Ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, tôi được cử vào công tác ở Sài Gòn. Một hôm, chị Vân Trang và chồng là anh Thiên Giang – Trần Kim Bảng rủ đến thăm nhà sử học Nguyễn Đình Đầu (hai anh chị Thiên Giang – Vân Trang là trí thức có uy tín, nhà anh chị có hầm bí mật in báo Trí Vận của cách mạng. Năm 1968, anh chị được đưa ra Khu và sau đó ra Hà Nội. Tôi quen thân anh chị từ những ngày đó).
Chúng tôi đến 77 Thủ Khoa Huân, là tư gia của anh Đầu. Anh Nguyễn Văn Diệp, Tổng Trưởng kinh tế trong Chính phủ Dương Văn Minh cũng được mời đến. Anh Đầu bố trí sẵn một bàn ăn ở sân sau, có cửa quay ra đường Nguyễn Du, một không gian nhỏ nhưng rất ấm cúng. Đây cũng là bữa cơm đầu tiên của tôi với một gia đình ở Sài Gòn. Anh Đầu năm ấy đã bước vào tuổi 55, vào bậc cha chú của tôi, nhưng thấy tôi gọi anh chị Thiên Giang, Vân Trang bằng anh chị nên ông bảo tôi: Anh cứ gọi tôi bằng anh, chúng ta là anh em bằng hữu.
Hôm đó, tôi gợi ý muốn nghe chuyện anh vào trại Davis gặp phái đoàn Quân sự của Cách mạng. Anh vui vẻ chỉ tay về phía anh Diệp:
– Chuyện này phải hỏi Tổng trưởng. Tôi đi với anh Diệp đây.
– Không? Khởi sự là từ anh Đầu. – Anh Diệp nói.
– Đầu đuôi là chuyện ở anh mà. – Chị Vân Trang nói thêm.
Anh Đầu nâng ly rượu:
– Xin chúc sức khỏe các vị trước, chúc cho cuộc hội ngộ này vui vẻ.
Cụng ly xong, anh chậm rãi kể:
“Tình thế khi đó cấp bách lắm, Quân giải phóng đã tiến sát Sài Gòn. Nhóm Trí Việt (tên gọi tắt của lực lượng trí thức Sài Gòn có xu hướng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) chúng tôi bàn nhau, nếu không có giải pháp gì thì Sài Gòn sẽ tan nát vì bom đạn chiến tranh và tắm máu. Tôi thì Việt cộng không phải, chính quyền cũng không, không có chức gì cả, kể cả cái hàm Giáo sư mà họ khoác cho tôi cũng sai luôn, tuy nhiên mọi người biết tôi là một trí thức hồi đầu kháng chiến năm 1945 có giúp Chính phủ Cụ Hồ nên nhóm cử tôi đi gặp Tướng Dương Văn Minh để tìm cách. Tôi đi tìm gặp ông Nguyễn Văn Huyền. Ông Huyền nói với tôi: ông Dương Văn Minh giao cho tôi giữ chức Phó Tổng thống phụ trách hòa đàm mà giờ biết đàm với ai để hòa. Ông Huyền cũng nói: ông Dương Văn Minh và chúng tôi nhận cái Chính phủ này là vì chúng tôi sợ chiến tranh, sẽ đầu rơi máu đổ. Ông Minh đã dặn: làm gì thì làm, chúng ta phải có giải pháp để đồng bào mình không chết. Ông Huyền nhất trí giao cho tôi cùng anh Nguyễn Văn Diệp, anh Nguyễn Văn Hạnh và anh Tô Văn Cang vào trại Davis gặp đại diện Chính phủ cách mạng. Sau này tôi biết được ông Hạnh là cơ sở, ông Cang là lực lượng tình báo của cách mạng. Cuộc gặp ấy không giải quyết được yêu cầu như ông Minh, ông Huyền mong muốn, nhưng cái được nhất là chúng tôi đã thông tin đến Chính phủ Cách mạng là Chính phủ Sài Gòn sẵn sàng bàn giao và không đánh nhau nữa để Quân giải phóng có kế hoạch tiến nhanh. Khi nghe chúng tôi từ trại Davis về báo cáo lại ý của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng rằng mọi việc đã trễ, không có gì cản nổi sự tiến công của Quân giải phóng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng yêu cầu chính quyền Sài Gòn chấp nhận tuyên bố ngày 26/4/1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. Ông Dương Văn Minh đã đồng ý sẽ có tuyên bố vì hòa bình”.
Cuối bữa ăn tối hôm đó, anh nói riêng với tôi:
– Tôi sinh ra ở phố Hàng Giấy, Hà Nội. Hai mươi năm xa cách, tôi nhớ lắm – nén nổi xúc động anh nói tiếp: Tôi mong ra thăm Hà Nội, thăm lại Bắc Bộ Phủ, nơi tôi được gặp cụ Hồ.
– Ôi, anh đã được gặp cụ Hồ rồi sao?
– Tôi được gặp trong công vụ từ năm 1945, hồi tôi giúp Bộ trưởng kinh tế Nguyễn Mạnh Hà.
Câu chuyện lịch sử đó thế này, sau nạn đói 1945, quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật. Cả miền Bắc thiếu gạo. Quân Tưởng yêu cầu Chính phủ Cách mạng Lâm thời phải cung cấp đủ gạo cho quân Tưởng, họ mua có trả tiền, nhưng lấy gạo đâu mà bán. Bác giao việc này cho Bộ trưởng kinh tế Nguyễn Mạnh Hà, ngày đó anh Nguyễn Đình Đầu làm phụ tá cho Bộ trưởng. Anh Đầu được Bộ trưởng Hà giao đi lo việc này.
“Để có thể đi lại, giao dịch mua đủ gạo, anh Hà nghĩ ngay phải xin cụ Hồ một giấy đi đường. Vậy là giữa trưa chúng tôi đến xin gặp cụ và cụ đã cho một công vụ lệnh với danh nghĩa Chủ tịch Chính phủ, cụ ký và ghi rõ: Hồ Chí Minh – Đó là lý do tôi được gặp cụ lần đầu. Anh Đầu nói đến đó và dừng lại.
– Chuyện hay quá! Xin được trở lại nghe anh kể.
*
Khi trở ra miền Bắc, một lần tôi gặp nhà thơ Huy Cận, năm 1945 anh Cận là Bộ trưởng Canh nông cùng thời Chính phủ Lâm thời với Nguyễn Mạnh Hà, tôi kể cho anh Cận nghe chuyện gặp anh Nguyễn Đình Đầu và hỏi anh có biết việc đó không? Anh gật đầu: “Có chứ, Bộ Canh nông phải lo chuyện làm ra lúa gạo, còn Bộ ông Hà là mua lúa gạo. Năm đó, sau nạn đói miền Bắc thiếu thốn đủ thứ, nhất là gạo. Tôi biết Bác Hồ giao cho anh Hà và anh Đầu lo vụ này. Anh Đầu xoay xở cả tháng mà không mua đủ gạo, nên bị quân Tưởng làm khó.
Trưa đó, gần giờ cơm, tôi thấy Nguyễn Mạnh Hà báo cáo với Bác đại thể Nguyễn Đình Đầu xoay xở cả tháng mà không mua đủ gạo, đến báo với quân Tưởng. Anh Hà thưa với Bác: “Không biết sao, mà mấy tiếng đồng hồ rồi chưa thấy anh Đầu về”. Nghe xong Bác nói:
– Không xong rồi, Tiêu Văn muốn chơi kèo trên. Chú ở nhà, Bác đi.
Nói xong, Bác cầm cây can, xuống xe đi liền. Một tiếng sau Bác về và sau đó anh Đầu cũng về”.
Trong lần gặp thăm lại anh Đầu, tôi có kể lại anh nghe câu chuyện với anh Cận và hỏi anh. Anh Đầu chậm rãi nói:
– Chuyện ấy mà đã hơn 30 năm rồi, nhưng trong tôi vẫn nhớ như in.
Anh Đầu vốn ít nói về mình, anh im lặng nhìn vào xa xăm một lúc, rồi đứng lên lấy ra một tập phô tô đưa cho tôi và nói:
– Tôi tặng anh, trong đó có cả.
Thì ra đó là “Tự bạch” của anh. Sự thể tiếp theo là:
Cùng với công vụ lệnh của Bác, Bộ Tài chính giao cho anh Đầu 500 đồng Đông Dương và một thủ quĩ, một ô tô để đi Hải Phòng mua gạo. Hải Phòng có cảng, con buôn mua gạo phía Nam chở ra, hy vọng mua đủ. Nhưng đi cả tháng, gặp cả lái buôn người Hoa đặt họ mua gạo từ Chợ Lớn mà cũng không đủ. Trở về báo cáo, anh Hà giao anh Đầu cùng với đổng lý Văn phòng Bộ đến bàn thảo với Bộ Chỉ huy Tưởng Giới Thạch ngày đó đóng ở đường Trần Hưng Đạo (nay thuộc Bộ Khoa học công nghệ). Nghe ta nói không mua đủ gạo, chúng liền báo cho Tiêu Văn, người được tướng La Hán giao quyền khi hắn đi vắng, Tiêu Văn lên mặt lớn tiếng và khẳng định: “Không đủ gạo thì phải giam các ông cho đến khi có đủ gạo mới cho về”. Thật bất ngờ, làm ơn mắc oán, nhưng ở trong tay họ biết làm sao? Anh Đầu và anh Đổng Lý văn phòng vô cùng lúng túng nhìn nhau chịu trận. Khoảng một giờ sau, thấy mọi người chộn rộn, cả Tiêu Văn cũng xuất hiện, nhưng không còn khuôn mặt “lòng lang dạ thú” nữa. Thì ra Bác Hồ đến, Tiêu Văn lễ phép cuối đầu chào, Bác nói với chúng bằng tiếng Hoa. Anh Đầu không hiểu, nhưng thấy có lúc Bác và bọn họ cùng cười. Bác lúc cứng, lúc mềm, thái độ bình tĩnh, ôn hòa. Bọn Tiêu Văn răm rắp nghe theo, chúng thả hai anh, còn nói hẹn gặp lại. Theo chân Bác xuống cầu thang, Bác quay lại động viên anh Đầu và lên xe về trước.
Chờ tôi đọc xong nhìn lên, anh Đầu đĩnh đạc nói:
– Anh thấy, tôi vinh dự không? Được chính cụ Hồ giải cứu.
Tôi gật đầu đồng tình với anh và mạnh dạn hỏi thêm anh:
– Tôi muốn hỏi anh việc này. Anh vào Sài Gòn năm nào?
– Năm 1946 anh Nguyễn Mạnh Hà không tham gia Chính phủ Liên hiệp Quốc dân nhiều thành phần nữa, nên tôi cũng thôi. Năm 1951, tôi đi học Đại học ở Pháp, học xong thì chiến tranh không có đường về Hà Nội, nên nhóm chúng tôi gồm cả Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung,… kéo nhau về Sài Gòn, làm báo và nghiên cứu về lịch sử.
*
Anh đã thật sự là một nhà nghiên cứu lịch sử. Nhiều năm, nhiều lần tôi ngồi với anh để nghe anh xác định về nơi Bác Hồ rời Sài Gòn đi tìm đường cứu nước. Anh cho tôi xem cả những quyển sách viết bằng tiếng Pháp về Sài Gòn – Chợ Lớn, về lịch sử của những hãng tàu Pháp chạy Đông Dương, về các bến cảng, cả về lịch sử chợ Bến Thành…
Vào dịp tháng 5 năm 2000, năm cuối cùng của thế kỷ XX, anh quyết định gởi đến lãnh đạo Việt Nam những nghiên cứu của anh về nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Anh nói: “Thành phố đã kiểm kê 733 di tích, nhưng thiếu hai nơi liên quan đến Bác Hồ”. Đó là trụ sở văn phòng ở Sài Gòn của hãng tàu Năm Sao, tức hãng Chargeurs Réunis, hãng có con tàu Amiral Latouche Tréville mà Bác đã làm thủy thủ để ra đi. Và cầu tàu, bến cảng nơi con tàu cặp bến. Anh đã gởi báo cáo đến các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Minh Triết, với Thành ủy và trình bày tại hội thảo về “Bác Hồ với miền Nam” tổ chức tại Dinh Thống Nhất. Anh khẳng định với chúng tôi: “Bến Cảng Nhà Rồng ngày đó là của riêng Messageries Maritimes người Việt ta gọi là hãng “Đầu ngựa”, hãng đã hoạt động từ năm 1862. Còn hãng tàu Bác đi là hãng Chargeurs Réunis, người Việt gọi là hãng Năm Sao (vì trên ống khói mỗi tàu có logo năm ngôi sao). Hãng này cũng như các hãng tàu khác đều đậu ở Thương cảng Sài Gòn nối từ Quân Cảng, tại Công trường Mê Linh ngày nay chạy dài đến cột cờ Thủ Ngữ.
Trong tài liệu gởi đi, anh Nguyễn Đình Đầu viết:
“Năm 1911, các tàu hải dương lớn của hãng Năm Sao cũng như các hãng khác đều phải cập bến Thương cảng bên Sài Gòn. Thương cảng Sài Gòn khi ấy khá tấp nập, trang bị đầy đủ và ở vào một đầu mối giao thông rất thuận tiện. Chỉ dài chín trăm mét, mà có tới sáu đại lộ châu đầu vô bến, có hai đường xe lửa và xe hỏa điện đặt nhà ga ở gần kề. Đó là các đường: Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng), Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ), Krantz và Duperré (Hàm Nghi), rồi Quai de L’Arroyo Chinois (Bến Chương Dương)”.
Và ông khẳng định: “Trụ sở văn phòng Sài Gòn của hãng Năm Sao là ở lầu 2, nhà số 2 đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi. Bác đã đến đó xin giấy xuống tàu gặp thuyền trưởng. Và bến cảng mà hãng tàu Năm Sao cặp bến là cầu tàu lớn nhất của Thương cảng Sài Gòn nằm ngay đầu đường Nguyễn Huệ”.
Ông mong muốn thành phố đặt lại tên đường và dựng bia kỷ niệm nơi Bác xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước để đúng với lịch sử và địa lý
*
Nguyễn Đình Đầu là một nhân sĩ yêu nước và là nhà nghiên cứu lịch sử đúng nghĩa. Hàng trăm tác phẩm của anh đều dành cho lịch sử và địa lý. Vốn giỏi tiếng Pháp, từ hơn nửa thế kỷ trước anh đã sưu tầm tài liệu, sưu tầm bản đồ. Bộ bản đồ Việt Nam và Đông Dương anh có trong tay gồm cả những bản đồ đầu tiên vẽ về Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Cho tôi xem, anh lật những bản đồ Việt Nam vẽ từ các năm 1529, 1560 ở đó có cụm đảo Biển Đông và anh nói: “Cái nào cũng có đầy đủ Hoàng Sa và Trường Sa cả”. Anh làm việc như một nhà khảo cổ trên sách vở, bản đồ, bản vẽ. Bên cạnh những bộ sách anh viết về địa bạ đồ sộ như “Địa bạ Nam Kỳ”, “Địa bạ Triều Nguyễn”, “Dư địa chí” cho mấy chục tỉnh từ Huế trở vào, anh viết nhiều về Hoàng Sa, Trường Sa. Trong những quyển sách anh gởi tặng tôi cùng với “Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực qua các thời đại”, “Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực Hoàng Sa, Trường Sa” đã tái bản đến bốn lần. Anh có quyển chuyên khảo mang tên “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông: Hoàng Sa và Trường Sa”…
Hôm nay, tôi ngồi viết những dòng này thì anh đã về cõi tiên. Anh là một chiến sĩ yêu nước, một người trí thức lớn đã suốt đời tận hiến cho sự nghiệp lịch sử đất nước. Anh đã bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam bằng vũ khí lịch sử, bằng ngôn ngữ lịch sử, bằng chứng cứ lịch sử và nó có sức mạnh vô biên. Sự nghiệp của anh, những tác phẩm lịch sử của anh, bộ bản đồ Việt Nam anh sưu tầm được sẽ trường tồn với đất nước.■
GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú
Ngày 23 tháng 9 năm 2024
(Ngày đưa anh Nguyễn Đình Đầu về cõi trên)