Năng lực quản trị, điều hành kinh tế-xã hội và những vấn đề nóng trên bàn nghị sự Quốc hội

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIV diễn ra từ 21/10 đến 28/11/2019 được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Bối cảnh phức tạp của tình hinh quốc tế, khu vực, hiệu lực điều hành nền kinh tế xã hội năm 2019 của Chính phủ trước khi bước sang 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội  5 năm (2015 – 2020), năm trước của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Rất nhiều vấn đề căn cốt của đời sống được đặt lên bàn nghị sự. Thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước, Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 8 đã dành sự quan tâm đặc biệt trong việc phân tích, đánh giá và  cho ý kiến nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành đời sống kinh tế – xã hội của Chính phủ.

Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV

Trước hết, Quốc hội dành thời gian nghe, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 cùng nhiều vấn đề  quan trọng khác. Hàng loạt vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri như công tác đối ngoại, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy, khả năng thiếu điện và sự chậm trễ, đội vốn của nhiều dự án các công trình trọng điểm đã được các thành viên Chính phủ báo cáo để Quốc hội thẩm định, đánh giá và cho ý kiến.

Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế, 2019 là năm thứ 2 liên tiếp nước ta hoàn thành 12 chỉ tiêu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cùng với đó, lạm phát kiềm chế được dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, nợ công được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Tuy nhiên, với chức năng giám sát tối cao hoạt động của nhà nước, Quốc hội đã phân tích những tồn tại, yếu kém và chỉ ra rằng chưa thể thực sự yên tâm về tình hình kinh tế năm 2020, duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020 là rất gian nan. Ví dụ,  dự thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay vượt dự toán, nhưng tỷ lệ thu từ thuế phí còn thấp, thu từ sản xuất kinh doanh, từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa cao, nghĩa là chưa thể hiện được nguồn lực nội tại của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp điều hành phù hợp nhằm phát triển mạnh mẽ sự bền vững, sức mạnh nội tại của nền kinh tế đất nước.

Khắc phục rủi ro bên ngoài, vượt lên bất cập nội tại, mạnh mẽ tiến lên phía trước là tinh thần chủ đạo và cũng là niềm cảm hứng mà Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV mang lại cho cử tri cả nước. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của 4 Bộ trưởng gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã góp phần làm rõ hơn bức tranh thực trạng nền kinh tế – xã hội năm 2019, từ lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đến đời sống văn hoá, báo chí và truyền thông, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền đất nước cùng môi trường đầu tư kinh doanh và những vấn đề an sinh xã hội. Thực hiện chức năng giám sát, các vị đại biểu Quốc hội đã lật đi lật lại vấn đề, phân tích rõ thực trạng tình hinh, đánh giá cao và cũng chỉ rõ những điểm còn hạn chế của Chính phủ trong năng lực điều hành hoạt động của nền kinh tế xã hội. Ví dụ, trước ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, có vị đại biểu đã đưa ra dẫn chứng số liệu 9 tháng đầu năm xuất khẩu chỉ tăng 8,2% so với 2018 và chỉ còn bằng nửa tốc độ cùng kỳ là 15,4%, bằng 1/3 mức tăng trên 20% của những năm trước; cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển biến bất lợi, và lên tiếng cảnh báo cẩn thận không “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Cùng với khắc phục rủi ro từ bên ngoài, cần phải đặc biệt quan tâm giải quyết những bất cập nội tại, mà một trong những vấn đề cử tri cả nước quan tâm là phải nhanh chóng thực hiện những giải pháp tích cực xây dựng môi trường đâu tư kinh doanh lành mạnh, tao thuận lợi và động lực phát triển cho các doanh nghiệp cả trong nước và ngoài nước. Đưa ra con số 9 tháng đầu năm 2019 số doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động chờ giải thể tăng 6,3% so với 2018, Quốc hội chỉ ra rằng kinh tế tư nhân còn phát triển dưới tiềm năng trong lúc khu vực kinh tế tư này là một trong những động lực quan trọng đóng góp hơn 40% GDP, tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Vì vậy Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải có chính sách giúp kinh tế tư nhân bứt phá, trở thành trụ cột kinh tế. Một trong những hành động cần thiết là phải xoá bỏ các rào cản, xoá bỏ các “giấy phép con, cháu”, xoá bỏ các chi phí không chính thức và các áp lực đang dồn quá nhiều lên doanh nghiệp tư nhân, cần phải xây dựng được môi trường kinh doanh thực sự lý tưởng để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ.

45 đại biểu đặt câu hỏi và 9 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Công thương đã làm rõ những thành quả đáng ghi nhận cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Công Thương, đồng thời chỉ ra nhiều vấn đề bất cập cần nhanh chóng khắc phục, trong đó có những chuyện đang làm nóng dư luận xã hội như: – Sự tồn tại của các dự án điện trọng điểm – Xây dựng, bảo vệ thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế – Ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam, xử lý hàng hóa nhập khẩu có hình ảnh vi phạm chủ quyền Quốc gia – Quyết liệt ngăn chặn hàng gian, hàng giả và hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam; kiểm soát việc nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3;Xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số…Điều mà đại biểu Quốc hội băn khoăn là, Bộ trưởng  Bộ Công thương trong trả lời của mình chưa chỉ ra được đâu là lỗ hổng lớn về pháp luật tạo nên những tình trạng bất cập, đáng lo ngại nêu trên.Trước tình trạng mua bán, tàng trữ hàng hóa gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, giả về thương hiệu, buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam hiện nay, có đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương là “Tình trạng đó đang ở mức độ nào? Liệu đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?”, và rằng, chính sự thiếu minh bạch này đã làm xuất hiện những doanh nghiệp như Asanzo, Khải Silk…Như vậy là đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. Liệu “đây có đơn thuần là gian lận thương mại hay không?”.” Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở?”. Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra. Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn này? Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, nguy cơ gian lận thương mại còn rất lớn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư làm ăn liên doanh liên kết với doanh nghiệp các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Vi phạm điều này dẫn đến hệ luỵ là Việt Nam sẽ là nạn nhân bị các nước điều tra áp thuế chống phá giá và áp thuế tự vệ, làm thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.

Chính phủ cần có những giải pháp đột phá giải quyết những vấn đề cốt lõi trên mặt trận nông nghiệp, nông dân và nông thôn – đó là yêu cầu Quốc hội đặt ra khi giám sát và đánh giá năng lực điều hành của Chỉnh phủ trên lĩnh vực quan trọng này nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Quốc hội yêu cầu Chính phủ,  ngành nông nghiệp tập trung đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và coi đây là nhóm công việc được ưu tiên nhất. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nguy cơ biến đổi khi hậu có thể xoá bỏ mọi nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Những thiệt hại bởi sạt lở, lũ quét, lũ ống ở khu vực miền núi, bão lụt ở miền Trung, tình trạng nước hạ nguồn sông Mê Công cạn kiệt là những cảnh báo nhãn tiền, tuyệt đối không thể xem nhẹ. Cùng với đó là sự cần thiết giảm đội tầu khai thác để nuôi biển, gỡ cho được thẻ vàng EU, tái cơ cấu ngành thuỷ sản bền vững cùng với các giải pháp ứng phó với dịch bệnh gia súc, đặc biệt với ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Nhiều vị đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan ngại trươc nạn ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động. Tại phiên thảo luận ở hội trường, có đại biểu nêu ý kiến: Phát triển kinh tế suy cho cùng cũng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhưng hiện nay, “từ thở đến uống và ăn đều trở nên nguy hiểm”. Phát triển kinh tế nhưng người dân hàng ngày vẫn phải đối mặt với ô nhiễm và hệ lụy bệnh tật thì sự phát triển đó có được xem là bền vững hay không?

Một trong những vấn đề lớn liên quan trực tiếp tới năng lực quản trị, điều hành hoạt động kinh tế – xã hội của Chính phủ được “mổ xẻ” tại diễn đàn Quốc hội là tình trạng giải ngân đầu tư công rất chậm. Đến nay mới giao được 5.000 tỷ, hiện còn tới 27.000 tỷ đầu tư công chưa giao được. Phát biểu tại hội trường, có đại biểu thốt lên “Chưa có kỳ họp nào đại biểu lại quan tâm đến giải ngân chậm trong đầu tư công như vậy”. Đại biểu Quốc hội chỉ rõ, tồn tại này kéo dài trong nhiều năm, không những không khắc phục được mà tình trạng đó ngày càng trầm trọng hơn. Chính Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, chưa bao giờ tình trạng trên (giải ngân chậm trong đầu tư công) lại nghiêm trọng đến như vậy. Tình trạng này năm nào cũng được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ ở phần tồn tại, yếu kém. Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân do đâu? Các đại biểu đã phân tích, nêu các dẫn chứng và chỉ rõ tình trạng giải ngân chậm đầu tư công hoàn toàn không phải do vướng mắc trong hệ thống pháp luật mà là do công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Có đại biểu đặt câu hỏi, phải chăng do yêu cầu về tính minh bạch, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh và “lò” đang qúa nóng nên  các quan chức và cán bộ liên quan do thấy không ăn được, không có lợi nên không mặn mà gì trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan hành pháp của Chính phủ. Và bất luận vì lý do gì cũng không thể chấp nhận tình trạng trong khi nhiều công trình cấp bách còn đang chờ bổ sung vào danh mục đầu tư thì các công trình đã được đưa vào danh mục đầu tư lại không giải ngân được hoặc giải ngân không đúng tiến độ gây ách tắc trong điều hành hoạt động kinh tế – xã hội. Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải sớm có giải pháp  kiên quyết hơn, hữu hiệu hơn trong công tác giải ngân và sử đụng nguồn vốn kịp thời theo luật định.

Cùng với chức năng giám sát tối cao hoạt động của nhà nước, đánh giá năng lực quản trị và điều hành hoạt động kinh tế – xã hội của Chính phủ, Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống. Đó chính là nguyên nhân quan trọng đã làm ảnh hưởng đến chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản qui phạm pháp luật để điều chỉnh, hệ thống luật còn chồng chéo, không ít nội dung còn mâu thuẫn, xung đột, thiếu tính thống nhất giữa các điều trong 1 luật, thậm chí trong 1 điều luật. Quốc hội nhấn mạnh rằng, nếu thiếu Luật thì xây dựng Luật; nếu Luật có lỗ hổng thì nghiên cứu bổ sung luật, ban hành các thiết chế, chế tài, đặc biệt là sự công khai, minh bạch. Ví dụ trên lĩnh vực thương mại xuất, nhập khẩu  cần chủ động xây dựng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật hợp lý, đủ mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường trong nước; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, hoạt động mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; hoàn thiện quy định về tạm nhập, tái xuất, quản lý hàng hóa tại các kho ngoại quan; triển khai các quy định về phòng vệ thương mại, nhất là hỗ trợ xử lý các tranh chấp thương mại, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu; tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết…

Trên tinh thần ấy, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua 12 Luật và Dự án Luật sửa đổi. Đó là một con số ấn tượng nói lên tâm huyết và công sức của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 này trong việc tiếp tục hoàn thiện luật pháp, xây dựng cơ chế pháp lý để điều hành, phát triển kinh tế – xã hội được mạnh mẽ, bền vững. Nếu tính cả các Luật và Dự án luật sửa đổi được trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội nhưng chưa biểu quyết thông qua tại kỳ họp này, thì con số đó lên tới 20 Luật và Dự án Luật sửa đổi, bao gồm hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều đối với các luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật Lao động; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Xây dựng; Luật Doanh nghiệp; Luật chứng khoán;Luật Giám định tư pháp; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài đến Việt Nam,…

Thật đáng mừng, Quốc hội của chúng ta đã ngày càng đổi mới và nâng cao trách nhiệm của mình trước đất nước, trước cử tri cả nước. Những vấn đề Quốc hội đưa ra chất vấn các thành viên Chính phủ và các dự án luật được xem xét và biểu quyết thông qua tại kỳ họp này đã cho thấy sự đổi mới của Quốc hội trong việc giám sát hoạt động của Chính phủ, đặc biệt đi sâu vào khâu yếu kém nhất của hệ thống chính quyền các cấp là công cụ quản lý, quản trị còn nhiều bất cập và yêu cầu Chính phủ, các Bộ chức năng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải tập trung chỉ đạo để hướng tới quản trị nhà nước có hiệu quả hơn.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn sự quan tâm giám sát, đánh giá của các vị Đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Trước khi trả lời trực tiếp chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng đã phát biểu, làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm như:- Về giải ngân vốn đầu tư công – Về  dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông – Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước – Về môi trường đầu tư kinh doanh – Về công tác bảo vệ môi trường  – Về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ – Về quốc phòng, an ninh  – Về đấu tranh phòng,chống tham nhũng và về an ninh, trật tự…

Thủ tướng nhấn mạnh: Mấy ngày qua, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.

Thủ tướng khẳng định: Việt Nam bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên Biển Đông. Đồng thời Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý. Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta./.

Trần Nhật Thi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN