Từ nhà báo khác người trở thành thủ tướng Anh

Bojo – cách gọi thân mật của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, từng là nhà báo đặc phái của tờ Daily Telegraph tại thủ đô của Liên minh châu Âu trong thập niên 1990.

Ông Boris Johnson lên phát biểu sau khi Đảng Bảo thủ cầm quyền công bố kết quả bầu cử chọn ông làm lãnh đạo đảng và đương nhiên là thủ tướng tiếp theo của Anh – Ảnh: REUTERS

Ngày 23-7, Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh đã công bố kết quả bầu cử chủ tịch đảng này. Với 92.153 số phiếu ủng hộ của đảng viên Đảng Bảo thủ, ông Boris Johnson – cựu ngoại trưởng – đã trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng này và sẽ là thủ tướng tiếp theo của Anh.

Người ta còn nhớ câu chuyện xảy ra vào ngày 16-6-1998 ở Cardiff. Hội đồng châu Âu gồm các nguyên thủ quốc gia và chính phủ vừa kết thúc kỳ chủ tịch của Anh và Thủ tướng Anh khi đó, ông Tony Blair tổ chức họp báo. Boris Johnson, khi đó mới sắp 34 tuổi, xin đặt câu hỏi nhưng lại phát biểu dài dòng như một bài diễn văn.

Thủ tướng Blair, lớn hơn Johnson 10 tuổi, khi đó có vẻ mỉa mai nhà báo trẻ nhưng đã là phó tổng biên tập của tờ Daily Telegraph: “Boris này, nói hay như thế thì có lẽ cậu nên làm thủ tướng mới phải!”. Ông nói với giọng điệu đàn anh vì cả hai có cùng đường học hành như nhau, học những trường như nhau.

Ngờ đâu 21 năm sau, “lời tiên tri” đầy móc mỉa của ông Tony Blair lại trở thành sự thật: nhà báo bảo thủ năm nào đã đỉnh đạc bước vào tòa nhà số 10 phố Downing ở thủ đô London.

Con đường hoan lộ của tân thủ tướng Anh khiến nhiều người bất ngờ vì hình ảnh về ông không được trang trọng lắm trong hình dung của mọi người. Cho đến giờ nhiều người vẫn còn nhớ biệt danh của nhà báo bị gọi là “gã hề”.

Có cha là công chức làm việc cho các cơ quan châu Âu và thậm chí từng là nghị sĩ châu Âu (1979 – 1984) nhưng Bojo lại không ưa sự hội nhập vào châu Âu. Những người biết ông trong giai đoạn ông làm đặc phái viên (1989 – 1994) đều chỉ nhớ ông là người giỏi tạo ra kiểu báo chí gọi là “Euromyths” mà giờ đây người ta quen gọi là “tin giả” về châu Âu.

Theo báo Libération của Pháp, Bojo không ngại sáng tác ra các câu chuyện để đạt mục đích tạo ra một hình ảnh Liên minh châu Âu quan liêu, chuyên đưa ra những quyết định ngu xuẩn.

Ngoại trưởng Jeremy Hunt (trái) – đối thủ cạnh tranh chức lãnh đạo đảng với Boris Johnson – vỗ tay khen ngợi chiến thắng của đối thủ – Ảnh: REUTERS

Nhưng các đồng nghiệp cũng phải nhìn nhận nhà báo tốt nghiệp trường lớn của Anh này có kiến thức uyên thâm và luôn khiến mọi người bất ngờ.

Chẳng hạn một nhà báo người Tây Ban Nha khẳng định từng đi máy bay cùng Bojo và thấy ông khi đó đọc sách viết bằng tiếng Hi Lạp cổ.

Các đồng nghiệp cũng thừa nhận rằng trong cuộc họp báo nào ở Ủy ban châu Âu mà có sự hiện diện của Bojo là y như rằng có chuyện để nhớ, để nói.

Chẳng hạn khi đó ngôn ngữ dùng chỉ là tiếng Pháp, nhưng Bojo đặt câu hỏi bằng tiếng Latin vì nội dung hôm đó liên quan dự luật dùng tiếng Latin chỉ tên các loài cá để có thể áp dụng về chính sách đánh bắt cá chung cho toàn Liên minh châu Âu.

Bojo cũng được nhớ là một người có tài hùng biện, có khiếu hài hước biết dập ngay tức khắc những lời chỉ trích nhắm vào cá nhân ông hay tờ báo của ông.

Theo báo Libération, quan điểm và cách làm báo của ông đã làm thay đổi không chỉ báo theo trường phái bảo thủ mà cả báo chí Anh nói chung, trong cách nhìn nhận về sự vận hành của Liên minh châu Âu.

Một nhà báo đặc phái viên của tờ Times (tờ báo từng đuổi cổ Bojo vì kiểu dựng chuyện của nhà báo trẻ mới vào nghề này) gần như mếu khi kể lại việc các bài báo của ông gửi về tòa soạn ở London đã bị viết lại gần như hoàn toàn để cho phù hợp với sở thích “không ưa châu Âu” của độc giả. Mà thực sự khi đó những bài viết chân thật về chuyện liên quan hoạt động của Liên minh châu Âu thì không giúp bán được báo.

Boris Johnson thời làm thị trưởng London chụp ảnh lưu niệm cùng đội cổ vũ của đội bóng Mỹ khi họ đến thăm tòa thị chính vào ngày 26-10-2010 – Ảnh: REUTERS

Dù nổi tiếng là một chính trị gia có tính quyết liệt với phong thái khá khác người, nhưng từ khi bước vào cuộc đua cho chức chủ tịch đảng và đương nhiên là vai trò thủ tướng, ông Johnson quyết tâm xuất hiện như một nhà lãnh đạo thực sự làm thay đổi cuộc chơi, chứ không phải là một anh hề đáng yêu nhưng không đáng tin cậy.

Boris Johnson của trước đây sẽ vò tung mái tóc trước khi lên truyền hình. Giờ đây, khi nhóm tác giả gặp ông tại văn phòng ở Hạ viện, ông nhanh chóng khoác chiếc áo vest – như thể đang diện đồ cho một buổi phỏng vấn xin việc.

Ông đưa ra luận điểm: “Nhiều năm chứng kiến sự sa sút, 3 năm mất phương hướng và do dự, không chỉ đem lại cho tôi hiểu biết về chính phủ mà còn cả một bức tranh rất rõ ràng về cách giải quyết tình trạng đó. Tôi nôn nóng muốn thực hiện điều đó”.

“Điều đó” ở đây chính là Brexit, khi ông xác định ngày rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là ngày 31-10-2019 dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa.

Boris Johnson khoe vòng xúc xích khi ghé thăm công ty thực phẩm Heck Foods Ltd. trong vòng vận động tranh cử ngày 4-7 vừa qua – Ảnh: REUTERS

Ông nói rằng nước Anh sẽ chuẩn bị sẵn sàng nếu có một Brexit không thỏa thuận. “Và đừng quên rằng về lý thuyết, chúng ta cũng sẽ có 39 tỉ bảng để giải quyết ổn thỏa bất kỳ vấn đề nào còn tồn đọng. Đó là một số tiền đáng kể”.

Boris cho rằng vì vậy Anh có mọi thứ họ cần để thoát khỏi cái bẫy của EU vào tháng 11-2019. “Trò chuyện với người dân ở đất nước này, ngay cả với các doanh nghiệp, người ta có cảm giác đã nghe đủ về những điều họ không thể làm. Người ta đã nghe đủ về việc nước này sẽ không làm điều đó. Họ muốn xúc tiến và giải quyết việc đó. Đó sẽ là điều cứu rỗi chúng ta”.

Ông nói rằng khi Brexit hoàn tất, ông sẽ tìm cách đoàn kết đảng và đất nước với tầm nhìn về chủ nghĩa bảo thủ mang hơi hướng tự do: “Một khi chúng ta bước qua ranh giới, sự rõ ràng sẽ giảm đi. Chúng ta sẽ có thể tiếp tục nghị trình ngoài sức tưởng tượng là đoàn kết đất nước bằng một chương trình mà tôi gọi là chủ nghĩa bảo thủ hiện đại và chúng ta từng gọi là chủ nghĩa bảo thủ một quốc gia.

Chương trình đó rất đơn giản và dựa trên ý tưởng rằng một nền kinh tế thị trường tự do năng động là không thể thiếu được để đem lại các dịch vụ công tuyệt vời. Và những dịch vụ công là điều không thể thiếu đối với một nền kinh tế thị trường năng động. Đó không phải là điều khó tin”.

Thị trưởng Boris Johnson tham gia trò kéo co nhân Ngày London Poppy, tổ chức ở sân cỏ bên ngoài tòa thị chính ở London, ngày 27-10-2015 – Ảnh: REUTERS

Nhưng vấn đề của Boris là giờ đây, rất nhiều người đang đếm cũng như tính toán chi phí của nhiều lời hứa mà ông đưa ra và điều tra những bình luận mà ông đã viết với tư cách là một nhà báo.

Thông thường, trong những bài ông viết cho tạp chí The Spectator, nơi ông làm biên tập viên trong giai đoạn 1999-2005, thay vì bảo vệ mỗi bài viết, Boris Johnson lại phản ứng bằng cách yêu cầu được thứ lỗi cho bất kỳ điều gì có thể gây xúc phạm mà ông đã viết trước khi bước vào chính trường.

Một sự chuyển hướng kể từ bài viết cuối cùng của ông với tư cách là biên tập viên của tạp chí này là phản đối việc xin lỗi. Ông nói: “Tờ Spectator không đầu hàng trước bất kỳ ai. The Spectator luôn đúng”. Tại sao ông lại thay đổi giọng điệu?

Ông thở dài và nói: “Tôi phải nói là mình đã không hoàn toàn nhất quán trong thời gian làm việc ở tờ The Spectator. Tôi nhớ mình đã viết một câu chuyện trang bìa trong đó tôi đã xin lỗi người dân Liverpool”.

Nếu là thủ tướng, Boris Johnson muốn tuyên chiến với một nhà nước “bảo mẫu”. Ông muốn đánh giá lại các khoản thuế “tội lỗi” khắt khe, như thuế đối với các loại thực phẩm chứa nhiều đường.

Vậy còn những quy định về y tế khiến nhiều nhà hàng ngừng phục vụ món bánh mì kẹp thịt bò tái thì sao? Ông đặt câu hỏi: “Liệu bạn có thể không gọi món bánh mì kẹp thịt bò tái không? Có lý nào lại không? Thật lố bịch, đó không thể là sự thật”. Tình trạng bất công này sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Bất chấp chiếc áo vest và cách hành xử nghiêm túc của ông, những điều gợi nhớ về một Boris Johnson của ngày xưa vẫn còn rải rác khắp văn phòng làm việc.

Một mô hình xe buýt trên chiếc bàn làm việc sau lưng ông, một lá cờ Olympic treo trên tường và bức tượng bán thân của Pericles đặt trên sàn nhà.

Tất cả đều cho thấy ông có đủ phẩm chất cho công việc này: năng lực về mặt ngôn từ, thành tích của ông tại London, khả năng truyền cảm hứng. Không có nhiều điều gợi nhớ đến thời ông làm ngoại trưởng.

Thị trưởng Boris Johnson đạp xe trong vận động trường vào ngày 27-7-2010 để cổ súy cho Olympic London 2012 – Ảnh: REUTERS

Chính trị gia Boris một lần nữa tự mình làm quen với những hạn chế đi kèm với chức vụ cao. Chiếc xe đạp yêu thích của ông đã không còn nữa – mà theo lời Boris là bị êkip của ông “cấm” sử dụng.

Vệ sĩ sẽ sớm quay trở lại cùng ông rèn luyện. Ông thốt lên rằng: “Chúa ơi, họ thật kiên nhẫn khi chạy với tốc độ của một ông già”.

Ông không mong chờ quay trở lại chiếc ôtô dành cho các bộ trưởng, cũng như không thích điều hòa nhiệt độ. “Bạn không thể mở cửa sổ vì tất cả đều được bọc thép”. Đó là ông nói về cảnh sẽ làm việc ở số 10 phố Downing lừng danh.

Theo kế hoạch, ông Johnson sẽ trở thành chủ nhân mới của nhà số 10 phố Downing vào ngày 24-7, ngay sau khi bà May đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Anh vào cùng ngày.

TƯỜNG NGUYỄN/TUỔI TRẺ

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN