Quan hệ Mỹ - Trung: Những sai lầm lịch sử

Trong những năm gần đây, các học giả và các nhà quản trị kinh tế ở Mỹ đã chỉ ra sự suy yếu của Mỹ. Họ nêu ra nguyên nhân chủ yếu là do nước Mỹ đã phạm sai lầm chiến lược đối với Trung Quốc. Sai lầm trước hết bắt nguồn từ các đời Tổng thống của nước Mỹ. Họ đã ảo tưởng và đặt niềm tin sẽ chuyển hóa được Trung Quốc theo quỹ đạo của Mỹ. Sai lầm này bắt đầu từ năm 1972; khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời đó tỏ thái độ ủng hộ chiến lược của Mỹ đối với Liên Xô và châu Á – Thái Bình Dương; đổi lại, Mỹ hỗ trợ Trung Quốc khôi phục nền kinh tế sau cuộc Cách mạng Văn hóa và vấn đề Đài Loan. Sự kiện này đã mở ra nhiều hứa hẹn lớn, quan trọng của Mỹ đối với sự phát triển của Trung Quốc. Khi cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam kết thúc, Đặng Tiểu Bình, người đứng đầu đất nước Trung Quốc, đã làm cho người đứng đầu nước Mỹ thời đó là Tổng thống Jimmy Carter tin rằng Trung Quốc mong muốn trở thành quốc gia hiện đại, dân chủ và tránh xung đột với phương Tây. Đáp lại, Carter đã ủng hộ vai trò của Trung Quốc đối với châu Á và cho phép nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Coca Cola, KFC… đặt cơ sở sản xuất ở Trung Quốc. Khi Bill Clinton làm Tổng thống Hoa Kỳ, ông đã đặt niềm tin Trung Quốc trở thành một nước có nền kinh tế thịnh vượng, giàu có hơn, “Họ sẽ trở thành như chúng ta (Mỹ)”, có nghĩa là một nền dân chủ dân sự theo những giá trị của phương Tây. Những lập luận này được chính quyền Clinton sử dụng mạnh hơn vào những năm cuối của thập niên 90. Clinton đã có nhiều chính sách để đưa Trung Quốc vào cuộc chơi cùng Mỹ và thế giới, trong đó có việc gây áp lực lên các nhà lập pháp Quốc hội Mỹ để đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

Peter Navarro, cố vấn kinh tế của ông Trump nhận xét rằng, Tổng thống Clinton sẽ khép lại hàng năm dài tranh luận về chính trị và kinh tế của nước Mỹ và đánh dấu một thành tựu lớn của chính quyền thời ông ta bằng việc ký thông qua bình thường hóa thương mại với Trung Quốc. Bước đi này được thiết kế nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc rộng lớn cho doanh nghiệp Mỹ và mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Tổng thống Clinton lập luận rằng đưa Trung Quốc gia nhập vào cơ chế thương mại toàn cầu sẽ giúp Trung Quốc trở thành một thành viên đáng tin cậy và có trách nhiệm hơn trong cộng đồng quốc tế. Đây là dấu mốc quan trọng trong chính sách làm bạn với kẻ thù của Hoa Kỳ; Trung Quốc đã trở thành đối tác tin cậy của Mỹ, do Clinton tạo ra.

Những năm sau đó, Nhà Trắng, Quốc hội Hoa Kỳ đã ứng xử mềm dẻo, nhân nhượng nhiều với Trung Quốc. Các nhà phân tích chỉ ra rằng Tổng thống George W. Bush đã có nhiều nhân nhượng, bảo hộ cho Trung Quốc về thương mại, do bị ám ảnh bởi cuộc chiến ở Iraq, chống khủng bố qua sự kiện 11/9… nên đã không nhìn thấy tai họa từ Trung Quốc. Barack Obama trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ trong bối cảnh nước Mỹ đã suy thoái nghiêm trọng và khi phần lớn giới chính trị Mỹ ở Nhà Trắng và Quốc hội đã nhận thức được mối đe dọa từ Trung Quốc, cần phải có chính sách cứng rắn với Trung Quốc để tái cân bằng ảnh hưởng toàn cầu; nhưng cố vấn và nội các mới của ông, bao gồm Bộ trưởng thương mại, giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Tài chính và một số quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao làm cho ông vẫn tin rằng sự “trỗi dậy” của Trung Quốc sẽ “hòa bình” và tốt cho nước Mỹ. Hệ quả là ông Obama không đưa ra được chính sách tài chính kiên quyết và mạnh mẽ để cải cách thương mại có ý nghĩa đối với Trung Quốc. Ông còn đưa ra quyết định sai lầm là vay tiền của Trung Quốc để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ. Ông cũng không kiểm soát được nội bộ, khi trong nội các của ông có những nhân vật liên kết với Trung Quốc tạo ra sự thao túng tài chính ở Phố Wall và Quỹ đầu tư Quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Đây là sai lầm thứ nhất.

Chính sách cởi mở nhập cư của Hoa Kỳ là sai lầm thứ hai, làm cho Trung Quốc mạnh lên; chính sách này đã tạo điều kiện cho người Trung Quốc nhập cư “ào ạt” vào Mỹ. Kể từ khi quan hệ hai nước được thiết lập đã có hàng triệu người Hoa vào Mỹ bằng đường hợp pháp và bất hợp pháp nhưng vẫn được Mỹ chấp nhận. Gần đây, Nhà Trắng đã đưa ra công luận số liệu mỗi năm có 750.000 người Trung Quốc được cấp visa vào Mỹ. Họ là những nhà báo, sinh viên, doanh nhân, các lao động xuất khẩu làm việc ở các công ty, phòng nghiên cứu quốc gia Hoa Kỳ hoặc là khách du lịch được cư trú hợp pháp ở Mỹ. Những người này mau chóng lập nghiệp, hòa đồng vào cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, tạo ra các khu phố Hoa kiều, nơi đây trở thành trung tâm truyền bá văn hóa, lối sống, ẩm thực Trung Quốc cho người Mỹ, cổ vũ cho người Mỹ dùng hàng Trung Quốc và thu thập thông tin có lợi cho chính quốc. Nói một cách tổng quát, họ là nhân tố quan trọng làm chuyển hóa xã hội Mỹ bằng các giá trị của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Đệ nhất Phu nhân Rosalynn Carter đang xem món quà do nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tặng trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tháng 1/1979. (Ảnh: Thư viện Jimmy Carter)

Sai lầm thứ ba của Hoa Kỳ là mở cửa thương mại. Hoa Kỳ cũng đã rất sớm ký hiệp định thương mại với Trung Quốc với nhiều quyền ưu đãi về thuế quan và không hạn chế các mặt hàng nhập khẩu. Mỹ cũng gây ảnh hưởng với các nước phương Tây và hỗ trợ cho Trung Quốc sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự cởi mở này đã tạo điều kiện cho hàng hóa của Trung Quốc tràn vào Mỹ bằng đường chính ngạch. Hàng hóa này được các thương nhân Hoa kiều “tiếp tay”, nhanh chóng cung ứng cho người dân Mỹ với giá rẻ hơn nhiều so với hàng hóa sản xuất tại Mỹ, đã tạo cho người dân Mỹ thói quen dùng hàng Trung Quốc. Hàng hóa sản xuất tại Mỹ ít dần. Người dân Mỹ hiện nay rất khó tìm những đồ dùng hàng ngày do nước mình sản xuất như đồ gỗ, dệt, may mặc… ở khu phố của mình. Họ đã phụ thuộc rất nhiều về cung ứng hàng hóa của Trung Quốc. Đương nhiên các nhà máy sản xuất đồ tiêu dùng phải đóng cửa, kéo theo hàng triệu lao động Mỹ thất nghiệp, đời sống người lao động Mỹ điêu đứng.

Chính sách giáo dục cởi mở của Hoa Kỳ được coi là sai lầm nghiêm trọng thứ tư. Chính sách này đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc cử sinh viên đến Mỹ học tập ở các trường đại học danh tiếng, nơi có các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ như CalTech, Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts… Các trường này đã nhận được hàng tỉ đô la tiền học phí. Theo số liệu của chính phủ Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 125.000 sinh viên Trung Quốc lưu học ở Mỹ. Sinh viên Trung Quốc được đánh giá đều rất giỏi, tiếp cận nhanh với các nhà khoa học Mỹ và công nghệ ở các cơ sở nghiên cứu sáng tạo công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Trung Quốc lập ra nhiều dự án nghiên cứu khoa học hấp dẫn, ký hợp tác và tài trợ cho nhiều trung tâm nghiên cứu quốc gia của Hoa Kỳ như Argonne, Lawrence, Berkeley, Los Alamos, Sandia… cũng như các công ty có trung tâm nghiên cứu phát triển tại Thung lũng Silicon, các công ty quốc phòng như Hughes and Loral… Các cơ sở này đã hưởng lợi hàng tỉ đô la tiền tài trợ và không ngần ngại tiếp nhận nhiều nhà khoa học Trung Quốc đến học tập, làm việc ở các trung tâm nghiên cứu của Hoa Kỳ ở mọi lĩnh vực. Những người này cũng đã kết bạn được với nhiều nhà khoa học hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân, vũ trụ, sinh học, năng lượng sạch, công nghệ thông tin và kỹ thuật phục vụ quốc phòng. Những nhà khoa học này đã rất thiện cảm với Trung Quốc và luôn sẵn sàng “giúp đỡ” không giới hạn những bí mật về công nghệ tiên tiến đối với các nhà khoa học Trung Quốc, mỗi khi họ làm đề tài và khoa học.

Những sai lầm của 8 đời Tổng thống Mỹ đã giúp cho Trung Quốc nhanh chóng thâm nhập vào hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của Mỹ. Sau hơn 40 năm, nước Mỹ nhìn nhận Trung Quốc đã gây nhiều thiệt hại cho nước Mỹ và Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức:

  • Trước hết là nguy cơ kinh tế suy yếu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ phải đương đầu với toàn bộ sức mạnh của các thủ đoạn thương mại, thao túng tiền tệ, hỗ trợ phá giá bất hợp pháp của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nước Mỹ đã mất đi nguồn thu lớn từ xuất nhập khẩu hàng hóa.
  • Trung Quốc tấn công vào ngành công nghiệp Mỹ, khiến nhiều nhà máy, xí nghiệp bị sụp đổ hoặc chuyển sang Trung Quốc để được hưởng ưu đãi và sản xuất hàng rẻ bán trở lại cho nước Mỹ, khiến hàng triệu lao động Mỹ thất nghiệp.
  • Ủy ban Mỹ – Trung đánh giá “Hoạt động gián điệp của Trung Quốc trong nước Mỹ rộng đến nỗi chúng trở thành nguy cơ lớn nhất đối với an ninh công nghệ Mỹ”. Mạng lưới gián điệp rộng lớn của Trung Quốc đã đánh cắp những bí mật bom B1-B, hỏa tiễn Delta IV, hệ thống dẫn đường cho tên lửa đạn đạo ICBM, máy bay ném bom tàng hình và tàu vũ trụ con thoi, hệ thống phóng máy bay của tàu sân bay, máy bay không người lái, thiết kế lò phản ứng tàu thủy, hệ thống động cơ đẩy tàu ngầm, cơ chế hoạt động bên trong của bom neutron và quy trình hoạt động chi tiết của tàu chiến hải quân Mỹ…

Trung Quốc cũng thành công trong việc tạo dựng các mối liên kết với những nhân vật quan trọng trong Chính phủ, Quốc hội, trong các tập đoàn kinh tế lớn, các viện nghiên cứu, các ngân hàng và quỹ đầu tư của Mỹ. Thông qua những quyền lợi Trung Quốc dành cho họ, những nhân vật này đã ủng hộ và dành cho Trung Quốc nhiều chính sách ưu đãi. Từ đó đã phân hóa nội bộ Mỹ giữa những người có đường lối cứng rắn với những người ủng hộ Trung Quốc, nhân tố Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào nội bộ nước Mỹ, phân hóa xã hội Mỹ sâu sắc. Từ trạng thái coi thường Trung Quốc sang trạng thái lo sợ phải đặt Trung Quốc là nguy cơ đe dọa an ninh của Hoa Kỳ.

Trong thực tế Trung Quốc ngày càng mạnh lên, Mỹ ngày càng suy yếu, ảnh hưởng quốc tế của Mỹ ngày càng giảm đi; ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lan rộng. Trung Quốc giành ưu thế so với Mỹ ở nhiều khu vực có địa chính trị quan trọng như châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi và đang tranh chấp vai trò lãnh đạo thế giới với Mỹ. Đặc biệt Mỹ đã nhận thấy Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước Mỹ về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng; Trung Quốc đang được nhiều nguồn lợi từ những chính sách của Mỹ. Chính vì thế, các chính trị gia theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc, trong vài năm gần đây đã đưa ra nhiều cảnh báo nguy cơ về Trung Quốc và kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ cần phải có các biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn Trung Quốc, phục hồi nước Mỹ. Trào lưu chống Trung Quốc ngày càng tăng lên, đã đưa ông Donald Trump – một tỷ phú – thắng cử trở thành Tổng thống nước Mỹ. Ngay từ khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, ông đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, xác định Trung Quốc là kẻ thù và là nguy cơ đe dọa an ninh nước Mỹ. Ông đã điều chỉnh nhiều chính sách và thi hành ngay các biện pháp làm suy yếu Trung Quốc, trong đó có điều chỉnh chính sách thuế quan thương mại, hạn chế hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, bãi bỏ các hiệp định bán các vi mạch cao cấp cho Huawei và ZTE, ưu đãi các công ty Mỹ đầu tư ở Trung Quốc chuyển về Mỹ…

Có thể nhận xét Donald Trump là bước ngoặt của nền chính trị Mỹ, kết thúc vai trò lãnh đạo thế giới sang nước Mỹ trên hết, kết thúc các Hiệp định các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã ký với Trung Quốc và được cho là gây nguy hại cho nước Mỹ.

Trong hơn 3 năm nắm quyền Tổng thống nước Mỹ, ông Trump đã gây cho Trung Quốc nhiều thiệt hại qua cuộc chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, với những gì Trung Quốc đã thiết lập được trong hệ thống chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật của Mỹ, thì có thể thấy cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc do ông Trump khởi xướng sẽ vấp phải nhiều trở ngại đến từ nội bộ nước Mỹ, và phụ thuộc vào việc ông Trump có tái cử Tổng thống Hoa Kỳ lần thứ hai hay không.■

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN