Phái bộ John Crawfurd, Anh Quốc, tại các triều đình Việt Nam và Xiêm La năm 1822

Ngô Bắc dịch

Ngoài công việc làm cho Chính Phủ Anh Quốc trong thời kỳ chiếm đóng khu vực Đông Ấn thuộc Hòa Lan (Dutch East Indies) (1811-1816), John Crawfurd còn phục vụ với tư cách sứ giả của Công Ty Đông Ấn thuộc Anh Quốc (English East India Company) tại nhiều vương quốc vùng Đông Nam Á. Trước khi nhận nhiệm vụ tại Miến Điện năm 1827, Crawfurd đã được phái sang Việt Nam và Xiêm La trong mùa thu năm 1821 nhằm thiết lập các quan hệ thương mại với các nước này. Dưới đây là những đọan trích dịch, trước tiên, một sự tường trình theo thể nhật ký về Cochinchina (Việt Nam), và, kế đó, từ một sự lương định tổng quát và nhiều suy tư hơn về tình hình tại Xiêm La của Bác Sĩ John Crawfurd.

John Crawfurd (Ảnh: Wikipedia)

(I)

Chúng tôi vào thời điểm này (30 tháng Tám) [có lẽ có sự nhầm lẫn ở đây về nhật kỳ này, vì theo bản tường trình chi tiết sau này của chính ông John Crawfurd, phái bộ đã cập bến Đà Nẵng ngày 13 tháng Chín, và Crawfurd đến Huế vào ngày 25 tháng Chín, 1822, chú của người dịch] khám phá ra rằng các người bạn Việt Nam của chúng ta cực kỳ câu nệ nghi thức, và đặc biệt thích phô bày và trình diễn những vấn đề nhỏ nhặt đến mức độ khoe khoang. Điều khôi hài này đúng là đã xảy ra với việc xuất trình văn thư của thống đốc (người Anh Quốc) . Ngay sau khu bức thư được mở ra, các Quan Lại đã tiến hành việc kiểm tra một cách tỉ mỉ, khảo sát từ chữ viết, lọai giấy viết thư có trang trí, và trên hết dấu đóng của quan thống đốc tòan quyền. Sau khi làm xong điều này, chúng tôi cùng tiến hành, xuyên qua bản dịch sang tiếng Bồ Đào Nha đính kèm, chuyển dịch từng câu văn một sang tiếng Việt Nam. Sau khi tiến trình này được làm xong trong một thời gian ngắn, phái đòan thấy không thỏa mãn, và yêu cầu rằng một văn bản thông dịch sang chữ Hán có thể có hiệu quả hơn. Điều này cũng đã đuợc thực hiện y như thế. Bấy giờ họ khảo sát ủy nhiệm thư của tôi, và cũng yêu cầu phải có bản dịch ra tiếng Hán những giấy tờ này và họ còn yêu cầu xa hơn rằng mọi tài liệu đều cần bản thông dịch sang tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha. Điều này cũng được chấp nhận. Khi xem xét bản dịch bằng chữ Hán, các Quan Lại bày tỏ sự thỏa mãn hòan tòan về nội dung của bức thư; nhưng lại đưa ra nhiều sự phản đối về các thành ngữ đặc biệt, mà họ tuyên bố rằng nó không thể được đệ trình lên Nhà Vua Cochinchina (Việt Nam); họ nói, sự sử dụng các thành ngữ này, bất kể có mang ý nghĩa tôn kính, nhưng lại đi ngược với các luật lệ trong nước. Chẳng hạn, nơi phần kết luận của bức thư của Thống Đốc có ghi, “Nhà Vua của ông gửi một số quà tặng biểu lộ sự kính trọng và quý mến sâu xa đến Hòang Đế Việt Nam.” Văn thức này không thể chấp nhận được, bởi, như được giải thích cho chúng tôi, sự kính trọng và quý mến sâu xa phải được xem là chuyện đương nhiên đối với bất kỳ ai khi nói với Hòang Đế Việt Nam. Theo ý kiến đề nghị của các Quan Chức này, đọan văn đó đã được chuyển dịch như sau: “Tôi xin gửi đến Hòang Thượng một số tặng phẩm, bởi vì Ngài là một vị vua vĩ đai.” Sự kháng nghị mạnh mẽ được đưa ra chống lại văn thức trong đó Nhà Vua (Anh Quốc) phủ nhận bất kỳ ước muốn nào về đất đai và thành quách; bởi vì không thể tưởng tượng dù trong một giây khắc rằng bất kỳ người nào đó lại có thể ước muốn sở đắc đất đai hay thành quách thuộc về quyền của Nhà Vua Việt Nam, và chỉ có sự phủ nhận ước muốn sở hữu các cơ xưởng thương mại là được ghi vào [bản dịch]. Trong bức thư của Thống Đốc, Nhà Vua của họ được mệnh danh là Hòang Đế Anam [nguyên văn sai lạc, đúng ra là An Nam, chú của người dịch], một danh xưng chung bao gồm cả Tonkin (Bắc Việt) và Cochin China (Nam Việt); và như mọi người đều hay biết, ông ta (Hòang Đế Việt Nam, chú của người dịch] đã chinh phục phần lớn đất đai của nước Kamboja (Căm Bốt), và đã xác định chủ quyền trên nước Lào, [cho nên] danh hiệu Chúa Tể các nước này cũng được ghi kèm thêm vào các vương hiệu của Nhà Vua [Việt Nam]. Điều này bị phản đối mạnh mẽ, và các Quan Chức cho tôi hay rằng không có danh dự gì cho Nhà Vua Việt Nam khi được tôn xưng là “một vị vua của các người nô lệ,” bởi nếu như thế, có vẻ là dân chúng tại những tỉnh bị chinh phục được xem giống như sắc dân cai trị, có nghĩa, giống như dân tộc An Nam, bao gồm cả người dân ở Đông Kinh (Bắc Việt) và Cochin China (Nam Việt) . Sau khi cuộc họp kết thúc, tôi có hỏi thông dịch viên theo đạo Thiên Chúa, do việc nghe thấy nhận định sau cùng này, rằng ý kiến của người dân Cochinchina (Việt Nam) về người dân Kamboja (Căm Bốt) ra sao. Người thông dịch này đã thăm viếng vùng Bengal, trả lời không một chút ngập ngừng, “rầt giống như ý kiến mà người Ăng-Lê nhìn người Ấn Độ da đen vậy!!” Nguyên cả phiên họp buồn tẻ này kéo dài trong tám tiếng đồng hồ. Người thông dịch kém may mắn, Antonio, qúa mệt mỏi với sự khúc mắc, chưa kể đến sự nguy hiểm của mình trong công việc, và với sự khó khăn trong việc làm vừa lòng đôi bên, đã phải tuyên bố rằng để làm cho đúng nhiệm vụ, cần phải có cái đầu của con voi!…

Ngày 28 tháng Chín — tại nơi cư trú mới, chúng tôi thấy mình được đối xử với một sự kính trọng tòan hảo, nhưng chúng tôi gần như là các tù nhân. Các thông dịch viên và các gia nhân người Việt Nam luôn luôn túc trực để làm mọi việc cho chúng tôi, nhưng các người giúp việc gốc Ấn Độ không được phép ra khỏi cửa mà không có hai hay ba người đi theo trông chừng, và chỉ được phép đi ra ngòai một hay hai lần trong một ngày. Một ngọai lệ duy nhất được dành cho các người phục dịch gốc Trung Hoa của chúng tôi. Những ngườI này được phép đi ra ngòai hòan tòan tự do, không phải chịu sự ngờ vực gì cả, chẳng khác gì họ cũng là những người dân Việt Nam bẩm sinh. Điều hiển nhiên được rút ra từ sự kiện này là mọi tương giao giữa các nước Âu Châu [với các nước tại đây, chú của người dịch] đều phải thông qua công cụ Hán ngữ, và rằng càng có nhiều người này [các thông ngôn gốc Trung Hoa, chú của người dịch] được phái đi theo một phái bộ Âu Châu, chúng ta nhiều phần càng ít gặp các trở ngại hơn.

… Sau đó (ngày 29 tháng Chín) chúng tôi đã thực sự học hỏi được rằng, kể từ khi lên ngôi lễ nghi triều đình, trên mọi phương diện, càng trở nên kiểu cách và cứng ngắc, và rằng chính nhà vua có một tham vọng lớn lao để bắt chước nghi thức của Triều Đình Bắc Kinh. Cuối cùng tôi đã yêu cầu vị Thượng Thư trình lên Nhà Vua [Việt Nam] ước vọng của chúng tôi được hân hạnh yết kiến Ngài [nhà vua Việt Nam]. Ông ta dã cố tìm cách, trong một lúc, né tránh đòi hỏi này; nhưng sau cùng đã đồng ý chuyển đạt lời thỉnh cầu của chúng tội, hứa hẹn rằng chúng tôi sẽ phải có câu trả lời vào ngày kế tiếp.

Trong phần cuối của cuộc đối thọai này, niềm tự hào dân tộc hão huyền của người Việt Nam, và ý kiến tán dương mà họ tự dành cho mình và vị Chúa Tể của họ đã được thể hiện đầy đủ. Viên Quan Lại cười nói rằng, “Đương nhiên là ông sẽ phải vận dụng tất cả sự khéo léo trong sức mình để hân hạnh được diện trình trước một vị vua vĩ đại như thế.”

(II)

Chính Quyền nước Xiêm, mà tôi sắp nói tới kế đây, thì hòan tòan chuyên chế, bởi do sự vắng mặt của sự kiềm chế pháp định cùng với sự tán trợ của tôn giáo và lòng mê tín có thể đã nhào nặn nó ra như thế. Chúng ta nghe nói, ở các nơi khác trên thế giới, về các cá nhân thành tín, không khỏi ngập ngừng khi nêu tên Thần Linh; nhưng, điều mặc nhiên là các thần dân của Quốc Vương nước Xiêm không thể nêu danh tính của ông ta gì cả. Tên nhà vua chắc chắn là không bao giờ đựoc viết ra bằng văn tự, và được nói là chỉ được hay biết bởi một số rất ít cận thần chính yếu của nhà vua. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ không biết trong thực tế Quốc Vương nước Xiêm có một danh tính nào khác hơn các thuộc từ đáng sợ mà ông vẫn thường được nói đến. Ngay cả sức khỏe của nhà vua cũng không thể bị thăm hỏi, bởi vì, bất kể bị ốm đau hay suy sụp đến đâu, đương nhiên phải nghĩ rằng nhà vua không thể gặp phải sự tàn tật nào về thể xác. Không kẻ kế ngôi nào được chỉ định trong khi Quốc Vương còn sống; bởi việc tưởng nghĩ đến cái chết của Nhà Vua không chỉ là một sự phản bội nặng nề trên mặt pháp lý mà còn cả trong sự nhận thức thông thường. Trong thực tế, tại Xiêm, mọi việc liên hệ đến Chính Quyền chỉ được nói trong sự thì thầm. Trong cách nói thông thường, Quốc Vương nước Xiêm được chỉ định bằng nhiều thuộc từ thanh nhã khác nhau, phổ thông nhất như các tước hiệu Phra-penchao-yahuwa, có nghĩa “vị Thánh Thượng Của Các Cái Đầu: the Sacred Lord of Heads”; Phra-pinchao-chuit, “vị Thánh Thượng Của Các Sinh Mạng: the Sacred Lord of Lives”; và Kong-luang, “Chủ Nhân của Mọi Lòai: the Owner of All.” Các hình dung từ sau đây cũng được sử đụng rất thông thường để chỉ ông ta – “Vị Chúa Tể Cao Cả, bất khả sai lầm và có quyền năng vô tận”. Ngôn ngữ tán tụng còn vươn đến cả các phần của cơ thể ông ta. Chân, tay, và ngay cả miệng của nhà vua, mũi, và các tai, không bao giờ được đề cập tới mà không kèm theo từ Phra, có nghĩa “Vị Chúa Tể” hay “Thánh Thượng” đứng trước. Bằng vàng (golden), là một thuộc từ khác thích hợp để chỉ bất kỳ gì thuộc về nhà vua, hay gắn liền với cá nhân Nhà Vua. Chính vì thế, được chấp thuận cho yết kiến nhà vua, có nghĩa là với được tới bàn chân vàng; và bất kể điều gì nhà vua nghe thấy, là được gọi là lọt vào tai vàng. Dưới đây là sự phiên dịch sát nghĩa từng chữ trong cách xưng hô thông thường lên Quốc Vương, trong văn nói cũng như văn viết: “Vị Chúa Thượng Cao Cả, Chủ tể của nhiều Hòang Tử, xin vị Chúa Tể Của Đời Sống hãy dí (chà sát) bàn chân lên đầu kẻ nô dịch của Ngài, đang phủ phục nơi đây, để được tiếp nhận hạt bụi của bàn chân vàng lên trên đỉnh đầu của mình, [và] để được thưa, với tất cả sự khiêm nhường khả hữu, rằng nô tài có điều muốn đệ trình.”

Một phần lớn sự tôn kính gắn liền với con người của Quốc Vương, phát sinh từ niềm tin rằng thân xác của nhà vua là một động cơ chuyên chở một linh hồn ở trong một giai đọan cao siêu di chuyển đến một trạng thái cuối cùng của sự cực lạc, an nghỉ hay tuyệt diệt. Chỉ nội sự kiện là một vị Vua đã được xem là bằng cớ thỏa đáng của sự đắc đạo và sùng đạo trong các kiếp vãng sinh. Về hệ cấp, không có sự so sánh nào giữa vị Chúa Tể với các quan chức hay nội thần được đề cao nhất của nhà vua, và chính các thành ngữ thông dụng đã ghi dấu khỏang cách không thể đo lường được giữa họ [nhà vua và quan giúp việc, chú của người dịch]. Sự kiện này làm phát sinh các hình thức xưng hô có vẻ rất buồn cười đối với một người ngọai quốc. Thí du, Nhà Vua sẽ gọi một vị thân vương trẻ, hay một nhà quý tộc trẻ tuổi, là con chó, hay con chuột, với các tước hiệu không cân xứng tí nào như Vương Giả, Quý Phái, Lừng Danh (Royal, Noble, Illustrious) vân vân…, và những danh xưng này, còn lâu mới bị xem là có tính cách sỉ nhục mà sẽ được đón nhận bởi các người trẻ tuổi khao khát [tước hiệu đó, chú của người dịch] như là các sự biểu lộ tấm lòng tử tế và hạ cố [của nhà vua, chú của người dịch].

Các cung cách của Triều Đình nước Xiêm, và các nghi thức cử hành, ngày nay có vẻ gần giống hệt như chúng đã được mô tả bởi các du hành Âu Châu sớm nhất. Nhà Vua dành hai cuộc tiếp kiến cho các quan nội thần hàng ngày, một trong buổi sáng và một vào lúc tối khuya; [nhà vua] tra hỏi từng người ít câu hỏi thông thường liên quan đến bộ sở của quan chức đó, và quyết định tại chỗ một số ít công vụ dễ dàng hay tầm thường được đệ trình lên nhà vua. Nhà Vua dành phần thời giờ còn lại giữa việc quây quần với các cung phi và với các Talapoins (nhà sư). Các nhà sư cầu nguyện cùng và cho Nhà Vua; các cung phi đôi khi giúp vui nhà vua bằng việc diễn đọc thơ văn.

Với ít các ngọai lệ nhỏ nhặt ở các tỉnh hạt địa phương, không có hệ cấp thế tập tại nước Xiêm; không có giới quý tộc giàu có hay các tước phong; chế độ chuyên chế ngự trị đã san bằng mọi sự khác biệt xuất hiện trước nó, và biến tất cả thành kẻ phục tùng theo sở thích hay thị hiếu của nó. Người dân có vẻ bị xem đúng là các nô lệ của Chính Quyền, và chỉ có giá trị đến mức độ họ phục vụ cho sự hãnh diện và thành tích của vị Chúa Tể, hay của những người được nhà vua ủy nhiệm bất kỳ sự san sẻ quyền hành nào của ông. Đặc điểm quan trọng nhất của Chính Quyền Xiêm, là sự trưng tập phổ thông hiện hành, và xuyên qua đó, lao động và dịch vụ của nam công dân trưởng thành, bất luận là để dùng cho lao động thông thường, hay cho quân vụ hay cho công việc gia nô, được đặt dưới sự chuyên đóan của Chính Quyền. Mọi nam công dân của nước Xiêm, từ hai mươi mốt tuổi trở lên, bắt buộc phải phục vụ cho nhà nước bốn tháng mỗi năm. Các ngọai lệ miễn trừ chỉ gồm, — tòan thể giới tu sĩ [phật giáo, chú của người dịch] Talapoins; và ứơc ao muốn trốn tránh sự phục dịch này đưa đến tình trạng phổ biến của việc tu đạo một thời khỏang trong cuộc đời nơi giáo hội này; — tòan thể số Hoa Kiều, bởi họ đóng một khỏan lệ phí định kỳ dưới dạng thuế thân; — các người nô lệ; — tất cả các công chức chính quyền, từ cấp lớn đến cấp nhỏ, và mọi người cha trong một gia đình có ba đứa con trai ở tuổi phục dịch …

——–

Nguồn: John Crawfurd, Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochinchina; Exhibiting a View of the Actual State of Those Kingdoms (London: Colburn and Bentley, 1830), Vol. I, các trang 324-326, 375, 383; Vol. II, các trang 99-103.

NGÔ BẮC dịch

Chú của người dịch:

Sơ Lược về Tác Giả và về Chuyến Đi Sứ Việt Nam và Xiêm La năm 1822 của John Crawfurd

John Crawfurd sinh ngày 13 tháng Tám, năm 1783 tại đảo Islay, Scotland.

Tốt nghiệp từ trường đại học Edinburgh, ông trở thành bác sĩ giải phẫu làm việc cho Công Ty Đông Ấn của Anh Quốc. Sau 5 năm phục vụ tại Sở Y Khoa Bengal, ông Crwafurd được chuyển sang Penang và làm việc tại đây từ năm 1808 đến 1811. Kiến thức về các địa phương khiến ông được chính phủ Anh sử dụng trong nhiều công tác ngọai giao. Từ 1811 đến 1817, ông làm việc ở Java cùng với Stamford Raffles, người lập ra Singapore và có lần ông đã từng làm Công Sứ tại Jogjakart. Năm1820 ông xuất bản tác phẩm đồ sộ gồm 3 quyển, History of Indian Archipelago, được xem là công trình nghiên cứu tiền phong của Anh Quốc về vùng Đông Nam Á. Sau khi trở về từ Việt Nam, từ năm 1823 đến 1826, ông được cử phụ trách các khu vực định cư của người Anh và cả chức Thống Đốc Singapore nữa . Công tác ngọai giao cuối cùng của ông ở phương Đông là một nhiệm vụ ngọai giao khó khăn tại triều đình Miến Điện trong năm 1826-1827. Năm 1827, ông về hưu và quay về Anh Quốc. Ông ra tranh cử vào Nghị Viện Anh nhiều lần nhưng không được đắc cử. Ông sọan nhiều công trình nghiên cứu về Đông Nam Á và được xem là học giả hàng đầu của Anh Quốc về khu vực này của thế giới. Năm 1861, ông được bầu làm chủ tịch Hội Chủng Tộc Hoc (Ethnological Society). Ông từ trần ngày 11 tháng Năm năm 1868 tại South Kensington.

John Crawfurd được Thống Đốc Anh Quốc tại Ấn Độ, Hầu Tước Hasting bổ nhiệm cầm đầu các phái bộ sang Xiêm La và Viêt Nam hồi tháng Chín 1821, khi ông ta đang ở Calcutta. Phái đòan gồm hơn 30 người, đáp tàu John Adam rời cảng Calcutta hôm 23 tháng Mười Một năm 1821. Tàu ghé vào các cảng ở Pénang, Malacca, Singapore trước khi đến Vọng Các ngày 29 tháng Ba, 1822. Phái bộ Crawfurd lưu trú ở Xiêm La cho đến ngày 16 tháng Bẩy. Tàu John Adam có ghé Sàigòn trước khi thả neo ở hải cảng Đà Nẵng hôm 13 tháng Chín. Crwafurd đến Huế hôm 25 tháng Chín và chỉ lưu lại đây hơn ba tuần lễ. Tàu John Adam đã rời cảng Đà Nẵng hôm 31 tháng Mười để đi Singapore trước khi trở lại Calcutta hôm 19 tháng Mười Hai năm 1822.

Họat động và kết quả của phái bộ Crawfurd tại Việt Nam được ghi nhận một cách tổng quát như sau:

1. Crawfurd bị từ chối không cho yết kiến vua Minh Mạng, và nhà vua cũng không nhận các tặng phẩm của phái bộ. Lý do được phía Việt Nam đưa ra là vì đại diện của Anh Quốc không được ủy nhiệm chính thức từ Quốc Vương Anh Quốc, và Crawfurd đến Việt Nam vì các vấn đề thuần túy thương mại nên không đáng để có một cuộc thảo luận cá nhân với người cai trị Việt Nam.

2. Crawfurd được thông báo rằng Anh Quốc có thể mua bán tại các hải cảng miền Trung (An Nam) theo cùng với các điều khỏan dành cho các thương thuyền của Trung Hoa, thế nhưng không được mua bán tại các hải cảng ở miền bắc Việt nam (Tonkin).

3. Crwafurd có thu thập được nhiều thông tin về các sản phẩm và viễn ảnh của Việt nam và các nước lân cận.

Crawfurd có viết một tập tường trình chi tiết về chuyến đi của phái bộ do ông ta cầm đầu sang Xiêm La và An Nam, được ấn hành lần đầu tiên năm 1828, với nhan đề Journal of an Embassy from the Governor General of India to the Courts of Siam and Cochin-china, mà các trích đoạn được dịch ra Việt ngữ trên đây.

BÌNH LUẬN