TT Trump và rạn nứt nghiêm trọng giữa hai bờ Đại Tây Dương

Dù lãnh đạo hai nước tiếp tục nhấn mạnh “quan hệ đặc biệt” giữa hai bờ Đại Tây Dương, họ sẽ không thể che giấu rạn nứt ông Trump gây ra qua nhiều lần phát ngôn xúc phạm và can thiệp vào nước đồng minh đang yếu thế vì Brexit.

Họ làm việc cật lực, tạo ra 200 tấm biển mỗi giờ. Trong văn phòng tầng trệt ở London, đội quân tình nguyện viên đang sẵn sàng thể hiện thái độ giận dữ khi tổng thống Mỹ đặt chân đến đất nước họ trong ngày hôm nay.

“Biểu tình phản đối ông Trump năm ngoái vui và đầy tinh thần phản kháng, tôi mong năm nay cũng như vậy”, Jean Blaylock, một tình nguyện viên, nói với Guardian.

Họ nằm trong số hàng chục nghìn người sẽ biểu tình phản đối chuyến thăm cấp nhà nước của ông Trump đến Anh ngày 3/6.

Những người biểu tình dự định chiếm trọn quảng trường Trafalgar ở trung tâm London, và mang đến quả bóng bay khổng lồ có hình ông Trump nhưng trông giống đứa trẻ cáu kỉnh, đóng bỉm với dụng ý chế nhạo tổng thống Mỹ.

Trong chuyến thăm Anh năm ngoái, ông Trump nói với tờ The Sun rằng ông yêu mến London, nhưng quả bóng bay và cuộc biểu tình của hơn 250.000 người khiến ông cảm thấy “không được chào đón”.

Vì đó không phải chuyến thăm chính thức, lịch trình của ông được sắp đặt để tránh London và các cuộc biểu tình nhiều nhất có thể.

Quả bóng bay và cuộc biểu tình của hơn 250.000 người London vào năm ngoái khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm thấy “không được chào đón”. Ảnh: Getty Images.

Nhưng lần này trong chuyến thăm Anh cấp nhà nước, ông Trump có hai ngày ở trung tâm London và sẽ cảm nhận trực tiếp phản ứng dữ dội mà nhiều người Anh dành cho ông.

Các cuộc biểu tình chỉ là một trong những điều khiến ông Trump và Thủ tướng Anh Theresa May đau đầu trong chuyến thăm. Các diễn biến mới đây, cùng các mâu thuẫn trong suốt hơn hai năm đầu nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ, cho thấy quan hệ chiến lược đặc biệt giữa Anh và Mỹ đang có rạn nứt nghiêm trọng.

Hai nước vốn là đồng minh thân cận trong hơn 7 thập kỷ kể từ sau Thế chiến II, hợp tác chặt chẽ trong xây dựng các định chế mới, trong các cuộc chiến và những thay đổi địa chính trị toàn cầu. Vì vậy, sự rạn nứt trong mối quan hệ đặc biệt này thực sự là biến động lớn của thế giới dưới thời Tổng thống Trump.

Và lần này, Tổng thống Trump sẽ hạ cánh xuống một nước Anh đang khủng hoảng.

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 24/5 tuyên bố sẽ từ chức vài ngày sau khi đón tiếp ông Trump, và chưa rõ ai kế nhiệm bà. Các nghị sĩ Anh vẫn chưa thể đồng thuận về kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận với EU vẫn treo lơ lửng trên đầu và được dự báo sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế.

Chuyến thăm Anh của ông Trump sẽ không được trọn vẹn về mặt hình ảnh vì các lý do khác – ngoài đám đông người biểu tình đến từ mọi miền của nước Anh.

Sẽ không có chuyến xe ngựa mạ vàng chở ông đến Điện Buckingham do lo ngại an ninh. Ông cũng sẽ không phát biểu trước Nghị viện Anh vì bị các nghị sĩ phản đối, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow. Phát biểu trước Nghị viện “không phải là quyền nghiễm nhiên, mà là vinh dự phải nỗ lực để có”, ông Bercow nói với các nghị sĩ Anh.

Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn và lãnh đạo các đảng đối lập khác, cùng với ông Bercow, đã tẩy chay lời mời dự quốc yến chào mừng tổng thống Mỹ đến Điện Buckingham.

Trong khi đó, nhóm vận động mang tên Liên minh Ngăn chặn Trump giải thích về cuộc biểu tình: “Mục tiêu là nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ rằng người Anh không chấp nhận các chính sách cánh hữu gây chia rẽ thường được ông Trump đưa ra, và việc mời ông tới thăm cấp nhà nước là không hợp lý”.

Đối với một tổng thống thường coi trọng hình ảnh và tiếng tăm hơn nội dung chính sách, ông Trump có thể một lần nữa cảm thấy “không được chào đón” giống như năm 2018.

Ông Trump sẽ không phát biểu trước Nghị viện Anh như cựu tổng thống Obama từng có khi thăm Anh năm 2011. Ảnh: AP.

Tuyên bố từ chức trong nước mắt của bà May ngày 24/5 đã khiến các thảo luận giữa hai nguyên thủ trong chuyến thăm này mất đi nhiều giá trị.

“Việc Thủ tướng Theresa May tuyên bố từ chức ngay sau chuyến thăm của ông Trump khiến khả năng đạt được đột phá giảm từ ‘thấp’ xuống còn ‘không thể’”, Jacob Parakilas, nhà nghiên cứu ở viện nghiên cứu Chatham House, nói với CGTN, trang tin thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

Theo ông Parakilas, có thể sẽ không có nhiều thỏa thuận đột phá vì nếu có, chúng thường được quảng bá từ trước, và sự bất trắc về Brexit khiến hai nước có ít không gian để đạt được các thỏa thuận lớn.

Trước thềm chuyến thăm của ông Trump, hai nước có những khác biệt lớn đã buộc các quan chức cao cấp phải lên tiếng. Đầu tiên là chuyến thăm Anh của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và sự can thiệp của bà vào một trong những vấn đề gai góc nhất trong Brexit: biên giới Ireland. Sau Brexit, Anh sẽ buộc phải thực thi biên giới cứng giữa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Anh), nhưng bà Pelosi phản đối và dọa chặn mọi hiệp định thương mại Mỹ – Anh nếu điều đó xảy ra.

Mọi hiệp định thương mại sẽ cần phải được hai viện Quốc hội phê chuẩn, vì vậy điều kiện mà chính khách quyền lực nhất đảng Dân chủ đang đặt ra sẽ là sức ép lớn đối với Anh.

Sau đó, thông tin bị tiết lộ cho tờ Telegraph (Anh) cho thấy Anh đang có kế hoạch đầy tranh cãi hợp tác với Huawei nhằm xây dựng mạng thế hệ mới 5G. Mỹ từ lâu đã cáo buộc tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc làm gián điệp. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn nói sẽ cân nhắc lại việc chia sẻ thông tin tình báo với Anh, quốc gia cùng Mỹ nằm trong nhóm 5 nước chia sẻ tin tình báo có tên Five Eyes.

Cuối tháng tư, đến lượt Tổng thống Trump gây tranh cãi khi viết trên Twitter cáo buộc tình báo Anh theo dõi chiến dịch tranh cử của ông thay cho cựu tổng thống Barack Obama, nhưng không đưa ra bằng chứng.

Các phát ngôn của ông Trump trước đây cũng từng khiến hai nước thêm chia rẽ. Ông chê bai thị trưởng London “xử lý tệ” ngay sau vụ khủng bố năm 2017 ở thủ đô nước Anh. Ông chen vào tranh luận Brexit, đưa ra lời khuyên về đàm phán với Brussels rồi chỉ trích bà May không làm theo ông. Ông nói cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit là không công bằng, và chia sẻ nội dung của một nhóm bài Hồi giáo trên Twitter.

Tổng thống Trump và Nữ Hoàng Elizabeth II duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Anh của ông Trump năm 2018. Ảnh: AP.

Quan chức hai nước khi bình luận về quan hệ Anh – Mỹ đều nhắc đến “quan hệ đặc biệt”, cụm từ được sử dụng từ thời của cố thủ tướng Anh Winston Churchill trong những năm 1940. Trong quá khứ, quan hệ hai nước quả thực đặc biệt.

Chẳng hạn, cựu thủ tướng John Major từng giao một sư đoàn thiết giáp cho cố tổng thống George H.W. Bush chỉ huy. Những người kế nhiệm họ, cựu thủ tướng Tony Blair và cựu tổng thống Bill Clinton, đã cùng quyết định tham chiến ở Kosovo. Không lâu sau, chính ông Blair lại sát cánh với cựu tổng thống George W. Bush trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, dù bị dư luận Anh phản đối.

Nhưng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ theo đuổi những chính sách khác với mong muốn của Anh, gây rạn nứt cho quan hệ hai nước, như rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran.

“Tôi không thấy người Anh có vai trò gì trong mắt người Mỹ”, Christopher Coker, giáo sư Trường Kinh tế London, nói với Foreign Policy. “Người Anh có thể đóng góp được gì đây?”.

Giờ đây, các động thái đơn phương ở Mỹ sẽ càng gia tăng do ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy, vốn đầy rẫy sự chia rẽ và thông tin sai lệch. Nước Mỹ, cụ thể là ông Trump, không còn ủng hộ các thể chế hợp tác trên thế giới, nên cũng không coi trọng nước Anh dù là đồng minh lâu năm, theo Foreign Policy.

Quan hệ Anh – Mỹ là một ví dụ trong bức tranh thế giới toàn cảnh, trong đó quan hệ giữa Mỹ và hàng loạt đồng minh khác cũng gặp nhiều căng thẳng sau hơn hai năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump.

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair sát cánh với cựu tổng thống Mỹ George W. Bush trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, dù bị dư luận Anh phản đối. Ảnh: Reuters.

Sức mạnh quân sự đi xuống khiến giá trị của Anh trong quan hệ đồng minh giảm đi. Trong chiến tranh ở Kosovo năm 1998, Mỹ phải bỏ nhiều chi phí hơn các đối tác, thực hiện 2/3 số cuộc tấn công. Chưa đầy chục năm sau, sức mạnh của Anh trong cuộc chiến Iraq cũng không khả quan hơn. Mặc dù quân đội Anh chiếm được thành phố Basra lớn thứ hai Iraq vào năm 2003, họ đã không thể giữ nơi này.

“Đó là điều đáng xấu hổ”, John Chilcot, người từng chủ trì một cuộc điều tra của Nghị viện Anh về Iraq, nói. Báo cáo của ông gây sốc cho cả nước Anh, khi phơi bày rõ nét quá trình quân đội Anh bị du kích tấn công và cuối cùng mất Basra, kéo dài vài năm.

Ngay sau đó, quân đội Mỹ phải đến chi viện cho lính Anh ở tỉnh Helmand của Afghanistan, nơi một thảm họa tương tự cận kề quân đội Anh vốn không được đầu tư đầy đủ.

“Đại sứ Anh nói với tôi rằng mỗi khi đại diện quân đội Anh gặp phía Mỹ, người Mỹ lại nói về Pháp”, ông Gérard Araud, cựu Đại sứ Pháp ở Mỹ, nói với POLITICO.

Quân số của Anh đã giảm trong các thập kỷ gần đây, và nước này đã cắt giảm ngân sách quốc phòng đồng thời gặp khó khăn trong việc vạch ra tầm nhìn rõ ràng để tuyển quân nhân mới.

Sức mạnh quân sự đi xuống khiến giá trị của Anh trong “quan hệ đặc biệt” giảm đi. Ảnh: Getty Images.

Trong chuyến thăm Anh năm ngoái, Tổng thống Trump khen ngợi quan hệ giữa hai nước. “Mối liên kết của chúng ta không có gì sánh bằng”, ông tuyên bố.

Nhưng các nhà quan sát cho biết trái với các phát ngôn, các quyết định của ông gây tổn hại cho mối quan hệ Anh – Mỹ, vốn đã đi xuống kể từ năm 2016 sau khi ông lên nắm quyền và người Anh bỏ phiếu cho Brexit.

Một chuyên viên từng làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Washington, D.C. nói với Politico rằng thay đổi chính trong quan hệ Anh – Mỹ chỉ đơn giản là việc ông Trump đắc cử. “Ông Trump luôn tìm cách nắm quân bài tốt hơn”, chuyên viên này nhận xét.

Đối với ông Trump, “là đồng minh không có nghĩa sẽ được ông đối xử tốt”, Gérard Araud, cựu Đại sứ Pháp ở Mỹ, nói với Politico. “Mối quan hệ đặc biệt này đặc biệt với phía Anh hơn là với phía Mỹ”.

“Ông Trump coi mọi thứ như cuộc đổi chác”, ông Araud nói thêm. “Tôi không có lý do gì để tin rằng ông ấy sẽ coi trọng phía Anh”.

Điều này dường như thể hiện ở kế hoạch đàm phán của Mỹ về thỏa thuận thương mại giữa hai nước sau Brexit. Các mục tiêu đàm phán mà chính quyền Trump đưa ra bao gồm cho phép công ty dược của Mỹ tiếp cận toàn bộ thị trường Anh, và cấm các tổ chức nhà nước phân biệt đối xử với công ty Mỹ khi mua hàng hóa và dịch vụ.

Ông Trump luôn cứng rắn trong đàm phán thương mại, luôn cho rằng các đồng minh đang lợi dụng mình. Vì vậy, cách tiếp cận đàm phán thương mại Anh – Mỹ của ông Trump không có gì ngạc nhiên.

Mỹ cũng yêu cầu cho phép “được tiếp cận toàn bộ thị trường” đối với các công ty nông nghiệp, vốn không bằng lòng với các giới hạn ở thị trường EU về cây trồng biến đổi gen hay thịt bò sử dụng hormone tăng trưởng.

Các nhà quan sát cho biết các quyết định của Tổng thống Trump đã gây tổn hại cho mối quan hệ Anh – Mỹ, trái với các phát ngôn của ông. Ảnh: Bloomberg.

Mọi hiệp định thương mại với Mỹ sẽ đều “theo đòi hỏi của Mỹ”, như mở cửa thị trường y tế, dược và thực phẩm cho các công ty Mỹ, giáo sư Alex de Ruyter, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Brexit thuộc ĐH Birmingham City University, cho biết.

“Anh sẽ không giành lại quyền kiểm soát (sau khi rời EU), mà sẽ lại để người khác kiểm soát mình”, ông nói với Independent.

Mặc dù đang có góc nhìn trái ngược nhau trước hàng loạt vấn đề quốc tế, Washington và London vẫn có chung nhiều lợi ích chiến lược và kinh tế có vai trò then chốt cho sự thịnh vượng của hai nước đồng minh quan trọng bậc nhất ở phương Tây.

“Mặc dù ông Trump không được lòng người Anh, lợi ích quốc gia vẫn buộc Anh phải giữ quan hệ tốt với Washington dù ai đang là tổng thống”, Benjamin Rhode, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói với CGTN.

“Chính phủ Anh vẫn sẽ hào hứng làm sao để ông Trump cảm thấy được chào đón và có thiện cảm với nước Anh”.

Trọng Thuấn/Zing
Đồ họa: Nhân Lê

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN