Tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập siết gọng kìm tấn công với Trung Quốc, không hề có ý định nhượng bộ. Trong khi Bắc Kinh cũng lộ diện đòn hiểm.
Mỹ dồn dập ra đòn
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ra lệnh cho các cơ quan chính quyền khởi động quá trình tăng thuế trên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, với tổng giá trị ước tính khoảng 300 tỷ USD.
Đây là một động thái cứng rắn tiếp theo sau khi ông Trump hôm 10/5 tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc.
Nếu không có gì thay đổi, từ đầu tuần mới chính quyền ông Donald Trump sẽ bắt đầu thực hiện quá trình tăng thuế với mọi hàng hoá Trung Quốc, thay vì chỉ khoảng một nửa số hàng hóa bị áp thuế cao như hiện nay.
Mức thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng nhập còn lại của Trung Quốc có thể sẽ được thực hiện trong vài tháng tới sau khi chính quyền Mỹ thực hiện đầy đủ các thủ tục theo như quy định của nước Mỹ.
Những động thái tung đòn liên tục của chính quyền Mỹ được đưa ra trong bối cảnh, các đại diện đàm phán của Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã nuốt lời, đảo ngược những điều khoản mà 2 bên đã thỏa thuận nháp trước đó. Nó cũng cho thấy ông Trump không có ý định nhượng bộ hay nới lỏng gọng kìm lên chính quyền Bắc Kinh.
Ngay trước cuộc đàm phán được cho là cuối cùng tại Washington trước khi trình lên ông Trump và Tập Cận Bình trong gặp thượng đỉnh dự kiến ngay trong tháng 5, Bắc Kinh đã rút lại hầu hết cam kết đưa ra với Mỹ. Hầu như điểm nào trong dự thảo thỏa thuận cũng có đoạn bị Trung Quốc gạch bỏ.
Trung Quốc đã xóa các cam kết về thay đổi luật pháp liên quan tài sản trí tuệ, bí mật thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ,… Đây đều là những vấn đề mà ông Donald Trump khoe là đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.
Trong một dòng trạng thái trên Twitter sau cuộc họp bất thành, ông Trump cho biết, mối quan hệ với chủ tịch Tập Cận Bình “vẫn vững mạnh, và các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong tương lai”. Nhưng ông Trump cũng không quên nhấn mạnh: Mỹ vẫn sẽ áp thuế lên hàng Trung Quốc, và việc có gỡ bỏ thuế hay không “tùy thuộc vào các vòng đàm phán tương lai” và Mỹ “không vội đi đến một thỏa thuận” với Trung Quốc.
Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn để ngỏ về khả năng đàm phán với Trung Quốc với thời hạn mà ông Trump đưa ra là 1 tháng để giải quyết bế tắc, để tránh đàm phàn Mỹ – Trung đổ vỡ hoàn toàn.
Tuy nhiên, mâu thuẫn giờ đây được xem là sâu sắc. Trung Quốc vẫn kiên định với định hướng: không thỏa thuận và nhượng bộ trên các vấn đề cốt lõi. Trong khi Mỹ kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi trong nhiều vấn đề, từ nạn ăn cắp công nghệ, vi phạm sở hữu trí tuệ, phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) cho đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng…
Bắc Kinh lộ đòn hiểm
Quan điểm hai bên còn quá xa nhau, khác biệt lớn còn tồn tại. Những yêu cầu chính trị trong nội bộ của 2 nước cũng rất lớn. Hơn thế, việc Trung Quốc già néo, nuốt lời, thay đổi toàn bộ những thỏa thuận nháp trước đó khiến chính quyền ông Trump bất bình. Việc Trung Quốc quay lại bàn đàm phán và chấp nhận lùi bước trước ông Trump không đơn giản, nhất là khi ông Trump đã đẩy căng thẳng leo thang.
Sở dĩ Trung Quốc lật kèo, thay đổi thỏa thuận được cho là bởi cán cân tương quan giữa Mỹ và Trung Quốc thay đổi gần đây. Ông Donald Trump không còn trong thế áp đảo sau khi chịu nhiều áp lực từ Hạ viện do Đảng Dân chủ chi phối và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không hưởng ứng lời kêu gọi cắt giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ông Trump.
Trong khi đó, Trung Quốc đã gặt hái được thêm nhiều niềm tin về sức mạnh của mình. Nền kinh tế Trung Quốc không suy sụp như dự báo sau những đòn thương mại ban đầu của Mỹ cũng như Bắc Kinh vẫn gồng được những bẩn ổn kinh tế nội tại bên trong. Chứng khoán tăng trưởng mạnh trở lại.
Chính quyền ông Tập Cận Bình còn được cho là đã thành công tại Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai – con đường” (BRF) lần thứ 2 hồi cuối tháng 4 với việc các nước ký kết các thương vụ với tổng trị giá 64 tỷ USD.
Sáng kiến BRF được nhiều nước, trong đó có Mỹ, xem là công cụ nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc ra nước ngoài và khiến các quốc gia tham gia vướng phải các khoản nợ lớn thông qua các dự án không minh bạch. Cho đến nay, theo China Daily , có 125 quốc gia và 29 tổ chức đã ký hàng trăm thỏa thuận hợp tác.
Đáp trả các đòn thuế mới của Mỹ, Trung Quốc bày tỏ “vô cùng lấy làm tiếc” khi Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cho biết Bắc Kinh “sẽ có các biện pháp đáp trả cần thiết”.
Cho tới thời điểm này, Bắc Kinh chưa công bố những biện pháp đáp trả là gì nhưng theo giới quan sát, nhưng vũ khí mà Trung Quốc có thể đưa ra là: tăng thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa áp thuế trước đó; bán tháo trái phiếu của Mỹ, phá giá đồng NDT để giảm thiểu thiệt hại do thuế Mỹ gây ra; gây khó cho các doanh nghiệp tại Mỹ; tẩy chay hàng hóa Mỹ; tăng thuế nhằm ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ,…
Hầu hết các biện pháp đều gây là tác dụng ngược mà Bắc Kinh không mong muốn. Trong năm 2015, Trung Quốc đã trải một thời gian khó khăn và chứng kiến dòng vốn nước ngoài tháo chạy sau khi Bắc Kinh phá giá đồng NDT. Việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ cũng không đơn giản, bởi nó chẳng khác nào tự đốt túi tiền của chính mình.
Lựa chọn khả dĩ nhất chính là đánh vào điểm yếu nhất của ông Donald Trump: túi tiền của người nông dân Mỹ. Đây chính là lực lượng đã đưa ông Trump vào Nhà Trắng và cũng là nhóm người chịu ảnh hưởng lớn nhất của cuộc chiến thương mại. Đây cũng là gót chân Achilles mà báo chí Mỹ vốn không ưa thích ông Trump gần đây xoáy sâu và tấn công vị tổng thống thứ 45 Hòa Kỳ.
Trước đó, Trung Quốc đã áp thuế 25% lên mặt hàng đậu tương Mỹ nhưng đã quay trở lại mua mặt hàng này như một hành động thể hiện thái độ thiện chí với Mỹ trong cuộc đàm phán kéo dài 5 tháng qua. Quyết định tấn công người nông dân Mỹ có được đưa ra hay không sẽ được biết trong tuần tới sau khi Bắc Kinh đánh giá lại những tác động tiêu cực của thuế mới lên thị trường tài chính nước này. Trong phiên cuối tuần trước, theo Reuters, TTCK Trung Quốc được cho là đã được giải cứu và tăng điểm mạnh, bất chấp động thái tăng thuế quan của Mỹ.
M. Hà (VNN)