Những hình ảnh chân thực về cuộc di cư năm 1954

Hiệp định Geneve năm 1954 quy định vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam Bắc và khoản 14d của Hiệp định cho phép một khoảng thời gian 300 ngày cho việc di dân tự do giữa hai miền Nam Bắc. Sử liệu từ các nguồn có sự vênh nhất định nhưng đều khẳng định có ít nhất 810.000 người đã di cư từ Bắc vào Nam trong đó ít nhất 75% số đó là tín đồ Công giáo.

Tại sao lại có quá nhiều người bỏ miền Bắc thời kỳ 1954 – 1955 và tại sao đa phần trong số họ lại là người Công giáo? Hai câu hỏi này liên quan trực tiếp với nhau và trả lời được câu hỏi thứ hai sẽ góp phần giải đáp câu hỏi thứ nhất.

Một điểm cần lưu ý trước tiên là vào thời điểm diễn ra Hội nghị Geneve 1954, có khoảng 1.900.000 tín đồ Công giáo ở Việt Nam trong đó chỉ có 520.000 người sống ở phía Nam vĩ tuyến 17, chủ yếu tại Sài Gòn và Huế. Số lượng người Công giáo trong Nam lúc đó chỉ chiếm hơn ¼ tổng số người Công giáo trên toàn Việt Nam. Các số liệu thu thập bởi Việt Nam Cộng Hoà vào tháng 10/1955 cho biết có khoảng 676,348 tín đồ Công giáo từ Bắc đã di cư vào Nam, đẩy số người Công giáo chỉ riêng ở hai giáo khu tại Sài Gòn và Huế lên tới con số 1.170.000 tín đồ.

Con số khổng lồ những người Bắc di cư là sản phẩm của một hỗn hợp các động cơ bên trong và ảnh hưởng bên ngoài, mà yếu tố chi phối bên ngoài lớn nhất chính là các hoạt động “chiến tranh tâm lý” của CIA, cụ thể là Đại tá tình báo Mỹ Lansdale và cấp dưới Lou Conein.

Một sử gia đã mô tả chiến dịch chiến tranh tâm lý đẩy người Công giáo miền Bắc vào Nam của CIA là “một trong những chiến dịch tuyên truyền táo bạo nhất trong lịch sử hoạt động gián điệp”[1]. Nhóm tình báo của Lansdale đã vẽ ra những thông điệp tôn giáo đầy mê tín như “Chúa đã đến miền Nam”, “Đức Mẹ Đồng Trinh đã rời miền Bắc”. CIA cũng thuê các chuyên gia chiêm tinh “soạn lịch dự báo số phận thảm khốc cho giới lãnh đạo Cộng sản và đội ngũ dưới quyền, đồng thời những tin đồn đáng sợ về kế hoạch của Việt Minh được lan truyền.”[2] Linh mục Nguyễn Văn Thuận sau này đã thừa nhận với an ninh Việt Nam rằng những thông điệp như “Đức Mẹ khóc, Chúa đi vào nam” là “những lời xuyên tạc phi lý” để “kích động giáo dân.”[3]

Những thông điệp và tin đồn này được phát tán bằng cả những truyền đơn thả từ máy bay. Lansdale tin rằng biện pháp hiệu quả nhất là “kích động tâm lý sợ hãi rằng Việt Minh sẽ tịch thu tài sản cá nhân”[4], và khẳng định chỉ riêng biện pháp này đã khiến số lượng người đăng ký di cư tăng gấp ba lần.

Không chỉ kích động, Mỹ còn hỗ trợ phương tiện và hậu cần cho việc di cư vào Nam. Tài liệu tổng kết chiến tranh xuất bản tại Mỹ viết: “Mỹ đã tổ chức một lực lượng đặc nhiệm gồm khoảng 50 chiếc thuyền theo một chương trình mang cái tên mĩ miều “Hành trình đến Tự do” và song song với những hoạt động từ thiện tư nhân, họ đã thành lập nhiều trung tâm đón tiếp, cung cấp lương thực, thực phẩm, quần áo và thuốc men khẩn cấp cho dân di cư.”[5]

Một cách khách quan, phải thừa nhận rằng có những nguyên nhân khác của cuộc di cư hậu Geneve. Một trong số đó là tình hình kinh tế bi đát ở miền Bắc những năm 1954. Theo báo cáo của Đại sứ Ba Lan đầu tiên đặt chân tới Hà Nội vào tháng Chạp năm 1954, Tomasz Pietka, “vấn đề di cư đã tăng lên trong thời gian vừa qua, không những người Công giáo mà cả người không Công giáo cũng xin đi vào Nam. Nguyên nhân tình trạng này là nạn thiếu lương thực, thất nghiệp, và cả chiến dịch tuyên truyền Mỹ – Pháp vẫn tiếp tục triển khai.”[6]

Nạn thiếu lương thực từ những năm 1945 ở vùng nông thôn Việt Nam vẫn kéo dài dai dẳng, báo cáo của phái đoàn Ba Lan có nhiệm vụ giám sát Hiệp định Geneve ghi nhận: “những dấu hiệu thiếu đói gây ra bất mãn, ngay trong những người đã tham gia kháng chiến, là những người đã quen ăn rễ củ để tiếp tục chiến đấu giành lại tự do cho Tổ Quốc… Gặp những người phụ trách những bộ quan trọng của Chính Phủ, nhiều khi thấy họ rơm rớm nước mắt khi nói tới những vấn đề của họ.”[7]

Tuy vậy, vai trò của CIA trong việc thúc đẩy người Bắc di cư là then chốt. Tình báo Mỹ tìm mọi cách đẩy dân Công giáo vào Nam để hỗ trợ và tạo vốn chính trị cho Diệm, làm cơ sở dân cư cho tương lai chính trị của Diệm. Diệm không sinh ra ở miền Bắc nhưng là một nhân vật Công giáo nổi bật sinh ra trong một gia đình Công giáo nổi tiếng ở Việt Nam. Đại tá tình báo Mỹ Lansdale đã “cảnh tỉnh” Diệm về vai trò quan trọng của cộng đồng Công giáo đông đảo bởi, khi một cuộc bầu cử ở miền Nam Việt Nam diễn ra, cộng đồng Công giáo lớn sẽ là những “lá phiếu” quan trọng cho Diệm, một người Công giáo thuần thành.

Về phía ngược lại, nhiều người Bắc di cư giai đoạn hậu Geneve muốn đi về phía Diệm với hi vọng những lợi ích cá nhân và lợi ích Công giáo của họ sẽ được đảm bảo tốt hơn nhờ Diệm.

Một số hình ảnh về cuộc di cư 1954:

Hải Phòng tháng 8 năm 1954. tàu USS Montage hạ một cái thang bên cạnh tàu LSM của Pháp để đón người di cư. (PH1 H.S. Hemphill. (Navy).EXACT DATE SHOT UNKNOWN.NARA FILE #: 080-G-644449.WAR & CONFLICT BOOK #: 386)
Người di cư lên “tàu há mồm” LST 516 để vào Nam năm 1954.
Tàu sân bay HMS Warrior đưa 1455 người di cư từ Hải Phòng tới Sài Gòn trong chiến dịch Hành Trình Tới Tự Do, ngày 4 tháng 9 năm 1954. các gia đình trải chiếu ăn cơm trên sàn tàu HMS Warrior. (Nguồn: http://www.iwm.org.uk/collections/item/object/205187801)
Poster tuyên truyền của chiến dịch Hành Trình Tới Tự Do năm 1954 (Lưu trữ của Cục Thông tin Hoa Kỳ, ảnh số 306-ppb-226)
Poster tuyên truyền của chiến dịch Hành Trình Tới Tự Do năm 1954 (Lưu trữ của Cục Thông tin Hoa Kỳ, ảnh số 306-ppb-224f – Nguồn: www.archives.gov)
Trong cuộc di tản dân chúng từ Bắc vào Nam Việt Nam, người tỵ nạn đi theo tàu “Hy Vọng” đang được cấp phát thẻ lãnh thực phẩm trước khi lên tàu tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: Liron Georges. Nguồn: SCA – ECPAD)
Trong cuộc di tản dân chúng từ Bắc vào Nam Việt Nam, phân phối các phần ăn trên tàu “Hy vọng”, khởi hành từ cảng Hải Phòng. (Ảnh: Liron Georges. Nguồn: SCA – ECPAD)
Trên tàu LSIM (Tàu đổ bộ chở binh sĩ và tiếp liệu) 9036, người tỵ nạn Công giáo Phát Diệm thư giãn trong những chiếc giường của binh sĩ trước đây. (Ảnh: Lussan Jean. Nguồn: SCA – ECPAD)
Người tỵ nạn Công giáo chạy trốn khỏi Phát Diệm bằng bè đang được các thủy thủ đưa lên tàu LSIM 9036. (Ảnh: Lussan Jean. Nguồn: SCA – ECPAD)
Trong cuộc di cư từ Bắc vào Nam Việt Nam, một phụ nữ người dân tộc Thái lên tàu “Hy vọng” tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: Liron Georges. Nguồn: SCA – ECPAD)
Trong cuộc di cư từ Bắc vào Nam Việt Nam, những người tỵ nạn tìm được chỗ nghỉ trên những chiếc giường được lắp trong lòng tàu “Hy vọng”, tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: Liron Georges. Nguồn: SCA – ECPAD)
Trong cuộc di cư từ Bắc vào Nam Việt Nam, những người tỵ nạn tụ tập trên một cầu tàu tại cảng Tourane (Miền Trung) sau khi xuống từ con tàu “Hy vọng” mà trước đó đã rời đi từ Hải Phòng. (Ảnh: Liron Georges. Nguồn: SCA – ECPAD)
Hải Phòng tháng 10 năm 1954, người dân giáo xứ Bùi Chu chuẩn bị di cư vào nam. (Nguồn: www.ecpad.fr)
Một trang Tạp chí National Geographic số tháng 6 năm 1955 viết về chiến dịch Hành trình đến Tự do tại Việt Nam. Hình trên: Tàu Hải quân Mỹ chở đầy người di cư kết thúc một chuyến đi nhân đạo đến Sài Gòn. Tạp chí này cho biết hơn 700.000 người đã di cư vào phương nam trong một trong những cuộc di dân vĩ đại của lịch sử hiện đại. Khoảng một phần ba số di dân này ra đi bằng tàu Hải quân Mỹ mà đã đi lại như con thoi giữa Sài Gòn và Hải Phòng. Trong hình là tàu U.S.S. Mantrose, một tàu vận tải tấn công, cập cảng tại sông Sài Gòn với 2.000 hành khách mệt mỏi sau ba ngày trên biển. Hình dưới: Một tàu vận tải khác, U.S.S. Mountrail, đã dựng tấm biển chào đón này trên bến tàu với ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt.
Một trang Tạp chí National Geographic số tháng 6 năm 1955 viết về chiến dịch Hành trình đến Tự do tại Việt Nam. Hình trái: Một cơn thủy triều người kiên nhẫn đợi lên một chiếc tàu Tự Do gần Hải Phòng. Hình phải: Những bàn tay to lớn, dù là những bàn tay tử tế, đã gây hoảng sợ cho một chú bé với nỗi sợ hãi còn tươi nguyên trong ký ức.
Dân di cư trên tàu USS Mountrail, tháng 9 năm 1954
Dân di cư năm 1954

Chú thích

[1],[2],[4] Peter Hansen (2009). Bắc Di Cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc và vai trò của họ tại Việt Nam Cộng Hoà, 1954 – 1959. Journal of Vietnamese Studies, Vol. 4, No. 3. Bản dịch của Đỗ Hải Yến đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế.

[3] Nguyễn Văn Thuận. Tự thuật của Linh mục Nguyễn Văn Thuận. Bản viết tay trong thư viện độc lập của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng.

[5] Herring, G. (2013). Cuộc chiến dài ngày giữa Mỹ và Việt Nam, 1950-1975. McGraw-Hill Higher Education.

[6],[7] Trần Thị Liên. (2005). Vấn đề Công giáo miền bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956). Văn bản trên Tạp chí Thời Đại Mới.

Bài: trích Phán Xét – Nguyễn Văn Hưởng

Ảnh: Flickr Manhhai

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN