Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh và là người thầy của báo chí Cách mạng Việt Nam

Gần 100 năm trước đây, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 21/6/1925, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã quyết định xuất bản báo Thanh niên, tờ báo của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Người tổ chức trước đó.

1. Việc quyết định xuất bản báo Thanh niên là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với báo chí Việt Nam và Cách mạng Việt Nam. Thời điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô sang Trung Quốc đã lựa chọn những người ưu tú để rèn luyện, giáo dục, thành lập một tổ chức có tên là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đây là tờ báo đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ, in bằng tay, do các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh đã tham gia sáng lập và đồng hành cùng tờ báo. Điều đặc biệt là lần đầu tiên phong trào cách mạng Việt Nam có một tờ báo mà măng sét viết hai chữ Thanh niên bằng Hán văn và Việt văn. Hình thức của tờ báo nổi rõ chí hướng cách mạng cứu nước, ví như số thứ tự mỗi tờ báo viết trong ngôi sao năm cánh, ví như về nội dung tờ báo tuy chỉ có từ 2 đến 4 trang (khổ trung bình 13cm x 19cm) nhưng dành tất cả để tuyên truyền cách mạng. Có lẽ cũng là lần đầu tiên, đông đảo bạn đọc là người Việt Nam mới được tiếp xúc với những vấn đề cốt tử nêu trên báo Thanh niên. Nào là mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là đối kháng, không thể điều hoà được; nào là khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam là phải giải phóng đất nước; lực lượng cách mạng ấy phải là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; người cách mạng phải dám hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng; đặc biệt nhấn manh hai vấn đề cốt tử là cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng; cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga mới giành thắng lợi… Đây quả là những kiến thức có tính chân lý, tri thức “giáo khoa” mà báo Thanh Niên đã tuyên truyền phổ biến tới các chiến sỹ cách mạng tiên phong và dân chúng. Từ đó sẽ gieo mầm, lan truyền rộng, kết nối tinh thần yêu nước của đồng bào ta cả trong và ngoài nước. Trong tình hình hoạt động cách mạng bí mật, kinh phí quá ngặt nghèo nhưng Báo Thanh niên xuất bản đều kỳ, quả là những nỗ lực phi thường của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Lúc đầu được in 1 tuần 1 kỳ, với số lượng trên 100 bản. Về sau, do gặp nhiều khó khăn nên từ 3 đến 5 tuần 1 kỳ. Tháng 4/1927, tình hình cách mạng Trung Quốc có nhiều biến chuyển bất lợi, những hoạt động cách mạng của Việt Nam trên đất Trung Quốc phải chuyển vào bí mật. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời khỏi Quảng Châu đến Vũ Hán rồi trở lại Liên Xô. Khi ấy báo Thanh niên mới xuất bản được 88 số. Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chuyển đến Hồng Kông, tiếp tục cho xuất bản báo Thanh Niên đến số 202 ra ngày 14/2/1930 thì dừng lại. Đây cũng là thời điểm Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang chỉ đạo công việc vô cùng trọng đại thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập ra báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Với uy tín và sự lãnh đạo sáng suốt, cách thức phát hành sáng tạo, tài tình, Báo Thanh niên được bí mật chuyển về Việt Nam bằng đường tàu thuỷ, được lưu hành, tuyên truyền trong các Chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc… Nhiều người chẳng những tự mình đọc báo Thanh Niên mà còn chép đi chép lại nhiều lần để chuyền tay cho người khác đọc. Điều đó cho thấy tính hấp dẫn về cách thức tuyền truyền tình cảm cách mạng, tình cảm yêu nước của báo Thanh Niên thời đó.

Sau 5 năm xuất bản trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang đối với cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, Báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925 cùng với việc xuất bản cuốn sách “Đường Kách mệnh” ngày 21/4/1927 của Nguyễn Ái Quốc đã góp phần to lớn trong tuyên truyền lý luận và thực tiễn cách mạng, tổ chức, hướng dẫn phong trào yêu nước đối với các chiến sỹ cách mạng và đồng bào trong nước. Kết quả đó đã đào tạo bồi dưỡng nên những cán bộ yêu nước tiên phong, làm hạt nhân thành lập 3 tổ chức cộng sản trong nước vào nửa cuối năm 1929, đầu năm 1930, đó là Đông dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Và tất cả những tiền đề ấy đã góp phần quyết định việc sáp nhập các tổ chức cộng sản ở trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc.

Sự kiện quan trọng đó càng khẳng định trong hành trình tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã bắt đầu từ việc sáng lập tờ báo Thanh niên vào năm 1925, khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam, thể hiện quan điểm đặc biệt coi trọng báo chí với tư cách là vũ khí sắc bén tuyên truyền cách mạng. Quan điểm này của Bác đã xuyên suốt trong hành trình đi tìm đường cứu nước giành độc lập nước nhà đến lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

2. Cùng với khai sinh báo Thanh niên, xuất bản cuốn sách “Đường Kách mệnh”, trong cuộc đời hoạt động cách mạng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sáng lập ra nhiều tờ báo như: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Việt Nam Hồn (1923), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên (1925), Công Nông (1925), Công Nông (1926), Lính Cách mệnh (1927), Thân Ái (1928), Tạp chí Đỏ, Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiêng nói chúng ta (1930),Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942). Bác còn chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7/9/1945; thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15/9/1945; báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân) ngày 11/3/1951… Xuyên suốt hành trình ấy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người khai sinh, người thầy của báo chí Cách mạng Việt Nam thể hiện ở một số vấn đề chính sau đây:

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng. 

Bác là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Ngay từ năm 1919, khi còn là một thanh niên mới 29 tuổi hoạt động ở Pháp, Bác đã gửi đến các nước tham chiến họp Hội nghị tại Versailles (Pháp) bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản, tối thiểu cho nhân dân Việt Nam và xứ Đông Dương. Người đăng yêu sách bằng tiếng Pháp trên báo Pháp, lại còn viết lại bản Yêu sách bằng bằng chữ Quốc ngữ và một bản chữ Hán bí mật gửi về cho đồng bào mình ở Việt Nam. Tất cả những việc làm đó đều với mục đích tuyên truyền tinh thần yêu nước đến nhân dân của mình. Ngay cả khi tham gia sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) – Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa ở Paris (Pháp năm 1922) đồng thời là chủ nhiệm kiêm chủ bút, tổ chức in, kiêm cả việc bán báo hết sức khó khăn, nhưng Người đã làm hết sức mình. Trong thư gửi lại Ban biên tập khi sang Liên Xô dự Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ V, Người khẳng định mục đích của tờ báo: “Công việc chung của chúng ta “Hội Liên hiệp thuộc địa” và tờ báo Người cùng khổ đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính biết rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa… Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp… Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn”. Sau này khi xuất bản cuốn sách Đường Kách mệnh vào năm 1927, Người nói rõ mục đich của sách này bằng câu văn rất ngắn gọn: “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm Kách mệnh”. Ngay cả khi về nước hoạt động bí mật trong sự bủa vây của thực dân Pháp, để tuyên tuyền, tổ chức quần chúng yêu nước, năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tờ báo Việt Nam Độc lập. Tên tờ báo như một lời hiệu triệu vậy. Ngày 01/8/1941, số báo đầu tiên của Việt Nam Độc lập, cơ quan tuyên truyền của mặt trận Việt Minh đã được ra đời tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó. Lán Khuổi Nặm là một lán nhỏ, đơn sơ được dựng ngay bên khe suối Khuổi Nặm, do đoàn thể cứu quốc Pác Bó dựng để Bác ở và làm việc Từ đó mỗi tháng báo ra 3 kỳ, mỗi kỳ phát hành trên 400 số, khổ 18 x 30 cm, 2 trang. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của tờ báo từ khi khai sinh đến tháng 8/1942, báo đã ra được hơn 30 số. Khi Người đi công tác nước ngoài, đồng chí Phạm Văn Đồng được Người giao phụ trách. Trước khi đi nước ngoài, Người để lại rất nhiều bài ở nhà để đăng dần. Lúc đó, quần chúng chỉ biết quý trọng tờ báo vì đã thiết thực giúp cho cuộc sống và đấu tranh của họ, giải đáp những vấn đề đang cần nên rất nhiều người học thuộc những bài mà họ thích. Sau này họ mới biết những bài đó là của Bác Hồ – Ông Ké viết, quần chúng nhân dân vô cùng sung sướng càng yêu quý tờ báo hơn.

Nguyễn Ái Quốc và báo Người cùng khổ. Ảnh: Tư liệu

Như vậy trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hoạt động ở nước ngoài hay ở trong nước, dù công khai hay bí mật, dù kinh tế làm báo, in sách ngặt nghèo, dù phương tiện, công cụ hiện đại hay thô sơ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn chỉ đạo xuất bản các tờ báo để với mục đích duy nhất làm vũ khí sắc bén tuyên truyền cách mạng. Thậm chí để thật khẩn trương, làm nhanh theo yêu cầu, Người phải thường trực tiếp làm chủ nhiệm, chủ bút và thường xuyên viết bài, định hướng xuất bản tờ báo. Điều đó càng cho thấy tư tưởng chỉ đạo của Bác là luôn coi báo chí là vũ khí đấu tranh sắc bén. Sau này, trong điện chúc mừng Hội Nhà báo Á – Phi năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm rằng: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo trở thành tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”.

Hai là, là một nhà báo cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy các nhà báo Việt Nam định hướng chính trị về công tác làm báo: “Viết cái gì, viết cho ai và viết như thế nào?”

Tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17/8/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về cách viết báo vừa giản dị, vừa sâu sắc: “Vì ai mà viết? Mục đích viết để làm gì? Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết cho đại đa số công nông binh. Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng. Thế thì viết cái gì?… Cách viết như thế nào?”. Từ đó Người trả lời rất cụ thể từng vấn đề đặt ra đối với người viết báo nhằm khẳng định lập trường, thế giới quan, tính mục đích, tính nội dung và phương pháp thực hiện một bài báo làm thế nào cho đúng và hay nhất. Tại Đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ 2 năm 1959, Người tiếp tục khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của nhà báo trong việc lựa chọn nội dung thiết thực, nhằm nâng cao tính mục đích cao cả, tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Người nói: “Về nội dung viết mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả các bài Bác viết thì chỉ có một “đề tài” là chống thực dân để quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyên độc lâp dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”. Thật sự cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là hiện thân của một nhà báo không ngừng nghỉ sử dụng ngòi bút để đấu tranh với chủ nghĩa thực dân, đế quốc để giành độc lập tự do cho đất nước.  Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ khi đọc những bài báo trả lời phóng vấn báo chí của Bác đã khẳng định: “ Đọc lại nội dung tất cả những bài trả lời phỏng vấn báo chí của Bác, ta có thể cảm nhận rất rõ ý nguyện xuyên suốt của Người khẳng định ý chí mạnh mẽ, quyết tâm sắt đá của dân tộc ta giành lại độc lập, thống nhất cho nước nhà, quyền tự do cho nhân dân, giải thích rõ đường lối, chính sách, lập trường chính nghĩa của Việt Nam, huy động dư luận thế giới ủng hộ, giúp đỡ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta, bác lại luận điệu sai trái đấu tranh với đối phương trên mặt trận dư luân và khi cần thiết thì chuyển tải những tín hiệu, những thông điệp cần thiết để phục vụ cho mặt trận đấu tranh ngoại giao”[1]. Thực hiện lời dạy của Người và noi gương Người, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đội ngũ nhà báo Cách mạng Việt Nam đã dấn thân vừa tham gia trực tiếp chiến đấu, vừa dùng ngòi bút viết nên những tác phẩm báo chí giàu máu lửa động viên, khích lệ bộ đội và nhân dân hăng hái lập công. Nhiều nhà báo đã anh dũng ngã xuống hi sinh trên chiến trường mà bản thảo còn thấm máu, tiểu biểu như Nam Cao, Trần Đăng, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Trần Kim Xuyến, Thâm Tâm, Hồng Nguyên, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… Ngày nay cũng vây, sự trưởng thành của đội ngũ các thế hệ nhà báo Việt Nam, của hệ thống báo chí Cách mạng Việt Nam chính là nhờ học tập và làm theo lời dạy về báo chí của Bác Hồ.

Ba là, viết báo phải luôn luôn viết sự thật, bài báo phải phù hợp với từng đối tượng bạn đọc trong từng hoàn cảnh, thời gian cụ thể nhưng cần phải phấn đấu viết hay, xuất sắc trong hoàn cảnh mới, bạn đọc mới và phải tôn trọng, chú ý cách dùng tiếng Việt khiến ai đọc cũng hiểu trong các bài báo.

Nghiên cứu phong cách làm báo của Bác Hồ, có thể thấy một nguyên tắc bất di bất dịch là viết đúng sự thật, nội dung phù hợp với trình độ của đối tượng bạn đọc qua từng thời kỳ. Bác nêu gương muốn thế phải viết ngắn gọn, súc tích, sử dụng vốn từ ngữ của dân tộc khiến ai cũng hiểu được.

Trong lời căn dặn các cán bộ Bộ Tuyên truyền năm 1946, lúc vận nước như ngàn cân treo sợ tóc, Chủ tich Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên quan điểm làm báo chính nghĩa khi dạy rằng: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thật. Có nói sự thật thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước tuyền truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thật”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Việt Nam độc lập tại Thái Nguyên, tháng 01/1964. Ảnh: tư liệu

Còn một điều đặc biệt nữa, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng tổ chức ở Việt Bắc năm 1949, Người dạy những bài học rất giản dị, cụ thể khiến các nhà báo tâm đắc học và theo Bác: “Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”. Trong thời kỳ chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, khi dạy cán bộ viết cho tờ báo Việt Nam Độc lập năm 1941, Bác khuyên các cán bộ sau khi hoàn thành một bài báo phải rất nên đọc trước cho quần chúng nghe, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu bà con hiểu được nội dung bài báo, thấy có ích cho mình thì đấy là bài báo hay, cán bộ học được người dân để làm báo tốt hơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể những ngày cùng Bác Hồ làm báo Việt Nam Độc lập năm 1941 – 1942, được Bác dạy làm báo, Đại tướng được Bác phân công viết một số bài. Yêu cầu của Bác là nội dung súc tích, thiết thực, hình thức ngắn gọn, ai đọc cũng hiểu. Quả thật là rất khắt khe khiến ông thổ lộ: “Chưa bao giờ tôi thấy viết báo khó như thời gian làm báo Việt Lập (Việt Nam độc lập)”.

Dạy viết ngắn, viết đơn giản, nhưng khi trình độ dân trí phát triển, trong một hoàn cảnh mới thì Bác Hồ lại dạy các nhà báo là phải viết hay, viết hấp dẫn. Đó thực là là quan điểm làm báo vừa logic, vừa hiện đại của Bác. Có lần Người tâm sự với Đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ II, năm 1959 “Khi đi qua Liên Xô (1923), đồng chí L. phóng viên tờ báo Tiếng Còi bảo mình viết bài và dặn phải viết sự thật, việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào… Cách đây mấy năm mình trở lại Liên Xô, đồng chí L. lại bảo mình viết. Nhưng L. lại bảo chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chí muốn biết những sự thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc”. Từ kinh nghiệm làm báo của mình, Người đưa ra quan điểm làm báo hiện đại “phải viết văn chương” có sức thuyết phục lớn đối với mỗi người làm báo Việt Nam.

Bốn là, Bác dạy người làm báo phải có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ văn hóa cao và nghiệp vụ giỏi, có ngoại ngữ để có thể tác nghiệp bắt cứ đâu trên thế giới. 

Quan điểm trên của Người được thể hiên qua bài phát biểu tại Đại hội nhà báo Việt Nam năm 1959. Người khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hòa bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc… Gần đây sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương, các đồng chí thấy rõ công việc báo chí là rất quan trọng và đã thấy được những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Như thế là tiến bộ”.

Bản chất của báo chí là đưa tin đúng sự thật. Muốn vậy, người làm báo phải rèn luyện cho minh lập trường tư tưởng có tính Đảng, có tinh thần phụng sự Tổ quốc, vì quyền lợi đất nước. Người luôn dạy những người làm báo cách mạng là rèn chất thép, là những chiến sỹ trên mặt trận văn nghệ, báo chí “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Bác dạy các văn nghệ sỹ trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, cũng là căn dặn những người làm báo luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân trước hết là công nông binh. Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa, vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá văn hóa; vừa là đội quân tiên phong trong công tác tư tưởng. Người từng nhấn mạnh đạo đức và tư cách chiến sỹ của nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Bác đòi hỏi các nhà báo phải có đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; biết đấu tranh và dám đấu tranh ủng hộ cái tốt, xóa bỏ cái xấu: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

Với tư cách là một nhà báo cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là tấm gương sáng của người chiến sĩ tiên phong, dấn thân trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng nước ta.

Hơn 50 năm làm báo, từ những bài viết đầu tiên trên các tờ báo của nước Pháp 1919 – 1922 đến bài báo cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard M. Nicxon” viết ngày 25/8/1969, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã từng viết khoảng 2.000 bài báo bằng các thứ tiếng khác nhau (Pháp, Anh, Nga. Hoa, Việt…) và trên 100 bút danh. Cuộc đời làm báo của Bác thể hiện chiểu sâu của trí tuệ, bề dày về văn hóa, sự lão luyện về nghề nghiệp. Cùng với việc sáng lập nên các tờ báo phục vụ cách mạng và bằng thực tiễn sôi động, phong phú của hoạt động báo chí đầy gian khổ và vinh quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển một hệ thống các quan điểm toàn diện, sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về báo chí, tuyên truyền, đã và đang soi đường cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam.■

Nguyễn Hồng

 

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo, nxb Chính trị Quốc gia sự thật, H. 2015

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN