộc ném bom dữ dội nhất trong lịch sử. Một chiến dịch gây sốc và sợ hãi bằng không lực áp đảo nhằm buộc một đối thủ cứng đầu phải khuất phục. Đối thủ này, mặc dù bị áp đảo về hỏa lực, đã kiên cường chống chọi với mọi thứ mà cỗ máy chiến tranh đáng gờm nhất thế giới có thể ném vào.

Với hơn 200 máy bay ném bom B-52 thực hiện 730 phi vụ và thả hơn 20.000 tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian 12 ngày vào tháng 12 năm 1972, chiến dịch Linebacker II là một cuộc tấn công tàn bạo nhằm làm rung chuyển người Việt Nam “đến tận gốc rễ”, theo lời của Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khi đó là Henry Kissinger.

“Họ sẽ phải thất kinh”, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon nói với Kissinger vào ngày 17 tháng 12, đêm trước chiến dịch.

Trong sự kiện mà về sau được gọi là “cuộc ném bom Giáng sinh” ở Hoa Kỳ và “11 ngày đêm” ở Việt Nam (không có cuộc ném bom nào diễn ra vào ngày Giáng sinh), nhiều vùng của Hà Nội đã bị xóa sổ.

Ước tính có khoảng 1.600 người Việt đã thiệt mạng giữa những cảnh tượng đau thương nhất của cuộc xung đột, trong một chiến dịch mà một số người so sánh với các cuộc oanh tạc Hamburg trong Thế chiến II về mức độ tàn phá và thương vong của dân thường.

Máy bay B-52 thả bom xuống Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Không quân Hoa Kỳ

Những tổn thất tàn khốc không phải chỉ xảy ra theo một cách. Không quân Hoa Kỳ cũng phải chịu những tổn thất mà ngày nay dường như không thể hiểu nổi. 15 chiếc B-52 – niềm tự hào của không quân Hoa Kỳ – đã bị bắn hạ, sáu chiếc chỉ trong một ngày và 33 phi công đã tử trận[1].

Một số người tin rằng tất cả những cái chết này phần lớn là vô ích, và cho đến ngày nay, các nhà sử học vẫn tranh luận về mức độ ảnh hưởng của chiến dịch đối với bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc xung đột.

Sau chiến dịch, cả hai bên đều tuyên bố mình đã chiến thắng – Washington cho rằng họ đã buộc người Việt phải trở lại bàn đàm phán hòa bình, trong khi Hà Nội miêu tả đó như một hành động kháng cự anh hùng, trong đó họ đã hứng chịu mọi thứ mà kẻ địch trút vào và vẫn đứng vững.

Mặc dù màn sương chiến tranh khiến ta khó có thể đánh giá những tuyên bố đó, nhưng sau nửa thế kỷ, ký ức của những phi công Mỹ về những lần bay qua hệ thống phòng không Bắc Việt vẫn chưa phai mờ.

“Cảm giác như ta có thể đi ngang qua đầu những quả tên lửa trên bầu trời khi bị rất nhiều quả bắn vào”, một phi công Mỹ đã nghỉ hưu nhớ lại.

Hỏa lực phòng không sáng đến mức ta có thể “đọc báo trong buồng lái”, ông nói.

Cái chết vào dịp Giáng sinh

Người phi công được CNN phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 50 năm “cuộc ném bom Giáng sinh” còn nhớ không khí tại căn cứ của mình không hề vui vẻ chút nào.

Để giữ bí mật nhất có thể, các phi vụ ném bom được thực hiện vào ban đêm, trong đó những chiếc B-52 xuất phát từ U Tapao, Thái Lan và Căn cứ Không quân Andersen, Guam. Vì những người về được tới căn cứ sẽ hạ cánh trong bóng tối, nên phải đến bữa sáng ngày hôm sau, anh mới nhận ra ai trong số những đồng đội của mình đã không trở về.

“Anh sẽ thấy xe nhà di động bên cạnh xe mình mở cửa ở cả hai đầu và những người lính đang chất đồ đạc cá nhân (của người ở trong đó) vào hòm để chuyển về cho gia đình họ, khi ấy anh biết rằng phi hành đoàn đã không qua được”, Wayne Wallingford, một sĩ quan tác chiến điện tử tại U Tapao, người đã bay bảy trong số 11 cuộc không kích B-52 ở Hà Nội, kể lại.

“Tôi lặng đi khi chứng kiến ​​cảnh này”.

Trong suốt 12 ngày, nghi lễ u ám đó đã được thực hiện 33 lần.

Các phi công ném bom B-52 của Không quân Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Andersen ở Guam nghe thông báo về chiến dịch ném bom lớn cuối cùng của Hoa Kỳ ở miền Bắc Việt Nam, Chiến dịch Linebacker II. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ

Nhưng trong khi tổn thất của Không quân Hoa Kỳ là chưa từng có, thì sự tàn phá do máy bay B-52 gây ra cũng vậy.

“Chiến dịch này đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp về vật chất: 1.600 cơ sở quân sự, nhiều dặm đường sắt, hàng trăm xe tải và toa tàu, 80% nhà máy điện và vô số nhà máy cùng các công trình khác đã bị hư hỏng”, nhà sử học về Chiến tranh Việt Nam Pierre Asselin đã viết trong cuốn sách năm 2018 của ông, “Vietnam’s American War: A History” (Cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam: Một thiên lịch sử).

“Các cuộc ném bom trong chiến dịch Linebacker đã làm tê liệt các cơ quan quan trọng của miền Bắc, xóa sổ thành quả của quá trình chuyển mình theo chủ nghĩa cộng sản cũng như khả năng duy trì cuộc chiến ở miền Nam của họ”, Asselin viết.

Sự tàn phá lớn đến mức một nhà ngoại giao Liên Xô đã cảnh báo rằng miền Bắc Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành “một vùng đất hoang”.

“Đến tận hôm nay, họ vẫn còn ngửi thấy mùi xác chết”

Thiệt hại về người trên mặt đất gần như không thể diễn tả được.

Dương Văn Mai Elliott, người vào chung kết Giải thưởng Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết kể lại trải nghiệm của gia đình bà, “Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese Family” (Cây liễu thiêng: Bốn thế hệ trong cuộc sống của một gia đình Việt Nam), cho biết các cuộc ném bom Giáng sinh là trải nghiệm đáng sợ nhất của người thân bà trong toàn bộ cuộc chiến.

“Các tòa nhà rung chuyển”, Elliott nói. “Họ nghĩ rằng họ sắp chết”.

“Những người sống sót kể với tôi rằng khi họ bước ra ngoài, họ thấy những xác chết nằm rải rác xung quanh”, bà nói. “Đến tận hôm nay, họ vẫn còn ngửi thấy mùi xác thối”.

Tại một khu vực của Hà Nội, Khâm Thiên, chỉ trong một đêm đã có 287 người thiệt mạng – hầu hết là phụ nữ, trẻ em và người già – và 2.000 ngôi nhà bị bom Mỹ phá hủy, theo báo VnExpress International.

Một nhà báo của hãng thông tấn Agence France Presse, người đã đến Khâm Thiên ngay sau vụ ném bom của Mỹ, đã mô tả cảnh tượng “đổ nát… hoang tàn và tang tóc”.

“Ở Khâm Thiên, một vài ngôi nhà vẫn còn trụ được, nhưng nhiều nhà trong số đó không còn mái hoặc cửa sổ. Hàng chục hố bom, vài hố có đường kính hơn 10 mét và sâu gần 3 mét, lỗ chỗ ở khu vực này”, Jean Leclerc du Sablon viết trong một bản tin đăng trên tờ The New York Times ngày 29/12/1972.

Ông đặc biệt chú ý đến một người còn sống sót.

“Trên một đống đổ nát, một bà lão đưa tay lên mặt và than khóc rền rĩ đầy ám ảnh: ‘Con ơi, con đâu rồi? Mẹ phải tìm con để còn chôn cất con. Giặc Mỹ, các người thật man rợ!’”.

Phố Khâm Thiên, Hà Nội, sau những trận bom B-52 tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm các em nhỏ có cha mẹ thiệt mạng vì bom Mỹ vào ngày 24/12/1972 tại Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: AFP

Nixon quyết tâm đạt được “hòa bình trong danh dự”

Động lực thúc đẩy các vụ ném bom Giáng sinh là Tổng thống mới tái đắc cử Richard Nixon, người muốn chấm dứt sự tham gia của Hoa Kỳ vào một cuộc chiến không được lòng dân trước khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình vào tháng 1.

Nixon đã tái đắc cử chỉ hơn một tháng trước đó với lời hứa đạt được “hòa bình trong danh dự” ở Việt Nam – nơi Hoa Kỳ đã chiến đấu từ năm 1965 – và ông đã bị sốc khi các cuộc đàm phán với miền Bắc Việt Nam đột nhiên đổ vỡ.

Ông cảnh báo Hà Nội rằng họ sẽ phải chịu hậu quả nếu không quay lại bàn đàm phán một cách thiện chí và ra lệnh triển khai Linebacker II ngay cả khi một loạt yêu cầu mới đang được gửi đến Bắc Việt Nam.

Không quân phản ứng rất nhanh chóng. Ngày 18 tháng 12, 129 máy bay B-52 đã cất cánh từ Guam và Thái Lan, đích đến là miền Bắc Việt Nam.

Điều đang chờ đợi những máy bay ném bom đáng gờm nhất thế giới là hệ thống phòng không đáng gờm nhất thế giới.

“Pháo đài của nước Mỹ”

Vào thời điểm đó, máy bay ném bom B-52 là tiêu chuẩn vàng về hỏa lực trên không.

Chiếc Stratofortress tám động cơ, một số chiếc có thể chở hơn 36 tấn vũ khí, cất cánh lần đầu tiên vào năm 1954 và được thiết kế để trở thành máy bay ném bom liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Cùng với tên lửa đạn đạo liên lục địa và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, nó tạo thành một nhánh của bộ ba hạt nhân mà Hoa Kỳ hy vọng sẽ ngăn chặn bất kỳ cuộc chiến tranh nguyên tử nào có thể xảy ra với Liên Xô.

Nhưng vào những năm 1960, nó bắt đầu thực hiện nhiều nhiệm vụ ném bom thông thường hơn khi Hoa Kỳ quyết định dùng đến nó trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của cộng sản được Liên Xô hỗ trợ ở Đông Dương.

B-52 có khả năng bay cao hơn mức mắt thường có thể nhìn thấy. Các cuộc tấn công của nó tàn khốc cả về vật lý và tâm lý vì tải trọng khổng lồ của nó dường như đến từ hư không.

“Nixon muốn tác động tâm lý tối đa lên miền Bắc Việt Nam, và B-52 là công cụ tốt nhất của không quân cho nhiệm vụ này”, nhà sử học T. W. Beagle viết trong một báo cáo năm 2001 cho Nhà xuất bản Đại học Không quân Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, mặc dù B-52 rất đáng gờm, nhưng chiến thuật mà chúng sử dụng vẫn không thay đổi nhiều kể từ Thế chiến II.

Và đối với một số phi hành đoàn, điều này sẽ gây hậu quả chết người.


Một đơn vị tên lửa SAM-2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tháng 12/1972. Ảnh: Pictures From History/Universal Images Group

Bay vào vùng nguy hiểm

Hệ thống phòng không của miền Bắc Việt Nam được hỗ trợ bởi tên lửa phòng không SAM-2 do Liên Xô sản xuất, có khả năng bắn đầu đạn nặng 130 kg lên độ cao hơn 18.000 mét với tốc độ gấp hơn ba lần tốc độ âm thanh.

Phi hành đoàn Hoa Kỳ cho biết chúng trông giống như những cột điện thoại có đèn và sẽ chiếu sáng cả bầu trời đêm.

Vào đêm đầu tiên của chiến dịch Linebacker II, Bắc Việt Nam đã bắn 200 quả tên lửa vào các máy bay ném bom tấn công của Hoa Kỳ và ít nhất năm trong số những quả tên lửa đó đã trúng mục tiêu. Ba chiếc B-52 bị bắn hạ và hai chiếc khác bị hư hại.

Như thể điều đó chưa đủ đáng sợ, các phi hành đoàn ở U Tapao tin chắc rằng sẽ có nhiều thương vong hơn nữa.

Khắc sâu vào ký ức của Wallingford là lời của một vị tướng ngày hôm đó. Ông ấy nói: “Ừm, chúng tôi nghĩ rằng sẽ còn mất nhiều người hơn nữa trong số các anh”, Wallingford kể. “Đó không phải là một bài phát biểu động viên tinh thần binh sĩ”.

Máy bay B-52 bị bắn nổ tung trên bầu trời Hà Nội ngày 26/12/1972. Ảnh: AFP

Một kịch bản mở của Hoa Kỳ

Ngày đầu tiên thảm khốc của B-52 có thể đã ảnh hưởng đến tinh thần ở U Tapao và Guam, nhưng nó lại có tác dụng ngược lại ở Hà Nội.

“Lúc đầu, tất cả chúng tôi đều sợ B-52 vì Hoa Kỳ nói rằng nó bất khả chiến bại”, Nguyễn Văn Phiệt, một bộ đội tên lửa Bắc Việt được ghi nhận đã bắn hạ bốn chiếc B-52 trong Chiến dịch Linebacker, kể với tạp chí Smithsonian vào năm 2014. “Nhưng sau đêm đầu tiên, chúng tôi biết rằng B-52 có thể bị phá hủy giống như bất kỳ máy bay nào khác”.

Vào đêm thứ hai, B-52 thành công hơn khi chỉ có hai chiếc bị hư hại trong tổng số 93 chiếc tham gia và không có chiếc nào bị bắn hạ.

Nhưng đến đêm thứ ba, bộ đội Bắc Việt đã thấy kịch bản của Hoa Kỳ và hiểu nó cũng như hiểu kẻ địch của họ.

Các máy bay ném bom bay thành hàng dài trên các đường bay được xác định trước và sau khi thả bom, chúng sẽ nghiêng cánh vòng lại để trở về căn cứ – tại thời điểm đó, thiết bị gây nhiễu điện tử của chúng (dùng để ngăn chặn các khẩu đội phòng không) sẽ hướng lên trời, khiến chúng dễ bị tấn công.

“Chúng tôi được yêu cầu phải giữ thẳng và cân bằng trong hai phút cuối của cuộc ném bom, điều đó có nghĩa chúng tôi là mục tiêu cố định”, Wallingford cho biết.

Ông cho biết việc mở cửa khoang bom rộng lớn của máy bay sẽ làm gia tăng tín hiệu radar của nó. “Đó là một vị thế bất lợi”.

Tóm lại, điều này có nghĩa là các cuộc không kích “dễ đoán đến mức bất kỳ kẻ thù nào cũng có thể hạ gục bạn giống như khi họ chơi các trò chơi ở hội chợ”, Ron Bartlett, một sĩ quan tác chiến điện tử B-52, cho biết.

Vào đêm thứ ba, sáu chiếc B-52 đã bị bắn rơi.

Theo Beagle, những tổn thất đó không được công chúng Mỹ hay Nixon chấp nhận. Nixon đã “làm ầm ĩ” về việc máy bay ném bom bay cùng một tuyến đường mỗi đêm và lo ngại rằng tổn thất nặng nề của những máy bay chiến đấu mạnh nhất của Mỹ sẽ “gây ra hậu quả đối lập với tác động tâm lý mà ông mong muốn”.

Từ đêm hôm sau, máy bay ném bom được yêu cầu tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng và độ cao khác nhau, không được bay theo hàng một hoặc bay qua các mục tiêu mà chúng vừa đánh trúng.

Trong bảy ngày ném bom cuối cùng, chỉ có thêm sáu chiếc B-52 bị bắn hạ.

Liệu tất cả có vô ích không?

Vào một thời điểm sau ngày thứ tám của cuộc ném bom, Bắc Việt Nam thông báo với Hoa Kỳ rằng họ đã sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris.

Nixon tuyên bố rằng điều này chứng tỏ chiến dịch ném bom của ông là chính đáng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dù sao đi nữa đàm phán vẫn sẽ được nối lại và nếu Nixon kiên nhẫn hơn thì đã có thể tránh được nỗi kinh hoàng và đổ máu ở cả hai bên.

Họ nói rằng đến cuối năm 1972, nỗ lực chiến tranh của Hà Nội đã ở thế bấp bênh. Vì nguồn lực cạn kiệt, họ sẽ không thể duy trì nỗ lực chiến tranh lâu hơn nữa.

“Vào thời điểm diễn ra Chiến dịch Linebacker II, Bắc Việt đã chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu được nêu tại Paris để đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến”, Brian Laslie, nhà sử học chỉ huy tại Học viện Không quân Hoa Kỳ, viết trong cuốn sách “Air Power’s Lost Cause” (Sự thất bại của không lực) xuất bản năm 2021 của ông.

Asselin tin rằng vào ngày 18 tháng 12, chỉ vài giờ trước khi cuộc ném bom bắt đầu, Bộ Chính trị Bắc Việt đã nhất trí sẽ thông báo cho Washington rằng họ sẽ quay lại các cuộc đàm phán hòa bình.

“Thật không may, trước khi Hà Nội có thể chuyển thông điệp của mình đến Nhà Trắng thì đã quá muộn; Nixon đã không thể kiên nhẫn thêm nữa. Vào lúc 8 giờ tối, giờ Hà Nội, cùng ngày hôm đó, Hoa Kỳ bắt đầu cuộc ném bom tàn bạo nhất vào miền Bắc từ trước đến nay”, Asselin viết.

Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon (trái) thảo luận với Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger, Washington D.C., ngày 25/11/1972. Ảnh: Nhà Trắng

Hai bên cùng thắng?

Điều không thể tranh cãi là Hòa đàm Paris đã được nối lại vào ngày 8/1/1973 và một hiệp định đã được ký kết vào ngày 27 tháng 1, bước đầu đặt dấu chấm hết cho sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến.

Hiệp định này không chỉ được ký kết bởi Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam mà còn được ký kết bởi những người Nam Việt Nam đã bị chiến dịch Linebacker thuyết phục rằng “nếu Bắc Việt Nam tấn công một lần nữa, Hoa Kỳ sẽ quay lại ném bom Hà Nội”, Peter Layton, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Griffith Châu Á ở Australia và là cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia, cho biết.

Với hiệp định này, cả Washington và Hà Nội sau đó đều tuyên bố mình là người chiến thắng trong Chiến dịch Linebacker II.

Phi công Wallingford và những người khác đều nhấn mạnh chiến thắng của Hoa Kỳ.

“Đó là chiến dịch đã chấm dứt cuộc xung đột Việt Nam và giải thoát cho 591 tù binh chiến tranh của chúng tôi”, ông nói (các tù binh Mỹ đó đã được thả vào tháng 2 và tháng 3 sau khi hiệp định được ký kết).

Nhưng ngay cả ở Mỹ, một số người vẫn còn nghi ngờ.

Robert Hopkins, một cựu phi công Không quân Hoa Kỳ, đã cảnh báo rằng không nên rơi vào cái bẫy “Linebacker II là một thành công”. Đối với các phi công B-52, nó “làm tổn hại sâu sắc đến tinh thần chiến đấu trong suốt nhiều năm về sau”, ông nói.

Còn có một vấn đề cấp bách hơn.

Ba năm sau, khi lực lượng Cộng sản được tăng cường và lực lượng Hoa Kỳ hầu hết đã rời khỏi Việt Nam, Hà Nội đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào miền Nam dẫn đến sự sụp đổ của Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.

“Linebacker II đã chấm dứt giai đoạn chiến tranh của Hoa Kỳ, nhưng tác động của nó chỉ kéo dài ba năm. Linebacker II đã không mang lại hòa bình lâu dài”, Layton nói.

Ở Hà Nội, “câu chuyện về các sự kiện cuối tháng 12/1972 đã trở thành huyền thoại, không phải huyền thoại về mất mát và tàn phá nặng nề, mà về sự kháng cự anh hùng của quân dân miền Bắc”, nhà sử học Asselin viết.

“Trên thực tế, thiệt hại đối với lực lượng Hoa Kỳ đã lớn đến mức buộc Nixon phải cầu xin Hà Nội nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và đơn phương chấm dứt ném bom vô điều kiện”, ông viết.

Hoặc như Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ vào thời điểm đó, được cho là đã nói: “Chúng ta đã ném bom miền Bắc Việt Nam để buộc họ chấp nhận những nhượng bộ của chúng ta”.■

Brad Lendon, CNN 17/12/2022

Thanh Trà (dịch)

 

Chú thích:

[1] Đây là những số liệu về tổn thất và thương vong do Hoa Kỳ tuyên bố. Theo số liệu của Việt Nam, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52. (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN