Thảm họa vỡ đập Machchu-2 ở Ấn Độ - cảnh báo bị phớt lờ!

Sự cố vỡ đập Machchu – 2 (Ấn Độ) được xác định là do mưa lớn liên tiếp 10 ngày và lũ lụt lớn đẫn đến vượt quá công suất của đập. Dòng chảy sau lượng mưa lớn đạt 16307 m3/giây, gấp 3 lần công suất được thiết kế đã khiến con đập bị vỡ.

Tuy nhiên, sau gần 40 năm xảy ra thảm họa, một nghi vấn được đặt ra là, liệu thảm họa nhấn chìm một khu vực với 75.000 dân này có thể tránh được hay ít ra là giảm nhẹ thương vong nếu được cảnh báo?

Thảm họa vỡ đập Machchu-2 là một trong những sự cố thảm khốc nhất của Ấn Độ

Bộ trưởng Thủy lợi Keshobhai Patel, cũng như cấp dưới của ông tin rằng lượng mưa lớn bất thường đã làm cho thảm họa không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, một bản báo cáo chi tiết về sự kiện này cho thấy, thảm họa xảy ra ở Morbi là sự kết hợp của một lượng mưa lớn bất thường và công tác dự báo cũng như ứng cứu khi thảm họa xảy ra.

Một thông tin khác ít được công khai hơn cho rằng, chính quyền thị trấn Morbi không nắm được thông tin rằng đập Machchu-2 đã bị sập một nửa cho đến 15 giờ sau khi điều này xảy ra, tức là vào khoảng 3 giờ chiều 11/8/1979. Cho đến lúc đó, mọi người vẫn tưởng rằng, nước ngập là từ dòng sông tràn vào thành phố.

Đến gần 24 giờ sau khi đập vỡ, tin tức mới được phát sóng trên đài phát thanh, tức là vào chiều ngày 12/8. Và đến lúc đó, cả thành phố bị ảnh hưởng và không thể cứu vãn.

Khi trời bắt đầu mưa ở Morbi vào chiều ngày 10/8, kỹ sư Mehta làm nhiệm vụ tại đập Machchu-II đang ở Wankaner, một thị trấn nằm giữa hai con đập. Mehta trực tiếp phụ trách hai đập nằm cách nhau 30 km.

Theo thông tin chính thức, khi trời bắt đầu mưa lớm vào tối ngày 10/8, Mehta đã gửi một thông báo đến địa điểm đập Machchu-2 để mở 18 cửa xả đáy của đập, mỗi cửa 180cm và kiểm soát mực nước. Mehta cũng là người được cho là đã ban hành hướng dẫn rằng, thị trấn Morvi nên cảnh báo cho người dân.

Sau khi gửi đi thông báo từ Wankaner, Mehta vội vã quay trở lại Machchu-2 và phát hiện mực nước tăng lên 5,7m lúc 11 giờ 30 phút, trong khi mức độ nguy hiểm là 5,769m. Mehta bắt đầu mở toàn bộ cửa xả đáy.

Nhưng khi mở đến cửa thứ 16, vì quá tải máy phát điện, các cuộn dây và động cơ điện của 2 cửa cuối bị đốt cháy. Mehta cùng một vài thợ cơ khí đã cố gắng hết sức để vận hành máy phát điện nhưng không khả thi. Mực nước đã tăng lên đến 6m.

Mehta đã nhanh chóng liên lạc với với thị trưởng thành phố Rathibhai Desai, để sơ tán người dân ở vùng trũng của thành phố. Nhưng khi các quan chức thị trấn cố gắng thông báo mức độ nghiêm trọng của tình hình cho trụ sở chính ở Rajkot, các đường dây điện thoại đều bị gián đoạn. Hệ thống viễn thông yếu kém của Ấn Độ đã không hoạt động vào thời điểm quan trọng nhất. Tuy nhiên, các quan chức dường như không mảy may nghĩ đến khả năng vỡ đập.

Nhưng sự chủ quan đã phải trả giá, chỉ một vài giờ sau đó, nước lũ lụt đã bao phủ hết mọi lối đi ở Morbi.

Thảm họa vỡ đập thủy điện tại Lào khiến 26 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích

Việc phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo một lần nữa lại xảy ra tại đập thủy điện Xe-pian Xenamnoy, Lào vào ngày 23/7/2018.

Trước khi thảm họa xảy ra, Korea Western Power – một trong những công ty tiến hành dự án – đã phát hiện một vết lún sâu khoảng 10cm, ở giữa đập. Tuy nhiên, cho rằng, tình trạng lún như vậy là phổ biến khi thời tiết mưa lớn, các kỹ sư đã quyết định tiếp tục theo dõi thay vì tiến hành sữa chữa.

Một ngày trước khi vụ vỡ đập xảy ra, các kỹ sư tiếp tục phát hiện 10 vết nứt trên đỉnh đập và tiến hành sửa chữa. 11 giờ sáng hôm sau, xuất hiện một vết lún sâu gần 1m ở đỉnh đập.

Công ty này đã gửi một thông tin cảnh báo tới quan chức tỉnh rằng Đập Saddle D đang ở trong điều kiện nguy hiểm do mưa lớn và dân làng cần được sơ tán. Chiều tối 23/7, con đập đã bị vỡ, kéo theo mạng sống của 26 người, và hơn 6.000 người lâm vào cảnh vô gia cư.

Ian Baird – GS địa lý tại Đại học Wisconsin, Madison cho rằng, vấn đề nằm ở sai phạm trong xây dựng và tích trữ quá nhiều nước trong hồ chứa mà không tính toán đến tình trạng mưa lớn, rất hay xảy ra vào thời điểm này ở khu vực Đông Nam Á. “Các công ty đang cố gắng lái sự việc này như một thảm họa thiên nhiên, không phải là lỗi của họ. Tôi không tin điều đó”, ông nói.

THANH HƯƠNG / Nông nghiệp

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN