Trung Quốc bí mật thuê trọn hòn đảo giữa Thái Bình Dương

Trung Quốc thuê trọn hòn đảo Tulagi ở phía nam Thái Bình Dương, từng được Nhật Bản sử dụng làm căn cứ trong Thế chiến II, khiến nhiều người lo ngại về tham vọng quân sự tiềm tàng.

Đảo Tulagi từng là cứ điểm chiến lược cho các hoạt động của hải quân Anh, rồi sau đó là quân đội của đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến II, với tham vọng thống trị Thái Bình Dương.

Trước chiến tranh, Tulagi chính là thủ phủ của vương quốc Solomon, sau đó là đất bảo hộ của Đức và thuộc địa của Anh. Khi Thế chiến II bùng nổ, với vị trí gần hòn đảo chiến lược Guadalcanal và cảng nước sâu tự nhiên, Tulagi trở thành mục tiêu quan trọng mà quân đồng minh lẫn Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận thương vong lớn để kiểm soát.

Gần 70 năm sau khi một cường quốc chấm dứt hiện diện trên Tulagi, hòn đảo lại sắp rơi vào tay Trung Quốc. Thông qua một thỏa thuận bí mật được ký kết vào tháng 9 với chính quyền địa phương, một công ty có trụ sở ở Bắc Kinh sắp độc quyền phát triển cơ sở hạ tầng cho toàn bộ hòn đảo và khu vực lân cận, theo tiết lộ của New York Times.

Trung Quoc bi mat thue tron hon dao giua Thai Binh Duong hinh anh 1
Tulagi là một đảo nhỏ thuộc quần đảo Solomon, với dân số chỉ hơn 1.000 người. Ảnh: Shutterstock.

Thuê trọn đảo 75 năm kèm gia hạn

Theo “thỏa thuận hợp tác chiến lược” ký ngày 22/9, China Sam Enterprise Group sẽ thuê lại quyền phát triển cơ sở hạ tầng tại hòn đảo trong vòng 75 năm kèm theo điều khoản gia hạn. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1985 theo diện công ty quốc doanh và có trụ sở tại Bắc Kinh.

Những dự tính của China Sam tại đảo Tulagi cho thấy tham vọng rất lớn về ngắn hạn lẫn dài hạn. Nhiều dự án được đánh giá có thể mang công dụng kép trong kinh tế và quân sự.

Thỏa thuận bao gồm nhiều nội dung về xây dựng trạm hậu cần đánh bắt cá, trung tâm điều hành, và “xây mới hoặc cải tiến sân bay”. Một phụ lục thỏa thuận cho biết China Sam sẵn sàng xem xét khả năng xây dựng trạm dầu và khí đốt tại Tulagi, dù chưa đơn vị thăm dò nào xác định được trữ lượng dầu trong khu vực quần đảo Solomon.

Chính quyền địa phương cũng chấp nhận để China Sam thuê toàn bộ đảo Tulagi và các đảo lân cận trong tỉnh này để phát triển “đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp bất kỳ phù hợp cho mọi loại hình phát triển”.

Trả lời truyền thông địa phương, Thống đốc Stanley Maniteva nói thỏa thuận phù hợp với pháp luật và quyền của người sở hữu đất đai tại đây vẫn được tôn trọng. Tuy nhiên, ông khẳng định thỏa thuận chưa chính thức hoàn thiện.

“Cần nói rõ rằng thỏa thuận chưa có con dấu chính thức của chính quyền tỉnh nên nó chưa là thỏa thuận chính thức và chưa được hoàn thiện”, ông cho biết.

Tham vọng ở Nam Thái Bình Dương

 

Nhiều người tại Tulagi xem việc ký kết đồng nghĩa thỏa thuận đã có hiệu lực. Phẫn nộ trước việc chính quyền âm thầm ra quyết định, người dân địa phương bắt đầu tập hợp chữ ký cho thỉnh nguyện thư phản đối thỏa thuận của China Sam.

“Họ không thể bỗng dưng đến đây rồi thuê cả hòn đảo như thế được. Mọi người lo sợ viễn cảnh Trung Quốc biến hòn đảo thành căn cứ quân sự. Đó là điều đáng sợ nhất. Nếu không phải thế thì vì sao họ lại muốn thuê trọn hòn đảo”, Michael Salini, 46 tuổi, chủ một hộ kinh doanh địa phương, cho biết.

Giới chức Mỹ cũng lo ngại trước hàm ý quân sự từ các động thái của Bắc Kinh ở khu vực. Nhiều quan chức Mỹ nhìn nhận chuỗi đảo ở Nam Thái Bình Dương có vai trò quyết định trong việc kiềm tỏa sức ảnh hưởng của Trung Quốc và bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng.

Trung Quoc bi mat thue tron hon dao giua Thai Binh Duong hinh anh 2
Chiến hạm USS St Louis và USS Lackawanna của hải quân Mỹ rời cảng Tulagi, quần đảo Solomon, tháng 7/1943, sau khi chiếm lại từ phát xít Nhật. Ảnh: Hải quân Mỹ.

“Đặc điểm địa lý của khu vực cho thấy đây là một địa điểm mang tính chiến lược. Trung Quốc đang mở rộng các tài sản quân sự của mình ở Nam Thái Bình Dương. Họ tìm kiếm những cảng và đường băng an toàn, tương tự hình mẫu của những cường quốc trỗi dậy trước đây”, Anne-Marie Brady, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Canterbury, New Zealand, nhận định.

Ngoài khía cạnh tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương còn đi kèm hàm ý địa chiến lược. Mỹ và Australia nghi ngờ những khoản đầu tư sẽ mở đường để Trung Quốc thiết lập bàn đạp quân sự trên mọi mặt, từ tàu chiến, máy bay quân sự đến hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của riêng mình.

Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sức ép để đặt dấu chấm hết cho vị thế ngoại giao của Đài Loan tại khu vực. Chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận thuê lại Tulagi được ký kết, Solomon thông báo cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Cũng trong tuần đó, Kiribati trở thành đảo quốc thứ hai ở Nam Thái Bình Dương quay lưng với Đài Bắc.

Sức ảnh hưởng từ túi tiền

Theo giới chức Mỹ và Solomon, các công ty cùng quan chức Trung Quốc thật ra đã lôi kéo sự ủng hộ của giới chức địa phương trong nhiều năm trời. Họ mua ảnh hưởng bằng những khoản hối lộ và quà tặng cho giới chức địa phương, điển hình là các chuyến du lịch đắt đỏ đến Trung Quốc và Singapore.

Tại một quốc gia nghèo với 600.000 dân và nghị viện chỉ 50 thành viên, Trung Quốc không phải tốn quá nhiều công sức để thay đổi cán cân chính sách.

“Điều khiến tôi lo ngại nhiều nhất là cách tiếp cận của Trung Quốc, cả về mặt chính trị và kinh tế, tại khu vực Thái Bình Dương. Họ bôi trơn các thỏa thuận bằng cách lôi kéo lãnh đạo và khích lệ tham nhũng”, Jonathan Pryke, chuyên gia về các đảo quốc Thái Bình Dương, làm việc tại Viện Lowy ở Sydney, nhận định.

Pryke thừa nhận những chính sách bảo hộ kinh tế hay tham nhũng là thách thức đã tồn tại từ lâu tại khu vực, nhưng các chính sách của Trung Quốc đang đẩy vấn đề này “đạt đến một cấp độ mới”.

Trung Quoc bi mat thue tron hon dao giua Thai Binh Duong hinh anh 3
Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh đầu tháng 10. Ảnh: AP.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng chưa quá muộn để Mỹ, Australia và các đối tác ngăn Solomon đi vào “quỹ đạo” của Bắc Kinh. Yếu tố Trung Quốc từng để lại nhiều ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với người dân đảo quốc phía Nam Thái Bình Dương.

Cuộc bầu cử năm 2006 vấp phải cáo buộc doanh nhân Trung Quốc can thiệp số phiếu bầu, châm ngòi nhiều vụ bạo loạn ở Solomon. Khi Thủ tướng Manasseh Sogavare giành chiến thắng vào tháng 4, người biểu tình lại đổ về “phố người Hoa” tại thủ đô để phản đối kết quả bầu cử.

“Vào thời điểm này, lịch sử giữa chúng tôi với Trung Quốc vẫn không có điều gì chứng tỏ họ đáng tin cậy”, Phillip Tagini, lãnh đạo một doanh nghiệp khai thác mỏ ở Solomon và từng giữ vị trí cố vấn thủ tướng từ năm 2012-2015, chia sẻ.

Zing

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN