Nén hương tiễn biệt một nhà báo Cách mạng

Được tin nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh từ biệt người thân, anh em bè bạn ra đi vào một ngày tháng 4 giữa Sài Gòn, tất cả chúng tôi đều bất ngờ và thương nhớ.

Nhà báo Trần Mai Hạnh đã kinh qua một sự nghiệp thăng trầm. Ông từng là Uỷ viên Trung Ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi bỏ lại mọi chức danh để chỉ còn là cây bút, ông tâm sự di sản thực sự cuối cùng của mình là những trang viết. Ông viết về ký ức chiến tranh, về thời mình đã sống, về những tâm tư dành cho quê hương đất nước, người thân. Sau tất cả những biến cố trong sự nghiệp và sức khoẻ, nhà báo Trần Mai Hạnh càng thấm thía giá trị của sách vở. Ông dồn hết tâm sức cho những cuốn sách và thật tự hào, tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã giành được giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Ảnh: báo Tổ quốc

Những năm tháng cuối cùng trong sự nghiệp của mình, nhà báo Trần Mai Hạnh công tác tại Tạp chí Phương Đông với chức danh Phó Tổng biên tập. Chính vì thế, giữa ông và chúng tôi có những kỷ niệm gắn bó không quên.

Vào những ngày đầu thành lập Tạp chí, Tổng biên tập Nguyễn Văn Hưởng đã mời nhà báo Trần Mai Hạnh tham gia với tư cách Phó Tổng biên tập. Biết ông tuổi đã cao nhưng trân trọng khả năng chuyên môn cũng như vì tình cảm quý mến bạn bè giữa hai người, Tướng Hưởng ngỏ lời và nhà báo Trần Mai Hạnh đã đồng ý làm báo với đội ngũ Phương Đông. Ông đã đóng góp xây dựng Tạp chí và cùng chúng tôi xuất bản những cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam nhìn từ bên kia chiến tuyến. Ông đã không chỉ chia sẻ kinh nghiệm báo chí dày dặn với lớp trẻ, mà còn cởi mở tâm sự những câu chuyện xung quanh sự nghiệp nhiều vinh quang cũng như sóng gió của mình.

Vì thế, cán bộ Tạp chí Phương Đông nhớ mãi hình ảnh nhà báo Trần Mai Hạnh như một người chú, người anh trong gia đình hơn là người lãnh đạo. Ông sống giản dị, đạm bạc, thường mặc chiếc áo khoác nhiều túi như thời còn làm phóng viên. Mỗi buổi trưa, ông vẫn ăn cơm căng tin với đồng nghiệp trẻ. Những buổi nghỉ giữa giờ làm, cả cơ quan ăn bánh rán và nghe ông kể nhiều tình tiết lý thú trong cuộc đời phiêu lưu của một phóng viên chiến trường nổi tiếng, từng có mặt ở Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử 30 tháng 4 năm 1975.

Cán bộ Tạp chí Phương Đông sẽ nhớ mãi hình ảnh của ông với mái tóc xù, một mình ngồi gõ bài viết trên chiếc máy tính mà cơ quan đã gửi tặng như món quà tri ân. Đã từng đi qua những quãng đời đầy khó khăn, chúng tôi hiểu ông còn có nhiều tâm tư. Nhưng trên hết, với ý chí của một nhà báo chiến trường và một nhà lãnh đạo cao cấp, ông bình tĩnh sống và viết bằng tất cả trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của một người Cách mạng. Bỏ lại sau lưng những đàm luận, ông luôn giữ liêm chính và điềm tĩnh của riêng mình.

Qua làm việc ở Phương Đông, chúng tôi nhận thấy giữa Tổng biên tập Nguyễn Văn Hưởng và nhà báo Trần Mai Hạnh có một tình bạn thân thiết dựa trên sự thấu hiểu, thông cảm và đồng cảm sâu sắc, trên tinh thần luôn nghĩ về đất nước, dân tộc, cống hiến hết mình chỉ vì lợi ích chung. Nhà báo Trần Mai Hạnh làm Tạp chí với chúng tôi với tinh thần ấy, làm sao có một sản phẩm báo chí thật sự khách quan, đúng với tinh thần báo chí Cách mạng, không sử dụng báo chí cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài cung cấp thông tin và bình luận giá trị tới người đọc, giúp bạn đọc hiểu đúng tình hình thế giới và Việt Nam.

Những trắc trở trong cuộc sống không làm Tổng biên tập Nguyễn Văn Hưởng và nhà báo Trần Mai Hạnh mất đi sự tôn trọng dành cho nhau. Tướng Hưởng đã dành cho nhà báo Trần Mai Hạnh mọi sự giúp đỡ và là điểm tựa chính trị để ông yên tâm chuyên chú cho sự nghiệp viết lách những năm cuối đời của mình, và đã ra mắt thành công những cuốn sách cuối cùng “Thời tôi sống”, “Viết và Đối thoại” trong thời gian công tác tại Phương Đông. Tâm sự của nhà báo Trần Mai Hạnh về cuộc đời, gia đình, cũng như sự chịu đựng đầy nhẫn nại của ông trong gian khó làm Tổng biên tập và đội ngũ Phương Đông cảm mến, yêu thương. Ông đã truyền cảm hứng cho tập thể Phương Đông bằng nhân cách nhẹ nhàng, coi nhẹ vinh hoa phú quý, hướng tới để lại di sản bằng tri thức sách vở. Đó cũng chính là tâm nguyện của Tổng biên tập Nguyễn Văn Hưởng khi bắt tay thực hiện Tạp chí và Thư viện.

Khi thấy công việc làm báo tại tạp chí vất vả, không đảm bảo sức khoẻ cho nhà báo Trần Mai Hạnh, chúng tôi đã để ông làm việc tại nhà với rất nhiều tiếc nuối. Những dịp kỷ niệm và gặp gỡ, Tướng Hưởng vẫn mời và chúng tôi vẫn thấy sự có mặt của nhà báo Trần Mai Hạnh. Chỉ riêng điều đó cũng khiến đội ngũ tạp chí ấm lòng. Sự hiện diện của ông luôn mang tới sự cỗ vũ cho chúng tôi.

Giờ đây, sự hiện diện ấy cũng không còn nữa. Chúng tôi chỉ còn ông qua những bức ảnh chụp chung và những cuốn sách ông tặng lại Thư viện. Mất mát này càng làm chúng tôi nhớ ông. Nhà báo Trần Mai Hạnh nói giá trị thực sự còn mãi là các bài viết và những cuốn sách. Tưởng nhớ ông, chúng tôi tâm niệm giữ cho Tạp chí luôn có những bài viết thật tốt và Thư viện sẽ xuất bản những cuốn sách thật hay. Đó chính là những nén tâm hương linh thiêng nhất chúng tôi thắp để tiễn biệt một người bạn, người anh, người chú thân thiết, nhà báo Cách mạng tài năng: Trần Mai Hạnh.■

Bảo Bình

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN