Hiệp sĩ Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh: Tấm gương “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”

Thiên Chúa giáo hay Kito giáo là tôn giáo có nhiều tín đồ nhất thế giới, với khoảng 2,6 tỉ người, trong đó số người theo Công giáo chiếm số lượng lớn nhất (khoảng 1,3 tỉ người). Công giáo đã du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỉ XVII qua quá trình buôn bán, giao thương với phương Tây. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Công giáo hiện là một trong những tôn giáo có số lượng giáo dân lớn nhất tại Việt Nam với trên 7 triệu tín đồ, 47 Giám mục, gần 4.000 linh mục, hơn 3.000 giáo xứ khoảng 9.000 giáo họ, hơn 100 dòng tu hoạt động với trên 15.000 tu sĩ hoạt động ở 27 giáo phận. Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, nhiều chức sắc, lãnh đạo và giáo dân Công giáo đã có những đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trong đó tiêu biểu là Hiệp sĩ Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh – người đã bắc nhịp cầu nối giữa lòng Kính Chúa và tinh thần yêu nước, giúp giáo dân Việt Nam thực hành lối “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” theo lời dạy trong Thư chung năm 1980.

1. Sơ lược về tiểu sử của Hiệp sĩ Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh

Hiệp sĩ Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh sinh năm 1961 tại giáo xứ Phúc Nhạc (thuộc xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Ông là con thứ 2 trong một gia đình nông dân nghèo. Sau khi học xong lớp 9, ông thi vào trường Trung học sư phạm với ước mơ trở thành thầy giáo. Sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học một thời gian ngắn, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải bỏ dở công việc, lên Thành phố Hồ Chí Minh, vừa tiếp tục học hết cấp III bổ túc, vừa tham gia học tập một số chuyên ngành đào tạo nghề ngắn hạn để lấy tiền trang trải cuộc sống và gửi về hỗ trợ gia đình. Nhờ bản tính cần cù, ông dần tạo dựng được một cơ sở kinh doanh cà phê bột và mở rộng kinh doanh các lĩnh vực khác.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Hiệp sĩ Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh cùng phu nhân Anna Nguyễn Thị Kim Yến, ngày 21/12/2022 tại Vatican. Ảnh: Công Giáo Việt Nam

Là một giáo dân thấm nhuần đời sống bác ái, dù khởi đầu trong hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, dành nhiều sự động viên, chia sẻ và quan tâm đối với đồng bào lương giáo còn khó khăn. Ông cũng thường xuyên đồng hành với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động giáo dân sống tốt đời – đẹp đạo. Bên cạnh đó, ông còn vận động quyên góp hàng trăm tỷ đồng làm đường giao thông thôn, tạo công ăn việc làm cho thanh niên nghèo, xây nhà tình thương, mổ mắt, mổ tim, chăm sóc người già neo đơn, tàn tật, và đặc biệt là chăm lo cho công tác khuyến học, giúp trẻ em nghèo được đến trường…

Với những cống hiến của mình, ông được Hội đồng Giám mục Việt Nam đồng thuận khi Giám mục giáo phận Xuân Lộc thỉnh nguyện lên Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI phong cho ông tước hiệu Hiệp sĩ Đại Thánh giá, tước phẩm cao nhất của Hiệp sĩ Dòng Thánh Grêgôriô Cả, vào năm 2007. Tước hiệu Hiệp sĩ Thánh giá đã thể hiện sự tri ân với Đức Giáo hoàng đối với người Công giáo có công lớn trong những việc thiện lành của Giáo hội và xã hội. Ông chính là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên được nhận tước phẩm này kể từ khi được lập vào năm 1831.

Trong nước, ông cũng từng được Nhà nước VIệt Nam phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc, là gương mặt tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 năm 2015. Năm 2023, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có đóng góp xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Lê Đức Thịnh có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Ảnh: Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh

2. Công tác nhân đạo của Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh

Nhiều năm qua Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh vẫn luôn dành tâm huyết chăm lo cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn. Trong mỗi chuyến lên miền núi, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh cho rằng, tinh thần trong chuyến đi là nhằm xoá tan sự phân biệt vùng miền, ông mong muốn mang hết tâm tình của người miền xuôi lên với đồng bào Tây Nguyên, không phân biệt tôn giáo, dân tộc: “Tôi đã chọn mối phúc thứ 7 trong 8 mối phúc thật trong bài giảng trên núi của Chúa Jesus, đó là: Phúc thay cho ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Yêu dân tộc nên tôi nỗ lực hết mình, không nhằm được tôn vinh và để được tôn vinh, mà để cho con cháu của chúng ta, nhiều hơn nữa người dân của chúng ta được hạnh phúc”.

Với quan điểm giúp đỡ một người, không chỉ là miếng ăn, manh áo của thời điểm khó khăn trước mắt mà còn tính là tương lai sau này. Ông giúp người miền núi thoát nghèo bằng cách đầu tư cho các em nhỏ học hành, đầu tư cho tương lai, “bởi sau này lớn lên chính các em sẽ lực lượng lao động, là những người biết làm giàu, là những người xây dựng quê hương”. Có lẽ đây chính là lý do ông nhận 30 trẻ em mồ côi, nghèo khó làm con nuôi, những mong các con được học hành, trở thành những công dân đạo đức, thánh thiện, có ích cho đất nước.

Trong đợt dịch Covid-19, khi biết được Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô có 189 người bị nhiễm bệnh gồm 58 sơ và 131 em cô nhi cùng các thai phụ cơ nhỡ, chưa một ai được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đã kêu gọi các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Ða khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đến nhà dòng và mái ấm khám, làm xét nghiệm, hỗ trợ thuốc men cho những người bị nhiễm và tiêm vắc xin cho các trường hợp đang cần.

Ngay lúc ấy ông cũng đã nảy ra ý tưởng xin Nhà nước hỗ trợ tiêm vắc-xin riêng cho các cơ sở tôn giáo, bởi tính chất đặc thù của các cơ sở này hầu hết đều đang nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ mồ côi, thai phụ cơ nhỡ nên việc đi lại xếp hàng chờ đến lượt sẽ khó khăn hơn những nơi khác. Lời đề nghị hỗ trợ vắc xin của Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh liền được lãnh đạo các cấp tạo điều kiện, cấp 15.000 liều vắc xin Pfizer. Ngay sau đó, ông kêu gọi lãnh đạo Bệnh viện Ða khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đưa nhân viên y tế đến tận các cơ sở tôn giáo tiêm cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và tăng ni Phật tử. Nhờ có nhịp cầu nối của ông, gần 100 chuyến xe đã lăn bánh, phục vụ vô vị lợi, bất kể giờ giấc cho khoảng 50 cơ sở tôn giáo, dòng tu ở TPHCM, Bình Dương, Ðà Lạt, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Quy Nhơn, Bình Định.

Với tấm lòng bác ái, sống tốt đời – đẹp đạo, bao năm nay, Hiệp sĩ Đại  Thánh giá Lê Đức Thịnh vẫn tiếp tục đồng hành cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức Công giáo để xây nhà tình thương giúp người nghèo; trực tiếp dành tình cảm đến thăm hỏi, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, người gặp hoạn nạn, với  tổng số tiền hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mỗi chuyến đi thiện nguyện của ông đều xuất phát từ tình yêu thương và chia sẻ mà đạo Công giáo đã dạy: “Yêu người như chính mình vậy”.

Trong năm 2024 vừa qua, Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh đã có nhiều chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa, góp phần giúp đỡ đồng bào khó khăn trên khắp cả nước, theo đúng tinh thần Công giáo và đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Cụ thể, trong chuyến đi đầu năm 2024 (3/1/2024), ông đã đến thăm 4 mái ấm, nhà tình thương trong địa bàn tỉnh Bình Dương, bao gồm mái ấm Nhân Hậu, nhà Tình thương họ đạo Búng, mái ấm Tình Mẹ và một mái ấm của dòng Phaolô. Tất cả các cơ sở xã hội này đều đã hoạt động lâu năm, nhằm cưu mang, nuôi dưỡng và nâng đỡ hàng trăm hoàn cảnh cơ nhỡ, bệnh tật. Tổng số tiền trao tặng lên tới 300 triệu đồng. Thông qua chuyến đi này, Hiệp sĩ Thịnh bày tỏ mong ước trợ giúp thêm bữa ăn, kinh phí sinh hoạt hằng ngày cho các mái ấm.

Trong chuyến đi nhân dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (07/02/2024), Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và những người bạn đồng hành đã về với đồng bào nghèo trên địa bàn huyện Sa Thầy – một huyện miền núi biên giới của tỉnh Kon Tum. Chuyến đi mang theo những ân tình của người miền xuôi với người miền ngược, của hậu phương với tuyến đầu Tổ quốc. Tại đây, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã gửi tới cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi những món quà ân tình của hậu phương với lời chúc “Một cái đầu lạnh, một trái tim hồng, vững đôi chân, chắc tay súng” cùng đồng bào các dân tộc gìn giữ biên cương. Trong không khí xúc động chân tình, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã chia sẻ rằng, ông là một người Công giáo và là một Đại hiệp sĩ của Giáo hội, nhưng trước hết ông là người Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam là nơi cho ông làm người và làm tín đồ tôn giáo: “Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một “ngọn lửa” bất diệt, đó là tình yêu Tổ quốc. Tổ quốc này không của riêng ai. Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam và mọi người đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho Tổ quốc. Sứ mệnh của người lính là gìn giữ biên cương lãnh thổ như gìn giữ máu thịt của chính mình. Còn trách nhiệm của một tín đồ tôn giáo như ông là tỏa sáng đức tin bằng những hành động thiết thực để phục vụ dân tộc và bảo vệ dân tộc”.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao quà cho các hộ nghèo ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum trong chuyến đi nhân dịp Tết Giáp Thìn, tháng 2/2024. Ảnh: Quang Vinh

Ngày 4/7/2024, Hiệp sĩ Đại Thánh giá GB Lê Đức Thịnh đã đến thăm giáo xứ Bác Ái, hạt Long Thành, giáo phận Xuân Lộc. Cùng đi có ông Đặng Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Việt Phú An và một số nhà hảo tâm vẫn thường xuyên đóng góp, chung tay, đồng hành cùng các hoạt động xã hội của Hiệp sĩ. Phái đoàn đã trao 100 phần quà bao gồm gạo, hiện kim và nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực giáo xứ. Hiệp sĩ Đại Thánh giá GB Lê Đức Thịnh thay mặt đoàn gởi lời chúc mừng, chia sẻ niềm vui và cầu chúc cộng đoàn giáo xứ ngày càng phát triển, xây dựng đời sống đạo trong tình yêu thương, liên đới, hòa hợp, để không ai bị bỏ lại phía sau.

3. Chuyến thăm và tặng quà gia đình thương binh liệt sĩ nhân dịp kỉ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam (27/7/2024)

Theo Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo được hướng dẫn bởi tin mừng bình an. Vì thế, mỗi một con người của Giáo hội đều phải hướng đến làm việc vì hòa bình, đấu tranh cho hòa bình, làm chứng cho hòa bình và nỗ lực xây dựng hòa bình. Đây cũng chính là tinh thần trong mỗi nghĩa cử, hành động vì dân tộc của ông. Do đó, trong suốt thời gian qua, ông vẫn nỗ lực đi khắp mọi miền Tổ quốc vận động, thuyết phục, tạo ra những cuộc gặp gỡ, góp phần giúp giáo dân ở Việt Nam ngày càng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, dựng xây đất nước. Đặc biệt, ông cũng thấm thía những mất mát, hi sinh của quân đội và nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, và dành nhiều tình cảm sâu sắc, sự quan tâm, chăm lo tới các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Ngày 27/7/2024, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh phối hợp cùng UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đến thăm và tặng quà các gia đình thương binh – liệt sĩ và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Hiệp sĩ Đại Thánh giá và phu nhân đã trao tặng 200 phần quà với tổng trị giá 200 triệu đồng và 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc huyện Thống Nhất. Trước đó, Hiệp sĩ và các cộng sự đã thăm, tặng 105 phần quà cho các gia đình thương binh – liệt sĩ là người Công giáo và gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn tại xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, đồng thời ủng hộ vật chất cho các hoạt động xã hội khác.

Đồng chí Đỗ Anh Mỹ, Chủ tịch UBND xã Gia Tân 3 cho biết, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh được sinh ra tại giáo xứ Phúc Nhạc trên địa bàn xã Gia Tân 3 và đi lên từ nghèo khó. Ông có tấm lòng bác ái và tình yêu quê hương, luôn hướng về đồng bào, nâng đỡ đời sống vật chất và tinh thần cho nhiều bà con; góp phần cùng chính quyền, giáo xứ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và chăm lo an sinh xã hội.

Theo Hiệp sĩ Đại Thánh giá, Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) không chỉ là dịp tri ân, tưởng nhớ tới những người đã hi sinh một phần xương, máu; hi sinh mạng sống để góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mà còn là dịp nhớ tới công lao các bậc tiền nhân đã đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. “Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, rất nhiều người (trong đó có đồng bào Công giáo) đã hi sinh để bảo vệ đất nước và giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Thăm hỏi các gia đình có công với Tổ quốc, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn vừa là tấm lòng tri ân vừa là tình cảm. Việc làm này phù hợp với lời mời gọi trong Thư Chung 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam” – Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh bày tỏ.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh thăm, tặng quà gia đình thương, bệnh binh trong chuyến thăm huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, ngày 27/7/2024. Ảnh: An Luých

Trao đổi về những hoạt động trên của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, đồng chí Trần Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: Công tác chăm lo cho gia đình có công với cách mạng, hỗ trợ người nghèo được cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc huyện thường xuyên quan tâm. Bên cạnh đó, Hiệp sĩ Đại Thánh giá và phu nhân là bà Anna Nguyễn Thị Kim Yến đã bằng tình cảm và sự tri ân của người con trên quê hương Thống Nhất đến thăm và ủng hộ thiết thực về vật chất để cùng các ngành chức năng động viên các gia đình thương binh – liệt sĩ; đồng thời tặng quà cho hộ nghèo, làm vơi đi khó khăn trong cuộc sống. Đây là nét đẹp sống tốt đời – đẹp đạo của Hiệp sĩ Đại Thánh giá và các cộng sự, rất cần được lan tỏa trong xã hội.

4. Sống và hành động theo quan điểm “Phúc âm giữa lòng dân tộc”

Tin tưởng vào chủ trương, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hiệp sĩ đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho biết, ông sẽ tiếp tục cùng đồng bào Công giáo cả nước thực hành đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, góp phần hơn nữa vào xây dựng xứ đạo, quê hương và đất nước Việt Nam mến yêu. Để thực hiện tâm nguyện đó, Hiệp sĩ đã luôn có sự gắn bó chặt chẽ với chính quyền địa phương, vận động giáo dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời trở thành sứ giả truyền bá, lan toả lối sống “Phúc Âm giữa lòng dân tộc” trong cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Ngày 03/11/2023, nhân dịp lễ kính thánh Martino de Porres, trong tinh thần “Hiệp hành” của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đó chính là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa các tu sĩ Dòng Đa Minh – Ngài Hiệp sĩ Đại thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh và chính quyền địa phương. Với tư cách trưởng đoàn, Hiệp sĩ Đại thánh giá kết hợp với các bạn đồng hành, các linh mục, tu sĩ đại diện anh em Dòng Đa Minh đang thi hành sứ vụ tại Giáo phận Ban Mê Thuột, cùng với quý linh mục quản nhiệm giáo họ Lạc Thiện, đã tiến hành cuộc thăm viếng và chia sẻ đường hướng trong tương lai với các cán bộ, lãnh đạo thuộc Ban Tôn giáo tỉnh, Phòng PA.02 Công an tỉnh, Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ, Công an huyện Lăk và lãnh đạo thị trấn Liên Sơn. Chuyến gặp gỡ này có thể xem như là một biểu hiện cụ thể về tinh thần hiệp thông và sự hợp tác giữa các tu sĩ Dòng Đa Minh, Hiệp sĩ Đại thánh giá, quý linh mục giáo phận và quý lãnh đạo các cấp tỉnh Đắk Lắk, cách riêng là huyện Lắk.

Trước tiên, đoàn đã đến thăm và có buổi trò chuyện với quý lãnh đạo Ban Tôn giáo tỉnh Đắk Lắk. Đoàn thể hiện lòng biết ơn chân thành đối với quý Ban, vì đã có những đóng góp, tạo điều kiện cho các sinh hoạt tôn giáo của đồng bào trong khu vực được thuận lợi. Đại diện Ban Tôn giáo, ông trưởng ban Đặng Tuấn Cường đã nêu lên ý hướng gửi đến phái đoàn, với mong muốn các vị hãy luôn là “nhịp cầu nối kết”, để củng cố mối tương quan giữa đồng bào Công giáo với nhân dân và chính quyền địa phương. Đáp lời, ngài Hiệp sĩ cũng thể hiện sự quyết tâm và cầu chúc cho mọi dự định chung của đôi bên sớm thành hiện thực.

Tiếp đến, phái đoàn có cuộc gặp gỡ với quý lãnh đạo và cán bộ tại trụ sở Phòng PA.02, Công an tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, đoàn đã ghi lại nhiều dấu ấn mang tính “bước ngoặt” về sự “hiệp hành” giữa các tu sĩ Dòng Đa Minh với các lãnh đạo, cán bộ và chiến sĩ của Phòng. Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với các chiến sĩ công an, đã không quản ngại bao khó khăn, gian khổ để giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực. Hiệp sĩ và các tu sĩ đều có cùng nhận định: để đạt được hiệu quả cho các công việc sắp tới, đôi bên sẽ luôn cần sự tích cực lắng nghe và thấu hiểu, cần nhiều lần gặp gỡ, trao đổi giữa các bên với lực lượng Công an, cách riêng là Phòng PA.02, Công an tỉnh tỉnh Đắk Lắk.

Trong cuộc trao đổi, Hiệp sĩ Gioan Baotixita đã nêu rõ quan điểm dứt khoát không đồng tình với mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá, làm phương hại đến chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, Hiệp sĩ cũng khẳng định vai trò của Ngài là làm cầu nối giữa chính quyền và Giáo hội trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo tại địa phương; Sẽ không có chuyện “tôn giáo xúi giục dân nổi loạn” hay lợi dụng danh nghĩa hoặc có hành vi sai trái, gây tổn hại đến đời sống an lành của nhân dân trong đó có đồng bào Công giáo. Qua việc khẳng định lại tinh thần và vai trò của mối quan hệ này, đôi bên đã thể hiện lòng tin tưởng lẫn nhau và với cam kết hợp tác chặt chẽ, gìn giữ và phát huy tinh thần yêu nước, thương dân nơi từng người dân.

Trong cuộc gặp gỡ với Phòng PA.02, Công an tỉnh Đắk Lắk vào ngày 03/11/2023, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với các chiến sĩ Công an, đã không quản ngại bao khó khăn, gian khổ để giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực. Ảnh: Đa Minh Việt Nam

Hiệp sĩ Thịnh tâm niệm: “Mình làm tốt, người khác nhìn vào cùng tham gia thì thi đua yêu nước mới lan tỏa để có nhiều nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội. Trong khó khăn mà phát huy được tình đoàn kết thì dù khó mấy cũng sẽ tìm thấy hạnh phúc và đi đến thành công, như Bác Hồ đã nói: Đoàn kết, Đại đoàn kết – Thành công, Đại thành công”. Khi thực hiện thi đua yêu nước sống tốt đời – đẹp đạo, Hiệp sĩ cũng luôn xác định: “Yêu nước chính là yêu con người, yêu dân tộc, yêu quê hương và vượt trên tất cả những khác biệt, thậm chí những định kiến, để hướng về tương lai và cùng đồng tâm xây dựng đất nước. Người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt sẽ góp phần làm cho Giáo hội tỏ rạng hơn trong lòng dân tộc. Nhà nước ta và Giáo hội đều mời gọi mỗi người Công giáo trở nên như vậy”.

Với tình cảm này, Hiệp sĩ đại Thánh giá không chỉ nhiệt tình ủng hộ vật chất, nâng đỡ tinh thần cho người nghèo, người không may gặp hoạn nạn mà còn bắc những nhịp cầu, vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc và quan hệ Đạo – đời để đôi bên cùng hiểu biết nhau hơn trong quá trình chăm lo, phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng như giáo dân trên địa bàn. Để có cái nhìn khách quan khi “bắc cầu”, Hiệp sĩ luôn xác định lợi ích của giáo dân cũng là của công dân Việt Nam, lấy lợi ích chung và đoàn kết dân tộc làm điểm kết nối trong đối thoại, gặp gỡ. Trước hết là gặp gỡ trong ý tưởng rồi đến hành động để các bên đều đạt được kết quả tốt đẹp, hợp tình, hợp pháp.

Tháng 10/2023, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đã chia sẻ rõ quan điểm về đức tin của mình như sau: “Tôi tự hào có 3 người mẹ, đó là mẹ thân sinh ra mình, mẹ Tổ quốc và mẹ Giáo hội. Ba người mẹ đó thôi thúc tôi trong các hoạt động để góp phần làm cho đạo và đời ngày càng tốt đẹp hơn. Là người Công giáo nhưng cũng là người công dân được sinh ra tại Việt Nam, tôi ý thức rằng, xây dựng quê hương, đất nước là việc mà mỗi giáo dân hay công dân đều nên làm, đó cũng là vinh dự và trách nhiệm cao cả, bởi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ:  “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” và Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh: Người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước”.

Nói sâu hơn về nội dung “yêu nước”, Hiệp sĩ cho rằng tinh thần yêu nước “cần được đặt trong một ý thức cao là yêu con người, yêu dân tộc và vượt trên tất cả những khác biệt, thậm chí những định kiến, hướng về tương lai để cùng đồng tâm xây dựng đất nước. Hình ảnh một người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt sẽ góp phần làm cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam ngày càng tỏ rạng hơn trong lòng dân tộc”. Hiệp sĩ tin tưởng rằng, “đây cũng là điều mà Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Giáo hội đều mong muốn và mời gọi mỗi người Công giáo trở nên như vậy”.

Với quan điểm đó, khi tham gia vào công việc, Hiệp sĩ nhấn mạnh rằng, Công giáo “cần xác định lợi ích của giáo dân cũng là của công dân Việt Nam để có cái nhìn khách quan. Tiếp đến là lấy lợi ích chung và đoàn kết dân tộc làm điểm kết nối trong đối thoại, gặp gỡ giữa chính quyền và tổ chức Công giáo… Giáo hội Công giáo Việt Nam quyết tâm gắn bó, đồng hành, đồng tiến cùng dân tộc, xây dựng đất nước”.

Đặc biệt, Hiệp sĩ cũng giải thích, “nếu có sự việc xảy ra ở đâu đó, chủ yếu là do hai bên chưa hiểu đúng và kịp thời về nhau. Lúc này, đối thoại là cách tốt nhất cho cả hai”. Bản thân Hiệp sĩ Thịnh cũng đã tìm gặp cán bộ và linh mục và cả bà con giáo dân để giải thích về nguyện vọng và chính sách, qua đó giúp các bên gặp nhau trong ý tưởng rồi đến hành động để cùng đi đến kết quả mà cả hai đều thấy hợp pháp và có tình.

Bên cạnh đó, Hiệp sĩ cũng tổ chức đưa đồng bào tôn giáo nơi vùng sâu, vùng xa đi  thăm quan Thủ đô, gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với các vị lãnh đạo ở Trung ương, qua đó, giúp đồng bào cảm nhận được nhiều hơn, rõ hơn sự phát triển của đất nước cùng chính sách đúng đắn của Nhà nước và sự quan tâm của các vị lãnh đạo với đồng bào các tôn giáo, đồng bào các dân tộc.

Có thể nói, Hiệp sĩ Thánh Giá vừa là một người Công giáo mẫu mực, vừa là một công dân tiêu biểu, có cống hiến lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông đã góp phần bắt nhịp cầu nối giữa Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Những suy nghĩ, việc làm tốt đẹp của ông sẽ trở thành tấm gương điển hình cho bao thế hệ giáo dân Công giáo học tập và noi theo, để cùng thực hành lối sống lối sống “Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, vì một Giáo hội phát triển, vì một đất nước Việt Nam độc lập, hoà bình và thịnh vượng.■

Tuệ Minh (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN