Bác Hồ, người khai sinh, đặt nền móng xây dựng, phát triển Quốc hội Việt Nam (Kỳ 3)

Bài cuối: Quốc hội Việt Nam đổi mới toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tích cực hội nhập quốc tế góp phần  giành nhiều thành tựu lớn, đưa đất nước phát triển lớn mạnh

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam

Từ Quốc hội Khóa VI (1976) đến Quốc hội Khóa XV (2021) và năm 2024 này, Quốc hội Việt Nam có chặng đường gần 50 năm phát triển lớn mạnh. Có thể nói đây là quá trình Quốc hội Việt Nam vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo để phát triển toàn diện, đóng góp quan trọng đưa đất nước vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức để phát triển đi lên có vị thế như ngày hôm nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác – Lê nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. 14 năm với vai trò Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có công lao to lớn sáng lập và lãnh đạo Quốc hội Việt Nam bằng những chỉ đạo thiên tài để Quốc hội xác lập những nguyên tắc hoạt động cơ bản đảm bảo là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước dân chủ, tự do và vì dân. Từ khi Người qua đời, tư tưởng của Bác – tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường để Quốc hội Việt Nam hoàn thiện và phát triển. Từ Quốc hội thống nhất năm 1976 đến Quốc hội Khóa XV hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh được Quốc hội Việt Nam vận dụng thành những nguyên tắc cơ bản sau đây:

Một là, tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc của Bác Hồ luôn được Quốc hội Việt Nam lấy làm nguyên tắc hoạt động cao nhất, hoàn thiện, sáng tạo và phát triển trong tình hình mới.

Nếu Quốc hội Khóa VI – Quốc hội thống nhất đất nước là Quốc hội thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc thì từ Quốc hội Khóa VII đến nay, Quốc hội Việt Nam thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết ở tầm cao, mở rộng đoàn kết quốc tế để hợp lực xây dựng, phát triển đất nước.

Sinh thời, thời gian làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Bác Hồ luôn chỉ đạo Quốc hội cơ cấu bao giờ cũng đầy đủ đại biểu thành phần các đảng phái, các tôn giáo, các tầng lớp, giai cấp, các dân tộc, đại diện phụ nữ, đại diện kiều bào ta ở nước ngoài… Quốc hội lúc đó trở thành một “mặt trận” đoàn kết toàn dân tộc thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Người cũng luôn để cao nhiệm vụ của Quốc hội nước ta thực hiện “góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”. Người đặc biệt lưu ý đoàn kết với nhân dân Trung Quốc, Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại Hà Nội, tháng 6/2024. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục tư tưởng đại đoàn kết đó, Quốc hội Việt Nam từ đó đến nay luôn thiết chế, tổ chức triển khai nhiều hoạt động đối ngoại theo chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước nhằm hội tụ sức mạnh thời đại phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thời điểm khó khăn nhất là sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đổ vỡ, Quốc hội Việt Nam đã thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo đường lối đối ngoại của Đảng: “Việt Nam muốn là bạn của các nước trong cộng đồng thế giới”, tiến tớiViệt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bao gốm  tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh…

Quốc hội Việt Nam với ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhân dân mang bản sắc Việt Nam đã đóng góp quan trọng trong thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Trên thực tế Quốc hội Việt Nam  trong khuôn khổ cơ chế hợp tác nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á – Âu (ASEP)… đã tham gia tích cực, có trách nhiệm, chủ động đóng góp nhiều sáng kiến, quan trọng, tạo sự chuyển biến thực chất trong hoạt động của các tổ chức này, nâng tầm Việt Nam từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, góp phần bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam. Sự tham gia tích cực tại các diễn đàn liên nghị viện song hành với các diễn đàn quốc tế của Chính phủ, như IPU – Liên hợp quốc, AIPA – ASEAN, APPF – APEC, APF – OIF thể hiện rõ nét sự đồng hành của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, của Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế”.

Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Đối tác Nghị viện Á – Âu lần thứ 11 (ASEP-11) do Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tháng 11/2021. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Hai là, vấn đề dân là gốc, dân là chủ và quyền làm chủ của nhân dân trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là biểu tượng của hiến dâng cho dân, cho nước, ham muốn tột bậc của Người là “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Có lẽ Bác là lãnh tụ hiếm thấy trên thế giới dùng cụm từ yêu cầu cán bộ, đảng viên thực sự là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Người còn dạy cán bộ Nhà nước ta “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Đó thực sự là bản chất sâu xa “dân là gốc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Quốc hội Khóa I năm 1946, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định người dân được làm chủ khi cầm lá phiếu của mình đi bầu  chọn người đại diện cho mình lãnh đạo đất nước. Đó là một quyết định lịch sử trong hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Quyền làm chủ này sau đó liên tục được thể hiện trong Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp các năm 1980, 1992, 2013. Luật Bầu cử được Quốc hội thông qua quy định công dân tròn 18 tuổi trở lên được quyền và nghĩa vụ đi bầu cử, bầu cử phổ thông và trực tiếp. Công dân đủ 21 tuổi là được quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, cử tri là phụ nữ được đi bầu cử ngay tại Quốc hội khóa I. Nhân sự kiện phụ nữ được quyền làm chủ này, ngay trong ngày Tổng tuyển cử Khóa I, Bác Hồ đã trả lời phỏng vấn một tờ báo Pháp: “Ở Pháp đã có mấy chục lần tuyển cử rồi nhưng mãi đến năm ngoái phụ nữ Pháp mới được quyền bỏ phiếu, xem như thế thì ta có cái chậm hơn người nước ngoài nhưng cũng có cái ta đi quá họ”.

Tiếp tục tiếp thụ tư tưởng của Bác, Quốc hội Việt Nam xác định quyền làm chủ của công dân và quyền làm chủ của người dân luôn được thể hiện trong Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước. Ví dụ Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 mang đậm tư tưởng tiến bộ và sự chèo chống của Bác Hồ “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Gần đây nhất Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…”. Đặc biệt, xuyên suốt từ Quốc hội khóa I đến nay, quyền làm chủ của người dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện nhất quán: Công dân được đi bầu cử đại biểu Quốc hội; công dân được quyền ứng cử; người dân thông qua các đại biểu của mình để tổ chức giám sát mọi hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Ví như trước và sau các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều phải tổ chức tiếp xúc với cử tri để tập hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri để trình Quốc hội xử lý và báo cáo kết quả sau kỳ họp để cử tri giám sát là thể hiện sự tôn trọng thực sự quyền làm chủ của nhân dân. Trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn là thể hiện sinh động nhất quyền lực của người dân đối với những vấn để hệ trọng của đất nước, điều này đã được Bác trực tiếp thục hiện ngay từ Quốc hội Khóa I năm 1946.

Thể hiện cao nhất quyền làm chủ của người dân đó là các đạo luật mà Quộc hội thông qua để quản lý Nhà nước đều có sự tham gia đóng góp của người dân. Ngay từ lúc dự thảo các bộ luật, người dân được tham gia đóng góp trí tuệ xây dựng các văn bản pháp luật trước khi Quốc hội ban hành. Đến lượt mình, Quốc hội tiếp thụ ý kiến người dân và xây dựng các thiết chế pháp lý để đảm bảo cho người dân thực thị pháp luật trong cuộc sống, thể hiện quyền làm chủ của mình một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Ba là, Quốc hội Việt Nam xác lập nguyên tắc hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Với tư cách là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, khai sinh Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân về tư tưởng của Đảng lãnh đạo mọi hoạt động của Quốc hội nước ta. Sinh thời, dù Bác rất ít khi nói về vai trò của Đảng đối với Quốc hội, vì có thể thời kỳ đó, nước ta còn có một số đảng phái chính trị khác nhưng vai trò, chức năng của Quốc hội, tổ chức cơ cấu, thành phần Quốc hội, cơ chế, tổ chức, hoạt động của Quốc hội Việt Nam đều có sự chỉ đạo, định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 1959. Đến Hiến pháp năm 1980, vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh lần đầu tiên được Quốc hội khóa VI- Quốc hội thống nhất đất nước xây dựng, thông qua, trong đó Điều 4 có ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Thời điểm này, xã hội Việt Nam còn có các đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng xã hội Việt Nam đang hoạt động, nhưng tất cả toàn dân Việt Nam đồng tình thông qua Điều 4 của Hiến pháp này chứng tỏ uy tín tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Các bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và năm 2013 được Quốc hội ban hành đã tiếp tục hoàn thiện và đều khẳng định nhất quán vai trò lãnh dạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước ta, trong đó có Quốc hội. Điều 4, Hiến pháp năm 2013 gần đây nhất hoàn thiện một lần nữa vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của Đảng đối với xã hội Việt Nam: “(1) Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. (2) Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. (3) Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Trong thực tiễn hoạt động của mình, cứ sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội của Đảng thì đến lượt mình, nhiệm kỳ mới của Quốc hội cũng được tổ chức bầu cử lại nhằm thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết mới của Đảng. Trong nhiều báo cáo chính trị của Đại hội toàn quốc của Đảng, thường có đề cập đến vai trò của Quốc hội, yêu cầu Quốc hội cần được tiếp tục cải tiến về tổ chức và hoạt động để làm tròn trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đổi mới tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, chế độ bầu cử và hoạt động của Quốc hội, tổ chức sinh hoạt của Quốc hội và hoạt động của các Ủy ban của Quôc hội phù hợp với tình hình và yêu cầu mới. Đảng luôn lựa chọn những cấn bộ ưu tú của mình để giới thiệu cho Quốc hội tiến hành bầu vào các cơ quan quan trọng của bộ máy Nhà nước. Quá trình quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết và sự lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động của mình, giúp cho Quốc hội Việt Nam hoạt động sáng tạo và hiệu quả, hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.

Việc Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đại diện cho ý chí của toàn dân nhất quán khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các bản Hiến pháp là vừa thể hiện ý nguyện, tình cảm của toàn dân, vừa thể hiện sự trung thành của Quốc hội Việt Nam với tư tưởng Hồ Chí Minh – sự tiếp nối mang bản chất khách quan của lịch sử.

Bốn là, trung thành đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn là lựa chọn duy nhất đúng của Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người công bố bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Việt Nam, đó là bản Hiến pháp năm 1959 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 31/12/1959. Khi phát biểu trước Quốc hội thông qua bản Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bản Hiến pháp mới của chúng ta sẽ khuyến khích hơn nữa đồng bào miền Bắc thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, khuyến khích đồng bào miền Nam đấu tranh bền bỉ hơn nữa đòi tự do dân chủ và thống nhất nước nhà”.

Trong Di chúc của Bác, điều mong muốn cuối cùng của Bác về xây dựng một nước Việt Nam là: “hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, ta có thể hiểu chính là gắn mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Bác Hồ đã diễn tả nội dung con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn mà không cần nhắc đến khái niệm chủ nghĩa xã hội. Đó là sự tinh tế trong hoàn cảnh quốc tế mà nước ta cần phải đoàn kết và hợp lực để thực hiện cuộc cách mạng trong hiện tại và tương lai. Như vậy trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là lựa chọn duy nhất  đúng.

Quốc hội Việt Nam trong hành trình lịch sử gần 80 năm từ Khóa I đến nay dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, hi sinh đều luôn luôn giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngay năm 1946, trong hoàn cảnh chế độ đa đảng, nhưng Lời nói đầu của bản Hiến pháp ghi rằng “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam…”, thì đó cũng chính bản chất tinh túy của chế độ mới xã hội chủ nghĩa “dân làm chủ”, “dân là gốc”. Quốc hội Việt Nam thống nhất năm 1976 đổi tên nước ta là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là sự lựa chọn đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay cả trong hoàn cảnh nước ta bị bao vây, cấm vận, gặp muôn vàn khó khăn, trong khi Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, nhưng được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Quốc hội nước ta đã thay mặt toàn dân kiên quyết lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội. Gần đây nhất, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định đanh thép:“ (1) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. (2) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. (3) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[2].

Tiếp thụ tư tưởng của Bác, Quốc hội Việt Nam luôn xác định và thể hiện trong Hiến pháp về quyền làm chủ của công dân và quyền làm chủ của người dân. Nguồn ảnh:  Ảnh: danvan.vn

Có thể nói Quốc hội Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh lịch sử thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam quyết định chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Bám sát, thể chế hóa đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động sáng tạo, đoàn kết, tập hợp toàn dân tạo sức manh thống nhất, xây dựng Hiến pháp và hệ thống pháp luật theo định hướng xã hội chủ nghĩa để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn lịch sử đã kiểm chứng, sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn khi mà đất nước chúng ta vượt qua bao nhiêu khó khăn, thách thức để có sự phát triển như ngày nay. Nhờ thế, lịch sử cũng đã kiểm chứng uy tín và niềm tin của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, của dân tộc và Nhân dân Việt Nam đang càng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Kết luận: Quốc hội Việt Nam hình thành từ Đại hội Quốc dân Tân Trào trong khí thế cả nước sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thiết lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mùa thu năm 1945. Trong tình hình đất nước “ngàn cân treo sợ tóc”, gặp cảnh thù trong giặc ngoài. lại cộng thêm giặc đói, giặc dốt trăm bề khó khăn, Quốc hội Việt Nam ra đời một cách khẩn trương, trở thành một sự kiện lịch sử – pháp lý vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc, đã kịp thời công bố Hiến pháp, tuyên bố chủ quyền quốc gia, xác lập chế độ chính trị Dân chủ Cộng hòa, xác lập quyền làm chủ của nhân dân… Quốc hội Việt Nam vì thế ngay từ lúc khai sinh đã gắn với vận mệnh của đất nước, dân tộc. Trong hành trình lịch sử gần 80 năm, Quốc hội Việt Nam đã luôn đề cao, quyết chí xây dựng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh thời đại, hợp lực tạo sức mạnh mới vô song đóng góp to lớn đối với sự tồn vong, lớn mạnh, phát triển đi lên của đất nước. Có được sự trưởng thành, thành công ấy, chính là Quốc hội Việt Nam nhờ công lao sáng lập, xây dựng, chèo lái lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ kính yêu từ buổi ban đầu và sự dẫn dất của tư tưởng Hồ Chí Minh về sau. Có được sự lớn mạnh và đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước là nhờ Quốc hội Việt Nam luôn được sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam – người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh tình tình hình địa chính trị thế giới có những diễn biến phức tạp khó lường, nhưng với bề dày kinh nghiệm và những bài học quý giá được đúc kết, kế thừa tinh hoa tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta tin rằng Quốc hội Việt Nam sẽ lớn mạnh, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh như Bác Hồ từng mong muốn.■

  Nguyễn Hồng Thái – Lê Anh Tuấn

Chú thích:

[1] Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam”, ngày 8/12/1956.

[2] Điều 2, Hiến pháp 2013.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN