Tổng thống Omar Bashir, người nắm quyền tại Sudan 30 năm qua, được cho là đã bị tước bỏ mọi chức vụ trước sức ép từ phong trào biểu tình kêu gọi ông từ chức.
Đài truyền hình Lebanon Al Mayadeen ngày 11/4 dẫn các nguồn tin cho hay Lực lượng Vũ trang Sudan đã quyết định tước bỏ mọi chức vụ của Tổng thống Omar Bashir và giải tán chính phủ, giữa lúc hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô yêu cầu nhà lãnh đạo lâu năm từ chức.
Theo Al Mayadeen, quân đội sẽ tuyên bố thành lập một ủy ban quân sự để quản lý đất nước trong giai đoạn chuyển giao.
Báo Al Hadath cũng nói nguồn tin của họ đã xác nhận việc từ chức của ông Bashir.
Trước đó cùng ngày, Reuters dẫn lại truyền hình nhà nước cho biết quân đội Sudan sẽ sớm đưa ra “tuyên bố quan trọng”, nói thêm rằng truyền thanh nhà nước đã bắt đầu phát nhạc về tinh thần yêu nước.
Người biểu tình tại thủ đô Khartoum của Sudan. Ảnh: AP.
Theo Twitter của một kênh truyền thông địa phương, một nhóm sĩ quan quân đội được cho là đã xông vào trụ sở đài phát thanh quốc gia. Trong khi đó, Al Hadath dẫn một số nguồn tin nói rằng đã có đảo chính, xong đến nay chưa bên nào xác nhận thông tin này.
Thông tin xuất hiện sau khi người dân đổ ra đường phố thủ đô Khartoum từ cuối tuần qua, kêu gọi Tổng thống Bashir từ chức và yêu cầu quân đội đứng về phía người dân. Phong trào phản đối bước vào ngày thứ sáu hôm 11/4 với hàng nghìn người biểu tình vây kín khu vực xung quanh trụ sở quân đội, theo AFP.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng từ ngày 6 đến 8/4.
Sudan đã chìm trong làn sóng biểu tình từ tháng 12/2018, xuất phát từ việc giá hàng tiêu dùng gia tăng. Các cuộc tuần hành quy mô lớn đã buộc ông Bashir, người đã nắm quyền 30 năm, phải giải tán nội các và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài một năm.
Đám đông biểu tình đã có năm đêm liên tiếp “đóng chốt” tại khu vực bên ngoài trụ sở quân đội, cũng là nơi làm việc của tổng thổng và bộ quốc phòng.
“Chúng tôi đã chịu đựng đủ chế độ này rồi, 30 năm đàn áp, tham nhũng, lạm quyền, đã quá đủ rồi”, một người biểu tình nói với AFP.
“Chúng tôi sẽ không rời đi cho đến khi chúng tôi biết được tình hình. Song chúng tôi biết chắc chắn là ông Bashir phải ra đi”.
Zing.