Ra mắt cuốn biên khảo 'Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thế kỷ 19'

Cuốn sách thuộc thể loại biên khảo – sử liệu “Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thế kỷ 19” của Etienne Francois Aymonier & Emile Roucoules được dịch giả Lại Như Bằng dịch và chú giải, vừa ra mắt bạn đọc.

Cuốn “Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thế kỷ 19” do Phanbook và NXB Thế giới thực hiện. Ảnh: Trần Lâm

Thời trước, người Việt dùng chữ Nho cho ngôn ngữ văn chương, học thuật và chữ Nôm để ghi chép tiếng nói thông tục, hàng ngày. Từ khi người Pháp vào, họ muốn loại bỏ chữ Nho, thay bằng tiếng Pháp.

Loại bỏ chữ Nho không khó, nhưng làm sao dạy tiếng Pháp cho hàng trí thức và đặc biệt là giới bình dân bản xứ đang chiếm tuyệt đại đa số, tiêm vào đầu óc họ lối suy nghĩ phương Tây lại là một câu hỏi lớn đối với giới cầm quyền lúc bấy giờ?

Đề nghị đầu tiên được đưa ra là chữ quốc ngữ, dễ học, lại dùng chữ cái La-tinh. Sau khi thông thạo chữ quốc ngữ, có thể chuyển sang học tiếng Pháp nhờ quen mặt chữ cái La-tinh. Nhưng giải pháp này gặp sự chống đối của một số người vì vấn đề không phải chỉ là kỹ thuật, ngôn ngữ mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chính trị lâu dài.

Đại diện nhóm chống đối phổ biến chữ quốc ngữ này là Etienne François Aymonier, Giám đốc trường Thuộc địa (Ecole coloniale) ở Paris, trước đây từng là công sứ Pháp tại Nam Kỳ, tham gia đàn áp phong trào Cần Vương tại Bình Thuận, biết tiếng Chăm, Khmer và Việt. Ngược lại, ủng hộ chữ quốc ngữ, là Emile Roucoules, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn.

Sách “Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thế kỷ 19” giới thiệu hai tập tài liệu của người Pháp, chia làm hai phần, phản ánh cuộc tranh luận, cùng những bước đầu của việc phát triển chữ quốc ngữ tại xứ ta.

Phần I: “Quốc ngữ” hay “Pháp – Á”?

A. Phần này gồm một tập tài liệu do Etienne François Aymonier kết tập “Tiếng Pháp và nền học chính tại Đông Dương” (La langue française et l’enseignement en Indo-chine) ghi lại những thông tri đọc trong hai Hội nghị Thuộc địa tổ chức tại Paris vào năm 1889 với những đề nghị nhằm biến người Việt thành người “Pháp-Á-Đông”.

B. Một bài của Emile Roucoules phản bác lập luận trên: “Tiếng Pháp, quốc ngữ và nền học chính tại Đông Dương, trả lời Ông Aymonier” (Le français, le quốc-ngữ et l’Enseignement public en Indo-chine – Réponse à M. Aymonier).

Phần II: Nam Kỳ, 30 năm giáo dục và đào tạo thời chiến tranh chinh phục

A. Phần này giới thiệu bài viết của Emile Roucoules: “Khảo luận về nền học chính tại Nam Kỳ”

(Etude sur l’instruction publique en Cochinchine) ghi lại chính sách giáo dục và thành quả của học chính tại Nam Kỳ từ lúc người Pháp đặt chân lên đất Nam Kỳ cho đến năm 1889.

B. Sau những bài tranh luận quyết liệt, phản ánh những tư tưởng đối kháng của chính những người Pháp về văn hóa, giáo dục ở xứ thuộc địa, còn có những số liệu, những bản thống kê, khô khan nhưng chính xác của chính quyền Nam Kỳ, cho thấy rõ hơn bối cảnh về một nền học chính. Và nền học chính đó, bỏ qua những “ý đồ thực dân”, đã góp phần hình thành nên một lớp trí thức người Việt Tây học tiến bộ, phụng sự cho đất nước.

(nguồn: báo Người Đô Thị)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN