Các xung lực ngoại giao và chiến lược đang thay đổi chóng mặt ngày nay trên bán đảo Triều Tiên báo trước các thỏa thuận an ninh tiềm năng, có lẽ sẽ khác nhiều so với bất kỳ sự mong đợi hay tưởng tượng nào cách đây vài năm. Các diễn biến này, cộng với các năng lực quân sự và sức nặng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc, đặt ra vấn đề cần đánh giá lại các vai trò và trách nhiệm an ninh của Mỹ tại Đông Bắc Á.
Các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn
Những ngày gần đây, tại Hàn Quốc và có thể cả ở Lầu Năm Góc đều đang mập mờ lẫn lộn về tương lai của các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn, cũng như việc hạn chế các cuộc diễn tập này nên ở mức như thế nào để vẫn duy trì khả năng răn đe và tính sẵn sàng trong phòng thủ của Hàn Quốc. Các cuộc tập trận này đang tiếp tục khuấy rối bức tranh ngoại giao ở Đông Bắc Á, không chỉ giữa Mỹ với Triều Tiên, mà cả với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Thực vậy, sự không chắc chắn trong chính sách của Mỹ liên quan đến tập trận, và tương lai hoạt động tập huấn và sẵn sàng chiến đấu của Mỹ – Hàn đã được nói đến nhiều trong vài tuần gần đây, sau các bình luận dường như mâu thuẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis về khả năng nối lại các cuộc tập trận chung quy mô lớn.
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6, Tổng thống Trump đã khiến các đồng minh và cả các nước không phải đồng minh rất đỗi ngạc nhiên khi tuyên bố Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc trong quá trình nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên. Ông Trump nói rằng “thật không thích hợp” nếu tập trận trong khi đối thoại với Triều Tiên diễn ra. Hơn nữa, ông còn cho rằng các cuộc tập trận – mà ông mô tả là “giả định chiến tranh” này – thật tốn kém, và việc ngừng nó “sẽ giúp tiết kiệm cho chúng ta một khoản tiền lớn”.
Trong bối cảnh Triều Tiên ghét cay ghét đắng các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn, mà họ mô tả là nhằm chứng tỏ khả năng Mỹ và Hàn Quốc lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên và chế độ Bình Nhưỡng, thì bình luận gây ngạc nhiên của ông Trump được coi là biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) có ý nghĩa chiến lược nhất sau hội nghị. Tuyên bố của ông thực chất đáp lại việc Triều Tiên trước đó đã ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa – cũng là một CBM có đi có lại. Hơn nữa, ngay sau tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh Singapore, giới chức Hàn Quốc cũng nói rằng việc ngừng tập trận (mà Tổng thống Moon Jae-in ủng hộ) là cần thiết để giảm căng thẳng với Triều Tiên và dụ họ ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân.
Ngày 29/8, Tổng thống Trump đã tái khẳng định trên Twitter rằng ông thấy “không có lý do gì để chi một lượng tiền lớn vào lúc này cho các cuộc diễn tập chiến tranh chung Mỹ – Hàn”. Nhận định này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Mattis để ngỏ khả năng nối lại tập trận. Tuy nhiên, ông Trump cũng nói thêm rằng ông sẽ nối lại tập trận “ngay lập tức” nếu ông thấy cần, và trong trường hợp đó, đây sẽ là cuộc tập trận “lớn hơn nhiều so với trước”.
Hai ngày sau, Tổng thống Trump lại đổ thêm sự mập mờ vào chiến lược Triều Tiên của chính quyền Mỹ khi hủy kế hoạch thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo, vì không thấy “đủ tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Quyết định của Tổng thống, được đưa ra vài ngày trước khi ông Pompeo định đến Bình Nhưỡng để tiến hành vòng đàm phán hạt nhân tiếp theo. Đây là dấu hiệu công khai đầu tiên cho thấy sự thất vọng của ông về các cuộc đàm phán bế tắc.
Theo thông tin gần đây từ Seoul, các bình luận sớm nắng chiều mưa này đã khiến nhiều người Hàn Quốc bối rối. Một số người sợ rằng ông Trump có thể đạt một thỏa thuận với Triều Tiên, và lấy an ninh của Hàn Quốc ra mặc cả, ví dụ chấp nhận rút lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc. Hơn nữa, nhiều nhà hoạch định chính sách bảo thủ cũng như người dân bình thường ở Hàn Quốc lo ngại rằng liên minh Mỹ – Hàn sẽ mất đi sức mạnh trong khả năng răn đe đối với lực lượng quân đội hàng triệu binh sĩ và sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cuối cùng, nhiều nhà bình luận quốc phòng Hàn Quốc cho rằng khả năng sẵn sàng tác chiến chung Mỹ – Hàn sẽ bị ảnh hưởng khi các sĩ quan và binh sĩ Mỹ luân phiên chuyển đến Hàn Quốc mà không được tập huấn trong các cuộc tập trận quy mô lớn.
Bất chấp những lo ngại trên, lãnh đạo quân sự ở Hàn Quốc và Mỹ đều khẳng định rằng việc ngừng tập trận chung sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Điều này có thể đúng không?
Thứ nhất, các trụ sở của Bộ chỉ huy các lực lượng hỗn hợp (CFC), Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) và Liên quân Hàn Quốc (JS) là những tổng hành dinh đang hoạt động hàng ngày nhằm đáp ứng đòi hỏi quân sự để duy trì Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên. Họ hàng ngày đều thực hiện hầu hết các mục tiêu huấn luyện liên minh quan trọng – ví dụ như cuộc diễn tập chỉ huy và kiểm soát (C2), liên quan đến việc ra quyết định, truyền thông tin và giám sát các đơn vị phụ thuộc, đặc biệt là giữa các bộ chỉ huy đa quốc gia và hỗn hợp, vẫn thường diễn ra bên trong ba trụ sở này. Bên cạnh đó, các trụ sở này vẫn hàng ngày đưa ra các kế hoạch dài hạn, cấp ngân sách và triển khai binh sĩ. Vì vậy, dù các cuộc tập trận lớn, như Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG) vừa bị hoãn lại gần đây, đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu và thể hiện tính răn đe, nhưng việc chỉ huy hàng ngày và các chức năng của các trụ sở đầu não trên cũng đóng vai trò lớn trong việc tạo ra các mục tiêu huấn luyện quân sự và duy trì khả năng sẵn sàng “Đánh ngay đêm nay” của liên minh Mỹ – Hàn.
Thứ hai, từ quan điểm răn đe, liên minh Mỹ – Hàn đã triển khai các hệ thống năng lực chiến lược của mình một cách thường xuyên trong một thập kỷ qua. Việc triển khai này, vốn không chỉ gắn với các cuộc tập trận lớn như UFG, chủ yếu bao gồm các khí tài hải quân và không quân có khả năng hạt nhân, như các máy bay ném bom B-1B/B-2/B-52, máy bay chiến đấu F-22 và các tàu ngầm có gắn tên lửa đạn đạo. Nói tóm lại là sự vận hành thường nhật của các bộ chỉ huy hỗn hợp cho phép liên minh Mỹ – Hàn tiếp tục huấn luyện vững mạnh mà không công khai. Nhưng tương lai thì sao?
Hướng tới quan hệ tam giác Mỹ – Hàn – Triều mới
Bán đảo Triều Tiên đã trải qua cảnh thời gian ngừng trôi trong gần 6 thập kỷ qua. Nhiều nhà quan sát nước ngoài, đặc biệt sau khi đến thăm vùng phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên và Khu vực An ninh chung (JSA) tại Panmunjom, đều nhận thấy rằng “Chiến tranh Lạnh” chưa bao giờ kết thúc tại bờ góc xa xôi này của châu Á. Nhận định này là hoàn toàn có thể hiểu được và đúng.
Căng thẳng giữa các lực lượng của liên minh Mỹ – Hàn với các lực lượng của Triều Tiên tại DMZ ở hai bờ biên giới cứ như đang sẵn sàng cho một giải pháp quân sự trực tiếp. Trên thực tế, ngày 21/8/1976, Chiến dịch Paul Bunyan – cuộc phô trương lực lượng lớn nhất trên bán đảo Triều Tiên nhằm đáp lại việc hai sĩ quan quân sự Mỹ thiệt mạng trong một cuộc đụng độ khi chặt hàng cây bạch dương ở biên giới – đã nhấn mạnh suy cảm về “Chiến tranh Lạnh” ngấm trong từng mạch đập của các chỉ huy quân sự hai bên. Xét ở nhiều mặt, chính cảm nhận đó đang tiếp tục chế ngự các suy nghĩ của giới quân sự ngày nay, đặc biệt ở các tổ chức quân sự bảo thủ của Hàn Quốc và Mỹ.
Trong ba thập kỷ qua, các cuộc tranh luận về mối đe dọa hạt nhân/phi hạt nhân của Triều Tiên, khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội liên minh, chiến lược và các kế hoạch đáp trả Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), và chỉ huy tác chiến và kiểm soát mọi lực lượng bảo vệ Hàn Quốc… là chủ đề chính trong hầu hết các cuộc thảo luận an ninh Mỹ – Hàn. Trên thực tế, ngày nay các cuộc thảo luận này vẫn tiếp diễn dù phần nào giảm bớt dưới thời chính phủ tự do hơn ở Seoul.
Nhưng các xung lực ngoại giao và chiến lược đang thay đổi chóng mặt ngày nay trên bán đảo Triều Tiên báo trước các thỏa thuận an ninh tiềm năng, có lẽ sẽ khác nhiều so với bất kỳ sự mong đợi hay tưởng tượng nào cách đây vài năm. Số lượng và tốc độ của các cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc đã làm lung lay bản chất lâu nay của các thỏa thuận này, đặc biệt là tương lai của liên minh an ninh Mỹ – Hàn và số lượng binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc, cũng như quan hệ giữa phi hạt nhân hóa Triều Tiên với việc tạo ra một cơ chế an ninh và hòa bình toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Các diễn biến này, cộng với các năng lực quân sự và sức nặng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc, đặt ra vấn đề cần đánh giá lại các vai trò và trách nhiệm an ninh của Mỹ tại Đông Bắc Á.
Hầu hết các chiến lược gia xem vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các liên minh an ninh và các quan hệ đối tác về an ninh trong khu vực là rất quan trọng nhằm đối trọng với sự hiện diện quân sự ngày càng mạnh và các năng lực phô trương sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc bên trong cái mà họ gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”. Theo quan điểm này, Mỹ không nên giới hạn mình ở vai trò phòng thủ trước Triều Tiên, mà thay vào đó nên tìm cách cân bằng sức mạnh đang lên của Trung Quốc từ chính bán đảo Triều Tiên. Người ta cho rằng cách tốt nhất để đạt được sự cân bằng này không phải là vĩnh viễn duy trì đường ranh giới phân chia giữa một bên là Triều Tiên và Trung Quốc với bên kia là Hàn Quốc và Mỹ. Thay vào đó, Mỹ nên thân thiện và tích cực nỗ lực để kết hợp sức mạnh của cả Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm cân bằng với Trung Quốc, thay vì để một bên ngả về Trung Quốc.
Nếu cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều đề cao sự tự chủ chính trị của mình và sự độc lập về chính sách ngoại giao, thì họ cũng sẽ muốn cân nhắc nghiêm túc một đề nghị của Mỹ về một quan hệ tay ba mới và cách tiếp cận mang tính hợp tác về an ninh. Hơn ai khác, người Triều Tiên hiểu rằng trong hơn 2.000 năm qua, các triều đại Trung Quốc đã đối xử với Triều Tiên như một nước chư hầu cần sự ‘bảo vệ” của họ, và người Triều Tiên muốn cống nạp cho Trung Quốc để đáp lại. Từ góc nhìn của Trung Quốc, thể hiện sự chế ngự của mình trên bán đảo Triều Tiên không phải là một sự vi phạm chủ quyền của nhân dân Triều Tiên mà là quan hệ “bình thường” giữa Trung Quốc và Triều Tiên xuất phát từ lịch sử và văn hóa. Nhưng xét theo một góc độ an ninh, Trung Quốc từ lâu lo ngại rằng người Nhật hoặc các cường quốc bên ngoài đang tìm cách ngăn chặn hoặc xâm lược Trung Quốc sẽ có thể sử dụng bán đảo Triều Tiên như một “bàn đạp”.
Mỹ sẽ có lợi khi kiềm chế chiến lược của Trung Quốc tại Đông Bắc Á. Washington nên gắn chiến lược cân bằng của mình với các lợi ích dài hạn của Triều Tiên để củng cố phòng thủ hỗn hợp và bảo vệ quyền tự chủ và tự quyết của họ như một dân tộc. Bằng cách này, Mỹ có thể tích cực và chủ động định hình tương lai khu vực Đông Bắc Á. Quan trọng hơn đối với người dân Triều Tiên, Mỹ sẽ cam kết đầy đủ với hai miền Triều Tiên và cuối cùng sẽ tăng sức mạnh cho họ. Một liên kết địa chiến lược như vậy cũng sẽ giúp giảm đáng kể mối lo ngại của những tính toán nhầm, khủng hoảng và chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, để đạt đến mục tiêu này, Mỹ sẽ cần ngăn chặn sự bá chủ của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, một thành phần quan trọng trong toàn thể chiến lược của Mỹ tại Đông Bắc Á không chỉ là việc tìm ra một con đường để có hòa bình với người Triều Tiên, mà còn phải tạo ra kiểu quan hệ mang tính xây dựng với Bình Nhưỡng để giúp người Triều Tiên bảo vệ lợi ích quốc gia của mình./.
Theo Diệu An/VietNamNet