Nếu tính từ ngày linh mục Alexandre de Rhodes đặt chân lên Kinh thành Thăng Long năm 1627, đến nay Công giáo có mặt ở mảnh đất này đã gần 400 năm. Chặng đường lịch sử 400 năm của đạo Công giáo có biết bao thăng trầm, “ánh sáng xen kẽ bóng tối” nhưng có thể khẳng định, suốt 400 năm người Công giáo Thủ đô luôn đồng hành cùng dân tộc.
1. Vài nét về tình hình đạo Công giáo của Thủ đô Hà Nội
Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đã có một vị trí trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta từ hơn ngàn năm nay. Về mặt tôn giáo, đây cũng là mảnh đất sớm nhận được Tin Mừng ở Việt Nam. Theo giáo sử, năm 1626, linh mục Juliano Baldinotti người Ý và tu sĩ Piani người Nhật là hai thừa sai đầu tiên đặt chân lên Kẻ Chợ, nhưng vì không biết tiếng Việt nên việc truyền giáo không thành công. Sau 5 tháng, họ chỉ rửa tội được cho 4 đứa trẻ hấp hối và phải quay về Ma Cao, gửi thư cho dòng Tên ở Đàng Trong xin trợ giúp. Năm 1627, hai giáo sĩ dòng Tên là Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ) và Marquez từ Cửa Bạng (Thanh Hóa) ngược theo đường thủy ra Thăng Long. Không rõ bởi tài truyền giáo hay do dân Thăng Long- Kẻ Chợ ham học hỏi điều mới lạ mà số người kéo đến nghe giảng đạo rất đông. Năm 1627, đã có lễ Giáng sinh đầu tiên ở kinh thành Thăng Long Kẻ Chợ được tổ chức rất trọng thể. Trong vòng 3 năm, số giáo dân ở Thăng Long đã tăng thành 5.600 người với 4 nhà thờ ở Cầu Dền, Vũ Xá, Quảng Bá và ô Đống Mác. Năm 1668, linh mục Bentô Hiền (1614-1686), một trong 4 linh mục đầu tiên là người Việt được truyền chức ở Thái Lan về coi sóc giáo đoàn Thăng Long.
Giám mục người Việt đầu tiên cai quản Hà Nội là Giám mục Trịnh Như Khuê từ năm 1950. Năm 1960, Tòa thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, địa phận Hà Nội nâng lên hàng Tổng giáo phận và Giám mục Trịnh Như Khuê cũng thành Tổng Giám mục và được phong lên bậc Hồng y tiên khởi của Việt Nam ngày 24/5/1976.
Tính từ năm 1945 đến nay, địa giới hành chính của Hà Nội đã có 28 lần thay đổi. Trên địa bàn thành phố Hà Nội (cũ) có 13 xứ, 49 giáo họ và hơn 4 vạn giáo dân sinh sống. Từ 01/8/2008, Thành phố Hà Nội mở rộng bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 3 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nên số lượng giáo dân thành phố Hà Nội cũng tăng lên gấp hơn 4,5 lần trước đây với 6 giám mục, khoảng 150 linh mục, gần 300 tu sĩ của 19 dòng tu và hơn 200.000 giáo dân sinh sống trên địa bàn của 110 giáo xứ, 428 giáo họ thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, giáo phận Hưng Hóa và giáo phận Bắc Ninh. Trong đó Giáo phận Bắc Ninh có 7 xứ, 29 giáo họ, Giáo phận Hưng Hóa có 54 xứ, 273 giáo họ.
Người Công giáo Thủ đô đã đồng hành cùng dân tộc ngay từ khi tôn giáo này có mặt ở Thăng Long – Kẻ Chợ cách đây gần 400 năm. Khi đón nhận một tôn giáo mới đến từ phương Tây xa lạ, mang đậm văn hóa châu Âu, những người Công giáo đầu tiên ở Thăng Long với tinh thần dân tộc đã làm cho tôn giáo này gần gũi hơn bằng cách đem văn hóa Việt choàng lên nó và đem lại một diện mạo mới cho đạo Công giáo tại Việt Nam. Trong ngày lễ Lá, người ta đã dùng lá dừa thay lá ôliu. Ngày Tết cổ truyền, người Công giáo vẫn dựng cây nêu trước nhà nhưng có thêm Thánh giá ở trên. Đặc biệt, họ đã dùng thể thơ lục bát để ghi lại sự tích trong Kinh thánh vừa để dễ truyền bá với nhau khi trình độ dân trí thấp và rất ít người biết chữ Hán hay Nôm. Họ Việt hóa các tên giáo sĩ Như Dôminico gọi là Đa Minh; Bênêđictô gọi là Biển Đức; Alexadre de Rhodes gọi là Đắc Lộ…
Đạo Công giáo đến Thăng Long không chỉ mang đến đây những tri thức khoa học mới từ phương Tây, một tôn giáo mới mà là một lối sống mới nhất là thực thi lòng bác ái, yêu người. Người ta đã gọi cộng đoàn Công giáo đầu tiên ở Thăng Long- Kẻ Chợ là những người theo “đạo yêu nhau”. Một số nhà thương chữa trị theo lối Tây y được đặt Đồn Thủy. Một số cơ sở từ thiện do Công giáo điều hành từ rất sớm như cô nhi viện thời giám mục Puginier năm 1864 như trại phong Khuyến Lương năm 1880 (đến năm 1928 chuyển về Bắc Ninh), bệnh viện miễn phí ở Kẻ Sở năm 1903, nhà thương Hàng Bột năm 1896, nhà thương Saint Paul năm 1902. Về nhà trường, thời giám mục Puginier, đã có trường mang tên vị giám mục này năm 1893. Năm 1895 có thêm trường Sainte Marie cho nữ do dòng Saint Paul de Charteres điều hành. Một báo cáo năm 1937-1938 cho biết Hà Nội có 9 nhà trẻ, 4 cô nhi viện, 4 bệnh viện, 2 nhà dưỡng lão chăm sóc 4998 trẻ, 2090 bệnh nhân và 900 cụ già cô đơn.
Nhưng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của người Công giáo Thăng Long – Hà Nội thực sự được bùng cháy khi cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ. Trước đây, giai điệu, ngôn từ trong thánh nhạc là của nước ngoài. Với tinh thần dân tộc, tháng 7/1945, các nhạc sĩ Công giáo đã tập hợp lại để thành lập nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh tại phố Julien Blance (Phủ Doãn ngày nay) và đưa ra một tôn chỉ hết sức đúng đắn với tinh thần “đồng hành cùng dân tộc” hiện nay là: “Về nội dung phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc, về nghệ thuật lấy dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh”. Nhạc đoàn với sự chỉ huy của nhạc sĩ Hùng Lân đã cho ra đời nhiều nhạc phẩm “tốt đời, đẹp đạo”. Nhiều bản nhạc như Rạng đông, Việt Nam minh châu trời đông, Khỏe vì nước… đã được cả cộng đồng đón nhận. Những ca từ đầy lòng yêu nước và tự hào dân tộc đã vang lên trong các bản thánh nhạc.
Trong ngày Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn độc lập, cùng với hàng vạn quần chúng Thủ đô Hà Nội, 200 chủng sinh trường Xuân Bích đã xuống đường tuần hành ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, bất chấp lệnh cấm của các thừa sai nước ngoài. Đóng góp vào lễ độc lập đó có công nhiều người Công giáo như lễ đài theo thiết kế của họa sĩ Lê Văn Đệ, còn đoàn quân nhạc cử bài Tiến quân ca lại phần lớn là lính kèn khố xanh là người Công giáo, đã bỏ hàng ngũ của Pháp về với Việt Minh dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Công giáo Đinh Ngọc Liên.
Không khí hồ hởi chào mừng độc lập dân tộc bùng nổ ở tất cả các xứ đạo của Hà Nội. Giáo dân tích cực tham gia mít tinh ủng hộ chính phủ mới. Giám mục Lê Đắc Trọng viết:
“Lễ các Thánh tử đạo và mừng độc lập được cử hành hết sức trọng thể ở Nhà thờ lớn Hà Nội. Có mặt ông Võ Nguyên Giáp, được coi như người nhất nhì lúc ấy sau ông Hồ Chí Minh cũng đến dự với tư cách người đại diện chính quyền lúc đó và ngồi trên gian cung thánh nhà thờ như các quan toàn quyền người Pháp khi trước và ông còn tỏ thái độ, cử chỉ như một tín hữu sùng đạo là khác. Và sau đó lễ còn được tổ chức ở nhiều nơi để mừng độc lập, đặc biệt ngay giữa chợ Ước Lễ, thuộc khu vực cha Hồng, chính xứ Kẻ Trừ, do cha Bằng ở họ Bến Cát, họ trực thuộc xứ Cửa Bắc về tổ chức” (1).
Cho nên trong Chính phủ, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có rất nhiều gương mặt Công giáo như bác sĩ Vũ Đình Tụng – Bộ trưởng Bộ y tế; Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà – Bộ trưởng Bộ kinh tế; Cụ Ngô Tử Hạ – cố vấn Chính phủ và Bộ trưởng Cựu chiến binh; Linh mục Phạm Bá Trực, ba bằng tiến sĩ từ Rôma trở về là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa I…
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Người Công giáo Thủ đô đã có nhiều hình thức để ủng hộ kháng chiến từ việc tham gia “Tuần lễ vàng” đến tổ chức lễ cầu nguyện cho các liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh trong kháng chiến ngày 2/11/1946 tại nhà thờ lớn Hà Nội mà đích thân Hồ Chủ tịch tới dự. Nhiều thanh niên Công giáo đã gia nhập Vệ quốc đoàn “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà không ít người đã trở thành cán bộ cao cấp như nhà báo Đại tá Đỗ Chí; nhạc sĩ, Đại tá Lương Ngọc Trác… Đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đồng bào Công giáo Thủ đô lại cùng đồng bào cả nước lên đường đánh Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rất nhiều người Công giáo Hà Nội đã được ghi công trong hai cuộc kháng chiến. Theo thống kê, đã có 59 người được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.144 liệt sĩ, 516 thương binh. Nhiều người được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, như Đỗ Văn Chiến, Phạm Quang Hạnh… Nhiều người được phong giáo sư, tiến sĩ, NGND, TTND như: GS Vũ Văn Chuyên, GS Lương Tấn Thành, GS Phạm Văn Toản, Luật sư Dương Văn Đàm, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng… Nhiều văn nghệ sĩ Công giáo như NSND Trúc Quỳnh, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhà thơ Thế Lữ, Bàng Bá Lân, Nguyên Hồng, Hồ Dzếnh, Phạm Đình Khiêm, Phạm Đình Tân… là những người có tên tuổi trên văn đàn. Lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng khi con trai ông là anh Vũ Đình Thành chiến đấu và hy sinh khi bảo vệ Chợ Hôm đầu năm 1947, hay điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và để Bộ trưởng Phan Anh đọc trong lễ tang linh mục Phạm Bá Trực ở Thái Nguyên năm 1954 là những ghi nhận của Nhà nước về công lao của người Công giáo Hà Nội với cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
2. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội ra đời và phát triển
Để quy tụ người Công giáo tham gia “Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc”, với nỗ lực của các ông Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Đình Đầu – Thủ lĩnh phong trào Thanh lao công đã lập ra tổ chức lấy tên là Liên đoàn Công giáo Việt Nam – một tổ chức Công giáo tiến hành. Liên đoàn đã được Tòa thánh phê chuẩn điều lệ ngày 31/5/1946 và Khâm sứ Drapier cho phép hoạt động. Ngày 14/9/1946, sau khi xin ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng cũng ký Sắc lệnh số 52/SL cho phép Liên đoàn hoạt động và lấy số 3 phố Nhà Chung làm trụ sở của báo “Liên đoàn” – cơ quan ngôn luận của Liên đoàn. Vừa ra đời, Liên đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động cổ vũ lòng yêu nước như tổ chức lễ cầu hồn cho các liệt sĩ bỏ mình vì Tổ quốc ngày 02/11/1946 tại nhà thờ lớn Hà Nội. Liên đoàn tổ chức nhiều cuộc mít tinh của giới Công giáo Thủ đô. Đại hội của thanh niên Công giáo Hà Nội họp ngày 25/10/1946, đã gửi quyết tâm thư lên Hồ Chủ tịch.
Trước phong trào yêu nước của người Công giáo ngày càng phát triển, để tập hợp được phong trào, tạo ra sức mạnh cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, tháng 3/1955 tại Hà Nội, Ủy ban liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình đã ra đời do linh mục Vũ Xuân Kỷ là Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và nói chuyện với các đại biểu của Ủy ban ngày 11/3/1955. Gần 1 năm sau, ngày 27/4/1956, Ủy ban liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình Thủ đô Hà Nội được thành lập do cụ Ngô Tử Hạ – nguyên cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo như “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”… Một trong các thành tích của người Công giáo Thủ đô sau hòa bình lập lại là đấu tranh chống di cư vào Nam theo luận điệu tuyên truyền của địch. So với các giáo phận khác thì Tổng giáo phận Hà Nội và Giáo phận Hưng Hóa có tỷ lệ giáo dân và linh mục di cư thấp nhất. Tổng giáo phận Hà Nội có 25% giáo dân và 68% linh mục di cư. Giáo phận Hưng Hóa có 9% giáo dân và 45% linh mục di cư trong khi tỷ lệ bình quân là 40% giáo dân và 72% linh mục.
Tổng kết 8 năm (1965-1973) chống Mỹ cứu nước cho thấy, 84% xứ họ trên địa bàn Hà Nội đạt danh hiệu “xứ họ đạo tiên tiến”, 75% các gia đình Công giáo Thủ đô có thành tích thi đua chống Mỹ cứu nước. Nhiều xứ họ đạt danh hiệu “Tổ lao động XHCN” được tặng thưởng Huân – Huy chương các loại như xứ Đồng Trì (huyện Thanh Trì), HTX Nông nghiệp Thạch Bích (huyện Thanh Oai) được vinh dự Bác Hồ về thăm ngày 2/12/1957… Ngày 10/10/1961, Đại hội “Những người Công giáo Thủ đô yêu Tổ quốc, yêu hòa bình” họp đại hội lần hai, Hồ Chủ tịch đã đến phát biểu và chụp ảnh chung với các đại biểu.
Khi miền Nam giải phóng, cả nước thống nhất, các giám mục Việt Nam ra Thư chung 1980 khẳng định đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Hoàn cảnh đó đã yêu cầu tổ chức yêu nước của người Công giáo Việt Nam phải đổi mới. Tháng 11/1983, Đại hội “Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình” đã họp tại Thủ đô Hà Nội để thành lập Ủy ban đoàn kết Công giáo yêu nước Việt Nam và đến năm 1990 đổi thành Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam. Tại Hà Nội, ngày 7/5/1985, 250 đại biểu cùng 100 vị khách mời đã về dự lễ tại nhà thờ Hàm Long sau đó dự Đại hội I của Ủy ban ĐKCGYN Hà Nội bầu ra 49 Ủy viên Ủy ban trong đó có 10 vị thường trực do linh mục Lương Đình Nghi làm Chủ tịch. Các linh mục Đinh Tiến Cung, GS. Phạm Văn Toản và ông Phạm Văn Phi là Phó Chủ tịch. Từ đó đến nay, Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội đã qua 8 lần đại hội. Đại hội VIII tổ chức tháng 10/2022 mới đây quy tụ gần 352 đại biểu chính thức. Linh mục Dương Phú Oanh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội. TS. Phạm Huy Thông là Phó Chủ tịch Thường trực, Nhiệm kỳ 2022-2027 này Ủy ban có 88 ủy viên trong đó có 8 vị Thường trực.
Rõ ràng từ khi Ủy ban ĐKCGVN thành phố Hà Nội được thành lập năm 1985 đến nay, tổ chức này được củng cố ngày càng vững vàng hơn. Trong Thường trực UBĐKCG thành phố đã có nhiều gương mặt là nhân sĩ, trí thức là người Công giáo như GS. Lương Tấn Thành, GS. Phạm Văn Toản, Kỹ sư Vũ Trọng Đăng, TS. Phạm Huy Thông. Điều này tạo ra hàm lượng chất xám nhiều hơn trong hoạt động của Ủy ban Hà Nội. Chính giám mục Nguyễn Văn Sang cũng ghi nhận điều này trong Hồi ký của mình:
“Thực ra cũng phải chân thành nhìn nhận rằng: Ủy ban đoàn kết tuy là tiếp nối và sinh ra từ Ủy ban liên lạc Công giáo, nhưng có nhiều nét tiến bộ và làm được nhiều điều đáng khen hợp lý. Ví dụ: Ủy ban đã tập hợp được một số các nhân sĩ, trí thức tham gia tổ chức như Dược sĩ, GS Lương Tấn Thành, sau này có cả TS, nhà báo Phạm Huy Thông” (2).
Nhờ có các nhân sĩ, trí thức Công giáo tham gia nên hoạt động của Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội có hàm lượng tri thức, khoa học hơn một số nơi khác như tổ chức được nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học như: “Xây dựng gia đình văn hóa Công giáo ở Thủ đô Hà Nội” (năm 2008); “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến” (năm 2009); “Người Công giáo Thủ đô với Thăng Long – Hà Nội”; “Bác Hồ với người Công giáo Thủ đô” (năm 2010); “Về sứ điệp của Đức Bênêđictô XVI: Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” (năm 2012)… Ba cuốn sách: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo” (Nxb CTQG 2004); “Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam” (Nxb Tôn giáo 2012) của TS Phạm Huy Thông và cuốn kỷ yếu khoa học “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” (Nxb Tôn giáo năm 2013) là những tài liệu bổ ích không chỉ cho giới nghiên cứu mà cho cả phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Thủ đô.
Ủy ban ĐKCGVN thành phố Hà Nội đã tổ chức được nhiều buổi tập huấn về tình hình tôn giáo, công tác tôn giáo cũng như phổ biến các Luật, Pháp lệnh, nghị định về tôn giáo đến không chỉ các ủy viên Ủy ban mà cả Ban hành giáo các xứ họ trên địa bàn. Nội dung các kỳ họp của Thường trực hàng tháng hay của cả Ủy ban hàng quý phong phú hơn và hấp dẫn hơn. Một số hoạt động của Ủy ban được dư luận chú ý và đánh giá cao như buổi đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 25/02/2013. Từ năm 2011, Ủy ban đã tổ chức những buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác với nhiều Ủy ban các tỉnh bạn như: tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình, tỉnh Cà Mau, tỉnh Tây Ninh… không chỉ học tập lẫn nhau về xây dựng tổ chức, hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước của các địa phương mà còn là dịp động viên các vị tham gia Ủy ban có dịp đi thăm các danh thắng của đất nước. Ủy ban cũng cố gắng hài hòa quan hệ đạo và đời.
Các phong trào thi đua yêu nước trong giới Công giáo do Ủy ban phát động luôn bám sát thực tiễn đời sống của Giáo hội và xã hội, nên cũng mau chóng được triển khai ở các xứ họ đạo như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đạo, đẹp đời”, phong trào “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt”, phong trào “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến”… Các phong trào này đã thực sự làm thay đổi diện mạo các xứ họ đạo. Trước đây, người Công giáo vốn sợ làm giàu vì bị ám ảnh bởi câu Kinh thánh: “Người giàu có vào nước Thiên đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” (Lc.18, 24-25). Nay, người Công giáo đã thi đua làm giàu cho mình, cho xã hội bằng cách khôi phục các làng nghề truyền thống như trồng đào Nhật Tân, trồng hoa Tây Tựu, làm gốm Bát Tràng, nghề mây tre đan ở Thanh Oai. Bà con nông dân ở Thanh Trì, Sóc Sơn cũng mở trang trại, làm VAC. Nhiều khu công nghiệp mới mở ở Hoài Đức, Thạch Thất thu hút cả ngàn lao động. Thu nhập của các gia đình Công giáo làm kinh tế giỏi ngày càng tăng cao. Năm 2000, thu nhập của gia đình cao nhất là 200 triệu thì đến năm 2015 có nhiều gia đình thu nhập 2 – 10 tỷ đồng/năm như ông Nguyễn Văn Cần ở Sóc Sơn, ông Phạm Văn Hạnh, ông Cao Duy Quang (huyện Thanh Trì), anh Trường – chị Mùi, ông Hoàng Phúc Triển (quận Tây Hồ), Trần Văn Cử, Trần Văn Chiến (huyện Đan Phượng), ông Nguyễn Văn Huynh (huyện Thanh Oai)… Nhờ vậy, số hộ Công giáo giàu tăng lên, hộ nghèo giảm đi. Huyện Đông Anh có 200 hộ Công giáo thì có 77 hộ giàu, 120 hộ kinh tế khá, chỉ có 3 hộ nghèo. Quận Tây Hồ có 70% các gia đình Công giáo có nhà cửa khang trang, tiện nghi, đồ dùng sinh hoạt hiện đại.
Trước đây, người Công giáo ngại cho con học lên cao vì sợ “mất linh hồn, sa hỏa ngục”, nay thì nhiều giáo xứ, họ giáo lập quỹ khuyến học để động viên các con em nhà nghèo, hiếu học. Tiêu biểu nhất là quỹ học bổng mang tên linh mục Nguyễn Ngọc Bích mỗi năm cấp vài trăm triệu đồng cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo. Vì vậy, rất nhiều người Công giáo đã vào được đại học và sau đại học. Huyện Hoài Đức trong 5 năm (2007-2012) đã có hơn 300 em vào đại học, 26 em học cao học và sau đại học. Anh Nguyễn Thanh Tùng (Hoàng Mai) bị khiếm thị do nhiễm chất độc da cam nhưng cũng đã vươn lên có hai bằng đại học và trở thành nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng trong nước và quốc tế. Anh Nguyễn Công Hùng (Hoàng Mai) dù bị tàn tật cả chân tay nhưng tự học và trở thành kiện tướng công nghệ thông tin và được tôn vinh là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2006. Mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng hàng năm, các xứ họ đã đón tiếp 3 – 4.000 lượt thí sinh và người nhà tìm chỗ trọ miễn phí hay giá rẻ, lo đưa đón, nấu cơm phục vụ tiết kiệm cho các em hàng tỷ đồng/năm.
Người Công giáo cũng hăng hái tham gia các chương trình thi đua lớn của Nhà nước. Giáo dân ở Sóc Sơn tích cực ủng hộ kế hoạch dồn điền, đổi thửa để xây dựng nông thôn mới. Người Công giáo ở Ngọc Động (huyện Gia Lâm) đã di dời 200 ngôi mộ của người thân để trả mặt bằng cho Nhà nước làm đường. Nhà thờ họ Phúc Lý (quận BắcTừ Liêm) đã ủng hộ 200m2, xứ Phương Trung (huyện Thanh Oai) ủng hộ 80m2 để làm đường nông thôn mà không đòi bồi thường. Giáo dân các địa phương có vành đai 4 đi qua đã di dời mồ mả, nhà cửa bàn giao mặt bằng cho dự án đúng thời hạn. Giáo dân huyện Đông Anh, quận Tây Hồ, quận Bắc Từ Liêm thực hiện tốt việc hiếu, hỷ văn minh. Phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) trước đây là một tụ điểm ma túy phức tạp, 5 năm nay không có người nghiện mới. Người cai nghiện được bà con giúp đỡ mau chóng tái nhập cộng đồng. Một số người nhiễm HIV/AIDS ở Hoàn Kiếm, Tây Hồ đã trở thành cộng tác viên tích cực trong truyền thông cộng đồng.
Một thành tích nổi bật của người Công giáo Thủ đô được Ủy ban ĐKCG phát động và thu được nhiều kết quả đó là hoạt động từ thiện, bác ái. Các nhóm ve chai ở quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng mỗi năm cũng thu được vài trăm triệu cho từ thiện. Mỗi dịp lũ lụt, hưởng ứng lời kêu gọi của Tòa Giám mục, bà con lại ủng hộ cả tỷ đồng tiền mặt, đồ dùng cho ban Caritas giáo phận đưa vào miền Trung. Tính trung bình, mỗi năm người Công giáo Thủ đô ủng hộ cho hoạt động từ thiện khoảng 10 tỷ đồng. Caritas Hà Nội, Hưng Hóa đã mổ mắt miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo, tặng 300 xe lăn cho người tàn tật. Dòng Thánh Phaolô mỗi ngày duy trì cung cấp hàng trăm xuất cháo cho bệnh nhân nghèo. Công đoàn Emaus Hà Nội đã tổ chức hơn 500 buổi truyền thông về HIV/AIDS và chăm sóc cho 200 bệnh nhân giai đoạn cuối tại nhà. Nhiều xứ lập văn phòng tư vấn hôn nhân gia đình, HIV/AIDS. Các nhóm bảo vệ sống đã giúp đỡ hàng trăm bà mẹ lỡ mang thai được mẹ tròn con vuông và thu gom hàng ngàn thai nhi bị bỏ về chôn cất chu đáo ở nghĩa trang Từ Châu (huyện Thanh Oai), Bến Cốc (huyện Sóc Sơn)…Trong đại dịch Covid-19, nhiều giáo xứ đã tổ chức các trạm cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí cho người nghèo. Xứ Thái Hà cung cấp hàng trăm tấn gạo cho người bị ảnh hưởng vì Covid-19.
Người Công giáo cũng vượt qua mặc cảm để tham gia quản lý xã hội. Huyện Phúc Thọ có 2.217/5.518 người là giáo dân (chiếm 42,2%) tham gia các tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Huyện Thanh Oai có 172 đảng viên là người gốc giáo trong đó có 2 vị là Huyện ủy viên, 2 Phó Bí thư Đảng ủy, 43 tham gia cấp ủy. Nhờ vậy số gia đình Công giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa không ngừng tăng lên. Năm 2007, ở thành phố Hà Nội cũ có gần 70% số gia đình đạt tiêu chuẩn, đến năm 2022, có nhiều quận, huyện có hơn 90% gia đình được công nhận như: quận Tây Hồ 93,1% (469/504 hộ), huyện Đan Phượng 93,35%. Các quận, huyện: Phú Xuyên, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Mê Linh cũng hơn 90% đạt chuẩn. Riêng gia đình ông Lê Ngọc Châu (quận Hai Bà Trưng) đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa cấp quốc gia. Nhiều xứ họ đạt tiêu chuẩn xứ họ đạo tiên tiến. Huyện Hoài Đức có 20/24 xứ họ đạt tiêu chuẩn. Huyện Phú Xuyên có nhiều xứ được công nhận là làng văn hóa cấp quốc gia như: thôn Tân Độ, Chuôn Thượng, Văn Minh…
Tổ chức của Ủy ban ĐKCGVN thành phố Hà Nội đã được kiện toàn từ thành phố xuống các quận huyện, thị. Hiện nay có 29 Ban ĐKCG ở cấp quận, huyện (quận Cầu Giấy ít giáo dân nên không lập). Nhiều nơi còn phát triển Tổ ĐKCG và hoạt động nề nếp như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Sóc Sơn… Từ năm 2010, các Ban ĐKCG đã có quyết định công nhận của Ủy ban ĐKCG thành phố và có sinh họat thường kỳ hàng tháng, tổ chức tốt các hoạt động sơ kết, tổng kết hàng quý, hàng năm. Ban Thường trực Ủy ban ĐKCG thành phố có sự phân công nhiệm vụ cho từng Ủy viên, có lịch sinh hoạt thường kỳ hàng tháng, hàng quý và cả năm ngay từ đầu năm công tác.
Chính quyền, MTTQ các cấp ở Thủ đô luôn quan tâm đến người Công giáo giải quyết các nhu cầu xây, sửa nhà thờ, chủng viện kịp thời. Năm 2010, huyện Đông Anh hỗ trợ kinh phí xây nhà giáo lý của họ Mai Châu gần 1 tỷ đồng, đến năm 2019 hỗ trợ xây nhà thờ Bến Đông hơn chục tỷ đồng. Điều này làm cho giáo dân rất phấn khởi, tin tưởng.
Hiện nay quan hệ Việt Nam – Vatican đã tiến triển tốt đẹp và sẽ còn tiến xa hơn nữa, tạo bầu khí phấn khởi cho cộng đồng Công giáo Việt Nam, nên người Công giáo Thủ đô còn tích cực dấn thân hơn nữa để đóng góp cho xã hội và Giáo hội.
Chúng tôi tin rằng, với truyền thống đồng hành cùng dân tộc gần 400 năm qua, cùng với sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền, của cộng đồng thì tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Thủ đô sẽ còn tiến xa hơn, giành nhiều kết quả lớn hơn nữa, xứng với tầm vóc của Thủ đô Hà Nội.■
TS. Phạm Huy Thông
Phó Chủ tịch Thường trực
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội
Chú thích