Sông Mekong trong các tính toán địa chính trị của Trung Quốc

Quyền kiểm soát lớn hơn đối với sông Mekong, tới tận miền Nam Việt Nam giúp Trung Quốc có tiếng nói quyết định trong việc sử dụng nguồn lực chủ chốt của sông và có ưu thế để ép các nước phải đi theo những tính toán chính trị của mình.

Sông Mekong là nguồn sống của hàng trăm nghìn người sống hai bên bờ trải dài từ Trung Quốc xuyên qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trận lụt tồi tệ hồi tháng trước do vỡ đập thủy điện đang được xây dựng ở Lào khiến khoảng 30 người thiệt mạng. Sự cố cũng gây thiệt hại rộng khắp đối với nền kinh tế bản địa, khiến 6.000 người mất nhà cửa và đặt ra câu hỏi về việc quản lý, khai thác hiệu quả sông Mekong.

Tuy nhiên, con sông vốn rất nổi tiếng qua phim ảnh và thu hút vô số khách du lịch mỗi năm có tác động vượt ra ngoài yếu tố thương mại và giao thương. Các khoản tiền đã được đổ vào đây, khi mà các nước – thường là qua các công ty nhà nước hoặc được nhà nước “chống lưng” – đua nhau xây dựng các nhà máy thủy điện. Những nước nhỏ hơn, nghèo hơn như Campuchia và Lào luôn chào đón những khoản đầu tư này, ngay cả khi nó bị gắn kèm những ràng buộc chiến lược.

Là cường quốc lớn nhất khu vực và cũng là nước mà dòng Mekong khởi nguồn từ bình nguyên Tây Tạng, Trung Quốc đang không ngừng sử dụng ảnh hưởng kinh tế để đạt được các mục tiêu lớn hơn. Quyền kiểm soát lớn hơn đối với sông Mekong, còn được biết đến với cái tên Lan Thương trong tiếng Trung Quốc, tới tận miền Nam Việt Nam giúp Bắc Kinh có tiếng nói quyết định trong việc sử dụng nguồn lực chủ chốt của sông và có ưu thế để ép các nước phải đi theo những tính toán chính trị của mình.

Elliot Brennan, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện An ninh và Phát triển Chính sách có trụ sở tại Bangkok, bình luận: “Trung Quốc vẫn chưa sử dụng toàn bộ ảnh hưởng tuyệt đối, nhưng nếu thực thi, Bắc Kinh có đủ sức mạnh tạo ra nạn đói và bất ổn dân sự. Ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trên hệ thống sông này, thông qua các đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án liên doanh xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mekong là một nửa trong cái gọi là chiến lược lát cắt salami ở Đông Nam Á”, với hàm ý nửa còn lại là chiến lược xây dựng một chuỗi đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng và tiềm lực quân sự tại đó.

Với việc đã xây dựng 6 đập lớn ở thượng nguồn và dự kiến xây mới 21 đập khác, năng lực của Trung Quốc trong việc trữ và xả nước trong suốt mùa khô và trong thời gian hạn hán chắc chắn sẽ tăng lên. Giới quan sát đôi khi mô tả Mekong sẽ là điểm nóng địa chính trị kế tiếp tại khu vực. Chưa đến mức căng thẳng như tranh chấp ở Biển Đông – vùng biển mà Trung Quốc đã cải tạo hàng nghìn mẫu vuông, thiết lập các đồn bốt quân sự ở những đảo, đá – nhưng sông Mekong rồi cũng sẽ đến lúc nóng hơn cả Biển Đông. Đó là bởi giá trị của sông Mekong như một tuyến đường sông thông ra biển, chạy qua vựa lúa của Đông Nam Á, nơi mà gạo và các cây trồng chủ chốt khác được trồng cấy, là nguồn lợi về cá tôm và cũng là điểm đến của du lịch.

Tại sông Mekong cũng như Biển Đông, Trung Quốc đang triển khai chiến lược “củ cà rốt” (đầu tư) lẫn cây gậy (sức ép quân sự và ngoại giao). Trong lúc các công ty trong nước đứng ra thu xếp vốn để mở rộng mạng lưới đập thủy điện xây dựng dọc sông, Trung Quốc tìm cách tối đa hóa tiếng nói quyết định của mình về việc trị thủy dòng chảy của Mekong trên toàn bộ chiều dài 4.350km.

Được thành lập năm 1995, Ủy hội sông Mekong từng đóng vai trò là cơ chế quản lý sông Mekong giữa Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi vào năm 2016, với việc Trung Quốc chính thức cho ra đời Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMCM). Thay vì hợp tác với Ủy hội sông Mekong, tổ chức mà Trung Quốc không là thành viên, Bắc Kinh tập trung xây dựng LMCM thành thiết chế giúp thúc đẩy phát triển miền Tây Trung Quốc và bổ sung, hỗ trợ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) với mục tiêu mở rộng các tuyến đường bộ, đường biển vươn tới châu Âu.

Với quy chế thành viên bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á lục địa, LMCM có quy mô lớn hơn so với Ủy hội sông Mekong. LMCM xử lý các vấn đề chính trị và an ninh, như sức khỏe, giáo dục, hạ tầng cũng như phát triển bền vững sông Mekong và hợp tác kinh tế xuyên biên giới. LMCM cũng giúp điều phối hoạt đồng tuần tra hỗn hợp với các tàu quân sự của Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ lại tập trung vào sáng kiến Hạ lưu sông Mekong – quan hệ đối tác được hình thành từ năm 2009 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện tại 5 nước hạ nguồn. Tại cuộc gặp ở Singapore ngày 4/8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á là những đối tác chiến lược then chốt của Mỹ và tuyên bố “việc tạo lập tăng trưởng công bằng, bền vững, toàn diện cho tiểu vùng này không chỉ mang lại lợi ích cho các nước ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN, mà còn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Đó là các tuyên bố rất đáng chú ý. ASEAN, dưới góc độ là một tổ chức, về cơ bản đang né tránh chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh nhất quyết đòi giải quyết tranh chấp với các nước Đông Nam Á trên nền tảng song phương, chứ không phải thông qua ASEAN. Đặc biệt, việc Trung Quốc hỗ trợ kinh tế cho Lào và Campuchia đã góp phần làm chia rẽ các nước trong ASEAN – vốn đưa ra mọi quyết định thông qua nguyên tắc đồng thuận.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị coi LMCM là “một cấu thành quan trọng” của hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Thế nhưng, “một đặc điểm nổi bật của sông Mekong chính là việc dòng chảy địa lý phản ánh thứ bậc địa chính trị ở khu vực: Một Trung Quốc quyền lực ở thượng lưu, trong khi những nước nhỏ hơn, kém phát triển hơn nằm ở hạ lưu. Có thể thấy rõ điều này qua việc các nước hạ nguồn miễn cưỡng hoặc không dám chỉ trích bất kỳ hành động khai thác nào của Trung Quốc ở thượng nguồn”, Sebastian Strangio – một nhà báo, nhà phân tích chuyên về tình hình Đông Nam Á hiện sống ở Thái Lan bình luận.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / BLOOMBERG

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN