Người Choang, các dân tộc ít người vùng biên giới Việt-Hoa trong triều đại nhà Tống

Jeffrey G. Barlow

Ngô Bắc dịch

Lời người dịch:
Tập biên khảo này được ấn hành hồi tháng Chín năm 1987 và do đó đã được viết trong thời khoảng có sự đối nghịch giữa Việt Nam và Trung Hoa sau cuộc chiến tranh Việt Nam – Căm Bốt và cuộc tấn công vào Việt Nam của Trung Quốc hồi cuối năm 1978 và đầu năm 1979. Một số quan điểm lịch sử trong bài vì thế được phản ảnh dưới cái nhìn của chủ nghĩa Mác-xít / Lê-nin-nit là học thuyết chính thống thịnh hành tại hai nước khi đó.

***

Sắc dân Choang (Zhuang) mìền nam nước Trung Hoa là những dân tộc ít người đông nhất ở Trung Hoa.(1) Tại Việt Nam, người dân Choang được xác định trong lịch sử là người Nùng, và gần đây hơn như sắc dân hỗn hợp Tầy-Nùng, là nhóm đông nhất trong 36 dân tộc ít người của Việt Nam.(2) Một những những thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử người Choang xảy ra dưới thời nhà Tống (960-1126 sau Công ng], khi dân Hoa gốc Hán và dân Việt Nam khởi sự thực hiện một hành động kéo dài tại những vùng đất trung tâm của người Choang. Nhiều người Choang đã kháng cự lại sự kiểm soát của ngoại bang, gắng sức cho nền độc lập liên tục. Sự thất bại liên tiếp của họ có nghĩa rằng người Choang sẽ không bao giờ có được một cơ hội để phát triển sự tự trị.

Câu hỏi về lý lịch người Choang là một vấn đề phức tạp, bởi nó được gắn liền một cách quá mật thiết với quy chế hiện thời của họ như các dân tộc ít người tại Trung Hoa và Việt Nam. Chữ Choang (có kèm Hán tự của từ Zhuang) là một từ có từ thời cổ, nhưng được dùng để chỉ tất cả sắc dân ngày nay được xác định là người Choang mới từ năm 1965. Các nhà chép sử biên niên người Hán đã sử dụng nhiều danh từ khác nhau để chỉ tổ tiên người Choang.(3) Có nhiều nhóm dân liên hệ ở các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam, ở Việt Nam và ở cả Thái Lan.(4)

Câu hỏi về nguồn gốc dân Choang hãy còn để ngỏ. Khu vực họ cư ngụ ngày nay có một số địa điểm [khảo cổ] thời đồ đá cũ (Palaeolithic), nhưng sợi dây liên hệ giữa những di tích hóa thạch với sắc dân Choang ngày nay, khi được nêu ra, bị phần lớn các khoa học gia Trung Hoa xem là chưa được chứng minh.(5) Hai địa điểm được phân tích kỹ càng hơn trong các địa điểm này là Bai-lian Dong gần Liu-zhou [Lưu Châu?, chú của người dịch] và Zhen-pi Yan gần Quế Lâm (Guilin). Bai-lian Dong vẫn có người cư trú liên tục từ cuối thời đồ đá cũ cho mãi đến lúc ban đầu của thời đồ đá mới (Neolithic), cung cấp các cứ liệu Carbon 14 có niên đại từ khoảng 30,000 đến 7,500 năm trước thời Đồ Đá Cũ (B.P)(6). Khu Zhen-pi Yan cung cấp cứ liệu Carbon 14 có nhật kỳ khoảng năm 10,000 (B.P.) trước Thời Đồ Đá Cũ (7). Hơn 400 ngôi mộ Thời Đồ Đá Mới được nói là của người Choang đã được tìm thấy trong khu vực. Các cứ liệu Carbon 14 được chứng nhận có niên đại từ 10,735 +/- 200 năm đến 8,950 +/-130 năm từ Thời Đồ Đá Cũ. Các cách thức chôn cất tại các ngôi mộ này, theo đó thi thể được chôn cất trong tư thế ngồi với tay chân gấp lại, vốn rất hiếm được tìm thấy ở Trung Hoa (trừ miền Hắc Long Giang), nhưng khá thông thường tại Việt Nam.(8)

Tổ tiên người Choang đã cư ngụ trong vùng ít nhất là từ lúc ban sơ của Thời Đồ Đá Mới. Nhiều học giả tin tưởng rằng họ đã di chuyển về miền nam sớm hơn nữa, bị đẩy lùi bởi các nền văn hóa Hoa Hán bành trướng của vùng Trung Nguyên (Central Plain).(9) Nhưng các cung cách chôn cất trong các ngôi mộ Thời Đồ Đá Mới cũng khiến ta nghĩ rằng người Choang có gốc rễ phương nam và có các mối liên hệ với các nền văn hóa Hòa Bình (9,000 đến 5,600 năm trước Dương Lịch) và Bắc Sơn (8,300-5,900 năm trước Dương Lịch) của Việt Nam.(10) Trong bàu không khí chính trị hiện nay khả tính này khơi dậy nhiều khó khăn cho các học giả Trung Hoa và hiếm khi được thảo luận.(11)

Cư dân vùng Trung Nguyên, tổ tiên người Hoa Hán, gọi chung các sắc dân bộ lạc miền nam là Bách Việt (Hundred Yue). Một ngôi mộ từ thời Xuân Thu (năm 722-481 trước Dương Lịch) được khai quật tại tỉnh Quảng Tây năm 1971 có chứa cả những đồ vật nhân tạo có đặc tính địa phương và một vài đồ vật có nguyên ủy từ miền Trung Nguyên. Các ngôi mộ khác của cùng thời kỳ, chẳng hạn như ngôi mộ được khai quật tại Ping Dong Yan-shan-ling năm 1974 và tại Tian Dong năm 1977, có chứa nhiều đồ vật cho thấy quốc gia nhà Chu thuộc khu vực trung tâm sông Dương Tử là quyền lực thống trị trong vùng. Bằng cứ này cũng cho thấy quốc gia miền duyên hải tên Việt đã nới dài ảnh hưởng hạn chế đến khu vực đông bắc của tỉnh Quảng Tây ngày nay, nhưng phần đất còn lại của người Choang đã không có ảnh hưởng ngoại lai đáng kể. (12)

Triều đại nhà Tần (năm 221-206 trước Dương Lịch) đã tiến vào vùng này, đặt tên vùng là Lĩnh Nam (Ling-nan) và đã giao tranh trong một loạt các cuộc chiến với các người dân địa phương. Những chiến dịch không mấy thành công này đã là bước khởi đầu của sự bành trướng kéo dài của Trung Hoa vào trong khu vực. Nhà Tần đã cho đào kinh Li [Lí?] tại Xing-an, nối liền các hệ thống sông ngòi miền nam với miền trung.(13) Mặc dù sự kiểm soát của Trung Hoa xem ra chỉ vươn không xa hơn trung tâm có tường thành bao quanh nhằm phục vụ cho việc xây dựng con kinh Li tại Xing-an (14), vùng Lĩnh Nam kể từ đó có thể được tiếp cận từ phía bắc và phía nam, và được ràng buộc với chính Trung Hoa.

Trong thời kỳ suy sụp của nhà Tần, khu vực trở thành nước độc lập dưới quyền của một người Hoa gốc Hán, Zhao Tuo [có kèm chữ Hán, để chỉ Triệu Đà, chú của người dịch], tự xưng là “Võ Vương của nước Nam Viêt.”(15) Zhao Tuo kiểm soát vùng Lĩnh Nam, và mở rộng nó bằng việc sáp nhập các lãnh địa của Trung Hoa nơi phía Bắc và đất đai của Việt Nam về phía Nam.(16) Vương quốc của ông ta bị tái chinh phục bởi Nhà Hán (206 Trước Dương Lịch – 220 sau Dương Lịch) trong năm 111 trước Dương Lịch.

Trong suốt thời nhà Hán sự hiện diện của Trung Hoa tại vùng Lĩnh Nam đã được mở rộng một cách lớn lao. Một khu định cư thường trực, “Thành Phố Người Hán: Han City”, được triển khai ở khu đông bắc Quế Lâm (Guilin) ngày nay, và các ảnh hưởng của Trung Hoa được phóng ra xuống phía nam từ đó.(17) Người Hán theo dòng sông Quế (Gui) chạy xuống phía nam nơi nó nối liền với dòng sông Lưu (Liu) để tạo thành con sông Tây Giang, nơi đặt thành phố Wu-zhou ngày nay. Vài trăm ngôi mộ thời Hán được phát hiện tại đó, hơn nhiều những khu tập trung lăng mộ của tỉnh Quảng Tây.(18) Một sự tập trung khác các di vật nhân tạo thời Hán cho thấy một sự hiện diện quan trọng tại He-pu [Hợp Phố?, chú của người dịch], gần vùng Bei-hai [Bắc Hải?] ngày nay (19). Sự bành trướng của Trung Hoa trong suốt thời kỳ nhà Hán vào vùng nam và đông của tỉnh Quảng Tây ngày nay vẫn chừa trung tâm dân cư của người Choang, miền nằm giữa các con sông You và sông Zuo thuộc phía tây nam Quảng Tây, hầu như chưa động chạm gì tới(20) Nhà Hán cũng đã vươn tay kiểm soát trực tiếp tới tận Việt Nam, được tập trung tại Giao Chỉ Chỉ Huy Sứ (Jiao-zhi Commander) chung quanh khu vực Hà Nội ngày nay. Một hoạt động chính tại Giao Chỉ là việc tiếp tế cho các cơ sở nuôi bắt ngọc trai tại He-pu.(21)

Trong suốt các thời kỳ Tam Quốc và thời Nam-Bắc Triều (317-589 sau Dương Lịch) hệ thống hành chính nhà Hán vẫn tiếp tục hiện diện trong khu vực, nhưng sự kiểm soát chính trị của Trung Hoa vẫn còn bị giới hạn vào một số thành phố lớn. Trong thời trị vì của vua nhà Tấn, Tai-kang (343-5), Trung Hoa đã chỉ đăng ký được 25,000 gia đình tại vùng Lĩnh Nam, chiếm một tỷ lệ nhỏ của dân số.(22)

Thời nhà Tùy (581-618), mặc dù không mạnh ở phương nam, đã có thể dành được sự kiểm soát vùng Lĩnh Nam (23). Người cai tri phong kiến của quốc gia Nan Yue [Nam Việt?], bà Xi (Madame Xi) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], đã nắm vững khu vực và chấp nhận quyền chủ tể của nhà Tùy. Sự kiểm soát của Trung Hoa giờ đây đã được nới rộng trên khoảng 189,000 hộ, nhưng vùng đất trung tâm của dân tộc Choang nằm giữa hai con sông You và Zuo vẫn còn nằm ngoài sự kiểm soát của Trung Hoa.(24) Nhà Tùy cũng đã tái lập quyền bá chủ của Trung Hoa trên đất Việt Nam.

Trung Hoa đã cho lực lượng xâm nhập lần đầu tiên vào ngay chính khu vực của người Choang trong thời nhà Đường (618-907). Nhà Đường đã củng cố các vùng chiếm giữ được từ thời Hán trước đây và bắt đầu xuôi theo hệ thống sông Lưu xuống phía nam và phía tây. Bằng việc cho đào các con kinh mới họ đã khai mở con sông Lưu thành một thủy lộ giao thông quan trọng và khai khẩn vùng đất mới để canh tác.(25) Sự di dân đáng kể của người Hán tiếp diễn theo đó.

Các nhà cai trị nhà Đường đã toan tính việc sửa đổi các văn hóa bộ lạc, một tiến trình không khác gì việc đồng hóa cưỡng bách. Thí dụ, tại Lưu Châu (Liu-zhou), một quan chức – thi sĩ tên Liu Zong-yuan đã chỉ trích các hoạt động phù thủy là không văn minh và đã nỗ lực mang đạo Phật thay vào đó(26). Một trong những bài thơ của ông Lưu, “Từ Lâu Thành của Lưu Châu: From the City-tower of Liu-zhou” đã chuyên chở những cảm nghĩ của các quan lại Hoa Hán sống trong vùng này:

Tại lầu cao cuối thành phố, là nơi sự hoang dã khởi đầu;
Và niềm ước ao của chúng tôi bay xa như đại dương hay bàu trời vời vợi …
Các cánh hoa dâm bụt quanh hào phất phơ trong cơn gió đột nhiên
Và dàn dây leo dọc tường thành hứng chịu hạt mưa nghiêng.
Không thấy gì suốt khoảng đất ba trặm dặm ngoài cảnh núi rừng mờ mịt —
Và dòng sông chín khúc, quặn đau trong lòng chúng tôi …
Đây là nơi chốn mà họ đã gửi chúng tôi đến, vùng đất của giống dân xâm mình —
Và không có cả chữ nghĩa, để giúp chúng tôi liên lạc với quê nhà.(27)

Người Choang tập trung tại những thung lũng hay cánh đồng dưới chân núi nơi có thể canh tác được. Các thung lũng này, được gọi là “dong: động [hay đồng?, chú của người dich.]” [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], bởi người Hoa Hán, đã là các trung tâm của hệ thống chính trị của người Choang, và từ ngữ này cũng tiến hóa để chỉ chính hệ thống.(28) Các “động” được kiểm soát bởi các tộc trưởng là người có quyền kiểm soát gần như tuyệt đối trên sự phân phối đất đai.(29) Danh tính của thị tộc đứng đầu khi đó được dùng để gọi cho các thân thuộc của họ.

Người Choang thì cực kỳ hiếu chiến, và để có thể sinh tồn với môi trường núi rừng khắc nghiệt, rất khỏe mạnh và cứng rắn. Ngay khi hệ thống nhà Đường phơi bày tính chất đàn áp, các tù trưởng đã nổi dậy chống lại hệ thống. Các cuộc nổi dậy được tập trung tại vùng giữa các con sông You và Zuo vốn được nhà Đường tổ chức thành Tây Nguyên Châu (Xi-yuan zhou) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch].

Dòng họ Hoàng [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] cai trị đã lãnh đạo một loạt các cuộc nổi dậy bắt đầu từ năm 756, (30) và kéo dài mãi cho đến năm 824.(31) Các cuộc tranh chấp thị tộc làm hạn chế sự thống hợp người Choang và đã đưa đến sự thất bại của họ trước người Hán Hoa. Các lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa thường sử dụng danh xưng “Vương: King” [Wang, có kèm chữ Hán, chú của người dịch], như trong các danh xưng Trung Việt Vương (Zhong Yue Wang) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], Nam Hải Vương (Nan Hai Wang) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] và Nam Việt Vương (Nan Yue Wang) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Có lẽ các tù trưởng nhiều tham vọng đã muốn khích động ước vọng của các vương quốc Choang ở địa phương, dựa theo những truyền thống của các nước Việt. Các danh hiệu này cũng có thể phản ảnh cuộc đấu tranh đồng thời tại Việt Nam chống lại quyền chủ tể của Trung Hoa. Mặc dù các sử gia Trung Hoa chỉ nhìn nhận có rất ít hay không có sự liên kết nào giữa các mặt trận chống lại nhà Đường của người Việt Nam và người Choang, (32) các phong trào kháng chiến rái rác nhiều nơi trong vùng đã làm trở ngại cho các nỗ lực bình định của Trung Hoa. Đôi khi các lực lượng kháng chiến của người Việt và người Choang có trực tiếp tăng cường cho nhau, như trong năm 820 khi một đoàn quân của Việt Nam được trưng tập để bình định các người Choang nổi dậy đã quay đầu chống lại Trung Hoa.(33)

 

Đường hành quân của Nùng Trí Cao tại Trung Hoa

Tình hình chính trị càng trở nên phức tạp hơn với sự bành trướng của các quyền lực phương nam khác. Nam Chiếu (Nan Zhao) từ Vân Nam khởi sự đột nhập, tấn công Yong-zhou (Ung châu) trong năm 861, với sự liên minh với các tù trưởng người Choang thuộc các dòng họ Hoàng và họ Nông [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Người Choang từ lâu đã thành lập một liên minh lỏng lẻo với Nam Chiếu, và sẽ tiếp tục liên minh với nước kế thừa của nó, Đại Lý [có kèm chữ Hán, chú của người dịch].(34)

Nhà Đường, gặp khó khăn ở cả hai biên giới phía bắc và phía nam, tìm cách trấn áp các cuộc nổi dậy của người Choang, nhưng các chiến thắng sau hết đã mang lại các hậu quả quá nặng nề. Hệ thống canh nông của vùng Lĩnh Nam hãy còn kém phát triển và nhà Đường đã phải vận tải lương thực từ Hồ Nam và Giang Tây đến cho các đội quân đồn trú của họ.(35)

Nhà Đường cai quản lưu vực thượng nguồn của con sông Zuo, xuống tới phía nam và phía tây của khu trung tâm người Choang, như một phần của tỉnh Lĩnh Nam, kế cận tỉnh (phủ) An Nam thuộc Việt Nam ngày nay. Khi sự kiểm soát của nhà Đường suy yếu, khu vực sát biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn bị bứt ra khỏi bởi tay người Việt Nam. Sự khó khăn của việc kiểm soát khu vực được minh chứng trong phúc thư cấp bộ trả lời sự yêu cầu của hoàng đế nhà Tống tên Yin Zong về thông tin liên hệ đến Giao Chỉ: “Địa thế của Giao Chỉ rất hiểm trở và khí hậu thì độc hại. Ngay dù nhà Đường đã có thể dành được nó, họ cũng đã không thể kiểm soát nó.”(36) Sự sụp đổ của chính quyền trung ương của Trung Hoa mau chóng được phản ảnh tại phía nam, mang lại cho người Choang một thời kỳ tương đối hòa bình.(37) Người Việt Nam đã thành công trong việc chiến đấu chống lại các mưu toan của các quốc gia miền nam Trung Hoa muốn tái lập sự kiểm soát. Nhà lãnh đạo Việt Nam Đinh Bộ Lĩnh đã tự xưng làm Hoàng Đế năm 966, dựng nước Đại Cồ Việt, một quốc gia Việt Nam mà Trung Hoa vẫn tiếp tục gọi là Giao Chỉ. Thời kỳ này chứng kiến sự củng cố một dân tộc tính Việt Nam đích thực, hoàn toàn tách biệt khỏi diện mạo của Trung Hoa, và người Việt Nam giờ đây khởi sự cố gắng ổn định các biên giới của họ, bành trướng về phía nam bằng cách nuốt gọn xứ Chàm, và về phía bắc nơi vùng biên giới Việt-Hoa. Phải đợi mãi đến lúc lên ngôi của nhà Tống, Trung Hoa mới kiện toàn tổ chức đủ để đe dọa đến sự tự trị của người Việt và người Choang.

Sau khi nhà Tống tái tu bổ vùng Quế Châu (tức Quế Lâm này nay), khu vực được cai quản như trấn Quảng Nam Tây Lộ [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Các thị tộc người Choang nằm giữa các con sông You và Zuo, thuộc huyện mà nhà Tống gọi là Quảng Nguyên châu [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], giờ đây bị bao vây từ bắc chí nam. Quyền lực nhà Tống chói sáng, thiết lập các cứ điểm của Trung Hoa nơi các phần đất phía đông bắc và tây bắc của người Choang. Nơi phía nam, người Việt đang tổ chức vùng đất trước đây thuộc nhà Đường nằm phía tây nam Lĩnh Nam khi mà quyền lực của Đại Cồ Việt vươn cao.(38) Một cuộc viễn chinh của Trung Hoa đánh Đại Cồ Việt đã bị đánh bại bởi Lê Hoàn tại Lạng Sơn năm 981. Sau đó, Trung Hoa thời Tống, chưa có thể phóng ra một mưu toan để tái chinh phục, đã thừa nhận cho Việt Nam một sự tự trị thực sự trong khi vẫn duy trì các lời tuyên bố về quyền bá chủ trên hình thức.

Mặc dù sự lãnh đạo người Choang của thị tộc Hoàng đã suy giảm kể từ thời nhà Đường, triều đình nhà Tống vẫn trao cho họ quyền kiểm soát bình nguyên nằm giữa hai con sông You và Zuo.(39) Nhưng thế lực của thị tộc họ Nông gia tăng một cách mau lẹ.(40) Nguồn gốc của dòng họ Nông được tóm tắt trong đoạn văn dưới đây rút ra từ sử nhà Tống:

Dòng họ Nông thuộc rợ mán tại Quảng Nguyên châu phát sinh từ phía tây nam … của Yon-zhou và chiếm giữ các huyện ở đó. Địa thế gồm các núi dốc và các thung lũng không thể tiếp cận được; nó có sản xuất được vàng và thần sa (cinnabar). Có khá nhiều người sinh sống tại đó. Họ để tóc dài và cài cúc áo bên tay trái. Họ thích đánh nhau và tranh đấu và xem nhẹ cái chết. Các nhà lãnh đạo ban đầu là họ Ngụy (Wei), họ Hoàng (Huang), Chu (Zhou) và họ Nông là những thị tộc thường xuyên tranh chấp và đánh phá lẫn nhau … Dòng họ Hoàng tuyên hứa trung thành và 13 bộ-huyện (Bu-districts) và 29 Châu-huyện người rợ Mán đã được thiết lập.(41)

Sự trổi dậy của dòng họ Nông cho thấy tính phức tạp trong chính trị của người Choang. Hệ thống giống phái người Choang có tính cách bình đằng, so với học thuyết Khổng học chính thống.(42) Hệ thống có tính cách song phương, và quyền lực của một thị tộc đuợc tiếp truyền xuyên qua cả phía nam lẫn phía nữ. Các sử gia theo Khổng học thường cắt giảm xuống đến mức thấp nhất hay không đếm xỉa gì đến những người phu nữ mạnh mẽ, quy chiếu các hành động của họ cho cha, chồng hay con trai của họ. Nhưng tầm quan trọng của nữ tộc trưởng người Choang, A Nông [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], có thể được nhận thấy, bất kể đến bức màn che đậy của các thành kiến theo Khổng học.

A Nông [sử sách Việt gọi là A Nùng, chú của ngườI dịch] là con gái của một vị tù trưởng được phong tước kiến điền bởi người Hoa Hán, làm một quan chức cấp châu (43). Người anh của bà, Nông Đương Đạo[?][có kèm chữ Hán, chú của người dịch], thừa kế một khu vực nằm trong vùng trung tâm của người Choang. Bà kết hôn với Nông Toàn Phúc [có kèm chữ Hán, sủ Việt dịch là Nùng Tồn Phúc, chú của người dịch], cũng là một tù trưởng và một viên chức cấp châu, là người kiểm soát phần đất khác. Em của ông ta [sử Việt cho biết tên là Nùng Tồn Lộc, chú của người dịch] cũng kiểm soát một huyện, khiến cho gia đình họ trở thành các trung tâm quyền lực trải khắp Quảng Nguyên châu, bao quanh phía nam bởi Đại Cồ Việt, phía đông nam và đông bắc bởi các trung tâm hành chính nhà Tống. Trong khi các thành kiến Khổng học có thể bôi bác các dữ kiện, Tống Sử (Song history) cho thấy bà A Nông là một người phù thủy thường hay tham dự vào các ma thuật, kể cả các nghi lễ mạnh bạo nhất, lễ hiến dâng con người (44). Thuật phù thủy của bà ta chắc hẳn có gắn bó mật thiết với quyền lực chính trị trực tiếp được hành sử trước tiên bởi chồng của bà, và sau này bởi người con trai của bà.

Nông Toàn Phúc, bị ảnh hưởng, các biến cố sau này làm liên tưởng mạnh mẽ như thế, bởi người vợ tên A Nông, trước tiên, giết chết người em của chính mình, khi đó là một lãnh tụ của dòng họ Cen, và chiếm lấy đất đai của họ (45). Các tù trưởng người Choang phân chia đất đai cho các thủ hạ theo một hệ thống phong kiến thực sự, với một vài đặc tính của tập tục cầm giữ nô lệ. Số lượng đất đai được kiểm soát bởi một tù trưởng ảnh hưởng đến số nhân lực mà ông ta có thể cấp ruộng đất, một điều khích lệ mạnh mẽ để mở rộng chiến tranh. Dòng họ Nông sau rốt kiểm soát được 14 động quan trọng, so với 5 động được xác nhận bởi dòng họ Hoàng (46). Nông Toàn Phúc tuyên bố thành lập một quốc gia, Trường Kỳ Quốc (Chang Qi Guo) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], và tự xưng là “Tu Dan Chao” [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] (47), giống như vị vua đầu tiên của nước Đại Lý.

Sự khoa trương này tất nhiên gây bực tức cho Đại Cồ Việt là nước đã tuyên bố chủ quyền trong vùng này. Trong quá khứ sự thù nghịch của người Choang phần nhiều đã bị làm ngơ bởi Trung Hoa hay Việt Nam, nhưng giờ đây hai quyền lực này đang bành trướng vào khu vực biên giới tranh chấp, làm suy yếu sự tự trị của các tù trưởng.

Nhà Vua của Đại Cồ Việt, Phật Mã, trị vì với vương hiệu Lý Thái Tông (trong sách Tàu gọi là Li De-zheng: Lý Đức Thành?), dẫn quân tiến vào khu vực hồi tháng ba năm 1039, (48) bắt giữ Nông Toàn Phúc và phần lớn gia đình ông ta, và giải giao họ về Đại Cồ Việt để hành quyết (49). A Nông và đứa con trai kế nghiệp 14 tuổi, Nông Trí Cao [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], trốn thoát.

Nông Trí Cao thừa hưởng các quyền hành hạn chế của người cha dưới cả hệ thống của Trung Hoa lẫn Việt Nam. Trong khi xây dựng cơ sở của mình, anh ta triều cống vàng cho Đại Cồ Việt, và dâng tặng các con voi thuần thục, vàng và bạc cho nhà Tống (50). Được hướng dẫn bởi người mẹ, anh ta tiếp tục đòi hỏi của người cha là muốn duy trì quyền tự trị của các tù trưởng người Choang.

Với một căn cứ địa tại Long châu (Long-zhou) trong năm 1041-1042, anh ta tuyên bố thành lập một quốc gia, Đại Lý Quốc (Da-li Guo) [có kèm chữ Hán, sử sách Việt dịch thành Đại Lịch quốc, chú của người dịch]. Nông Trí Cao, trong thực tế, có thể đã tuyên bố trung thành với nước Đại Lý xa xôi hơn nằm trong tỉnh Vân Nam (trước đây được gọi là Nam Chiếu (Nan Zhao) với hy vọng rằng sự bảo trợ của nước này có thể bảo vệ được nền tự trị của người Choang khỏi sự xâm lấn của người Trung Hoa và người Việt Nam. Đại Cồ Việt không đếm xỉa đến sự khoa trương này và đề nghị giao cho anh ta quyền kiểm soát chính thức trên một số huyện, phong tước cho anh ta làm Tai-bao (Thái Bảo) của khu vực trong năm sau đó (51). Trong tháng 10 năm 1048 anh ta nổi dậy nhưng mau chóng bị đánh bại. Lần nữa Việt Nam lại tha thứ cho anh ta về hành vi ngỗ ngược, có lẽ vì muốn duy trì dòng tộc tù trưởng họ Nông tại biên giới làm vùng đệm chống lại Trung Hoa.

Nông Trí Cao kế đó tiếp xúc với trung tâm nhà Tống tại Yong (Ung) ( tức Nam Ninh: Nanning) xin trợ giúp. Không muốn biện luận về vùng đất nhiều tranh chấp với Việt Nam, Trung Hoa đã từ chối không tiếp kiến anh ta (52). Nông Trí Cao phóng ra một cuộc biểu dương quân sự bên dưới tường thành Nam Ninh giúp anh ta dành được một cuộc gặp gỡ. Anh ta tái bảo đảm với các quan chức rằng anh ta đến không phải để gây chiến, mà là để thỉnh cầu. Yên tâm với sự phúc đáp của quan chức Trung Hoa, anh ta đã dâng cống phẩm quý giá, xong quay về lại căn cứ địa của mình (53). Các giới chức thẩm quyền Trung Hoa, hiển nhiên lo ngại về việc đối nghịch với Việt Nam, có vẻ là đã không chuyển lời thỉnh cầu của anh ta lên trên.

Nông Trí cao giờ đây đổi tên nước của anh ta, từ Đại Lý Quốc thành Nam Thiên Quốc (Nan Tian Guo) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Bước đi này có thể cho thấy một sự tuyên hứa trung thành, mặc dù chi rất giới hạn, với Trung Hoa. Họ Nông có thể đã ao ước một sự tự trị thực sự được hỗ trợ bởI sự thần phục trên nghi lễ trước Trung Hoa, theo mô thức Việt Nam. Họ Nông có thể đã nhìn người Trung Hoa sau hết ít đe dọa hơn Việt Nam, nước đã hai lần đánh bại anh ta.

Nông Trí Cao di chuyển từ Long Châu về An Đức châu (An-de zhou), tự tách mình ra xa Việt Nam hơn. Sự phục hồi của anh ta từ lần thất trận ban đầu được dễ dàng khắc phục hơn nhờ ở sự giàu có quặng mỏ trong vùng đất anh ta nắm giữ. Các nhà mậu dịch Trung Hoa từ Quảng Châu thường xuyên lui tới khu vực và mua vàng. A Nông và Nông Trí Cao tạo ra các mối quan hệ chặt chẽ với một số người trong bọn này. Một người trong họ, Huang Wei [có kèm chữ Hán], đã thi đậu cấp bằng ngạch quan lai Trung Hoa cao cấp nhất, Jin-shi, (54). Được cố vấn bởi Huang và A Nông, Nông Trí Cao quyết tâm tiến đánh các lực lượng nhu nhược của nhà Tống tại Yong (Ung).

Nông Trí Cao đã thất bại trong việc tìm kiếm một kẻ bảo hộ có thể cho phép họ Nông duy trì được mộtt mức độ tư trị rộng rãi. Đại Lý thì xa xôi và không liên quan bởi nhà Tống đã đình chỉ tiến trình bành trướng của nhà Đường vào đất Vân Nam. Việt Nam sẽ không chấp nhận nền tự trị thực sự. Trung Hoa lo sợ Việt Nam và không dám ủng hộ họ Nông. Giải pháp duy nhất là sự tuyên bố công khai sự độc lập bất kể các sự tuyên nhận chủ quyền trong vùng của Trung Hoa và Việt Nam.

Sự giàu có và và lòng say mê vũ thuật của người Choang đã biến họ thành các đối thủ đáng nể sợ. Đàn ông Choang dắt bên mình cả kiếm dài lẫn kiếm ngắn. Áo giáp che chắn cho voi dầy đến ½ phân Anh (inch) được sản xuất từ phía nam. Vũ khí bao gồm hai loại cung thông thuờng, một loại dài 6 bộ Anh (feet) chỉ có thể dương cung bằng chân, và loại kia dài bằng phân nửa loại trước. Tre và thông được dùng để chế tạo một loạt các mũi tên đặc chế thường được tẩm thuốc độc. Nhược điểm của người Choang nằm ở bộ phận kỵ binh. Khu vực là một trung tâm mua bán ngựa và đã có các đơn vị được trang bị chuyên biệt, cả người lẫn ngựa đều mang áo giáp, nhưng địa thế núi đồi và nhiều sông rạch hạn chế sự hữu dụng của kỵ binh. (55)

Tổ chức quân sự của người Choang vừa phức tạp lẫn linh động. Đơn vị căn bản là một tổ ba người lính bộ binh, những người cùng thị tộc canh tác cùng với nhau trên đồng ruộng được cấp cho họ bởi tù trưởng. Một viên tướng nhà Tống đã giao chiến trong các chiến dịch chống Nông Trí Cao đã viết trong tập hồi ký của mình như sau:

Kỹ thuật đánh từ xa của quân nổi dậy là sử dụng một thuẫn của người rợ và các mũi lao. Một người lính cầm khiên (thuẫn) che chở cho thân thể và hai người kia phóng lao từ bên sau tấm khiên và giết hại [địch quân]. Khi họ tiến quân như thế, các mũi tên không có hiệu quả gì nữa. Họ đến như một ngọn lửa phương nam. (56)

Ngược lại, cơ sở quân sự nhà Tống tại phương nam bị lơ là bởi có nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn ỏ phương bắc. Nhiều thành phố không có cổng thành và các đơn vị đồn trú nơi thành thị thường không có áo giáp. (57)

Nông Trí Cao lần theo các con sông xuôi nam, mau chóng loại trừ các đơn vị đồn trú trên đường tiến. Yong (Ung) bị thất thủ một cách dễ dàng. Kế đó anh ta chiếm được thành phố rào bằng hàng dậu Hằng Châu (Heng-zhou) và các thành phố vệ tinh, sau đó, chiếm Wu-zhou (Ngô chân ?), một trung tâm hành chánh quan trọng dọc con sông. Các lực lượng Choang di chuyển về phía đông với một tốc độ chưa từng có, loại trừ từng đoàn quân một, phần lớn đều không cầm cự được hơn một ngày. Họ đã tiến tới sát chân thành Quảng Châu trong vòng 20 ngày sau sự thất thủ của Yong, vào tháng Bẩy năm 1052. Sự kiểm soát của nhà Tống tại miền nam ở vào tình trạng nguy cấp. Tuy nhiên thành phố Quảng Châu (Canton) được chống đỡ bởi các quan chức có khả năng. Các quan chức của thành phố đã sửa chữa các bức tường thành, lắp dựng dàn cung to lớn, và tích trữ thức ăn và nước.(58) Nông Trí Cao bị dậm chân tại chỗ trong một cuộc bao vây kéo dài. Các lực lượng trong vùng được thu kết và khởi sự bao vây vòng ngoài quân nổi dậy. Sau 57 ngày, người Choang đã phải triệt thoái. (59)

Nhà Tống đã khởi sự thực hiện các nỗ lực đặc biệt để triệt hạ Nông Trí Cao. Chiếc đầu của Nông Trí Cao được triều đình [nhà Tống] treo giá 3,000 quan (một xâu 1,000 hiện kim bằng tiền đồng), 2,000 cây lụa, và một chức vụ trong quan trường. Đầu của A Nông được treo giá là 3,000 quan và một chức vụ công quyền thấp hơn. Đầu của hai viên cố vấn chính trị người Quảng Châu được treo giá là 1,000 quan và một chức vụ thấp hơn nữa. Điều cần lưu ý là nữ tộc trưởng A Nông được đánh giá bởi triều đình nhà Tống là nguy hiểm hơn cả hai người Quảng Châu phản bội. Sự hiểu biết của nhà Tống về vai trò của bà ta trong các chiến dịch của người Choang rất tường tận.

Có thể một nguồn tin tức tình báo của nhà Tống là một hay nhiều di dân gốc Hoa Hán. Mặc dù có vẻ là không có con số ước lượng nào về tỉ lệ dân số Choang-Hán dưới thời nhà Tống, trong thời nhà Đường, người ta nghĩ rằng 70 phần trăm dân số địa phương thuộc “sắc dân rợ”, 30 phần trăm là người Hán.(60) Một trong những cư dân gốc Hán này là một ứng viên bằng Jin-shi [tiến sĩ ?, chú của người dịch] nhưng không thành công có tên là Thạch (Shi) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] có các thân nhân bị chết khi thành Yong thất thủ. Ông này chạy trốn về Quế Châu (tức Quế Lâm) và thông báo cho các viên chức địa phương rằng sự hậu thuẫn của Nông Trí cao trong số các tù trưởng của các “động” miền núi rất yếu bởi có sự tranh chấp giữa các thị tộc. Ông Thạch này vạch ra rằng Nông Trí Cao được biết tỏ ra lo sợ rằng kỵ binh người Hán có thể sẽ chứng tỏ nắm phần quyết định trong trận chiến chống lại bộ binh của anh ta và rằng anh ta đã xem căn cứ của Huang Shou-ling [có kèm chữ Hán, chú của người dich.] như là đồn lũy cuối cùng.(61) Nếu thua trận, anh ta đã dự trù sẽ tái chỉnh trang đồn đó, chiêu mộ nhân lực, và huấn luyện giao chiến bằng kỵ binh. Các giới chức thẩm quyền đã thưởng cho ông Thạch một chức vụ quân sự thấp và phái ông ta đến các động miền núi để thuyết phục các tù trưởng đừng hậu thuẫn cho phong trào độc lập của dòng họ Nông.(62)

Sau khi bãi bỏ việc vây hãm Quảng Châu, Nông Trí Cao di chuyển lên hướng bắc, mau chóng đánh bại các lực lượng quân Tống nhờ ở ưu thế lưu động của mình. Sau đó, đoàn quân Choang quay xuống hướng nam và hướng tây, tái chiếm thành Yong (Ung) nguyên đã trở về trong tay quân Tống, trong tháng 10 năm 1052.

Tại Yong (Ung), Nông Trí Cao tức thời khởi sự đóng thuyền, loan bố ý định của anh ta nhằm tái tấn công thành phố Quảng Châu và thành lập quốc gia Nam Việt tai đó. Một loạt các lực lượng quân Tống được phái đến để đánh anh ta, nhưng anh ta đánh bại họ trong vùng núi đồi bao quanh Yong. Anh ta đã hạ sát năm vị chỉ huy đầu tiên được phái đến đánh anh ta bởi triều đình. Hoàng Đế [Trung Hoa] đã phái Địch Thanh (Di Qing) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], một quân nhân chuyên nghiệp thuộc tỉnh Sơn Tây, một môn đệ của các binh pháp nhà Tần và nhà Hán, người đã chinh chiến qua 25 trận trong 4 năm chống lại xứ Tây hạ (Xi-xia) (63). Địch Thanh được ủy toàn quyền và đã gom góp 31,000 quân và 32 vị tướng tại tỉnh Hồ Nam. Ông trưng tập đội kỵ binh thiện chiến của bộ lạc Fan-luo [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] từ miền Đông Bắc, đội quân được nói là “Họ có thể leo lên hay xuống núi như thể đi trên đất bằng” (64)

Vua của Đại Cồ Việt, Lý Thái Tông, đặt vấn đề hợp tác trong việc khuất phục Nông Trí Cao, đề nghị sẽ phái 20,000 quân sang đó (65). Đề nghi này khởi đầu được chấp nhận bởi viên chỉ huy quân sự tại Quế Châu (Quế Lâm). Hoàng Đế Ren Zong (Nhân Tông?) đã tham khảo với Tướng Địch Thanh là người vạch ra cho cả hai thấy sự bối rối khi phải sử dụng đến quân đội ngoại quốc và khả tính rằng quân Việt sau cùng có thể từ chối không chịu triệt thoái. Đề nghị này đã bị cự tuyệt. (66)

Địch Thanh biết rằng vũ khí tối thượng của quân Choang là khả năng di động của họ, và đã cưỡng hành kỷ luật nghiêm ngặt để che dấu các sự chuyển quân của ông. Khi một vị tướng tấn công lúc khởi đầu với đoàn quân 8,000 người, bị thất trận lần nữa, Địch Thanh đã ra lệnh xử tử viên tướng đó cùng 31 sĩ quan khác.(67) Địch Thanh cho thực hiện một cuộc di hành 25 cây số ban đêm và bao vây khu đèo then chốt Kun-lun (Côn Luân ?) phía đông bắc thành phố Yong.(68) Nông Trí Cao ưa thích một cuộc chiến tranh di động hơn là việc bị vây hãm và đã đụng độ vớI Địch Thanh tại phía bắc thành phố Yong, trong tháng Giêng năm 1054.

Quân Choang đã tấn công với đội hình cổ điển của họ, mặc đồng phục màu sắc rực rỡ, chiến đấu theo các đơn vị ba người một. Một trong hai vị chỉ huy quân Tống dưới quyền Địch Thanh đã gục ngã trong những giai đoạn khởi đầu cuộc chiến, nhưng kinh nghiệm và kỷ luật đã giúp giữ vững hàng ngũ. Đội quân được huấn luyện kỹ lưỡng của Địch Thanh đã có thể thay đổi đội hình mau chóng làm quân Choang lẫn lộn, không còn giữ được hàng ngũ. Trong khi bộ binh nhà Tống đốn chém các khiên của quân Choang bằng kiếm nặng và rìu, kỵ binh bộ lạc Fan-Luo tấn công vào hai bên cạnh sườn.(69) Quân Choang bỏ chạy, để lại số quân tử vong là 3,000 người.

Tại Yong, Địch Thanh đã xử tử Jin-shi Huang, hai thân nhân trong gia đình Nông Trí Cao, và 57 viên chức của vương quốc Choang. Địch Thanh cũng tịch thu 9 ấn tín chính thức, nhiều số lượng vàng, đồ thêu, ngựa và trâu bò.(70) Nông Trí Cao, mẹ, em, và các con trai chạy thoát, với ý định tăng cường đội quântrừ các thị tộc khác của dân Choang, và để huấn luyện chiến tranh kỵ binh vốn được chứng minh là yếu tố quyết định, đúng như anh ta đã lo sợ.

Đây là lúc cư dân gốc Hán tên Thạch chứng minh được giá trị của mình; các thị tộc Choang sẽ không tập họp để ủng họ dòng họ Nông nữa. Sự từ chối của tù trưởng họ Hoàng, Huang Shou-ling, người mà Nông Trí Cao đã đặt tin tưởng vào, là cú đấm sau cùng.

A Nông và các con trai của Trí Cao, kể cả đứa con kế ngôi của anh ta, ở lại Temo [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] thuộc tỉnh Vân Nam, cách xa Yong bốn mươi ngày đường, cố gắng gây dựng đôi quân 3,000 người từ các thị tộc người Choang.(71) Họ bị bắt giữ trong năm 1055 bởi một lực lượng người Choang, do người Hán chỉ huy, đã đầu quân theo nhà Tống. A Nông và các đứa con trai nhỏ của Trí Cao đã bị xử tử.

Nông Trí Cao nuôi hy vọng sẽ gầy dựng được một độI quân khác tại Đại Lý, nhưng khi anh ta đến đó, Đại Lý đang ở cơn xáo trộn nội bộ và không thể nào trợ giúp anh ta. Một sự tường thuật cho hay rằng anh ta bị giết chết tại Đại Lý.(77) Tống sử chỉ nói: “Sự từ trần của anh ta không được biết rõ.”(73)

Sự kiểm soát của Hoa Hán giờ đây có thể được mổ rộng tới vùng trung tâm của người Choang. Khu vực nằm giữa sông Zuo và sông You được sáp nhập hoàn toàn vào đế quốc Trung Hoa lần đầu tiên. Người Choang vốn đã sẵn bị ảnh hưởng bởi hệ thống hành chính Trung Hoa từ lâu trước khi có sự thất trận của Nông Trí Cao. Một vài tù trưởng đã từng triều cống ba năm một lần trong thời nhà Đường. Trong năm 1027, 311 tù trưởng của vùng thượng lưu sông You đã trao tặng phẩm vật cho các giới chức thẩm quyền triều Tống.(74) Nhưng nói chung, mối quan hệ giữa các thị tộc người Choang với triều đình Trung Hoa chỉ mang tính cách nghi lễ.

Khi Nông Trí Cao chạy trốn, các tù trưởng của các thị tộc nổi dậy khác tháp tùng anh ta. Sự kiện này tạo ra một khoảng trống được lấp đầy bởi các thị tộc ủng hộ nhà Tống. Các thi tộc này, chính yếu là các dòng họ Hoàng và Cen [?],được tưởng thưởng bởi nhà Tống với những chức vụ thế tập trong hệ thống Tu-si (Thổ tù?)[có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Hệ thống Tu-si có nguồn gốc từ thời nhà Đường. Nó chỉ đơn giản công nhận các tù trưởng địa phương đồng thời cũng là các quan chức trong chế độ thư lại Trung Hoa, với môt quyền tự trị địa phương đáng kể.

Miền này đã khởi sự hội nhập vào nền kinh tế Trung Hoa rộng lớn hơn, khi mà miền nam Trung Hoa nói chung đã phát triển thay cho một miền bắc bị chiến tranh tàn phá. Vùng hạ lưu của sông Dương Tử, vùng Giang Nam, hưng thịnh lên. Quảng Châu trở thành trung tâm mâu dịch ngoại quốc và Quế Lâm thành một trung tâm chiến lược của vùng tây-nam.(75) Vào thời Tống, Wu-zhou (Ngô châu), Lưu Châu, Quế Châu (Quế Lâm) và Yong (Nam Ninh) đã sẵn là các trung tâm mậu dịch, (76) nhưng dưới thời những người kế nhiệm Địch Thanh, một nỗ lực đã được thực hiện nhằm mở rộng hệ thống thị trường vào vùng sâu trong nôi địa.

Ngựa miền nam, chính yếu là từ Vân Nam, có giá cao thời nhà Tống, bởi các cuộc chiến tranh nơi phương bắc đòi hỏi một nguồn thay thế số ngựa.(77) Các con lộ mua bán ngựa chạy từ Vân Nam qua Quảng Tây, và từ đó sang Việt Nam hay đến Quảng Châu. Một chủ mua ngựa cho hoàng triều trú sở tại Yong và đã thăm viếng các trại cung cấp ngựa trên các ngọn đồi nơi mà người Choang đã từng thực hiện việc mua bán trước đây.(78)

Tại Heng-shan (Hằng Sơn?), ngoài ngựa của người rợ, thuốc men, hương trầm, súc vật, và dao kiếm Vân nam cũng được trao đổi. Sự kiện dao kiếm Vân Nam được hỏi mua khi các dao kiếm bằng thép từ Wu-zhou (Ngô châu) vốn đã sẵn được coi trọng khắp đế quốc cho thấy mức độ theo đó các hệ thống thị trường địa phương được ấn định bởi yếu tố địa lý và chủng tộc. Miền nam và miền tây Quảng Tây sẽ vẫn hướng đến Việt Nam và đến Đại Lý ở Vân Nam trong một số thời điểm.(79)

Người Choang cũng mua bán các tài nguyên thiên nhiên. Sản phẩm chính của sự trao đổi là vàng cát của người Choang. Vàng nhiều đến nỗi điều được truyền tụng là các tù trưởng ở các trang trại xa xôi giữ các giỏ chứa từ 5 đến 10 đấu vàng nhằm “xua đuổi các ảnh hưởng ma quỷ”(80). Gỗ cứng từ những khu rừng dọc biên giới Việt Nam và từ các hệ thống các con sông Zuo và You được đánh giá cao, góp phần vào sự tăng trưởng kỹ nghệ đóng quan tài của Lưu Châu vốn được xuất cảng khắp đế quốc, trở thành bất hủ với câu tục ngữ: “Mặc đồ Hàng Châu, ăn đồ Quảng Châu, chết ở Lưu Chậu” Các hàng thủ công của người Choang, đặc biệt các hàng gấm dệt có thêu nhiều hoa văn được sản xuất bởi phụ nữ Choang, cũng có giá trị cao (81).

Phần lớn sự mua bán vào Trung Hoa qua tay người Choang, và ngày càng nhiều hơn xuyên qua các thương nhân gốc Hán di dân đến, đều có nguồn gốc từ Việt Nam. Jin-zhou nằm bên bờ biển Trung Hoa đã là một trung tâm nơi mà gạo và vải vóc Trung Hoa được trao đổi lấy cá, kim loại, ngà voi, kỳ hương, giấy, bút, gạo, và quần áo.(82) Việt Nam cũng là một nguồn cung cấp vàng, sản xuất nhiều vàng với phẩm chất cao hơn vàng vùng đất Choang.(83) Sự giàu có của vùng biên giới và sự mua bán thịnh đạt của nó giải thích phần nào cuộc tranh đấu lâu dài giữa Trung Hoa và Việt nam nhằm nắm quyền kiểm soát tại đó. (84)

Cuộc bình định vùng này lôi cuốn một trào lượng gia tăng số di dân gốc Hán. Thời ban đầu của nhà Tống một huyện đã đăng ký một tổng số gồm 17,760 gia đình (hộ), bao gồm cả người Choang lẫn “khách” (các di dân gốc Hán). Vào khoảng 1078-1085, cùng châu đó đã đăng ký số gia đình “khách” không thôi là 56,596 hộ. Một vài huyện dân tộc ít người trước đây không có gia đình người Hán nào đã đột nhiên bị áp đảo bởi số người nhập cư (85).

Cùng với các di dân mới là nền văn hóa Trung Hoa. Các trí thức Trung Hoa đã bắt đầu mở các trường học và học viện tại đó con cái các người Choang giữ chức vụ trong nền thư lại mới thường ghi danh theo học. Triều đình cũng ra lệnh cưỡng bách ăn mặc theo kiểu Trung Hoa. Dĩ nhiên, các chiếu chỉ về việc tiêu pha ăn mặc khởi đầu chỉ ảnh hưởng đến các người Choang mới làm việc với người Hán, nhưng các người này là tầng lớp thượng lưu của xã hội Choang, và đã ảnh hưởng đến các tầng lớp xã hội bên dưới họ (86). Đàn ông và phụ nữ bắt đầu cài cúc áo bên tay phải, đàn bà mang yếm, mặc váy thay cho quần, và các kiểu tóc cũng bắt đầu phản ảnh các kiểu thức Hán Hoa.

Trong xã hôi Choang cổ xưa sự tỏ tình là một định chế ve vãn với các cuộc hôn phối thử nghiệm, thường được giao kết bởi chính hai bên kết ước tại các buổi lễ hội định kỳ khi các thanh niên nam nữ Choang tụ họp, “cười đùa, ca hát; và lấy nhau.”(87) Giờ đây lễ nghi nghiêm ngặt của sự kết hôn được sắp xếp theo kiểu Khổng học bắt đầu xâm nhập xã hội Choang. Các tang lễ và tục lệ chôn cất cũng đến theo. Vai trò của phụ nữ bắt đầu thích nghi với các tiêu chuẩn Khổng học. Các cuộc hôn phối dị tộc trở nên một yếu tố quan trọng (88).

Các Tu-si [thổ tù?] trở thành các địa chủ phong kiến với quyền hành thực sự tuyệt đối. Sự hỗn hợp các cơ chế kiểm soát của người Hán và người Choang đã tạo ra một xã hội phong kiến bóc lột dã man, không mấy khác chế độ nông nô trắng trợn (89). Hệ thống này, mặc dù đã được sửa đổi một cách đáng kể trong thời Minh khi các quyền lực của các Tu-si bị giảm thiểu rất nhiều và giới thư lại chính ngạch được ban cho nhiều quyền kiểm soát hơn, vẫn còn tồn tại trong khuôn khổ tổng quát của nó mãi cho đến thủa ban sơ của thời Cộng Hòa.

Sự thất trận của Nông Trí Cao và sự di chuyển các thị tộc người Choang hoang dại ra khỏi vùng đất dọc biên giới Việt-Hoa đã có ảnh hưởng đến việc gia tăng quyền lực của Đại Cồ Việt. Trong năm 1054, khi Nông Trí Cao bị thất trận, vua Lý Thánh Tông lên ngôi, đổi tên nước thành Đại Việt. Bận tâm với cuộc bành trướng về phía nam xâm lấn vào đất xứ Chàm, người Việt đã không yên tâm để cho phép các tàn dư của họ Nông đe dọa biên giới phía bắc của họ. Việt Nam đã nhiều lần thông báo cho triều đình Trung Hoa về mối nguy hiểm đặt ra bởi các người họ Nông còn sống sót và đã đe dọa sẽ vượt qua biên giới để tự mình giải quyết vấn đề đó(90).

Nhà Tống cũng đang ở trạng thái hiếu chiến. Các sự cải cách của Vương An Thạch (Wang An-shi) vào lúc đó làm tăng cường cơ sở quân sự. Tại phía nam, việc sự này diễn ra dưới hình thức tuyển mộ nhiều người Choang vào các đội quân địa phương. Bước tiến này phản ảnh sự nhận thức của nhà Tống về việc các đội quân người bắc thường hay đào ngũ và dễ dàng mắc bệnh và chết đi dưới các điều kiện khổ nhọc của miền nam (91).

Phương thức để tuyển mộ vào các đội quân địa phương là đơn giản trả cho các Tu-si (thổ tù?) để họ trưng tập các thổ dân thuộc chế độ phong kiến của họ. Từ năm 1064 đến năm 1067 các viên chức nhà Tống đã tuyển mộ được hơn 50,000 binh sĩ này, được gọi bằng nhiều tên bởi người Choang nhưng thông dụng nhất là Thổ đinh (Tu-ding) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] đối với các sử quan Trung Hoa (92). Nhiều quân nổi dậy trước đây đã lặng lẽ quay về quê cũ, kể cả một trong những đứa con trai và một anh em của Nông Trí Cao, sau hết đã nhập ngũ (93). Sự tuyển mộ họ Nông không thôi đã nâng cao sự lo ngại của Việt Nam về các mối nguy hiểm được đặt ra bởi dòng họ Nông và bởi người Trung Hoa bảo trợ của họ.

Một vài học giả đã tranh luận rằng Vương An Thạch cũng đã trù hoạch một cuộc bành trướng sâu hơn về phía nam, lấn sang Việt Nam (94). Không rõ rằng đây có phải là các kế hoạch trước mắt của Vương An Thạch hay không, chắc chắn ông ta cực kỳ quan tâm đến việc ấn định các biên giới dễ phòng thủ, và đến việc kháng cự các sự xâm nhập của ngoại bang (95). Nhưng Vương An Thạch cũng có một sự thẩm định về các giới hạn của lực lượng như một phương sách chính trị (96), và có thể đã nhìn cuộc chiến tranh sau này với Việt Nam là có tính chất phòng thủ thuần túy.

Bất kể các ý định của người Trung Hoa và người Việt, vùng biên giớI đã không được xác định rõ ràng và dẫn đến sự tranh chấp. Dưới thời Đường, biên giới giữa An Nam và các quản hạt Quảng Nguyên vạch ra một loạt các đường uốn lượn xuyên qua đúng khu vực có người họ Nông sinh sống. Đường ranh biên giới khó có thể nào được vẽ một cách khổ sở hơn nữa, chắc chắn tạo ra các sự tranh chấp khi mà nhà Tống và nước Đại Việt củng cố các quyền lực địa phương của họ.

Nhà Tống bắt đầu tuyển mộ Thổ đinh trong năm 1064, và ngày càng quan tâm hơn đến các ý định của Việt Nam từ nằm 1067 trở đi. Sự tăng cường của nhà Tống trong vùng đã bị đối phó bởi các cuộc đột kích phủ đầu của Việt Nam, lên cao nhất với sự triệt hạ thành phố Nam Ninh (Yong: Ung) của anh hùng Việt Nam, Lý Thường Kiệt, trong năm 1076 (97). Không giống như Nông Trí Cao đã chiếm giữ nó một cách tương đối hòa bình, Việt Nam đã hạ sát khoảng từ 80,000 đến 100,000 cư dân (98). Nhà Tống đã xâm lăng Việt nam, đạt được vài chiến thắng và gánh chịu một số sự thất trận nặng nề. Trong thập niên 1080, theo sau sự thừa nhận cụa nhà Tống về sự độc lập của Việt Nam, và sau một thời gian thương thuyết kéo dài, các sự bất thường trong biên giới đời Đường đã được sửa chữa cách nào đó, dành cho Việt Nam sự kiểm soát các đỉnh núi mọc trong toàn vùng (99).

Trong khi hệ thống Thổ đinh đã ngăn chặn một cuộc xâm lăng thành công của nhà Tống vào Việt Nam, sau rốt nó đã bình định được phía bên giới Trung Hoa. Khuyết điểm của hệ thống này là sự kiện quân đội chỉ có thể được sử dụng với sự cho phép của các tù trưởng người Choang. Như Zhou Qufei, người đã sử dụng họ như các cận vệ trong các cuộc tuần tra thu thuế của ông ta, đã nói: “Các quan chức không thể nào kiểm soát dù chỉ một người, họ sống và chết theo các mệnh lệnh của các thủ lĩnh của họ.”(100) Nhưng khi các Thổ Tù người Choang hợp tác, các Thổ Đinh là một trong các đội quân xuất sắc nhất của đế quốc. Vào lúc có sự sụp đổ của nhà Tống họ đã cầm chân quân Mông Cổ tại Quế Lâm, và nhà Minh đã sử dụng họ với một số sự thành công chống lai các nhóm hải khấu Woko trong những chiến dịch tại Giang Nam nếu không đã trở nên thảm họa. Tuy nhiên, họ thường được sử dụng nhiều nhất trong các chiến dịch ở quy mô nhỏ chống lại các dân tộc ít người khác ở miền nam mưu toan nổi dậy. Ngày nay, báo chí Trung Quốc thường tán dương sự can đảm của người Choang trong việc bảo vệ biên giới chống lại người Việt.

Bản chất xác thực của diễn tiến lịch sử giữa người Choang với ngườI Hán Hoa vươn tới đỉnh cao trong thời nhà Tống, và ý nghĩa của nó trong lịch sử sau này của Trung Hoa và Việt Nam, là điều còn gây tranh luận. Các sự khẳng định thông thường của sự phân tích thực hàm hồ trải qua dòng thời gian, bởi nhiều tầng lớp của lòng trung thành trong vùng, và bởi sự xê dịch của biên giới địa lý, đến nỗi có thể đưa đến một loạt các sự giải thích khác nhau.

Quan điểm hiện thời của Trung Quốc cho rằng Nông Trí Cao là một anh hùng dân tộc ít người chống phong kiến. Nhấn mạnh đến tính phổ cập của cuộc nổi dậy của anh ta, và vạch ra sự kiện rằng nhiều thành viên then chốt trong vòng thân tín của anh ta được xem là người Hán, sự giải thích này trình bày cuộc nổi dậy là được lòng dân, có tính cách đa chủng tộc và chống phong kiến.(101) Quan điểm thắng thế trước khi có cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản [Great Proletarian Cultural Revolution: GPCR] đã mô tả Nông Trí Cao chỉ là một thủ lĩnh địa phương tự khoa trương. (102)

Cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản (ĐCMVHVS) đã được đấu tranh một cách mãnh liệt tại Vùng Tự Trị Dân Tộc Choang tại tỉnh Quảng Tây. Đường lối tả khuynh giảm thiểu một cách tối đa sự khác biệt chủng tộc để nghiêng về một diện mạo vô sản “Trung Hoa” đồng nhất. Các người theo đường lối này đã tỏ vẻ nghi ngờ về việc tán dương các nhân vật mà họ mệnh danh một cách mỉa mai là “Các Anh Hùng Dân Tộc Ít Người.” (103) Tính cách khốc liệt của cuộc ĐCMVHVS tại Quảng Tây và sự thiếu đoan chắc về cách giải quyết các vấn đề còn tồn đọng đã kiềm chế một cách nào đó các học giả về lịch sử và văn hóa dân tộc ít người, mặc dù các thẩm quyền cả ở cấp quốc gia lẫn địa phương nay đều ủng hộ cho công trình nghiên cứu này. (104)

Có lẽ vấn đề giải thích quan trọng về cuộc nổi dậy của Nông Trí Cao nằm ở lý lịch dân tộc tối hậu của anh ta. Nông Trí Cao nên được xem như một anh hùng Trung Hoa, bởi người Choang đã trở thành một bộ phận của dân số Trung Hoa đa chủng tộc, hay anh ta phải được xem là một người Việt Nam, cố gắng kháng cự lại sự kiểm soát của Trung Hoa? Điều tốt hơn là nên tránh dùng các từ ngữ “Trung Hoa” và Việt Nam vốn dĩ hầu như vô nghĩa vào thời Tống, nhưng gạt bỏ chúng hoàn toàn làm quên mất các hậu quả trường kỳ của cuộc nổi dậy, và ý nghĩa của nó đối với các sử gia hiện đại của Trung Hoa và Việt Nam.

Nơi sinh đẻ của Nông Trí Cao, và căn cứ đầu tiên của anh ta, nằm vùng thượng lưu của con sông Zuo, có nơi phát nguyên nằm trong lãnh thổ Việt Nam ngày nay vào khoảng 23 độ Bắc vĩ tuyến và 105 độ 30 phút Tây kinh tuyến. Vùng này thường bị kiểm soát bởi Trung Hoa, nhưng tiếp theo sau cuộc chiến tranh Hoa-Việt hồi thập kỷ 1070, châu Quảng Nguyên trước đây của nhà Tống sau đó nằm trong lãnh thổ của Việt Nam. (105)

Ngày nay, trong bàu không khí đối nghịch giữa hai xứ sở, Việt Nam đôi khi xác nhận Nông Trí Cao như một người dân bản xứ, Nùng Trí Cao.(106) Tuy nhiên, trong thời khoảng vui vẻ hơn trước đây, Việt Nam đôi khi xem anh ta chính yếu có gốc người Trung Hoa. (107)

Có lẽ một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất tại khu vực này là liệu Nông Trí Cao có thể được nhìn một cách thích đáng nhất không phảl là người Trung Hoa mà cũng không phải là người Việt Nam, nhưng như một nhà vua của một quốc gia Choang độc lập sau đó bị hấp thụ bởi Trung Hoa. Câu hỏi này về việc làm sao có thể mô tả một cách xác thực nhất mức độ phát triển của người Choang dưới thời Tống là một điều còn gây tranh luận. Sự giải thích chính thống của Trung Hoa trong lãnh vực này gặp khó khăn bởi có sự hỗn độn và mơ hồ trong các tác phẩm của Marx và Engels. (108) Quan điểm chính thống cho rằng tất cả mọi xã hội đều tiến triển nhất thiết từ một xã hội thị tộc thành một xã hội nô lệ và từ đó thành một xã hội phong kiến. Trong sự giải thích này, người Choang đã là một xã hội nô lệ trước khi có nhà Tống, vì thế họ không thể có được một quốc gia. Sau này họ đã bị lôi kéo sang giai đoạn phong kiến bởi các ràng buộc của họ với một xã hội Trung Hoa rộng lớn hơn. (109)

Huang Xianfan, học giả đươc thừa nhận hàng đầu trong các sử gia người Choang về dân tộc Choang, lập luận một cách thuyết phục rằng sự giải thích chính thống này hoàn toàn không phù hợp với xã hội người Choang, một quan điểm mà vì nó ông đã nhiều lần bị đả kích.(110) Ông Huang lập luận rằng các tình huống của chiến dịch của nhà Tần năm 221 trước Dương Lịch chống lại Đông Âu, Tây Âu, Mân Việt và Nam Việt cho thấy người Choang đã thành lập sẵn một quốc gia, Tây Âu.(111)

Quan điểm của Huang Xianfan nêu ra một số vấn đề rắc rối. Một vài học giả nhìn sự tổ chức chính trị trong vùng xảy ra tương đối muộn, như là một hậu quả của sự thất trận của nước Việt trước nhà Chu vào năm 333 trước Dương Lịch. Quan điểm này cho rằng tầng lớp cai trị từ nước Việt dọc duyên hải đã chạy trốn cùng với các lực lượng quân sự còn sót lại và sau đó đã thành lập các quốc gia Nam Việt, Mân Việt, Đông Âu và Tây Âu, với trung tâm của nó nằm vùng thượng lưu sông Tây Giantg, thuộc tỉnh Quảng Tây ngày nay. (112) Trong sự thành hình này Tây Âu không phải là một quốc gia của người Choang, giới lãnh đạo và các ước vọng của nó có tính cách ngoại sinh, mặc dù nó có thể có một thành phần nguyên mẫu Choang (proto-Zhuang) đáng kể.

Lập luận này có nhiều điều đáng tán thưởng. Có các sự tương hợp về ngôn ngữ rõ rệt giữa các sắc dân Việt nói tiếng Á-Úc (Austroasiatic) với ngôn ngữ Việt Nam.(113) Sự sử dụng rộng rãi từ ngữ “Việt: Yue” trong vùng nam Trung Hoa và Việt Nam tiếp theo sau sự thất trận của nước Việt trước nhà Chu năm 333 trước Dương Lịch xem ra mang thêm bằng cớ cho lập luận phân tán làn sóng tỵ nạn. Các học giả Trung Hoa cũng nhìn nhận một mối quan hệ căn bản giữa các tổ tiên của người Choang với các quốc gia Việt tộc sau này, đôi khi xác định các nhà lãnh đạo chính tri Việt tộc miền nam như là các nguời Choang.(114)

Có một số vấn đề đối với giả thuyết phân tán tỵ nạn khi áp dụng vào phần nội địa miền nam Trung Hoa. Một trong những vấn đề này là tài liệu khảo cổ không hỗ trợ [cho giả thuyết này]. Chẳng hạn như các địa điểm thời Chiến Quốc đã được khai quật đến nay tại tỉnh Quảng Tây cho thấy rằng trong số các quốc gia bên ngoài, nhà Chu có vị thế thống trị, nhưng đã chỉ có một ảnh hưởng tương đối nhỏ. Trong khi bằng cớ về ảnh hưởng đáng kể của Việt tộc có thể đơn giản vẫn chưa được khám phá ra, hay lẫn lộn với các vật thể của các quốc gia thời Chiến Quốc khác và không được xác định một cách thích đáng, (114) tài liệu cho đến nay không cho thấy một sự hiện diện có thực chất nào của văn hóa cụ thể của Việt tộc.

Hơn nữa, giả thuyết tỵ nạn gốc Việt tộc đơn giản không cần thiết cho việc giải thích sự tăng trưởng các đơn vị chính trị trong vùng. Lớp tổ tiên của dân Choang chắc hẳn đã tiếp cận với các ý niệm tinh vi về quốc gia trước năm 333 trước Dương Lịch. Như Nông Trí Cao đã chứng minh, đồng bằng Quảng Châu dễ dàng lai vãng từ các vùng của người Choang. Cuộc hải hành xuôi dòng có thể hoàn tất chỉ trong vòng một tuần lễ trong thời bình. Cuộc hải hành trở ngược dòng khó khăn hơn nhiều và có thể làm chùn bước người Việt trong việc xâm nhập vào nội địa bằng vũ lực. Chúng ta có thể giả định rằng tổ tiên người Choang bị lôi kéo xuống vùng đồng bằng Quảng Châu để buôn bán, và có thể, do bản chất của xã hội người Choang và tình trạng bạo động của thời Chiến Quốc, được tuyển dụng làm lính đánh thuê.

Tài liệu khảo cổ bao gồm một sự phân tán rộng rãi các đồ vật nhân tạo thời đồ đồng sau này khắp vùng, phát xuất từ những trung tâm tại Quảng Đông, Vân Nam và Việt Nam (116). Sự phân bố các loại đồ vật nhân tạo được xác định rõ rằng này (117) cho thấy một hệ thống thị trường phải được giả định là đã hiện diện trước một số tổ chức chính trị nào đó, chắc chắn có nhật kỳ trước khi có sự thất trận của nước Việt.

Trong bất kỳ trường hợp nào, chỉ nội tấm gương của nước Việt không thôi cũng đủ khơi dậy ước muốn tranh đua của người Choang, không cần đến định đề về sự truyển giao trực tiếp bởi giới tỵ nạn quý tộc. Có thể là bất kỳ đợt di dân người Việt sau này đã bỏ qua các vùng đất đất của người Choang, bởi sự di dân trong thực chất có tính chất duyên hải, hay nhiều phần, xảy ra bằng đường biển.

Lập luận của ông Huang cho rằng tổ tiên người Choang đã được tổ chức thành một quốc gia, nước Tây Âu, vào thời gian có cuộc xâm lăng của nhà Tần có một số giá trị tiềm ẩn. Nhưng trong khi lập luận này khó có thể bị bác bỏ một cách dễ dàng, nó vẫn chưa được xác nhận, bởi thiếu các bằng cớ về văn bản và khảo cổ. Có thể là thực thể chính trị được xác định là Tây Âu không gì khác hơn một liên hiệp tạm thời của các tù trưởng kết hợp với nhau để chống lại quân xâm lăng Trung Hoa, hay một loại liên minh phòng thủ biên giới được liên kết một cách lỏng lẻo với Nam Việt, như tác giả K.W. Taylor đã nêu ý kiến.(119) Dĩ nhiên bước tiến từ một liên đoàn các tù trưởng đến điều mà ông Huang gọi là một quốc gia Choang phôi thai chắc chắn chỉ là một bước rất ngắn. (120)

Nếu, vì sự thiếu sót bằng chứng xác định cho quan điểm của ông Huang, chúng ta bác bỏ nó, nhưng rất có thể là người Choang đã thành lập một quốc gia ở những giai đoạn phát triển sau này. Thực sự trong thời nhà Đường, một số các người nổi dậy của dân tộc Choang như đã thảo luận ở trên đã tự xưng các tước hiệu như là Trung Việt Vương, Nam Việt Vương và nhiều niên hiệu khác, một vài niên hiệu, như hai danh hiệu nêu trên, làm liên tưởng đến một sự xác định gần gủi với các quốc gia Việt tộc thuộc các thời kỳ trước đó. Tuy nhiên, tầm mức và thời khoảng {sống sót] của các cuộc nổi dậy này xem ra đã loại bỏ danh nghĩa “quốc gia” dành cho họ.

Nhưng tổ chức chính trị của Nông Trí Cao là một bước tiến tách rời khỏi các cơ cấu của các thủ lĩnh người Choang trước đó, cả về mặt tầm mức lẫn tính phức tạp. Trong lúc ban đầu của sự nghiệp của mình, khi đặt căn cứ quanh vùng Long Châu, anh ta đã tuyên bố thành lập Đại Lý Quốc. Khi bị đẩy lui ra khỏI vùng bởi Đại Cồ Việt, sau khi tái định cư tại An Đức châu, anh ta tuyên bố thành lập Nam Thiên Quốc. Trong khi chuẩn bị tiến đánh Ung châu (Yong) anh ta đã đua ra lời tuyên bố rõ ràng các ý định của mình:

Các sản vật của đời sống đã bị thiêu đốt bởi ngọn lửa của ông Trời. Không còn cách nào để sống nữa. Chúng ta sẽ chiếm đánh Ung Châu, đặt căn cứ tại Quảng Châu và tự xưng làm Vua. Nếu không, chúng ta sẽ chết (121).

Sau này, với sự chiến thắng quan trọng đầu tiên trong chiến dịch tiến đánh Quảng Châu, tức việc chiếm được Wu-zhou (Ngô châu), anh ta tuyên cáo: “Giờ đây tôi sẽ thành lập nước Nam Viêt.”(122) Anh ta cũng áp dụng một hệ thống thư lại bao quát kiểu Trung Hoa với các quan chức địa phương, và một triều đình với các biểu tượng như ấn tín hoàng gia và các vương tước.

Nhưng cảm thức xa rộng hơn của Nông Trí Cao về một lý lịch chính trị của người Choang lại không được đón nhận bởi các thị tộc hàng đầu khác, những thị tộc đã nhìn sự trổi dậy như sự bành trướng của dòng họ Nông làm tổn hại đến thị tộc của chính họ. Trong khi các thủ lĩnh như Nông Trí Cao và các thị tộc khác khởi dậy cùng với anh ta dự kiến cho chính mình như một thực thể chính trị có tổ chức tách biệt khỏi Đại Cồ Việt hay nhà Tống Trung Hoa, các người khác đã chỉ tự nhìn mình như các thủ lĩnh của các thị tộc hay bộ lạc. Sự thất bại của cuộc nổi dậy của dòng họ Nông dưới thời nhà Tống chính vì thế là một điểm then chốt trong sự tiến hóa của dân tộc Choang. Sự xiết chặt vòng kiểm soát của nhà Hán ở phương bắc và sư kiểm soát của Việt Nam ở phương nam sau cuộc thất trận đã loại trừ các nỗ lực quan trọng nhằm phát triển độc lập trong những giai đoạn sau này. Nông Trí Cao đã là nhà lãnh đạo khả hữu sau cùng của một quốc gia Choang độc lập.

Có lẽ bởi tầm mức trong dự kiến của mình, Nông Trí Cao đã trở thành một nhân vật lịch sử quan trọng đối với dân tộc Choang. Tại làng Du-zhun, tỉnh Quảng Tây, có một ngôi đền thờ anh ta nơi các biểu tượng cho sấm và sét hãy còn được ghi nhận trong thế kỷ 18. (123) Người Choang chạy trốn cùng với Nông Trí c Cao vẫn giữ lý lịch của họ trong một thời gian lâu dài, một số còn giữ cho đến ngày nay. Có một nhóm ở Vân Nam đã có lần được chính thức xác định thuộc nhóm dân tộc “Nông” ít người, tại huyện Wen Shan (Văn Sơn?), một huyện người Choang. Nhóm này sau đó được tái xếp loại là người Choang, điều này thật rõ ràng, trên căn bản về ngôn ngữ và phong tục. Họ tự xác định là các người sống sót của phong trào dành độc lập (124) và thờ cúng Nông Trí Cao trong lễ hội vào tháng Ba, một sinh hoạt dân gian chính yếu của người Choang trong năm. Cũng có các nhóm khác tại Xishuanbanya và Đại Lý tại Trung Hoa, và tại miền Bắc Thái Lan, tất cả đều tuyên nhận là hậu duệ của Nông Trí Cao.(125) Cũng có nhiều bài hát của người Choang nói đến “Vua Nông”(126).

Nhiều người Nông nổi dậy ở tại Việt Nam, tập trung quanh Cao Bằng, vùng trước đây là châu Quảng Nguyên thời nhà Tống, và quanh Lạng Sơn, xa về phía đông. Trong khi có một vài lý do để tin rằng nhiều người thiểu số gốc Nông (Nùng) ở Việt Nam là hậu duệ của các người sống sót sau cuộc nổi dậy, cũng có bằng cớ về các cuộc di dân đáng kể sau này (127). Có thể là nhiều người nổi dậy nguyên thủy hồi thế kỷ 11 còn lại hay sinh sống tại Việt Nam đã bị hấp thụ bởi dân tộc Tầy liên hệ trong vùng(128). Ký ức về cuộc nổi dậy vẫn còn mạnh mẽ tại Việt Nam và có một đền thờ Nông Trí Cao tại huyện Cao Bằng. (129)

Các giới hành chính và sử hoc Trung Hoa không hoàn toàn thoải mái với Nông Trí Cao vì thế anh ta không được xác định một cách hiển hiện như một anh hùng dân tộc ít người. Biểu trưng cho dân tộc Choang là một nhân vật thần kỳ, Chị Ba Lưu (Third Sister Liu) vẫn tiếp tục được tán tụng trong phim ảnh và phim truyền hình do cách cư xử thân thiên với quần chúng và thái độ chống phong kiến một cách anh dũng của cô ta.(130) Nhưng đối với nhiều người dân Choang sống rải rác khắp miền nam Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, biểu tượng của đỉnh cao vinh quang của dân tộc Choang là “Vua Nông.”/-

Nguồn: Journal of Southeast Asian Studies, Vol. XVIII, No. 2, September 1987, các trang 250-269.

CHÚ THÍCH:

1. Tính đến tháng 10 năm 1982 dân số Choang là 13, 370.000 người, chính yếu sống tại vùng Tự Trị người Choang, tỉnh Quảng Tây, nhưng cũng có người Choang tại Vân Nam, Quảng Đông và Quế Châu. China’s Minority / Nationalities, (1) China Reconstructs (Beijing, 1984).
2. Nguyễn Khắc Viện, Ethnographical Data, Vol. I, #32, Vietnamese Studies (Hanoi, 1972): 5. Tổng số dân Tầy-Nùng là 817,993 người, trong đó có 313,998 người được kể là người Nùng.
3. Xem Wolfram Eberhard, China’s Minorities: Yesterday and Today (Belmont, California: Wadsworh Publishing Company, 1982), các trang 100-104, để có một sự thảo luận hữu ích về các thái độ của Trung Quốc đối với các dân tộc ít người. Từ ngữ Choang (Zhuang) đã được sử dụng trong thời nhà Đường, mặc dù chỉ áp dụng cho một phần của các người ngày nay được nghĩ là tổ tiên người Choang. Danh từ này được phổ biến vào thời nhà Minh. Một vài từ ngữ Hán tự có thể là tiếng tự xưng của các dân tộc ít người; một số từ ngữ khác thử ghép tiếng Tai [Tầy?, chú của người dịch] vào trong Hán tự. Tôi giả định là đã có một văn hóa và ngôn ngữ chung giữa những người Choang nguyên thủy vào khoảng cuối thời đồ đá mới.
4. Guangxi Minorities’ Institute Research Centre, Guangxi Xiao-shu Min-zu Gai-yao [An Outline of Guangxi Minority People’s] (Nanning, 1978), trang 4.
5. Qin Shuguan, “Feng-jian Wang-qiao zai Guangxi Tui-xing-de Min-zu Zheng-ce He Min-zu Guan-xi-de Fa-zhan” [The Feudal Dynasties’ Minorities Policies in Guangxi and the Development of the Minority Peoples]. Bài viết này được trình bày tại Hội Nghị Về Ngành Học Về Các Dân Tộc Ít Người tại Quảng Châu, Tháng 12, 1984, trang1. Từ giờ về sau, gọi tắt là: Qin Shuguan, FJWQ. Tôi xin cảm ơn tác giả về việc đã cung cấp cho tôi một bản sao bài viết này.
6. Yi Guangyuan và Zhou Guoxing, “On the Remains from Liuzhou Region Guangxi”, Beijing Zi-ran Bo-wu-guan Yen-jiu-bao [Report of the Beijing Museum of Natural History], qi 20 (December, 1982). Các buổi đàm thoại với ông Yi tại Bai-lian Dong xảy ra trong tháng Sáu 1985.
7. Yang Jichang, “Lai-ci Guilin Zhen-pi-yan Yi-zhi Dong-wu Zhun” [The Fauna of Zhen Pi Yan Ruins from Guilin, Guangxi], Bo-wu [Natural History], 2 (Beijing, 1981): 29-31. Cũng xem Yang Jichang, “Guilin Zhen-pi-yan Dong-xue Yi-zhi” [Artifacts of Guilin’s Zhen-pi-yan Cave], Hua-shi [Fossil: Hóa Thạch, 1 (Beijing, 1980): 25.
8. Qin Cailuan, “Zhuang-zu Di-qu Xin-shi-qi Shi-dai Mu-zang Ji Qi-you Guan Wen-ti-de Tan-tao” [Inquiry into Problems Relating to the Neolithic Era Tombs in the Zhuang Districts], Guangxi Min-zu Xue-yuan Xue-bao [Research Report of the Guangxi Minorities’ Institute], 3 (Nanning, 1984): 35-42.
9. Eberhard, China’s Minorities, trang 86.
10. Meacham đề cập đến văn hóa của miền nam là “nền văn hóa Bắc Sơn tại miền Nam Trung Hoa: South China Bacsonian”. Xem William Meacham, “Origins and Development of the Yueh Coastal Neolithic: A Microcosm of Cultural Change on the Mainland of East Asia”” trong The Origins of Chinese Civilization, biên tập bởi David N. Keightley (Berkeley: University of California Press, 1983), trang 156.
11. Một điểm tranh nghị trong lập luận này là nguồn gốc các trống đồng tiêu biểu cho các nền văn hóa phương nam. Về một cuộc thảo luận đề cập đến các lời tuyên nhận của “Tiểu Bá Quyền Việt Nam” là lò sinh sản ra các nền văn hóa trống đồng, xem Lin Bangcun, “Tan-tan Wo-guo Zao-qi Tong-gu” [A Discussion of our Country’s Early Bronze Drums] trong Jiang-han Kao-gu [Jiang-han Archaeology], 2 (1980): 51-55. Về một cuộc bút chiến tổng quát hơn chống lại mọi lời tuyên nhận của Việt Nam về tầm mức lịch sử quan trọng, xem Dai Kelai và Xu Yongzhang, “Wei Di-gu Ba-quan-ju-yi Fu-wu-de Wei-shi-jia” [Bogus Historians in the Service of Local Hegemonism], Hong-qi [Red Flag], qi 395 (1 April 1982): 44-48.
12. Qin Shuguan, FJWQ, trang 1. Tôi xin cảm tạ Giáo Sư đã kiên nhẫn giới thiệu tôi với lịch sử và văn hóa người Choang tại Quế Lâm từ tháng Tám 1984 đến tháng Bẩy 1985.
13. Joseph Needham, et al., Science and Civilization in China, Vol. 4, Pt. III (London: Cambridge University Press, 1971), p. 300.
14. Xiao Zechang và Zhang Yigui, Liu-Zhou Shi-hua [History of Liu-zhou] (Nanning: Guangxi Renmin Chubanshe, 1983), trang 14.
15. Wang Weiqun (ed), Nan-yue Wu-zhu Zhuan. Ji Qi-ta Qi-zhong [Commentary on the Five Lords of Southern Yue and Seven other Pieces] (Guangzhou: Guangdong Renmin Chubanshe, 1982), trang 5. Dựa theo bản thời nhà Thanh và bình giải bởi Liang Yannan.
16. Thời kỳ này và hàm ý của nó đối với lịch sử địa lý của Trung Hoa và lịch sử Việt nam được trình bày trong tác phẩm của K.W. Taylor, The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983), các trang 23-39. Tôi xin cảm tạ ông Taylor về việc cho ý kiến trên các văn bản trước đây về sự rối rắm này.
17. Zeng Duhong, Qin Shuguan và Wei Hualing, Guilin Jian-shi [A Brief History of Guilin] (Nanning: Guangxi Renmin Chubanshe, 1984), trang 14.
18. Guangxi Zhuang-zu Zi-zhi-qu Wen-wu-guan-li Wei-yuan-hui [Cultural Artifacts Adminstrative Committee of the Guangxi Zhuang Autonomous Region] (ed), Guangxi Qu-tu Wen-wu [Artifacts Unearthed in Guangxi] (Beijing: Wenwu Chubanshe, 1978), trang 13.
19. Cùng nơi dẫn trên. He-pu [Hợp Phố?, chú của người dịch] được biết trong thời nhà Đường là một địa điểm bắt ngọc trai, một trung tâm sản xuất muối và một hải cảng mở cho việc mua bán duyên hải. Mo Jie (ed), Guangxi Feng-wu Zhi [Scenic Sites of Guangxi] (Nanning: Guangxi Renmin Chubanshe, 1984), trang 252.
20. Zhuang-zu Jian-shi Pian-xie-zu [Editorial Committee, History of the Zhuang People], Zhuang-zu Jian-shi [A Brief History of the Zhuang Peoples] (Nanning: Guangxi Renmin Chubanshe, 1980), trang 21. Từ nay về sau, viết tắt là Zhuang-zu Jian-shi.
21. Jennifer Holmgren, Chinese Colonisation of Northern Vietnam, Oriental Monograph Series, no. 27 (Canberra: Australian National University, 1980), trang 6.
22. Qin Shuguan, FJWC, trang 3.
23. K.W. Taylor chỉ cho thấy rằng các chiến dịch của nhà Tùy đánh dân bản địa, được gọi là người “Li: Lí ?” [có kèm chữ hán, chú của người dịch) là các cuộc giao tranh dữ dội và dai dẳng. Taylor, Birth, các trang 158-61. Trung Hoa dùng từ ngữ “Li” như một danh từ tổng quát để chỉ các dân tộc phương nam; các nhóm chống cự lại Trung Hoa bao gồm hầu hết nếu không nói là tất cả các bộ trong vùng, cũng như người Việt Nam. Từ ngữ “dân Lí” đặc biệt dùng để chỉ một sắc dân cư ngụ dọc vùng ven biển phía nam của Lĩnh Nam. Họ được thu hút vào người Choang trong thời nhà Thanh và phải được xem thuộc lớp tổ tiên của người Choang. Shi Zhengyi (ed), Min-zu Ci-dian [Encyclopedia of Nationalities] (Chengdu: Sichuan Minzu Chubanshe, 1984), trang 119.
24. Huang Tirong (ed), Guangxi Li-shi Di-li [Guangxi Historical Geography] (Nanning: Guangxi Minzu Chubanshe, 1985), trang 69.
25. Xiao Zechang và Zhang Yigui, Liu-zhou, trang 21.
26. Nhà thơ Liu Zongyuan phục vụ tại Liu-zhou từ năm 815 đến năm 819. Các bài thơ của ông chứa đựng nhiều chi tiết về đời sống và văn hóa địa phương. Liu Zongyuan Ji [Collected Works of Liu Zongyuan], được trích dẫn trong Xiao Zechang và Zhang Yigui, Liu-zhou, rải rác.
27. Liu Zongyuan, “From the City-tower of Liu-zhou”, trong Witter Bynner (thông dịch), Three Hundred Poems of the Tang Dynasty (Taibei: Dong Hai Book Cọ, 1967), trang 97.
28. E. G. Pulleyblank, “The Chinese and Their Neighbors in Prehistoric and Early Historic Times” trong tác phẩm của Keightley, Origins, các trang 430-31, có thảo luận về từ ngữ này. Từ ngữ nguyên thủy được dùng bởi người Choang mang ý nghĩa “long” [chỉ có hình dáng của con rồng?, có kèm chữ Hán, chú của người dịch] và có vẻ mang ý nghĩa một khu vực được đào hào và đắp đê nhằm phục vụ nông nghiệp. Huang Xianfan, Nong Zhi-gao (Nanning: Guangxi Renmin Chubanshe, 1983), trang 4. Từ nay về sau, gọi tắt là Huang Xianfan, NZG. Trong thổ ngữ tiêu chuẩn Wuming Zhuang ngày nay, các từ ngữ “dong” và “Zhuang” trong chữ Hán được ký âm gần giống nhau, lần lượt là congh và cuengh. Sawlih Gun-cuengh (Dong Gauj) [A Zhuang-Han Vocabulary] (Nanning: Gvanghsih Minzcuz Cuzbanjse, 1983). Có thể có nhiều nguồn tư liệu tạo ra sự lẫn lộn trong Hán ngữ để chỉ danh chính người dân, cùng với hệ thống chính trị của họ và các nơi chốn mà họ sinh sống.
29. Một hệ thống tương tự, được gọi là mường (muang) còn tồn tại trong các sắc dân Tầy tại Việt nam thời cận đại. John T. McAlister, Jr. “Mountain Minorities and the Viet Minh: A Key to the Indochina War”, trong Southeast Asian Tribes, Minorities and Nations, Peter Kunstadter (ed), 2 vols. (Princeton: Princeton University Press, 1967), II, trang 779.
30. Trong năm 740 nhà Đường đã cố tái khai thông một con đường quan trọng từ Trường An [Tây An ngày nay, chú của người dịch] sang An Nam xuyên qua tỉnh Tứ Xuyên và miền đông Vân Nam. Dự án này châm ngòi cho các cuộc nổi dậy của các bộ lạc, lên đến cao điểm với sự thất trận của nhà Đường trước quân Nam Chiếu vào năm 752. Wilfrid Stott, “The Expansion of the Nan-chao Kingdom Between the Years ẠD. 750-860 and the Causes that Lay Behind it as Shown in the T’ai Ho Inscription and the Man Shu,” T’oung Pao 50 (1963): 190-220. Các cuộc nổi dậy ở châu Quảng Nguyên co’ thể là một phần của cuộc khởi nghĩa chống Trung Hoa lan rộng khắp vùng bởi dân thuộc các bộ lạc đa số gốc Tai (Tầy?)
31. Hu Zhongshi, Zhuang-zu Wen-xue Gai-lun [An Introduction to Zhuang Literature] (Nanning: Renmin Chubanshe. 1982), trang 12. Cũng xem, Zhen-an Fang-zhi [The Zhen-an Gazeteer] trong Zhung-guo Fang-zhi Ye-shu [Chinese Gazeteers], #14, Guangxi (dựa trên tập Qing Guangxu 18 Fang-zhi) (Beijing: Chengwen Chubanshe) cuốn (chuyện) 18, trang 324.
32. Huang Xianfan, Guangxi Zhuang-zu Jian-shi [A Brief History of the Zhuang Peoples] (Nanning: Quangxi Renmin Chubanshe, 1980), trang 38.
33. Taylor, Birth, trang 228.
34. Về nguồn gốc của nước Nam Chiếu, xem M. Blackmore, “The Rise of Nan Chao in Yunnan, “ Journal of Southeast Asian History 1, No. 2 (Sept. 1960): các trang 47-61. Trong khi Nam Chiếu và Đại Lý được cư trú bởi sắc dân hỗn hợp gốc Tây Tạng-Miến Điện (Tibeto-Burman) với các sắc dân nói tiếng Tầy, sự tương hợp ngôn ngữ cũng như sự thống nhất chống lại Trung Hoa có thể trợ lực cho liên minh của người Choang với Nam Chiếu-Đại Lý.
35. Zeng Duhong, Guilin, trang 22.
36. Guangxi Tong-shi [Guangxi Encyclopedia], ce 55, cuốn (chuyện: zhuan) 184. Cũng xem Tống sử [Song shi: Song History], Zhonghua Shuju, cuốn (chuyện) Jiao-zhi.
37. Các bộ phận của đế quốc Đường trước đây nhắm vào vùng bắc và duyên hải, đặt vùng Choang nằm ngoài hệ thống quốc gia của Trung Hoa. Edmund H. Worthy Jr., “Diplomacy for Survival: Domestic and Foreign Relations of We Yueh, 907-978”, trong China Among Equals, biên tập bởi Morris Rossabi (Berkeley: University of California, 1983).
38. Tống sử [Song Shi] chuyện 495, các trang 14214-15.
39. Guangxi Tong-zhi, ce 55, trang 4, QS6.
40. Quyển Tân Đường Thư (Xin Tang Shu) đã nối kết Nam Chiếu với cuộc nổi dậy của dòng họ Nông. Xin Tang Shu, Guang-yuan Man-zhuan. Được trích dẫn trong Yunnan-sheng Li-shi Yan-jiu-suo [tỉnh Vân Nam, History Research Committee] (ed.) Yunnan Xiao-shu Min-zu [The Minority Peoples of Yunnan] [Kunming: Yunnan Renmin Chubanshe, 1983), trang 117. Tập sách tham chiếu cho rằng bằng việc liên kết với Nam Chiếu, dòng họ Nông đã lật đổ dòng họ Hoàng đang nắm ưu thế.
41. Tống sử, cuốn (chuyện) 495, trang 14214.
42. Về phương diện này, người Choang tương tự như người Việt Nam. Xem Taylor, Birth, trang 36; Damid Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (Berkeley: University of California Press, 1981) chương 5.
43. Zhuang-zu Jian-Shi, trang 62.
44. Tống sử, cuốn (chuyện) 495, trang 14217. Các lễ dâng hiến người cũng được đề cập đến trong Song Hui-yao Ji-ben. Yang Jialuo (ed.), 7 quyển. (Taibei: Shijie Shuju, 1964), ce 198, Man-yi 5-65. Từ nay về sau gọi tắt là Song Hui-yao.
45. Tống sử, cuốn (chuyện) 495, trang 14215.
46. Huang Xianfan, NZG, trang 4.
47. Cùng nơi dẫn trên, các trang 6-7.
48. Tôi xin cảm tạ Tiến sĩ K. Taylor về các phần trong bản thảo của một quyển sách sắp phát hành sẽ soi sáng rất nhiều các quan điểm của Việt Nam về những vấn đề này và nhiều vấn đề khác.
49. Fan Honggui, “Nong Zhi-gao” trong Guangxi Min-zu Xue-yuan Min-zu Yan-jiu Shi-pian [Research Group of the Guangxi Minorities’ Studies Institute] (ed.), Zhuang-zu Li-shi Ren-wu-zhuan [Biographies of Zhuang Historical Personnages] (Nanning: Guangxi Renmin Chubanshe, 1983), trang 1. Tôi xin cảm tạ Giáo Sư Fan về nhiều cuộc thảo luận đầy khích lệ tại Minorities’ Institute tại Nam Ninh.
50. Guangxi Tong-zhi, ce 55, trang 6, QS6.
51. Fan Honggui, Nong Zhi-gao, trang 1.
52. Song Hui-yao, ce 198, Man-yi 5-61.
53. Si-Ma Guang [Tư Mã Quang?, chú của người dịch] Su-shui Ji-wen, cuốn (chuyện) 13, trang 139.
54. Tống sử, cuốn (chuyện) 495, trang 14215. Huang (Hoàng) là họ thông dụng nhất của người Choang. Người mang họ Hoàng từ thành phố Quảng Châu có thể có liên hệ thân thích với các người đi theo phò họ Nông.
55. Li Dongbinh và Yu Dehua, “Zhou Qufei He Ling-wai Dai-da” [Zhou Qufei and the Prefatory Report from the Ling-nan] trong Guangxi Li-shi Ren-wu Zhuan [Biographies of Guangxi Historial Personages], Mo Naiqun (ed.), 5 vols. (Nanning: Guangxi Difang Shizhi Yanjiu Zupain, 1981), vol. 1, các trang 26-40.
56. Huang Xianfan, NZG, trang 35.
57. Si-ma Guang, cuốn (chuyện 13), trang 139.
58. Fan Honggui, Nong Zhi-gao, trang 4. Quyển Song Hui-yao cho rằng thành phố chỉ được báo động chưa đến hai ngày về cuộc tiến quân của dân Choang, để nhấn mạnh đến tốc độ mà họ đã di chuyển. 198th ce, Man-yi 5-62.
59. Về cuộc vây hãm, xem Tống sử, cuốn (chuyện) 495, trang 14216; Si-ma Guang, cuốn (chuyện) 11, trang 113.
60. Qin Shuguan, FJWC, trang 7. Một loạt các con số cho rằng vào khoảng năm 1529, chỉ có khoảng 60 phần trăm dân số của tỉnh Quảng Tây là dân “mọi rợ”. Huang Xinafan, Guangxi Zhuang-zu, trang 10. Cho là các con số thống kê này có tính cách khả tín, dân số [tạI đây] trong thời Tống bắt buộc phải ở mức từ 60 đến 70 phần trăm không thuộc gốc Hán.
61. Huang Shou-ling là thủ lĩnh mạnh nhất trong các lãnh tụ của 36 động vùng thượng lưu nằm giữa hai con sông Zuo và You. Huang Xianfan, NZG, trang 45.
62. Si-ma Guang, cuốn (chuyện) 13, trang 145.
63. Tiểu sử của Địch Thanh được ghi trong Zhong-guo Li-shi Da-ci-dian: Song History [The Encyclopedia of Chinese History: Song period] (Shanghai: Cishu Chubanshe, 1984), trang 211.
64. Fan Honggui, Nong Zhi-gao, trang 6; Tống sử, cuốn (chuyện) 495, trang 14216.
65. Song Hui-yao, ce 19, Man-yi 4-33. Sự giải thích hiện đại của Việt Nam về sự kiện này là nhà Lý vừa muốn trợ lực Trung Hoa, và vừa muốn trừng phạt họ Nông. Trần Quốc Vượng, người dịch và chú giải, A Summarized History of Vietnam (Hanoi: Literature-History-Geography Publishing House, 1960). Được trích dẫn trong một cuộc đối thoại cá nhân hôm 6 tháng Sáu năm 1986, từ Giáo Sư Văn Tạo, Giám Đốc, Viện Sử Học, Hà Nội.
66. Fan Hongggui, Nong Zhi-gao, trang 7; Si-ma Guang, cuốn (chuyện) 13, trang 142.
67. Guangxi Min-zu yan-jiu suo (eds.) [Guangxi Peoples’ Research Group], Guangxi Xiao-shu Min-zu Di-qu Shi-ke Bei-wen-ji [Stone Inscriptions of the Guangxi Minority Regions], trang 137. Câu chuyện từ “Da Song Ping-man Pai” [The Barbarian-subduing Memorial of the Song] hãy còn được lưu truyền tại Quế Lâm.
68. Guangxi Tong-zhi, ce 55, trang 18.
69. Có sự khác biệt đôi chút trong các bài tường thuật về trận đánh trong Tống sử (Song Shi), cuốn (chuyện) 495, trang 14217; Si-ma Guang, cuốn (chuyện) 13, trang 142; và Guangxi Tong-zhi, ce 55, các trang 19-20.
70. Song-shi (Tống sử), cuốn (chuyện) 495, trang 14217.
71. Dòng họ Nông trải dài trên toàn vùng từ Vân Nam sang Việt Nam và phía đông tỉnh Quảng Tây. Xem Yunnan Xiao-shu Min-zu, trang 117.
72. Si-ma Guang, cuốn (chuyện) 13, trang 143.
73. Tống sử, cuốn (chuyện) 495.
74. Zhen-an Fang-zhi, cuốn (chuyện) 18, trang 325.
75. Li Dongbing và Yu Dehua, Zhou Qufei, trang 27.
76. Ming Shi (Minh sử: Ming History), biên tập bởi Zhang Yanyu và các tác giả khác, ấn bản đời nhà Thanh, Zhonghua Shuju, cuốn (chuyện) 317, “Guangxi Tu-si.”
77. Mối bận tâm của nhà Tống về ngựa được phản ảnh trong các cải cách của Vương An Thạch, người đã cố gắng phát triển các phương pháp mới để bảo đảm số cung cấp thường trực. Xem các cuộc tranh luận trong năm 1073 trong Li Tao, Xu-zi Zhi-tong Jian-chang-pian, 15 quyển, (Taibei: Shijie Shuju, 1961), ce 7, cuốn (chuyện) 233-2. Từ giờ về sau gọi tắt là Li Tao.
78. Zhou Qufei, cuốn (chuyện) 9, các trang 51-55, 97.
79. Gu Youzhi. “Shi-lun Zhuang-zu Tu-bing-de Xing-zhi Zuo-yong Ji Qi She-hui Ying-xiang” [A Discussion of the Nature, Function and Social Influences of the Zhuang Peoples’ Local Troops], Guangxi Min-zu Xue-yuan Xue-bao [The Report of the Guangxi Minority Peoples’ Institute], 2 (Nanning, 1984), trang 81.
80. Mo Xiufu, Guilin Feng-tu Ji [Recollections of Guilin Local Conditions and Customs], 2 quyển, Shangwu Yinshuguan. Không có ghi nhật kỳ và nơi xuất bản.
81. Về tin tức liên quan đến đồ thủ công của người Choang dưới thời nhà Tống, tham khảo Li Dongbing và Yu Dehua, Zhou Qufei, các trang 37-39. Nguồn tư liệu nguyên thủy là Zhou Qufei, được trích dẫn ở trên. Trong thời nhà Đường hoàng triều coi trọng các đồ thêu của người Choang và hoàng đế thường mang các đồ thêu này. Xem Zeng Duhong, Guilin, trang 23.
82. Zhou Qufei, các trang 54-55.
83. Mo Xiufu, trang 77.
84. Yang Yuan ước lượng rằng khoảng 20 phần trăm sản khoáng sản của nhà Đường sản xuất từ vùng Lĩnh Nam, chỉ thua sút tỷ số 27 phần trăm của vùng Giang Nam. Yang Yuan, Tang-dai-de Kuang-chan [Tang Dynasty Mineral Production] (Taibei: Xueshu Shuju, 1982), trang 104.
85. Qin Shuguan, FJWC, trang 6.
86. Huang Xianfan, NZG, trang 98.
87. Cùng nơi dẫn trên, trang 99.
88. Các sự quan sát kỹ lưỡng của Zhou Qufei về phụ nữ và vai trò các giống phái trong xã hội người Choang làm phát lộ các thái độ của người Hán đối với người phụ nữ Choang trong giai đoạn này. Ông có nói: “Thân thể đàn ông [Choang] thì kém hơn; da ngăm đen và đáng tộI nghiệp. Mặt khác, phụ nữ mặc dù đen đủi nhưng đầy dặn da thịt. Họ ít khi bị đau ốm và rất năng động. Họ có mặt ở mọi chợ búa của các thị trấn và thành phố, trao đổi và bán hàng, tìm lợi nhuận.” Zhou Qufei, Vol. II, cuốn (chuyện) 10, trang 119. Các thái độ này có thể trái ngược với các câu chuyện giật gân của học giả thời nhà Minh tên Kuang Lu, đã trình bày các phụ nữ Choang như là những yêu nữ quyến rũ người khác rất sở trường về thuốc độc và phép gọi hồn. Kuang Lu, Chi-ya San-zhuan [Three Simple Yet Elegant Scrolls] (Shanghai: Guji Dian, không ghi ngày xuất bản}.
89. Về các chi tiết của hệ thống trong các khu vực người Choang, xem Huang Xianfan, Guangxi Zhuang-zu, các trang 25-37; Yunnan Xiao-shu Min-zu, các trang 122-23.
90. Song Hui-yao, 197th ce, Man-yi 34-6. Những sự quan tâm này của người Việt đã cảnh báo cho triều đình nhà Tống, vốn lo sợ cho sự ổn định của vùng biên giới. Li tao, ce 7, cuốn (chuyện) 228, 1.
91. Gu Youzhi, trang 81.
92. Zhou Qufei, cuốn (chuyện) 3, trang 35.
93. Huang Xianfan, NZG, trang 104. Như một cử chỉ hòa giải đặc biệt, hoàng đế nhà Tống cho phép các người sống sót dòng họ Nông quye^`n được mang họ riêng của chính hoàng đế, họ Zhao [có kèm chữ Há n, tức quốc tính họ Triệu], và nhiều người đã làm như thế.
94. G. Coèdes, The Making of South East Asian (Berkeley: University of California Press, 1969), trang 84.
95. Song Hui-yao, ce 7, cuốn (chuyện) 229, 13; cuốn (chuyện) 229, 16.
96. Xiong Gongzhe, trong Wang An-shi Zheng-lue [Wang An-shi’s Political Strategy] (Taipei: Taiwan Shangwu Yinshuguan, 1960), các trang 145-56, trích dẫn nhiều thí dụ nhiều lần trong đó Vương An Thạch đã vạch rõ các giới hạn của việc sử dụng vũ khí trong các cuộc tranh chấp biên giới. (Một thí dụ là chiến dịch thất bại trong việc tiến đánh Đại Viêt.) Như Vương An Thạch đã nói trong một cuộc tranh luận tại triều đình về vấn đề này, “Khi một kẻ đã gầy dựng lên đội quân, rất khó để bảo đảm rằng sẽ không có tại họa sau đó.” Xem Song Hui-yao. Ce 7, cuốn (chuyện) 226, 3.
97. Vấn đề thủ phạm tối hậu của cuộc chiến tranh Việt-Hoa hồi thập niên 1070 được thảo luận trong bài viết của Dai kelai và Xu Yongzhang, “Wei Di-qu Ba-guan-ju-yi”. Các tác giả đã kết án Lý Thường Kiệt như một kẻ theo chủ nghĩa bành trướng và đổ tội cho ông làm đảo lộn các sự cải cách của Vương An Thạch.
98. Huang Xianfan, NZG, trang 22. Cũng xem Zeng Duhong, Guilin, trang 49.
99. Tôi xin cảm tạ Tiến sĩ K.W. Taylor về sự chú giải kỹ lưỡng về tiến trình này.
100. Zeng Duhong, Guilin, trang 49. Cũng xem Zhou Qufei, cuốn (chuyện) 3, trang 33.
101. Sự giải thích này được trình bày một cách rộng rãi trong các tài liệu thứ yếu. Vấn đề tranh chấp chủng tộc trong quá khứ gây rắc rối cho các sử gia Trung Hoa bị bắt buộc phải tán dương bản chất đa chủng tộc của Trung Hoa hiện đại. Thí dụ, xem bài viết của Zhao Huafu trong Zhongguo Min-zu Guan-xi Shi Yen-jiu Xue-shu Zuo-tan-hui [Conference on Research into the History of Chinese Minorities], May 1981, trang 38. Cuộc hội nghị này được đồng bảo trợ bởi Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc và Viện Nghiên Cứu các Dân Tộc Ít Người.
102. Huang Xianfan trong NZG, trích dẫn “Lue-lun Nong Zhi-cao Qi-yi-bing-de Xing-ge” [A Brief Discussion of the Nature of Nong Zhi-gao‘s Rebel Armies], Guangxi Ribao, 23 Nov. 1961, trang 64, như là đại biểu cho quan điểm này.
103. Xiao-shu Min-zu Shi-ren Wu-ren Tan” [Five Minority Poets Talk] trong Min-zu Wen-xue [Minority Literature] 10 (Beijing, 1982): 86-89. Cũng xem bài tựa của Huang Yushan trong Ho Zhongshi, Zhuang-zu wen-xue, các trang 1-2.
104. Về các tài liệu liên hệ đến vấn đề tổng quát về lịch sử và văn hóa dân tộc ít ngườI và cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản, xem Xiao Zhiguang, “Criticism of the Gang of Four,” Zhongguo Min-zu Guan-xi, trang 594.
105. Zhou Qufei, trang 7; Ci-hai, Di-li Fen-ce [Historical Geography] (Shanghai: Cishu Chubanshe, 1980), trang 23; Tan Qixiang, Zhongguo Li-shi Di-tu Ji [A Collection of Chinese Historical Maps], 6 quyển, (Shanghai: Zhongguo Ditu Xueshe, 1975), ce 6, các trang 27-28.
106. Tôi xin cảm tạ Tiến Sĩ David Marr của Đại Học Quốc Gia Úc Đại Lợi về tin tức này. Ông có trích dẫn bài viết của Nông Trung (hay Trưng?) trong Nghiên Cứu Lịch Sử, 45 (Tháng 12, 1962), các trang 38-44 về tư liệu thổ tục học (ethnographical). Nông Trí Cao (trong Việt ngữ được viết là Nùng Trí Cao) đã được nghiên cứu trong năm bài viết đăng trong Nghiên Cứu Lịch Sử, được khảo sát sâu xa nhất trong một bài viết của Văn Tân, số 100 (tháng Bẩy, 1967). Cuộc nói chuyện cá nhân với Tiến sĩ David Marr diễn ra hôm 19 tháng 8, năm 1985.
107. Huang Xianfan, NZG, trang 72.
108. Khuynh hướng hiện thời trong sự phân tích chủng tộc tại Trung Hoa không đi theo chủ thuết của Marx nữa, mà đúng hơn, theo sự áp dụng chủ nghĩa Marx của Stalin. Theo Xu Zhaohou, “Ru-he Ren-shi He Chu-li Zhong-guo Li-shi-shang-de Min-zu Guan-xi Wen-ti” [How to recognize and Analyze Peoples and Problems related to Peoples in Chinese History], He-luo Chun-chiu 1 (Loyang, 1984): 1-11.
109. Các tác giả khác đã mô tả xã hội Choang vẫn chưa ở giai đoạn thị tộc trong thời Tống. Xem Huang Xianfan, Guangxi Zhuang-zu, các trang 22-23.
110. Giáo sư Huang bị tố cáo trong năm 1957 là một người Choang chủ trương ly khai. Xem Georges V.H. Moseley III, The Consolidation of the South China Frontier (Berkeley: University of California Press, 1973), trang 88. Một trong những bài viết có tính cách thách đố có thể tìm thấy trong Guang-ming Ri-bao, sô 2489, ngày 10 tháng Năm 1956, trang 3. Ông được phục hồi không lâu trước khi từ trần hồi gần đây. Ấn bản mới của công trình quan trọng của ông, Nong Zhi-gao, vốn bị hủy hoại phần lớn trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, được đề tựa bằng một lời bác khước nói rằng một số trong “các kết luận của ông bị tranh nghị bởi giới sử hoc.” Sự kiện rằng ông Huang được phục hồi và tác phẩm gây tranh cãi của ông được tái phát hành biểu lộ một sự khoan nhượng gia tăng lớn lao dành cho các sự bất đồng trong giới sử học.
111. Ông Huang chỉ đơn giản phát biểu rằng cuộc kháng cự sâu rộng của dân Choantg chống lại nhà Tần, đội quân Choang được tổ chức chặt chẽ, sự quan tâm chung về lãnh thổ, một tiếng nói chung, và các ý kiến về hệ thống giai cấp có thể được rút ra từ các cấp bậc phong kiến trong số các người kháng cự, tất cả cho thấy sự hiện diện của một quốc gia vừa mới nảy sinh từ trình độ [xã hôi] bộ lạc. Xem NZG, trang 66. Quan điểm này phản ảnh lập luận của chủ nghĩa Mác-xít rằng một quốc gia nảy sinh từ trình độ bộ lạc, một quan điểm được hậu thuẫn bởi nhiều nhà nhân chủng học Tây phương. Xem bài phản bác đầy thách đố của Giáo Sư Fried về điểm này: Morton H. Fried, “Tribe to State or State to Tribe in Ancient China” trong Keightley, Origins, các trang 467-93.
112. Wolfram Eberhard, The Local Cultures of South and East China (Leiden: E. J. Brill, 1968), trang 432. Taylor đưa ra một trường hợp thuyết phục cho quan điểm này, với các sự tu chỉnh làm sáng tỏ quan điểm này nhiều hơn nữa: Birth, các trang 14-17, 42-43, 314-16.
113. Jerry Norman and Tsu-lin Mei, “The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence”, Monumenta Sinica 32 (1976): 274-301.
114. Trong lời tựa quyển Zhuang-zu Li-shi Ren-wu Zhuan, trang 2, xác định một phụ nữ thủ lĩnh dưới thời nhà Tùy của Nam Việt, tên Xi Furen, và người lãnh đạo nước Việt dưới thời Đường tên Gong Feng-ang là các người gốc Choang.
115. Tuy nhiên, tác giả Chang phát biểu rằng các tư liệu của Việt tộc thì khác biệt rất nhiều. Chang Kwang-chih, The Archaeology of Ancient China, ấn bản lần thứ ba (New Haven: Yale University Press, 1977), trang 422.
116. Quảng Tây nằm ở vùng ven các trung tâm này; các di vật nhân tạo được khám phá ở đó đên giờ chỉ ở mức tối thiểu. Các tài liệu khảo cổ trong vùng thượng lưu hẻo lánh của các con sông Zuo và You mới chỉ được thiết lập một cách sơ sài. Vùng này có lẽ hướng về Vân Nam, chứ không hướng về Quảng Đông hay Đông Sơn.
117. Magdalene Von Dewall, “Local Workshop Centres of the Late Bronze Age in Highland South East Asia,” trong tác phẩm của B. Smith và W. Watson, Early South East Asia (Oxford: Oxford University Press, 1979), các trang 137-66. Cũng xem Michele Pirazzoli-T’serstevens, “The Bronze Drums of Shihzhai Shan, their Social and Ritual Significance,” trong cùng nơi dẫn trên, trang 126.
118. The Min-zu Ci-dian, Shi Zhengyi (ed), trang 19, nhìn nhận Tây Âu như một quốc gia của dân Luo Yue (Lạc Việt) trong vùng nội địa và cho rằng họ có liên hệ trực tiếp đến nguồn gốc của sắc dân Choang ngày nay.
119. Taylor, Birth, trang 16.
120. Bài khảo luận tuyệt hảo của tác giả Jonathan Hass về các lý thuyết về nguồn gốc của quốc gia nêu ý kiến rằng có thể có nhiều nguồn gốc và đường lối tiến hóa cho các quốc gia sơ khai, kể cả các quốc gia đưa ra bởi Huang Xianfan. Xem The Evolution of the Prehistoric State (New York: Columbia University Press, 1982), Chương 5.
121. Song-shi (Tống sử), cuốn (chuyện) 495, trang 14215.
122. Huang Xianfan, NZG, trang 24.
123. Bei-wen-ji, “Du-zhun-bei”, trang 113. Các vị thần chính yếu trong tục thờ thần linh của người Choang là các vị thần sấm và sét.
124. Yunnan Xiao-shu Min-zu, trang 118.
125. Huang Xianfan, NZG, trang 61.
126. Cùng nơi dẫn trên, các trang 83-84.
127. Các thành viên của thị tộc họ Nông ở lạI Quảng Tây đã bỏ đi một phần trong chữ viết họ Nông nguyên thủy trong Hán ngữ [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] để tự tách biệt mình ra khỏi cuộc nổi dậy, giữ lại phần gốc có liên hệ của chữ “Nông” [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Dân tộc ít người họ Nông tại Việt Nam cũng dùng chữ rút gọn này, cho thấy có một cuộc di dân đáng kể sau này từ Vân Nam và Quảng Tây.
128. Ẹ Lunet de Jonquiere, “Ethnographie du Tonkin Septentrionale (Paris: Ernest Leroux, 1906) và Maurice Abadie, Les Races du Haut-Tonkin de Phong-tho à Lang-son (Paris: Société d’Éditions Géographiques Maritimes et Coloniales, 1924) đều lý luận cho một sự tương đồng rõ rệt giữa ngôn ngữ và văn hóa của người Thổ (Tầy) và người Nông. Sự tương đồng này có thể được phát triển tốt đẹp hồi gần đây.
129. Huang Xianfan, NZG, trang 36.
130. Về một sự mô tả ngắn gọn về truyền thoại Chị Ba Lưu, xem Eberhard, China’s Minorities: Yesterday and Today, trang 142./-

PHỤ CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH:

Để tiện việc tham khảo, người dịch ghi lai dưới đây các trích đoạn liên hệ đến cuộc nổi dậy của họ Nông từ bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT), do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội xuất bản tại Hà Nội năm 1998.

ĐVSKTT, BẢN KỶ, QUYỂN II – KỶ NHÀ LÝ,

Trang 259 – 270, rải rác:

Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038], (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1): …
Tháng 12, Nùng Tồn Phúc ở châu Quảng Nguyên (Quảng Nguyên: tên châu thời Lý, thời thuộc Minh thuộc về đất Uyên huyện, thời Lê đổi là châu Lộng Nguyên. Nay là đất các huyện Quảng Uyên, Phúc Hòa, Thạch An, tỉnh Cao Bằng, chú của ĐVSKTT)….

Kỷ Mão, [Thông Thụy], năm thứ sáu [1039], [Từ tháng 6 về sau là niên hiệu Càn Phù Hừu Đạo năm thứ 1; Tống Bảo Nguyên năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, thủ lĩnh Tây Nông (Tây Nông: tên châu, nay là huyện Tư Nông, tỉnh Bắc Thái, chú của ĐVSKTT) là Hà Văn Trinh đem việc Tồn Phúc làm phản tâu lên. Trước đây Nông Tồn Phúc làm thủ lĩnh châu Thảng Do (tên châu, xem BK2, 9b, chú của ĐVSKTT), em là Tồn Lộc làm thủ lĩnh châu Vạn Nhai (tên châu thời Lý, nay là phần đất huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, và một phần huyên Vũ Nhai, tỉnh Bắc Thái, chú của ĐVSKTT). Em trai của A Nùng, vợ Tồn Phúc, là Đương Đạo làm thủ lĩnh châu Vũ Lặc (tên châu, chưa rõ ở đâu. Cương mục dẫn Đường thư, Địa Lý Chí : “Nhà Đường đặt Lung Châu quản lĩnh huyện Vũ Lặc” và cho rằng hai châu Thảng Do, Vũ Lặc có lẽ ở vào địa hạt tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn ngày nay (CMCB2, 43a), chú của ĐVSKTT) đều thuộc châu Quảng Nguyên, hàng năm nộp cống đồ thổ sản. Sau Tồn Phúc giết Tồn Lộc và Đương Đạo, chiếm luôn cả đất, tiếm xưng là Chiêu Thánh Hoàng Đế, lập A Nùng làm Minh Đức Hoàng Hậu, phong cho con là Trí Thông làm Nam Kha Vương, đổi châu ấy gọi là nước Trường Sinh, sửa soạn binh giáp, đắp thành kiên cố để tự giữ không nộp cống xưng thần nữa.

Tháng 2, vua [Lý Thái Tông, chú của người dịch] tự làm tướng đi đánh Tồn Phúc, cho Khai Hoàng Vương [Nhật Tôn] làm Giám Quốc. Quân đi từ Kinh sư, qua bến Lãnh Kinh (có lẽ là khúc sông Cầu chảy qua Thị Cầu, tỉnh Hà Bắc, chú của ĐVSKTT), có cá trắng nhảy vào thuyền. Đến châu Quảng Nguyên, Tồn Phúc nghe tin đem cả bộ lạc vợ con trốn vào chằm núi. Vua cho quân đuổi theo bắt được Tồn Phúc và bọn Trí Thông 5 người. Chỉ có vợ là A Nùng, con là Trí Cao chạy thoát. Đóng cũi bọn Tồn Phúc đem về Kinh sư, sai quân san bằng thành hào, chiêu dụ tộc loại còn sống sót, vỗ về yên ủi rồi đem quân về.

Tháng 3, vua từ Quảng Nguyên [27a] về Kinh sư, xuống chiếu rằng: “Trẫm từ khi có thiên hạ đến giờ, đối với tướng văn tướng võ cùng các bề tôi không thiếu đại tiết, phương xa cõi lánh, không đâu không đến xưng thần, mà họ Nùng nối đời giữ bờ cõi vẫn thường cúng nộp đồ cống. Nay Tồn Phúc càn rỡ tự tôn, cả tiếm vị hiệu, ra mệnh lệnh, tụ họp quân ong bọ, làm hại dân chúng biên thùy. Trẫm vâng mệnh trời đi đánh, bắt được bọn Tồn Phúc 5 tên, đều chém ở chợ kinh đô.”

Mùa hạ, tháng 4, con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt [cùng bọn] Lạc Thuẫn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt 5 người sang quy phục [nước ta].

Tháng 5, động Vũ Kiền (Đại Việt sử lược chép là động Vũ Kiện, thuộc đất huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng hiện nay, nhưng chưa biết rõ ở đâu) thuộc châu Quảng Nguyên dâng một khối vàng sống nặng 112 lạng. Huyện Liên (Đại Việt sử lược chép là huyện Hạ Liên, có lẽ thuộc đất huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Thái ngày nay, chú của ĐVSKTT), châu Lộng Thạch (tên châu, có lẽ thuộc đất huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng ngày nay, chú của ĐVSKTT), châu Định Biên (tên châu, nay là đất huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái, chú của ĐVSKTT) tâu rằng trong bản xứ có hồ bạc (nguyên văn: ngân huyệt, chú của ĐVSKTT)\.

Tháng 6, bầy tôi xin đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo và xin tăng tôn hiệu thêm 8 chữ là “Kim [27b] Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục” (Nghĩa là: Vàng nổi bạc sinh, họ Nùng dẹp, nước Phiên (chỉ Chiêm Thành) quy phục, chú của ĐVSKTT). Vua nói: “Thời Đường Ngu chỉ vạch hình mà người không dám phạm, không đánh mà khuất phục được binh của người, giũ áo khoanh tay mà thiên hạ đại trị, cho nên các sao không đi trái, sấm mưa không thất thường, chim muông đến múa, phượng hoàng lại chầu, bốn di theo về, trăm man hướng hóa, không hiểu làm sao mà được đến thế! Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lội vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức gì để kịp Nghiêu Thuấn. Vừa rồi, giặc Nùng dẹp yên. Chiêm Thành quy phụ, động sinh vàng ròng, đất trồi bạc trắng, ý chừng có điều gì mà được thế chăng. Hay sắp xảy ra việc gì để cảnh cáo chăng.” Trẫm rất lo sợ, sao đáng để tôn sùng tên đẹp hiệu vinh. Lời bàn của các khanh nên đình bãi.” Bầy tôi cố nài vua mới chịu nhận.

[28a] Lê Văn Hưu nói: Đế Nghiếu, Đế Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương đều lấy một chữ làm hiệu, chưa từng thấy có tăng thêm tôn hiệu bao giờ. Đế vương thời sau thích khoe khoang mới có tôn hiệu đến hơn vài chục chữ. Nhưng chỉ là lấy công đức mà xưng tụng, chưa bao giờ lấy đồ vật và tên man di xen chắp vào. Thái Tông chịu nhận cho bầy tôi dâng tám chữ “Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục” làm hiệu thì trong việc khoe khoang lại thô bỉ nữa. Thái Tông không có học nên không biết, nhưng bọn Nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót vua thì không thể bảo là không có tội.

Mùa thu, tháng 8, sai Đại liêu ban Sư Dụng Hòa và Thân vương ban (Đại liêu ban và Thân vương ban: đều là tên tước của nhà Lý, chú của ĐVSKTT) Đỗ Hưng sang nước Tống tiếp tục việc thông hiếu cũ …

Canh Thìn, Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 2 [1040], (Tống Khang Định năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Đinh HợI, nhật thưc….

[30a] Năm ấy, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa (tên động, ở phía tây bắc tỉnh Cao Bằng ngày nay. Các động Bình, An, Bà đều thuộc đất tỉnh Cao Bằng, chú của ĐVSKTT) lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch [hay ĐạI Lý?, chú của người dịch]. Vai sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về Kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang nữa. (Tư Lang: nay là đất huyện Trùng khanh và phần đất đông bắc huyện Quảng Hòa (vùng quanh Hạ Lang), tỉnh Cao Bằng, chú của ĐVSKTT)…..

Quý Mùi, Minh Đạo năm thứ 2 [1043], (Tống Khánh Lịch năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, châu Ái làm phản …

Tháng 9. Ngày mồng 1, sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, ban cho Nùng Trí Cao đô ấn, phong làm Thái Bảo.

Lê Văn Hưu nói: Năm trước, Nùng Tồn Phúc phản nghich, tiếm hiêu, lập nước, đặt quan thuộc, Thái Tông đã tri tội Tồn Phúc mà tha cho con là Trí Cao. Nay Trí Cao lại noi theo [33a] việc trái phép của cha thì tội lớn lắm, giết đi là phải, nếu lấy lại tước và ấp phong, giáng là thứ dân thì cũng phải. Thái Tông đã tha tội, lại cho thêm mấy châu quận nữa, ban cho ấn tín, phong làm Thái bảo, như thế là thưởng phạt không có phép tắc gì. Đến khi Trí Cao gây tai họa ở Quảng Nguyên, lại đem quân đi đánh, mượn cớ là viện trợ láng giếng, có khác gì thả cọp beo cho cắn người, rồi từ từ đến cứu không. Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ nhặt của nhà Phật mà quên mất cái nghĩa lớn của người làm vua. ….

[34a] Giáp Thân, [Minh Đạo] năm thứ 3 [1044], (Từ tháng 11 trở về sau là niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 1; Tống Khánh Lịch năm thứ 4)…

Tháng 12, ngày mồng 1, đặt trạm Hoài viễn ở bờ sông Gia Lâm làm quán nghỉ trọ cho người nước ngoài khi đến chầu.

Thái bảo Nùng Trí Cao về chầu…..

Mậu Tý, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 5 [1048], (Tống Khánh Lịch năm thứ 8). Mùa thu, tháng 9. Sai tướng quân là Phùng Trí Năng đi đánh Ai Lao, bắt được người và gia súc rất nhiều đem về.

Nùng Trí Cao làm phản, chiếm giữ động Vật Ác (ở phía tây tỉnh Cao Bằng, chú của ĐVSKTT). Sai Thái Úy Quách Thịnh Dật đi đánh. Vừa mới giao chiến, trời đất bỗng tối mù, một lát nghe tiếng sét đánh trong động [37a] thân thể các tù trưởng động ấy bị xé tan, cả động kinh hãi. Trí Cao phải hàng. …

Nhâm Thìn, [Sùng Hưng ĐạI Bảo] năm thứ 4 [1052], (Tống Hoàng Hựu năm thứ 4) …

Mùa hạ, tháng 4, Nùng Trí Cao làm phản, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế [38a] đặt quốc hiệu là Đại Nam, sang cướp đấy nhà Tống, phá trai Hoành Sơn (nay là huyện Hoành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, chú của ĐVSKTT), vây hãm các châu Ung, Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Khang, Đoan, Củng, Tầm (các châu Ung, Quý, Đằng, Ngô, Củng, Tầm nay đều thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hai châu Khang, Đoan, nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, chú của ĐVSKTT) rồi kéo đến vây đánh thành Quảng Châu (nguyên văn: “chí Quảng châu thành truyền thành công chi.” Hai chữ “truyền thành” ở đây chưa rõ nghĩa gì, ngờ chữ vi (vây), lầm ra chữ truyền; tạm dịch như trên, chú của ĐVSKTT) đến 5 tuần không lấy được, bèn về. Lại vào Ung châu, giết tướng tá của nhà Tống hơn 3 nghìn người, bắt sống dân chúng hành vạn. Đi đến đâu đốt trụi đến đấy. Vua tôi nhà Tống lấy làm lo. Khu mật sứ Địch Thanh dâng biểu xin đi đánh. Vua Tống sai Thanh làm Tuyên huy sứ đô đại đề cử, tổng quyền tiết việt đi đánh. …

Quý Tỵ [Sùng Hưng ĐạI Bảo], năm thừ 5 [1053], (Tống Hoàng Hựu năm thứ 5. ….

Địch Thanh chỉ huy 3 tướng đem quân đến phố Quy Nhân thuộc Ung Châu. Trí Cao đem quân chống đánh bị Địch Thanh đánh bại, chạy hơn 10 dặm [38b]. Tướng tâm phúc của Cao là Hoàng Sư Mật cùng với thủ hạ 57 người chết tại trận. Quân Tống đuổi theo giết hơn 2,200 người. Trí Cao đốt thành ban đêm trốn đị ….

Mùa đông, tháng 10, Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân [cứu viện]. Vua [Việt nam] xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện. Địch Thanh lại đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy trốn sang nước Đại Lý (một nước ở vùng Vân Nam, Trung Quốc, trên địa bàn của nước Nam Chiếu đời Đường, cư dân chủ yếu là người Di, mà thư tịch cổ Trung Quốc thường chép là người Thoán, Băc). Việc quân của Vũ Nhị cứu viện cho Nùng Trí Cao đánh quân Tống không thấy tài liệu nào nói đến; có thể chỉ mới có dự định. Chưa kịp thực hiện thì Trí Cao đã chết. Người nước Đại Lý chém đầu Cao bỏ vào hòm dâng vua Tống. Từ đây họ Nùng bị diệt [điều này hiển nhiên không đúng, chú của người dịch]. Trước đây, Trí Cao cướp biên giới nước Tống, Tống sai Khu mật trực học sĩ Tôn Miện, Nhập nội áp ban Thạch Toàn Bân cùng Kinh lược sứ bản lộ là Dư Tĩnh tính việc đánh giặc cướp, vua {Lý Thái Tông, chú của người dịch] xin đem quân đánh giúp, vua Tống cho được tiện nghi. Đến khi Địch Thanh làm Đại tướng bèn tâu rằng: “Mượn binh ngoài để trừ giặc trong không lợi cho ta. Có một Trí Cao mà sức hai tỉnh Quảng không thể chống nổi, lại phải nhờ đến quân cõi ngoài, [39a] nếu họ nhân đó mà dấy loạn, thì lấy gì mà chống lạI.” Năm ấy nhà Tống có chiếu dừng việc viện binh của ta. Đến khi Trí Cao xin quân, vua lại theo lời xin. Đô Giám nhà Tống là Tiêu Chú đi theo đường đạo Đặc Ma (Đạo Đặc Ma: tức phủ Quảng Nam, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chú của ĐVSKTT) đánh úp, bắt được mẹ Trí Cao là A Nùng, đem giết.

Giáp Ngọ [Sùng Hưng ĐạI Bảo] năm thứ 6 [1054], (Từ tháng 9 về sau thuộc niên hiệu của Thánh Tông Long Thụy Thái Bình năm thứ 1; Tống Chí Hòa năm thứ 1). …

Tháng 9, ngày Mậu Dần, vua không khỏe.

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng một, vua băng ở điện Trường Xuân..

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sử khen vua (Lý Thái Tông, chú của người dịch] là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy, nên có thể mọi việc, song câu nệ về lễ yến hưởng vua tôi, đương lúc đau thương mà cũng vui chơi, khiến cho đạo chí hiếu có thiếu sót. Mê hoặc bởi cái thuyết từ ái của Phật mà tha tội cho bề tôi phản nghịch (chỉ việc Lý Thái Tông tha tội cho Nùng Trí Cao, chú của ĐVSKTT), thì lòng nhân ấy thành ra nhu nhược, đó là chỗ kém./-

Ngô Bắc dịch

 

BÌNH LUẬN