Ngày thứ sáu điên khùng phô bày sự mong manh của kinh tế thế giới

Ngày 23/8 với hàng loạt diễn biến kinh tế, tài chính là bức tranh thu nhỏ cho thấy kinh tế toàn cầu vẫn luôn tồn tại rủi ro bị rúng động trước các bất ổn chính trị.

Bức tranh thu nhỏ đó cho thấy sự đan xen giữa việc leo thang cuộc chiến thương mại của Trung Quốc, việc cẩn trọng của ngân hàng trung ương, và việc Tổng thống Trump thường hành động vào sự tức giận, thay vì có chiến lược rõ ràng.

Khủng hoảng sẽ xảy đến nhanh hơn trước

Ông Trump đang tới Pháp dự hội nghị G7 của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển. Trước đó, trong ngày 23/8, dường như ông tìm cách đỗ lỗi cho người khác vì các vấn đề kinh tế: đầu tiên phê phán Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, gọi ông là “kẻ thù” của nước Mỹ, rồi sau đó yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc.

Ông Trump phê phán Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, gọi ông là “kẻ thù” của nước Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 23/8, ông tiếp tục tuyên bố trên Twitter rằng sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc và tăng thuế vào những mặt hàng đã chịu thuế. Ở Pháp, ông nói có “hối tiếc” khi để thương chiến leo thang, dù sau đó Nhà Trắng đính chính tổng thống “hối tiếc vì không áp thuế nặng hơn”.

New York Times nhận định kinh tế thế giới có thể vẫn sẽ đi qua “cơn bão” này một cách bình thường. Suy cho cùng, phần lớn thông số về kinh tế ở Mỹ đang tốt. Nhưng trong vòng một năm tới, nếu suy thoái kinh tế xảy ra, kéo theo thương mại toàn cầu sụp đổ, các sử sách có lẽ phải dành một chương nói về những đòn giáng ngày 23/8.

Các “chiến binh” trong cuộc đấu này là các quan chức ở văn phòng chính phủ tại Bắc Kinh, ở phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng và ở Wyoming, nơi Fed tổ chức cuộc họp.

Theo dõi các diễn biến ngày 23/8, có thể thấy sự leo thang cuộc chiến thương mại và sự tan rã của các mối quan hệ lâu năm về chính trị và kinh tế có thể diễn ra nhanh chóng, nhanh hơn khả năng xử lý của các ngân hàng trung ương – thường được mệnh danh là “người cứu hộ” mỗi khi xảy ra suy thoái kinh tế.

Tổng thống Trump có xu hướng “bắn trước”, giải thích sau, trong các tình huống tranh chấp căng thẳng. Điều này khiến nhiều thị trường chứng khoán ở châu Á và châu Âu chao đảo, và đặt dấu hỏi về khả năng chèo lái nền kinh tế của ông.

“Sự leo thang, khó đoán, bất trắc trong quá trình tạo ra chính sách là những yếu tố trung tâm trong diễn biến ngày 23/8”, bà Julia Coronado, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh tế MacroPolicy Perspective, nói với New York Times. “Đó đều là những yếu tố không thể đưa vào mô hình dự báo kinh tế”.

Khi điểm lại diễn biến vụ Trung Quốc và Mỹ đánh thuế lẫn nhau, có thể thấy các mảng chính sách khác nhau có thể ảnh hưởng lẫn nhau theo những cách rất khó đoán, New York Times bình luận.

Cục Dự trữ Liên bang bị ông Trump lên án “oan”

Vào rạng sáng ngày 23/8 (giờ Mỹ), Trung Quốc đã tuyên bố sẽ áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa nước này, có hiệu lực ngày 1/9.

Đây là tin không vui cho những ai muốn thấy chiến tranh thương mại được giải quyết. Đặc biệt, lệnh đánh thuế của Trung Quốc chỉ tương ứng với lệnh đánh thuế mà ông Trump công bố trước đó, chứ không mang tính leo thang. Thị trường tài chính không mấy quan tâm.

Lệnh đánh thuế mới của Trung Quốc được toan tính để gây thiệt hại cho nông dân Mỹ, khối cử tri quan trọng ở một số bang chiến trường trong bầu cử 2020. Ảnh: Reuters.

Đến 10h sáng (giờ Bờ Đông nước Mỹ), Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu ở Jackson, bang Wyoming, nơi lãnh đạo các ngân hàng trung ương một số nước đến họp mỗi tháng 8. Giới đầu tư đã hồi hộp chờ các chỉ dấu xem Fed sẽ làm gì tiếp theo.

Thị trường tài chính ngày càng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ chững lại. Nhưng nếu nhìn vào các con số, tăng trưởng ở Mỹ vẫn mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Cuối cùng, ông Powell cho biết Fed đi theo cách tiếp cận “quản trị rủi ro”, và có thể thay đổi chính sách để chặn các diễn biến xấu trong kinh tế. Lời nói chung chung của ông khiến mọi lựa chọn vẫn mở đối với Fed.

Nhưng ông cũng nói sự sụp đổ trong quan hệ thương mại toàn cầu không phải là điều mà Fed có thể giải quyết được bằng cách điều chỉnh lãi suất.

“Chính sách tiền tệ là một công cụ uy lực”, ông Powell nói, “nhưng nó không thể là cẩm nang giải quyết bất đồng trong thương mại quốc tế”. Theo ông, ngân hàng trung ương chỉ có thể điều chỉnh để cố phản ứng, bắt kịp với các thay đổi về thương mại.

Ẩn ý của ông Powell có lẽ là: nếu chính sách thương mại bốc đồng của ông Trump phá hoại nền kinh tế, các công cụ của Fed chỉ có giới hạn trong việc giảm nhẹ thiệt hại. Cắt giảm lãi suất, trong kịch bản này, chỉ như một liều thuốc giảm đau đối với một người bị gãy xương – có dùng vẫn hơn, nhưng sẽ không thể chữa khỏi vấn đề sâu xa bên trong.

Bài phát biểu của ông Powell đã khiến Nhà Trắng không hài lòng. Tổng thống Trump, người đã kêu gọi Fed cắt lãi suất tới 1%, đăng một loạt tweet vào 10h57, kịch liệt chỉ trích “Fed yếu ớt”, và hỏi: “Câu hỏi duy nhất của tôi: ai là kẻ thù lớn hớn (của Mỹ): Jay Powell hay Chủ tịch Tập”.

Ông còn ra “lệnh” cho các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, dù chưa rõ ông sẽ thực thi yêu cầu đó như thế nào, dựa trên cơ sở pháp lý nào. Thị trường chứng khoán đã giảm sâu ngày 23/8.

Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Mark Carney, thống đốc Ngân hàng Anh ở Jackson, bang Wyoming ngày 23/8. Ảnh: AP.

Fed vốn độc lập khỏi chính trị, tổng thống lại can thiệp

Lúc 17h, sau khi thị trường đã hết ngày giao dịch, tổng thống viết trên Twitter rằng ông sẽ tiếp tục “lên gân” với Trung Quốc, áp thuế 15% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 1/10 và tăng thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa từ 25% lên 30%.

Sự khác biệt giữa các lãnh đạo ngân hàng trung ương luôn thận trọng, tỉnh táo và ông Trump với các chính sách bốc đồng là vấn đề không chỉ ở Mỹ. Phát biểu tại Jackson, Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cũng nói mọi sự điều chỉnh chính sách tiền tệ đều khó có thể bảo vệ Anh khỏi thiệt hại khi rời Liên minh châu Âu trong những tháng tới.

“Cuối cùng, chính sách tiền tệ chỉ có thể giúp giảm nhẹ các cú sốc… như việc Anh rời khỏi EU”, ông Carney nói thêm, và nhận định việc điều chỉnh lãi suất của ngân hàng trung ương trong trường hợp này sẽ có giới hạn.

Ngoài thương chiến và Brexit, ông Powell cũng nhắc đến khả năng Trung Quốc đàn áp biểu tình ở Hong Kong và chính phủ Italy bất ổn là những yếu tố đóng góp vào mùa hè đầy biến động trong thị trường chứng khoán.

Một môi trường chính trị đầy biến động ở nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tạo ra nhiều lớp rủi ro, cả cho thị trường tài chính và cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Nhưng đây là nền kinh tế toàn cầu của năm 2019, chứ không phải năm 2007 và 2008, khi các ngân hàng trung ương đã cùng tìm cách giải quyết nguy cơ sụp đổ thị trường tài chính thế giới. Tình huống đáng sợ trước thảm họa đó phù hợp với các công cụ của ngân hàng trung ương. Tình huống hiện nay không phải vậy.

Vẫn có những vị chuyên gia uyên bác ăn vận trang trọng, họp lại với nhau sau hậu trường và đưa ra biện pháp cứu kinh tế thế giới khỏi rơi xuống vực. Nhưng phân tích trên cho thấy họ khó có thể can thiệp quá nhiều.

Thậm chí, sự chần chừ, cẩn trọng và tỉnh táo của họ đôi khi còn làm mọi thứ trầm trọng hơn, giữa bối cảnh mọi cuộc khủng hoảng đều diễn ra nhanh và mạnh hơn trước.

Trọng Thuấn/Zing

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN