Tình báo Đức và NATO: Huawei rất nguy hiểm nếu hợp tác xây dựng mạng di động 5G

Đại diện từ dịch vụ tình báo Đức BND vừa nói với một ủy ban của các nhà lập pháp rằng Huawei Technologies không phải đối tác đáng tin cậy để xây dựng mạng di động 5G ở quốc gia châu Âu.

Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, đại diện cơ quan tình báo Đức cho rằng “các sự cố liên quan đến an ninh” có dính đến Huawei trong quá khứ là một phần lý do. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Đức phát biểu trong cùng cuộc họp rằng chuyện làm việc với doanh nghiệp hợp tác cùng cơ quan tình báo quốc gia sẽ khó khăn.
“Trên hết là vấn đề đáng tin và sức ảnh hưởng lên mối quan hệ của chúng tôi với các đồng minh”, Bộ Ngoại giao Đức nói với hội đồng. Chính phủ Đức không công khai tên của các quan chức có ý kiến.

Trụ sở Cục Tình báo liên bang Đức (BND). (Nguồn: nbcnews.com)

Giới chức tình báo Đức đã và đang thúc giục chính phủ chặn Huawei tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G ở nước này. Họ lo rằng Huawei có thể giúp Trung Quốc đánh cắp bí mật doanh nghiệp Đức. Huawei nhiều lần phủ nhận hành vi sai phạm và từ lâu khẳng định hãng không tạo cửa hậu cho gián điệp Trung Quốc hoạt động.

Hiện ở Đức, ra lệnh cấm hoàn toàn với Huawei được xem là bất khả thi về mặt pháp lý, song giới chức vẫn xem xét nhiều biện pháp có tác dụng tương tự. Mỹ đã và đang gây áp lực với đồng minh châu Âu, buộc họ cấm thiết bị của công ty Trung Quốc trong mạng 5G vì nỗi lo gián điệp. Đức có kế hoạch khởi động đấu giá phổ 5G từ ngày 19.3.

Trong diễn biến liên quan, hôm 14.3, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho hay liên minh 29 thành viên đã bắt đầu tham vấn nội bộ về Huawei. Mỹ và một số quốc gia phương Tây đã loại Huawei khỏi cuộc đua 5G.

Theo hãng tin AP, ông Stoltenberg nói rằng một số trong 29 thành viên NATO đang cảm thấy bất an về những thách thức bảo mật tiềm ẩn khi làm việc với Huawei trong lúc họ xem xét đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông 5G.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg

“Một số đồng minh NATO bày tỏ mối quan tâm của họ về Huawei và vai trò của hãng này trong việc cung ứng cơ sở hạ tầng 5G. NATO rất nghiêm túc về những lo ngại trên. Chúng tôi hiện tư vấn chặt chẽ về vấn đề, bao gồm cả khía cạnh an ninh lẫn đầu tư vào mạng 5G”, ông Jens Stoltenberg nói. NATO tăng cường phòng thủ chống chiến tranh mạng trong những năm gần đây trong bối cảnh tổ chức ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xung đột hiện đại.

Ông Stoltenberg cho biết vấn đề này đang được giải quyết tại nhiều thủ đô của NATO. “Đây là một vấn đề thương mại và kinh tế nhưng cũng có những hệ lụy tiềm tàng về an ninh”, người đứng đầu NATO nhấn mạnh.

Tướng Mỹ Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Đồng minh Tối cao của NATO ở châu Âu, phác thảo lo ngại về Huawei trước giới lập pháp Mỹ hôm 13.3: “Chúng tôi lo ngại về đường trục viễn thông của họ bị xâm phạm, đặc biệt là với 5G, với khả năng băng thông và xử lý dữ liệu đáng kinh ngạc”. Ông Scaparrotti thẳng thắn cho biết nếu công nghệ Huawei được dùng trong hệ thống liên lạc quốc phòng các nước châu Âu, quân đội Mỹ sẽ không còn liên lạc với các quốc gia này nữa.

“NATO rất coi trọng những lo ngại này”, ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết các đồng minh của NATO sẽ tiếp tục trao đổi ý kiến, tiếp tục đánh giá và xem xét liệu NATO có vai trò gì hay không”.

Ông Stoltenberg đã từ chối cho biết những gì mà tổ chức này có thể làm.

Theo đài Al Jazeera, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng thuyết phục các đồng minh chống lại việc sử dụng Huawei và các nhà cung cấp Trung Quốc khác trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng 5G.

Mỹ đang vận động châu Âu và các đồng minh khác tránh xa Huawei khi các nhà mạng điện thoại của họ đầu tư hàng tỉ USD để nâng cấp lên các mạng di động thế hệ tiếp theo.

Washington cho rằng Huawei và các công ty Trung Quốc khác phải tuân theo Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc, vốn đòi hỏi các tổ chức và công dân nước này hợp tác trong những nỗ lực gián điệp của Bắc Kinh.

Tháng 8 năm ngoái, ông Trump đã ký một dự luật cấm các cơ quan chính phủ sử dụng một số sản phẩm viễn thông và giám sát của các nhà cung cấp Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Về phần mình, Huawei, vốn đã liên tục bác bỏ các cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp thay mặt chính phủ Trung Quốc, tuần trước tuyên bố khởi kiện Mỹ về lệnh cấm trên, cho rằng hành động này là “bất hợp pháp” và hạn chế “tham gia cạnh tranh công bằng”.

Sau phát biểu của ông Stoltenberg ngày 14-3, Huawei đã đưa ra tuyên bố khẳng định “không có bằng chứng” cho thấy họ đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh mạng, và rằng công ty này “để ngỏ đối thoại” với bất cứ ai có mối quan tâm chính đáng về an ninh mạng.

NTPL

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN