Tranh cãi nảy lửa về Venezuela tại Hội đồng Bảo an

Hội đồng Bảo an (HĐBA), cơ quan quyền lực nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ), chia rẽ vì những bất đồng giữa các nước thành viên thường trực trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela.

Ngay trước thềm cuộc họp khẩn của HĐBA theo yêu cầu của Mỹ ngày 26-1 (giờ Mỹ), Nga và Trung Quốc cùng với Nam Phi và Guinea Xích đạo – hai nước không thường trực luân phiên – đã ngăn chặn Washington thúc đẩy cơ quan này ra tuyên bố ủng hộ Quốc hội Venezuela do tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaido đứng đầu là “thể chế hợp pháp dân chủ duy nhất” của Venezuela.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia (phải) bắt tay và trao đổi với Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza trước cuộc họp – Ảnh: AFP

Phiên tranh luận sau đó trong HĐBA vô cùng quyết liệt, giữa một bên do Mỹ dẫn đầu và phía còn lại phản đối là Nga, Trung Quốc. Đại sứ Venezuela tại LHQ tham dự với tư cách là bên liên quan và không có quyền bỏ phiếu.

Nga tố Mỹ

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia tố Mỹ đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Venezuela hồi tháng 5-2018 nhằm làm giảm tính chính danh và ý nghĩa chiến thắng của ông Maduro, theo Hãng thông tấn Tass của Nga.

“Vào ngày 20-5-2018, người Venezuela một lần nữa ủng hộ Nicolas Maduro làm tổng thống với gần 68% phiếu bầu – đại sứ Nga, 1 trong 5 nước thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA, đặt vấn đê – Thấy trước một kịch bản như vậy, Washington đã làm hết sức mình để làm suy yếu cuộc bầu cử từ trước”.
Thành công trong việc triệu tập một cuộc họp của HĐBA giúp Mỹ đưa cuộc khủng hoảng ở Venezuela thành tâm điểm chú ý của thế giới. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tại LHQ cảnh báo sẽ không dễ để bất kỳ nghị quyết nào do Mỹ soạn thảo lúc này được thông qua tại HĐBA bởi chúng sẽ bị chặn bởi Nga và Trung Quốc.

“Cuộc họp mà chúng ta đang tham dự ngày hôm nay đây là một phần nữa trong chiến lược của Mỹ nhằm thay đổi chính quyền ở Venezuela. Chúng tôi lấy làm tiếc khi HĐBA đã bị kéo vào một trò vô liêm sỉ như thế!” – ông Nebenzia nói.

“Người Mỹ đang mô tả một bức tranh về cuộc đối đầu giữa chế độ Maduro và nhân dân Venezuela. Bức tranh này không đúng sự thật, vì nhà lãnh đạo Venezuela nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân của ông ta” – ông Nebenzia khẳng định.

Mỹ kêu gọi các nước chọn bên

Tại cuộc họp HĐBA, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi các nước phải chọn đứng về một bên.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả thành viên của HĐBA ủng hộ quá trình chuyển tiếp dân chủ của Venezuela và vai trò của tổng thống lâm thời Guaido” – Hãng tin Reuters dẫn lời ông Pompeo nói.

Trong khi đó, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro khi đồng loạt lên tiếng ngày 26-1 rằng các nước này sẽ chính thức công nhận ông Guaido nếu ông Maduro không tiến hành một cuộc bầu cử mới trong vòng 8 ngày – một tối hậu thư mà Nga nói là “vô lý” và trong khi ngoại trưởng Venezuela gọi là “trò con nít”.

“Châu Âu sẽ cho chúng tôi 8 ngày ư? Quý vị lấy đâu ra cái quyền tự thiết lập thời hạn chót hay áp đặt tối hậu thư cho một quốc gia chủ quyền vậy?” – Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza phản pháo tại HĐBA. Đại sứ Nga tại LHQ trước đó cũng cho rằng nên tránh bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Venezuela hiện nay.

“Ông đang không kêu gọi tìm kiếm sự hiểu biết giữa các lực lượng chính trị ở Venezuela trên cơ sở hòa bình và trật tự – đại sứ Nga Nebenzia đáp trả đại sứ Đức Christoph Heusgen có mặt tại HĐBA – Những gì các ông đang làm được gọi là xúi giục chứ không phải ngăn ngừa”.

“Chiến thắng cho Venezuela”

Sau cuộc họp nảy lửa ở HĐBA, Tổng thống Venezuela Maduro đã ca ngợi ngoại trưởng nước này là ông Jorge Arreaza, nhấn mạnh đó là một chiến thắng nữa khi chính quyền của ông nhận được sự ủng hộ của “phần lớn” các nước thành viên HĐBA.

Tuổi Trẻ

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN