Hồng Y Francis Spellman và "Cuộc chiến tranh của Spellman"

Ngô Bắc dịch

Nguồn: Wilson D. Miscamble, C.S.C., Francis Cardinal Spellman and “Spellman’s War”, The Human Tradition in The Vietnam Era, Wilmington, Delaware: Scholarly Resources Inc., 2000, các trang 3-22.

Hồng Y Francis Spellman, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Foster Dulles ở New York, tháng 5 năm 1957

Các căn nguyên của sự dính líu của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam có gốc rễ sâu xa nơi Chiến Tranh Lạnh. Mặc dù các sử gia tiếp tục tranh luận về việc Chiến Tranh Lạnh đã khởi phát ra sao và tại sao nó kéo dài quá lâu, không có gì thắc mắc về việc nhiều người Mỹ đã tin tưởng mãnh liệt rằng một mối đe dọa hung hăng, trên toàn thế giới đối với Hoa Kỳ được phóng ra từ Liên Bang Sô Viết và các đồng minh cộng sản của nó. Cái được gọi là sự đồng thuận về Chiến Tranh Lạnh này đã dẫn dắt nhiều nhà làm chính sách thận trọng và các nhà lãnh đạo công luận đến việc xem Bắc Việt do cộng sản cầm đầu như bộ phận của mối nguy hiểm toàn cầu này. Một trong những người biện hộ ngoài chính quyền hiển hiện nhất cho sự can dự của Hoa Kỳ tại Việt Nam như một sự phòng vệ cho quốc gia và bản thân chế độ dân chủ là Francis Cardinal Spellman, tổng giám mục Công Giáo La Mã ở New York.

Wilson D. Miscamble nghiên cứu cuộc đời của Spellman và vai trò của ông như một phát ngôn viên cho cảm thức chống cộng được cảm nhận một cách sâu xa trong văn hóa Chiến Tranh Lạnh của Hoa Kỳ. Ông suy tưởng về thực chất của các lời tuyên xác của một số nhà quan sát rằng Spellman đã đóng một vai trò bất thường trong việc đẩy Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ông cũng khảo sát liên hệ của Spellman với Ngô Đình Diệm, tổng thống của Nam Việt Nam, cũng là một người sùng đạo Công Giáo La Mã. Ngay cả sau khi có cái chết của ông Diệm năm 1963, Spellman tiếp tục vai trò không chính thức của mình như “tổng tuyên úy của Chiến Tranh Việt Nam”. Và cho đến khi từ trần vào năm 1967, vị tổng giám mục vẫn biện hộ một cách cương quyết chính nghĩa của sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho dù cảm nghĩ chống chiến tranh đã dâng cao. Các ý kiến thành thật, nếu không phải thường gây tranh luận, của Spellman giúp chúng ta hiểu được làm sao mà cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam lại xảy ra như thế.

Wilson D. Miscamble, C.S.C., là phó giáo sư lịch sử tại Đại Học University of Notre Dame, thành phố Notre Dame, Indiana, nơi ông nhận được văn bằng Tiến Sĩ. Ông là một chuyên viên về lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ thời hậu thế chiến, và tác phẩm của ông, George F. Kennan and the Making of American Foreign Policy, 1947-1950 (xuất bản năm 1962) đã nhận được giải thưởng Harry S. Truman Book Award. Hiện thời, ông đang tham gia vào việc nghiên cứu cho một quyển sách viết về Công Giáo và chính sách ngoại giao Hoa Kỳ từ 1890 đến 1990.

*****

Trong hồi ức thân mật và nhiều ám ảnh của mình, quyển An American Requiem, tiểu thuyết gia James Carroll đã lập luận rằng “Chiến Tranh Việt Nam đã khởi sự như Cuộc Chiến Tranh của Spellman”.(1) Tác giả Carroll đã trình bày sự tham dự của Mỹ vào cuộc xung đột Việt Nam như kết quả của chủ thuyết chống cộng nhiều ám ảnh và sự vận động đằng sau hậu trường của Francis Cardinal Spellman ở New York. Sự phác họa của ông về vai trò được nghĩ là quan trọng của Spellman trong việc ảnh hưởng đên chính sách của Mỹ tại Việt Nam đã lập lại dòng chữ đầu tiên của bài “Nhóm Vận Đồng Hành Lang Cho Việt Nam: The Vietnam Lobby”, bài viết điều tra nổi tiếng được ấn hành trên tạp chí Ramparts năm 1965 trong đó các ký giả Robert Scheer và Warren Hinckle mô tả Spellman như một phần của một nhóm âm mưu chính trị có thực đã hợp tấu sự ủng hộ của chính quyền Eisenhower cho ông Ngô Đình Diệm.(2) Các sự cáo giác của Scheer-Hinckle “được chứng tỏ khá bền bỉ” như một quan sát viên thận trọng đã ghi nhận, và, trong thực tế, họ đã tìm được con đường để bước vào tác phẩm của một số sử gia nối kết Spellman một cách chặt chẽ với sự lên nắm quyền lực của ông Diệm?(3) Quan điểm này về vị hồng y như là người bảo trợ then chốt cho nhà lãnh đạo đầu tiên của Nam Việt Nam đã phóng đại về trách nhiệm của ông cho việc cấu tạo quyết định của Hoa Kỳ và, cùng lúc, làm lu mờ một sự hiểu biết về vai trò thực sự của ông trong Cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Ông đã không phải một nhà cấu tạo chính sách nhiều ảnh hưởng cho bằng một kẻ cổ vũ công khai sự cam kết của Hoa Kỳ dành cho Miền Nam (Việt Nam) và vị tổng tuyên úy không chối cãi cho nỗ lực quân sự sau rốt của Hoa Kỳ ở đó. Hiểu biết được các cội rễ và căn bản của sự ủng hộ toàn tâm của ông cho sự tham dự của Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam cho phép có được một sự thẩm định phong phú hơn về các đức tin và các điều thâm tín ẩn mình bên dưới nỗ lực to lớn của Mỹ tại Đông Dương.

Francis Joseph Spellman sinh ra tại Whitman, Massachusetts ngày 4 Tháng Năm, 1889. Ông tốt nghiệp từ Đại Học Fordham University năm 1911 và tiến bước từ đó lên trường North American College tại Rome, nơi ông thụ phong linh mục vào năm 1916. Sau khi phục vụ tại giáo xứ sinh quán tại Boston, ông đã quay lại Rome vào năm 1925 để đảm trách một sự bổ nhiệm tại Văn Phòng Bộ Trưởng Ngoại Giao của Vatican, nơi ông quen biết với Hồng Y Eugene Pacelli. Chính Hồng Y Pacelli, giờ đây là vị Giáo Hoàng Pius XII mới được tuyển cử, đã bổ nhiệm người bạn và được bảo trợ của mình làm tổng giám mục địa phận New York ngày 15 Tháng Tư, 1939. Từ căn cứ này, với tư cách nhà lãnh đạo tinh thần của hai triệu tín đồ Công Giáo La Mã tại địa phận giàu có nhất và thế lực nhất của đất nước, Spellman đã mau chóng xuất hiện như giáo chủ Công Giáo quyền thế nhất và nổi tiếng nhất của Mỹ. Sau khi được phong lên Hồng Y trong năm 1946, thẩm quyền chính thức của ông kết hợp với ảnh hưởng cá nhân và công cộng biến ông thành một nhân vật nổi bật không phải chỉ trong số các người Công Giáo Mỹ mà còn cả trong nước nói chung. Mục vụ bổ túc của ông như vị phó tế quân đội cho các tín đồ Công Giáo La Mã trong quân lực Hoa Kỳ, xuyên qua đó ông phụ trách các giáo sĩ tuyên úy Công Giáo và quân nhân cùng gia đình mà họ cai quản, càng làm gia tăng sự nổi bật công cộng của ông. Bắt đầu trong Thế Chiến II và tiếp tục sau đó, vị hồng y đã thực hiện một nỗ lực đặc biệt để viếng thăm các binh sĩ Mỹ đồn trú ở hải ngoại, và ông đặc biệt nhắm tới việc đón lễ Giáng Sinh mỗi năm với các lực lượng đóng quân xa quê nhà.

Thế Chiến II đã mang lại cơ hội cho sự xuất hiện của Spellman như nhà lãnh đạo Công Giáo nổi bật, và cung cấp cho ông thiên thời để bày tỏ lòng yêu nước mạnh mẽ ở lại mãi trong ông cho đên khi từ trần vào năm 1967. Ngay cả trước khi có sự can thiệp của Hoa Kỳ vào tai họa chiến tranh vĩ đại đó, Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt (FDR) đã yêu cầu Spellman hành động như một người điều giải đủ thứ việc trong các sự thương thảo của ông với Giáo Hoàng Pius XII. Spellman thú vị với vai trò này, đã mau chóng phát triển một mối quan hệ tốt với Tổng Thống Mỹ, và đến thăm viếng Tòa Bạch Ốc một cách thường xuyên. Không có mấy nghi ngờ rằng ông ngưỡng mộ FDR, chứng tỏ là một người ủng hộ mãnh liệt các chính sách của Roosevelt, và để rồi được gán nhãn hiệu là “vị giám mục được ưa thích” của Tổng Thống. Trong năm 1940, ông kêu gọi một cách công khai một nền quốc phòng vững mạnh hơn, và khi Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) bị tấn công, ông đã tán dương lẽ chính đáng của chính nghĩa Hoa Kỳ và đã ủng hộ nó với nhiệt tình sâu đậm. Trong thực tế, Spellman đã đồng nhất đất nước của ông với giáo hội của ông là một. “Tổng Thống của chúng ta và Đức Thánh Cha [Giáo Hoàng] của chúng ta”, ông tuyên bố, “đã kết hợp các lực lượng của xứ sở vĩ đại chúng ta với các lực lượng của tôn giáo trong một trận chiến cho hòa bình”. (4) Đối với ông chế độ dân chủ của Hoa Kỳ và Thiên Chúa Giáo được nối kết trong một cuộc thánh chiến chống lại những kẻ xâm lược vô thần.

Sự mất ảo tưởng sâu xa của Spellman đối với Franklin Roosevelt – vị tổng thống mà ông có mối quan hệ chặt chẽ nhất và là người ông có sự tiếp cận dễ dàng nhất – đã xảy ra sau sự từ trần của FDR hồi Tháng Tư, 1945, khi ông dần dà hay biết được tất cả các chi tiết của các sự thỏa hiệp tại Yalta và khi ông nhìn thấy các thủ đô của Đông Âu gục ngã xuống đằng sau điều mà Winston Churchill sẽ sớm mệnh danh là Bức Màn Sắt. Vị tổng giám mục đã không mất thì giờ để đắm mình trong sự bàng hoàng và thất vọng về điều mà ông xem là các lỗi lầm của Roosevelt mà thay vào đó đã hoạt động để cảnh tỉnh đồng bào Mỹ của ông về hiểm họa được đưa ra bởi sự bành trướng của Sô Viết. Sự hợp nhất của ông “các chủ đề của Công Giáo và lý tưởng Mỹ” chỉ được tăng cường thêm khi ông đối diện với một mối đe dọa mới và nguy hiểm cho tôn giáo và quốc gia của ông.(5)

Đối với ông, chủ nghĩa cộng sản không chỉ đơn thuần là “một kẻ thù của Công Giáo” mà còn là một “thách thức đối với mọi người tin tưởng nơi Hoa Kỳ và Thượng Đế”.(6) Ông đã cảnh cáo chống lại sự đe dọa của cộng sản trong nước nhưng hướng các sự phản đối mãnh liệt nhất chống lại sự trấn áp của cộng sản tại Yugoslavia [Nam Tư trước đây], Hungary, Tiệp Khắc, và Ba Lan. Ông đã trách móc chống lại sự đối xử tàn tệ và tra tấn các nhân vật tôn giáo nổi tiếng như Tổng Giám Mục Nam Tư, Aloysius Stepinac và vị Hồng Y của Hungary, Josef Mindszenty.(7) Các sự tường thuật sống động về sự tra tấn, cầm tù, và đàn áp tôn giáo – “ở một mức độ,” tác giả Wilfred Sheed có lần ghi nhận, mà đầu óc thông thường xem chừng không bao giờ hiểu thấu hay quan tâm đến” – đã quấy rầy Spellman một cách lớn lao.(8) Chúng khơi sâu ác cảm tận gan ruột mà ông cảm nhận đối với chủ nghĩa cộng sản trong mọi biểu hiện của nó. Ông đã xuất hiện như “lãnh tụ chính trị” không thể nhầm lẫn được của chủ trương chống cộng của Công Giáo tại Hoa Kỳ, sở đắc “một niềm tin đơn giản: Chủ Nghĩa Cộng sản là xấu xa, Công Giáo và Mỹ là tốt, vì thế Công Giáo và Mỹ phải liên kết với nhau trong việc chiến đấu chống lại chủ nghĩa Cộng Sản vô thần”.(9) Vị Hồng Y đã phát biểu với sự thành thật về một cuộc tranh đua giữa các nền văn minh, và khi thập niên 1940 đi đến hồi chấm dứt, ông đã lo sợ rằng chủ nghĩa cộng sản đang chiến thắng.

Các nỗi lo sợ của Spellman lại chỉ gia tăng khi các lực lượng cộng sản mở cuộc tấn công tại Á Châu. Cuộc chiến thắng của cộng sản tại Trung Hoa trong năm 1949, được theo sau một cách mau chóng bởi các câu chuyện về sự tra tấn các nhà truyền đạo Tây Phương và sự ngược đãi các tín đồ Thiên Chúa Trung Hoa, đã xác định các niềm thâm tín của ông rằng cộng sản là kẻ thù sinh tử của tôn giáo và chế độ dân chủ. Ông đã hậu thuẫn một cách mau lẹ sự đáp ứng quân sự của chính quyền Truman trước cuộc xâm lăng của Bắc Hàn vào Nam Hàn, và nhanh chóng đến thăm viếng các chiến trường, làm lễ đọc kinh cho các binh sĩ tại các địa điểm như Pork Chop Hill và Heartbreak Ridge. Spellman rõ ràng thích thú với vai trò của mình như tuyên úy quân đội, bởi điều này cho phép ông thủ diễn một số sự việc của một bộ phận trực tiếp trong sự kiện mà ông nhìn như cuộc đấu tranh vĩ đại và thiết yếu giữa các lực lượng tự do và bạo tàn.

Hồng y cũng theo đuổi một cách mạnh mẽ chiến dịch chống cộng sản của ông tại quê nhà, đi xa đến độ cung cấp sự ủng hộ giới hạn cho các hoạt động của Thượng Nghị Sĩ Joseph McCarthy. Qua việc này, Spellman đã mài dũa các kỹ năng của mình khi tân công phe cấp tiến Mỹ ở mức độ nặng nề. Sự trao đổi nóng bỏng của ông với Eleanor Roosevelt về vấn đề trợ giúp của Liên Bang cho các trường học của giáo hội trong năm 1949, sự sử dụng của ông các chủng sinh để trợ lực vào việc phá vỡ cuộc đình công của nhân công đào huyệt chôn cất trong cùng năm đó, và sự nghênh chào Tướng Douglas MacArthur khi có lệnh triệu hồi viên tướng từ Korea về, cộng với các nỗ lực của ông trong thập niên 1950 để ngăn cấm một số phim ảnh nào đó mà ông xem là tục tĩu hay phạm thánh, biến ông trở thành nhân vật bị ghét cay ghét đắng [bête noire, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] đối với những kẻ thuộc một phái cấp tiến hơn. Spellman hiếm khi né tránh sự tranh cãi và là mục tiêu cho nhiều sự chỉ trích và biếm họa. Chắc chắn ông xứng đáng với tiếng tăm của mình như một kẻ bảo thủ về chính trị và xã hội, nhưng các động lực của ông thì thành thật, và các hành động của ông tiến hóa từ một thế giới quan được định hình bởi các đức tin Công Giáo và lòng yêu mến Hoa Kỳ của ông. Tác giả Wilfred Sheed nhất quyết đã chính xác khi nêu ý kiến rằng “đường lối chống chủ nghĩa cộng sản của Spellman đã tập hợp tín đồ của ông thành một Giáo Hội tranh đấu và mang lại vũ khí chiến đấu sắc bén cho tín ngưỡng của họ, trong khi nó cũng làm ông có vẻ quan trọng trên bình diện quốc gia, một người giống như chính khách (quasi-stateman)”, nhưng các thành quả này trong thực chất là các phó sản của đức tin sâu xa của ông rằng chủ nghĩa cộng sản là một mối đe dọa chết người đối với tín ngưỡng và quốc gia của ông. Một mối đe dọa như thế, ông tin tưởng, phải bị chống đối khắp nơi trên thế giới, kể cả ở các nơi tương đối ẩn khuất như Đông Dương.(10)

Khi nhiều người Mỹ lần đầu tiên cứu xét đến chính sách về Việt Nam trong thập niên 1950, họ đã phải kiểm tra lại vị trí của xứ sở này trên một bản đồ. Spellman đã không cần đến bài học địa dư như thế. Ông đã đi ngang qua một số thành phố Đông Nam Á trên đường về quê sau một cuộc viếng thăm Australia trong năm 1948. Ông đã dừng chân tại Singapore và Bangkok, bay ngang qua Angkor Wat tại Căm Bốt, và đã thực hiện một chuyến viếng thăm ngắn ngủi tại Sài Gòn trước khi tiến bước đến Quảng Châu (Canton) và Hồng Kông. Chuyến viếng thăm này dường như là một cuộc viếng thăm chủ yếu hữu nghị các đồng đạo, và ông đã nhân cơ hội này bày tỏ sự khâm phục lòng can đảm của các nhà truyên đạo Công Giáo hoạt động trong khu vực. Ông cũng đã gặp gỡ các thành viên của giới giáo sĩ địa phương, kể cả, rõ ràng, Giám Mục Ngô Đình Thục, người anh của nhân vật phe dân tộc chủ nghĩa có tên là Ngô Đình Diệm. Không có bằng chứng hiện hữu rằng họ đã có bất kỳ sự liên lạc nào khác nữa cho đến khi ông Thục tái thiết lập sự tiếp xúc với Spellman tại Hoa Kỳ trong năm 1950.

Bất đồng với cả chế độ Việt Minh cộng sản và chính quyền thực dân Pháp có Bảo Đại làm hoàng đế bù nhìn, ông Diệm rời Việt Nam trong năm 1950 tháp tùng ông Thục và du hành sang Hoa Kỳ và sau đó sang Âu Châu. Qua sự can thiệp của Linh Mục Fred McGuire, một linh mục dòng Vincent và nguyên là nhà truyền giáo tại Á Châu, ông Thục và ông Diệm đã gặp gỡ Spellman.(11) Nhiều điều được nói về sự quen biết của họ, nhưng ít sự việc xem chừng đã diễn ra từ sự quen biết đó hồi đầu thập niên 1950. Spellman có thể đã giúp đỡ để dàn xếp cho ông Diệm trú ngụ tại các tu viện của Hội Truyền Giáo Maryknoll Mission Society ở Ossining, New York, và Lakewood, New Jersey, nhưng liệu họ có bất kỳ liên hệ nào khác hay không thì không rõ. Tác giả Joseph Morgan ghi nhận rằng “thư tín của những người ủng hộ của ông Diệm hồi đầu thập niên 1950 không có sự đề cập đến Spellman”, khiến ta nghĩ rằng các sự cáo giác rằng vị hồng y trong thực chất đã bảo trợ ông Diệm và giới thiệu ông với các người Mỹ thế lực phải được nhìn với một số sự ngờ vực.(12) Chắc chắn có ít bằng chứng cho kịch bản này, và rõ ràng rằng ông Diệm đã có sự tiếp xúc khá giới hạn với Spellman trong hai năm rưỡi ông sinh sống tại Hoa Kỳ. Ông Diệm thảo luận trực tiếp với Bộ Ngoại Giao và tìm kiếm các người bảo trợ khác tại Washington, D. C., chẳng hạn như thẩm phán Tối Cao Pháp Viện William O. Douglas, người, trong năm 1953, đã giới thiệu nhà lãnh đạo Việt Nam tương lai với các người ủng hộ như Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield và Thượng Nghĩ Sĩ John F. Kennedy.(13) Ông Diệm đã xuất hiện trước các nhân vật như thế để đại diện cho một “lực lượng thứ ba” – ông rõ ràng là một người phe dân tộc chủ nghĩa và dân chủ chân chính chống lại cả phe cộng sản lẫn chế độ thực dân Pháp.

Vai trò của các thân hữu người Mỹ của ông Diệm trong việc ông lên nắm giữ quyền hành đã bị nói thái quá. Ông đã rời Hoa Kỳ trong năm 1953 và trải qua gần hết năm kế tiếp tại Pháp. Khi vị thế của Pháp tại Đông Dương trở nên tồi tệ hơn và lên đến mức khủng hoảng sau sự thất trận tại Điện Biên Phủ hồi Tháng Năm 1954, Bảo Đại và người Pháp hướng tới ông Diệm gần như để bỏ cuộc. Có lẽ đó là sự thực, như tác giả Gregory Olson đã nêu ý kiến, rằng họ đã lựa chọn ông bởi “ông là ứng viên có nhiều khả tính nhất để thu hút phe dân tộc chủ nghĩa và nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ”.(14) Chắc chắn đã có các sự phát biểu của Mỹ để ủng hộ cho ông Diệm, có thể còn được chuyển đến Bảo Đại bởi Bộ Trưởng Ngoại Giao John Foster Dulles. Nhưng thật khó hiểu để nêu ý kiến rằng “một nhóm vận động hành lang cho Việt Nam bao gồm các nhân vật Công Giáo nổi bật, kể cả Mansfield, Spellman, và Joseph Kennedy [cha của Thượng Nghị Sĩ, sau này lên làm Tổng Thống Mỹ, John F. Kennedy, chú của người dịch], đã hoạt động xuyên qua John Foster Dulles và CIA (Central Intelligence Agency: Cơ Quan Tình Báo Trung Ương) để đưa ông Diệm lên nắm giữ quyền hành hầu đẩy người Pháp ra ngoài”.(15) Ông Diệm lên nắm giữ quyền lực là nhờ ở chính các uy tín dân tộc chủ nghĩa của riêng ông và xuyên qua các hành vi của Bảo Đại, người đang nóng lòng để cứu vớt một vài điều gì đó từ tình trạng đổ nát của sự thất trận quân sự của Pháp và từ thời khoảng hưu chiến dành cho ông ta bởi các hiệp định ở Geneva, được ký kết trong Tháng Năm [sic, phải là Tháng Bẩy, chú của người dịch], 1954. Liệu ông Diệm có thể tự mình giữ vững quyền lực hay không lệ thuộc trực tiếp nhiều hơn vào Hoa Kỳ.

Ông Ngô Đình Diệm quay trở về Sài Gòn ngày 25 Tháng Sáu, 1954, với ý định cứu nguy quê hương ông. Mặc dù nhiều sự chú ý đã được dành cho tôn giáo Công Giáo của ông, căn bản Khổng học và sự huấn luyện làm quan lại của ông đã mang lại cho ông cảm thức rằng ông hiểu những gì là đúng và tốt cho người dân của ông và thường trực dẫn dắt ông đến việc tìm cách hành sử “chức trách mà không cần dùng đến quyền lực”.(16) Các thách đố mà ông đối diện thì khổng lồ, và một số người Mỹ tại Sài Gòn, đặc biệt vị đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tướng J. Lawton Collins, đã không tin rằng ông có khả năng để khắc phục chúng. Song, ngược lại với mọi điều xem ra bất khả, và với sự hướng dẫn của Edward Lansdale của CIA, ông Diệm đã sống sót trong năm 1954 và tự mình củng cố quyền hành trong hai năm kế đó.

Khi ông Diệm và Lansdale cùng làm việc với nhau để thực hiện “điều kỳ diệu” tại Nam Việt nam, Hồng Y Spellman đã cố gắng phát động sự ủng hộ cho quốc gia mới.(17) Với ông cuộc chiến tranh tại Đông Dương đã là một phần của cuộc xung đột lớn lao xô đẩy các dân tộc tự do chống lại chế độ tàn bạo của cộng sản. Trong một cuộc thăm viếng Pháp hồi Tháng Năm 1954 để thực hiện một sự đóng góp tài chính cho sự xây cất một nhà thờ Mỹ tại Paris, ông đã bày tỏ sự tôn kính hành vi anh hùng của Pháp tại Điện Biên Phủ và cảnh cáo rằng không ai có thể “giữ một vẻ lãnh đạm về những gì hiện đang xảy ra tại Viễn Đông. Sớm hay muộn chúng ta các con người tự do bị hạ thấp xuống làm nô lệ và sẽ bị lôi kéo vào đường lối của con tàu tự sát mù quáng của cộng sản”. Spellman đón nhận các điều khoản của Hiệp Định Geneva với sự kinh hoàng và nhìn chiến thắng của Hồ Chí Minh ở Miền Bắc như “các sự báo hiệu cho các niềm hy vọng về tự do bị chôn vùi tại Đông Nam Á! Các báo hiệu cho hàng triệu người dân Đông Dương mới bị phản bội là những người giờ đây phải hay biết về các sự kiện khủng khiếp của tình trạng nô lệ từ các chủ nhân ông cộng sản cuồng nhiệt của họ”.(19)

Nỗi lo âu chân thật của vị hồng y liên quan đến số phận của những người nóng lòng muốn vượt thoát sự cai trị của họ Hồ tại miền Bắc thúc giục ông tiến tới hành động cụ thể. Trong Tháng Tám 1954, sau khi nhận được tin tức từ “các giám mục anh em của ông tại Việt Nam về cuộc chạy trốn ồ ạt của các thường dân từ miền bắc xuống Miền Nam Việt Nam để vượt thoát chế độ Việt Minh do cộng sản lãnh đạo”, ông đã thảo một lá thư mục vụ được đọc tại tất cả các buổi lễ ngày Chủ Nhật trong tổng địa phận. Trong đó, ông đã phác họa tình hình, kêu gọi cầu nguyện cho các người tỵ nạn, bày tỏ sự khâm phục các nỗ lực mau lẹ của chính phủ Mỹ trong việc trợ giúp vào sự di tản và định cư của họ, và thông báo cho Công Giáo tại New York rằng ông đang bổ túc cho các nỗ lực của chính phủ bằng việc gửi đi các chuyến tiếp tế thực phẩm và quần áo.(20) Với sự hậu thuẫn của Spellman, Cơ Quan Công Tác Cứu Trợ Công Giáo (Catholic Relief Services: CRS) đã thiết lập một chương trình tại miền Nam nhằm trợ lực trong công cuộc định cư người tỵ nạn. Những người đảm trách sự thi hành chương trình này đã nhìn tình hình năm 1954 như là “thật kinh hoàng đến nỗi chúng tôi tự hỏi mình là liệu chúng ta có đang làm điều đúng hay không khi khuyến khích dân tỵ nạn từ Miền Bắc rời bỏ nơi đó để đi xuống miền Nam mà, theo mọi sự tính toán có thể tưởng tượng được, sẽ tự biến thành cộng sản trong một tương lai không mấy xa xôi”.(21) Nhưng đến khoảng cuối năm, nửa triệu dân tỵ nạn (chính yếu là người theo Công Giáo) đã tìm đường xuống miền Nam, mang lại cho ông Diệm một nhóm các ủng hộ viên thực sự trung thành, mà ông đã sử dụng một cách hữu hiệu để củng cố sự nắm giữ quyền lực mong manh của ông.

Đầu năm 1955, sau khi thực hiện cuộc thăm hỏi nhân mùa Giáng Sinh với các binh sĩ Mỹ tại Đại Hàn, Nhật Bản và Đài Loan, Hồng y Spellman đã viếng Việt Nam để mang lại sự ủng hộ cho chương trình tỵ nạn của Cơ Quan CRS và, chắc chắn, cũng cho chế độ của ông Diệm. Ý kiến của tác giả Charles Morris cho rằng vị hồng y “đã là một bậc thầy của cơ hội chụp hình và làm điệu bộ tuyệt vời, với tài năng của một chính trị gia trong việc tạo ra sự phô diễn tối đa từ một biến cố nhỏ bé nhất” được xác nhận một đầy đủ bởi sự tiếp đón mà ông đã nhận được trong cuộc thăm viếng ba ngày của ông tại Nam Việt Nam.(22) Các người tỵ nạn Công Giáo rất sùng đạo đã từ bỏ nhà cửa và ruộng vườn của họ trong cuộc di cư từ miền Bắc đã đón tiếp vị giáo chủ Mỹ sang thăm viếng như thể ông là một vị anh hùng chinh phục quay về quê hương. Một đám đông vui mừng hơn năm nghìn người đón tiếp ông tại phi trường hôm 5 Tháng Một, và dân chúng trương các biểu ngữ chào đón ông dọc theo suốt con đường xe chạy của ông về đến trung tâm của Sài Gòn.

Trong ít ngày kế đó, Spellman đã có một chương trình tràn đầy các biến cố. Đức Ông Joseph Harnett, người đứng đầu phái bộ CRS tại Sài Gòn, đã ước lượng rằng trong cuộc thăm viếng ngắn ngủi của ông, vị hồng y đã được chiêm ngưỡng bởi ít nhất hai trăm nghìn người. Vào ngày 7 Tháng Một, ông đã cử hành một buổi lễ dành cho dân tỵ nạn được tham dự bởi hơn ba mươi nghìn người. Ông đã thăm viếng Ngôi Đền Thờ Đức Mẹ Ban Phép Lành tại La Vang và cầu nguyện cùng với người hành hương tại đó. Ông đã rảo quanh các khu định cư bằng trực thăng và thanh tra các tiện nghi ăn ở được dựng lên cho dân tỵ nạn tại các ngôi làng mới được xây dựng của họ. Trong ngày cuối của ông tại Việt Nam, ông đã cử hành thánh lễ tại giáo đường Sài Gòn dành cho dân Công Giáo của thành phố và sau đó thăm viếng một chiếc tàu Mỹ đến từ miền Bắc chở đầy người tỵ nạn. Trong một cử chỉ phô diễn và nhân đạo điển hình, ông đã hứa hẹn một khoản tặng dữ 100.000 Mỹ Kim để trợ giúp cho chương trình tỵ nạn CRS tại Việt Nam. Hiển nhiên bị say sưa bởi sự đón tiếp nhiệt tình dành cho Spellman, Đức Ông Harnett tuyên bố rằng “dân chúng ở đây, cả Công Giáo, Phật Giáo, và những kẻ không theo tôn giáo nào cả, đều trở nên rất sùng kính ông và chắc chắn nhìn ông như một trong các người bạn tận tụy và quan trọng nhất của Việt Nam”.(23)

Cuộc thăm viếng của Spellman có một mục tiêu chính yếu về tôn giáo và nhân đạo hơn là về chính trị, song nó lại bị làm cho khó hiểu với các hàm ý chính trị. Sự hiện diện không thôi của ông tại Miền Nam đã mang lại sự ưng thuận của ông đối với nỗ lực của Mỹ nhằm chống đỡ cho chính phủ bị lung lay của ông Diệm và để xây dựng một Nam Việt Nam không cộng sản, độc lập. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người Mỹ đều đồng tình tràn trề với sự xuất hiện của Spellman. Khi cuộc thăm viếng của ông sớm được tiếp nối bởi cuộc thăm viếng của một vị hồng y Úc Đại Lợi, Tướng Lawton Collins đã đề nghị “một sự tạm ngưng các cuộc thăm viếng của các giám mục và hồng y Công Giáo” với người anh của ông Diệm, Giám Mục Thục. Ông ta lo sợ rằng sự hiện diện của các thành viên trong hệ cấp Công Giáo chỉ thu hút sự chú ý nhiều hơn đến việc theo đạo Công Giáo của ông Diệm, điều gây “phương hại cho ông trong đầu óc của nhiều người theo Phật Giáo và các người Việt Nam khác không theo đạo Thiên Chúa”.(24) Lansdale của CIA cũng có sự dè dặt về việc thiết lập một căn cước quá chặt chẽ giữa ông Diệm và Spellman. Ông lo sợ rằng một số đáng kể các người Mỹ “có thói quen nghi ngờ ‘sức mạnh của Công Giáo’ [có thể] nhận định rằng một âm mưu đang được chuẩn bị để dựng lên một bù nhìn của Tòa Thánh Vatican tại Sài Gòn”. Như tác giả James T. Fisher đã phát hiện một cách xuất sắc, nhân viên hoạt vụ của CIA đã đi xa đến mức tạo dựng “một nhân vật Công Giáo Mỹ thay thế cho Spellman” trong con người của một viên bác sĩ hải quân trẻ tuổi tên là Thomas A. Dooley, người mà Lansdale đã trình chiếu như “phát ngôn viên không chính thức cho chiến dịch tỵ nạn (Con Đường Đến Tự Do)”. Khác với Spellman, như Fisher đã giải thích, “Dooley không gây tranh luận, phi ý thức hệ, và quan trọng nhất không phải là giáo sĩ”.(25)

Sự ủng hộ công khai của Spellman cho nước Việt Nam của ông Diệm đã chỉ thu hút được sự chú ý về học thuật ít hơn nhiều trên vai trò được giả định của ông như vị cha đỡ đầu cho nhóm vận động hành lang cho Việt Nam thân ông Diệm và như một khuôn mặt quan yếu trong quyết định của chính quyền Eisenhower nhằm duy trì sự ủng hộ dành cho ông Diệm trong năm 1955. Cho dù cố tình muốn làm chương sách này ngoạn mục hơn nhiều khi để cho Spellman thủ diễn một vai trò trung tâm như thế, ngay dù trong bóng tối, lại chỉ có rất ít bằng chứng để hậu thuẫn cho vai tuồng này. Tất cả các sự tuyên xác về sự can thiệp quan yếu của ông dựa trên ý kiến được đưa ra bởi tác giả Joseph Buttinger của Ủy Ban Cứu Nguy Quốc Tế (International Rescue Committee) rằng Spellman và Joseph P. Kennedy đã sắp xếp sự ủng hộ cho ông Diệm và hậu thuẫn các nỗ lực của ông bằng việc rèn luyện ra một nhóm vận động hành lang thân ông Diệm tại Hoa Kỳ.(26) Ý kiến của Buttinger thiếu sức thuyết phục. Trước tiên, trong năm 1955 chính quyền Eisenhower đã không cần có sự thuyết phục hoặc của Spellman hay vị gia trưởng của gia đình Kennedy để ủng hộ ông Diệm. Một số người Mỹ lấy làm bối rối bởi “mặc cảm giống như Đấng Cứu Thế của ông Diệm” nhưng họ chùn bước về các giải pháp thay thế. Ngoại Trưởng Dulles vẫn giữ sự cam kết với ông ta, được khuyến khích bởi một loạt các cá nhân như Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield, Edward Lansdale, Giáo Sư Wesley Fishel của Đại Học Michigan State University, và viên phụ tá của chính ông về Viễn Đông sự vụ, ông Kenneth Young. Hơn nữa, nhóm vận động cho Việt Nam” thực chất là “một liên hiệp trên giấy tờ được trình diễn bởi chuyên viên giao tế công cộng của ông Diệm ở New York, ông Harold Oram”, người đã lập ra Hội Các Người Bạn Mỹ của Việt Nam: American Friends of Vietnam (AFV) trong năm 1955.(27) Hồng Y Spellman không chính thức gia nhập tổ chức này hay tham dự trong bất kỳ phương cách mở rộng nào vào sự điều hành hay trong các hoạt động của hội, mà phần lớn không có kết quả trong việc uốn nắn chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam hồi giữa thập niên 1950.(28) Dù thế, ông chắc hẳn sẽ ủng hộ hết lòng các nỗ lực của nó để khởi động sự trợ giúp của Mỹ cho Nam Việt Nam và sẽ hậu thuẫn quan điểm được phát biểu bởi Thượng Nghị Sĩ John Kennedy tại hội nghị toàn quốc khai trương hội AFV: “Việt Nam tượng trưng cho nền tảng của Thế Giới Tự Do tại Đông Nam Á, là viên đá đỉnh vòm khóa chặt vòng cung, là ngón tay chống đỡ con đê” (keystone to the arch, the finger in the dike)”.(29)

Mặc dù sự ủng hộ của Spellman cho Nam Việt Nam vẫn luôn luôn vững chắc như mọi lúc trong nửa sau của thập niên 1950, sự thành công hiển hiện của ông Diệm trong việc củng cố quyền lực của mình đã gỡ bỏ tính khẩn cấp của vấn đề đối với vị hồng y. Spellman đã đối diện với các vấn đề khác cũng như có một tổng giáo phận bao la để điều hành, do đó ông đã hướng phần lớn sự chú tâm của mình đến nơi khác. Tuy nhiên, ông túc trực để đóng một vai trò phụ diễn tô điểm thêm (cameo role) trong cuộc thăm viếng đắc thắng của ông Diệm tại Hoa Kỳ hồi Tháng Năm 1957. Ngoài việc đưa ra các bài diễn văn đọc tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (National Press Club) và một phiên họp chung của Quốc Hội, và cuộc hội kiến với Tổng Thống Eisenhower và các viên chức của ông ấy, “con người kỳ diệu: miracle man” của Á Châu (như Tổng Thổng Eisenhower đã phong tặng cho ông Diệm), đã du hành đến New York để có một loạt các buổi gặp gỡ và tiếp tân được tổ chức bởi Hội Đồng Quan Hệ Ngoại Giao (Council of Foreign Affairs) và của các danh nhân như John D. Rockefeller và Henry Luce của tổ hợp tạp chí Time-Life. Spellman có cử hành một buổi lễ riêng cho ông Diệm và đọc lời cầu nguyện tại một bữa tiệc khoản đãi bởi ông Luce.(30) Sự chú ý này đủ để cung cấp lý do thuận lợi cho những người nhìn ông Diệm như một tác phẩm của vị hồng y, nhưng điều đáng nói hơn là sự tiếp xúc hạn chế mà ông Diệm đã có với vị giáo sĩ Mỹ. Những người sắp xếp chương trình của ông từ Hội AFV rõ ràng ưa thích việc đừng làm quá lố về sự liên hệ của họ, và có ít bằng chứng về sự tiếp xúc đáng kể giữa họ trong ít năm kế đó. Hơn nữa, không có bằng chứng cụ thể rằng Spellman đã tìm cách ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền Eisenhower về Việt Nam. Có thể giả định rằng ông hoàn toàn hài lòng với nỗ lực của Mỹ về việc xây dựng quốc gia [Nam Việt Nam].

Dĩ nhiên, Spellman đã không suy giảm trong bất kỳ cung cách nào về việc chống đối kịch liệt chủ nghĩa cộng sản. Trong năm 1959, ông cảm thấy buộc phải cảnh cáo Eisenhower hãy kiên quyết trong vấn đề Berlin tại các cuộc thảo luận sắp đến với Nikita Khrushchev, và trong Tháng Tám 1960, ông đã rao giảng một bài thuyết pháp ở Hội Nghị Thánh Thể Thế Giới (World Eucharistic Congress) tại Munich trong đó ông đã tố cáo một cách chua chát các nước cộng sản và nêu ý kiến rằng thế giới đang sống qua “mùa hè nguy hiểm nhất kể từ năm 1939”. Ông đã liệt kê các địa điểm bất an nơi mà các cuộc khủng hoảng do cộng sản khởi phát đe dọa đến các quyền lợi của thế giới tự do – Cuba và Mỹ Châu La Tinh, Đông Đức, Trung Hoa và Congo.(31) Điều nổi bật, ông đã gạt Việt Nam ra khỏi danh sách này, và vài năm trôi qua trong phần đầu của thập niên mới trước khi các biến cố tại Đông Nam Á lấy lại được sự chú ý liên tục của vị giáo sĩ lớn tuổi.

Trong đầu thập niên 1960, Hồng Y Spellman nhận thấy một số nền tảng vững chắc của giáo hội ông có vẻ dẫm chân lên ông. Người bảo trợ và bạn của ông, Giáo Hoàng Pius XII đã mất năm 1958 và được thay thế bởi Angelo Roncalli, được biết đến nhiều hơn là Giáo Hoàng John XXIII. Vị giáo hoàng mới đã triệu tập Cộng Đồng Vatican Thứ Nhì (Second Vatican Council), được trù định, trong thực tế, để mang giáo hội đến chỗ cập nhật và mở ngỏ giáo hội ra với thế giới. Spellman rõ ràng ưa thích một giáo hội định chế hóa hơn và có hệ cấp hơn giáo hội được phác họa tại cộng đồng, nhấn mạnh đến tính cộng đồng quản nhiệm (collegiality) và ý niệm về giáo hội như con dân của Thượng Đế được triệu gọi để phục vụ cho toàn thể gia đình nhân loại và để thu hút những người khác vào sự đối thoại hữu ích. Những kẻ thuộc một thế hệ trẻ hơn đã đón chào tinh thần và các sự cải cách của hội nghị một cách nhiệt thành hơn, bắt đầu nhìn vị hồng y như là sai nhịp với thời đại, một kẻ trở lùi về một kỷ nguyên giờ đây đã bị vượt qua. Phản ứng của Spellman trước sự cam kết quan sự gia tăng của Hoa Kỳ tại Việt Nam chỉ làm họ vững tin hơn quan điểm này, bởi vì ông đã đáp ứng với cuộc xung đột nẩy nở này theo cùng cung cách mà ông đã phản ứng trước các nỗ lực của Hoa Kỳ trong Thế Chiến II và tại Hàn Quốc.

Sự bầu cử ông John F. Kennedy (JFK), vị tổng thống công giáo đầu tiên của đất nước, đã không làm gia tăng ảnh hưởng của Spellman tại Washington bởi vị tân tổng thống đã nhìn thấy các sự khó khăn chính trị của việc đồng hóa quá chặt chẽ với một vị giáo chủ của giáo hội của mình. Nhưng Spellmanm ủng hộ chính sách ngoại giao của Kennedy. Ông hậu thuẫn sự cam kết gia tăng của Mỹ đối với ông Diệm, kể cả một sự gia tăng rõ rệt trong số cố vấn quân sự trong các năm 1961 và 1962 được chấp thuận bởi JFK hầu trợ giúp Nam Việt Nam trong việc kháng cự lại một cuộc nổi dậy của Việt Cộng vốn đã được phóng ra trong năm 1959. Tuy nhiên, trong điều sẽ trở nên một điệp khúc quen thuộc, sự trợ giúp của Mỹ bị chứng tỏ là không đủ để dập tắt sự nổi dậy của cộng sản, và trong năm 1963 sự chú ý của Mỹ hướng tới các hạn chế của chế độ của ông Diệm trong việc huy động dân chúng Nam Việt Nam chiến đấu chống lại Việt Cộng. Cung cách độc đoán của ông Diệm và các biện pháp đàn áp mà ông đã xử dụng chống lại một số nhóm Phật Giáo nào đó sau rốt đã dẫn dắt các viên chức Mỹ đến việc yêu cầu ông Diệm sa thải người em và cố vấn then chốt, ông Ngô Đình Nhu, kẻ bị quy trách nhiệm chính yếu về sự đàn áp.

Trong mùa thu 1963, khi các viên chức Hoa Kỳ được cầm đầu bởi Đại Sứ Henry Cabot Lodge thực hiện áp lực không nhân nhượng trên ông Diệm, Spellman nhận ra chính mình bị lôi kéo vào cuộc tranh luận. Người anh của ông Diệm, ông Ngô Đình Thục, giờ đây là tổng giám mục ở Huế, đã đến New York, dự trù để hội kiến với vị hồng y. Cuộc thăm viếng của ông “làm dấy lên sự suy đoán rằng vị Tổng Giám Mục sẽ thỉnh cầu hệ cấp Công Giáo La Mã tại Hoa Kỳ can thiệp với Hoa Thịnh Đốn để giúp làm giảm căng thẳng trong các mối quan hệ với chính phủ Nam Việt Nam”.(32) Spellman rõ ràng là không mong đợi người khách từ Nam Việt Nam, và chỉ một ngày trước khi người khách đến nơi, vị hồng y bảy mươi lăm tuổi có mặt tại Bãi Biển Miami Beach để nhận lãnh Huy Chương Công Tác Xuất Sắc của Tổ Chức Cựu Chiến Binh Mỹ (American Legion). Ông Thục đã đến New York trực tiếp từ Rome, nơi ông đã gây ra một sự khuấy động bởi việc cho rằng “Chính Quyền của Tổng Thống Kennedy đã chi tiêu 20 triệu Mỹ Kim để tìm cách loại bỏ chế độ của gia đình ông”. Việc sắp đến Hoa Kỳ của ông đã thúc đẩy McGeorge Bundy, viên cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Kennedy, phải than vãn một cách lo âu rằng “đây là lần đầu tiên thế giới phải đối diện với sự điên cuồng tập thể trong một gia đình cầm quyền kể từ thời các sa hoàng”.(33) Nhưng cuộc thăm viếng của ông Thục rõ ràng là vô tích sự. Người kế vị John XXIII, Giáo Hoàng Paul VI, đã muốn giảm tầm mức của chiều kích tôn giáo của cuộc đụng độ giữa ông Diệm theo Công Giáo và các Phật Tử và đã nhấn mạnh rằng cuộc xung đột có tính cách chính trị. Giáo Hoàng rõ ràng đã chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao Vatican ra lệnh ông Thục không được đưa ra các lời tuyên bố công khai, và vị tổng giám mục, dường như bị vây kín tại New York. Những gì diễn ra một cách riêng tư giữa Spellman và ông Thục không được hay biết. Tuy nhiên, điều thật rõ ràng rằng của viếng thăm của ông Thục đã không thúc đẩy vị giáo chủ đưa ra các sự trình bày với chính quyền Kennedy nhân danh ông Diệm.

Chưa đầy hai tháng sau cuộc viếng thăm của ông Thục, các tướng lãnh Nam Việt Nam, với sự chấp thuận và thông đồng của các viên chức Mỹ, đã phóng ra một cuộc đảo chính chống lại ông Diệm trong đó ‘con người kỳ diệu” một thời và người em của ông, ông Nhu, đã bị hạ sát một cách tàn bạo. Phản ứng riêng tư của Spellman không được hay biết, nhưng không có tài liệu chính thức rằng ông đã phản đối sự ủng hộ của Mỹ cho việc loại bỏ ông Diệm. Điều được giả định, ông chấp nhận đường lối của chính quyền rằng các tướng lĩnh sẽ mang lại khí thế mới cho nỗ lực chống nổi dậy. Nhưng giới quân sự Nam Việt nam chứng tỏ không thích đáng với nhiệm vụ và đã phát triển một sự lệ thuộc nặng nề hơn bao giờ vào Hoa Kỳ, đến nỗi, chỉ hơn một năm sau cuộc đảo chính ông Diệm, vị kế nhiệm Kennedy, Lyndon B. Johnson (LBJ), sẽ bước tới việc Mỹ hóa cuộc chiến và đưa các lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ vào tham chiên.

Spellman đã không đóng một vai trò có ý nghĩa nào trong việc cấu tạo quyết định dày vò của chính quyền Johnson trong các năm 1964 và 1965 với đỉnh điểm là sự tham dự của các lực lượng chiến đấu. Tuy nhiên, vị hồng y già nua tức thời túc trực để ủng hộ việc đưa quân sĩ Mỹ tham chiến một khi quyết định được thực hiện. Đối với ông cuộc xung đột rõ ràng giống như một trận đánh nữa trong cuộc chiến đấu lâu dài đã đẩy nước Mỹ và khối Công Giáo chống lại chủ nghĩa cộng sản. Có ít sắc thái trong quan điểm của ông: Cuộc chiến tranh là chính đáng, bởi nó nhằm bảo vệ Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng trắng trợn từ phương Bắc, mà sự thành công của nó có nghĩa sự khuất phục và đàn áp một dân tộc đang tranh đấu để duy trì tự do cho chính mình. Vị hồng y không nêu các câu hỏi về sự phán đoán thận trọng về cuộc chiến. Trong lối nghĩ của ông không hề có việc cân nhắc về các vấn đề về chiến lược quân sự hay việc cung cấp các sự lượng giá về quyết tâm và khả năng của đối thủ và xác xuất thành công trong một nỗ lực quân sự. Ông có ít sự ngờ vực, nếu có, về hoặc tính chính đáng của chính nghĩa của Mỹ hay năng lực của nó để đạt được sự thành công.

Với số quân chiến đấu của Mỹ tại Việt Nam lên con số đáng kể vào khoảng cuối năm 1965, điều tự nhiên cho một tuyên úy các lực lượng vũ trang cần hoạch định việc dự lễ Giáng Sinh cùng với họ. Trong một cuộc thăm viếng năm ngày, trong đó ông dừng chân tại nhiều căn cứ quân sự và bệnh viện để cử hành thánh lễ và khuyến khích nhân viên Hoa Kỳ, Spellman đã trình bày rõ ràng thái độ của ông với cuộc chiến. Sau khi đến Sài Gòn hôm 23 Tháng Mười Hai, vị hồng y được hỏi bởi các phóng viên báo chí, “Ngài nghĩ gì về những việc Hoa Kỳ đang làm tại Việt Nam?” Ông đáp trả không cần nhiều nghĩ ngợi, “Tôi hoàn toàn ủng hộ mọi điều mà Hoa Kỳ đang làm”. Sau đó, ông nói thêm, theo lời được nhái theo các từ ngữ của anh hùng hải quân thế kỷ thứ mười chín, Stephen Decatur, “Xứ sở tôi, có thể lúc nào cũng đúng. Đúng hay sai, [vẫn là] xứ sở của tôi”.(34) Những người chỉ trích sau này vị hồng y đã tán rộng ý kiến của ông, nêu ý kiến, rằng nếu được lựa chọn, vị giáo sĩ già sẽ “đi theo các nhà lãnh đạo quốc gia của ông, ngay dù khi họ sai lầm về mặt đạo lý. Được lựa chọn giữa Lyndon Johnson và Jesus Christ, ông sẽ không ngần ngại quay lưng lại với Đức Chúa Jesus Christ”.(35)

Dĩ nhiên, Spellman khó nhìn sự việc theo cách đó. Với nhiệt tình yêu nước của ông, điều hoàn toàn khả dĩ để vị hồng y cảm thấy rằng quốc gia của ông nhất thiết đứng về phía lẽ phải. Ông chắc chắn tin tưởng điều này trong trường hợp Việt Nam. Trong thông điệp Giáng Sinh chính thức của ông năm 1965, ông đã giải thích rằng “khi tự do và phẩm giá của người dân ở bất cứ nơi đâu bị thách thức, tự do và phẩm giá của con người ở mọi nơi gặp hiểm nghèo. Khi chế độ bạo tàn được phép đi một bước táo bạo tại một vài vùng đất xa xôi, nó đã khởi sự cuộc tiến bước kinh khiếp của nó khắp thế giới”.(36) Ông cảm thấy rằng quả thật gánh nặng lịch sử và trách nhiệm tinh thần của Hoa Kỳ để chống đối cuộc tiến bước này của chế độ bạo tàn tại Việt Nam. Vị hồng y không để các binh sĩ Mỹ còn hồ nghi gì về đạo lý và ý nghĩa của cuộc đấu tranh của họ.

Bản chất nhiệt thành và vô điều kiện trong sự hậu thuẫn của Spellman cho nỗ lực chiến tranh của Mỹ chắc chắc làm phấn khởi Tòa Bạch Ốc, nhưng Spellman không phải là một người thân tín của Lyndon Johnson trong việc hoạch định chiến tranh trong năm 1965 và sau đó. Danh tính ông chỉ nổi bật bởi sự vắng mặt của nó trong nhiều quyết định và đàm thoại trong đó đường lối của Hoa Kỳ tại Việt Nam được vạch ra bởi LBJ và các cố vấn như Robert McNamara và McGeorge Bundy. Tổng Thống tán thưởng sự cầu Chúa phù hộ cho nỗ lực của Mỹ của vị hồng y và sự ủng hộ của ông cho các binh sĩ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhưng ông không bao giờ hướng tới Spellman để có lời khuyến cáo nghiêm trọng về chiến tranh.(37) Vị giáo chủ không có sự tiếp cận đặc quyền với Johnson mà ông đã hưởng thụ đối với FDR, và, trong thực tế, Johnson đã biểu lộ sự quan tâm lớn lao hơn về quan điểm của Spellman trên vấn đề trợ cấp liên bang cho giáo dục như Tổng Thống đã có đối với các quan điểm của hồng y về Việt Nam.(38) Như thế, chắc chắn Spellman hẳn đã không được hỏi để chia sẻ trách nhiệm chính yếu cho sự cam kết của Hoa Kỳ vào cuộc chiến cùng với LBJ và các cố vân “giỏi giang nhất và thông thái nhất” của ông.

Mặc dù lập trường của vị hồng y về chiến tranh làm vui lòng tổng thống Hoa Kỳ, điều được tường thuật là nó gây ra một số sự khó khăn cho Đức Thánh Cha. Đi theo sự mở đường bởi vị tiền nhiệm trong thông điệp được phổ biến rộng rãi của mình, Pacem in Terris (Hòa Bình Trên Trái Đất) và phản ảnh thái độ chỉ trích nhiều hơn của Cộng Đồng Vatican II đối với mọi cuộc chiến tranh, Giáo Hoàng Paul VI tán thành các cuộc thương thảo và sự né tránh chiến tranh. Trong bản tuyên bố đáng nhớ tại Liên Hiệp Quốc hồi Tháng Mười 1965, ông đã tuyên bố, “Đừng có chiến tranh nữa, đừng bao giờ có chiến tranh nữa: No more war, war never again”.(39) Nhưng vị hồng y diều hâu ở New York dường như đã hoạt động từ một bộ nguyên tắc khác biệt. Sự ghét bỏ của Vatican đối với Spellman không bao giờ được biểu lộ một cách công khai, nhưng những người phê bình Công Giáo Mỹ đối với sự ủng hộ chiến tranh của ông lại không bị hạn chế như thế.

Vị hồng y trước tiên đã đụng phải sự chỉ trích đáng kể bởi vai trò bị cáo giác của ông trong sự “ngăn cấm” linh mục Dòng Tên, nhà thơ, và một người tích cực chống chiến tranh, Daniel Berrigan, người đã liên kết cùng với Giáo Sĩ Do Thái Giáo Abraham Heschel và mục sư phái Tin Lành Lutheran Richard Neuhaus để thành lập Nhóm Tu Sĩ và Thế Nhân Quan Tâm Về Việt Nam: Clergy and Laity Concerned about Vietnam (CALCAV). Cuối năm 1965, Berrigan được phái đi bởi các bề trên giáo phái của ông sang Mỹ Châu La Tinh, được giả định làm ông phải im tiếng về vấn đề chống chiến tranh tại Hoa Kỳ. Phe cấp tiến Công Giáo đã nhìn thấy bàn tay quyền thế của Spellman đàng sau hành động này và đã phản ứng tương xứng. Vào ngày 5 Tháng Mười Hai, 1965, một bài cậy đăng phản đối việc lưu đày Berrigan và yêu cầu triệu hồi ông trở về đã xuất hiện trên tờ New York Times, được ký tên bởi gần một nghìn người ủng hộ.(40) Các sinh viên trường Đại Học Fordham đã biểu tình bên ngoài nơi cư ngụ của vị hồng y và tình tiết câu chuyên được dùng để hình dung Spellman như là không khoan thứ cho kẻ chống đối chiến tranh. Mặc dù vị hồng y chắc chắn đã không lưu tâm gì cả đến các quan điểm được trình bày bởi Berrigan, điều hiện ra rõ ràng rằng đây đã là một trường hợp trong đó Spellman đã phô diễn tài năng của mình, như tác giả Wilfrid Sheed đã nói, “ [để rồi] sẽ bị gièm pha quá công trạng [của ông]”. Ông rõ ràng đã không có tiếp xúc với các bề trên dòng Jesuit của ông Berrigan và không có vai trò trực tiếp trong quyết định của họ để ra lệnh vị linh mục phải đi ra ngoài Hoa Kỳ.

Sự ủng hộ tổng quát của Spellman cho chiến tranh tại Việt Nam đã lôi cuốn sự chỉ trích gia tăng trong năm 1966. Các nhà hoạt động hòa bình Công Giáo và phe cấp tiến quan tâm ngày càng tra hỏi làm thế nào mà các nhà lãnh đạo chính thức của giáo hội có thế kềm chế không đưa ra một sự lượng định đạo lý có tính chất phê phán các hoạt động của Mỹ trong chiến tranh. Như Timothy A. Byrnes đã ghi nhận, họ “cùng tấn công Spellman và các người khác giống ông về chủ trương đề cao lòng yêu nước của các người đó, và họ đã kết án vết ô nhục của việc ‘gần như im lặng hoàn toàn’ của các hàng giáo phẩm về đạo lý của cuộc chiến”. Các sự tấn công như thế đã có một tính chất mỉa mai và phần nào nhầm lẫn. Các nhà lãnh đạo Công Giáo như Spellman, như tác giả Byrnes đã ghi nhận, từ lâu “bị thách đố bởi một văn hóa đối nghịch hầu biểu lộ rằng có thể vừa là một người Mỹ yêu nước lương hảo và vừa là một người theo đạo Công Giáo trung thành”. Giờ đây, họ “bị thách đố bởi các thành viên trong cùng giáo hội của họ để cứu xét xem liệu một người có thể là một giáo dân Công Giáo sùng đạo và vẫn còn là một người Mỹ yêu nước một cách mù quáng, không phê phán chỉ trich, hay không”.(42)

Spellman rõ ràng đã không xem thách đố này một cách quá cá nhân hay nghiêm trọng. Ông hẳn phải thắc mắc, thản hoặc ông ta có thắc mắc, về các lời kêu gọi thường trực của những người chỉ trích để cứu xét đến đạo đức trong vai trò của Mỹ trong chiến tranh. Nói cho cùng, ông đã làm như thế quá lâu trước đây và đã nhận thấy nỗ lực là chính đáng. Quan điểm của ông, đối với phần lớn, đã được chứng thực, mặc dù với ngôn ngữ ôn hòa hơn, trong lá thư mục vụ của các giám mục Mỹ, nhan đề Peace and Vietnam: Hòa Bình và Việt Nam”, được ấn hành trong Tháng Mười Một 1966, “Dưới ánh sáng của các sự kiện như chúng được hay biết đối với chúng ta”, các giám mục tuyên bố, “điều hợp lý để tranh luận rằng sự hiện diện của chúng ta tại Việt Nam là chính đáng”, chừng nào mà các khả tính cho một sự giải quyết hòa bình cũng được theo đuổi.(43) Tuy nhiên, một sự lượng định đạo lý đắn đo như thế đã không thỏa mãn những người phê bình chống chiến tranh, và giọng điệu thận trọng đã không trình bày tốt đẹp sự ủng hộ không hạn chế của vị hồng y cho cuộc chiến. Khi cuối năm chấm dứt, Spellman đã quay lại Việt Nam để trải qua lễ Giáng Sinh cùng với các binh sĩ, và ở đó, ông đã đưa ra lời phát biểu nồng nhiệt nhất của ông về cuộc chiến.

Trong vai trò quen thuộc của ông đi viếng thăm các binh sĩ tại tiền tuyến, Spellman bảy mươi bẩy tuổi đã nói với các quân nhân rằng Việt Nam là “một cuộc chiến tranh cho nền văn minh”. Ông bày tỏ hy vọng của mình và cầu nguyện “rằng xuyên qua lòng dũng cảm và sự tận tụy của các người đàn ông và đàn bà của chúng ta trong quân lực Mỹ, chúng ta sẽ sớm có một cuộc chiến thắng cho điều mà tất cả chúng ta đang cầu nguyện”. Kế đó, trong lời lẽ đã chọc vào tổ ong của sự phản đối từ các nhóm cấp tiến tại Hoa Kỳ, ông đã cao giọng rằng “những gì ít hơn sự chiến thắng là điều không thể suy tưởng được”.(44) Tờ New York Times đã viết bài xã luận một cách lễ độ chống lại Spellman vào ngày 29 Tháng Mười Hai, tuyên bố thật là “một sự đáng tiếc để ông cảm thấy nhu cầu để phát biểu vì bất kỳ lý do nào đó bằng các từ ngữ đã lãng quên trong nhất thời rằng trong ba đức hạnh vĩnh cửu của Pauline, lớn nhất là Lòng Nhân Từ”. Tờ The Nation tố cáo ông về sự thiếu linh động. Tạp chí định kỳ phe Công Giáo cấp tiến, tờ Commonwealth, chỉ trích vị hồng y và lập luận rằng “sự tràn ngập” các nguồn tin cao cấp từ Vatican” tách biệt Giáo Hoàng ra khỏi các lời tuyên bố về Việt Nam của vị hồng y rõ ràng mang ý nghĩa một sự khiển trách”.(45) Các nhận định của vị hồng y cũng lôi cuốn sự chỉ trích từ phía cộng sản bên kia Bức Màn Sắt. Tờ Izvestia [của Đảng Cộng Sản Liên Sô khi đó, chú của người dịch] đã đối chiếu một cách bất lợi Hồng Y Spellman với Giáo Hoàng Paul VI, và Bắc Việt Nam được tường thuật đã tố cáo ông là một “kẻ phản động dưới lớp áo một nhà tu”. (45)

Spellman đã không bận tâm về các sự chỉ trích tại trong và ngoài nước. Khi ông dùng bữa trưa tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 18 Tháng Một với Tổng Thống Lyndon Johnson và mục sư Tin Lành Billy Graham, người đã đến thăm Việt Nam gần đó, nhà lãnh đạo Công Giáo đã phát biểu một cách tích cực về cuộc chiến và nhấn mạnh đến tinh thần vững mạnh của các lực lượng Hoa Kỳ. Graham nhớ về vị hồng y như một kẻ “thuộc phái diều hâu hoàn toàn”, và có ít lý do để tranh luận về hồi ức của ông.(47) Có lẽ Spellman đã rút ra được một số sinh lực từ các cuộc thăm dò cho thấy đa số các người Công Giáo Mỹ vẫn ủng hộ cho nỗ lực ở Việt Nam, nhưng phe chống đối đang tăng trưởng, và ông trở thành một mục tiêu của họ. Tính chiến đấu không pha trộn trong các ý kiến của vị hồng y đã giúp việc chuyển hóa ông thành một biểu tượng của sự ủng hộ không hạn chế cho cuộc chiến và biến ông thành một đối tượng cho phe tích cực phản chiến. Vào ngày Chủ Nhật, 22 Tháng Một 1967, những người biểu tình đã làm gián đoạn buổi lễ trọng tại Thánh Đường Saint Patrick, nơi Spellman chủ trì. Những người phản đối cũng đã gây rối các cuộc xuất hiện trước công chúng của ông với các tiếng hô “Hãy gọi lính Spellman: Draft Spellman” và “Kẻ hiếu chiến!: Warmonger!” và nhà bình luận Drew Pearson đã tường thuật với sự thỏa mãn rằng Chiến Tranh Việt Nam đã trở nên được hay biết là “Chiến Tranh của Spellman: Spellman’s War”.(48) Vị hồng y đã chứng tỏ không hề ân hận, và khác với các vị giám mục đồng đạo, những người đã dần trở nên hoảng hốt bởi các sự phản đối chống lại lập trường của họ về cuộc chiến (hay không có lập trường chống lại chiến tranh), ông đã không thực hiện sự tái duyệt nào các quan điểm của mình. Buổi tối trước khi từ trần từ một cơn đột quỵ nặng nề ngày 2 Tháng Mười Hai, 1967, Spellman đến dự một bữa tiệc trong đó ông nêu lên khả tính về việc lại đi sang Việt Nam trong dịp Giáng Sinh.

Về sự từ trần của hồng y, Tổng Thống Lyndon Johnson có đưa ra một sự tán dương công khai trong đó ông đã ghi nhận đặc biệt về công tác của Spellman như một vị khâm sứ giáo hội trong quân đội. Tại Việt Nam, Tướng William C. Westmoreland đã tham dự một lễ tưởng niệm dành cho nhân vật đã mang lại cho sự chỉ huy của ông sự ủng hộ không suy xuyển như thế. Hàng nghìn người chia buồn đã đi chào hình hài của Spellman được quàn tại thánh đường trong ba ngày trước tang lễ của ông vào ngày 7 Tháng Mười Hai – những ngày lại trùng hợp một cách mỉa mai với Tuần Lễ Đòi Ngưng Không Trưng Binh (Stop-the-Draft Week) và một loạt các cuộc biểu tình phản chiến tại Manhattan [trong thành phố New York City]. Sự quan ngại về các cuộc phản đối chống chiến tranh đã khiến cảnh sát phải thực hiện các biện pháp dự phòng an ninh nghiêm ngặt để cho phép Tổng Thống Johnson đến dự tang lễ. Có thể đoán chừng, chính là để dành phần ‘lợi lộc’ cho Tổng Thống mà một nhóm những người phản đối tụ tập bên kia đường nơi Khu Vực Tản Bộ thuộc Trung Tâm Rockefeller (Rockefeller Center Promenade) gần Nhà Thờ Saint Patrick, giơ cao các biểu ngữ ghi: “Napalm: Johnson’s Baby Powder: Bom Napalm: Phấn Chống Phồng Da Dành Cho Trẻ Em Hiệu Johnson” [đây là một lối chơi chữ, ở Mỹ có loại phấn dành cho trẻ em được xoa để giữ cho da khỏi bị phồng (rôm) khi mặc tã, rất thông dụng, mang nhãn hiệu Johnson’s Baby Powder. Đối nghịch lại là bom xăng Napalm, dễ bắt cháy, chú của người dịch], “Vietnamese Should Die So Good: Người Việt Phải Chết Một Cách Thật Êm Thắm”, và khẩu hiệu quen thuộc “LBJ, LBJ, How Many Kids Did You Kill Today?: LBJ, LBJ, Bao Nhiêu Trẻ Em Ông Đã Giết Chết Hôm Nay?” (49) Hồng Y Spellman đã ra đi để gặp đấng sinh thành [thành ngữ meet his maker trong nguyên bản, có nghĩa chết đi, chú của người dịch] và không thể còn bị nhắm làm mục tiêu nữa.

Sự từ trần của Spellman cuối năm 1967 đã tránh cho ông thoát khỏi cơn rối loạn mà quốc gia và chính quyền đã trải qua trong sự đáp ứng lại Cuộc Tấn Công Tết Mậu Thân hồi đầu năm 1968. Chắc chắn, ông sẽ cố gắng để chống trả một hoạt động phòng vệ hậu phương như cộng đồng Công Giáo tại Hoa Kỳ, phản ảnh dân chúng Mỹ như một tổng thể, ngày càng trở nên bất kham về cuộc chiến. Bốn năm sau khi có sự từ trần của Spellman, trong khi chiến tranh tiếp tục kéo lê, các giám mục Công Giáo đã trình bày rằng “sự kết thúc mau lẹ cuộc chiến tranh này” như “một mệnh lệnh đạo lý có ưu tiên cao nhất”.(50) Sự ủng hộ nhiệt tình cho cuộc chiến, như Spellman đã từng cung cấp, bị thoái thác.

Lòng yêu nước không hạn chế của hồng y và sự lượng định lưỡng giáo kiểu Manichaean [tín đồ của hệ thống tín ngưỡng lưỡng giáo của Manes, một tổng hợp của Thiên Chúa Giáo Gnostic, Phật Giáo, Zoroastrianism, và các thành phần khác biệt nhau, với một học thuyết căn bản về sự xung đột giữa sáng và tối, giữa tốt và xấu, chú của người dịch] về cuộc tranh chấp giữa chủ nghĩa cộng sản và chế độ dân chủ Tây Phương lãnh đạo bởi Hoa Kỳ đã ngăn cản ông chẳng bao giờ phải nêu lên các câu hỏi nghiêm trọng về mục đích của cuộc chiến. Ông đón nhận các lời tuyên bố của chính quyền về chiến tranh như thực trạng và không hay biết, và vì thế không bị khó chịu bởi sự dối gạt của chính quyền về Việt Nam. Các ý kiến cho rằng chiến tranh là một tội ác hay một tội lỗi đối với ông là kỳ quặc và sai lầm. Ông đã cảm thấy không cần phải khảo sát tính cân đối giữa phương tiện và cứu cánh. Vị hồng y già không bao giờ có vẻ bị bối rối rằng tổn thất của cuộc chiến về mặt sinh mạng và ngân quỹ dường như không thể xác định được hồi năm 1967, hay ông không bao giờ phản đối bất kỳ khía cạnh nào việc tiến hành cuộc chiến của Mỹ. Ngay chiến dịch không kích ồ ạt chống lại Bắc Việt cũng không đủ để khêu gợi từ ông bất kỳ bình luận cẩn trọng nào liên quan đến tính vô đạo đức của sự bỏ bom bừa bãi. Các sự khiếm khuyết như thế về phía ông khiến ông dễ bị mắc phải sự chỉ trích nặng nề, đặc biệt với trách nhiệm của ông như một lãnh tụ đạo đức và tôn giáo Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nhiều phần là Hồng Y Spellman sẽ không đón nhận sự chỉ trích như thế một cách độ lượng. Nếu ông có sống thêm một thập niên nữa hay lâu hơn, chắc hẳn ông sẽ hướng dẫn sự chú ý của những người phê bình ông đến các vụ hành quyết chính trị, đàn áp tôn giáo, các trại cải tạo, và chủ nghĩa Stalin đã xua đuổi hơn một triêu người tỵ nạn rời khỏi Việt Nam tiếp theo sau sự đắc thắng của Miền Bắc. Ông có thể sẽ nhắc nhở họ rằng đó đích thực là điều mà ông đã cảnh cáo và cố gắng ngăn cản, và ông có thể mời gọi họ tái cứu xét sự phân tích đạo đức của chính họ dưới ánh sáng của các sự khai triển như thế. Ông còn có thể đi xa như văn sĩ Aleksandr I. Solzhenitsyn trong bài diễn văn khai khóa nhức nhối năm 1978 tại Đại Học Harvard University và cáo giác rằng “các thành viên của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ đã trở thành những kẻ đồng lõa trong sự phản bội các dân tộc vùng Viễn Đông, trong sự diệt chủng và sự thống khổ được áp đặt ngày nay trên ba mươi triệu người dân ở đó”.(51) Trên hết, nhiều phần ông sẽ không bày tỏ bất kỳ sự ân hận nào về vai trò ông đã đóng giữ trong việc ủng hộ nỗ lực của đất nước ông hầu chống đỡ cho một Nam Việt Nam không cộng sản, độc lập.

_____

Chú thích:

1. James Carroll, An American Requiem: God, My Father, and the War That Came between Us (Boston: Houghton Mifflin, 1996), 194.

2. Robert Scheer và Warren Hinckle, “The Vietnam Lobby”, Ramparts 4 (July 1965): 16-24.

3. Sử gia James T. Fisher thật tuyệt hảo về đề tài này. Xem bài viết của ông “With Friends Like These …”, Reviews in American History 25 (December 1997): 709, và bài “The Second Catholic President: Ngo Dinh Diem, John F. Kennedy, and the Vietnam Lobby, 1954-1963”, U. S. Catholic Historian 15 (Summer 1997): 119-21.

4. Spellman được trích dẫn bởi Dorothy Dohen, trong quyển Nationalism and American Catholicism (New York: Sheed and Ward, 1967), 150.

5. Cùng nơi dẫn trên, 58, 121.

6. Robert I. Gannon, S. J., The Cardinal Spellman Story (Garden City, N. Y.: Doubleday, 1962), 337.

7. Muốn biết về các nỗ lực của Spellman, xem Donald F. Crosby, S. J., God, Church, and Flag: Senator Joseph R. McCarthy and the Catholic Church, 1950-1957 (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1978), 10-12.

8. Wilfrid Sheed, Clare Boothe Luce (New York: E. P. Dutton, 1982), 114.

9. Crosby, God, Church, and Flag, 13.

10. Sheed, Clare Boothe Luce, 115.

11. Vai trò của McGuire được ghi lại trong sách của John Cooney, The American Pope: The Life and Times of Francis Cardinal Spellman (New York: Times Books, 1984), 240-41.

12. Joseph G. Morgan, The Vietnam Lobby: The American Friends of Vietnam, 1955-1975 (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1997), 5. Như Morgan đã ghi nhận, sự tiếp cận tài liệu cá nhân của Spellman bị han chế, do đó cuộc điều tra hơn nữa bị giới hạn.

13. Về vai trò của Douglas, xem Cùng Nơi Dẫn Trên, 10.

14. Gregory Allen Olson, Mansfield and Vietnam: A study in Rhetorical Adaption (East Lansing: Michigan State University Press, 1995), 30.

15. Cùng nơi dẫn trên. Tác giả Olson đã tóm tắt một cách toàn hảo lập luận này, mặc dù ông không đồng ý với nó. Cũng xem, Morgan, Vietnam Lobby, 10-11.

16. Denis Warner, The Last Confucian (New York: Macmillan, 1963), 72, 81.

17. Về liên hệ Diệm – Lansdale, xem David L. Anderson, Trapped by Success: The Eisenhower Administration and Vietnam, 1953-1961 (New York: Columbia University Press, 1991).

18. Francis J. Spellman, “Điện Biên Phủ: A Reveille”, Vital Speeches 20 (July 1, 1954): 568.

19. “Bài Diễn Văn Của Hồng Y” [đọc trước hội nghị American Legion, Washington, D. C., August 30, 1954], New York Times, August 31, 1954.

20. “Archdiocese Sending Aid: Cardinal Spellman in Letter Cites Refugee’s Needs”, New York Times, August 6, 1954.

21. Joseph J. Harnett gửi Edward E. Swanstrom, October 26, 1954, Box 2, Joseph Harnett Papers, University Notre Dame Archives, Notre Dame, Indiana.

22. Charles R. Morris, American Catholic: The Saints and Sinners Who Built America’s Most Powerful Church (New York: Times Books, 1997), 221.

23. Harnett to Swanstrom, January 16, 1955, Harnett Papers.

24. J. Lawton Collins, Lightening Joe: An Autobiography (Baton Rouge: Louisiana State University Press, 1979), 389.

25. Fisher, “The Second Catholic President”, 121, 124-25.

26. Các lời tuyên xác của Buttinger được thảo luận, Cùng nơi dẫn trên, 120-21.

27. Cùng nơi dẫn trên, 121.

28. Về tác động hạn chế của AFV, xem Morgan, Vietnam Lobby, 44.

29. Được trích dẫn trong bài viết của Fisher, “The Second Catholic President”, 129.

30. Anderson, Trapped by Success, 160-65, và Morgan, Vietnam Lobby, 50-52.

31. “Text of Sermon by Cardinal Spellman” [rao giảng tại Hội Nghị Thánh Thể Thế Giới: World Eucharistic Congress, Munich, Germany, August 6, 1960], New York Times, August 7, 1960.

32. Chi tiết cuộc thăm viếng của ông Thục được cung cấp trong bài viết của Henry Raymont, “Vietnam Prelate Here from Rome”, New York Times, September 12, 1963.

33. Bundy được trích dẫn trong bản ghi nhớ cuộc thảo luận, ngày 11 Tháng Chín, 1963, trong tập Foreign Relations of the United States, 1961-1963, vol. 4, Vietnam, August-December 1963 (Washington, D. C.: Government Printing Office, 1991), 175.

34. “Spellman Arrives for Five-Day Visit with Vietnam’s G. I.’s”, New York Times, December 24, 1965.

35. Paul Hanly Furfey, “The Civilian Cos”, trong quyển War or Peace? The Search for New Answers, biên tập bởi Thomas A. Shannon (Maryknoll, N. Y.: Orbis Books, 1980), 194.

36. Được trích dẫn trong bài viết của David J. O’Brien, “American Catholic Opposition to the Vietnam War: A Preliminary Assessment”, Cùng nơi dẫn trên, 125.

37. Muốn có một thí dụ về sự tán thưởng của Johnson, xem thư của Walt Rostow gửi Spellman, August 12, 1966, Box 476, White House Central Files, Lyndon Baines Johnson Library, Austin, Texas. Rostow đã giải thích: “Như Ngài biết, trách nhiệm thì nặng nề và cô đơn. Sự ủng hộ và thông cảm công khai của Ngài có một ý nghĩa thật lớn lao đối với Tổng Thống”.

38. Joseph A. Califano Jr., The Triumph and Tragedy of Lyndon Johnson: The White House Years (New York: Simon and Schuster, 1991), 71.

39. “Bài Diễn Văn Của Đức Giáo Hoàng Paul VI đọc tại Liên Hiệp Quốc, kêu gọi một sự “chấm dứt chiến tranh và Các Vũ khí Tấn Công”, New York Times, October 6, 1965.

40. “Open Letter to the Authorities of the Archdiocese of New York and the Jesuit Community in New York” [bài cậy đăng], New York Times,December 5, 1965.

41. Xem James Hennessey, S. J., American Catholics: A History of the Roman Catholic Ciommunity in the United States (Oxford: Oxford University Press, 1981), 319.

42. Timothy A. Byrnes, Catholic Bishops in American Politics (Princeton: Princeton University Press, 1991), 94.

43. National Conference of Catholic Bishops, “Peace and Vietnam” [November 18, 1966], trong quyển Quest for Justice: A Compilation of Statements of the United States Catholic Bishops on the Political and Social Order, 1966-1980, biên tập bởi Brian Benestadvà Francis J. Butler (Washington, D. C.: U. S. Conference of Catholic Bishops, 1981), 51-54.

44. Được trích dẫn trong bài viết của O’Brien, “American Catholic Opposition to the Vietnam War”, 126.

45. “The Words of a Cardinal” [editorial], New York Times, December 29, 1966; “The Cardinal Mistake” [editorial], The Nation 204 (January 16, 1967): 69; “Cardinal, Pope and War” [editorial], Commonweal 85 (January 13, 1967): 391-92.

46. “Cardinal under Fire: Spellman’s Views Irk Reds”, U. S. News and World Report 62 (January 9, 1967): 14.

47. Muốn có một sự tường thuật ngắn gọn về bữa ăn trưa, xem President’s Daily Diary, January 18, 1967, Box 9. Các quyển nhật ký và sổ hẹn của Lyndon Johnson, Lyndon Baines Johnson Library, Austin, Texas. Về sự hồi tưởng của Billy Graham, xem cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu của ông với Monroe Billington, October 12, 1983, Johnson Library.

48. Tài liệu trong đoạn này dựa vào sách của tác giả Cooney, tác phẩm không phải lúc nào cũng đáng tin, American Pope, 307-8.

49. Homer Bogart, “Helicopter Flies President to Central Park Meadow”, New York Times, December 8, 1967.

50. Benestad and Butler, Quest for Justice, 78.

51. Aleksandr I. Solzhenitsyn, “A World Split Apart”, trong quyển Solzhenitsyn at Harvard, biên tập bởi Ronald Berman (Washington, D. C.: Ethics and Public Policy Center, 1979), 14.

Tài liệu cần đọc thêm:

Ngoài các nguồn tài liệu đã nêu ra trong các chú thích, các tác phẩm liên hệ gồm: Francis J. Spellman, The Road to Victory (New York: Scribner’s, 1942), và James T. Fisher, Dr. America: The Lives of Thomas A. Dooley, 1927-1961 (Amherst: University of Massachusetts Press, 1997).

 

BÌNH LUẬN