1. Lịch sử Olympic và việc tôn vinh các giá trị văn hoá nhân loại
Thế vận hội hay Olympic là cuộc tranh tài thể thao có quy mô lớn nhất thế giới. Đây là cuộc thi diễn ra giữa tất cả các quốc gia, ở tất cả các môn thi đấu. Tuy nhiên, Olympic từ lâu đã không chỉ là một đại hội thể thao nhằm cạnh tranh thể lực giữa các quốc gia, châu lục, mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết và khát vọng hòa bình của toàn nhân loại.
Trong lịch sử, Olympic vốn dĩ đã bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại, được tổ chức từ năm 776 TCN, cho đến khi bị cấm dưới thời Hoàng đế La Mã Theodosius I vào năm 394. Sang đến thời hiện đại, hình thức thi đấu Olympic được Nam tước người Pháp Pierre Frèdy de Coubertin khôi phục lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX. Lúc này, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã được thành lập và trở thành cơ quan chủ quản của Phong trào Olympic, đưa ra Hiến chương Olympics. Thế vận hội chia làm hai kì Mùa hè và mùa Đông, được tổ chức xen kẽ 2 năm một lần. Trong đó, Thế vận hội Mùa hè được tổ chức 4 năm một lần kể từ năm 1896, trừ những năm diễn ra Chiến tranh Thế giới. Thế vận hội Mùa đông lần đầu được tổ chức vào năm 1924, dành riêng cho các môn thể thao mùa đông. Tính tới thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 13.000 vận động viên cạnh tranh ở 33 môn thể thao khác nhau với gần 400 cuộc thi ở các kỳ Thế vận hội. Những vận động viên đạt thành tích cao trong mỗi cuộc thi nhận sẽ được huy chương Olympic vàng, bạc, đồng tương ứng.
Hiện nay, Thế vận hội Olympic được quản lý bởi Liên đoàn Thể thao Quốc tế (IFS), Ủy ban Olympic Quốc gia (NOC) và các ủy ban tổ chức cho mỗi kỳ thế vận hội Olympic cụ thể. Là cơ quan ra quyết định, IOC chịu trách nhiệm về việc lựa chọn các thành phố chủ nhà cho mỗi Thế vận hội. Các thành phố chủ nhà sẽ chịu trách nhiệm về tổ chức, tài trợ và kỷ niệm Thế vận hội sao cho phù hợp với Hiến chương Olympic. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội, các nghi thức sẽ lần lượt được tiến hành, bao gồm lễ khai mạc, bế mạc mà ở đó, biểu tượng lá cờ và ngọn đuốc Olympic sẽ được tôn vinh. Được tổ chức Olympic là niềm tự hào của mỗi quốc gia. Mỗi kì Thế vận hội cũng chính là cơ hội tốt để nước chủ nhà quảng bá hình ảnh quốc gia với bạn bè thế giới. Do đó, rất nhiều nước đã có sự đầu tư công phu cho các lễ khai mạc Thế vận hội, khiến cả thế giới chiêm ngưỡng và thán phục sự thịnh vượng, phát triển về kinh tế cũng như những giá trị văn hoá truyền thống của đất nước mình.
Bắc Kinh là thành phố đầu tiên trên thế giới từng tổ chức cả Thế vận hội Mùa hè (2008) và Thế vận hội Mùa đông (2022). Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2008 diễn ra tại Sân Vận Động Quốc gia Bắc Kinh vào ngày mùng 08/8/2008 lúc 8 giờ tối (giờ Trung Quốc). Con số 8 mang ý nghĩa thịnh vượng và tự tin trong truyền thống văn hoá Trung Hoa. Buổi lễ do đạo diễn Trương Nghệ Mưu điều hành, với sự tham gia trình diễn của 15.000 diễn viên, đã thể hiện rõ bề dày văn hoá nghệ thuật Trung Hoa cổ đại. Bắt đầu bằng tiếng trống đếm lùi thời gian, cuộn giấy thư pháp khổng lồ bất thình lình hiện ra và trở thành sân khấu chính của buổi biểu diễn. Bài hát chính thức của Olympic 2008, với tựa đề Bắc Kinh chào đón bạn, vang lên cùng với ngọn lửa thiêng tại sân vận động quốc gia. Sân khấu hoành tráng cùng sự dàn dựng công phu của Olympic Bắc Kinh 2008 để lại trong lòng bạn bè quốc tế những ấn tượng sâu sắc về văn hoá, đất nước, con người Trung Hoa.
Lễ Khai mạc Đại hội Thể thao Olympic mùa Đông Sochi 2014 tại Nga cũng được đánh giá là một trong những lễ khai mạc thành công rực rỡ nhất trong lịch sử các kì Olympic. Vào lúc 20 giờ 14 phút tối 7/2 (giờ Moskva) trên sân vận động Fisht ở thành phố Sochi bên bờ Biển Đen, khoảng 120.000 khán giả tại Sochi và hơn 3 tỷ người xem truyền hình trên khắp hành tinh đã lần lượt được chứng kiến các màn trình diễn nghệ thuật hết sức đặc sắc, lần đầu tiên được công diễn, với chủ đề “Giấc mơ nước Nga”. Nhân vật chính của buổi diễn là một bé gái mang tên Lyubov (Tình Yêu) dẫn dắt khán giả đi qua hàng nghìn năm lịch sử phát triển của dân tộc Nga, “du lịch” khắp mọi miền nước Nga, từ đó giúp thế giới hiểu hơn về đất nước Nga vĩ đại và con người Nga đôn hậu, yêu chuộng hòa bình, ham thích thể thao. Các tiết mục tại đêm khai mạc Sochi 2014 cũng kể với bạn bè thế giới về những thành tựu của Nga, bao gồm các phát minh khoa học, những công trình nghệ thuật tuyệt vời và một nền văn hóa Nga đặc sắc.
Nhật Bản cũng là một đất nước tổ chức thành công Thế vận hội nhờ vào các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Trong Lễ khai mạc Đại hội Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào tối ngày 23/7 tại Nhật Bản, Ban Tổ chức đã sử dụng 1.824 máy bay không người lái (drone) để xếp thành hình biểu tượng Thế vận hội Tokyo với mô hình “Ichimatsu” của Nhật Bản, sau đó được thay đổi thành hình Trái Đất, tạo ra một màn trình diễn trên không rất bắt mắt tại Sân vận động quốc gia Tokyo. Được biết, tiết mục độc đáo này nhằm truyền đạt khẩu hiệu chủ đề của Thế vận hội Tokyo là “United by Emotion” (Gắn kết bằng cảm xúc). Mẫu hình này được nhà thiết kế nổi tiếng Noro Asao thiết kế với tên gọi “Ichimatsu” chính là một mẫu hoa văn truyền thống có từ thời đại Edo (từ 1603 đến 1867). Nó đại diện cho di sản văn hóa của Tokyo “cũ”, kết hợp với tinh thần Thế vận hội “hiện đại”. Màn trình diễn biến đổi hình Ichimatsu thành hình Trái Đất đã biểu đạt đúng tinh thần hiếu khách của nước Nhật và cả tinh thần đoàn kết, thông điệp hoà bình giữa các dân tộc trên toàn thế giới thông qua Thế vận hội.
Như vậy, Lễ khai mạc chính là tiết mục được cả thế giới mong đợi nhất trong mỗi kì Olympic. Đây cũng là dịp để nước chủ nhà quảng bá văn hoá của mình ra thế giới, thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng yêu chuộng thể thao và mục tiêu phấn đấu vì những giá trị tốt đẹp chung cho toàn nhân loại.
2. Lễ khai mạc bất thường, nhận về nhiều chỉ trích tại Olympic Paris 2024
Tuy nhiên, Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 (26/7 – 11/8) vừa qua tại Pháp lại bị xem như một “thảm hoạ chưa từng có” trong các kì Thế vận hội. Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 diễn ra tối 26/7 (theo giờ địa phương) kéo dài đến 4 giờ đồng hồ, lần đầu tiên được tổ chức bên bờ sông Seine thay vì ở trong sân vận động quốc gia như thường lệ. Đây là chương trình khai mạc độc đáo và dài nhất song cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử các kỳ Thế vận hội.
Tại đây, Ban tổ chức đã biến sông Seine thành nơi biểu diễn thực cảnh, trưng trổ bề dày văn hóa, lịch sử và sự lãng mạn vốn có ở Pháp. Bất chấp trời mưa, khoảng 100 chiếc thuyền lớn nhỏ chở thành viên của các đoàn thể thao chạy trên đoạn sông dài 6 km chảy qua trung tâm thủ đô Paris. Đoàn thuyền đi qua một địa danh mang tính biểu tượng của nước Pháp như Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre và nhiều điểm tổ chức Thế vận hội. Hơn 300 nghìn vé xem trực tiếp được phát ra. Tuy nhiên, chương trình vấp phải làn sóng tẩy chay vì tiết mục của nhóm nghệ sĩ hoá trang đồng tính, gọi là show diễn “drag queen” với nhiều cảnh tượng nhạy cảm liên quan đến tôn giáo, văn hoá, khiến nước chủ nhà phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng truyền thông thực thụ. Từ đây, nhiều câu hỏi lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống tại Pháp, châu Âu nói riêng và thế giới nói chung trong bối cảnh hiện đại cũng đã được đặt ra.
Cụ thể, đó là khoảnh khắc trên cầu Debilly bắc qua sông Seine, khi máy quay hướng về nhà sản xuất người Pháp Barbara Butch, người tự mô tả mình là “nhà hoạt động vì tình yêu”. Butch mặc một chiếc váy xanh với mũ đội màu bạc. Khi máy quay lia đến, cô được các nghệ sĩ drag queen đứng bao quanh. Họ diện trang phục hở hang, tạo dáng gợi cảm và xếp hàng dài trên một chiếc bàn. Sau đó, một người đàn ông gần như khỏa thân trong lớp sơn màu xanh toàn thân, ngồi trên một chiếc đĩa với nhiều hoa quả, đồ ăn vây quanh. Người đàn ông này vừa nằm uốn éo, vừa hát, trong khi những nghệ sĩ nam cải trang nữ, đứng xung quanh ông cùng ca hát, vui đùa. Cảnh tượng Barbara Butch được các nghệ sĩ bao quanh bàn ăn gợi nhớ đến bức tranh “Bữa tối cuối cùng” (The Last Supper) của họa sĩ Leonardo da Vinci. Đây là tác phẩm mô tả lại điển tích Tiệc Ly trong Kinh thánh, kể về bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus cùng các môn đệ trước khi bị Judas phản bội. Việc mang các nghệ sĩ drag queen mô phỏng lại Tiệc Ly vốn đã gây tranh cãi, lại thêm cảnh tượng người đàn ông khỏa thân xuất hiện, càng làm dấy lên sự giận dữ và liên tưởng tới việc xúc phạm tín ngưỡng, văn hoá truyền thống.
Tiết mục này sau đó đã nhận về những phản ứng dữ dội từ cộng đồng tôn giáo cùng những người yêu văn hoá truyền thống của Pháp và châu Âu. Các tín đồ Công giáo, cũng như nhiều tôn giáo khác, đã lên tiếng chỉ trích tiết mục trong đêm khai mạc Olympic Paris 2024 là xúc phạm tôn giáo. Hội đồng Giám mục Pháp tuyên bố đây là “sự chế giễu nhắm vào Công giáo”, cho rằng rất nhiều tín đồ đã bị tổn thương vì cảnh tượng lố lăng này. Làn sóng tẩy chay Olympic Paris 2024 tràn ngập mạng xã hội. Nhiều khán giả cho rằng: “Chủ đề của lễ khai mạc dường như quá tập trung vào các vấn đề xã hội như nữ quyền, vấn đề về giới, chủng tộc… mà quên đi mất mục đích chính của Olympic là ngày hội thể thao. Các phần biểu diễn âm nhạc và các tiết mục khác tuy đa dạng nhưng chỉ ở mức trung bình, thiếu đi điểm nhấn và sự hoành tráng”.
Trước tình hình đó, một số đơn vị tài trợ đã rút khỏi Olympic Paris 2024. Nhà mạng C’Spire tuyên bố “rất sốc” về sự báng bổ Bữa tiệc ly và khẳng định đang rút dần quảng cáo khỏi kỳ Thế vận hội. Võ sĩ nổi tiếng thế giới Islam Makhachev cũng bày tỏ sự phản đối kịch liệt màn biểu diễn trong Olympic Paris 2024: “Thế vận hội Paris là một nỗi xấu hổ và vết nhơ cho Olympic. Tôi đã xem một số trích đoạn của lễ khai mạc, thật thiếu tôn trọng đối với tất cả các tôn giáo, với giá trị con người nói chung. Sau những gì đã thấy, tôi không còn muốn đến Olympic 2024 nữa”. Tỉ phú Elon Musk đã huỷ theo dõi tài khoản Olympic sau khi Kito giáo bị chế giễu ở Thế vận hội, đồng thời đăng tải đoạn video tiết mục gây tranh cãi với dòng bình luận: “Tại sao lại có chuyện như thế này ở Thế vận hội? Tôi sẽ chuyển đến Sao Hoả”. Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini cũng bày tỏ sự giận dữ trước những gì xảy ra ở Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 và cho biết ông sẽ không xem chương trình bế mạc.
Ngoài tiết mục trên, những yếu tố khác trong Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 cũng bị chỉ trích và đặt ra nhiều nghi vấn báng bổ tôn giáo, văn hoá. Cụ thể, Hình tượng con bê vàng trên lễ đài vốn được xem là hình tượng người Do Thái đúc ra để thờ khi Moses lên núi Sinai, một động vật được nhắc đến trong Kinh Thánh với điển tích “Tội lỗi của con Bê”. Trong sách Xuất hành, Công giáo đã chỉ trích người Do Thái vì tội thờ loài vật này. Khi Thiên Chúa vừa được cứu thoát khỏi kiếp sống nô lệ từ Ai Cập chưa được bao lâu, dân Do Thái đã gây áp lực với tư tế Aharon để đúc con bò vàng và coi đó là Thiên Chúa của mình, là Đấng đã giải thoát Israel ra khỏi Ai Cập. Họ tổ chức cúng bái thờ lạy nó, rồi mở hội vui chơi nhảy múa, thay vì tuân giữ giới răn của Chúa. Ngoài ra, hình ảnh người đàn ông cưỡi ngựa xám ngay dưới chân tháp Eifel cũng được xem là đã tái hiện một trong “tứ kỵ sĩ” ở sách Khải huyền. Trong đó, kỵ sĩ cưỡi ngựa xám vốn tượng trưng cho Cái chết, Địa Ngục và những điềm gở. Việc đưa các hình ảnh này vào Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã khiến nhiều người cho rằng đây không phải là sự quảng bá văn hoá như thường lệ, mà nước Pháp đang “truyền bá Quỷ Satan”.
Ngoài ra, cảnh ba vũ công mặc trang phục sặc sỡ, ôm hôn nhau, sau đó một vũ công làm động tác đóng cửa, cũng bị lên án dữ dội vì gây phản cảm. Ban tổ chức cũng bị chỉ trích vì đọc sai tên một số quốc gia, treo ngược cờ, hiển thị lẫn lộn quốc kỳ của các quốc gia trên màn hình trong nhiều môn thi đấu, bữa ăn dành cho vận động viên nghèo nàn, thiếu thốn, các buổi tập luyện môn bơi bị hoãn do sông Sein quá ô nhiễm… Tất cả những hành động đó đã khiến Ban tổ chức Olympic 2024 nói riêng và giới lãnh đạo nước Pháp nói chung nhận về nhiều chỉ trích, bức xúc. Nhiều người cho rằng đây là “kì Thế vận hội tồi tệ nhất lịch sử”, rằng nước Pháp không thực sự tôn trọng Thế vận hội cũng như các quốc gia tham dự. Những câu hỏi về sự suy đồi của các giá trị đạo đức, những tư tưởng văn hoá mới đang đi ngược lại sự tiến bộ chung của nhân loại, cũng liên tục được đặt ra sau sự kiện nói trên.
3. Ban tổ chức Olympic 2024 xin lỗi, gỡ video nhưng làn sóng phản đối vẫn không dừng lại
Trước làn sóng chỉ trích, Thomas Jolly – Tổng đạo diễn của lễ khai mạc – phải đăng đàn thanh minh rằng buổi diễn chỉ là cổ vũ tinh thần sáng tạo nghệ thuật chứ “không nhằm gây sốc hoặc chế giễu ai cả”. Ông khẳng định ý tưởng của cảnh quay nói trên là hướng về thần thoại Hy Lạp chứ không phải đạo Công giáo. Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp BFMTV vào tối 28/7, ông Jolly nói: “Ý tưởng của tôi là tổ chức một show diễn ngoại giáo, liên quan các vị thần trên đỉnh Olympus. Bạn sẽ không bao giờ thấy ở tôi mong muốn chế giễu hay hạ thấp bất kỳ ai”.
Theo đại diện Ban tổ chức, các màn biểu diễn ở Olympics 2024 mang đến thông điệp về sự tự do, bao dung, đa dạng văn hóa và chấp nhận mọi sự khác biệt. Chủ tịch Olympic Paris 2024 Tony Estanguet cũng bênh vực lý lẽ của Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly, ông cho rằng: “Chúng tôi có quyền tự do ngôn luận ở Pháp và chúng tôi muốn bảo vệ quyền đó”. Tài khoản mạng xã hội chính thức của Olympic Paris 2024 cũng đăng bài đính chính nhân vật người da xanh (ca sĩ kiêm diễn viên người Pháp Philippe Katerine thủ vai) miêu tả vị thần Dionysus. Trong thần thoại Hy Lạp, đây là vị thần của nghề làm rượu, khả năng sinh sản và khoái lạc.
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, kênh YouTube chính thức của Olympic đã phải xóa đoạn video tổng hợp các cảnh quay đáng chú ý về lễ khai mạc Paris 2024. Chủ đề liên quan việc “video khai mạc Olympic biến mất” thu hút hơn 500 triệu lượt xem trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc – Weibo.
Tại cuộc họp báo ngày 28/7, bà Anne Descamps, phát ngôn viên của Thế vận hội cho biết, Ban tổ chức không có ý thiếu tôn trọng bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào và gửi lời xin lỗi tới tất cả những người đã cảm thấy bị tổn thương.
Dù vậy làn sóng chỉ trích vẫn không dứt. Phần đông khán giả không đồng tình với lời thanh minh của ông Jolly. Việc xuất hiện quá nhiều hình ảnh liên quan đến sự “chối Chúa” của người Do Thái càng gây phẫn nộ bởi chính ông Thomas Jolly cũng là một người gốc Do Thái. Đặc biệt, những tiết mục do ông đạo diễn cũng bị phản đối mạnh mẽ trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đang diễn ra khốc liệt ở Dải Gaza, khi Mỹ và phương Tây vẫn liên tục có động thái ủng hộ người Do Thái ở Israel và viện trợ cho các cuộc đàn áp phong trào Hồi giáo tại khu vực này.
Bên cạnh đó, Tờ báo Anh The Guardian cũng đưa ra nhận xét, Ban tổ chức đã cố gắng trộn lẫn quá nhiều tiết mục. Thông thường, chương trình nghệ thuật chỉ kéo dài khoảng 45-60 phút, nhưng Lễ khai mạc này lại dài tới 10 chương. Nhiều nét văn hóa, nghệ thuật của nước chủ nhà đan xen các nghi thức diễu hành, châm đuốc, tạo ra một sự phức tạp với thông điệp không rõ ràng, nhiều hình ảnh nhạy cảm không phù hợp với trẻ em…
Theo dõi lễ khai mạc Olympic 2024, đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng, dù thế giới có chia rẽ, phân cực, thì thể thao nói chung và thế vận hội nói riêng vẫn luôn là nhịp cầu kết nối các quốc gia. Để làm được điều này, các hoạt động thể thao mang tính quốc tế cần giữ được đặc trưng cơ bản vốn có, đó là phải được tổ chức một cách độc lập, tách biệt khỏi mọi định kiến liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, sắc tộc và niềm tin tôn giáo.
Ông Lê Quý Dương cũng đề cập tới việc Olympic 2024 đã mang màu sắc chính trị kể từ khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ban hành các lệnh hạn chế vận động viên Nga và Belarus thi đấu quốc tế trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022. Điều này đã đi ngược lại tinh thần đoàn kết vốn có của Thế vận hội nói riêng và làm mai một những giá trị tốt đẹp của thể thao nói chung:
“Trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc tổ chức các hoạt động quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và tôn giáo gặp nhiều thách thức. Từ việc không mời một số nước cụ thể tham gia, Olympic 2024 tự làm mất đi ý nghĩa trong sáng nhất của Thế vận hội. Ban tổ chức có thể viện dẫn nhiều lý do về tự do, đa dạng cho các tiết mục khai mạc. Tuy nhiên, tự do chỉ thực sự đúng khi các quyền đó được sử dụng và viện dẫn trên nguyên tắc không làm tổn thương, xúc phạm tới các giá trị văn hóa và niềm tin của người khác”.■
Ngọc Lan (tổng hợp)