Bác Hồ, người khai sinh, đặt nền móng xây dựng, phát triển Quốc hội Việt Nam (Kỳ 2)

Bài II: HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ HAI MIỀN NAM – BẮC, BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM THÔNG NHẤT THEO DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Ngày 30/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, với khí thế tấn công thần tốc, quân và dân ta đã giải phóng thành phố Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối, thống nhất nước nhà. Nỗi đau thương chia cắt đất nước bấy lâu đang lành lại, ý nguyện đau đáu thống nhất của toàn dân được thực hiện bằng cuộc Hiệp thương Chính trị giữa hai miền Nam – Bắc về chung một ngôi nhà Việt Nam. Đấy là cuộc Hiệp thương thiêng liêng mang ý nghĩa lịch sử trọng đại của đất nước và dân tộc Việt Nam, chuẩn bị bầu cử Quốc hội Việt Nam thống nhất vĩnh viễn.

Chúng ta đều biết, Quốc hội khóa I năm 1946 là Quốc hội đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng Hiến pháp năm 1946 và các nghị quyết, quyết định của Quốc hội Khóa I không được thực thi trên cả nước, vì đất nước bị thực dân, đế quốc xâm chiếm, chia cắt. Vì thế, công việc Hiệp thương chính trị cuối năm 1975 ở hai miền Nam – Bắc để thống nhất Nhà nước, để bầu nên một Quốc hội chung vào đầu năm 1976 là yêu cầu tình cảm thiêng liêng và pháp lý dân chủ, cấp thiết nhằm thực hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân Việt Nam. Trong ngày vui toàn thắng tháng 4 năm 1975, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất ở hai miền, đến cán bộ và nhân dân cả nước đều nhớ tới công lao trời biển của Bác Hồ, nhớ tới lời Di chúc thiêng liêng của Bác: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Hội nghị Hiệp thương chính trị tại Hội trường Thống nhất (tháng 11/1975). Ảnh Tư liệu

Hiệp thương chính trị được cả hai miền Nam – Bắc tổ chức ngay sau đại thắng năm 1975 có ý nghĩa như một nghĩa cử cao cả thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, tại thành phố Sài gòn, đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 đại biểu do Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trường Chinh làm trưởng đoàn và đoàn đại biểu miền Nam gồm 25 đại biểu do Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ miền Nam Phạm Hùng làm trưởng đoàn và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ , Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Luật sư Trinh Đình Thảo làm Phó Trưởng đoàn, tiến hành hiệp thương chính trị bàn vấn đề thống nhất Nhà nước Việt Nam về mặt Nhà nước.

Tại Hội nghị, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ[1], Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) đọc diễn văn khai mạc Hội nghị khẳng định: Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta “là thắng lợi rất vững chắc của sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của đảng tiên phong, Đảng Lao động Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người sáng lập và rèn luyện. Đó là thắng lợi của dân tộc Việt Nam ta, Nam – Bắc cùng kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung. Thắng lợi đó đã mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: giai đoạn hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội…”. Ông cũng khẳng định: “Thống nhất nước nhà vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước ta, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam”[2]. Tại Hội nghị, đồng chí Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc đọc báo cáo chính trị Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, đồng chí Phạm Hùng, Trưởng đoàn đại biểu miền Nam đọc báo cáo Tiến lên sớm hoàn thành thống nhất Tổ quốc.

Vấn để quan trọng nhất của Hội nghị hiệp thương chính là việc tổ chức bầu cử Quốc hội chung, cơ quan quyển lực cao nhất của Nhà nước. Vì thế, Hội nghị hiệp thương đã nhấn mạnh “Cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác đinh thể chế Nhà nước, bầu ra cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”[3].

Trên tinh thần ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ CMLLCHMNVN thống nhất việc thành lập hội đồng bầu cử toàn quốc với số đại biểu ngang nhau, mỗi miền gồm 11 đại biểu, Chủ tịch Hội đồng bầu cử là đồng chí Trường Chinh, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử là đồng chí Phạm Hùng. Ở miền Bắc, cơ quan chủ trì bầu cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở miền Nam cơ quan chủ trì bầu cử là Hội đồng cố vẫn Chính phủ CMLTCHMNVN.

Việc giới thiệu những người ra ứng cử được thực hiện dân chủ, ở miền Nam do Mặt trận Dân tộc GPMNVN và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thống nhất hiệp thương để chính thức giới thiệu. Đối với các tỉnh, thành phố miền Bắc, việc giới thiệu người ra ứng cử được áp dụng theo luật bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 13/1/1960. Những người ra ứng cử đều do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu. Việc thống nhất những quy định vừa nguyên tắc cơ bản, vừa cụ thể như trên cho thấy công việc thống nhất Nhà nước và bầu cử Quốc hội chung của cả nước được diễn ra dân chủ, đoàn kết, minh bạch, phù hợp với điều kiện riêng của từng miền. Thậm chí, để đảm bảo sớm bầu cử Quốc hội mới thống nhất trong cả nước, Quốc hội khóa V của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) được bầu ngày 6/4/1975 gồm 424 đại biểu, sau kỳ họp thứ 2 ngày 22/12/1975 đã kết thúc hoạt động để tập trung tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước theo kết quả Hội nghị hiệp thương hai miền. Tất cả các đại biểu Quốc hội khóa V đều tỏ thái độ đoàn kết, nhất trí với quyết tâm cao trong niềm vui chung Tổng tuyển cử thống nhất trong cả nước.

Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc Trường Chinh và Trưởng đoàn đại biểu miền Nam Phạm Hùng sau lễ ký các văn kiện chính thức của Hội nghị Hiệp thương Chính trị thống nhất Tổ quốc (21/11/1975)

Theo Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 03/1/1976 cùa Bộ Chính trị, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam. Được Đảng chỉ đạo rất dân chủ, minh bạch, lại được chủ động chuẩn bị tích cực, đoàn kết, thống nhất sau Hội nghị hiệp thương, cuộc bầu cử Quốc hội chung của cả nước đã diễn ra ngày 25/4/1976 thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Ngày 24/6/1976, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thống nhất được long trọng khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tại phiên khai mạc, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã trình bày trước Quốc hội báo cáo chính trị quan trọng. Kết luận báo cáo, đồng chí Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn thưa với Quốc hội: Lịch sử dân tộc đã chuyển sang một bước ngoặt vĩ đại, “Để làm tròn sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới, Đảng Lao động Việt Nam xin hứa với Quốc hội, với quốc dân đồng bào sẽ nghiêm chỉnh tuân theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo. người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[4]. Cũng tại kỳ họp Quốc hội thống nhất này, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta đã thông qua các nghị quyết về tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ đô là Hà Nội,  Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất giữ nguyên như nghị quyết Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về tên gọi Quốc hội được bầu vào ngày 25/4/1976 là Quôc hội khóa VI với ý nghĩa tiếp tục sự nghiệp của 5 khóa trước. Trong khi chờ bản Hiến pháp mới, quy định Nhà nước Việt Nam sẽ được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hàng vạn người dân Sài Gòn mít tinh diễu hành chào mừng ngày bầu cử Quốc hội thống nhất đất nước, ngày 23/4/1976. Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN

Hiệp thương chính trị và Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI là một sáng tạo độc đáo, đặc biệt của Đảng Lao động Việt Nam, Nhà nước và nhân dân ta. Chẳng những đã bầu ra một Quốc hội thống nhất đầu tiên trong cả nước cả về chính, cả về thực tiễn cuộc sống, mà còn bởi kết quả của nó mang nhiều dấu ấn chỉ đạo, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài từ Quốc hội khóa I đến lúc Người qua đời năm 1969. Có thể khái quát sự sáng tạo độc đáo ấy trong tiến trình thống nhất Tổ quốc, bầu  Quốc hội khóa VI chung của hai miền Nam – Bắc như sau:

Một là, Hiệp thương chính trị năm 1975 và Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI thống nhất năm 1976 là thể hiện nguyện vọng và truyền thống đoàn kết của nhân dân ta, thái độ tôn trọng dân chủ, tôn trọng ý nguyện của nhân dân cả nước, của Đảng Lao động Việt Nam và lãnh đạo hai miền Nam – Bắc như Bác Hồ từng luôn căn dặn. Vì đoàn kết, thống nhất mà các khóa Quốc hội II, III sau này nhân danh Chủ tịch Nước, Bác Hồ để nghị lưu nhiệm 91 đại biểu (Khóa II, 1960) và 87 đại biểu (khóa III, 1964) là người miền Nam được bầu từ Quốc hội khóa I. Ngay tại khai mạc kỳ họp thứ 6 (1956), Quốc hội khóa I, Người nói rằng: “Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ta ở miền Nam luôn hướng về Quốc hội, về Chính phủ, về Trung ương Đảng, một lòng một dạ cùng đồng bào miền Bắc ra sức đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ”[5]. Người tiếp tục khẳng định: “Khoá Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết. Ở đây có tất cả các đại biểu của tất cả các giai cấp yêu nước, của tất cả các dân tộc anh em, các tôn giáo, các đảng phái của đồng bào Bắc Trung Nam. Tt cả chúng ta phải tăng cường đoàn kết. Đoàn kết để xây dựng miền Bắc vững mạnh, đoàn kết để đấu tranh thống nhất nước nhà. Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”[6]. Lời của Bác là biểu tượng của tình đoàn kết, ý chí thống nhất Bắc – Nam không thể chia rời.

Cũng vì đoàn kết, thống nhất mà Quốc hội khóa V ở miền Bắc tuy mới gần 2 năm hoạt động đã quyết định rút ngắn nhiệm kỳ để bầu Quốc hội chung khóa VI. Cũng vì đoàn kết mà lãnh đạo hai miền và nhân dân ta quyết định gọi khóa Quốc hôi thống nhất bầu ngày 25/4/1976 là Quốc hội khóa VI, tiếp nối 5 khóa Quốc hội Việt Nam từ năm 1946. Cũng vì đoàn kết mà Quốc hội khóa VI, Quốc hội chung của cả nước đã lấy Hiến pháp năm 1959 để tổ chức Nhà nước do dân, vì dân. Bởi đây là Hiến pháp như Bác Hồ từng khẳng định khi Quốc hội khóa II thông quan Hiến pháp 1959: “Khuyến khích hơn nữa đồng bào miền Bắc thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, khuyến khích đồng bào miền Nam đấu tranh bền bỉ hơn nữa để đòi tự do dân chủ và thống nhất nước nhà”. Và lần này, nhân dân hai miền Nam – Bắc đã thực hiện truyền thống đại đoàn kết, quyền làm chủ đất nước, ý chí và tình cảm thống nhất đất nước qua Hội nghị hiệp thương, qua lá phiếu lần đầu tiên được đi bầu cử ra một Quốc hội thống nhất để chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Hai là, việc Hiệp thương chính trị và Tổng tuyển cử bầu Quốc hội năm 1976 vừa chứng tỏ Đảng Lao động Việt Nam, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn dân ta tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Luật pháp Việt Nam (tại Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959) lại vừa thực hiện đúng Hiệp định quốc tế mà chúng ta ký kết tại Geneve, Thụy Sỹ năm 1954. Hiệp định Geneve ký kết ngày 21/7/1954 về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương quy định nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm biên giới tạm thời, tập kết chuyển quân và tiến tới 2 năm sau, năm 1956 phải tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngay tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa I (3/1955), Bác Hồ cũng khằng định về ngày thi hành Hiệp định: “Miền Nam là ruột thịt, xương máu của chúng ta. Miền Nam oanh liệt đã nêu cao ngọn cờ kháng chiến đầu tiên và đã chiến đấu anh dũng cho đến khi có lnh ngừng bắn để thi hành Hiệp định Geneve… Quốc hội là tiêu biểu cho ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”[7]. Nhưng như chúng ta đã biết, ngay sau khi Hiệp định Geneve vừa được ký kết, đế quốc Mỹ và các thế lực phản động chiếm miền Nam, lập nhà nước Việt Nam Cộng hòa, hòng vĩnh viễn chia cắt đất nước. Phải 20 năm sau, ngày 30/4/1975, dân tộc ta mới giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra trang sử vĩ đại, Tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo Hiệp định Geneve năm 1954.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội xem danh sách bầu cử Quốc hội thống nhất ngày 25/4/1976. Ảnh: TTXVN

Thứ ba, bằng việc lấy tên nước, chọn Thủ đô, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca có thể khẳng định rằng Quốc hội khóa VI thống nhất đất nước năm 1976 đã đi vào lịch sử dân tộc. Đó là lần đầu tiên, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước chọn tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xác định con đường Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam sẽ đi. Cả hai miền Nam – Bắc đều đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là Chủ nghĩa xã hội, con đường đó đã mang lại ngày càng thịnh vượng cho đất nước và khẳng định hướng đi tất yếu của đất nước ta.

Thứ tư, tiến hành Hiệp thương chính trị hai miền, bầu Quốc hội thống nhất cả nước là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn, quyết đoán của Đảng Lao động Việt Nam, nó đáp ứng được tình hình sau chiến tranh và nguyện vọng của đại đa số đồng bào cả nước; nó tránh được mọi sự rủi ro về chính trị, xã hội khi xã hội miền Nam vừa thoát khỏi xã hội đế quốc tư sản – khi các thế lực bên ngoài vẫn nuôi mưu đồ chống phá cách mạng nước ta.

Đảng Lao động Việt Nam đã có quyết đoán trong lực chọn nhân sự của Quốc hội khi cuộc chiến tranh vệ quốc đã kết thúc. Đảng và nhân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh thống nhất được đất nước, cả nước đi cùng một con đường Xã hội chủ nghĩa, thì nhân sự của Nhà nước, Chính phủ đã được lựa chọn đủ các thành phần đại diện cho cả hai miền Nam – Bắc, trong đó hầu hết các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng được Quốc hội hội Khóa VI bầu vào các chức vụ chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước: đồng chí Trường Trinh – Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Tôn Đức Thắng – Chủ tịch nước, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ – Phó Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Văn Đồng – Thủ tướng Chính phủ… Nhân sự của Quốc hội, Nhà nước cho thấy Đảng đã xác lập quyền lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới, đảm bảo sự phát triển đúng đắn con đường XHCN ở nước ta. Từ những quyết định mang tính lịch sử này đã đưa đất nước, dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ như ngày nay.■

Nguyễn Hồng Thái – Lê Anh Tuấn

 

Chú thích:

[1] Sau này là Quyền Chủ  tịch nước,  Chủ tịch Quốc hội Việt Nam 1981-1987

[2] Lich sử Quốc hội Việt Nam tập 2, sdd tr 216-217

[3] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1976-1992, nxb Chính trị Quốc gia H 2012, tr,21

[4] Lịch sử Quốc hoojj Việt Nam 1976-1992, sdd tr 35,36

[5] 7 Hồ Chí Minh toàn tập , tập 10, nxbCTQG 2011, tr464, tr466

[7] Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam, sdd, tr51.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN