Thế giới hiện đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học chưa từng có, với mức dân số già tăng kỷ lục được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Theo Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ người từ 15 – 29 tuổi tại khu vực này từng chiếm 18,1% dân số vào năm 2011, nay đã giảm xuống còn 16,3% vào năm 2021. Dự kiến, đến năm 2050, khoảng 30% dân số châu Âu sẽ là những người thuộc “thế hệ cũ”. Những con số ảm đạm về bức tranh dân số già cũng là tình trạng phổ biến ở châu Á, đặc biệt là các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Theo thống kê ở Việt Nam, nước ta cũng đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 (1/4/2011) khi có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên là 10,1% và người từ 65 tuổi trở lên là 7,2%. Chúng ta đều biết, già hoá dân số dẫn đến rất nhiều hậu quả như tạo ra gánh nặng an sinh xã hội, thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ để phát triển quốc gia. Đây là hiện trạng đã xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới. Nhật Bản, châu Âu… liên tục tuyển dụng nguồn lao động nhập cư bởi không có nhân lực làm việc trong một số ngành, nghề.
Có thể nói, già hoá dân số là một hệ quả tất yếu của việc giảm tỉ lệ sinh. Cách đây 50 năm, chỉ có 8 quốc gia có tổng tỷ suất sinh (TFR) dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Song hiện nay, con số này đã lên đến 89/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy một tình trạng báo động lan rộng khắp toàn cầu. Ở Việt Nam, tỉ lệ sinh cũng ngày càng có xu hướng giảm. Tổng tỷ suất sinh năm 2023 của nước ta đã rơi xuống mức 1,95 con/phụ nữ, so với 2,01 con trong năm 2022 và đã nằm dưới kế hoạch mức sinh thay thế là 2,1 con. Trên thực tế, Chính phủ các nước liên tục có những chính sách khuyến sinh như tăng cường hỗ trợ tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế, đảm bảo sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ, trợ cấp giáo dục cho trẻ em… trong thời gian qua, song những biện pháp này dường như vẫn chưa cho thấy những hiệu quả đáng kể trong việc thúc đẩy tỉ lệ sinh ở nhiều quốc gia. Vậy những nguyên nhân gì đã dẫn đến tình trạng này và giải pháp nào cần phải được thực hiện trong tương lai gần để nhanh chóng cải thiện tỉ lệ sinh đang xuống thấp ở mức báo động như hiện nay?
1. Những nguyên nhân dẫn đến giảm tỉ lệ sinh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giảm tỉ lệ sinh. Trước hết, phải kể đến những tác động to lớn từ các thiết bị công nghệ và những thói quen, lối sống tiêu cực, gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ và nam giới trong xã hội hiện đại.
Các nghiên cứu khoa học từ lâu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng thiết bị công nghệ với tần suất lớn tác động trực tiếp đến chất lượng sinh sản ở cả hai giới, và tác động đến cả thể chất lẫn tinh thần của đứa trẻ trong suốt thai kì của người mẹ lẫn giai đoạn sau sinh. Cụ thể, nhiều nghiên cứu tại Hoa Kỳ và châu Âu đã ghi nhận, các thiết bị công nghệ đều sử dụng tia bức xạ cao. Do đó, sau khi tiếp xúc khoảng 4 tiếng đồng hồ với máy tính xách tay, khoảng 25% tinh trùng của nam giới không thể hoạt động được và 9% tinh trùng bị tổn thương ADN. Những ảnh hưởng tương tự đối với buồng trứng của nữ giới cũng đã được ghi nhận sau khi họ tiếp xúc với máy tính, điện thoại… trong suốt một khoảng thời gian dài. Đặc biệt, lớp vỏ bảo vệ bao quanh các tế bào thần kinh não của thai nhi có thể bị thoái hóa nếu người mẹ thường xuyên tiếp xúc với sóng điện thoại. WHO cũng cho biết, những nghiên cứu về phơi nhiễm từ trường ELF đã cho thấy hiện tượng này có liên quan đến nguy cơ sảy thai và bệnh ung thư.
Ngày nay, thói quen ăn uống không lành mạnh như thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn chứa các loại chất béo bão hoà và chất bảo quản, ăn nhiều thịt đỏ, sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích… cũng khiến cho lượng cholesterol xấu tăng lên trong máu, gây ảnh hưởng tới chất lượng trứng, làm suy giảm số lượng tinh trùng và giảm khả năng thụ tinh ở nam và nữ. Lối sinh hoạt thất thường, thức khuya dậy muộn, áp lực công việc, áp lực cuộc sống… cũng gây ra các vấn đề về rối loạn chức năng sinh lý, dẫn đến giảm chất lượng sinh sản.
Bên cạnh đó, nỗi lo về chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi con ngày càng đắt đỏ, gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo… cũng là những nguyên nhân lớn khiến cho nam nữ trong độ tuổi sinh sản có xu hướng né tránh kết hôn, kết hôn muộn hoặc lựa chọn không sinh con.
Đặc biệt, khi cuộc sống ngày càng phát triển, quá trình hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ, những tư tưởng và lối sống phương Tây cũng du nhập và ảnh hưởng lớn tới người trẻ Việt Nam. Các tư tưởng nữ quyền, dân chủ… một mặt góp phần giải phóng người phụ nữ, giúp họ có được cơ hội tìm kiếm công việc, phát triển sự nghiệp và được hưởng những quyền lợi xã hội ngang bằng với nam giới; song mặt khác cũng dễ bị biến tướng và tạo ra những tác động cực đoan, khiến nhiều người từ chối các trách nhiệm cộng đồng, kéo dài thời gian hưởng thụ cá nhân. Trong khi đó, bất bình đẳng giới và định kiến giới vẫn còn tồn tại cũng khiến người phụ nữ trở nên hoang mang, dần xa rời truyền thống, kể cả những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Hệ quả từ sự kết hợp hai yếu tố trên chính là việc hình thành những quan điểm, lối sống, trào lưu mới ở phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những bạn nữ trẻ, như không lấy chồng, lập gia đình muộn hoặc lựa chọn không sinh con để không làm ảnh hưởng tới vóc dáng, thể trạng, sức khoẻ, tâm lý, cơ hội thăng tiến trong công việc…
Hiện nay, nhiều phụ nữ và các cặp vợ chồng đã lựa chọn những dịch vụ y tế như trữ đông trứng, mang thai hộ… song đây đều là những dịch vụ hiện đại, chỉ thực hiện được ở một số cơ sở y tế có chuyên môn cao, chi phí đắt đỏ và tiềm tàng nhiều rủi ro, tỉ lệ thành công cũng chưa được khẳng định chắc chắn. Không những thế, một số dịch vụ vẫn còn gây nhiều tranh cãi về mặt pháp lý và đạo đức.
Ngoài ra, cũng cần nhắc đến sự phát triển các xu hướng tính dục khác biệt như một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm tỉ lệ sinh. Đây được xem là một hiện tượng phổ biến tại châu Âu, Mỹ, một số nước và vùng thổ tại châu Á như Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản… Tại Anh, số người thuộc cộng đồng LGBT+ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới…) đã tăng hơn 50% chỉ trong vòng 5 năm (2017 – 2022). Báo cáo của tổ chức iSEE và VESS cho biết, vào năm 2022, số người LGBT tại Việt Nam đã chiếm khoảng 9 – 11% dân số. Những con số này đều cho thấy, cộng đồng LGBT+ đang ngày càng lớn mạnh và cũng đang dần tìm được chỗ đứng cho mình trong xã hội.
Do đó, nhiều quốc gia cũng đã công nhận người đồng tính và đảm bảo một số quyền lợi của họ bằng pháp luật. Tính đến năm 2024, hôn nhân cùng giới đã được hợp pháp hóa ở 36 quốc gia, với tổng dân số hơn 1.4 tỷ người (17% dân số thế giới). Điều này một mặt thể hiện tính nhân văn và tinh thần dân chủ của các quốc gia, song mặt khác, nó cũng làm dấy lên những lo ngại về mối liên hệ với tình trạng giảm tỉ lệ sinh trên toàn thế giới. Không những thế, LGBT+ còn có xu hướng trở thành một trào lưu được cổ xuý vì mục đích thương mại, tạo ra một “ngành công nghiệp chuyển giới” thu về hàng tỉ đô la cho nhiều cá nhân, tập đoàn tư bản. Giới tài phiệt hiện nay đã và đang thúc đẩy các nghiên cứu khoa học, dịch vụ y tế liên quan đến chuyển đổi giới tính như phát triển liệu pháp horemone, phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục… Đi kèm với đó là những diễn ngôn truyền thông góp phần quảng bá, thúc đẩy chuyển giới núp dưới danh nghĩa nhân quyền, nhưng lại nhằm mục đích chuộc lợi. Về lâu dài, các hoạt động này gây ảnh hưởng tiêu cực đến cách nhìn nhận, lối sống, quan điểm về giới và hôn nhân của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Tất cả những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Vậy vấn đề này cần được giải quyết thông qua các biện pháp khắc phục như thế nào?
2. Những biện pháp làm tăng tỉ lệ sinh
Trước hết, xã hội có thể công nhận những người thuộc nhóm thiểu số ở cộng đồng LGBT+, song cũng không nên cổ xuý một cách cực đoan, tạo thành một “phong trào” ồ ạt, khiến những người dị tính cũng “a dua” theo và gây mất cân bằng giới tính, làm ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh. Văn hoá phương Tây vốn cởi mở hơn so với Việt Nam trong vấn đề giới tính. Thêm vào đó, nhiều nhà lãnh đạo tại các nước này cũng là người đồng giới, chuyển giới… nên các quan điểm của họ đôi khi sẽ có phần thiên lệch và trao nhiều đặc quyền hơn cho những người thuộc cộng đồng này. Tuy nhiên, chính các quốc gia phương Tây hiện cũng đang phải “đau đầu” với bài toán dân số và tìm mọi biện pháp khuyến sinh nhằm cải thiện tình trạng dân số già ở nước mình.
Tại Việt Nam, dự luật về chuyển đổi giới tính đã được đệ trình lên Quốc hội từ năm 2016, hiện đã và đang được cân nhắc xem xét, bổ sung, dự kiến thông qua vào năm 2025 và có hiệu lực từ năm 2026. Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 cũng đã chính thức xoá bỏ các hình thức cấm, phạt đối với những người kết hôn đồng giới mà chỉ “không thừa nhận” hình thức hôn nhân này. Sắp tới, nếu có những thay đổi pháp lý trong vấn đề hôn nhân nhân LGBT+, chúng ta cũng cần tính toán, cân nhắc và xem xét kĩ lưỡng hơn đến các tác động của nó đối với tỉ lệ sinh ở Việt Nam để đưa ra những quyết sách đúng đắn, hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng đến nguồn nhân lực quốc gia về lâu dài. Trên thực tế, xã hội có thể thừa nhận những người thuộc cộng đồng LGBT+, tuyên truyền để cộng đồng nhận thức đúng, tránh hình thành thái độ kì thị, phân biệt đối xử với họ, đồng thời cho họ được hưởng đầy đủ những quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi đưa vấn đề hôn nhân đồng tính vào hệ thống pháp luật, những người làm công tác quản lý, xây dựng chính sách… cần hết sức cân nhắc, suy xét đến mức độ khả thi, tính chặt chẽ và cả những ảnh hưởng của nó đối với xã hội để đưa ra những quy định phù hợp. Bởi lẽ, điều này có liên quan trực tiếp tới những người sẽ tham gia vào lực lượng lao động và sinh sản, quyết định nguồn nhân lực và thế hệ tương lai của đất nước.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cấp quản lí và những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục là vô cùng quan trọng. Chương trình giáo dục giới tính hiện nay vẫn chưa đem lại hiệu quả thiết thực, do đó cần được tái cấu trúc, gia cố lại với những kiến thức cập nhật, có tính thực tiễn cao hơn, giúp học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên nhận thức đúng các vấn đề về giới và sức khoẻ sinh sản, tránh hình thành cái nhìn lệch lạc, thiếu hiểu biết về xu hướng tính dục. Làm tốt chương trình này, chúng ta sẽ đào tạo được những thế hệ trẻ có quan điểm lành mạnh về giới, biết tự bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ sinh sản của bản thân, sẵn sàng trở thành những công dân khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài ra, việc tăng cường đầu tư, chăm lo cho công tác an sinh xã hội của Nhà nước cũng sẽ góp phần trấn an tâm lý nam nữ thanh niên, giúp họ giảm tải bớt các áp lực sống, áp lực tài chính để kết hôn, xây dựng gia đình và duy trì nòi giống. Trong đó, các chính sách khuyến sinh cần tăng cường hơn nữa những ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em như: kéo dài kì nghỉ thai sản, tăng trợ cấp thai sản, tạo điều kiện cho những gia đình hiếm muộn thực hiện thụ tinh thân tạo (IUI), thụ tinh ống nghiệm (IVF) với chi phí thấp, an toàn và hiệu quả, cung cấp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc trước và sau sinh, cải thiện điều kiện sống, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến của phụ nữ, hỗ trợ các chi phí học tập cho trẻ em… Kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, y học và giáo dục cũng đã và đang có những tiến bộ, đổi mới từng ngày. Do vậy, Nhà nước cần tạo ra nhiều chính sách khuyến sinh hấp dẫn hơn để đảm bảo bà mẹ và trẻ em được hưởng những dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, khiến nam nữ xoá bỏ các rào cản khách quan trong việc kết hôn, sinh con.
Về phía mình, mỗi cá nhân cũng cần ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng trong việc duy trì và bảo vệ nòi giống. Bởi lẽ, không thể phủ nhận rằng, tự do tính dục, tự do yêu đương, kết hôn, lựa chọn sinh con hoặc không sinh con… đều là những quyền cơ bản của con người, cần được công nhận và đảm bảo. Song quyền lợi cũng cần đi liền với nghĩa vụ, nhằm tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, vì mục tiêu phát triển chung.
Không những thế, phong tục bao đời của người Việt Nam vẫn là lập gia đình với các thế hệ tiếp nối truyền thống. Nếu ai cũng có suy nghĩ và lối sống ích kỷ, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình dân số và làm suy thoái cả những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Trách nhiệm của mỗi người Việt Nam không chỉ là tuân thủ và thi hành pháp luật, mà còn là kế tục và phát triển những tinh hoa truyền thống. Do đó, người trẻ ngày này cần ý thức được trách nhiệm cao cả ấy để không chỉ thừa hưởng những thành quả cha ông gây dựng nên, mà còn bảo vệ, phát huy cho tới những thế hệ kế tiếp.
Đây cũng là thông điệp gửi tới những người phụ nữ nhân ngày 8 tháng 3. Nước ta vốn có xuất phát điểm là một nước mẫu hệ, tôn thờ thiên chức làm mẹ và đề cao người phụ nữ. Từ ngàn đời nay, dẫu trải qua thăng trầm lịch sử, chiến tranh hay đói nghèo, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn thực hiện sứ mệnh sinh nở thiêng liêng nhằm duy trì nòi giống. Đến lượt mình, thế hệ trẻ cũng cần thấu hiểu, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống này.
Thực tế cũng cho thấy, phụ nữ Việt Nam ngày càng được tạo điều kiện tham gia vào các công tác chính trị, xã hội, có tiếng nói trong các cơ quan, tổ chức Chính phủ, quốc tế. Nhà nước cũng đã và đang hỗ trợ, đảm bảo phụ nữ được hưởng những quyền lợi, ưu tiên về chế độ thai sản. Hơn thế nữa, Việt Nam mặc dù chưa phải là một nước phát triển, song cũng không phải là một nước nghèo. Thể chế, chính sách, công nghệ, y tế, giáo dục… đang từng bước phát triển, tiến bộ và hoàn thiện hơn. Vì vậy, các bạn trẻ hãy mạnh dạn yêu đương, kết hôn và sinh nở, để tạo ra các thế hệ tiếp nối những thành tựu hôm nay của chúng ta, cùng nhau chung sức, tham gia kiến tạo một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng trong tương lai không xa.
Dẫu biết mỗi người có thể sống độc lập và hạnh phúc với chính bản thân mình, song càng già đi, con người sẽ càng thấm thía nỗi cô đơn khi không có người cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Hạnh phúc to lớn của mỗi cá nhân vẫn là được giao tiếp, kết nối với người khác, mà ông bà, cha mẹ, con cái… chính là những mối gắn bó bền chặt, khăng khít nhất. Tình cảm gia đình sự gắn kết giữa các thế hệ đã ăn sâu vào tâm thức người Việt tự bao đời nay, và chắc chắn sẽ còn chảy mãi trong tâm hồn những người Việt sau này.■
Ngọc Phương