Lý do lệnh cấm vận của Mỹ 'vô nghĩa' với Venezuela

Mỹ vừa thông báo lệnh cấm vận kinh tế lên Venezuela, với mục đích khiến chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro phải từ bỏ quyền lực.

Tổng thống Trump vừa giáng đòn cấm vận mới lên Venezuela.

Trong sắc lệnh ngày 5/8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố các lệnh cấm vận mới gắt gao – nhằm vào bất cứ công ty hay cá nhân nào bên ngoài Venezuela làm ăn trực tiếp hoặc gián tiếp với chính phủ Venezuela – là phản ứng trước “sự tiếp tục chiếm đoạt quyền lực” và “vi phạm nhân quyền” của chính quyền ông Maduro.

Tất cả các tài sản của chính phủ Venezuela tại Mỹ cũng bị đóng băng.

Các biện pháp mới cho thấy một bước leo thang lớn từ những đòn trừng phạt trước đó vốn chủ yếu nhắm đến các quan chức chính phủ và một số ngành chủ chốt như dầu khí, vàng và tài chính. Tuy nhiên, nhiều phân tích về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela cho thấy cấm vận như trên sẽ không có tác dụng.

Tạp chí The Conversation chỉ ra một số lý do dưới đây.

Kinh tế Venezuela đã sụp đổ

Cấm vận được xem như một công cụ chính sách đối ngoại nhằm gây áp lực buộc các chính phủ mục tiêu phải thay đổi cách thức, bằng cách cắt giảm dòng tiền của họ. Nhưng điều này ở Venezuela là quá muộn.

Sau nhiều năm chịu quản lý yếu kém và tệ nạn tham nhũng, kinh tế Venezuela hiện đã ở trong tình trạng hỗn loạn. GDP co cụm hơn 15% mỗi năm kể từ 2016. Lạm phát ở mức 10 triệu phần trăm năm 2019.

Chính quyền ông Maduro thiếu tiền mặt nghiêm trọng và đã vỡ nợ trái phiếu dựa trên đồng đôla trong năm 2017. Năm nay, Venezuela không thanh toán được 1,85 tỷ USD mà Deutsche Bank và Citigroup cho Venezuela vay bằng cách thế chấp vàng.

Nhưng vì mức suy giảm kinh tế này xảy ra từ từ, bắt đầu từ 2014, những người Venezuela giàu có đã chuyển tiền của họ ra nước ngoài, chủ yếu là vào các thị trường châu Âu. Chẳng hạn, người Venezuela sở hữu khoảng 7.000 căn hộ hạng sang ở Madrid, Tây Ban Nha, theo báo New York Times.

Nhiều dòng tiền vẫn chảy tự do

Cấm vận mới của Tổng thống Trump không phải là lệnh trừng phạt thương mại toàn diện như với Cuba. Xuất khẩu và nhập khẩu với khu vực tư nhân tiếp tục diễn ra tự do. Lượng kiều hối từ những người Venezuela sống ở nước ngoài cũng vậy.

Hai nguồn thu nhập này, đều bằng đồng đôla, ổn định và có giá trị hơn nhiều so với đồng bản tệ. Kết hợp lại, chúng vẫn giữ cho nền kinh tế Venezuela vận hành.
Nói cách khác, một lệnh cấm vận không hoàn chỉnh sẽ không thể khiến cho kinh tế Venezuela sụp đổ hoàn toàn.

Người nghèo tổn thương nhất

Những người Venezuela có thể tiếp cận đồng đôla thông qua kiều hối hoặc tiền tiết kiệm hiện đang sống sót qua cuộc khủng hoảng này. Họ vẫn có thể mua thực phẩm, thuốc và xăng dầu, và mua các hàng hóa khác để trao đổi.

Nhưng hầu hết dân chúng đang rất nghèo. Theo Liên Hợp Quốc, có tới 90% người Venezuela hiện nay sống trong túng thiếu, tăng gấp đôi so với năm 2014.
Lương tối thiểu ở Venezuela vào khoảng 7 USD/tháng, không đủ để chi trả cho các nhu cầu cơ bản của một gia đình. Kết quả là suy dinh dưỡng lan rộng.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại một sự kiện ở Caracas tháng 6/2019. (Ảnh: Reuters)

Đa số người Venezuela dựa vào chính phủ về thực phẩm. Thực phẩm và hàng hóa cơ bản được trợ cấp hàng tháng hiện đang là cứu cánh của người nghèo. Do vậy, nếu chính phủ hết tiền, người nghèo sẽ cảm thấy điều này rõ nhất.

Ủng hộ từ Nga và Trung Quốc

Tổng thống Maduro có một số đồng minh. Khi chính quyền Trump đi đầu công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là Tổng thống hợp pháp của Venezuela, 60 nước đã theo chân Mỹ.

Nhưng Nga và Trung Quốc tiếp tục ủng hộ ông Maduro. Cả hai nước phủ quyết mọi nỗ lực của Mỹ muốn thông qua các nghị quyết chống lại chính quyền ông Maduro ở Liên Hợp Quốc.

Giới phân tích cho rằng, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu lửa, vàng cùng các hàng hóa giá trị của Venezuela, đồng thời cung cấp lượng tiền mặt cần thiết cho Caracas.

Thanh Hảo/VietNamnet

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN