Một số yếu tố chủ quan và khách quan khiến Nhật Bản chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ gây sạt lở ở miền tây nước này những ngày qua.
Nhật Bản là quốc gia thường xuyên phải hứng chịu các đợt thiên tai, đặc biệt là những trận động đất và bão lũ. Một trận mưa lớn kéo dài ở miền tây Nhật Bản từ hôm 5/7 và kéo dài tới tuần này đã khiến hơn 110 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích. Công tác cứu hộ các nạn nhân đang được tiến hành gấp rút khi còn nhiều người nghi còn mắc kẹt trong các khu vực bị tàn phá. Thời báo Straitstimes nhận định các yếu tố dẫn đến tổn thất nghiêm trọng về người sau trận mưa lụt lịch sử này.
Lượng mưa lớn
Trận mưa xối xả đầu tháng qua được nhận định là chưa từng xuất hiện tại Nhật Bản. Theo ghi nhận, tại một số khu vực, lượng nước mưa cao gấp 3 lần so với lần mưa lũ gần đây nhất.
Địa lý
73% địa hình Nhật Bản là núi, do đó, nhiều khu vực dân cư sinh sống đều xây dựng trên các sườn dốc, dễ dẫn đến tình trạng ngập úng, sạt lở.
Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi tại quốc gia này cũng không hề ít. Khi có mưa lớn tác động, nước sông dâng cao, đủ sức mạnh phá vỡ hệ thống kè kiên cố.
Cơ sở vật chất
Nhật Bản bao gồm 47 tỉnh thành phố, trong đó có những nơi lớn hơn cả đất nước Singapore. Trong khi những thành phố nhộn nhịp và phát triển như Tokyo, Yokohama hay Osaka, khiến người ta liên tưởng tới những tòa nhà nhà bê tông kiên cố,, bức tranh tại các vùng nông thôn hoàn toàn trái ngược.
Diện tích ở từng tỉnh thành có thể cho thấy sự phát triển không đồng đều. Ví dụ điển hình nhất chính là tỉnh Hiroshima, nơi có ít nhất 44 trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ này. Phần lớn họ đều đến từ các vùng núi phía đông. Trong khi đó, khu vực phía nam Hiroshima có địa hình phẳng, kinh tế cũng phát triển hơn, lại không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.
Nhiều người dân ở các vùng nông thôn tại Nhật Bản hiện nay vẫn sống trong những ngôi nhà truyền thống, được dựng lên từ gỗ. Do đó, khi có tác động mạnh từ thiên nhiên, chắc chắn chúng sẽ không thể chịu đựng được.
Bản năng của con người
Theo Kyodo News, khi có thiên tai xảy ra, thông tin cảnh báo sẽ được gửi tới 19 tỉnh thành, bao gồm khoảng 5,9 triệu người dân.
Tuy vậy, nhiều người dân lại có tư tưởng “phớt lờ” những cảnh báo trên. Tiến sĩ Hirotada Hirose, chuyên gia quản lý thảm họa, cho biết: “Con người đôi lúc có xu hướng bỏ qua những thông tin tiêu cực. Tuy vậy, bản chất của vấn đề này đó là họ không thể tự đối phó trước các tình huống xảy ra đột ngột, chẳng hạn như sạt lở hay bão lũ”.
Hệ thống cảnh báo thiên tai của Nhật Bản cũng thường xuyên bị chỉ trích, vì phần lớn các thông tin được bàn giao cho các cấp chính quyền địa phương xử lý trong khi những cơ quan này không hề có kinh nghiệm trong công tác đối phó thiên tai.
Ngọc Bích (Theo Straitstimes)