Stratfor: Dự báo tình hình thế giới 2018

Năm 2017 đã trôi qua với nhiều biến động. Năm 2018 sẽ diễn biến như thế nào? Tiếp nối xu hướng đang diễn ra trong năm 2017 hay sẽ có những bước ngoặt mới định hình xu hướng mới trong đời sống chính trị quốc tế? Dự báo Tình hình Thế giới 2018 của công ty Phân tích Tình báo toàn cầu Stratfor sẽ cho chúng ta bức tranh tổng thể về vấn đề này.

Những xu hướng toàn cầu

Địa chính trị và những rủi ro

Các quốc gia trên khắp toàn cầu sẽ khởi đầu năm mới với đôi chút tin tốt. Một thập kỷ sau khủng hoảng tài chính đã làm rung chuyển thế giới đến tận cốt lõi, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã bắt đầu tăng trở lại. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế ước tính rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng hơn 3,5% trong năm 2018 – tốc độ nhanh nhất trong 8 năm qua.

Nhưng nhiều vấn đề sâu sắc mang tính cấu trúc mà cuộc khủng hoảng tài chính gây ra đã kéo dài, báo hiệu ở phía trước một sự phục hồi mong manh hơn so với những sự hồi phục theo chu kỳ trong quá khứ. Hơn nữa, nhiều nguy cơ địa chính trị – có thể kể đến một vài nguy cơ như vậy, cuộc xung đột đang dần xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên, những nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu, những chiến tuyến khắc nghiệt ở Trung Đông, và sự lo lắng về nợ của Trung Quốc và Italy, – có thể làm gián đoạn sự phục hồi của nền kinh tế. Như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết gần đây, “địa chính trị đã trở lại, và trở lại dữ dội hơn sau “kỳ nghỉ” trong lịch sử chúng ta đã có giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh”.

Bản thân các mối đe dọa này sẽ ảnh hưởng đến cách các chính phủ và các tập đoàn thích nghi với một môi trường quốc tế căng thẳng hơn trong năm 2018. Tuy nhiên, hậu quả tồi tệ nhất của mỗi rủi ro không nhất thiết là có khả năng xảy ra nhất. Và bởi vì Mỹ là bên tham gia duy nhất có khả năng nghiêng về một số kịch bản theo một trong hai hướng, nên mọi dự báo về năm tới phải bắt đầu với Washington.

Cho đến nay, thế giới đã có một năm để quan sát nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Mặc dù có một số khía cạnh trong nhiệm kỳ của ông là độc nhất, và do đó các tác động của chúng mang tính khủng hoảng hơn, nhưng nhiều hành động của Trump bắt nguồn từ các động lực sâu sắc hơn mà sẽ kéo dài vượt ra ngoài nhiệm kỳ của ông. Về những khía cạnh độc nhất này, một vài kiểm tra mang tính thể chế đối với nhánh hành pháp đã trở thành tin tức hàng đầu trong suốt năm 2017. Quốc hội đã làm việc để ngăn cản tổng thống dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. (Các nhà lập pháp có thể cũng tìm cách ngăn cản Trump đơn phương rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào năm 2018). Bộ máy an ninh quốc gia nhắm đến việc duy trì các cam kết của Mỹ với NATO trong khi xác định rõ ràng những rủi ro gắn liền với việc xúi giục chiến tranh với Triều Tiên hoặc từ bỏ một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Các số liệu ở cấp bang, doanh nghiệp và địa phương đã công khai thách thức những nỗ lực của Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và giảm sự hỗ trợ của nhà nước dành cho các nguồn năng lượng thay thế và tái tạo.

Nhưng Trump cũng không tự cho rằng mình chịu ràng buộc với Đảng Cộng hòa hay các cố vấn an ninh quốc gia của ông, và ông tỏ ra ít do dự hơn so với phần lớn các Tổng thống Mỹ trước việc sa thải những người chống đối hoặc chỉ định những người trung thành tuân theo chương trình nghị sự của ông. Do đó, Trump có một biên độ hoạt động rộng hơn so với nhiều người tiền nhiệm, điều không chỉ gây ra nguy cơ các rạn nứt gia tăng trong đảng Cộng hòa trong một năm bầu cử mà còn cảnh báo các đồng minh và đối thủ của Mỹ khi họ cố gắng phân biệt giữa lời nói và thực tế đến từ Nhà Trắng.

Đối phó với một Triều Tiên hạt nhân

Quyết định có sức ảnh hưởng lớn nhất của Trump trong năm 2018 sẽ là làm thế nào để đối phó với kho vũ khí hạt nhân đang phát triển nhanh của Triều Tiên. Cơ hội cho một cuộc tấn công phòng ngừa của Mỹ nhắm mục tiêu gây tổn hại nặng nề tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đang nhanh chóng khép lại. Mặc dù không thể loại bỏ một cuộc tấn công phòng ngừa, nhưng cái giá phải trả quá cao của nó – một cuộc chiến tranh hỗn độn khiến thế giới quay trở lại cuộc suy thoái kinh tế – sẽ làm cho Mỹ nhiều khả năng sẽ chấp nhận thực tế khó chịu của việc Triều Tiên sở hữu một khả năng răn đe hạt nhân thực sự. Sự chấp nhận này sẽ đánh dấu cho sự cho khởi đầu của một thời đại răn đe hạt nhân mới và bất ổn khi Mỹ và các đồng minh châu Á thông qua một chính sách ngăn chặn đối với “vương quốc ẩn dật” này. Sự suy giảm dần của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí diễn ra trong thế kỷ 20 sẽ chỉ làm phức tạp thêm các vấn đề khi Nga và Trung Quốc tìm cách tạo thế cân bằng trước mạng lưới phòng thủ tên lửa đang mở rộng của Mỹ.

Trên thực tế, mới đây Nga và Trung Quốc đã tìm ra nhiều lý do để hợp tác hơn là cạnh tranh với nhau. Cả hai nước đang làm việc để tự bảo vệ mình trước áp lực của Mỹ và giảm ảnh hưởng của Washington ở các chiến trường chiến lược trên toàn cầu. Để đạt được mục đích đó, họ đã bàn luận về việc phân chia công việc: ở nơi cả hai nước có chung các lợi ích, Nga giải quyết các vấn đề an ninh vì nước này thấy phù hợp trong khi Trung Quốc dẫn đầu về các vấn đề kinh tế. Moskva và Bắc Kinh cũng đã đưa hợp tác hai nước đi vào chiều sâu trong lĩnh vực tài chính, thương mại, năng lượng, an ninh mạng và quốc phòng.

Mặc dù mối quan hệ đối tác đang nổi lên này đặt ra một mối đe doạ chiến lược đối với Mỹ, nhưng nó cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Washington tận dụng khi tìm cách thúc đẩy các đồng minh của mình ở Nga và khu vực láng giềng của Trung Quốc. (Đặc biệt là Đài Loan có thể trở thành nguyên nhân gây bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh trong năm 2018). Tuy nhiên, môi trường quốc tế ngày nay không giống với thời Chiến tranh Lạnh, khi các đường đậm nét hơn xác định các liên minh và các nước lớn tham gia các cuộc cạnh tranh được mất ngang nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sự mất lòng tin vào nhau và những đảm bảo an ninh không đáng tin cậy sẽ khuyến khích các nước bề ngoài là đồng minh đề phòng lẫn nhau để bảo vệ chính họ. Các mối quan hệ hay thay đổi như vậy sẽ tiến tới xác định trật tự toàn cầu trong năm 2018 và sau đó.

Chương trình nghị sự thương mại kiên quyết của Mỹ

Mối đe dọa Triều Tiên sẽ không làm cho Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản phải chịu sự tức giận của Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Chính quyền Trump là chính quyền duy nhất sẵn sàng tách biệt cuộc khủng hoảng Triều Tiên với chương trình nghị sự thương mại của nước này. Để phù hợp với quyết định của Nhà Trắng nhắm mục tiêu vào các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn nằm trong trọng tâm Washington trong năm 2018. (Như Chính quyền Trump đã nhanh chóng phát hiện ra, Đức không dễ dàng cô lập với phần còn lại của Liên minh Châu Âu, nơi sẽ phần nào bảo vệ nước này khỏi các biện pháp trừng phạt thương mại của Nhà Trắng).

Nếu các cuộc đàm phán tiến tới bế tắc, Mỹ nhiều khả năng sẽ từ bỏ thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc hơn là các thỏa thuận khác đang được bàn thảo. Mối quan hệ ràng buộc nền kinh tế Mỹ với nền kinh tế Hàn Quốc yếu hơn so với mối quan hệ kết nối nước này với các nước như Mexico. Và mặc dù Trump có thể lựa chọn rút khỏi NAFTA vào năm 2018, nhưng các nhà đề xướng của khối này – bao gồm cả các nhà lập pháp Mỹ, những người sẽ cân nhắc các rủi ro của việc rút lui khi họ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ – sẽ tìm cách ngăn chặn một cách hợp pháp các hành động của tổng thống nhằm ngăn hiệp định thương mại này bị phá vỡ. Nhìn chung, vai trò của Quốc hội Mỹ trong việc điều tiết các tranh chấp thương mại và pháp lý nước ngoài sẽ tiếp tục hạn chế hành động hành pháp trong thương mại vào năm tới.

Sự tách biệt giữa an ninh và thương mại quốc gia có lẽ là độc nhất đối với Chính quyền Trump, nhưng chủ nghĩa bảo hộ và sự sẵn sàng coi thường phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tồn tại ở Washington từ lâu trước khi Trump tới Nhà Trắng. Mỹ từ lâu đã có quan điểm cho rằng WTO không được trang bị tốt để khiến Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vi phạm thương mại tự do mà thương hiệu chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt của họ phạm phải. Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản có cùng mong muốn với Mỹ thực thi các điều lệ của WTO một cách chặt chẽ hơn, Washington sẽ không trông mong vào cơ hội mỏng manh rằng cơ quan thương mại cồng kềnh này sẽ thúc đẩy các cải cách thông qua bộ máy hành chính quan liêu nặng nề và dựa trên sự đồng thuận của nó.

Với Trung Quốc nằm trực diện trong tầm ngắm, Washington sẽ tấn công Bắc Kinh bằng các biện pháp trừng phạt về thương mại, đầu tư và thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà nước này có thể lập luận nằm trong hoặc ngoài thẩm quyền của WTO, tùy thuộc vào việc lựa chọn nào phù hợp nhất với các nhu cầu của Mỹ. Mỹ vốn đã loại bỏ 2 công cụ thương mại quan trọng sẵn có: Khoản 301 điều tra việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và các cuộc chuyển giao công nghệ ép buộc và khoản 232 điều tra liệu việc nhập khẩu thép Trung Quốc có gây tổn hại cho an ninh quốc gia Mỹ hay không và do đó phải chịu thuế. (Việc xem xét vụ thứ nhất được ấn định vào tháng 8, và việc xem xét vụ thứ hai được ấn định vào tháng 1, tại thời điểm đó, tổng thống sẽ có 90 ngày để hành động). Washington cũng sẽ tiếp tục vận động EU từ chối cấp cho Trung Quốc địa vị nền kinh tế thị trường ở WTO – một danh hiệu mà Bắc Kinh tuyên bố rằng tổ chức này đã hứa cấp cho nước này vào năm 2016, khi đó việc áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Mặc dù sẽ không có một phán quyết đối với thách thức pháp lý về vấn đề này cho đến năm 2019, một ủy ban của WTO sẽ xem xét vụ kiện vào năm 2018.

Sự thẳng thừng đã thành thương hiệu của Chính quyền Trump và việc đơn phương theo đuổi chương trình nghị sự thương mại sẽ tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động trên toàn thế giới, để lại ấn tượng rằng Nhà Trắng đang có ý định giải tán WTO và xóa bỏ trật tự thương mại toàn cầu mà nó đã củng cố kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Nhưng mối quan ngại như vậy có thể là không có cơ sở. Mặc dù Mỹ sẽ sẵn sàng hành động một cách độc lập ngoài phạm vi của WTO hơn, song nước này sẽ không gánh chịu rủi ro về kinh tế khi rút khỏi khối này. Thay vào đó, Washington sẽ dựa vào nó như là một cơ quan thực thi pháp luật, ngay cả khi nó bù đắp cho những điểm yếu của thể chế này bằng các biện pháp của chính nó.

Bất chấp sự leo thang, Nhà Trắng sẽ ngừng gây ra một cuộc chiến tranh thương mại. Mặc dù các đối tác thương mại của Mỹ sẽ theo dõi các động thái của nước này với nỗi e sợ, nhưng phần lớn họ sẽ phản ứng một cách ôn hòa. Một số nước, như Nhật Bản, sẽ tìm cách làm chệch hướng những bước tiến của Washington bằng cách nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược của họ với Mỹ và những khoản đầu tư của họ vào Mỹ. Những nước khác nằm trong tầm công kích trực tiếp của Nhà Trắng sẽ thách thức các cuộc tấn công thương mại của nước này tại WTO và tại các tòa án của Mỹ, nơi việc kiện tụng có thể tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ hiện tại của Trump. Đối với Trung Quốc, một số biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ sẽ thậm chí có điểm chung với những cải cách trong nước của Bắc Kinh và sẽ không gây ra một mối đe dọa hiện hữu đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Sự phục hồi của dầu thô

Ngăn chặn một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC hy vọng đạt được mục tiêu tái cân bằng thị trường dầu mỏ của họ trong năm 2018. Khi các kho hàng của thế giới tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2017, những sự chia rẽ về chính trị ở Iraq và những sự kiềm chế năng lực ở Libya và Nigeria sẽ làm giảm nguy cơ các nhà sản xuất dầu mỏ mở rộng thỏa thuận của họ hạn chế đầu ra vào năm 2019. Các bên ký kết sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng để đánh giá lại sự tiến bộ của họ trong tháng 6.

Câu hỏi lớn nhất trong năm tới là liệu Ả Rập Xê Út và các đồng minh vùng Vịnh của nước này sẽ nỗ lực đến cùng thế nào để ký kết hiệp ước này. Họ sẽ tìm cách gánh vác phần lớn gánh nặng trong việc tiếp tục cắt giảm sản lượng khi các thành viên khác bắt đầu khi mong muốn thoát khỏi thỏa thuận. Và khi thỏa thuận này gần hết hiệu lực, sản lượng đá phiến ở Mỹ có thể sẽ tăng nhanh giữa lúc giá dầu cao hơn. Quyết tâm không khuyến khích sự phục hồi mạnh mẽ trong sản lượng đá phiến của Mỹ, Ả Rập Xê Út và Nga có thể tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian dài sau khi các hạn ngạch hiện nay kết thúc. Ví dụ, Ả Rập Xê Út có thể sử dụng viện trợ của Nga để đa dạng hóa lĩnh vực năng lượng của mình trong khi làm việc với Moskva để hạn chế sản xuất.

Nhưng sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng này sẽ hầu như không làm giảm bớt sự cạnh tranh đang gia tăng ở Trung Đông. Lời hứa của Chính quyền Trump ngăn chặn Iran tiếp bước Triều Tiên một lần nữa sẽ hướng sự chú ý tới Tehran và số phận của thỏa thuận hạt nhân của nước này với phương Tây. Ả Rập Xê Út và Israel, với mong muốn đẩy lùi ảnh hưởng của Iran trong khi họ có được sự “ban phước” của Nhà Trắng, sẽ khôi phục chiến dịch của họ làm suy yếu Iran và các đồng minh của nước này, bao gồm nhóm chiến binh Hezbollah người Liban.

Được Nga hậu thuẫn, Iran sẽ có các nguồn lực để đứng vững khi cuộc chiến giữa các bên ủy nhiệm khu vực hình thành. Nhưng nước này sẽ phải thận trọng để không xa rời châu Âu, mà họ sẽ cần nó để kiềm chế bất cứ nỗ lực nào của Mỹ phá vỡ Kế hoạch Hành động toàn diện chung. Liên minh châu Âu, cùng với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, sẽ không hoàn toàn tuân theo các nỗ lực của Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại khu vực năng lượng của Iran. Nhưng nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, các nhà sản xuất dầu mỏ có thể từ bỏ cắt giảm sản lượng ngay khi Ả Rập Xê Út và Nga nhanh chóng chuyển sang bù đắp cho nguồn cung bị mất của Iran trên thị trường.

Phần lớn tính cấp bách đằng sau chương trình nghị sự cải cách và nỗi ám ảnh của Ả Rập Xê Út về sự hồi phục của thị trường dầu mỏ toàn cầu xuất phát từ một thách thức dài hạn hơn mà vương quốc này và các nước sản xuất dầu mỏ khác phải đối mặt: sự mở rộng của thị trường xe điện. Trong năm qua, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đầu các sáng kiến chính sách nhằm thúc đẩy sự chấp nhận các phương tiện sử dụng năng lượng thay thế. Hơn nữa, các báo cáo về công nghiệp, chỉ ra nhu cầu ngày càng tăng đối với những ô tô như vậy trong ngắn và trung hạn. Khi nhu cầu tăng thì nhu cầu về pin của các phương tiện này và lithium để làm ra chúng cũng tăng lên. Mặc dù xu hướng này sẽ mất nhiều thập kỷ để bộc lộ, nhưng đầu tư vào sản xuất ô tô điện và công nghệ liên quan sẽ tăng lên trong năm 2018. Bởi vì các nguồn lithium chỉ tập trung ở một số ít các quốc gia, bao gồm Argentina, Chile và Bolivia, vài nhà sản xuất sẽ ở vào vị trí thuận lợi để tận dụng sự quan tâm ngày càng tăng đến lithium – đặc biệt là Argentina, do Thị trường chung Nam Mỹ mà nước này nằm trong đó, sẽ tự do hóa các chính sách thương mại của mình vào năm 2018.

Châu Á – Thái Bình Dương

Đối phó với một Triều Tiên sở hữu hạt nhân

Triều Tiên đã trở thành trọng tâm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017 khi nước này trải qua một năm với 16 vụ thử tên lửa và vụ kích nổ một thiết bị hạt nhân dưới lòng đất. Sẽ không có sự khác biệt nào trong năm 2018 khi Bình Nhưỡng thử nghiệm khả năng chứa nhiều đầu đạn và dẫn đường của các vũ khí của họ, phóng hàng loạt tên lửa qua Nhật Bản, xem xét thử nghiệm các tên lửa đạn đạo liên lục địa gần tầm bắn tối đa hoặc tiến hành một vụ thử hạt nhân trong khí quyển trên Thái Bình Dương. Mặc dù có nhiều đánh giá khác nhau, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán rằng Triều Tiên sẽ đạt được một sự răn đe hạt nhân khả thi trong năm 2018.

Trong khoảng thời gian hạn hẹp này, Mỹ sẽ phải quyết định liệu sẽ kiềm chế các khả năng hạt nhân của Triều Tiên bằng vũ lực hay quản lý chúng thông qua một chiến lược răn đe. Quyết định nặng nề này sẽ ở vị trí hàng đầu trong tâm trí các nhà lãnh đạo toàn cầu trong năm 2018, và quyết định cuối cùng tùy thuộc vào Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn của ông.

Kịch bản đầu tiên (và ít có khả năng hơn) nhằm làm tê liệt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ đòi hỏi phải có một cuộc tấn công quân sự phòng ngừa. Nếu Mỹ lựa chọn tiến trình này, thì phản ứng của Triều Tiên sẽ gây hậu quả tàn phá, trong đó có sự rối loạn quy mô lớn đối với thương mại khu vực sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các ngành công nghiệp điện tử, ô tô và thiết bị và dư chấn của nó sẽ lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu. Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu sự trả đũa của Triều Tiên, mặc dù Nhật Bản cũng phải gánh chịu các đợt tấn công. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải quyết định liệu có can thiệp vào bán đảo Triều Tiên hay không để bảo đảm vùng đệm lãnh thổ trong khu vực lân cận của họ và ngăn chặn khả năng dẫn đến dòng người tị nạn sau đó – làm dấy lên nỗi ám ảnh về sự đối đầu giữa nước này và Mỹ.

Nếu Washington bắt đầu nghiêng theo hướng một cuộc tấn công quân sự, sẽ có một vài dấu hiệu cảnh báo về nó. Thứ nhất, Mỹ sẽ loại bỏ mọi sự cản trở trong chiến dịch của nước này nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải hợp tác, thậm chí có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với một số thể chế tài chính và thực thể kinh tế cốt lõi của Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên. Các biện pháp này sẽ xuất hiện vào thời điểm Trung Quốc vốn đang đảm nhận công việc khó khăn là xem xét lại toàn bộ nền kinh tế của nước này, gây ra hậu quả về kinh tế trong và vượt ra ngoài khu vực.

Thứ hai, Mỹ và các đồng minh châu Á của nước này sẽ bắt đầu dịch chuyển vũ khí quân sự của họ. Washington sẽ ra lệnh triển khai dài hạn 2 trong 3 nhóm tác chiến tàu sân bay tới vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên; các thiết bị tình báo, do thám và giám sát khu vực sẽ được gia tăng; không lực có căn cứ trên mặt đất, chẳng hạn như máy bay chiến đấu tàng hình, sẽ được di chuyển tới khu vực lân cận; việc triển khai tàu ngầm sẽ trở nên thường xuyên hơn; và các binh lính và quân dự bị Hàn Quốc sẽ được huy động. Đương nhiên, việc thiếu đi bất kỳ hay tất cả những diễn biến này sẽ không loại trừ một cuộc tấn công phòng ngừa, vì Mỹ có khả năng phát động một cuộc tấn công có giới hạn vào Triều Tiên với sự hiện diện hiện có của nước này ở châu Á-Thái Bình Dương. Hơn nữa, một nỗ lực bắn rơi tên lửa của Triều Tiên, dù thành công hay không, cũng có thể khơi mào một cuộc chiến tranh.

Ngoại trừ sự kiện không có khả năng xảy ra là một cuộc đảo chính ở Bình Nhưỡng, bất kỳ biện pháp nào chưa tới mức là hành động quân sự cũng sẽ không khiến Triều Tiên chệch khỏi con đường hướng tới một sự răn đe hạt nhân đáng tin cậy.

Mặc dù nhất trí với một gói biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Liên hợp quốc chống lại Triều Tiên trong năm 2017, nhưng cả Trung Quốc lẫn Nga đều không muốn Chính phủ Triều Tiên sụp đổ. Kết quả là hai nước này sẽ tránh bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho sự ổn định của Chính phủ Triều Tiên trừ khi họ tin rằng các biện pháp này sẽ ngăn chặn một cuộc tấn công của quân đội Mỹ. Ngay cả khi cộng đồng quốc tế tăng cường cơ chế trừng phạt lên thành một lệnh cấm vận dầu mỏ hoặc cấm hoạt động thương mại, thì Triều Tiên vẫn có sẵn nhiều công cụ để bảo vệ các nhà lãnh đạo và đạt được các mục tiêu hạt nhân không quá xa vời của nước này.

Khi xét đến các phí tổn khổng lồ mà một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên sẽ mang lại, cũng như khung thời gian ngắn ngủi cho việc thực hiện nó, Mỹ nhiều khả năng sẽ lựa chọn phương án thứ hai hơn, đó là kiềm chế và răn đe. Việc kiềm chế có thể bao gồm cô lập Chính quyền Triều Tiên về mặt kinh tế, với ý định giới hạn sự tăng trưởng của kho vũ khí hạt nhân của nước này. Sự răn đe sẽ liên quan đến việc từng bước tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, việc giám sát thường trực các hoạt động của Triều Tiên và việc giảm bớt các kênh ra quyết định quân sự giữa Mỹ và các đồng minh của nước này.

Tuy vậy, một chiến lược răn đe mang lại những rủi ro dài hạn của riêng nó, trong đó có sự gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm, những sự tăng cường tương tự của Nga và Trung Quốc, và việc Hàn Quốc và Nhật Bản hạt nhân hóa. Hơn nữa, việc củng cố cơ sở hạ tầng phòng thủ liên kết với Mỹ xung quanh Triều Tiên có thể làm suy yếu cấu trúc tên lửa của Nga và Trung Quốc, khiến các lợi ích chung của hai nước này liên kết với nhau hơn nữa, như những gì việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tới Hàn Quốc đã làm.

Khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ khôi phục quyết tâm của các đồng minh khu vực quan trọng nhất của nước này. Trong năm qua, quan hệ của nước này với Hàn Quốc và Nhật Bản đã trở nên vững mạnh hơn. Mặc dù Seoul kiên quyết phản đối ý tưởng về một cuộc tấn công quân sự phòng ngừa nhằm vào Bình Nhưỡng, nhưng cả Seoul lẫn Tokyo đều không thể ngăn cản Washington phát động một cuộc tấn công như vậy. Thậm chí nếu Mỹ bác bỏ con đường này, thì một cuộc tấn công phủ đầu nhằm cản trở một cuộc tấn công đang rình rập từ phía Triều Tiên sẽ vẫn được đưa ra bàn thảo.

Trung Quốc trong thời kỳ chuyển tiếp

Nếu khả năng không chắc chắn về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên xảy ra, nó sẽ có tác động tàn phá đối với sự ổn định chính trị và kinh tế mà Trung Quốc đã nỗ lực duy trì trong 3 thập kỷ qua. Nhưng ngoài cuộc khủng hoảng tiềm tàng đang âm ỉ ngay bên cạnh, Trung Quốc không thiếu các thách thức trong nước cần được giải quyết khi nước này bước vào một kỷ nguyên chính trị và kinh tế mới. Trên nhiều mặt, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực trong 5 năm qua là kết quả của sự biến đổi của đất nước này trong 30 năm qua khi Đảng Cộng sản cầm quyền phải vật lộn để vượt qua các thách thức trong nước và quốc tế có ảnh hưởng sâu rộng mà nó phải đối mặt. Khi Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, việc duy trì thẩm quyền không có đối thủ của ông sẽ là một đòi hỏi cấp thiết, đặc biệt là khi bắt đầu một thời kỳ trọng yếu của công cuộc tái cấu trúc đang tiếp diễn của Trung Quốc.

Quyền lực mới được tích lũy của Tập Cận Bình sẽ giúp ông sắp xếp các nguồn lực và lực lượng cần thiết để thúc đẩy tầm nhìn của ông đối với Trung Quốc. Tương lai này đòi hỏi việc phân phối lại đáng kể của cải; sự bình đẳng kinh tế-xã hội lớn hơn; bộ máy đảng, nhà nước và quân đội vững mạnh hơn; và việc triển khai sức mạnh cho tương xứng với ảnh hưởng đang gia tăng của nước này trên toàn thế giới. Mỗi mục tiêu trong số này đều khó thực hiện và được tạo thành từ nhiều mục tiêu gây nản lòng như nhau, đòi hỏi phải có khả năng thúc đẩy các cải cách cứng rắn vượt qua nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, việc phối hợp chính sách chặt chẽ bên trong một cấu trúc đảng và nhà nước vững chắc sẽ loại bỏ một số chướng ngại vật trước mắt Tập Cận Bình, mở đường cho các cải cách gây thách thức hơn và nhạy cảm hơn về mặt chính trị mà ông coi là cần thiết.

Tuy vậy, việc Tập Cận Bình nắm chắc quyền lực trong tay cũng sẽ tạo ra những kỳ vọng lớn, hầu như không để lại cho ông không gian ngăn ngừa những sự thiếu hiệu quả hoặc thất bại trong chính sách. Ở đây, khả năng của Đảng Cộng sản tiếp tục thể hiện cam kết của mình đối với việc xác định và trừng phạt các hành động xấu của các quan chức và thể chế chính phủ là điều then chốt. Đảng sẽ thiết lập Ủy ban giám sát quốc gia, một cơ quan giám sát chống tham nhũng, vào tháng 3. Tổ chức mới này sẽ góp thêm động lực, sự thực thi và giám sát cho chiến dịch chống nạn hối lộ vốn đã củng cố nghị trình chính trị và khả năng gạt các đối thủ ra bên lề của Tập Cận Bình. Nhưng nó cũng có thể làm gia tăng các mối quan ngại về tình trạng lạm quyền, đặc biệt là ở cấp địa phương.

Năm 2018, nghị trình của Tập Cận Bình sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế-xã hội gây thách thức đang hoành hành ở Trung Quốc. Tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm tốc, làm phức tạp thêm tình trạng bất bình đẳng khu vực và xã hội đáng kể, các hệ thống tài chính bị xáo trộn và sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường nước này. Sau vài năm tiến bộ từng bước, Đảng Cộng sản sẽ tìm cách đẩy nhanh tốc độ cải cách trước mắt – thử nghiệm khả năng của nó tăng cường tính hợp pháp khi sức sống của nền kinh tế giảm sút. Với mục tiêu hướng tới việc phân phối lại của cải, Tập Cận Bình sẽ đẩy nhanh các cải cách tài khóa trong năm 2018, tập trung nhiều tiền bạc hơn vào các khu vực kém phát triển và thúc đẩy cơ sở tài chính của chính quyền địa phương. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những bước đi nhằm cải thiện phúc lợi xã hội khi các cải cách trong chính sách đất đai và hệ thống đăng ký hộ gia đình theo hộ khẩu định hình.

Bất chấp sự hăng hái trong việc thúc đẩy các kế hoạch của mình, Bắc Kinh xúc tiến với sự thận trọng nào đó để đảm bảo rằng tốc độ cải cách nhanh chóng không gây nguy hiểm cho sự ổn định xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, các đề xuất về tài khóa sẽ tập trung vào các vấn đề không nhạy cảm về mặt chính trị, chẳng hạn như việc thực thi các loại thuế môi trường, việc tăng thuế tài nguyên và giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và các cá nhân. Mặc dù Trung Quốc cũng có thể có những bước đi hướng tới việc áp đặt thuế bất động sản, nhưng thị trường bất động sản có tính đòn bẩy cao của nước này có thể trì hoãn bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi biện pháp này trên toàn quốc. Mặc dù vậy, các kỳ vọng của công chúng về tính hiệu quả của chính phủ sẽ gia tăng cùng với nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế giá bất động sản đang tăng vọt, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Tương tự, Trung Quốc sẽ giữ nguyên những sự cắt giảm về sản lượng trong các ngành công nghiệp nặng như than đá và thép trong khi tìm cách giảm nợ cho các ngành này. Đồng thời, nước này sẽ thực thi chặt chẽ hơn nữa các quy định về môi trường. Nhưng nước này sẽ chỉ làm vậy đến mức độ sao cho các nỗ lực này không gây rối loạn nghiêm trọng đối với công ăn việc làm và sự ổn định, đặc biệt là khi nói tới việc đóng cửa các tập đoàn “xác sống” đang phải vật lộn một cách khó nhọc, hoặc các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đang vận hành thua lỗ của nước này. Nỗ lực của Bắc Kinh khắc phục sự thiếu hiệu quả trong các ngành công nghiệp nặng có thể gây sức ép đẩy giá các mặt hàng như than đá và thép lên cao, bù đắp cho đầu tư đang chậm lại. Nếu giá hàng hóa tăng, chính phủ sẽ có nhiều quyền tự do hơn với công chúng để đẩy nhanh chiến dịch của mình.

Việc bảo đảm sự ổn định tài chính sẽ đứng đầu nghị trình kinh tế của Tập Cận Bình. Khối nợ khổng lồ của Trung Quốc sẽ lớn dần lên trong 4 năm tới, tăng từ 251% GDP của nước này hiện nay lên tới 320% vào năm 2022. Tuy nhiên, xuyên suốt năm 2017, Bắc Kinh đã nỗ lực nhằm giảm bớt các gánh nặng nợ nguy hiểm nhất của đất nước và ngăn chặn những rủi ro mà phần nợ còn lại gây ra. Bắc Kinh cũng đã đưa ra cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước biện pháp hoán đổi nợ thành vốn góp và vốn tư nhân, củng cố các cơ chế giám sát, khắc phục các lỗ hổng pháp lý về cho vay ngầm và thắt chặt các quy định về bất động sản ở các thủ phủ lớn.

Trung Quốc sẽ nhận thấy được những lợi ích của các biện pháp này trong năm 2018, nhưng chúng sẽ không bảo đảm cho nước này một tương lai tài chính ổn định. Năm mới sẽ mang lại các nguồn gây căng thẳng mới khi tỷ lệ đáo hạn cao được áp dụng cho các khoản nợ chồng chéo của doanh nghiệp và địa phương trong 3 năm tới. Đồng thời, hoạt động tạo tín dụng và thị trường bất động sản Trung Quốc dường như có khả năng chững lại. Căng thẳng trong khu vực bất động sản, khu vực sẽ chiếm một nửa số nợ đáo hạn của doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2018, đến lượt nó có thể kéo theo những nguy cơ đáng kể: Một cuộc khủng hoảng trong thị trường sẽ không chỉ khiến cho một loạt doanh nghiệp vỡ nợ, mà còn gây sức ép đáng kể lên hệ thống tài chính của nước này.

Trung Quốc có các công cụ tài khóa và điều tiết để tránh khỏi kịch bản này, ít nhất là trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, không thể loại trừ một cuộc khủng hoảng nợ hoặc sụp đổ thị trường bất động sản cục bộ, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương và vay nợ nhiều ở vùng công nghiệp hoạt động kém hiệu quả ở miền Đông Bắc, các tỉnh trung tâm và các ngành công nghiệp nặng như xây dựng, tiện ích và thép. Trong tình huống tốt nhất, một thảm họa được kiềm chế sẽ làm giảm bớt khả năng của Trung Quốc duy trì sự tăng trưởng kinh tế và theo đuổi các cải cách khó khăn; trong tình huống xấu nhất, nó có thể khiến các doanh nghiệp địa phương vỡ nợ, phá sản, thậm chí khiến người dân bất mãn.

Toàn cầu hóa đã phát triển

Khi Trung Quốc tìm cách giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, một vài nhân tố nằm ngoài biên giới nước này sẽ giúp quyết định thành công của họ. Giả sử chiến tranh không nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ tìm được những người mua rất cần thiết cho hàng xuất khẩu của nước này ở các nền kinh tế vững chắc là châu Âu và Mỹ. Sự hỗ trợ này sẽ là đặc biệt đúng lúc, khi xét đến việc các khoản đầu tư của Trung Quốc vào tài sản cố định – một nền tảng của nền kinh tế của nước này – sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2018.

Điều có vẻ kém tích cực hơn là năm 2018 sẽ đem đến khả năng thực sự về căng thẳng gia tăng với Mỹ trong thương mại khi Nhà Trắng thực thi các quy định một cách nghiêm ngặt hơn. Trung Quốc sẽ là một trong những mục tiêu chính của Mỹ, điều mà – cùng với chủ nghĩa bảo hộ đang lan tràn trên toàn thế giới – có thể gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc. Trong năm qua, các biện pháp thương mại của Mỹ chống lại Trung Quốc phần lớn bị giới hạn trong phạm vi hành động chống bán phá giá; năm 2018, chúng có khả năng sẽ rộng hơn. Ngay cả như vậy, hai cường quốc này sẽ quản lý tranh chấp của họ ở mức độ đủ để ngăn không cho nó leo thang thành một cuộc chiến thương mại khốc liệt.

Mỹ đã dựng lên các hàng rào về thương mại, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ chống lại Trung Quốc trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, Trump đã sử dụng các công cụ này một cách quyết liệt hơn so với nhiều người tiền nhiệm của ông. Kết hợp với thái độ hoài nghi của chính quyền của ông về các cơ chế thương mại đa phương và quyết tâm của họ giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, cách tiếp cận này đã khuyến khích Nhà Trắng từ bỏ việc sử dụng Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để giải quyết các tranh chấp thương mại khi có thể.

Mỹ đã sử dụng năm 2017 để đặt nền tảng cho một cuộc tấn công theo 2 mũi nhằm vào Trung Quốc. Thứ nhất, nước này đã mở một cuộc điều tra các thông lệ về quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc theo Điều 301 Luật thương mại Mỹ năm 1974. Thứ hai, nước này đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các mối quan ngại an ninh liên quan đến ngành thép theo Điều 232 Luật mở rộng thương mại Mỹ năm 1962. Cả hai diễn biến này đều sẽ trở nên căng thẳng trong vòng 12 đến 18 tháng tới. Về các vấn đề được bao hàm trong các quy tắc của WTO, Mỹ sẽ thách thức các thông lệ về quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc thông qua tổ chức này. Tuy nhiên, nước này sẽ nhắm mục tiêu vào hành vi của Bắc Kinh bên ngoài ranh giới WTO thường xuyên hơn. Nhà Trắng có thể tập trung vào các lĩnh vực mà họ đã đề cập rõ ràng trong chiến lược thương mại của mình, trong đó có các ngành công nghiệp nặng như thép, ô tô và một số ngành điện tử. Washington cũng sẽ bước vào các cuộc đàm phán với Bắc Kinh nhằm thuyết phục họ nới lỏng các rào cản thương mại và đầu tư nào đó. Trong khi đó, Mỹ có thể theo đuổi hành động bổ sung chống lại sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc dưới sự bảo trợ của chương trình đánh giá an ninh quốc gia của họ. Tuy nhiên, những sự chia rẽ trong nội bộ Chính quyền Trump có thể hạn chế việc sử dụng lựa chọn này, đặc biệt khi Trung Quốc tiếp tục cắt giảm sản lượng ở cả hai ngành công nghiệp.

Về phần mình, Trung Quốc sẽ đáp trả bằng việc đưa các vụ kiện lên WTO với hy vọng đối phó lại bằng các biện pháp được tổ chức này phê chuẩn. Nhưng để đi nước cờ đôi, Trung Quốc cũng sẽ mở rộng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của riêng mình – những biện pháp bảo vệ mà nước này tăng cường sử dụng khi các công ty của họ đưa ra các sản phẩm có giá trị cao hơn. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ tận dụng hứa hẹn nới lỏng các yêu cầu về chuyển giao công nghệ hoặc mở cửa các thị trường tài chính, dịch vụ và phương tiện chạy bằng năng lượng tái tạo của mình để can ngăn Washington gây thêm sức ép đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Mặc dù trước đây Tập Cận Bình từng cam kết mở cửa các thị trường của Trung Quốc, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang không hài lòng với việc không có sự tiến triển trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông. Việc củng cố vững chắc sức mạnh kinh tế của nhà nước Trung Quốc chỉ làm gia tăng nỗi thất vọng của họ. Tuy thế, khi Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc đạt được mức độ kiểm soát mà họ theo đuổi, họ có thể tiếp tục nhiều cải cách bị trì hoãn từ lâu của mình. Vì mục tiêu đó, Bắc Kinh sẽ thăm dò việc tự do hóa thị trường bằng việc tạo ra nhiều không gian hơn cho đầu tư nước ngoài ở các khu vực thí điểm như khu vực thương mại tự do Thượng Hải. Nhưng Trung Quốc sẽ chỉ xúc tiến trong chừng mực các dự án này phù hợp với chiến lược bao trùm của họ, bảo đảm rằng chúng sẽ không quyết liệt đến mức đủ để ngăn chặn các biện pháp thương mại mang tính trừng phạt của Mỹ.

Trên thực tế, theo sáng kiến “Made in China 2025” của nước này, trong 3 năm qua, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể vai trò của nhà nước trong các khoản đầu tư của doanh nghiệp vào các lĩnh vực chiến lược ở nước ngoài, chẳng hạn như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Những động thái như vậy sẽ tiếp tục gây quan ngại ở các thị trường phát triển như Liên minh châu Âu và Mỹ khi sự cạnh tranh nóng lên ở các thị trường cao cấp và khi có nhiều cáo buộc về các hành vi gian lận của Trung Quốc. Do đó, các quốc gia phương Tây sẽ theo dõi sát sao hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp công nghệ cao của họ.

Việc Trung Quốc kiên trì tìm kiếm địa vị nền kinh tế thị trường trong WTO – điều đi ngược lại mong muốn của Mỹ và Liên minh châu Âu – sẽ là một nguồn gây xung đột khác. Tình hình càng tồi tệ hơn khi Bắc Kinh đệ đơn lên tổ chức này kiện cả hai bên; một phán quyết về tranh chấp của Trung Quốc với Liên minh châu Âu có khả năng sẽ được đưa ra vào đầu năm 2019. Nếu Liên minh châu Âu và Mỹ thua kiện, họ có thể sẽ vẫn kiên định trong những đòi hỏi của mình với Trung Quốc. Washington sẽ đặc biệt miễn cưỡng nhượng bộ, có thể buộc Bắc Kinh trở lại bàn đàm phán.

Đương nhiên, Trung Quốc sẽ không phải là quốc gia duy nhất nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải chịu sức ép tương tự từ đồng minh ngày càng theo chủ nghĩa bảo hộ của họ khi Mỹ tìm cách giảm bớt thâm hụt thương mại với hai nước này. Hai nước cũng đã cố gắng tránh để không phải chuốc lấy cơn giận dữ của Washington. Tokyo phần nào đã thành công trên phương diện này trong năm 2017, và họ sẽ tiếp tục né tránh những đòi hỏi của Washington. Mặt khác, Seoul phải đối mặt với tiến trình dai dẳng của việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại tự do của họ với Washington.

Trong các cuộc đàm phán này, Mỹ có khả năng sẽ gây sức ép để có được khả năng tiếp cận lớn hơn tới các lĩnh vực ô tô, điện tử và nông nghiệp của Hàn Quốc. Ở mức độ cao nhất, Washington thậm chí có thể không thừa nhận hiệp định nếu họ không hài lòng với kết quả của các cuộc đàm phán. Mặc dù Hàn Quốc hầu như không có lợi ích gì trong việc gây tổn hại tới mối quan hệ của họ với Mỹ giữa các mối đe dọa trước mắt đến từ Triều Tiên, nhưng bất kỳ sự gián đoạn nào đối với thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng sẽ gây căng thẳng cho nền kinh tế Hàn Quốc, đem lại cho các quốc gia như Trung Quốc cơ hội lợi dụng sự rạn nứt ngày càng rộng giữa hai đồng minh.

Việc Washington coi trọng các cuộc đàm phán thương mại song phương sẽ chỉ khuyến khích các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tìm kiếm các nền tảng thương mại đa phương không bao gồm Mỹ để thúc đẩy nghị trình của chính họ. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – một phiên bản của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã được khép lại mà không bao gồm Mỹ – vẫn cần phải điều hòa những ý kiến mâu thuẫn nhau của các thành viên của nó và điều hướng các vấn đề xoay quanh các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, các cơ chế giải quyết tranh chấp và những sự miễn trừ liên quan đến văn hóa. Nhưng khi thỏa thuận dần thành hình, có khả năng đem lại cho Nhật Bản một vai trò lớn hơn trong việc thiết lập các chính sách thương mại khu vực, Trung Quốc có thể cảm thấy cần thiết phải đẩy nhanh đề xuất của chính họ về một khối kinh tế, đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực.

Con đường tơ lụa mới

Khi Mỹ cố gắng thu hẹp quy mô của các cam kết của họ ở nước ngoài, Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội này để mở rộng các cam kết của chính mình, một phần vì các lợi ích lớn hơn bao giờ hết của họ ở nước ngoài đòi hỏi một chiến lược toàn cầu cố kết. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang lan rộng của Bắc Kinh là một phương thức mở rộng tầm ảnh hưởng của họ. Bất chấp khuynh hướng của Trung Quốc trong năm 2017 là điều tiết các khoản đầu tư mà nước này coi là phi lý – chẳng hạn như các khoản đầu tư vào lĩnh vực giải trí, bất động sản và văn hóa – nước này vẫn sẽ đều đặn rót tiền vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Chiến lược của chính phủ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc leo cao trên chuỗi giá trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng tài chính này. Tuy nhiên, các nỗ lực của họ nhằm giảm nhẹ những gánh nặng về nợ trong nước cũng có thể làm suy yếu hoạt động tài chính doanh nghiệp, có khả năng cắt đứt các nguồn tài trợ cho các dự án mà kế hoạch hoặc địa điểm của chúng kéo theo rủi ro gia tăng.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” gắn kết chặt chẽ với nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng tầm với toàn cầu của nước này khi hệ thống quốc tế phát triển. Ở một số phương diện, sự phát triển đó có thể giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu của mình. Sức ép không ngừng gia tăng của Mỹ đã khiến các lợi ích của Nga liên kết chặt chẽ hơn với các lợi ích của Trung Quốc – một phần vì hai nước này chia sẻ mong muốn tự cách ly khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Quan hệ đối tác đang phát triển thịnh vượng của hai nước có thể tăng cường khả năng tiếp cận của Trung Quốc tới Trung Á và Trung Đông. Trong khi đó, khi Mỹ điều chỉnh chiến lược của họ ở Afghanistan, gây căng thẳng hơn nữa trong mối quan hệ của nước này với Pakistan, Trung Quốc có thể có cơ hội củng cố các dự án nhạy cảm về chính trị dọc theo Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan khi Islamabad chuyển hướng sang hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.

Tuy vậy, không phải lúc nào những nỗ lực của Bắc Kinh cũng sẽ diễn ra suôn sẻ. Khi hội nghị cấp cao của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được triệu tập ở Trung Quốc vào tháng 6/2018, Bắc Kinh sẽ cố gắng mở rộng nghị trình của khối này về các sáng kiến kinh tế và cơ sở hạ tầng. Nhưng động thái này có khả năng sẽ gặp phải sự chống đối từ Ấn Độ, nước đã phản đối Sáng kiến “Vành đai và Con đường” khi chứng kiến sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực với tâm trạng lo lắng. Trên thực tế, những tham vọng của Bắc Kinh sẽ khích lệ New Delhi hợp sức với các đối thủ trong khu vực của Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản, nhằm thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng cạnh tranh nhau ở Đông Nam Á và châu Phi và nhằm tăng cường hợp tác an ninh. Đồng thời, tình trạng bất ổn chính trị, các nhóm khu vực, các cuộc nổi dậy cục bộ, các vấn đề về vốn tài trợ và những sự nghi ngờ về động cơ của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho các kế hoạch kết nối của Bắc Kinh ở Trung Á và Nam Á.

Ở khu vực gần hơn, Trung Quốc sẽ tiếp tục dựa vào việc kết hợp sức ép ngoại giao với cưỡng ép quân sự để kiềm chế tầm với của Đài Loan tới các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, về phía Tây, Bắc Kinh có thể có cơ hội hiếm hoi để theo đuổi một cuộc đối thoại với chính quyền Tây Tạng lưu vong khi Đạtlai Lạtma già đi. Con đường hướng tới đàm phán hoàn toàn không chắc chắn, nhưng các cuộc thảo luận sẽ giúp Bắc Kinh hạn chế khả năng New Delhi thúc đẩy vấn đề Tây Tạng khi sự kình địch và tranh chấp biên giới Trung-Ấn gia tăng.

Các nước láng giềng của Trung Quốc tạo ra một thế cân bằng bấp bênh

Mặc dù các hoạt động gần đây của Triều Tiên đã thu hút sự chú ý của Mỹ tới châu Á-Thái Bình Dương, nhưng sự can dự của Washington vào khu vực này sẽ giảm sút trong dài hạn. Tuy vậy, sự hiện diện của Trung Quốc sẽ gia tăng. Kết quả là các quốc gia trong khu vực sẽ cố gắng vừa hợp tác vừa chống lại Bắc Kinh, một sự cân bằng mà sẽ tiến tới xác định rõ ràng khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tới.

Năm 2017, xung đột giữa Bắc Kinh và Seoul đã xấu đi do việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, cuối cùng dẫn tới việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp đáp trả về kinh tế. Tương tự, căng thẳng cũng gây tổn hại tới quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản khi hai nước này tranh cãi về biển Hoa Đông trong suốt năm 2017. Nhưng đến cuối năm, quan hệ của Bắc Kinh với các đối thủ đã trở nên nồng ấm: Trung Quốc và Hàn Quốc đã bình thường hóa quan hệ, trong khi Nhật Bản bóng gió rằng họ có thể tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Năm 2018 thậm chí có thể đem lại một cuộc họp thượng đỉnh 3 bên cho 3 nước láng giềng này – một cuộc họp đã bị trì hoãn từ năm 2015 vì những sự tranh chấp giữa họ. Điều này hầu như không có nghĩa là cuộc tranh giành quyền thống trị khu vực giữa họ sẽ lắng xuống. Tuy nhiên, có khả năng mối đe dọa Triều Tiên, các lợi ích kinh tế chung và việc Mỹ ra khỏi các liên minh hiện nay của nước này sẽ bào mòn thái độ thù địch giữa họ.

Căng thẳng dịu bớt ở Đông Bắc Á sẽ không ngăn được sự hình thành các liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc. Đứng đầu trong số này là Đối thoại an ninh 4 bên do Mỹ dẫn dắt, bao gồm cả Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Khi các thể thức mới phát triển, các cường quốc quan tâm đến việc kiềm chế tầm với của Trung Quốc sẽ cố gắng giải quyết các bất đồng nội bộ của họ khi sự hợp tác an ninh giữa họ trở nên sâu sắc hơn. Úc sẽ đóng vai trò là nước dao động then chốt do quan hệ thương mại mạnh mẽ của nước này với Trung Quốc và sự tranh cãi trong nước nảy sinh từ mối quan hệ đó. Trái lại, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tạo thành một tấm bình phong vững chắc chống lại Trung Quốc. Khối này chắc chắn không báo trước về một liên minh an ninh chính thức – hay thậm chí một sự liên kết – giữa các nước thành viên, nhưng nghị trình lỏng lẻo của họ có thể hấp dẫn các quốc gia có chung mối quan tâm đến việc kiềm chế Bắc Kinh, chẳng hạn như Singapore và Việt Nam. Về phần mình, Trung Quốc sẽ tiếp cận các quốc gia riêng lẻ trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu liên minh đang kết hợp chống lại nước này.

Trung Quốc sẽ sử dụng một chiến lược tương tự để lợi dụng sự xao lãng của Mỹ với Triều Tiên. Bắc Kinh sẽ tăng cường hơn nữa các nỗ lực của họ nhằm chìa tay ra với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đưa ra những sự nhượng bộ phản ánh ưu thế của nước này trong vùng biển bị tranh chấp. Năm 2017, Trung Quốc đã đạt được một vài thắng lợi về ngoại giao với chiến thuật này, trong đó có tiến bộ trong việc soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử không mang tính ràng buộc ở Biển Đông với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bắc Kinh sẽ sử dụng các cuộc đàm phán trong năm 2018 về thỏa thuận này để phô trương thành công của họ và ngăn cản sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Mặc dù các hoạt động của Mỹ ở vùng biển bị tranh chấp sẽ tiếp tục mà không suy giảm, nhưng Trung Quốc sẽ ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ nhằm khuyến khích các quốc gia như Úc, Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường sự tham gia và trách nhiệm của họ trong khu vực.

Trung Quốc cũng thành công trong việc duy trì tình trạng bớt căng thẳng với Philippines khi hai nước này có những bước tiến lớn hướng tới việc thăm dò năng lượng chung và các cuộc diễn tập phòng vệ bờ biển. Philippines cũng nhắm tới việc bảo vệ chủ quyền đối với lãnh hải của nước này. Nhưng cách tiếp cận mang tính hòa giải của Manila đối với Trung Quốc đã giải phóng năng lực rất cần thiết để giải quyết các vấn đề cấp bách trong nước. Mặc dù các lực lượng Philippines đã lấy lại được thành phố Marawi từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS) trong năm 2017, nhưng các vấn đề chính trị và an ninh sẽ tiếp tục hoành hành ở đất nước này trong năm 2018. Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ chuyển hướng sự chú ý của họ tới việc sửa đổi hiến pháp, thông qua đạo luật nhằm hỗ trợ các thỏa thuận hòa bình của họ với phiến quân Moro, bảo vệ khu vực bất ổn Midanao. Với nhiều mối quan ngại phải giải quyết ở trong nước như vậy, Philippines không thể có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Và mặc dù mối quan hệ an ninh của Philippines với Mỹ sẽ tiếp tục, nhưng nó sẽ không gây nguy hiểm cho sự hợp tác bắt đầu nảy nở của nước này với Trung Quốc.

Quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam – nước chủ yếu còn lại có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – thì không thân thiện như vậy. Trong năm qua, hai nước đã hủy bỏ các cuộc gặp quân sự, Bắc Kinh đã gây sức ép buộc Hà Nội phải dừng các hoạt động thăm dò năng lượng ở vùng biển này, và một tàu sân bay của Mỹ đã tới thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Mặc dù nợ quốc gia và các cải cách tài chính sẽ đứng đầu nghị trình của Hà Nội trong năm 2018, nhưng Việt Nam ổn định hơn Philippines và sẽ có nhiều cơ hội hơn để cố gắng đối trọng với Trung Quốc. Như đã làm trong năm 2017, Việt Nam sẽ cố gắng khuyến khích các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Mỹ quan tâm hơn tới Biển Đông.

ASEAN sẽ không có được sự rõ ràng như vậy trong quan hệ của họ với Trung Quốc. Thay vào đó, khối này sẽ phải đối mặt với nhiều chướng ngại vật khi cố gắng điều hướng sự kình địch Trung-Mỹ trong khu vực, các mối đe dọa khủng bố và sự không chắc chắn về kinh tế. Năm 2017, tình trạng chia rẽ đã xuất hiện trong nội bộ khối khi một số nước thành viên của nó, trong đó có Philippines, hành động độc lập để hình thành các chính sách đối với Trung Quốc. Mối bất hòa như vậy sẽ chỉ xấu đi trong năm 2018 khi các nước thành viên đối phó với các vấn đề trong nước. Chẳng hạn, sự yêu mến của dân chúng đối với chính quyền ở Campuchia, Malaysia, Indonesia và có lẽ là Thái Lan sẽ được thử thách trong các cuộc bầu cử quốc gia hoặc địa phương trong năm 2018.

Sự thức tỉnh của Nhật Bản

Khi một cuộc khủng hoảng về quy mô hạt nhân âm ỉ trên bán đảo Triều Tiên, nó sẽ khích lệ Nhật Bản tiếp tục tiến lên phía trước trong việc chuẩn hóa quân đội của nước này bằng cách củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa và sử dụng các quyền được tăng cường mà đạo luật an ninh được thông qua vào năm 2015 đã vạch ra. Đảng Dân chủ tự do cầm quyền cũng sẽ tận dụng sự ủy thác của người dân mà họ nhận được sau chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử vào cuối năm 2017 để tiến lên phía trước với nghị trình cải cách hiến pháp của mình. Tuy nhiên, đảng này có khả năng sẽ không đáp ứng được lịch trình đầy tham vọng mà Thủ tướng Shinzo Abe đã đề ra vào giữa năm 2017 khi họ nỗ lực tránh bị nhấn chìm trong dư luận. Hơn nữa, Chính quyền Abe sẽ dành thời gian trong năm 2018 cố gắng kiềm chế những bê bối tham nhũng và lừa đảo trong nước trước khi diễn ra sự chuyển tiếp vai trò lãnh đạo đảng vào cuối năm 2018. Sự chấn động này có thể làm hao mòn các nguồn lực lập pháp và làm xói mòn sự yêu mến của dân chúng dành cho thủ tướng. Tuy vậy, Nhật Bản sẽ bước vào năm mới với 7 quý tăng trưởng kinh tế liên tiếp đạt được, phần lớn nhờ nhu cầu gia tăng trên toàn cầu và các biện pháp kích thích của Tokyo. Thành tựu này có thể tài trợ cho các cải cách kinh tế hơn nữa, đặc biệt là các cải cách tập trung vào tiền lương, thuế thu nhập và luật lao động.

Khi cuộc khủng hoảng Triều Tiên và mối quan tâm chung đến việc chống lại phương Tây kéo Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn, Nhật Bản sẽ tìm kiếm quan hệ tốt đẹp hơn với cả hai nước. Ở mức độ nào đó, Tokyo có thể làm việc với Bắc Kinh về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của họ. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế với Nga ở quần đảo Kuril để theo đuổi một hiệp định hòa bình nhằm chính thức chấm dứt những hành động thù địch từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai giữa họ và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Đồng thời, Tokyo sẽ làm việc với Washington để cố gắng gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải thay đổi hành vi của họ.

Châu Âu

Tranh luận về tương lai của lục địa

Những cuộc thảo luận về hình thức cấu trúc và quản trị của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thu hút nhiều sự chú ý ở châu Âu trong năm 2018. Trong số các mục trong nghị trình của khối này có cách thức để tăng cường hội nhập tài chính, cơ chế đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai và chiến lược để gia tăng hợp tác an ninh và quốc phòng. Nhưng sẽ không dễ để tìm ra một con đường tiến về phía trước. Trong khi phần lớn các nước thành viên EU đồng ý rằng cần có cải cách chính trị, thể chế và kinh tế, thì họ lại không đồng ý về việc những cải cách đó trông thế nào và tiến hành chúng ra sao. Theo thời gian, các vấn đề này sẽ một lần nữa phơi bày những chia rẽ từ lâu giữa phía Bắc và phía Nam cũng như phía Tây và phía Đông châu Âu.

Trung tâm của cuộc tranh luận này sẽ là Pháp và Đức. Dù hai cường quốc này sẵn sàng bảo vệ liên minh của họ, song họ có tầm nhìn khác nhau về liên minh châu Âu. Chính phủ Pháp, vốn vận động tranh cử dựa trên lời hứa thay đổi EU, đã đưa ra các cải cách kinh tế trong nước. Hiện nay, khi đang ở vị trí ngang hàng hơn với Berlin so với nhiều năm trước, một Paris táo bạo sẽ nhắm tới đẩy mạnh các lợi ích của mình ở mức lục địa. Pháp hy vọng thiết lập những cấu trúc mới mà sẽ cho phép chi tiêu công lớn hơn và chia sẻ rủi ro tài chính nhiều hơn bên trong khối này – một mục tiêu mà nhiều nước ở Nam Âu, trong đó có Italy và Tây Ban Nha, chia sẻ. Các nước này cũng tán thành việc đưa ra một loại bảo hiểm thất nghiệp chung cho người lao động EU và một loại bảo hiểm tiền gửi chung cho các ngân hàng EU.

Đức không nhất thiết phản đối những ý tưởng này. Tuy nhiên, nước này thực sự muốn đảm bảo rằng kèm theo chúng là sự giám sát hiệu quả hơn đối với các chính sách tài khóa và lĩnh vực tài chính của các nước thành viên. Berlin tin rằng các nước thường bẻ cong các nguyên tắc tài khóa của khối và những thể chế có nhiệm vụ thực hiện quy định đã bị chính trị hóa quá mức. Một số nước ở phía Bắc châu Âu, như Áo và Hà Lan, có cùng quan điểm này.

Tuy nhiên, Pháp và Đức sẽ phải chờ đợi để tìm ra một sự thỏa hiệp cho tới khi Berlin giải quyết một trong những vấn đề chính trị cấp bách nhất của mình: thành lập một chính phủ mới. Quá trình tìm cách xây dựng một liên minh cầm quyền ở Đức sẽ mất vài tháng đầu năm. Nếu thương lượng thất bại, các cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra sau đó, làm trì hoãn bất kỳ cuộc đàm phán châu Âu nào.

Bất kể khi nào Đức và Pháp bắt đầu thỏa thuận “đổi chác”, Berlin sẽ bảo vệ lợi ích của mình, và Paris sẽ không có được mọi thứ họ muốn. Thay vào đó, nhiều đề xuất của Pháp sẽ bị giảm bớt hoặc điều chỉnh để đáp ứng các đòi hỏi của Đức; những điều khác sẽ bị hoãn lại. Không gian cho hợp tác chắc chắn tồn tại trong một số vấn đề, như thúc đẩy hợp tác an ninh và quốc phòng cũng như phối hợp hài hòa hệ thống thuế của các nước thành viên EU. Nhưng những chủ đề khác – đặc biệt là liên quan đến chuyển giao tài chính từ Bắc Âu sang Nam Âu – sẽ gây nhiều tranh cãi hơn.

Phần lớn Pháp và Đức sẽ quan tâm đến hợp tác nhiều hơn là đối đầu. Nhưng chưa rõ liệu sự sẵn sàng làm việc cùng nhau của họ có đủ để đoàn kết châu Âu hay không.

Số phận của Khu vực đồng euro

Italy sẽ là nguồn chủ yếu gây ra tình trạng không chắc chắn cho Khu vực đồng euro trong năm 2018. Nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5, và phần lớn các đảng chính trị của nước này đã chỉ trích những mục tiêu thâm hụt của EU. Một số thậm chí cũng chỉ trích Khu vực đồng euro. Bất kể ai thắng cử, thì chính quyền tiếp theo của Rome sẽ thúc đẩy tăng chi tiêu công và thiết kế lại các mục tiêu thâm hụt của khối.

Tuy nhiên, các đảng có giọng điệu khác nhau. Một số đảng, như Phong trào 5 sao chống giới quyền uy và đảng cánh hữu Liên đoàn phương Bắc, sẽ sẵn sàng đe dọa Brussels hơn các đảng khác với các biện pháp đơn phương nếu EU không đáp ứng được đòi hỏi của họ. Những mối đe dọa này có thể gồm việc phớt lờ các mục tiêu tài khóa của khối hoặc rời bỏ Khu vực đồng euro.

Đương nhiên, Italy không có khả năng rời khỏi khu vực đồng tiền chung vào năm 2018, nhưng sự trỗi dậy của một chính phủ hoài nghi châu Âu ở nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng euro vẫn có thể gây nguy hiểm cho khối tiền tệ này. Chỉ riêng việc đe dọa coi thường các nguyên tắc của Khu vực đồng euro và từ bỏ nó hoàn toàn cũng có thể gây lo ngại cho các thị trường tài chính, dẫn đến chi phí vay mượn cao hơn cho các nước Nam Âu, và làm dấy lên những nghi ngờ về triển vọng của các ngân hàng Italy mong manh. Bên cạnh những rủi ro kinh tế này, một Italy hoài nghi châu Âu hơn sẽ phải đối mặt với triển vọng bị cô lập chính trị và thể chế bên trong EU.

Xét đến sự chia rẽ bên trong nền chính trị Italy, cuộc bầu cử sắp tới có thể kết thúc bằng một quốc hội treo. Tuy nhiên, ngay cả khi các đảng không thể nhanh chóng cùng nhau thành lập một chính phủ liên minh, thì họ vẫn có thể bổ nhiệm một thủ tướng theo đồng thuận. Các thể chế và thị trường tài chính của EU sẽ đón chào một quyết định như vậy vì nó sẽ tạm thời ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng nó sẽ đem theo cái giá đắt, tạo ra một chính phủ luôn ở bờ vực sụp đổ, làm suy yếu ảnh hưởng của Italy trong các vấn đề quốc tế và phá hoại khả năng của Rome đưa ra những cải cách kinh tế sâu rộng. Mặt khác, nếu các nhà lập pháp không thể nhất trí về chức thủ tướng, thì Italy có thể tổ chức một vòng bầu cử nữa vào cuối năm 2018, kéo dài tình trạng không chắc chắn che mờ tương lai của nước này.

Italy cũng sẽ không phải là thành viên duy nhất của Khu vực đồng euro phải vật lộn với những câu hỏi hóc búa trong năm 2018. Chương trình cứu trợ tài chính của Hy Lạp sẽ kết thúc vào tháng 8, vào thời điểm Athens sẽ tìm cách giảm ảnh hưởng của các chủ nợ nước ngoài đối với việc hoạch định chính sách của họ. Tuy nhiên, đồng thời Hy Lạp sẽ đề nghị các chủ nợ xóa gánh nặng nợ của mình. Các nhà cung cấp tài chính cho Athens sẽ từ chối giảm nhiều phần nợ cho Hy Lạp. Nhưng họ có thể dễ nghe theo các biện pháp khác hơn, như kéo dài thời hạn đáo hạn nợ, giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ, đặc biệt là nếu Hy Lạp đồng ý tiếp tục đưa ra các cải cách kinh tế và thể chế. Athens có thể thực sự sẵn sàng cam kết như vậy nếu các biện pháp được đưa ra ít đau đớn hơn những gì đi kèm với gói cứu trợ cho nước này. Do đó, mặc dù Hy Lạp sẽ vẫn là một nguồn gây lo ngại cho Khu vực đồng euro vào năm 2018, nhưng tư cách thành viên của nước này trong khu vực đồng tiền chung sẽ không bị đe dọa.

Tây Ban Nha sẽ có 2 vấn đề của riêng mình cần phải đối phó trong năm 2018. Chính phủ thiểu số của nước này sẽ gặp khó khăn khi thúc đẩy thông qua luật pháp, cho thấy rằng họ sẽ chỉ đạt được những cải cách kinh tế và thể chế khiêm tốn trong năm 2018. Hơn nữa, việc Catalunya ly khai sẽ vẫn là mối lo ngại cho Madrid vì xung đột giữa chính quyền trung ương và chính quyền vùng vẫn tồn tại. Dù Catalunya sẽ không tách khỏi Tây Ban Nha trong năm 2018, nhưng những câu hỏi về tương lai của vùng này vẫn sẽ tồn tại.

Brexit và hơn nữa

Trong khi đó, Anh sẽ dành phần lớn năm 2018 để suy nghĩ xem mối quan hệ của nước này với EU sau khi rời khỏi khối sẽ như thế nào. Hy vọng để các công ty và hộ gia đình có thêm thời gian chuẩn bị cho Brexit, London và Brussels sẽ đàm phán một thỏa thuận chuyển tiếp khi họ làm việc để dàn xếp một thỏa thuận thương mại toàn diện. Các nhà lãnh đạo có khả năng nhận thấy việc thông qua thỏa thuận chuyển tiếp vào năm 2018 sẽ dễ dàng hơn, cho bản thân họ thêm giờ gian để mặc cả về những khía cạnh “khó nhằn” của thỏa thuận thương mại, trong đó có dòng di chuyển dịch vụ và vốn. Các cuộc đàm phán thương mại có thể kéo dài đến tận năm 2019, nhưng ngay dù chúng có thể kết thúc sớm hơn, thì các bên liên quan không thể thông qua một thỏa thuận cho tới khi Anh chính thức rời khỏi EU vào tháng 3/2019.

Ở Anh, các cuộc đàm phán sẽ đặt ra nghi ngờ về tính toàn vẹn kinh tế và lãnh thổ của nước này. Các nhóm lợi ích chính trị ở Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales sẽ theo dõi sát sao những cuộc đàm phán giữa London và Brussels, làm mọi thứ họ có thể để định hình các cuộc đàm phán và nêu lên kỳ vọng của họ với Chính phủ Anh. London có khả năng phản đối một số đề nghị của Scotland và xứ Wales trong khi đó lại đạt được thỏa hiệp với các bên khác. Nhưng tình hình ở Bắc Ireland sẽ nhạy cảm hơn. Tại đó, căng thẳng giữa phe liên minh và phe dân tộc chủ nghĩa có thể làm phức tạp những vấn đề vốn đã gai góc mà Brexit đã đem đến có liên quan đến biên giới chung của khu vực với Cộng hòa Ireland. Để tránh phải đặt các trạm kiểm soát dọc biên giới của mình với Ireland, Anh có thể phải dịu bớt quan điểm của mình về việc rời thị trường chung EU, nơi hàng hóa và người dân được di chuyển tự do.

Như đã nói, 2018 sẽ là một năm mang đậm tính chính trị cho nước Anh, và không chỉ vì Brexit. Chính phủ Anh sẽ gặp những thách thức chính trị liên tục, cả từ phe đối lập lẫn từ bên trong đảng Bảo thủ cầm quyền. Dù nước này có thể thay thế thủ tướng của mình, nhưng đảng Bảo thủ sẽ tìm cách tránh những cuộc bầu cử sớm mà họ có thể thể hiện rất kém.

Thế lưỡng nan cho Trung và Đông Âu

Khi EU phải vật lộn với những câu hỏi về sự tồn tại trước đó, các nước ở Trung và Đông Âu sẽ có những cách tiếp cận khác tới mối quan hệ của riêng họ với khối này. Chẳng hạn, Hungary và Ba Lan sẽ chống trả lại những nỗ lực của Brussels can thiệp vào việc ra quyết định nội bộ của họ. Các đảng dân tộc chủ nghĩa có vị thế để thể hiện tốt trong cuộc tổng tuyển cử của Hungary vào quý II năm 2018, báo hiệu sự tiếp nối trong tương lai các chính sách đối nội và đối ngoại hoài nghi châu Âu của Budapest. Tương tự, Chính phủ Ba Lan sẽ tiếp tục chỉ trích EU và duy trì một mối quan hệ căng thẳng với Đức. Trong khi đó nước này sẽ bảo vệ liên minh của mình với Mỹ, điều củng cố thêm chiến lược an ninh của Ba Lan.
Cho tới nay, chiến thuật này đã tỏ ra được lòng cử tri Hungary và Ba Lan, nhưng nó đầy rủi ro. Budapest và Vacsava phụ thuộc vào tiền bạc và sự bảo vệ từ EU. Và mặc dù cả Hungary lẫn Ba Lan đều không quan tâm đến việc ở lại khối, nhưng hành động của họ có thể dẫn đến việc họ bị gạt ra bên lề trong EU và ảnh hưởng của họ bị giảm sút trong các vấn đề của lục địa.

Ngược lại, Áo, Slovakia và Cộng hòa Czech sẽ theo đuổi các chính sách đối ngoại cân bằng hơn. Trong khi họ sẽ dùng hợp tác Trung Âu làm phương tiện để thúc đẩy nghị trình và bảo vệ lợi ích của mình, họ cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Tây Âu. Động lực đằng sau chiến lược này đơn giản là: Dù các nước này hoài nghi sự hội nhập hơn nữa vào EU, nhưng họ cũng liên kết chặt chẽ với nền kinh tế Đức. Ngoài ra, Áo và Slovakia còn thuộc Khu vực đồng euro.

Một chính sách đối ngoại EU dựa trên thương mại tự do

Giữa sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu vốn đã phủ mây đen bao trùm tương lai của thương mại toàn cầu, EU sẽ tìm kiếm những thỏa thuận thương mại tự do mới. Dù khối này đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do mới với Nhật Bản vào cuối năm 2017, song các bên sẽ phải đàm phán riêng rẽ vấn đề bảo hộ đầu tư vào năm 2018. Đồng thời, EU sẽ tìm cách tiếp tục đàm phán với Úc, New Zealand, Mexico, Ấn Độ, Indonesia và thị trường chung Nam Mỹ, được gọi là Mercosur. Bên trong các cuộc đàm phán này, những vấn đề như nông nghiệp, bảo hộ đầu tư và dòng dữ liệu cá nhân cho các nước thứ 3 có thể trở thành những điểm tắc nghẽn. Quá trình đạt được các thỏa thuận cuối cùng sẽ kéo dài, có thể tới tận sau năm 2018, nhưng Brussels sẽ vẫn cam kết mở rộng loạt thỏa thuận thương mại của mình. Tuy nhiên, họ cũng sẽ tiếp tục tìm cách để xem xét kĩ hơn các nhà đầu tư không thuộc EU cố gắng mua lại các công ty vốn thuộc những lĩnh vực nhạy cảm hoặc chiến lược ở các nước thành viên.

Trong khi đó, quan hệ của EU với Nga sẽ vẫn xa cách. Moskva sẽ tìm cách khai thác (và đôi khi là tạo ra) xích mích giữa các nước thành viên của khối với những công cụ sẵn có, kể cả chính trị “đường ống dẫn” và tuyên truyền. Về phần mình, EU sẽ tiếp tục lập luận rằng họ sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga chỉ khi nào Nga tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hòa bình với Ukraine. Vì các biện pháp trừng phạt vốn là một điểm gây tranh cãi ở châu Âu, nên EU chắc chắn sẽ không mở rộng chúng, dù họ có thể kéo dài các biện pháp trừng phạt nếu điều kiện trên thực địa ở Ukraine không cải thiện. Brussels cũng sẽ lên án những nỗ lực của Moskva can thiệp vào chính trị châu Âu trong khi tìm cách chống lại chiến dịch tuyên truyền và các cuộc tấn công mạng của Nga. Tuy nhiên, thành công của họ trên mặt trận này vẫn còn khiêm tốn.

Châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với một thách thức chính sách đối ngoại với phía Nam. Năm 2018, EU sẽ nghiên cứu các lựa chọn để giải quyết vấn đề nhập cư từ châu Phi và Trung Đông, một phần bằng cách cải cách quy định nhập cư của mình. Quyết định gây tranh cãi nhất mà khối này phải đưa ra là liệu có thực hiện một cơ chế để phân phối người xin tị nạn theo tỷ lệ tương xứng hơn trên khắp châu lục – một động thái mà cuối cùng không có khả năng thực hiện.

Trong khi đó, EU sẽ làm việc với các nước mà người di cư xuất phát đầu tiên để tìm cách ngăn chặn người dân rời bỏ quê hương họ ngay từ đầu cũng như triệt phá các tổ chức buôn người đưa người di cư vào châu Âu. Số người vào Italy từ Libya đã giảm trong năm 2017, nhưng những rắc rối về nạn di cư của lục địa vẫn chưa kết thúc. Sau cùng, Libya vẫn bất ổn về chính trị, và có thể không có khả năng làm việc nhất quán với châu Âu để ngăn chặn dòng người di cư dọc các biên giới của họ khi tình trạng rối loạn trong nước vẫn tiếp diễn. Hơn nữa, người di cư đã bắt đầu sử dụng các điểm khởi hành mới, như Tunisia và Algeria, trên đường tới châu Âu.

Trước bối cảnh này, EU sẽ mong muốn bảo vệ thỏa thuận di cư của mình với Thổ Nhĩ Kỳ trong hy vọng sẽ ngăn chặn dòng người lũ lượt tràn vào lãnh thổ của họ. Vì mục đích này, Brussels sẽ hứa hẹn viện trợ tài chính và quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Ankara, trong đó có việc cập nhật thỏa thuận liên minh thuế quan hiện có giữa hai bên. Nhưng nếu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trấn áp truyền thông và phe đối lập trong nước, thì châu Âu sẽ gia tăng sức ép chính trị và tài chính chống lại nước này, gây căng thẳng hơn nữa cho thỏa thuận di cư của họ.

Châu Mỹ

Đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ

Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào năm thứ 2, họ sẽ tiếp tục chống lại các giới hạn quyền lực của tổng thống để định hình ngoại thương, các mối quan hệ an ninh và luật pháp trong nước. Trump không bị ràng buộc với những mong muốn chính sách của đảng Cộng hòa hay chịu ảnh hưởng của đảng này như nhiều đối thủ của ông cạnh tranh giành sự đề cử của đảng. Nổi lên như một ứng cử viên từ bên ngoài mạng lưới chính trị lâu đời của đảng, ông có ít sự kết nối trực tiếp với nó hơn. Sự tự do tương đối này đã cho tổng thống nhiều khả năng hành động hơn để xem xét (và trong một số trường hợp, ban hành) các thay đổi chính sách có động cơ ý thức hệ mà những người tiền nhiệm của ông nhận thấy không thể biện hộ được về mặt chính trị, bao gồm một chương trình nghị sự thương mại mang tính biện hộ hơn và những hạn chế nhập cư nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, Trump không cai trị trong một không gian trống, và nhiều yếu tố sẽ quyết định khả năng giữ những lời hứa tranh cử nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Tổng thống sẽ phải trải qua thêm một năm nữa tìm cách liên kết các mong muốn chính sách của ông với thực tế.

Trong suốt năm 2018, Chính quyền Trump sẽ tìm cách thực hiện các khía cạnh cụ thể trong chương trình nghị sự thương mại mang tính bảo hộ của mình. Chẳng hạn, Washington sẽ tiếp tục điều tra nạn đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc được cho là do Trung Quốc thực hiện. Cuộc điều tra có thể dẫn đến việc Chính phủ Mỹ thực hiện hành động trả đũa chống lại Bắc Kinh ở bên trong cũng như bên ngoài cơ chế thương mại của Tổ chức thương mại thế giới. Thêm vào đó, Nhà Trắng có thể đưa ra quyết định trong năm tới về việc liệu họ có tìm cách tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS), mà Trump đã đe dọa kéo Mỹ ra khỏi, hay không.

KORUS cũng sẽ không phải là hiệp định thương mại duy nhất được đưa ra thảo luận. Vào đầu năm 2018, chính quyền sẽ quyết định có nên tiếp tục các cuộc đàm phán với Mexico và Canada để sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay rút khỏi thoả thuận này. Các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc trong năm 2017 vì các quan chức Canada và Mexico không tán thành các đề xuất của Mỹ nâng các yêu cầu về hàm lượng nội địa, thắt chặt các quy định về xuất xứ và loại bỏ các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư. Mặc dù 3 bên vẫn có thể vượt qua những bất đồng của họ, nhưng khả năng họ đạt được một thỏa thuận vào đầu năm 2018 là rất mong manh.

Trump sẽ dựa vào lời khuyên của nội các của ông và vào phân tích của chính ông về những nguy cơ và lợi ích tiềm tàng của việc rút khỏi thỏa thuận để đưa ra quyết định về NAFTA. Những lời khẩn cầu của các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa và các nhà vận động hành lang thuộc lĩnh vực tư nhân có liên quan có thể làm dịu đi lập trường đàm phán của chính phủ. Xét cho cùng, một sự rút lui sẽ có thể gây ra những gián đoạn lan rộng trong một loạt lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Nguy cơ xảy ra một phản ứng dữ dội của cử tri ở các bang phụ thuộc nhiều nhất vào NAFTA – và thiệt hại về kinh tế mà việc rút khỏi thoả thuận sẽ gây ra – có thể gây ảnh hưởng buộc Trump phải tiếp tục các cuộc đàm phán.

Nhưng tổng thống có tính khí đủ thất thường, và nhóm ủng hộ chính trị cốt lõi của ông chống lại NAFTA đủ quyết liệt, để ông vẫn có thể quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Trong trường hợp đó, những người ủng hộ NAFTA sẽ tìm cách sử dụng Quốc hội và hệ thống tòa án liên bang để ngăn chặn việc rút khỏi này. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ có thể tìm cách ngăn cản nỗ lực rút khỏi thỏa thuận này bằng cách thúc giục có một nghị quyết chung để ủy thác cho Quốc hội quyền thông qua một động thái như vậy. Những thách thức pháp lý cũng sẽ chống lại nỗ lực rút khỏi khu vực thương mại do việc rời NAFTA sẽ gây ra sự không chắc chắn cho nhiều chính phủ và doanh nghiệp. Sự sụp đổ của thỏa thuận này có thể dẫn đến việc Mỹ mất đi 200.000 việc làm, chủ yếu ở các bang phía Nam và Trung Tây – một viễn cảnh đáng sợ đối với đảng Cộng hòa, mà sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ ở những khu vực đó trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, khả năng đơn phương rút khỏi NAFTA càng tăng khi Mỹ, Canada và Mexico càng đàm phán lâu hơn mà không đạt được một sự đồng thuận về tương lai của thỏa thuận. Với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ và cuộc chạy đua vào ghế tổng thống của Mexico đang đến gần, Trump sẽ hăm hở hoàn thành các cuộc đàm phán trước các cuộc bỏ phiếu. Nếu không, tổng thống có thể sẽ phải đối phó với một Quốc hội mới hoặc một chính quyền khác ở Mexico, mà có thể phá hủy một hiệp định thương mại tự do được sửa đổi.

Vượt ra ngoài NAFTA, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần có thể cản trở các phần khác trong chương trình nghị sự của Chính phủ Mỹ trong năm 2018. Khi Quốc hội hoàn thành các dự án lập pháp lớn như cải cách thuế và chuẩn bị sẵn sàng cho mùa tranh cử, sự thống nhất chung trong đảng Cộng hòa trong suốt năm qua sẽ chịu sức ép. Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa, đặc biệt là những người có địa vị ít an toàn hơn, sẽ bắt đầu tự tách mình khỏi những đề xuất chính sách mạo hiểm hơn về mặt chính trị của chính quyền và các nỗ lực lập pháp đòi hỏi sự ủng hộ của cả 2 đảng – như kế hoạch tài trợ cho cơ sở hạ tầng của Trump – sẽ phải chật vật mới có được sự ủng hộ. Tương tự, các đề xuất gây tranh cãi, như một nỗ lực toàn diện sửa đổi luật nhập cư, có thể bị đình trệ trong Quốc hội.

Do Washington kiên quyết hướng tới chủ nghĩa bảo hộ, các thành viên khác của NAFTA sẽ điều chỉnh hướng đi cho phù hợp. Mexico và Canada cũng sẽ tìm cách tranh thủ các đối tác thương mại mới khi tương lai của NAFTA đang bấp bênh. Chẳng hạn, Canada sẽ thăm dò một thỏa thuận thương mại mới với Thị trường chung Nam Mỹ (được biết đến nhiều hơn với cái tên viết tắt bằng tiếng Tây Ban Nha là Mercosur) trong khi làm việc để thúc đẩy các cuộc đàm phán với các nước châu Á bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore. (Tuy nhiên, bất kể điều gì xảy ra với NAFTA, Mỹ sẽ vẫn là đối tác thương mại chính của Canada.)

Bỏ phiếu chống lại nguyên trạng

Tại Mexico, công cuộc tái đàm phán NAFTA của Chính quyền Trump sẽ mở đường cho một nhân vật theo chủ nghĩa dân túy tranh cử tổng thống vào năm 2018. Sự nghèo đói thường thấy của nước này, sự bất bình đẳng giàu nghèo rõ ràng và nạn tham nhũng có hệ thống trong nhiều thập kỷ đã làm cho nước này trở thành một mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy. Mặc dù giọng điệu theo chủ nghĩa dân túy đã lỗi thời trong những năm gần đây vì nó khiến các nhà đầu tư lo ngại, nhưng bối cảnh chính trị ở Mexico đã dần dần trở lại như cũ. Ngày nay, 4 chính đảng đang tranh giành quyền kiểm soát đất nước. Các cử tri không còn ưa thích Chính quyền Enrique Pena Nieto trong 2 năm qua sau nhiều vụ bê bối tham nhũng và cái được cho là sự tự mãn của chính phủ khi đối mặt với các mối đe dọa của Trump sửa đổi NAFTA. Khi đảng Cách mạng thể chế (PRI) cầm quyền để mất sự ủng hộ của cử tri Mexico, ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy Andres Manuel Lopez Obrador nổi lên như một đối thủ đáng gờm cho ghế tổng thống.

Lopez Obrador, người luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, dường như chắc chắn có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 7. Nhưng nếu ông lên cầm quyền, chính quyền của ông – giống như chính quyền của những người tiền nhiệm gần đây – sẽ thiếu quyền lực để thực hiện những thay đổi chính sách cấp tiến. Lopez Obrador sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác từ Quốc hội bị chia rẽ cao của Mexico để thực thi bất kỳ chương trình nghị sự chính sách nào và sẽ phải phần lớn dựa vào các sắc lệnh của tổng thống để thực hiện các sáng kiến ít được ủng hộ hơn, như việc đánh giá lại các hợp đồng năng lượng hiện có. Hơn nữa, nếu ông thực hiện đánh giá này, ông có thể sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại và gây nguy hiểm cho các thỏa thuận cá nhân với các công ty năng lượng nước ngoài, mặc dù chính quyền của ông không thể phá bỏ tất cả các cải cách năng lượng của Mexico. Và bất kể ứng cử viên nào giành được ghế tổng thống, thì sự hợp tác với Mỹ về chống ma túy cũng sẽ quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, Colombia đang trải qua một sự thay đổi chính trị tương tự khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào năm 2018. Sự bất mãn lan rộng về sự đình trệ kinh tế kéo dài, các phát hiện về tham nhũng và các cuộc đàm phán hòa bình gây tranh cãi của chính phủ với các phiến quân đã làm suy yếu đảng Xã hội thống nhất quốc gia cầm quyền. Một số tổ chức chính trị khác đã phá vỡ liên minh của họ với đảng cầm quyền để vận động cho ứng cử viên tổng thống của họ, mở đường cho một cuộc chạy đua sít sao. Vòng bầu cử đầu tiên, dự kiến tổ chức vào tháng 5/2018, hứa hẹn sẽ mang tính cạnh tranh cao; phiếu bầu nhiều khả năng sẽ được chia sẻ giữa 4 hoặc 5 ứng cử viên.

Bất kỳ đảng nào chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử, vị tổng thống kế tiếp của Colombia có thể sẽ không đột ngột ngừng thỏa thuận hòa bình của chính phủ với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC). Cơ quan lập pháp đã đặt nền móng cho việc cuối cùng thông qua thỏa thuận này, mà sẽ chỉ bị đe doạ vào năm 2018 nếu đảng Trung tâm dân chủ thiên hữu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để hủy bỏ đạo luật củng cố thỏa thuận này. Mặt khác, một chính phủ mới có thể quyết định liệu Chính phủ Bogota có tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình với một nhóm vũ trang khác, Quân đội giải phóng quốc gia, hay bước vào một cuộc đàm phán mới để giải tán các nhóm tội phạm nhất định.

Ở Brazil, cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018 cũng sẽ cho thấy sự bất mãn của nước này với giới tinh hoa chính trị lâu đời. Những năm suy thoái và tăng trưởng kinh tế chậm chạp, mà chỉ mới phục hồi gần đây, và một loạt bê bối tham nhũng đã làm tê liệt một số đảng chính trị mạnh nhất, bao gồm đảng Công nhân, đảng Phong trào dân chủ Brazil và đảng Dân chủ xã hội Brazil. Tổn thất của họ là một mối lợi cho các chính trị gia bên ngoài như Jair Bolsonaro, một nhà lập pháp cánh hữu. Tuy nhiên, Chính phủ Brazil kế tiếp chắc chắn là một chính phủ yếu kém mà khả năng cai trị sẽ phụ thuộc vào việc họ có thể xoa dịu nhiều đảng chính trị khác nhau trong Quốc hội như thế nào. Năm 2018 cũng có thể thử thách sự ổn định chính trị của nước này. Vào năm 2018, một tòa án liên bang sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng đối với bản án của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da về tội tham nhũng. Da Silva là một ứng cử viên hàng đầu cho ghế tổng thống, và những người ủng hộ ông có thể xuống đường nếu tòa án giữ nguyên bản án dành cho ông và cấm ông tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 vào tháng 10/2018.

Các nền kinh tế Nam Mỹ hợp tác với nhau

Cho đến khi đó, chính quyền sắp mãn nhiệm của Brazil sẽ tìm cách thông qua các biện pháp cải cách hệ thống lương hưu và tư hữu hóa tài sản nhà nước trước khi họ hết thời gian cầm quyền. Argentina cũng sẽ thúc đẩy ban hành cải cách thuế cũng như các luật lao động mới nhằm mục đích ưu ái các nhà đầu tư. Tuy nhiên, những cải cách của Buenos Aires còn lâu mới trở thành hiện thực, do các đảng dân túy theo chủ nghĩa Peron trong lịch sử của Argentina vẫn nắm giữ đa số ghế đủ lớn trong Thượng viện để cản trở các cải cách này.

Mặc dù khả năng thực hiện được các cải cách của mình là không cao, Argentina, cùng với Brazil và các thành viên còn lại của Mercosur, sẽ tìm cách duy trì động lực trong các cuộc đàm phán thương mại với các đối tác ngoài khối khi họ bước vào năm 2018. Mercosur có truyền thống theo chủ nghĩa bảo hộ có một cơ hội nhỏ để mở rộng phạm vi thương mại của khối này trước khi các chính quyền ủng hộ kinh doanh ở Brazil và Argentina mãn nhiệm vào năm 2018 và 2019. Để đạt được mục tiêu đó, các thành viên của khối này sẽ bắt đầu đàm phán nhiều hiệp định thương mại nhất có thể trong năm 2018, bao gồm các thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Mexico, Canada và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu. Các cuộc đàm phán sẽ không phải lúc nào cũng đạt được các thỏa thuận cuối cùng, nhưng các nhà hoạch định chính sách càng tiến xa trong các cuộc đàm phán, thì càng có khả năng các chính quyền sắp tới ở các nước Mercosur sẽ tiếp tục thực hiện chúng.

Venezuela cảm thấy áp lực từ Washington

Ở những nơi khác trong khu vực, Venezuela – một nước cựu thành viên Mercosur, sẽ tiếp tục suy thoái nhanh chóng. Suy thoái kinh tế của nước này sẽ tăng tốc trong năm 2018 do việc chính phủ không trả được những khoản nợ nước ngoài, lạm phát cao tăng nhanh thành siêu lạm phát và tình trạng thiếu lương thực và vật tư y tế đang ngày càng tồi tệ hơn. Đồng thời, sản lượng dầu lửa, một nguồn thu nhập quan trọng để duy trì nhập khẩu lương thực đang suy giảm của Venezuela, sẽ dần dần giảm xuống. Khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Mặc dù Chính quyền Trump sẽ có những ưu tiên lớn hơn trong chương trình nghị sự của mình vào năm 2018, như các cuộc đàm phán NAFTA, Mỹ sẽ can thiệp để tìm cách thay đổi chính trị của Venezuela. Washington và các đồng minh ở Mỹ Latinh sẽ gây áp lực buộc Chính phủ Venezuela tổ chức các cuộc bầu cử có tính cạnh tranh và công nhận cơ quan lập pháp do phe đối lập kiểm soát. Đến lượt mình, Caracas sẽ cân nhắc việc đàm phán với Chính phủ Mỹ và phe đối lập trong nước.

Nhưng Chính quyền Venezuela sẽ tham gia các cuộc đàm phán chỉ để ngăn chặn nhiều biện pháp trừng phạt hơn từ Washington; chính quyền không quan tâm đến việc tổ chức các cuộc bầu cử mà họ có thể thất bại vào năm 2018, ít nhất phải có sự bảo đảm của Mỹ về ân xá cho các nhà lãnh đạo của chính quyền này. Việc ban lãnh đạo Venezuela thúc đẩy tự bảo toàn sẽ làm cho bất kỳ nỗ lực hòa giải nào giữa chính phủ và phe đối lập trở nên khó khan. Hơn nữa, các cuộc bầu cử tự do, trong đó đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền có thể mất quyền lực, sẽ chống lại lợi ích của một trong những bên liên quan chính của Venezuela, Chính phủ Cuba. Và cho dù các nước khác, như Mexico, tìm cách giảm sự phụ thuộc về năng lượng của Cuba vào Venezuela, những người hưởng lợi trong các mạng lưới bảo trợ chính trị và quân sự gắn chặt với các thể chế nhà nước của Venezuela sẽ tìm cách ngăn chặn các nỗ lực tổ chức cuộc bầu cử.

Khi năm mới đến và nền kinh tế Venezuela tan rã, nguy cơ bất ổn chính trị. Để giữ quân đội ủng hộ mình, chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro sẽ cho phép lực lượng vũ trang có quyền kiểm soát lớn hơn đối với công ty dầu khí nhà nước Petroleos de Venezuela.. Tuy nhiên, nếu các phe phái của quân đội tiến hành đảo chính, họ sẽ gây nguy hiểm cho chính phủ hiện tại và thậm chí có thể chiếm ưu thế nếu có đủ sự ủng hộ.

Trung Đông và Bắc Phi

Chống lại Iran, một liên minh không chắc thành công xuất hiện

Mỹ sẽ bước sang năm mới với ý định tập trung vào việc kiềm chế Iran. Nhà Trắng, Quốc hội và Lầu Năm Góc có chung quyết tâm vững chắc là làm xói mòn mạng lưới ảnh hưởng ghê gớm mà Iran đã xây dựng trên khắp Trung Đông thông qua những kết nối của họ với một loạt nhóm chính trị và chiến binh. Việc Triều Tiên có khả năng hoàn thành một hệ thống răn đe hạt nhân trong năm 2018 chỉ củng cố quyết tâm của Washington ngăn chặn Tehran lao vào con đường nguy hiểm tương tự.

Mỹ không phải là nước duy nhất để mắt đến các hoạt động của Iran với sự quan ngại. Ả Rập Xê Út – đối thủ khu vực không thể hạ gục của Iran – đã quan sát đầy lo lắng khi tầm với của cường quốc dòng Shiite này đã dần lan rộng sang “sân sau” của họ trong vài năm qua. Được khích lệ bởi chiến dịch được Washington tiếp tục nhằm chống lại đối thủ lâu đời của họ, Riyadh sẽ nắm lấy cơ hội thách thức Tehran để giành quyền chi phối ở Trung Đông. Nhận thấy một cơ hội cho chính mình, Israel sẽ hỗ trợ Ả Rập Xê Út và Mỹ với hy vọng tiêu diệt kẻ thù chung của họ. Khi làm vậy, Israel sẽ kéo mối quan hệ của họ với Ả Rập Xê Út, vốn tồn tại bí mật trong lịch sử, ra khỏi bóng tối.

Đàm phán số phận của một thỏa thuận hạt nhân

Khi căng thẳng nổi lên giữa Mỹ và Iran, Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, mặc dù nó có thể sẽ sống sót qua năm 2018. Thỏa thuận này được tạo ra nhằm ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, và theo phần lớn báo cáo – bao gồm cả báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế – thì Tehran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Chừng nào Iran vẫn còn tuân thủ, thì họ sẽ được nới lỏng các biện pháp trừng phạt cũng như có khả năng nhận được đầu tư nước ngoài và xuất khẩu dầu mỏ.

Nhưng Nhà Trắng tin rằng thỏa thuận này không đủ mạnh để kiềm chế những tham vọng hạt nhân của Iran, cũng không đủ toàn diện để ngăn chặn Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, bảo trợ khủng bố hay hỗ trợ các nhóm chiến binh, như Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tín hiệu cho thấy ý định của ông đối đầu với Iran về vấn đề này khi ông bác bỏ xác nhận JCPOA vào tháng 10/2017. Đối với Tehran, động thái này chỉ xác nhận sự nghi ngờ lâu nay của họ rằng Washington không phải là một bên đàm phán đáng tin cậy.

Việc các cơ quan khác nhau trong Chính phủ Mỹ có những ý tưởng khác nhau về cách thức tiếp cận JCPOA sẽ chỉ làm tăng thêm những tín hiệu lẫn lộn đến từ Washington. Về phần mình, Quốc hội sẽ thực hiện các bước để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran trong khi chú ý để không vi phạm thỏa thuận. Mặt khác, Trump đã cẩn thận bố trí xung quanh mình những người ủng hộ chính sách hiếu chiến sẵn sàng vi phạm thỏa thuận hơn, bất kể các hoạt động của Iran có liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này hay không, để cố buộc nước này phải trở lại bàn đàm phán. Lập trường theo đường lối cứng rắn của họ đối với Iran sẽ khiến mối quan hệ của Washington với Tehran xấu đi nhanh hơn. Và bằng việc xóa bỏ những đảm bảo an ninh ngấm ngầm trong thỏa thuận, Mỹ sẽ tự đặt mình vào một quỹ đạo xung đột với Iran trên khắp khu vực Trung Đông.

Việc Nhà Trắng sẵn sàng đe dọa thỏa thuận này sẽ làm tái phát căn bệnh hoang tưởng trước đây của Tehran khi họ ngăn ngừa điều mà họ tin là một nỗ lực phối hợp của Mỹ, Ả Rập Xê Út và Israel nhằm gây mất ổn định nước Cộng hòa Hồi giáo này. Iran sẽ không phải là nước đầu tiên từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, vì lo sợ nền kinh tế của họ rơi vào tình trạng điêu tàn một lần nữa trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt được tiếp tục. Nhưng những mối đe dọa đối với JCPOA và các biện pháp kinh tế khắc nghiệt hơn bắt nguồn từ Mỹ sẽ kích động những người theo đường lối cứng rắn ở Iran, vốn không coi trọng đối thoại với phương Tây bằng những người có quan điểm ôn hòa như Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Các phe phái này sẽ có thể đảm bảo thêm vốn tài trợ cho quốc phòng và sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, người Iran trong toàn bộ lĩnh vực chính trị sẽ hăng hái duy trì nguyên vẹn thỏa thuận hạt nhân để nước này có thể tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và thu hút đầu tư từ châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Iran sẽ yêu cầu các đồng minh của họ ở châu Âu và Nga giúp bảo vệ khuôn khổ của thỏa thuận. Xét cho cùng, các biện pháp trừng phạt mà JCPOA dỡ bỏ nhắm vào các công ty của châu Âu, chứ không phải Iran. Do đó, hầu hết các thành viên EU đều bảo vệ thỏa thuận này như một phương tiện cho phép tiếp tục các giao dịch kinh tế của họ với Iran trong khi kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran. Do đó, lục địa châu Âu sẽ kêu gọi Mỹ duy trì thỏa thuận. Nga sẽ tham gia cùng châu Âu trong việc ủng hộ JCPOA, vì mối quan hệ gần gũi hơn được rèn giũa qua 2 năm hợp tác giữa nước này và Iran trong cuộc nội chiến Syria đã bắt đầu mang lại thành quả cho Tehran ở bên ngoài chiến trường.

Cuộc nội chiến Syria

Khi Nga và Iran giành được chỗ đứng ở Syria, thì Ả Rập Xê Út và Mỹ lại đánh mất nó. Nhưng dù tầm ảnh hưởng của họ đối với các nhóm nổi dậy bị chia rẽ của nước này đã sụt giảm, Washington và Riyadh vẫn sẽ tìm cách lợi dụng cuộc nội chiến dữ dội nhằm làm suy yếu Tehran.

Sáu năm xung đột ở Syria, cùng với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq, đã làm nổi lên một loạt lực lượng dân sự được Iran hậu thuẫn rải rác khắp khu vực Levant. Iran mong muốn sử dụng các nhóm này để làm thông thoáng một cây cầu trên bộ kết nối nước này với Địa Trung Hải lần đầu tiên kể từ khi Đế quốc Sassanid cai trị Ba Tư vào thế kỷ 7. Nhưng Mỹ, Ả Rập Xê Út và Israel quyết tâm triệt hạ các đồng minh địa phương của Tehran. Hezbollah, một nhóm chiến binh Liban, vốn là một trong các đối tác phi nhà nước mạnh nhất của Iran, sẽ có nguy cơ trở thành mục tiêu chủ yếu của cuộc trấn áp này. Dù sẽ là rất khó để có thể cô lập và bóp nghẹt nhóm này tại chính quê hương của họ, nhưng Hezbollah lại dễ bị ảnh hưởng hơn trước hành động quân sự chống lại họ ở Syria, nơi họ chiến đấu bên cạnh các lực lượng của Tổng thống Bashar al Assad. Chừng nào cuộc chiến tranh còn diễn ra ác liệt và Hezbollah vẫn được mở rộng quá mức, thì Israel sẽ có một khoảng thời gian thuận lợi để tấn công nhóm này, nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Ả Rập Xê Út như họ đang có.

Hầu hết các đảng phải tham gia cuộc nội chiến Syria nhìn chung đã đạt được mục tiêu của họ là đánh bại IS, vốn đã để mất nhiều phần lãnh thổ trải dài ở Syria và Iraq trong suốt năm 2017. Với việc kẻ thù chung của mình bị đánh bại, các đảng này sẽ phải đối đầu với những vấn đề phức tạp và tế nhị hơn nhiều do cuộc xung đột này gây ra. Mặc dù vẫn không có khả năng có một lệnh ngừng bắn vào năm 2018, nhưng các vòng đàm phán hòa bình trong tương lai sau cùng có thể tạo ra một dàn xếp chia sẻ quyền lực để dành một chỗ cho giới thân cận của ông al Assad và đẩy mạnh tiến trình soạn thảo hiến pháp. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào Damascus chấp thuận hầu hết sẽ mang tính bề ngoài, và bất kỳ thỏa thuận nào xác nhận thẩm quyền của Assad cũng sẽ bị quân nổi dậy bác bỏ.

Bất chấp mọi thứ, Nga quyết tâm tìm một lối thoát nhanh chóng khỏi cuộc xung đột để bảo vệ những thành quả mà họ đạt được trong 2 năm qua. Để làm được như vậy, nước này sẽ phải kiềm chế Chính phủ Iran và Chính phủ Syria, vốn quan tâm đến việc bảo đảm một chiến thắng quân sự toàn diện hơn là đạt được một giải pháp thông qua đàm phán. Nga cũng sẽ phải duy trì một cuộc đối thoại mở và thiết thực với Thổ Nhĩ Kỳ, nước có những tham vọng của riêng mình ở Syria để chú tâm vào. Mục tiêu chính của Ankara là ngăn chặn sự nổi lên của một tiểu quốc gia của người Kurd dọc biên giới phía Nam của nước này bằng cách tiếp tục gây chia rẽ các lực lượng người Kurd trong khu vực. Do đó, các cuộc đàm phán của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018 sẽ tập trung vào số phận của người Kurd ở Syria, những người đã đòi hỏi khu vực tự trị của riêng họ.

Bất chấp những thách thức phải đối mặt, Nga sẽ đảm nhận một vai trò quân sự và ngoại giao nổi bật ở Syria trong năm 2018. Tuy nhiên, khả năng nước này can thiệp vào các vấn đề của Trung Đông gây tổn hại cho Mỹ sẽ không bị giới hạn ở đó. Thay vào đó, Nga sẽ mở rộng tầm với của họ đến các vùng khác của khu vực bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị của họ với các nước Arập vùng Vịnh, Ai Cập, Iraq, Libya và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tranh giành lợi thế chiến trường

Các xu hướng của cuộc nội chiến Syria có lẽ đã thay đổi theo hướng có lợi cho Iran, nhưng Ả Rập Xê Út có thể đã may mắn hơn trên các chiến trường khác – cả về vật chất lẫn chính trị – trên khắp khu vực. Hy vọng lợi dụng việc Mỹ tiếp tục có thái độ thù địch đối với Iran, vương quốc này sẽ cố gắng chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của đối thủ lâu năm của họ ở các nước láng giềng yếu hơn của nước này như Yemen, Iraq và Liban.

Tuy nhiên, điều làm phức tạp thêm những nỗ lực của Ả Rập Xê Út sẽ là cố gắng hời hợt của Riyadh tập hợp các đồng minh theo dòng Sunni có cùng tư tưởng chống lại Iran theo dòng Shiite. Về lý thuyết, các đối tác của vương quốc này mạnh hơn nhiều so với các lực lượng ủy nhiệm yếu kém của Iran. Nhưng trên thực tế, họ cũng ít đáng tin cậy hơn. Ả Rập Xê Út sẽ phải vật lộn để tập hợp sự ủng hộ mà họ cần để lãnh đạo bất kỳ hành động cụ thể nào chống lại Iran. Vì thất bại đó, ít nhất thì cũng một phần, mà vương quốc này sẽ gặp khó khăn trong việc làm suy giảm sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria và Iraq, nơi mà Ả Rập Xê Út thiếu các năng lực bất đối xứng vốn là ưu thế của nước Cộng hòa Hồi giáo và các đồng minh của họ.

Yemen là nơi mà Ả Rập Xê Út sẽ có khả năng thành công hơn. Cuộc nội chiến của nước này đã có một bước ngoặt đáng ngạc nhiên vào cuối năm 2017 khi quân nổi dậy Houthi sát hại cựu đồng minh của họ là cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Cái chết của ông đã khiến nhiều người ủng hộ ông rời bỏ liên minh Houthi, có thể chuyển đà của cuộc chiến về phía có lợi cho liên minh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) do Ả Rập Xê Út lãnh đạo nếu họ cầm súng chống lại Houthi. Dù thế nào, quân nổi dậy Houthi cũng sẽ liều lĩnh hơn bao giờ hết để đảm bảo viện trợ từ Iran trong ngắn hạn – và GCC sẽ quyết tâm hơn bao giờ hết để ngăn cản họ nhận được nguồn viện trợ đó.

Do đó, Yemen sẽ trở thành trung tâm của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ác liệt giữa GCC và Iran khi liên minh này tăng cường nỗ lực của mình nhằm khiến quân nổi dậy Houthi nới lỏng kiểm soát đối với thủ đô Sanaa. Giờ đây khi những rạn nứt đã mở rộng bên trong liên minh quân nổi dậy này, một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này thậm chí sẽ khó đạt được hơn – đặc biệt là khi các nhóm lợi ích người Yemen khác, kể cả những người theo chủ trương ly khai ở miền Nam, nắm lấy cơ hội này để thúc đẩy các tuyên bố chính trị của riêng họ.

Dùng mưu mẹo để đạt được tầm ảnh hưởng chính trị

Trong khi đó, Ả Rập Xê Út sẽ gây khó khăn cho Iran trên các chiến trường chính trị vì điều này có tác dụng làm suy yếu các đảng và chính trị gia được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Liban. Iraq sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5/2018, mang lại cho đất nước này thời khắc hiếm hoi để khẳng định sự độc lập của mình trước các cường quốc nước ngoài có liên quan trong phạm vi biên giới của họ. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi sẽ đấu tranh cho một khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên ủng hộ việc chống lại tầm ảnh hưởng bên ngoài (bao gồm từ Mỹ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ), trong khi nhà lãnh đạo Iraq theo dòng Shiite Muqtada al-Sadr sẽ ủng hộ giọng điệu tương tự với hy vọng biến nó thành các thành tựu trong cuộc bầu cử.

Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Iran sẽ sử dụng những kết nối của họ với Lực lượng huy động nhân dân dòng Shiite của Iraq – một số lực lượng dân quân đã tạo ra các phe cánh chính trị mà sẽ tham gia tranh cử – để định hình việc xây dựng liên minh ở Baghdad. Để cân bằng các nhóm này, GCC sẽ rót tiền và viện trợ cho các đảng phái khác theo dòng Sunni và Shiite ở Iraq. Tuy nhiên, xét tới sự kiên định của các chính trị gia Iraq theo dòng Shiite gắn bó với Iran, thì khối vùng Vịnh sẽ gặp khó khăn trong việc làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Tehran.

Về phía Bắc, ở khu vực Kurdistan của Iraq, một nỗ lực tuyên bố độc lập thất bại vào cuối năm 2017 đã khiến sự chia rẽ giữa tỉnh Arbil (do đảng Dân chủ Kurdistan lãnh đạo) và tỉnh Sulaimaniyah (do Liên minh ái quốc Kurdistan lãnh đạo) thậm chí trở nên rõ rệt hơn. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ trở lại vai trò lâu nay của họ lần lượt là những nước bảo trợ về kinh tế và chính trị của các đảng này trong năm 2018. Khi các cuộc đàm phán của khu vực tự trị này với chính phủ trung ương tiến triển, Baghdad sẽ tận dụng mối quan hệ của họ với Tehran để cố gắng gây mối bất hòa sâu sắc hơn giữa các đảng người Kurd – làm trầm trọng thêm cuộc cạnh tranh của Iran với Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra ở đất nước này. Sự rạn nứt ngày càng lớn giữa người Kurd ở Iraq sẽ được thể hiện rõ ràng ở kết quả các cuộc tổng tuyển cử của khu vực này vào năm 2018, cản trở khả năng Arbil thương lượng với Baghdad về doanh thu dầu mỏ và vùng lãnh thổ tranh chấp.

Trong khi đó, Ả Rập Xê Út sẽ cố gắng lợi dụng Thủ tướng Liban Saad al-Hariri để gây ảnh hưởng đến nền chính trị ở Beirut nhằm làm xói mòn các lợi ích của Hezbollah. Nhưng nhóm chiến binh này đã “ăn sâu bén rễ” ở Liban, và bất chấp những thành quả ngoại giao nhỏ bé mà Ả Rập Xê Út sẽ nỗ lực đạt được trong các cộng đồng người Sunni và Cơ đốc giáo của nước này vào năm 2018, Riyadh sẽ không thể tổ chức một cuộc tấn công có hiệu quả vào vị trí của quân nổi dậy ở nước này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vấp phải các rào cản tương tự khi họ trông cậy vào các mối liên kết của mình với các nhà lãnh đạo theo dòng Sunni ở Liban để cố gắng chống lại đối tác quân sự của Iran.

Kể cả như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tìm kiếm các biện pháp khác để tạo dấu ấn của riêng mình ở Trung Đông. Qatar sẽ không thể là một đồng minh về mặt này: Cả hai nước đều khao khát có được uy tín trong khu vực và sự độc lập trước các nước láng giềng hùng mạnh của họ – Iran và Ả Rập Xê Út. Trong năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ Qatar bằng việc triển khai binh lính và trang thiết bị quân sự đến lãnh thổ nước này và tăng cường thương mại. Sự hiện diện ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trên bán đảo Arập sẽ gây mối thù địch với Ả Rập Xê Út trong khi nhấn mạnh những sự chia rẽ đang lan tràn khắp GCC. Đồng thời, mối quan hệ đối tác đang nổi lên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar sẽ vô hiệu hóa những nỗ lực của vương quốc Ả Rập Xê Út nhằm củng cố vị thế của họ như là cường quốc theo dòng Sunni thống trị ở Trung Đông.

Chiến lược tồn tại của Ả Rập Xê Út

Khi Ả Rập Xê Út tranh đấu với các đối thủ của họ ở nước ngoài, thì nước này cũng sẽ phải vật lộn với các cuộc cải cách nan giải ở trong nước. Mặc dù tất cả các nước GCC sẽ phải tiến hành các cuộc cải cách khó khăn vào năm 2018, nhưng các cuộc cải cách của Ả Rập Xê Út là lớn nhất và tham vọng nhất. Tâm điểm của những sự thay đổi về chính sách đang diễn ra trong nước sẽ là Thái tử Mohammed bin Salman, người sẽ sử dụng quyền lực mới được trao để thúc đẩy nghị trình có ảnh hưởng sâu rộng của ông. Nhà lãnh đạo trẻ này sẽ cố gắng thực hiện những lời hứa của mình về việc tiến hành cuộc cải cách kinh tế mạnh mẽ, nhằm mục đích thúc đẩy doanh thu ngoài dầu mỏ thông qua thuế và lợi nhuận từ đầu tư, kích thích tăng trưởng khu vực tư nhân và quốc hữu hóa lực lượng lao động của vương quốc này.

Ả Rập Xê Út không thể trì hoãn các cuộc cải cách kinh tế khó khăn này lâu hơn nữa, và các công dân của họ sẽ sớm nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự thay đổi đau đớn, nếu cần thiết. Để cân bằng ngân sách của mình, Riyadh hầu như sẽ không có sự lựa chọn nào ngoài việc ban hành các loại thuế mới và bắt đầu phát hành một phần cổ phiếu của Công ty dầu mỏ Ả Rập Xê Út ra công chúng lần đầu theo kế hoạch, việc này sẽ cung cấp số vốn rất cần thiết cho các khoản đầu tư trong tương lai của vương quốc này. (Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu này hiện dự kiến diễn ra vào năm 2018, nhưng nó có thể bị lùi lại). Khi giá thành của các hàng hóa hàng ngày như chất đốt gia tăng, sự bất mãn của người dân có thể tăng lên theo. Chính phủ sẽ đáp ứng những yêu cầu của người dân của họ, xem xét lại một số mục tiêu nếu chúng bị cho là quá hung hăng. Một phần nhờ vào sự chú ý và linh hoạt này, cũng như việc sẵn sàng thúc đẩy đầu tư vốn vào năm 2018, mà vương quốc này sẽ đạt được một vài trong số các mục tiêu của họ – bao gồm tăng trưởng doanh thu ngoài dầu mỏ.

Một số mục tiêu kinh tế của Ả Rập Xê Út đòi hỏi phải có những sự thay đổi táo bạo về hành vi xã hội vốn sẽ mất thời gian để khuyến khích. Sau cùng, Salman có ý định thiết kế một khế ước xã hội mới điều chỉnh kỳ vọng của công dân đối với chính phủ của họ và ngược lại. Tuy nhiên, trong khi đó, vương quốc này sẽ có những bước tiến đáng chú ý hướng tới bản khế ước đó. Riyadh có khả năng sẽ cho phép phụ nữ được quyền lái xe vào tháng 6/2018, và các cơ hội giải trí mới sẽ xuất hiện trong suốt cả năm. Thái tử sẽ mở đầu từng bước bằng cách đưa ra trước những thông báo mang tính thăm dò về các biện pháp nhằm đánh giá phản ứng của người dân và thực hiện cam kết của ông là duy trì sự minh bạch. Mặc dù giới tăng lữ bảo thủ của nước này sẽ cố gắng ngăn cản cuộc cải cách bằng cách kêu gọi một nhóm dân số lớn tuổi vốn thận trọng với các cuộc cải cách mạnh mẽ của thái tử, nhưng giới trẻ Ả Rập Xê Út sẽ ngày càng ủng hộ tầm nhìn của Salman về tương lai của vương quốc này.

Chủ nghĩa dân tộc Bắc Phi

Chính phủ Ai Cập cũng sẽ theo dõi chặt chẽ dư luận trong năm 2018. Nước này sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2018. Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang sẽ quản lý cẩn thận cuộc bỏ phiếu, để người dân Ai Cập hầu như không có sự lựa chọn nào trong quá trình lựa chọn trên thực tế của họ. Nhưng điều quan trọng hơn sẽ là số lượng người tham gia ở các sự kiện của chiến dịch vận động, hoạt động truyền thông xã hội và số lượng cử tri đi bầu – tất cả những điều này sẽ tiết lộ một số chi tiết về quan điểm của cử tri về các chiến lược kinh tế và an ninh của Ai Cập. Bất kỳ sự thất vọng nào của người dân đối với chính phủ ở Cairo sẽ được thể hiện thông qua các ứng cử viên của phe đối lập, như luật sư Khaled Ali. Những sự cắt giảm trợ cấp đã được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua và dự kiến thực hiện trong năm 2018 sẽ giáng một đòn nặng nề vào các công dân thuộc tầng lớp trung lưu trở xuống ở Ai Cập, nhưng Cairo sẽ cố gắng giảm bớt hậu quả chính trị trong nước bằng cách phân phát tiền mặt.

Nhờ các khoản cho vay của IMF khích lệ, Ai Cập sẽ thể hiện sự độc lập nhiều hơn trong các mối quan hệ của họ ở nước ngoài. (Nước này càng có khả năng thanh toán tài chính, họ càng ít phụ thuộc vào các nhà tài trợ nước ngoài). Vì mục tiêu đó, Cairo sẽ cân bằng mối quan hệ của họ với Mỹ và Nga trong khi giữ khoảng cách với Ả Rập Xê Út. Dù Ai Cập không phải là bạn của Iran, nhưng họ cũng không thích phục tùng những đòi hỏi của Ả Rập Xê Út. Cairo cũng sẽ thấy mình bị Ankara lạnh nhạt trong năm 2018 khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sự nghiệp của người Palestine – làm giảm dần khả năng của chính Ai Cập trở thành một bên trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Ai Cập sẽ cố gắng chống lại những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, và xử lý tốt hơn các vấn đề của họ với thái độ hiếu chiến trên bán đảo Sinai bằng cách tranh thủ mối quan hệ sâu sắc hơn với Hamas, nhóm người Palestine được giao nhiệm vụ cai quản dải Gaza. Cairo cũng sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Washington nhằm đàm phán một thỏa thuận hòa bình mới giữa Israel và Palestine.

Ở nước láng giềng, động lực sẽ được xây dựng đằng sau nỗ lực tổ chức các cuộc bầu cử ở Libya. Nhưng mặc dù sáng kiến gần đây nhất được Liên hợp quốc hậu thuẫn đang giành được sự ủng hộ, nhiều phe phái tham gia các cuộc đàm phán hòa bình không có khả năng sẽ thảo luận về những khác biệt của họ trong năm 2018. Tuy nhiên, một dạng chủ nghĩa dân tộc chung đã xuất hiện ở các nhóm hùng mạnh nhất ở miền Đông và miền Tây Libya – bao gồm nguyên soái Khalifa Hifter của Quân đội quốc gia Libya, người đã dần giành được sự chấp thuận của cộng đồng quốc tế. Một hội nghị cấp quốc gia tại Tunis nhằm xúc tiến tiến trình bầu cử sẽ cho thấy nền tảng chung xuất hiện ở Libya vào năm 2018. Ngay dù vậy, hầu như sẽ không đảng nào bị thuyết phục rằng các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc sẽ đáp ứng được các đòi hỏi của họ, đảm bảo rằng người mạnh nhất trong số họ, như Hifter, sẽ tiếp tục hành động vì lợi ích của riêng họ khi các cuộc đàm phán diễn ra.

Các cuộc thánh chiến

IS có thể đã phải chịu thất bại nặng nề ở Iraq và Syria, nhưng cuộc chiến chống các nhóm cực đoan trên thế giới chưa kết thúc. Al Qaeda sẽ nỗ lực lợi dụng sự sụp đổ của cái gọi là vương quốc của IS để đánh bóng tên tuổi của riêng họ như là nhóm lãnh đạo phong trào thánh chiến toàn cầu và truyền bá tầm nhìn của họ về “cuộc đấu tranh lâu dài”. Các nỗ lực tuyển quân của nhóm này sẽ nhằm mục đích thu hút những người hiện đang ủng hộ và có khả năng sẽ ủng hộ IS trong năm 2018.

Cả al Qaeda lẫn IS đều sẽ tìm kiếm các nước yếu mà ở đó họ có thể thiết lập các thành trì mới hoặc mở rộng những vị trí cũ của mình, tập trung vào Yemen, Libya và bán đảo Sinai. Các không gian không có chính phủ của Sahel, Afghanistan và Somali cũng có thể tỏ ra hấp dẫn đối với họ. Trong khi đó, al Qaeda sẽ thăm dò các cơ sở của họ trong các cuộc xung đột trên khắp Trung Đông – kể cả Syria, nơi mà sự chia rẽ giữa al Qaeda và nhánh Hayat Tahrir al-Sham đã gây tổn hại đến sự cố kết của tổ chức này. Khi cuộc chiến đấu giành lấy trái tim và khối óc của các tân binh tiềm năng trên khắp thế giới vẫn còn dai dẳng, thì mối đe dọa từ các chiến binh địa phương được truyền cảm hứng bởi những tư tưởng cực đoan cạnh tranh nhau thúc giục họ tiến hành các cuộc tấn công cũng sẽ dai dẳng.

Theo Dự báo Thường niên 2018, Stratfor

Trần Quang (gt)

(Nghiencuubiendong.vn)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN