Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục được khẳng định

Năm 2021 là năm tương đối đặc biệt đối với Việt Nam và Trung Quốc bởi mỗi đất nước đều ghi nhận những sự kiện đặc biệt. Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII, hoàn thành thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Việt Nam bắt đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030. Trung Quốc kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc và bắt đầu triển khai “Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14” và “Mục tiêu tầm nhìn tới năm 2025”.

Trong thời gian vừa qua, tuy gặp không ít khó khăn và thách thức, nhưng cả hai nước đều đã đạt được những thành tích cao trong việc phòng và chống dịch Covid-19, duy trì kinh tế tăng trưởng dương, quan hệ thương mại không bị đứt gẫy trong bối cảnh dịch bệnh. Hiện Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Trước sự phát triển phức tạp của đại dịch và tình hình quan hệ quốc tế, là hai nước láng giềng, Việt Nam và Trung Quốc đều nhận thức được rằng việc duy trì một mối quan hệ ổn định, hợp tác để cùng phát triển là một trong những ưu tiên cao nhất trong quan hệ song phương. Việc giao lưu tiếp xúc giữa các lãnh đạo cấp cao của hai bên là vô cùng cần thiết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/4/2019. Ảnh: AFP

Theo tinh thần đó, ngày 24 tháng Năm vừa qua, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam với người đồng cấp Trung Quốc không lâu sau khi nhậm chức. Tại cuộc điện đàm này, cả hai vị lãnh đạo đều bày tỏ sự coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam Trung Quốc. Hai bên cũng đánh giá cao những thành tựu trong thời gian vừa qua mà mỗi nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản đã đạt nước và vui mừng vì điều đó.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu những thành tựu mà Việt nam đã thực hiện được trong thời gian qua khi duy trì “mục tiêu kép”. Ông cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi, tăng cường hợp tác phòng chống dịch Covid-19, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến việc duy trì giao lưu, hợp tác nhân dân giữa các địa phương và cần nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cùng xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo nhận thức chung cấp cao, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn đa phương.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết: Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam. Ông cũng chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng của giao lưu và tiếp xúc cấp cao, coi trọng sự quan tâm của Việt Nam đối với các dự án hợp tác song phương, kiên trì nhận thức chung cấp cao, quản lý bất đồng, tăng cường hợp tác về vấn đề trên biển, khẳng định ủng hộ Việt Nam tại các cơ chế đa phương và bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam trong phòng chống dịch Covid -19.

Trước đó, ngày 16 tháng Tư, ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng. Ông cũng khẳng định việc Việt Nam xác định quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông Vương Nghị cũng khẳng định Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng việc thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Việt Nam và chúc mừng những thành công vừa qua của Việt Nam.

Hai Bộ trưởng đều nhận thấy rằng quan hệ giữa hai Đảng và hai nước vẫn tiếp tục duy trì và phát triển tích cực. Hợp tác kinh tế thương mại vẫn tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh, hai nước đã chia sẻ vật tư, thiết bị y tế, kinh nghiệm chống dịch Covid-19, tương trợ nhau khi xảy ra thiên tai, bão lũ. Hai Bộ trưởng cũng cho rằng cần thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương, trong đó phát huy vai trò của Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy các mặt hợp tác, đưa quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại đi vào thực chất, tăng trưởng theo hướng lành mạnh, duy trì trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Cũng tại buổi trao đổi này, hai Bộ trưởng đã đề cập một cách thẳng thắn các vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán hiện nay. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị hai bên trao đổi, giải quyết bất đồng theo tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thỏa thuận nhận thức chung giữa hai bên và luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cùng ASEAN đạt tiến triển tích cực về COC.

Các hoạt động ngoại giao trực tuyến như trên đã được tiến hành ngay sau khi Việt Nam có chính phủ mới cho thấy chúng ta rất chủ dộng và linh hoạt. Các cuộc gặp gỡ tiếp xúc sẽ luôn luôn là cầu nối giúp cả hai bên tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu những tác động xấu. Một khi cả hai nước cùng có thiện chí, cùng coi trọng việc giữ gìn và phát triển quan hệ thì không có khó khăn nào có thể ngăn cản được. Quan hệ giữa hai bên có thể có lúc thăng, lúc trầm nhưng cần luôn luôn giữ sao cho dòng chảy chính vẫn là hợp tác và hữu nghị, bởi đây chính là nguyện vọng, lợi ích của nhân dân hai nước và cả hai nước đều có trách nhiệm gìn giữ nó.■

Trần Phan

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN