Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã từ trần ngày 19/7/2024 do tuổi cao bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi. Trong 57 năm công tác và cống hiến, ông Nguyễn Phú Trọng có hơn 13 năm giữ chức Tổng Bí thư, gần ba năm kiêm chức Chủ tịch nước, hai khóa là Chủ tịch Quốc hội. Với thời gian công tác dài và giữ nhiều trọng trách, Tổng Bí thư để lại dấu ấn trong nhiều mặt của đời sống đất nước từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá. Đặc biệt, ông đã trở thành hình mẫu về phong cách sống bình dị cho các thế hệ Đảng viên, nhân dân.
Ghi nhận công lao to lớn của Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tổ chức Lễ Quốc tang trọng thị với nghi thức cao nhất. Có hơn 6.000 đoàn đại biểu trung ương, địa phương, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước và 100 đoàn đại biểu quốc tế và 200.000 đồng bào đến viếng Tổng bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội, Hội trường Thống Nhất TP. HCM và quê nhà thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh. Gần 500.000 lượt người dân đã gửi lời chia buồn qua sổ tang điện tử.
Đặc biệt, nhiều nguyên thủ quốc gia, bạn bè quốc tế đã bay tới Việt Nam để viếng cố Tổng Bí thư như ông Vương Hộ Ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hunsen, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Pyotr Tolstoy, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell. Nhiều nguyên thủ lớn như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc viếng, ông Lý Hiển Long – nguyên Thủ tướng Singapore, đã đến viếng và ký sổ tang tại Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam cũng đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch nước Tô Lâm đã ghi trong sổ tang, Tổng bí thư là “người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn lớn của nhân dân thế giới; người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân”. Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhà lãnh đạo có uy tín, đặc biệt xuất sắc, tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng, trọn đời vì nước, vì dân”.
Đối với đông đảo quần chúng nhân dân, ấn tượng lớn nhất là Tổng Bí thư dù giữ cương vị cao nhất nhưng đã sống cuộc đời bình dị. Người dân đều đã xếp hàng dài suốt đêm ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để viếng Tổng Bí thư trong sự thương tiếc vô hạn. Người dân đều nhớ rõ các phát ngôn của ông như: “Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Không chỉ bình dị, gương mẫu trong lối sống và phong cách làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được kính trọng bởi là người luôn hướng về nguồn cội. Ông thường xuyên về thăm quê ở làng cổ Lại Đà, hay dù ở cương vị cao vẫn luôn gặp lại thầy cô, bạn bè thuở còn đi học.
Về di sản đối nội, Tổng Bí thư ghi dấu ấn với chiến dịch tăng cường sức mạnh Đảng và bộ máy nhà nước. Năm 2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chính thức ra mắt, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Trong 10 năm ông làm Tổng Bí thư (2012-2022), Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, cùng hàng loạt quy định nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng với cán bộ, Đảng viên trong thời đại mới. Công cuộc phòng chống tham nhũng được Tổng Bí thư coi như “cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm”, để lại nhiều kết quả và ấn tượng trong nhân dân và quốc tế.
Về di sản đối ngoại, Tổng Bí thư đã có vai trò trong nỗ lực quan hệ cân bằng và hữu hảo với các nước lớn. Ông đã 4 lần thăm Trung Quốc, và 3 lần đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm gần đây nhất của ông Tập đến Việt Nam vào tháng 12/2023, hai bên ra Tuyên bố chung tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, thúc đẩy vững chắc việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Mỹ đón tiếp tại Nhà Trắng vào năm 2015. Đây là “chuyến thăm lịch sử”, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ ngoại giao hai nước, qua đó Mỹ khẳng định tôn trọng hoàn toàn thể chế chính trị của Việt Nam. 8 năm sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Trong những năm cuối của sự nghiệp, với cương vị Tổng Bí thư, chỉ trong 9 tháng, ông đã đón tiếp lãnh đạo của ba cường quốc lớn: Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với các nước láng giềng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ quan hệ thân thiết gắn bó với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt chú trọng xây dựng mối quan hệ chiến lược với Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen. Ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia có quan hệ hợp tác đặc biệt, vừa có bề dày truyền thống, hữu nghị, vừa liên tục được tăng cường, đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững hơn. Quan hệ với các đối tác lớn, chủ chốt khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… và mở rộng quan hệ với các bạn bè truyền thống ở châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latin… cũng được nâng tầm, nâng cấp, ngày càng bền chặt, hiệu quả. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và thể hiện rõ mong muốn làm bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước. Đây được coi là một thành tựu ngoại giao có sự đóng góp lớn của Tổng Bí thư, đem lại môi trường hoà bình và ổn định cho Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội phát triển đất nước.
Với tất cả tình cảm và sự trân trọng dành cho người lãnh đạo cao nhất của Đảng, dù trong thời khắc mất mát khó khăn này, tin tưởng chắc chắn rằng, như Chủ tịch nước đã khẳng định: “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 năm thành lập, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2045, hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”■