“Trung với nước, hiếu với dân” là bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thành lập cách đây 80 năm vào ngày 22/12/1944, ngay từ những ngày đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam bước vào cuộc đấu tranh cách mạng, dũng cảm chiến đấu giành độc lập tự do cho đất nước. Dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã liên tục chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, góp phần xây dựng phát triển đất nước, luôn xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trung với nước, hiếu với dân”.

Chúng ta còn nhớ giữa tháng 12/1944, để tiến tới đấu tranh giành chính quyền, giải phóng đất nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập ngay lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của nước ta lấy tên là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngay từ đầu, Bác đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Phải dựa chắc vào dân. Dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta”. Trước khi làm lễ ra  mắt, Bác Hồ còn dặn thêm “Phải thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự. Thành lập xong ra quân hành động có tính chất quần chúng. Trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng”[1].

Buổi lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân ngày 22/12/1944 tại khu rừng thuộc tỉnh Cao Bằng. Ảnh tư liệu

Đó là những khởi nguồn trong tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh để Quân đội ta ngay từ khi mới thành lập đã mang trong mình lời thề son sắt “Trung với nước, hiếu với dân” cùng truyền thống bách chiến bách thắng. Tư tưởng đó của Bác sau này còn được hiện trên lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” mà Người tặng cho Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, ngôi trường đầu tiên của Quân đội ta khi Người thăm vào tháng 5/1946. Lịch sử 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ghi những dấu son thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác trong hành trình trưởng thành, chiến đấu hi sinh bảo vệ sự trường tồn của đất nước, dân tộc.

1. Trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới, có lẽ hiếm có một lực lượng Quân đội nào như Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa mới ra đời, lực lượng còn mỏng, vũ khí còn thô sơ, chiến thuật chưa bài bản, nhưng với tinh thần yêu nước, dấn thân, lại được Đảng lãnh đạo, đã cùng nhân dân cả nước nhanh chóng chớp thời cơ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp, đánh đổ chế độ phong kiến hàng ngàn năm giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 8 năm 1945.

Thế nhưng dã tâm của thực dân, đế quốc đối với nước ta là vô cùng nham hiểm. Chúng gây nên bối cảnh đất nước sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Nào là tình thế “thù trong giặc ngoài”, chính quyền cách mạng non trẻ “ngàn cân treo sợi tóc”. Nào là ở miền Nam, thực dân Pháp gây hấn đánh chiếm Nam Bộ và chuẩn bị âm mưu chiếm nước ta một lần nữa. Nào là giặc đói, giặc dốt bao vây đất nước ta. Lúc này hơn lúc nào hết, quân đội ta, quân đội của nhân dân xuất thân từ con em của nhân dân lao động Việt Nam đã thể hiện cao nhất tình cảm trung với nước, sẵn sàng hi sinh vì đất nước. Những vệ quốc quân, những vệ quốc đoàn, những chiến sỹ Nam tiến xuất thân từ nông dân tình nguyện xung phong vào bộ đội lên đường xả thân cứu nước. Đến bây giờ, trong tâm trí nhiều người còn văng vẳng câu hát “Đoàn cứu quốc quân một lần ra đi… Ra đi ra đi bảo toàn sông núi. Ra đi ra đi thà chết không lui…” phản ánh chất lý tưởng và tinh thần dấn thân trung thành với đất nước của quân đội nhân dân Việt Nam. Càng trong khó khăn, thiếu thốn, vất vả quân đội càng gắn bó với dân, quyết chiến đấu bảo vệ cuộc sống tự do, độc lập của nhân dân vừa mới giành được. Vì thế, quân đội nhân dân luôn được nhân dân dù thiếu thốn, vất vả vẫn hết lòng yêu thương, đùm bọc để tăng thêm sức mạnh chiến đấu. Đó là lòng hiếu với dân, đó là tình quân dân như cá với nước đặc biệt được Quân đội xây dựng nên trong chế độ cộng hòa.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, được Đảng và Bác Hồ quan tâm rèn luyện, chăm sóc, quân đội nhân dân đã trưởng thành, lớn mạnh nhanh chóng, sẵn sàng đương đầu với quân đội thực dân Pháp hùng mạnh. Lần đầu tiên những chàng trai nông dân mặc áo lính tình nguyện vào bộ đội, bổ sung lực lượng để xây dựng quân đội lớn mạnh. Vượt qua bao nhiêu thử thách, gian khổ, thiếu thốn, hi sinh nhưng với tính thần “tất cả cho Tổ quốc quyết sinh”, Quân đội ta tất cả một ý chí, càng chiến đấu xung trận càng trưởng thành. Từ vũ khí thô sơ, quân đội ta đã sáng tạo, học hỏi vươn lên chế tạo và sử dụng vũ khí hiện đại từ các nước anh em giúp đỡ để hiên ngang chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Vừa huấn luyện, vừa chiến đấu vừa trưởng thành nhanh chóng, với tinh thần “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, những người lính dũng cảm xung trận, người trước ngã xuống, người sau xông lên. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội ta được tô thắm bằng máu đào của các anh hùng, liệt sỹ, của đội quân trung thành với đất nước, với Bác Hồ, với Đảng quang vinh.

Trung với nước lúc này là trung thành với Đảng, trung thành với với lời dạy và sự chăm sóc của Bác, trung thành với Chính phủ và nhân dân. Nghĩa  là Quân đội nhân dân sẵn sàng hi sinh vì toàn vẹn của đất nước. Chỉ có tinh thần yêu nước, trung với nước hết lòng, quân đội ta mới sáng tạo vươn lên từ thô sơ đến hiện đại, từ yếu đến mạnh để chiến đấu từ phòng ngự sang tấn công kẻ thù trên toàn bờ cõi, giải phóng nhân dân khỏi sự kìm kẹp của kẻ thù, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiếm đất, càn quét của thực dân Pháp. Yêu dân, hiếu với dân, quân đội ta liên tục mở nhiều chiến dịch lớn ở miền Bắc và miền Nam, Nam Bộ chiến đấu, tiêu diệt địch bảo vệ dân, sơ tán dân trước thủ đoạn càn quét của địch, giải phóng nhiều làng quê, cùng dân lập làng kháng chiến tấn công địch cả ở miền núi và đồng bằng, tạo thế “thiên la địa võng”.

Khi thế và lực của Quân đội ta đã lớn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông xuân 1953 – 1954, quyết chiến với quân đội thực dân Pháp tại Điện Biên phủ. Hình ảnh những người nông dân Thanh Hóa thồ gạo bằng xe đạp lên Điên Biên, hình ảnh hàng vạn đoàn dân công hỏa tuyến gồng gánh lương thực, trèo đèo lội suối tiếp viện cho bộ đội ta đánh Pháp là những hình ảnh đi vào lịch sử, mãi mãi gây xúc động lớn đối với nhân dân Việt Nam. Chín năm kháng chiến trường kỳ, quân với dân một ý chí đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bức tranh khắc gỗ “Đón bộ đội về bản” do họa sĩ Cao Trọng Thiềm sáng tác năm 1984. Ảnh: Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta đã xây đắp nên tình quân dân đặc biệt như cá với nước. Cách gọi trìu mến của người dân “anh bộ đội cụ Hồ” từ những ngày đầu chống Pháp đã phản ánh sinh động nhất tình cảm của Quân đội ta đối với nhân dân của mình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng cho biết, cách gọi “Anh bộ đội cụ Hồ” là có từ khu giải phóng Việt Bắc. Ngày ấy, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào với lãnh tụ của mình. Cũng do nhiều người khi đó chưa biết tên Bác, về sau này khi đã biết chính xác tên thật của Bác Hồ, biết rõ Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam thì nhân dân gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ“. Cũng từ chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu quý ấy trở thành tên gọi thân thương cho đến ngày nay.

2. Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Quân đội ta không một ngày ngừng nghỉ lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu sinh tử chống Mỹ cứu nước.

Năm 1964, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập (22/12/1944 – 22/12/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng Quân đội nhân dân Việt Nam lời khen ngợi “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đây là niềm vinh dự, tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao mà Bác Hồ dành tặng Quân đội ta, trở thành truyền thống quý báu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là phương châm xây dựng Quân đội ta lớn mạnh, mang bản chất của đội quân bách chiến, bách thắng, luôn trung thành với Tổ quốc, hiếu với dân…

Lời dạy của Bác Hồ như một lời hiệu triệu đối với Quân đội nhân dân. Lúc này Quân đội ta vừa phải bảo vệ miền Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ nhân dân khi đế quốc Mỹ đưa không quân bắn phá miền Bắc, vừa tập trung lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến đấu với giặc Mỹ và tay sai. Nhân dân miền Bắc vừa được sống trong hòa bình được 10 năm, thì đế quốc Mỹ và tay sai mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Chúng dùng các loại máy bay hiện đại nhất, bom đạn tàn sát dã man nhất với dã tâm “đưa miền Băc trở về thời đại đồ đá”. Nhưng với lòng trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, Quân đội ta với khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã dũng cảm, quyết chiến đánh trả lại không quân và tàu chiến Mỹ. Quân đội nhân dân đã phối hơp với lực lượng Công an nhân dân đưa hàng vạn người dân thành phố đi sơ tán tránh bom đạn Mỹ, kịp thời cứu tính mạng và tài sản của nhân dân dưới làn bom đạn của kẻ thù. Những trận địa pháo, những trận địa tên lửa, những phi cơ của không quân xuất kích đã tạo thành vòng đạn lửa bảo vệ người dân lao động công xưởng, sản xuất mùa màng với tình cảm “mỗi người lao động bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Quân đội ta với vũ khí hiện đại, cách đánh sáng tạo với tâm thế “kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã quyết tâm đánh thắng pháo đài bay của Mỹ, lập nên chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” tháng 12/1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đối với miền Nam – nửa đất nước thân yêu, với ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Quân đội ta đã chi viện những binh đoàn, những sư đoàn, quân đoàn lớn mạnh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với vũ khí hiện đại chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc Mỹ và tay sai. Quân đội ta đã kiên cường chiến đấu, giải phóng nhân dân khỏi các ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của Mỹ và tay sai, đưa người dân ra vùng giải phóng, bảo vệ người dân lao động vừa sản xuất vừa chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu giành dân, giải phóng từng vùng đất khỏi sự giày xéo của kẻ thù, hàng vạn người lính của Quân đội ta đã hi sinh, hàng vạn người bị thương tật suốt đời. Nhưng với tinh thần trung với nước, hiếu với dân, quân đội ta đã sáng tạo vươn lên xây dựng lực lượng chủ lực mạnh, kết hợp với vũ khí hiện đại, cách đánh sáng tạo, thông minh, tạo những quả đấm thép, giáng những đòn sấm sét lên đầu giặc Mỹ và tay sai. Sau 21 năm bền gan chiến đấu, những đội quân chủ lực của Quân đội ta thần tốc tấn công mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết hợp với sức mạnh nổi dậy của quần chúng nhân dân tạo thành sức mạnh to lớn giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Chiến thắng lịch sử ấy là thể hiện cao nhất sức mạnh của truyền thống trung với nước, hiếu với dân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Không thể kể hết những hi sinh, xương máu của những người lính cụ Hồ đã cống hiến cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hình ảnh anh giải phóng quân, hình ảnh “Anh bộ đội cụ Hồ”, tình cảm quân dân máu thịt đã đi vào văn học nghệ thuật, trở thành tượng đài tạc vào lịch sử.

Quân đội ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Hình ảnh xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Tổng thống ngụy lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.  Ảnh tư liệu

3. Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Quân đội nhân dân vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu vừa tham gia làm kinh tế, giúp dân phục hội sản xuất sau chiến tranh. Nhưng khi bọn phản động quốc tế gây ra cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Quân đội nhân dân lại tiếp tục chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước sự tấn công tàn ác của bọn lính Khơ-me-đỏ Campuchia, nhân dân các tỉnh biên giới phía Nam hàng ngày trông chờ vào lực lượng Quân đội. Và thêm những chiến công xuất sắc thời gian này, quân đội ta chẳng những tấn công, đẩy địch ra khỏi biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ người dân Việt Nam mà còn giúp đỡ nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn-Pốt, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn ác nhất của loài người. Để biên giới được bình yên, để người dân chúng ta được sống bình yên lao động sản xuất trên đất của ông cha mình, lại biết bao người lính của Quân đội nhân dân đã hi sinh, biết bao người đã cống hiến một phần xương máu, thân thể mình cho đất nước. Cuộc sống của những người lính như thế nói riêng, của những người lính sau chiến tranh nói chung, hàng ngày trong căn nhà còn bao khó khăn ấy, nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai… Nhân dân ta mãi mãi ghi công những người lính cụ Hồ đã hi sinh, cống hiến như thế!

4. Ngày nay, đất nước chúng ta được sống trong hòa bình. Nhưng chúng ta vẫn phải chứng kiến thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19. Những người lính cụ Hồ lại có mặt giúp dân, cứu dân. Thời chiến tranh, những người lính chiến đấu xông vào nơi bom đạn, nơi nguy hiểm nhất để cứu dân. Ngày nay khi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ đe dọa cuộc sống của người dân, giữa lúc gian nguy dễ hi sinh, mất mát nhất, người lính cụ Hồ lại xuất hiện kịp thời nhất để đến với dân, cứu dân khỏi tai họa. Giữa cái sống và cái chết đang cận kề, trên giường bệnh, giữa mênh mông nước lũ, giữa sạt lở, lũ quét… đang hoành hành, số phận con người thật nhỏ nhoi, tiếng kêu cứu khẩn thiết. Bất chấp hiểm nguy, bộ đội cụ Hồ đã kịp thời đến với dân. Người dân gọi đó là những “ông Bụt sống”. Những chuyến máy bay trực thăng của Quân đội vượt cơn siêu bão Yagi tháng 9/2024 tiếp tế lương thực cho bà con, cấp cứu dân, những đơn vị bộ đội gấp rút hành quân lên Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên… để đến với người dân nhanh nhất trở thành những biểu tượng đẹp của tình quân dân. Hình ảnh người dân còn sống sót sau vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) tháng 9/2024 bịn rịn chia tay trong nước mắt những người lính ngày đêm tìm kiếm người mất tích, giúp dân, đã gây xúc động cho hàng triệu con tim trong và ngoài nước là những minh chứng sinh động nhất cho tình cảm “hiếu với dân” của Quân đội ta.

Hình ảnh các anh Bộ đội Cụ Hồ tham gia cứu hộ, tìm người mất tích tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai do cơn bão số 3 gây ra tháng 9/2024. Ảnh: Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh

Trong thời kỳ phát triển đất nước, Quân đội ta đã tự lực, tự cường, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chế tạo ra nhiều vũ khí mới, máy móc hiện đại, tăng cường tiềm lực quân sự của nước nhà. Theo đó, quân đội đi đầu trên lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Ngoại giao của quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần rất quan trọng hiện thực chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của nước ta, góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Công lao của Quân đội đối với đất nước, đối với dân tộc là rất to lớn. Quân đội cùng với Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt về quốc phòng, an ninh quốc gia, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, được Đảng tuyệt đối tin cậy, nhân dân yêu mến và đùm bọc. Quân đội ta trong suốt 80 năm đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trong thời điểm này, cả nước đang đón chào kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng Quân đội cũng đang tích cực hoạt động cho ngày kỷ niệm của mình, điều đó sẽ tạo ra sức mạnh mới, khí thế mới để quân đội cùng với dân tộc xây dựng một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúc Quân đội nhân dân Việt Nam bảo tồn được sức mạnh mãi mãi, là chỗ dựa của dân tộc. Nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi biết ơn và yêu quý bộ đội của mình.■

Nguyễn Hồng

 

Chú thích:

[1] Theo báo Quân đội nhân dân điện tử ngày 21/09/2024

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN