Trung Quốc - Đài Loan lại bên bờ xung đột vũ trang

Giữa những lời kêu gọi từ Trung Quốc đại lục cho sự thống nhất và sự phô trương sức mạnh quân sự trên đảo Đài Loan, căng thẳng giữa hai bờ đang leo thang.

Lá chắn bảo vệ Đài Loan

Khi Đài Loan tự hào chính thức đưa vào biên chế bộ chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 29 chiếc trực thăng tấn công Apache do Mỹ sản xuất, lãnh đạo Thái Anh Văn đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh: Đây là “một cột mốc quan trọng trong chiến lược phòng thủ của hòn đảo”. Thế nhưng, lá chắn bảo vệ tốt nhất của Đài Loan không đến từ vũ khí mà từ tư tưởng chính trị nghiêng về phương Tây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

Báo Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho rằng, thời gian dễ nhất để thống nhất hai bờ đã trôi qua vào đầu những năm 1980 khi Trung Quốc đại lục có xu hướng cởi mở dưới thời các nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương; Trong khi, lãnh đạo Đài Loan Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975 và con trai Tưởng Kinh Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng một cách thận trọng.

Cả Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan đều có điểm chung là sự mở cửa, phát triển hướng tới toàn cầu hóa, đặc biệt khi Mỹ vẫn tương đối thân thiện với Trung Quốc vào thời điểm đó. Vì thế, sự hợp nhất giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục vào thời điểm đó có lẽ đã trở thành sự thay đổi địa chính trị quan trọng với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hai bên đã sớm đi theo những hướng rất khác nhau, gieo hạt giống cho sự bất đồng được thể hiện ngày hôm nay. Dưới thời Tưởng Kinh Quốc, các phong trào phản đối, bao gồm nhiều người ủng hộ tư thế độc lập của Đài Loan, đã được trao cho tư cách pháp lý và giúp hình thành cấu trúc đa đảng và xã hội dân sự tự do của hòn đảo như hiện giờ.

Đài Loan đã biến chế tổng cộng 29 chiếc AH-64E Apache

Một thập kỷ sau, mọi thứ đã khác nhiều. Nền dân chủ hóa của Đài Loan trở thành điều khiến Bắc Kinh đau đầu nhất cho việc thống nhất. Đài Bắc bị cuốn vào trung tâm của làn sóng dân chủ hóa đã biến đổi Đông Âu cũng như nhiều quốc gia châu Á (Philippines dân chủ hóa năm 1986 và Hàn Quốc năm 1987). Làn sóng này cũng “tạt qua” nhưng không thể bén rễ tại Trung Quốc đại lục năm 1989.

Trung Quốc khi đó bày tỏ sự giận dữ về những sự ủng hộ độc lập của lãnh đạo dân chủ đầu tiên của Đài Loan, Lý Đăng Huy, nhưng lại không có nghi ngờ rằng, hòn đảo này đang trở thành một vùng lãnh thổ đa đảng với tư tưởng nêu cao tự do ngôn luận, bao gồm Đảng Dân Tiến (DPP), mạnh mẽ ủng hộ sự tách biệt vĩnh viễn của hòn đảo khỏi đại lục.

Các nhà tư tưởng Bắc Kinh từng đề cập tới mô hình “liên bang” cho rằng, sẽ công nhận cách sống rất khác của Đài Loan. Tuy nhiên, sự kết hợp của nền chính trị hoàn toàn dân chủ, sôi nổi với dân số khoảng 23 triệu người, nơi sẽ cử một vài đại diện tới Bắc Kinh chắc chắn sẽ tạo ra một thách thức đối với hệ thống chính trị ở đại lục. Vì thế, sẽ luôn có một lượng lớn dân chúng tiếp tục ủng hộ tình trạng riêng biệt giữa đại lục và hòn đảo.

Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực?

Tất nhiên, kịch bản sử dụng vũ lực để thống nhất Trung Quốc đại lục và Đài Loan luôn có và chưa bao giờ bị loại trừ. Nhưng những tác động của việc chiếm đóng quân sự thật khó lường hết được.

Học giả Rana Mitter nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Oxford cho rằng, nếu muốn, Trung Quốc đại lục có thể chiếm lại hòn đảo bằng vũ lực. Nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi buộc phải kiểm soát một hòn đảo mà cư dân của họ đã sống trong nền dân chủ tự do nhiều thập kỷ qua và có thể sẽ phải đổ rất nhiều máu để duy trì quyền kiểm soát của Bắc Kinh.

Trong khi đó, sự thống nhất “cưỡng bức” cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho tiến trình mà Trung Quốc đại lục đang thực hiện để cải thiện hình ảnh nước này trong khu vực. Dù đây là một trường hợp đặc biệt và việc tái thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực khác với tấn công vào một quốc gia riêng biệt thì việc sử dụng vũ lực sẽ ảnh hưởng tới chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc trong khu vực.

Được biết, Đài Loan đã chi 1,94 tỷ USD để mua 30 trực thăng tấn công AH-64E Apache của Mỹ vào năm 2008. Thương vụ này bao gồm chi phí đào tạo phi công và hậu cần. Quá trình bàn giao diễn ra trong giai đoạn từ tháng 11/2013 đến tháng 10/2014. Ảnh: Military Today.

Theo các chuyên gia, ông Tập Cận Bình không nghi ngờ gì về ý nghĩa của việc thống nhất đất nước. Đó có thể là lý do cho những lời nói tương đối ôn hòa trong cuộc gặp với cựu lãnh đạo Quốc dân Đảng (KMT) Liên Chấn hồi tuần trước.

Chiến lược của Bắc Kinh đối với Đài Bắc đã một phần phản ánh sự thay đổi bản chất chiến lược ngoại giao Trung Quốc ở châu Á khi nước này cố gắng nâng cao danh tiếng ngoại giao trong vài năm qua.

Đặc biệt, trong bối cảnh sự bùng nổ không thể đoán trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều nước trong khu vực ngày càng không chắc chắn về vai trò của Mỹ tại châu Á.

Hiện trạng bất thường về địa chính trị nhưng lại duy trì hòa bình trong nhiều thập kỷ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có thể được mô tả bằng một câu châm ngôn trong ngoại giao Pháp có ý chỉ ra rằng, đôi khi một tình trạng không thỏa mãn với tất cả các bên thì giải pháp tốt nhất là duy trì nguyên trạng.

Thùy Dương (Báo Giao thông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN