Brantly Womack
Ngô Bắc dịch
Năm 1944 Tổng Thống Franklin Roosevelt có phái Phó Tổng Thống Henry A. Wallace sang gặp Thống Chế Tưởng Giới Thạch và đề nghị với ông ấy việc “giao hoàn” Đông Dương cho Trung Hoa. Họ Tưởng đã khôn ngoan khước từ đề nghị này.
Mặc dù ý tưởng thì xa rời lịch sử và các thực tế của Đông Á như ngôi sao chổi vụt ngang trên đầu, không phải là nó không có lý do. Ý tưởng phát sinh từ các quan điểm chống thực dân nói chung của Roosevelt và sự nhận thức của ông rằng Thế Chiến Thứ Nhì sẽ cung cấp một cơ hội để chuyển hóa địa lý chính trị thế giới. Hơn thế nữa, các quan hệ giữa Trung Hoa và Việt nam chưa bao giờ gần gũi với nhau như thế trong nửa thế kỷ trước đó. Sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc Tây Phương đã mang đến cho Trung Hoa và Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử đan chéo từ lâu của chúng, một sự đe dọa chung. Việt Nam cung cấp căn cứ cho phần lớn nhiều cuộc nổi dậy không thành công của Tôn Dật Tiên trong các năm 1907-8 chống lại triều đại nhà Thanh, và tương tự Quảng Châu đã là một căn cứ quan trọng cho các nhà cách mạng ban đầu của Việt Nam. Sau này, Quốc Dân Đảng (QDĐ) làm việc với đảng anh em là Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), và đảng Cộng Sản Trung Hoa, và đôi khi cả QDĐ, đã có sự tiếp xúc mật thiết với Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Roosevelt không phải là nhà lãnh đạo sau cùng hiểu lầm mối quan hệ Việt-Trung. Từ năm 1950 đến 1971 các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ, giả định rằng liên minh giữa Trung Hoa và Việt Nam có tính cách vĩnh viễn, đặt việc ngăn chặn sự làn tràn của “chủ nghĩa cộng sản thế giới” tại Việt Nam làm sự biện minh chính yếu cho sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Tương tự, từ năm 1979 đến 1990 họ giả định tình trạng thù nghịch Trung-Việt có tính cách vĩnh viễn. Kệ từ năm 2000 sự phân tích mối quan hệ Việt-Trung có phần trở nên phức tạp hơn.
Việc tìm hiểu các quan điểm của Hoa Kỳ về các quan hệ Việt-Trung đòi hỏi sự thông suốt về dòng tiến hóa của chúng và về các nhận thức đương thời của Hoa Kỳ về mối quan hệ đó. Nhưng để nắm được động lực nền tảng của chúng, điều quan trọng cần phải phân tích tình trạng của Hoa Kỳ như một quyền lực toàn cầu xa xôi đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phán đóan của nó. Sự cách xa khiến cho Hoa Kỳ không kiên nhẫn với các sự giải thích hạn chế và phức tạp về mối quan hệ Việt-Trung. Mối quan hệ được xem là quan trọng chừng nào nó ảnh hưởng đến các quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ và đến sự hiện diện cấp miền của nó tại Đông Á. Hiện nay, sự xuất hiện của Trung Hoa như một quyền lực cấp miền và sự hiện diện toàn câu dâng cao của nó làm gia tăng sự nổi bật của sự “quan tâm đến Trung Hoa trong chính sách của Hoa Kỳ đối với láng giềng của Trung Hoa. Tuy nhiên, sự xa cách của Hoa Kỳ với Á Châu và tính chất bất cân đối trong các mối quan hệ của nó với Trung Hoa và Việt Nam tiếp tục làm sai lạc sự hiểu biết của nó về mối quan hệ hỗ tương của hai nước Việt-Trung.
Sự Tiến Hóa Trong Quan Điểm Của Hoa Kỳ
Như tư tưởng của Roosevelt đã gợi ý, trước khi có sự chiến thắng của Đảng Cộng Sản Trung Hoa, Hoa Kỳ đã giả định về sự hiện hữu của một mối quan hệ tốt lành giữa Trung Hoa (Trung Hoa Dân Quốc) và Việt Nam. Tại Hội Nghị Postdam (tháng Bẩy năm 1945) Trung Hoa đã được chỉ định như lực lượng chiếm đóng Việt Nam phần bên trên vĩ tuyến 16, trong khi Anh Quốc phụ trách ở miền Nam. Từ quan điểm của Việt Nam, sự hiện diện của Trung Hoa tạo ra vấn đề khó khăn. Mặc dù Quốc Dân Đảng [Trung Hoa] luôn luôn thuyết giảng về một chính sách chống thực dân, nó đã thỏa thuận trong năm 1946 sự quay trở lại của binh sĩ Pháp tại miền bắc Việt Nam để đánh đổi lấy sự từ bỏ của Pháp xác quyền của nó trên quy chế trị ngoại tài phán tại Trung Hoa.(2) Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các năm 1946-1949 cho nỗ lực của Pháp nhằm tái lập thuộc địa của nó không mấy liên can đến mối quan hệ Trung-Việt, nó là hậu quả của các nỗ lực nhằm ảnh hưởng đến chính trị nội bộ của Pháp. Bởi vì Đảng Cộng Sản Pháp chống lại chế độ thực dân, Hoa Kỳ quan tâm đến sự thành công của các chính sách thuộc đia của Pháp.
Vào khoảng tháng Năm 1949, Trung Hoa một lần nữa trở thành trọng tâm trong chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhưng lại là một nước Trung Hoa khác.(3) Phong trào cộng sản thế giới giờ đây đã vươn tới biên giới Việt Nam, và đó là cùng loại chủ nghĩa cộng sản thế giới mà Hoa Kỳ đã chiến đấu tại Trung Hoa và sẽ sớm tham chiến tại Đại Hàn. Sự kháng cự dai dẳng của Việt Minh chống lại nỗ lực bình định của Pháp và các chiến thắng của Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng đã dẫn dắt Hoa Kỳ đên việc tưởng tượng một “ảnh hưởng dây chuyền: domino” của các chế độ từng đợt nối chân nhau rơi vào tay cộng sản, và vì thế đã cam kết toàn diện sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Pháp. Vào lúc có sự thất trận ở Điện Biên Phủ, diễn ra vào giữa cuộc Hội Nghị Geneva năm 1954, Hoa Kỳ đã cương quyết ủng hộ bất kỳ chính phủ chống cộng sản nào tại Việt Nam nhằm ngặn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản.
Điều cần ghi nhận rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã không nghĩ là Trung Hoa có công lao nào trong sự chiến thắng của Việt Minh trước nước Pháp. Thay vào đó, họ cho rằng nước Pháp phải chịu trách nhiệm về việc tạo ra một khoảng trống chính trị trong đó chủ nghĩa dân tộc [? sic] của Việt Minh đã có thể nảy nở. Bởi thế, Hoa Kỳ đã nghĩ rằng bằng việc hỗ trợ một chính phủ chống cộng, độc lập tại miền Nam, họ có thể giữ vững một phòng tuyến chống lại sự lan tràn xa hơn nữa của chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng sự giả định về một mối quan hệ chặt chẽ giữa cộng sản Trung Hoa và cộng sản Việt Nam, cũng như với các đảng cổng sản chưa thành công khác trong vùng , thực sự đã nâng cao tầm quan trọng của Việt Nam lên các mực độ toàn cầu.
Trong thập niên 1960, điều trở nên rõ ràng là Hoa Kỳ và đồng minh của nó tại Sàigòn còn kém thành công hơn người Pháp đã làm trong việc trấn áp các lực lượng độc lập và cách mạng [sic]. Từ năm 1955 sự viện trợ quân sự của Hoa Kỳ vượt quá các giới hạn được đặt ra bởi các Hiệp Ước Geneva, đến sự can dự trực tiếp hồi đầu thập kỷ 1960 dưới trào Tổng Thống Kennedy và sự Mỹ Hóa toàn diện cuộc chiến tranh dưới trào Tổng Thống Johnson. Tuy nhiên, việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản thế giới vẫn còn là một công tác ưu tiên toàn cầu, và như thế, ngày càng nhiều nỗ lực phá hoại được áp dụng ở Việt Nam.
Hơn nữa, bởi sự bất ổn gia tăng không còn có thể bị quy trách cho các lỗi lầm của người Pháp nữa, khó khăn tại miền Nam được quy kết cho sự can thiệp của miền bắc, và tiếp theo đó sức mạnh của miền Bắc được quy kết vào sự ủng hộ của Sô Viết và đặc biệt của Trung Hoa.(4) Hậu quả trực tiếp của sự phân tích này là việc dội bom miền bắc và các nỗ lực nhằm ngặn chặn các tuyến đường tiếp tế. Tổng quát hơn, chính sách ngăn chặn đã trở thành “sự phòng thủ tập thể chống lại sự xâm lược vũ trang”, mặc dù Hoa Kỳ có e ngại để giới hạn [nằm ngoài] Đông Dương các hàm ý “chiến tranh nóng” trong định thức này, có nghĩa, sẽ né tránh sự đối đầu vũ trang trực tiếp giữa Mỹ – Sô Viết hay Mỹ – Trung Hoa. (5)
Bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Trung, các cuộc thăm viếng của Henry Kissinger và Richard Nixon trong năm 1971-72 và sự ký kết bản Thông Cáo Thượng Hải, được đặt trên tiền đề về sự nối kết giữa Trung Hoa và Việt Nam. Mặc dù nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm khuyến dụ Trung Hoa cắt đứt sự trợ giúp của nó cho Việt Nam không thành công, sự biến thể của mối quan hệ Mỹ-Trung đã đẩy sự suy nghĩ của Hoa Kỳ vượt quá học thuyết “tác động dây chuyền: domino” và chính sách be bờ ngăn chặn.
Sự nhận thức của Hoa Kỳ rằng Trung Hoa thôi không là một mối đe dọa toàn cầu làm giảm bớt nỗi lo sợ của Hoa Kỳ về các quan hệ của Trung Hoa với các nước láng giềng của nó. Không còn bóng ma của cộng sản thế giới thống nhất, Việt Nam và trong thực tế toàn thể vùng Đông Nam Á xem ra ít quan trọng hơn đối với Hoa Thịnh Đốn. Trong thập niên 1970, sự quan tâm ngoại giao của Hoa Kỳ được chuyển hướng đến các cuộc tranh chấp Chiến Tranh Lạnh chống lại Sô Viết một cách đặc biệt tại Angola, vùng Mỏm Nhọn của châu Phi, và A Phú Hãn, và đến các vấn đề tài nguyên tại Trung Đông. Trái với một số sự giải thích, Hoa kỳ đã không chuyển sang phe Trung Hoa khi cuộc đối nghịch Trung-Việt gia tăng trong nửa sau của thập kỷ [1970]. Đúng ra, Hoa Kỳ không thấy có lý do để thay đổi từ vị thế hậu chiến của sự đối nghịch hậm hực nhưng thụ động đối với Việt Nam vào lúc khi mà mối quan hệ của nó với Trung Hoa đang được cải thiện. Tôi quy kết sự thất bại của các cuộc thương thảo bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt năm 1978 cho sự bất động có tính cách thù hằn và sự lãnh đạm tương đối của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, hơn là một sự ưa thích hơn của Hoa Kỳ dành cho phía Trung Hoa vào lúc có các sự căng thẳng gia tăng giữa Trung Hoa và Việt Nam. 6 Từ năm 1979 sự đối nghịch thụ động của Hoa Kỳ đối với Việt Nam được gia tăng bởi sự liên minh của Việt Nam với Liên Bang Sô Viết 7, sự đối xử của nó đối với “thuyền nhân tỵ nạn”, và sự xâm lăng cùng chiếm đóng của nó ở Căm Bốt.
Trong thập niên 1980 Hoa Kỳ đã nhận thấy một cách khá hài lòng tình trạng thù nghịch Trung-Việt như một sự vãn hồi thường trực các mối hận thù lâu đời. 8
Hoa Kỳ đã trở thành một kẻ hợp tác thụ động trong liên minh chống lại Việt Nam được dẫn dắt bởi Trung Hoa và khối ASEAN. Chính quyền Reagan đã dành sự chú tâm ngoại giao vào các vấn đề Chiến Tranh Lạnh tập trung tại Âu Châu, và chính quyền kế nhiệm của ông Bush thì bận tâm với sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và sự chuyển tiếp của Âu Châu sang thời hậu cộng sản. Hoa Kỳ thì chậm chạp trong việc điều chỉnh sự giải quyết vấn đề Căm Bốt. Khi thừa nhận sau hết Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hồi tháng Bẩy năm 1995 nó ở vào vị trí cuối cùng của hàng ngũ được đón tiếp [trong] ngoại giạo [đoàn].9 Trong thực tế chính sự gia nhập sắp xẩy ra của Việt Nam vào khối ASEAN trong cùng tháng đó đã cung cấp sự thúc đẩy để Hoa Kỳ hà nh động, và sự bực tức kéo dài đối với Việt Nam vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến mối quan hệ ngay sau khi có sự bình thường hóa.
Sự bình thường hóa quan hệ Trung-Việt năm 1991 ít được ghi nhận tại Hoa Kỳ và đã không ảnh hưởng đến các thái độ của Hoa Kỳ đối với mỗi nước. Sự thù nghịch trước đó giữa hai nước đã làm yên tâm bất kỳ sự quan ngại nào rằng sự xáp lại có thể dẫn đến một liên minh, và trong mọi trường hợp cả Trung Hoa và Việt Nam đều đã thiết lập các quan hệ thân hữu với các nước láng giềng của họ. Như một tác nhân toàn cầu với các mối bận tâm về an ninh và quân sự thúc bách ở các nơi khác, Hoa Kỳ thì hài lòng để yên vị mối giao tiếp láng giềng tốt đẹp này. Thời kỳ sóng gió hiện nay của nền ngoại giao Hoa Kỳ được xác định bởi “chiến tranh chống khủng bố”, sự chiếm đóng và chiến tranh tiếp diễn tại A Phú hãn và Iraq, và các sự căng thẳng nói chung với thế giới Hồi Giáo. Cả Trung Hoa lẫn Việt Nam không phải là trung tâm của các vấn đề khẩn cấp này, nhưng đàng sau các sự quan tâm khẩn cấp này, sự trổi dậy của Trung Hoa có đặt ra các vấn đề chiến lược dài hạn. Câu hỏi là liệu việc Hoa Kỳ nên giao kết với Trung Hoa có trải qua một sự thay đổi tế nhị nào từ sau khi xảy ra vụ [Thiên An Môn] ngày 4 tháng Sáu năm 1989 đến nay hay không. Trong năm 1989, sự lựa chọn của Hoa Kỳ là nên giao kết với Trung Hoa hay trừng phạt nó bằng sự cô lập. Giờ đây sự lựa chọn là nên giao kết với Trung Hoa hay be bờ ngăn chặn nó. Câu trả lời ngoại giao của Hoa Kỳ trong cả hai trường hợp là “cả hai/và: both/and” hơn là “ lựa chọn hoặc điều này / hay điều kia; either/or”. Tuy nhiên, Trung Hoa giờ đây đang trở nên một sự hiện diện toàn cầu và là một cột buồm đa diện của nền kinh tế Hoa Kỳ. Ngay dù đối với một tác nhân toàn cầu xa xôi như Hoa Kỳ, sự kiện này làm gia tăng tầm quan trọng của mối quan hệ của Trung Hoa với các nước láng giềng của nó.
Các Viễn Tượng của Hoa Kỳ tại Đông Á và Mối Quan Hệ Trung-Việt
Tự nó, mối quan hệ Trung-Việt không phải là một mối quan tâm cho Hoa Kỳ. Trái với thập niên 1950, không có sự ước định về ảnh hưởng dây chuyền cộng sản lan tràn tại vùng Đông Nam Á và xa hơn thế, và ảo tưởng rằng các quốc gia cộng sản là các kẻ cộng tác tự nhiên bị phá nát bởi cuộc tranh giành tại Căm Bốt.(10) Không có nước nào đối đầu với các sự quan tâm chính yếu của Hoa Kỳ chẳng hạn như về nạn khủng bố, A Phú hãn, và Iraq. Như tác giả Bronson Percival đã nhận xét, “Với các quan hệ song phương Mỹ-Trung được cải thiện, Bắc Kinh chỉ đưa ra một ít các bước tiến khả thức kể từ năm 2002 có thể trình bày như có một tác động trực tiếp đến các quyền lợi của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á”. (11) Bởi vì cả hai nước được cai trị bởi các đảng cộng sản, Hoa Kỳ đặc biệt nhậy cảm với các vần đề nhân quyền, nhưng sự nhậy cảm thì không phát sinh từ mối quan hệ, mà đúng hơn từ các sự nhận thức của Hoa Kỳ về bản chất các chế độ. Hoa Kỳ cũng nhậy cảm về nhân quyền tại Cuba và Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên [Bắc Hàn].
Hơn nữa, chính sách của Hoa Kỳ đối với cả Trung Hoa và Việt Nam bị chi phối chính yếu bởi các quyền lợi và các mối quan tâm song phương hơn là bởi quan hệ tam giác, chẳng hạn, một vấn đề sẽ được giải quyết giữa Trung Hoa, Đài Loan và Hoa Kỳ. Việc này được áp dụng cho các sự xích mích về cán cân chi phó và mậu dịch Mỹ-Trung và về vấn đề Đài Loan. Tương tự đối với quan hệ Mỹ-Việt, các vấn đề chẳng hạn như sự tiếp tục tìm kiếm các quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích trong khi công tác (MIA) (12) và các quan hệ về giao thông và mậu dịch được cải thiện ít có liên hệ gì đến Trung Hoa. Như được tóm tắt trong Bản Tuyên Bố Chung giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam và Hoa Kỳ hồi tháng Mười Một năm 2006, mối quan hệ Mỹ-Việt “bao gồm các quan hệ kinh tế và mậu dịch gia tăng và đáng kể, một mối quan hệ quân đội với quân đội mới phát sinh, sự hợp tác thành công trong các vấn đề y tế và phát triển, các liên kết giáo dục và văn hóa gia tăng, một sự cam kết giải quyết các vấn đề tồn đọng phát sinh từ chiến tranh, một sự quan tâm chung về việc bảo đảm hòa bình, ổn định, và thịnh vượng tại vùng Á Châu-Thái Bình Duơng, và sự thảo luận thẳng thắn và chân thành về các sự khác biệt.(13) Không có điều gì trong các đường nét chính của mối quan hệ này cần đến hay ám chỉ một sự đề cập đến Trung Hoa.
Dù thế, sự trổi dậy của Trung Hoa ảnh hưởng một cách căn bản đến các sự nhận thức của Hoa Kỳ về Trung Hoa như một quyền lực toàn cầu, và gần đây hơn sự nhận thức của nó về việc phân chia toàn cầu với Trung Hoa như một quyền lực cấp miền. Các thái độ của Hoa Kỳ đối với sự trổi dậy của Trung Hoa có thể được chia làm ba loại: “Trung Hoa đe dọa”, “Trung Hoa thách thức”, và “Trung Hoa cơ hội”. Quan điểm “Trung Hoa đe dọa” dự liệu sự tranh chấp không thể tránh khỏi giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa và vì thế nhìn bất kỳ sự tiến bộ nào của Trung Hoa như là một sự tổn thất tương đối cho Hoa Kỳ. Quan điểm “Trung Hoa thách đố” nhìn sự vươn lên của Trung Hoa ảnh hưởng một cách gián tiếp đến tình trạng quân sự, kinh tế, và chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ. Sự thắng lợi của Trung Hoa không nhất thiết giả định một sự tổn hại cho Hoa Kỳ, nhưng nó làm thay đổi các tỷ lệ phân chia quyền lực hiện hữu. Quan điểm “Trung Hoa cơ hội” nhìn sự tăng trưởng của Trung Hoa như việc tạo ra các cơ hội mới cho Hoa Kỳ, chính yếu trong kinh tế nhưng cũng có trong lãnh vực kinh tế và cả về mặt an ninh. Mặc dù ba thái độ thì khác biệt nhau, cá nhân người Hoa Kỳ có thể kết hợp hai hay cả ba thái độ này khi đối diện với các khía cạnh khác nhau của sự trổi dậy của Trung Hoa. Trong chính quyền Hoa Kỳ, cả ba thái độ này đều có thể được nhận thấy. Rất dễ bị xiêu lòng để cho rằng giới quân sư có khuynh hướng nghiêng về quan điểm “Trung Hoa đe dọa”, ngành ngoại giao của tổng thống nghiêng về quan điểm “Trung Hoa thách đố”, giới doanh nghiệp nghiêng về quan điểm “Trung Hoa cơ hội”, và rằng Quốc Hội bày tỏ một sự hỗn hợp cả ba quan điểm, nhưng trong thực tế các thành tố của cả ba thái độ này đều hiện diện đều khắp trong chính quyền Hoa Kỳ và trong công luận rộng rãi hơn. Hiện tượng trổi dậy của Trung Hoa, nhìn từ nhãn quan của siêu cường hiện thời, là một sự vụ phức tạp nhất thiết sẽ khêu gợi các sự đáp ứng hỗn hợp.
Các thái độ khác nhau của Hoa Kỳ đối với sự trổi dậy của Trung Hoa nhất định có ảnh hưởng đến các thái độ đối với Việt Nam. Bất kể có sự bình thường hóa quan hệ Trung-Việt năm 1991, nhiều chính trị gia và nhà phân tích Hoa Kỳ tiếp tục giả định rằng Việt Nam vẫn mang sự thù hận bẩm sinh với Trung Hoa và sẽ sẵn lòng liên kết với Hoa Kỳ để ngăn chặn Trung Hoa (14) Các lập luận như thế được đưa ra, thí dụ, bởi Thượng Nghị Sĩ John McCain, một người ủng hộ hàng đầu sự bình thường hóa các quan hệ với Việt Nam trong thập niên 1990. Tuy nhiên, gần đây hơn, sự tăng trưởng trong “quyền lực mềm (soft power)” của Trung Hoa tại Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý và làm gia tăng sự quan tâm của Hoa Kỳ dối với vùng này. Như phóng viên Jane Perlez của tờ New York Times đã ghi lại hồi năm 2003, “Hơn 50 năm chế ngự của Hoa Kỳ tại Á Châu đang bị suy mòn một cách tế vi nhưng không thể nhầm lẫn khi mà các nước Á Châu đang hướng về Trung Hoa như một quyền lực cấp miền ngày càng có tính cách quan yếu hơn.” (15) Nhiều quan sát viên, kể cả cô Perlez, đã quy trách sự suy tàn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong vùng cho các chính sách thất nhân tâm của chính phủ Hoa Kỳ kể từ biến cố ngày 11 tháng 9 cũng như cho các hành động từ phía chính phủ Trung Hoa. (16) Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, cùng với sự trổi dậy của Trung Hoa, tầm quan trọng của miền này đối với Hoa Kỳ cũng được nâng cao trong bối cảnh cuộc “chiến tranh chống khủng bố”.
Có nhiều sự mơ hồ liên quan đến ý nghĩa của từ ngữ “quyền lực mềm” và sự áp dụng của nó đối với các vị thế tương đối của Hoa Kỳ và Trung Hoa tại Đông Nam Á và một cách đặc biệt hơn liên quan đến Việt Nam. Cuộc thảo luận về quyền lực mềm của Hoa Kỳ thường dàn trải từ sự lan truyền Búp Bê Barbie Dolls và món thịt gà chiên Kentucky Fried Chicken cho đến các lý tưởng về chế độ dân chủ và nhân quyền. Tác giả Bronson Percival vạch ra rằng quyền lực mềm có một ý nghĩa hoàn toàn khác tại Đông Nam Á, và rằng sự cải thiện tổng quát trong các thái độ đối với Trung Hoa được đặt trên sự tương tác thận trọng và thân thiện của Trung Hoa với miền này. (17) Có một sự tin tưởng gia tăng trong vùng rằng Trung Hoa sẽ theo đuổi các quyền lợi hỗ tương hơn là nhấn mạnh vào lợi thế riêng của mình. Sự cải thiện hình dáng của Trung Hoa trong vùng mang thực chất đáng kể hơn là từ ngữ thường hay được sử dụng “sự tán tỉnh mê hoặc” có thể bao hàm. (18) Trung Hoa thì hào phóng và không mang tính chất xen lấn trong viện trợ của nó cho Lào và Căm Bốt, nó đã thương thảo về các cuộc tranh chấp biên giới trên đất liền của nó và tham gia vào các nỗ lực để điều hành một cách hòa bình các cuộc tranh chấp vùng hải đảo, và Khu Vực Mậu Dịch Tự Do khối ASEAN-Trung Hoa đi trước các kỳ vọng trong việc phát triển mậu dịch trong vùng. Dù thế, nhiều người Hoa Kỳ lại nhìn sự cải thiện tổng quát hình ảnh của Trung Hoa là một bước tiến chiến lược và có chủ ý nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Như một tiêu đề trên tờ New York Times ghi nhận, “Trung Hoa chuyển động để che khuất sự hấp dẫn của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á”. (19) Một cách nói tế nhị hơn cho rằng Trung Hoa bị ngăn trở bởi sự yếu kém tương đối hiện nay của nó trong việc bày tỏ chủ trương chống Hoa Kỳ của nó.(20) Hơn nữa, các mối quan hệ của Trung Hoa trong vùng thường được trình bày trong truyền thông Hoa Kỳ như sự hậu thuẫn vô liêm sỉ và độc ác cho các chính quyền thối nát phá hỏng các nỗ lực tinh thần cao quý hơn của Hoa Kỳ nhằm mở rộng dân chủ và nhân quyền. Thí dụ hiển nhiên nhất là quan điểm của Hoa Kỳ về Miến Điện. Ở mức tối thiểu, sự trổi dậy của ảnh hưởng của Trung Hoa được nhìn như một sự giảm trừ ảnh hưởng tương đối của Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh quyền lực mềm tăng trưởng của Trung Hoa, Việt Nam được nhìn bởi một số người như một điểm then chốt trong việc cắt giảm sự suy tàn hơn nữa ảnh hưởng của Hoa Kỳ và trong việc cổ vũ một sự cách biệt rõ rệt giữa Trung Hoa và Đông Nam Á. Hơn nữa, sự cải thiện trong các quan hệ Mỹ-Việt chỉ có thể được biện minh từ bất kỳ một trong ba thái độ của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa. Nếu Trung Hoa bị nhìn như một mối đe dọa, khi đó Việt Nam có thể trợ lực trong việc chặn đứng ảnh hưởng của Trung Hoa và kiềm chế Trung Hoa. Nếu Trung Hoa là một thách đố, khi đó một phần của sự đáp ứng của Hoa Kỳ là nhằm cải thiện quyền lực mềm của chính nó tại các nước như Việt Nam. Nếu Trung Hoa là một cơ hội, khi đó Việt Nam cũng là một cơ hội tương tự, mặc dù nhỏ hơn. Từ đó có thể tiên đoán với nhiều tin tưởng rằng sự trổi dậy của Trung Hoa sẽ tiếp tục trở thành một ảnh hưởng tích cực cho các quan hệ Mỹ-Việt, bất kể các quan hệ Mỹ-Trung có đi theo chiều hướng nào trong tương lai. Tuy nhiên, nếu các quan hệ Mỹ-Trung bước sang một lối rẽ tồi tệ hơn, khi đó quyền lợi Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Trung Hoa có thể đặt Việt Nam – và các nước láng giềng của nó – vào một sự lựa chọn đau đớn. (21)
Tóm lại, sự trổi dậy của Trung Hoa như một tác nhân toàn cầu làm gia tăng sự quan tâm của Hoa Kỳ đến các hoạt động cấp miền của Trung Hoa và điều này làm nổi bật hình dáng của Đông Nam Á trong giới làm chính sách ngoại giao của Hoa kỳ. Bất kể sự tương đồng chế độ giữa Trung Hoa và Việt Nam và sự cường độ hiển nhiên trong mối quan hệ của chúng, Việt Nam không bị xem là một ống dẫn truyền ảnh hưởng cấp miên của Trung Hoa hay gần cận một cách khác thường với Trung Hoa. Ngược lại là đằng khác. Một số phân tích ggia tin rằng sự đối nghịch lâu đời của Việt Nam với Trung Hoa và sự nhậy cảm của nó trước sự xâm lấn của Trung Hoa biến Việt Nam thành nước kháng cự lại mạnh nhất ảnh hưởng của Trung Hoa, và chính vì thế thành mục tiêu nhiều triển vọng nhất cho một cuộc phản công của Hoa Kỳ trong sự tranh dành quyền lực mềm.
Dù thế, điều cần phải ghi nhớ rằng Việt Nam và Đông Nam Á còn nằm dưới thấp trong nghị trình của Hoa Kỳ về các uu tiên trong chính sách ngoại giao. Dấu hiệu của tư thế yếu kém như thế bao gồm sự vắng mặt của Condolezza Rice [Bộ Trưởng Ngoại Giao] trong hậu Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng của khối ASEAN năm 2005, và sự chấp thuận của Quốc Hội [Mỹ] về Quy Chế Mậu Dịch Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR) cho Việt Nam như đề tài thảo luận cuối cùng của phiên họp sau chót của Quốc Hội Nhiệm Kỳ 109 hồi tháng Mười Hai năm 2006. Hoa Kỳ lưu ý nhiều hơn đến mối quan hệ song phương của nó với Trung Hoa và đến ảnh hưởng của Trung Hoa trên các mối quan tâm toàn cầu chẳng hạn như vấn đề năng lượng hạch tâm của Bắc Hàn hay Iran, và ít hơn nhiều, đến các quan tâm phát sinh về ảnh hưởng cấp miền của Trung Hoa.
Giải Thích Các Quan Điểm Của Hoa Kỳ
Từ thời Tổng Thống Roosevelt đến nay, trong khi các quan điểm Hoa Kỳ về các quan hệ Trung-Việt đã được định hình bởi cá tính của các nhà lãnh đạo và bởi các tình huống rộng lớn hơn của nền ngoại giao toàn cầu của Hoa Kỳ, điều đáng làm là phân tích cơ cấu của các quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Hoa và Việt Nam. Mặc dù cơ cấu không xác định kết quả, nó cung cấp kiến trúc trong đó lịch sử đã diễn ra.
Ba yếu tố căn bản định hình các sự nhận thức của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa và Việt Nam: Thứ nhất, vị trí xa xôi của Hoa Kỳ; thứ nhì, tư thế của nó như một quyền lực toàn cầu; và thứ ba, các sự bất đối xứng về quyền lực giữa Hoa Kỳ với cả Trung Hoa lẫn Việt Nam, cũng như giữa Trung Hoa với Việt Nam.
Sự xa xôi, yếu tố thứ nhất, ảnh hưởng đên nhận thức của Hoa Kỳ trong một số đường hướng quan trọng. Quan trọng nhất, nếu một nước thứ ba ở cách xa hai nước kia, khi đó mối quan hệ giữa hai nước kia có khuynh hướng trở nên ít nổi bật hơn các quan hệ song phương của nước thứ ba với từng nước kia. Mối quan hệ giữa hai quốc gia lân bang có tầm quan trọng cố hữu với nước láng giềng thứ ba. Các thí dụ sẽ là các mối quan hệ giữa Việt nNam và Liên Bang Sô Viết trong thập niên 1970 đối với Trung Hoa, hay mối quan hệ giữa Trung Hoa và Căm Bốt trong thập niên 1970 đối với Việt nNam. Một lý do khiến các định chế cấp miền đa phương như khối ASEAN trở thành quan trọng là vì chúng sẽ làm đệm làm giảm thiểu tính chất dễ bị công kích cho các nước hội viên trước các mối quan hệ của các nước láng giềng của chúng vơi các nước khác. Sự không chú ý của Hoa Kỳ trước khúc quanh quan trọng trong các quan hệ Trung-Việt năm 1991 sẽ là một thí dụ về a/nh hưởng của sự xa xôi.
Tương tự, sự xa xôi cũng làm giảm bớt tầm quan trọng cố hữu của ngay cả các mối quan hệ song phương của nước xa xôi với hai nước lân cận nhau. Ngay trong một thế giới toàn cầu hóa, câu hỏi “Việc này quan hệ đến tôi ra sao” sẽ có một câu trả lời khác biệt tại một quốc gia láng giềng so với một nước xa xôi. Trong thực tế, nếu một quốc gia xa xôi trở nên quan tâm, sự hiểu biết của nó về tình hình nơi xa xăm nhiều phần bị định hình và bóp méo bởi các lý do vì có sự chú ý của nó. Sự chú ý lớn hơn không đương nhiên sản sinh ra sự hiểu biết nhiều hơn. Tương tự, sự lưu ý của Hoa Kỳ về các vấn đề chẳng hạn như nhân quyền hay tự do tôn giáo làm phát sinh ra tin tức, nhưng lại lãng quên bối cảnh thực tế. Sự chú ý đến câu hỏi hướng dẫn muốn có các câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi của nó, và không kiên nhẫn trước tình trạng phức tạp.
Sau cùng, sự xa xôi làm giảm sút tính khẩn thiết của việc học hỏi từ các lỗi lầm. Sau cuộc chiến tranh của nó tại Việt Nam, Hoa kỳ đã không điều chỉnh các chính sách của mình tại Đông Nam Á trong vòng hai mươi năm. Tương tự, Hoa Kỳ cứng rắn hơn trong chính sách chống lại Trung Hoa của nó sau khi có cuộc ngưng bắn trong Chiến tranh Triều Tiên. Nó có thể giữ được vẻ vô tình một phần nhờ quyền lực của nó, cũng như nhỡ ở sự cách xa của nó.
Yếu tố căn bản thứ nhì nằm bên dưới quan điểm của Hoa Kỳ là tư thế của nó như một quyền lực toàn cầu. Đến một mức độ nào đó, một quyền lực toàn cầu sẽ có được một ảnh hưởng trái ngược với sự xa xôi. Một quyền lực toàn cầu trộn lẫn các quyền lợi quốc gia của nó với các quyền lợi toàn cầu. Nó cảm thấy một trách nhiệm và thẩm quyền đặc biệt về các vấn đề chẳng hạn như quyền tự do trên các hải lộ và việc không phổ biến [vũ khí hạch tâm]. Ở một mức độ nào đó, sự tranh chấp tại bất kỳ miền nào cũng thu hút sự chú ý của nó, và nó nhạy cảm với các diền tiến tại các khu vực xa xôi. Thí dụ, “chiến tranh khủng bô’ đã mang quân đội Hoa Kỳ đến các phần đất khó tiếp cận nhất của Phi Luật Tân.
Tuy nhiên, một quyền lợi toàn cầu là một loại quyền lợi đặc thù. Nó đặt tiêu điểm vào các vấn đề có tầm quan trọng đối với quyền lực toàn cầu, và từ đó sự can dự của nó vào công việc cấp miền phát sinh từ chiều kích toàn cầu của chúng. Thí dụ, Việt Nam đã rất quan trọng đối với Hoa Kỳ trong các thập niên 1950 và 1960, nhưng chỉ như một diễn trường của Chiến Tranh Lạnh. Tương tự, sự bình thường hóa quan hệ với Trung Hoa trong các năm 1971-1979 có tính cách quan trọng nhờ ở “tam giác chiến lược” thuận lợi mà sự bình thường hóa đã tạo ra. Sự không quan tâm ban đầu của chính quyền Clinton đến các quan hệ Mỹ-Trung phần nào là bởi sự kiện rằng, sau khi có sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết, “lá bài Trung Hoa” không còn cần thiết nữa. Khi Trung Hoa vươn lên tầm toàn cầu đối với Mỹ, các quan hệ của nó với các quốc gia khác cũng nâng cao như thế, nhưng chỉ ở mức độ mà chúng ảnh hưởng đến các quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ. Từ đấy, Hoa Kỳ quan tâm đến quyền lực mềm của Trung Hoa tại Đông Nam Á, nhưng chính yếu khi nó ảnh hưởng đến các quyền lợi của Hoa Kỳ. Sự lưu tâm toàn cầu cũng bị lôi cuốn bởi các cuộc khủng hỏang, chẳng hạn như cơn Sóng Thần ở Ấn Độ Dương hồi tháng Mười Hai năm 2004 hay các cuộc biểu tình tại Miến Điện hồi tháng Chín năm 2007.
Một quyền lực toàn cầu có khuynh hướng giả định rằng tất cả các quyền lợi của nó có tính cách toàn cầu, và rằng chúng được chia sẻ bởi phần còn lại của thế giới. Nó cũng giả định rằng các quyền lợi toàn cầu đương nhiên có một mức độ ưu tiên hơn các quyền lợi địa phương thuần túy. Chính vì thế nó thường lấy làm thất vọng và không kiên nhẫn với sự hợp tác cấp miền, bởi vì các quốc gia trong một vùng thường có các quyền lợi và sự quan tâm phức tạp hơn đối với các lân bang của chúng. Vấn đề đặt tiêu điểm vào một sự việc duy nhất của Hoa Kỳ trong sự căng thẳng của các quyền lợi phức tạp hơn của các nước láng giềng đặc biệt hiển hiện trong các cuộc thảo luận về năng lực hạt nhân Bắc Hàn kể từ năm 2002.
Một tác động của việc trộn lẫn các quyền lợi quốc gia với các quyền lợi toàn cầu là quyền lực toàn cầu thường phóng chiếu các quyền lợi quốc gia nhỏ hẹp như là các mối quan tâm toàn cầu, hay đòi hỏi các quốc gia khác phải chia sẻ sự giải thích cá biệt của nó về các mối quan tâm toàn cầu. Ngược lại, các sự việc có vẻ mang tầm quan trọng toàn cầu đối với các quốc gia khác có thể bị xem nhẹ bởi quyền lực toàn cầu. Một thí dụ gần đây là việc hâm nóng tòan cầu.
Trong khi Hoa Kỳ quan tâm đến các khía cạnh toàn cầu của các hoạt động cấp miền và ngay cả trong nội địa [mỗi nước], nó lại không quan tâm đặc biệt đến ảnh hưởng địa phương của các chính sách toàn cầu. Trong cuộc khủng hỏang tài chính Á Châu năm 1997 đã có một sự lãnh đạm tương đối của “Khối Đồng Thuận ở Hoa Thịnh Đôn’ về sự xáo trộn và khổ sở của các nước bị ảnh hưởng. Toàn thể lịch sử của chiến tranh Hoa Kỳ tại Việt Nam được tiêu biểu bởi sự ưu tiên hóa các mục tiêu toàn cầu và sự lãng quên các ảnh hưởng địa phương trên Việt Nam. Trái ngược với sự tham lam của người Pháp, các kẻ có lợi nhuận phát sinh chính yếu từ các vụ xuất cảng lúa gạo, sự can dự của Hoa kỳ với đầu óc toàn cầu hơn đã biến Nam Việt Nam trở thành một nước nhập cảng gạo vào năm 1969.
Sự bất cân xứng, yếu tố thứ ba, nhất thiết được bao hàm bởi tư thế của Hoa Kỳ như một quyền lực toàn cầu, nhưng các ảnh hưởng của nó có thể phân biệt được. Đó là một tình trạng thái phức tạp đặc biệt trong quan điểm của Hoa Kỳ về mối quan hệ Trung-Việt bởi vì Hoa Kỳ mạnh hơn về mặt kinh tế và quân sự đối với bất kỳ nước nào, mà cũng òn vì Trung Hoa có một mối quan hệ bất cân đối với Việt Nam.
Sự bất cân đối có một ảnh hưởng sâu xa đến quan điểm của các nước tham dự. 22 Bởi có sự khác biệt trong các năng lực, nước yếu hơn bị lộ diện nhiều hơn trong mối quan hệ so với nước mạnh hơn. Nước mạnh hơn theo định nghĩa có tỷ lệ được hay mất ít hơn, và chính vì thế ít giao kết hơn trong mối quan hệ. Nếu nước mạnh hơn phải tự mình can dự vào một vấn đề, nó sẽ có khuynh hướng bắt nạt nước yếu hơn, cố gắng thúc đẩy nước nhỏ tuân theo các sở hiếu của mình. Hành động tối hậu trong việc dọa nạt là điều mà nước mạnh hơn nhìn như một “cuộc chiến tranh nhỏ”, có nghĩa, một cuộc tranh chấp có vũ trang với một đối thủ là kẻ không thể trả đũa trong cùng một cung cách. Tuy nhiên, điều có vẻ là một cuộc chiến tranh nhỏ với nước mạnh hơn lại là một sự đe dọa sinh tử đối với nươc yếu hơn, và trong khi nó không thể hủy diệt được nước mạnh hơn, nó có thể kéo dài sự kháng cự của nó cho đến khi nó phả hỏng được các mục tiêu chiến tranh của nước mạnh hơn.
Ở cực điểm của chiến tranh, thí dụ hay nhất của các sự khác biệt không cân đối là cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hoa Kỳ đã tiếp tục “leo thang trong một vũng lấy” bởi vì nó không thể chấp nhận sự thất bại và nó nghĩ rằng nó có thể đạt tới một ngưỡng sức mạnh khiến cho đối phương phải đầu hàng. Cũng có nhiều tình trạng thấp hơn cực điểm bị ảnh hưởng bởi sự bất cân đối. Sự đáp ứng rất chậm chạp của Hoa Kỳ trước sự ngở lời bình thường hóa quan hệ của Việt Nam có thể được giải thích một cách hay nhất bởi sự kiện là mối quan hệ chỉ đơn giản không có tính cách quan trọng đủ đối với Hoa Kỳ để làm việc tái duyệt về ngoại giao và tái định hướng về chính trị mà sự bình thường hóa sẽ dòi hỏi. Nó đã dùng sự gia nhập sắp diễn ra của Việt Nam vào khối ASEAN để đặt ra một hạn kỳ cho sự bình thường hóa.
Bất kể sự bất ca6n bằng của các năng lực, các mối quan hệ không đối xứng có thể ổn định. 23 Sự cẩn trọng là một lập luận cho sự ổn cố: cả hai bên có thể hiểu biết từ kinh nghiệm rằng sự chiến thắng trong một cuộc chiến tranh nhỏ thì khó khăn, và rằng sự kháng cự, ngay dù thành công, cũng rất hao phí. Nhưng mỗi bên có các yêu cầu khác nhau cho tình trạng bất cân đối bình thường. Nước yếu hơn dễ bị công kích. Vì thế nó cần đến sự thừa nhận khả tín cho sự tự trị của nó từ nước mạnh hơn. Bên mạnh hơn cần sự kính nể từ kẻ yếu hơn. Nó cần biết rằng bên yếu hơn chấp nhận sự bất cân bằng hiện hữu của các năng lực. Mối quan hệ bất cân đối bình thường không phải là mối quan hệ của sự thống trị và thần phục. Hoàn toàn ngược lại. Sự bình thường hóa trong quan hệ Trung-Việt năm 1991 được đặt căn bản trên sự thất bại không đạt được các mục đích đơn phương bằng vũ lực trong mười hai năm thù nghịch trước đó. Trong khuôn khổ tổng quát của sự thừa nhận và kính nể cả hai bên có thể thương thảo về các quyền lợi của họ.
Tình trạng bất cân đối tam giác chẳng hạn như giữa Hoa Thịnh Đốn-Bắc Kinh-Hà Nôi (WBH) bổ túc thêm các mức độ mới của sự phức tạp. Có một sự quyến rũ tự nhiên cho nước mạnh nhất và nước yếu nhất liên minh chống lại nước ở giữa, bởi vì nước ở giữa là mối đe dọa tiềm ẩn lớn hơn đối với nước mạnh nhất và nước yếu nhất có thể dấu mình đàng sau nước mạnh nhất. Tuy nhiên, một sự liên minh như thế sẽ đặt nước yếu nhất vào một vị trí bấp bênh. Nước mạnh nhất không cần đến sức mạnh bổ túc của nó, và nó lại cự tuyệt sự kính nể dành cho nước ở giữa, do đó minh chứng cho sự thù nghịch đến từ một quyền lực mạnh hơn chính nó. Hơn nữa, trong tam giác WBH, nước mạnh nhất hoạt động trong một môi trường toàn cầu hoàn toàn khác với khung cảnh của nước yếu nhất, và vì thế các điều khoản cho sự liên minh có thể thay đổi một cách bất ngờ và vì các nguyên do không liên hệ gì đến các hoạt động của nước yếu nhất. Một thí dụ liên quan nhiều nhất đến một sự chuyển hướng như thế chính là chính sách Thái Bình Dương mới của Gorbachev hồi năm 1986 và ảnh hưởng của nó trên liên minh Sô Viết-Việt Nam.
Kết Luận
Quan điểm của Hoa Kỳ về mối quan hệ Trung-Việt có thể có tính cách “khách quan” hơn quan điểm của các nước tham dự, nhưng nó mang các đặc tính riêng và có các giới hạn của nó. Trong thực tế, như thí dụ về đề nghị của Roosevelt cho thấy, điều có thể xảy ra cho Hoa Kỳ là sẽ còn phạm phải nhiều sai lầm về mối quan hệ hơn là bất kỳ bên nào có can dự trực tiếp. Quan điểm của Hoa Kỳ thì không một chiều, nhưng nó có tính cách xa xôi, toàn cầu, và bất cân đối. Bởi vì nó xa xôi, quyền lợi Hoa Kỳ sẽ có khuynh hướng nhắm vào từng vấn đề; bởi vì nó là một quyền lực toàn cầu, tiêu điểm sẽ là các vấn đề toàn cầu, và bởi vì sự bất cân đối, Hoa Kỳ sẽ có khuynh hướng thúc đẩy cho các giải pháp của các vấn đề hơn là tham gia vào việc quản trị tiếp dưỡng đa phương các vấn đề.
Với tình hình hiện tại của mối quan hệ Trung-Việt bình thường trong bối cảnh rộng lớn hơn của các mối quan hệ Đông Á bình thường, quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ là vai trò hỗ trợ. Trái với mối quan hệ trong các thập niên 1950 và 1960, mối quan hệ Trung-Việt hiện nay không có tính cách chuyên biệt hay độc nhất. Chình vì thế các vấn đề phát sinh giữa Hoa Kỳ với Trung Hoa và Việt Nam phần nhiều có tính cách song phương hay có thể có tính cách cấp miền, và chúng nhiều phần không đặt tiêu điểm vào chính mối quan hệ Trung-Việt.
Dù sao, sự trổi dậy của Trung Hoa làm thay đổi cơ cấu quyền lực toàn cầu, và một phần lớn sự thay đổi là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Hoa tại ba miền của nó tại Đông Bắc Á, Đông Nam Á, và Trung Á. Trong khi các quan hệ được cải thiện của Trung Hoa đã không nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ, chúng có ảnh hưởng đến sức mạnh tương đối của ảnh hưởng Hoa Kỳ. Cho đến mức độ mà sự hiện diện toàn cầu của Trung Hoa được đặt trên sự hiện diện cấp miền của nó, tầm quan trọng toàn cầu của các mối quan hệ cấp miền của Trung Hoa đang gia tăng, và cùng với nó là sự quan tâm của Hoa Kỳ.
—–
Một phiên bản trước đây của bài viết này đã được trình bày tại Kỳ Hội Nghị Tam Phương Hoa Kỳ – Trung Hoa – Việt Nam Lần Thứ Nhì tại Sanya, Tỉnh Hải Nam, Trung Hoa, tổ chức bởi Asia Foundation, China Institute of International Studies, và Viện Quan Hệ Quốc Tế Việt Nam. Được đăng tải tạp chí Japan Focus trên mạng ngày 19 tháng Một, 2008.
Về tác giả: Brantly Womack là Giáo Sư về Ngoại Giao Sự Vụ tại Đại Học University of Virginia và tác giả của tập nghiên cứu nhan đề China and Vietnam: The Politics of Asymmetry.
Email của tác giả: [email protected]
_____
CHÚ THÍCH:
1. Theo Phó Tổng Thống Wallace: “Tổng Thống {FDR] chỉ thị tôi [Wallace] thông báo cho Tưởng [Giới Thạch] rằng ông đã đề nghị để xem xét rằng cả Hồng Kông và Đông Dương sẽ được giao hoàn về cho Trung Hoa, và rằng ông muốn nhìn thấy một chính phủ mạnh, thực sự dân chủ tại Trung Hoa, sẵn lòng và lo lắng đến việc sống chung hòa bình với các nước láng giềng của nó.” Henry Wallace, Toward World Peace (New York: Reynal and Hitchcock, 1948), trang 97. Tác giả Bernard Fall đã xác nhận câu chuyện (và sự từ khước của Tưởng Giới Thạch về đề nghị này) với Wallace. Xem Bernard Fall, The Two Vietnams (New York: Praeger, 1964), các trang 54; 453n.
2. King Chen, Vietnam and China, 1948-1954 (Princeton: Princeton University Press, 1969). Sự giao trả quan trọng của Pháp là Đồn Fort Bayard, giờ đây thuộc Zhanjiang, Quảng Đông.
3. History of the Indochina Incident, 1940-1954 (Washington: Historical Division, Joint Secretariat, Joint Chiefs of Staff, được soạn thảo nguyên thủy hồi tháng Hai, 1953, ấn bản thứ nhì năm 1971, ấn bản giải mật 1981.
4. US Department of State White Paper, Aggression from the North, the Record of North Vietnam ‘s Campaign to Conquer South Vietnam, (Washington: Government Publications Office, 1965)
5. “Viet-Nam Action Called “Collective Defense Against Armed Aggression”, Bản Tuyên Bố Của Bộ Ngoại Giao được đọc cho thông tín viên vào ngày 4 tháng Ba, 1965 bởi ông Robert J. McCloskey, Giám Đốc, Phòng Báo Chí, Tạp Chí Department of State Bulletin, March 22, 1965, trang 403.
6. Sự trần thuật điển hình về các cuộc thương thảo này là của Nayan Chanda, Brother Enemy (New York: Macmillan, 1986).
7. Vietnam gia nhập Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế (COMECON) do Sô Viết lãnh đạo hồi tháng Sáu năm 1978, và ký kết một hiệp ước thân hữu hồi tháng Mười Một.
8. Xin xem, thí dụ, Douglas Pike, Vietnam and Soviet Union: Anatomy of an Alliance (Boulder: Westview, 1987)
9. Hơn 160 nước đã thừa nhận Việt Nam vào lúc đó. Xem Bùi Thanh Sơn, “Vietnam-US Relations and Vietnáms Foreign Policy in 1990s”, trong Carl Thayer, ed., Vietnamese Foreign Policy in Transition (New York: St. Martin ‘s Press, 1999), các trang 202-214.
10. Một biến đổi ngoạn mục hơn nữa đã xảy ra trong các thái độ của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa và Đông Bắc Á. Trung Hoa bước từ việc là một kẻ thù vô nhân đạo, tàn nhẫn trong Chiến Tranh Triều Tiên thành nước triệu tập cấp miền đáng kính Các Cuộc Nói Chuyện Sáu Bên.
11. Xem Bronson Percival, The Dragon Looks South: China and Southeast Asia in the New Century (Westport: Praeger, 2007), trang 10.
12. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, “Hoa Kỳ xem việc đạt được sự kiểm điểm đầy đủ nhất có thể được về các quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích và chưa được tìm thấy tại Đông Dương là môt trong các ưu tiên cao nhất đối với Việt Nam”. Tóm lược về các quan hệ Mỹ-Việt.
13. Xem White House, Office of the Press Secretary, November 17, 2006.
http: //www.whitehouse.gov/news/releases/2006/11/20061117-4.html
14. Henry Kenny, Shadow of the Dragon: Vietnam‘s Continung Struggle with China and the Implications for US Foreign Policy (Washington: Brassey ‘s, 2002).
15. Jane Perlez, “Asian Leaders Find China a More Cordial Neighbor”, New York Times, October 17, 2003.
16. Xin xem, thí dụ, Joseph Nye, Soft Power (New York: Public Affairs, 2004). Về một sự phê bình khái niệm của tác giả Nye về quyền lực mềm, xem Brantly Womack, “Dancing Alone: A Hard Look at Soft Power”, Japan Focus (November 2005).
17. Percival, The Dragon Looks South, chương 7.
18. Joshua Kurlantzi, Charm Offensive: How China‘s Soft Power is Transforming the World (New Haven, Yale University Press, 2007). Từ ngữ “Cuộc Tấn Công Tán Tỉnh Mê Hoặc” được dùng lần đầu năm 1988 để chỉ nền ngoại giao của Mikhail Gorbachev đối với khối Tây.
19. Perlez, New York Times, November 18, 2004.
20. Robert Sutter, “China‘s Regional Strategy and Why it might not be Good for America”, trong David Shambaugh, ed., Power Shift: China and Asia ‘s New Dynamics (Berkeley: University of California Press, 2005), các trang 289-306.
21. Brantly Womack, “China and Southeast Asia: Asymmetry, Leadership and Normalcy”, Pacific Affairs 76:3 (Winter 2003-4), các trang 529-548.
22. Brnatly Womack, “Asymmetry and Systemic Misperception: The cases of China, Vietnam and Cambodia during the 1970s”, Journal of Strategic Studies 26:2 (June, 2003), các trang 91-118.
23. Brantly Womack, China and Vietnam: the Politics of Asymmetry (New York: Cambridge University Press, 2006).
____
Nguồn: Tạp Chi Japan Focus, trên mạng internet, ngày 19 tháng Một năm 2008
http://japanfocus.org/products/details/2636