Với thắng lợi tại Hạ viện, liệu đảng Dân chủ có cứu vãn di sản của Chính quyền Obama và thúc đẩy các ưu tiên truyền thống hay không?
Trật tự tự do bị thách thức
Trong ba cuốn sách gần đây, ba học giả Mỹ Robert Kagan, John Mearsheimer và Stephen Walt dường như có ý cho rằng “trật tự tự do” kiểu Mỹ dường như đang cáo chung. Kagan lập luận thực ra “trật tự tự do” không xuất hiện một cách tự nhiên, thậm chí còn đi ngược lại lịch sử và bản chất của con người. Nó chẳng “trật tự” mà cũng không “tự do”. Theo học giả này, nó chỉ là “nền hòa bình kiểu bá quyền” hay “nền hòa bình kiểu đế quốc”.
Ở một khía cạnh khác, Mearsheimer và Walt phủ nhận việc Mỹ có một đại chiến lược sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời cho rằng chủ nghĩa tự do quốc tế kiểu Mỹ đã thất bại. Hàm ý của cả các học giả này là chủ nghĩa tự do không hay ho gì cho nước Mỹ. Bên trong, nó làm tư tưởng người Mỹ bị phân biệt thành bên tốt bên xấu. Bên ngoài, do sự câu thúc của các giá trị “tự do”, Mỹ có xu hướng áp đặt giá trị và can dự hoặc khơi mào các cuộc chiến liên miên.
Nước Mỹ cần thay đổi. Cuộc bầu cử 2016 là một lời cảnh tỉnh. Đồng thời, theo quan điểm của những nhà nghiên cứu này, Tổng thổng Donald Trump là kết quả chứ không phải nguyên nhân của “chủ nghĩa tự do không tưởng” ấy. Henry Kissinger cũng viết “Trump có thể là một trong những nhân vật xuất hiện để kết thúc một kỷ nguyên…”.
Sự trở lại của đảng Dân chủ
Nếu tính phổ thông đầu phiếu, đảng Dân chủ đã có chiến thắng với khoảng cách lớn nhất kể từ năm 1994 so với đảng Cộng hòa. Nhưng chiến thắng đó không dễ dàng. Cách đây chưa lâu, có cảm tưởng là đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm cả Quốc hội lẫn Chính quyền trong một thời gian dài nữa.
Trong 2 năm qua, chính quyền Trump đã có những thay đổi đáng kể. Nhiều trong số đó là kết quả của sự đảo chiều tư duy hoặc chính sách của chính quyền Obama. Chẳng hạn, Mỹ rút ra khỏi Hiệp định TPP, Hiệp định Hạt nhân Iran, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Mỹ không còn hào hứng thúc đẩy quan hệ với Cuba. Trên một số vấn đề khác, chính quyền Trump lại tỏ ra cứng rắn và quyết liệt hơn so với trước. Tháng 4, Mỹ tấn công quân sự Syria. Quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Trong 2 năm Mỹ tiến hành tuần tra tự do hàng hải (FONOs) tại Biển Đông nhiều hơn 8 năm của chính quyền Obama.
Với thắng lợi tại Hạ viện, liệu đảng Dân chủ có cứu vãn di sản của Chính quyền Obama và thúc đẩy các ưu tiên truyền thống hay không? Trước hết cũng cần làm rõ chính sách đối ngoại của chính quyền Obama có phải mang màu sắc “chủ nghĩa tự do” hay không? Với câu hỏi này, câu trả lời là có và không. Có, là vì trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Obama vẫn tuyên bố nước Mỹ đóng vai trò lãnh đạo thế giới, can dự vào nhiều vấn đề tại nhiều khu vực. Không, là vì nguồn lực thực sự cho các nỗ lực của Mỹ đã bị cắt giảm. Chiến lược “Tái cân bằng” bị chỉ trích là nói nhiều hơn làm. Đối với Lybia, Mỹ đề xuất “lãnh đạo từ phía sau”. Chương trình cắt giảm ngân sách tự động (sequestration) khiến quân đội Mỹ không thể triển khai nhiều kế hoạch lớn, dài hạn.
Vì vậy trước khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, nước Mỹ đã đi theo mạch cân nhắc lại cách thức can dự với thế giới. Đảng Dân chủ sẽ không đảo ngược lại xu thế này vì những nguyên nhân sau.
Thứ nhất, với chiến thắng tại Hạ viện, đảng Dân chủ vẫn chưa đủ lực để điều khiển chính sách đối ngoại Mỹ. Một bộ luật muốn thông qua phải có ý kiến của cả hai viện. Muốn thúc đẩy các ưu tiên, đảng Dân chủ phải thỏa hiệp, đổi chác với đảng Cộng hòa vốn vẫn nắm Thượng viện và chính quyền. Khi đấu tranh lên cao, ví dụ cần phải diễn giải lại Hiến pháp, tình thế cũng sẽ có lợi cho đảng Cộng hòa vì Tòa án Tối cao gồm đa phần các thẩm phán có quan điểm bảo thủ.
Thứ hai, trên thực tế, trong nhiều vấn đề đối ngoại, cách tiếp cận của cả hai đảng là tương đối giống nhau. Mẫu số chung dĩ nhiên là lợi ích quốc gia Mỹ. Sự khác biệt chủ yếu xoay quanh một số vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, nhân quyền. Thái độ cứng rắn của chính quyền Trump trong vấn đề thương mại với Trung Quốc cũng như cách tiếp cận với Trung Quốc nói chung được sự đồng tình của cả hai đảng. Tuy không muốn tiếp cận quá mạnh trong vấn đề Israel nhưng đảng Dân chủ cũng không quá phản đối việc Chính quyền Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem vì hai đảng đều ủng hộ chính sách của Mỹ trong vấn đề này nhiều năm qua. Chính sách với châu Á-Thái Bình Dương cũng có sự đồng thuận lưỡng đảng trong cả chính quyền Obama và chính quyền Trump.
Thay đổi không mang tính bước ngoặt
Richard Haas, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ, nguyên Vụ trưởng Chính sách Đối ngoại khẳng định bầu cử không có tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cùng với những phân tích ở trên, một dự báo hợp lý là sẽ không có những điều chỉnh mang tính bước ngoặt về nội dung chính sách đối ngoại Mỹ thời gian tới. Tuy nhiên việc có những thay đổi là tất yếu vì với vị thế được cải thiện, đảng Dân chủ sẽ thực hiện chức năng “kiểm soát và cân bằng”.
Điểm tranh cãi nhiều hơn là đấu tranh chính trị nội bộ nhiều hơn sẽ khiến Chính quyền Trump tăng hay giảm đi khả năng can dự ra bên ngoài. Ian Bremmer, Chủ tịch Tổ chức Á-Âu đại diện cho luồng ý kiến khó khăn nội bộ sẽ khiến Chính quyền Trump sẽ cứng rắn hơn trên một số vấn đề để giải tỏa. Một số thiên về ý giảm mức độ can dự nhưng theo hướng giảm “diện”, tăng “điểm”, tức là lựa chọn ít vấn đề hơn những khi tiến hành sẽ quyết đoán hơn.
Dự báo này chỉ giới hạn đến 2020. Sau bầu cử Tổng thống năm đó, những biến số mới có thể xuất hiện và bài toán lại cho một kết quả khác. Nước Mỹ sẽ không từ bỏ tham vọng, sẽ tiếp tục can dự vào công việc của thế giới. Tuy nhiên, như Kagan, Mearsheimer và Walt đã lập luận, sẽ không khả thi nếu Mỹ duy trì cách chơi như cũ. Với lợi thế chính trị, Tổng thống Trump và chính quyền Cộng hòa sẽ tiếp tục khuynh loát chính sách đối ngoại Mỹ thêm một vài năm theo hướng như thời gian vừa qua. Theo đó, dù là “trật tự tự do” hay một biến thể khác, nước Mỹ dưới thời Trump vẫn khó lường và là nhân tố buộc phải tính đến cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Thạch Hà/VietNamNet