Sáng 15/10, tại TPHCM, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM và Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Vấn đề độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam” để trao đổi về thực trạng và hướng đi cho nền kinh tế Việt Nam (ảnh). Tham gia tọa đàm có các Viện trưởng, chuyên gia kinh tế của các Viện nghiên cứu, Hiệp hội kinh tế Việt Nam và TPHCM…. Chủ trì hội thảo : Bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Đại sứ Trịnh Ngọc Thái – Nguyên Phó ban đối ngoại TW, Phó chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam, GS.TS Trình Quang Phú – Ủy viên Trung ương, Phó chủ nhiện hội đồng tư vấn đối ngoại của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong lời khai mạc, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, hiện nay trên thế giới đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt về kinh tế. Bà nhấn mạnh: “Đối với chúng ta, đây là cuộc chiến đấu, do đó, ta phải đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực tự cường, không chịu khuất phục trước sự nghèo đói, thua kém các nước khác để vươn lên phát triển ngang tầm các nước khác!”
Bà Nguyễn Thị Bình nhận định: Kể từ sau khi có chủ trương đổi mới, trong một thời gian nền kinh tế đã phát triển rất nhanh, bộ mặt đất nước nhìn chung có sự thay đổi như chương trình “xoá đói giảm nghèo” được đánh giá cao, ngành công nghiệp nhẹ phát triển nhanh điển hình là ngành dệt may.
Tuy nhiên, sự khủng hoảng kinh tế vừa qua đã tác động không ít vào sự non yếu của nền kinh tế nước ta khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng vạn công nhân thất nghiệp, sản xuất đình đốn.
Kim ngạch xuất khẩu thời gian qua có tăng nhưng phần nhiều lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, trong khi nhiều doanh nghiệp của ta vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn xuất khẩu nhiều sản phẩm thô chưa qua chế biến. Nguồn nhân lực của ta dồi dào nhưng trình độ chưa được nhân lên, năng suất lao động vẫn thấp. Doanh nghiệp tham gia mua bán – sáp nhập, liên doanh thì có nguy cơ bị chi phối, thâu tóm. Một số thương nhân còn tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài làm rối thêm thị trường trong nước…
Đánh giá về FDI, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, FDI được xem là một phần quan trọng của kinh tế, nhưng đến nay, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo và đề nghị Chính phủ nên có một chiến lược mới về FDI để “chúng ta cũng phải có lợi một cách thỏa đáng”- bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cho rằng, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã thu hút được một nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Việt Nam chưa chú trọng đúng mức về phát triển các doanh nghiệp nội địa. TS Đào Duy Huân, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đẩy nhanh hội nhập kinh tế thế giới, phù hợp với quy luật kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ngành trong nền kinh tế nước ta vẫn còn làm gia công cho nước ngoài. Chính vì vậy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn FDI.
Để giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế, Việt Nam phải xây dựng nội lực kinh tế vững mạnh. Trong đó, cần đầu tư phát triển những thế mạnh vốn có như: huy động nguồn lực để phát triển cho nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải tái cấu trúc nền kinh tế, tạo ra những sản phẩm khác biệt để cạnh tranh, chứ không phải cứ loay hoay làm hàng gia công, lắp ráp. Đồng thởi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chuẩn bị cho sân chơi mới sắp tới là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam nói: “Chúng ta phải làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam vực dậy được nền kinh tế, thích ứng được với hội nhập kinh tế quốc tế. Mấy năm qua, chúng ta nói nhiều về tái cơ cấu, nhưng làm rất ít, bây giờ chúng ta không thể vẫn làm theo cách cũ và thêm một chút vốn để tái cơ cấu, mà chúng ta chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế, đấy mới là con đường hội nhập kinh tế quốc tế chủ động”.
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam là khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và lệ thuộc nguồn vốn bên ngoài ngày càng nặng (lệ thuộc nhập khẩu hàng hóa đầu vào, nên nhập siêu “trường kỳ”). Doanh nghiệp khu vực trong nước đang ngày càng yếu đi thấy rõ (cả doanh nghiệp nhà nước, tư nhân). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lệ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, chỉ Samsung thôi đã chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, bằng với tỷ trọng xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Thiên dẫn chứng.
So sánh mối quan hệ tương thuộc và lệ thuộc, TS Thiên khẳng định Việt Nam đang lệ thuộc nhiều hơn và xu hướng lệ thuộc ngày càng gia tăng bởi cấu trúc nền kinh tế có nhiều rủi ro, nội lực yếu. Thậm chí, kinh tế Việt Nam đang rơi vào điểm nghẽn nhưng chưa biết khi nào thoát ra được. Việt Nam hiện chưa có vị thế độc lập trong hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay mà nguyên nhân chính là do chiến lược “bóc ngắn, cắn dài”, mô hình tăng trưởng còn nặng phần tận khai thác tài nguyên quốc gia…
Nêu ra những giải pháp cơ bản, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh trước tiên phải khôi phục khu vực nội địa, phân tích thực tế 30 năm đổi mới và căn cứ vào thực tế để rút kinh nghiệm. Phải định hình nền kinh tế luôn đảm bảo hai tuyến, thứ nhất đảm bảo phúc lợi quốc gia, thứ hai là lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, phải trở lại giải quyết những vấn đề cơ bản của đổi mới đất đai và cải cách khu vực kinh tế nhà nước, trong đó hạt nhân là các tập đoàn nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta phải phân bổ hợp lý nguồn lực quốc gia, tái cơ cấu nền kinh tế.
Tóm lại, theo ông Thiên, Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng “đẳng cấp” không cải thiện và khi tính bền vững thấp, chúng ta khó mà tự chủ được. Nền kinh tế hiện tại chúng ta còn ở khoảng cách rất xa so với thế giới như dự trữ ngoại tệ, ngân sách, thâm hụt ngân sách, nợ xấu… dẫn đến khó hội nhập.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá, qua hội thảo, có thể khẳng định nền kinh tế nước ta tuy có phát triển nhưng kém bền vững và có khả năng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Các ý kiến đã gợi mở một số chính sách, hướng đi để khắc phục những hạn chế của nền kinh tế hiện nay. Trong đó, cần phải chuyển sang phương thức phát triển mới, định hướng chất lượng, công nghệ cao, lấy công nghệ thông tin làm nền tảng; tạo lập cấu trúc kinh tế mới. Cạnh đó, Việt Nam cần quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh, như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Nói cách khách là phải chú ý phát huy nội lực, kinh tế nội lực mạnh thì dân tộc mạnh và mạnh vững chắc.
Ngoài ra, việc thực hiện các cam kết quốc tế về kinh tế cần được thông tin rộng rãi, kịp thời để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, biết đâu là lợi ích của mình, đâu là rủi ro… qua đó để cùng nỗ lực, xác định mục tiêu phấn đấu hướng đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cho đất nước.