Mời quý độc giả cùng ngược dòng thời gian, quay trở về với thành phố Hải Phòng vào đầu thế kỷ XX qua bài viết đăng trên Trung lập báo số 516, ngày 6/10/1925. Vào giai đoạn này, Hải Phòng đang thay đổi nhanh chóng, từ một làng chài nhỏ ven biển trở thành một thành phố cảng sầm uất với rất nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa được mở mang và nhiều công trình kiến trúc to đẹp vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. Các ảnh trong bài là của Pierre Dieulefils (1862 – 1937), đã được đăng trong bài báo gốc.
*
Hải cảng Hải Phòng 50 năm về trước chỉ là một làng nho nhỏ, chừng vài ba mươi nóc gia, mà dân sự toàn là các người chuyên kiếm ăn về nghề chài lưới. Bấy giờ, ở nơi đó, ngày đêm duy chỉ nghe thấy tiếng gió thổi sóng đánh nước thủy trào lên xuống, ngoài ra không còn có chi lạ nữa.
Thế mà mới trên dưới 40 năm nay, nơi góc biển quạnh hiu đó đã biến thành một thành phố sầm uất vui vẻ, so với Hanoi, Saigon tuy kém bề rộng, song vẻ đẹp thì không kém mấy.
Tỉnh Hải Phòng ở Bắc Kỳ cũng như tỉnh Chợ Lớn ở Nam Kỳ, bao nhiêu các hãng buôn bán lớn, bao nhiêu các nhà kỹ nghệ to, đều là của người khách trú, còn ta thì chỉ thấy lác đác những hiệu cỏn con mà thôi.
Nói cho phải ra, tỉnh đó chỉ có các nhà khách sạn tửu quán là phát đạt hưng thịnh mà thôi, vì đó chỉ là nơi để cho khách quá giang vượt dương ở đậu tạm đỡ. Mỗi khi có tàu tới hay tàu đi, nào kẻ ngược người xuôi, nào thân bằng cố hữu, nào người tấp nập tới, hoặc đón chào, hoặc tiễn chân.
Bây giờ lấy cái địa vị khách quan mà so tỉnh Hải Phòng với tỉnh Hà Nội thì ta thấy ngay rằng: tỉnh Hà Nội tuy có đẹp hơn Hải Phòng, song đẹp không đều, thỉnh thoảng mới có phố đẹp, chớ tỉnh Hải Phòng thì phần nhiều phố, phố nào cũng như phố nào, nhà cửa làm theo kiểu mới đẹp lắm mà đường xá thì rộng rãi, cái thế bành trướng sau nầy không biết bờ bến đâu mà hạn lượng.
Vậy bổn báo xin in theo đây vài cái hình của ít nhiều dinh thự công tư để chư độc giả coi.
Ảnh in đây là sở dây thép. Năm năm về trước, nhà dây thép Hải Phòng không những chật hẹp không đủ nơi cho người làm ngồi làm việc, mà công chúng tới cũng không có chỗ đứng, cho nên nhà nước mới làm lại, cất làm hai tầng và làm rộng thêm. Coi bề to lớn thì không bằng nhà dây thép chánh ở Hà Nội, song coi bề ngoài thì có vẻ xinh xắn hơn, và cũng phong quang lắm. Nhứt là những ngày có tàu biển tới hay là tàu biển chạy, thì ở đó, từ sáng đến tối không lúc nào thấy ngớt người, mà khi cần đánh cái điện tín hay là gửi cái cẩn thư (thư bảo đảm – lettre recommandée) thì phải đợi hằng mấy giờ đồng hồ, xem thế đủ biết rằng nhà dây thép công việc mỗi ngày mỗi nhiều, nay làm cho to rộng như thế thiệt là tiện lợi vô cùng.
Nhà hát tây (théâtre municipal) này cũng mới làm, ở ngay một miếng đất rất rộng rãi, mà trước cửa nhà hát thì có một cái nhà bát giác, mỗi tuần lễ một đôi lần nhạc binh tới thổi kèn cho dân Tây-Nam[1] trong thành phố tới nghe. Ở Hải Phòng không nhiều tây bằng ở Hà Nội cho nên nhà hát làm cũng nhỏ nhiều, song coi bề ngoài thì cũng xinh tốt đẹp đẽ vô cùng. Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa đông thì lại có một gánh hát ở bên tây sang diễn kịch, thì ở đó lại vui vẻ lắm, vì người tới coi hát không cứ là người tây, người nam tới coi hát cũng đông lắm.
Các dinh thự lâu đài ở Hải Phòng tuy cũng đẹp đẽ trang nghiêm lắm, song không to lớn đồ sộ bằng ở Hà Nội; thế mà nhà Thực nghiệp Trung Huê ngân hàng (Banque Industrielle de chine) ở Hải Phòng lại to đẹp hơn nhà ngân hàng Thực nghiệp Trung Huê ở Hà Nội nhiều lắm. Nhà ngân hàng đó ở Hà Nội cũng ở phố Paul Bert, mà ở ngay góc đường, mới thoạt nhìn thì không có vẻ chi to lớn đẹp đẽ, chỉ như một nhà buôn thường thường thôi. Chớ như nhà ngân hàng đó ở Hải Phòng thì to lớn lắm. Các ngài coi trong ảnh đây cũng rõ, mới coi tưởng là một dinh thực công chi đấy. Từ khi ngân hàng đó lại bắt đầu mở cửa đến giờ, dân trong thành phố tới lui, hoặc đổi tiền, hoặc gửi tiền tấp nập đông đúc vô cùng.
Đây là ảnh một phố to lớn nhất ở Hải Phòng, kêu là phố Paul Bert[2], cũng như phố rộng nhất, đẹp nhất, lắm hãng buôn to nhất. Trong cái ảnh đây có hai tòa nhà rất to lớn. Coi trong ảnh thì thế, chớ đi gần mà coi thì mới biết rằng trang nghiêm to lớn vô cùng. Cái tòa nhà ở đầu là một nhà khách sạn rất sang, những khách lịch sự giàu có mỗi khi qua Hải Phòng là đều nghỉ tại đó. Còn cái nhà vuông có treo lá cờ ở trên mái về phía trước là một nhà buôn lớn, đủ các mặt hàng thượng vàng hạ cám, không thiếu một thức chi.
Ấy bổn báo đã chưng qua đó mấy cái ảnh của mấy cái dinh thự mới làm, to lớn là thế, đẹp đẽ là thế, tưởng coi trong ảnh cũng có thể hình dung được cái vẻ đẹp của tỉnh Hải Phòng là thế nào rồi. Một thành phố, trước chỉ là một cái làng nhỏ ở theo bờ biển, ngày ngày chỉ thấy dân sự thả thuyền để đánh cá, mà nay được như thế này, thiệt là cái công nước Đại Pháp mở mang ở bên ta cũng là to lắm.
Thành phố Hải Phòng trong khoảng vài mươi năm nữa chắc rằng sẽ to lớn đẹp đẽ hơn bây giờ nhiều, vì ở đó, các xưởng kỹ nghệ ngày một thấy mở mang nhiều, mà các hàng buôn bán nay cũng đã thấy lác đác đang mở. Trông quang cảnh thành phố đó ngày nay với vài mươi năm về trước khác nhau thế nào, thiệt cũng có chút mừng thầm dạ cho giang sơn cẩm tú nước nhà vậy.■
Chú thích:
[1] Ý tác giả có lẽ chỉ người Tây và người Việt Nam, BTV
[2] nay là phố Điện Biên Phủ, BTV