Mộc Châu trong mùa xuân của sự phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch

Huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La từ một huyện nghèo đã và đang vươn lên, phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2025 và là một trong những đô thị trọng điểm về du lịch của quốc gia trong những năm tới. Trong năm 2022, Mộc Châu đã nhận được hai phần thưởng danh giá từ quốc tế là danh hiệu “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”. Đây là những ghi nhận cho nỗ lực và mô hình phát triển đúng đắn của huyện trong thời gian qua.

Huyện Mộc Châu nằm ở phía Đông – Nam tỉnh Sơn La, có diện tích hơn một ngàn km² và là nơi cư ngụ của 12 dân tộc anh em, trong đó người Thái chiếm 33%, người Mông 18%, người Kinh 15%, ngoài ra còn có người dân tộc Khơ Mú, Dao, Tày…

Năm 2022, Mộc Châu được vinh danh “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”. Hình ảnh Thung lũng mận Nà Ka ở thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: báo Sơn La

Lịch sử Mộc Châu gắn liền với sự phát triển của đất nước từ những năm tháng chiến tranh và bao cấp. Thảo Nguyên Mộc Châu trong chiến tranh chống Mỹ là khu vực bạt ngàn cỏ tranh, lau lách. Năm 1957, khi lên thăm trung đoàn 280, Sư đoàn 335, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cưỡi ngựa vào Bản Hoa, Ba Lay, từ đây, ông cắm mốc, đánh dấu quy hoạch đất sản xuất cho Trung đoàn 280. Thời kỳ đó, Trung đoàn có gần 1.700 cán bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng cao nguyên Mộc Châu thành vùng giàu về kinh tế, mạnh về chính trị và trở thành “viên ngọc xanh” giữa trời Tây Bắc. Ngày 8/4/1958, Trung đoàn bắt đầu sản xuất và đó cũng là Ngày thành lập Nông trường Mộc Châu.

Hơn một năm sau, vào ngày 8/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ nông trường. Tại đây, Bác Hồ đã ghi tặng bốn câu thơ cho cán bộ, chiến sĩ Nông trường Mộc Châu: “Luôn cố gắng. Khắc phục khó khăn. Tiến lên thật hăng. Làm tròn nhiệm vụ”. Ngày 15/11/1968, thị trấn Nông trường Mộc Châu được thành lập theo Quyết định của Bộ Nội vụ.

Từ một địa bàn nổi tiếng bởi là nơi đặt cơ sở của một nông trường quốc doanh,  Mộc Châu chuyển mình từ thời kỳ bao cấp sang giai đoạn đổi mới với nhiều đơn vị khác nhau hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Mộc Châu; Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ Mộc Châu; Công ty Dâu tằm tơ Mộc Châu; Công ty cổ phần du lịch Công đoàn Mộc Châu. Đặc biệt, Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu là một trong bốn doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi, chế biến sữa lớn nhất Việt Nam.

Tuy vậy, điểm mạnh nhất của Mộc Châu là thiên nhiên tươi đẹp và văn hoá đa dạng thì chỉ một vài năm gần đây mới được khai thác triệt để hơn. Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn, có khí hậu ôn đơn gió mùa khác biệt so với các vùng còn lại của đất nước. Mộc Châu có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với thời tiết ôn hòa, quanh năm hoa trái rất phong phú. Tháng 1, cao nguyên có màu xanh của những đồi chè nảy lộc, hoa đào, hoa mận, hoa mơ, mai anh đào. Từ giữa tháng 5, mận bắt đầu chín rộ. Mùa hồng chín ở Mộc Châu bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Mùa cải trắng ở Mộc Châu bắt đầu vào tháng 11. Tháng 12, hoa dã quỳ vàng rực rỡ ngập tràn khắp cao nguyên.

Phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa các dân tộc rất đa dạng và đặc sắc ở Mộc Châu. Hàng năm, địa phương đều tổ chức các lễ hội truyền thống của người Mông, nét văn hóa người Mường và nếp sống của đồng bào Thái. Ngày Hội văn hóa các dân tộc được tổ chức từ ngày 30/8 đến ngày 02/9, lễ hội Cầu Mưa được tổ chức vào tháng 3, ngày hội hái quả tổ chức vào tháng 5…

Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ cùng văn hoá các dân tộc đặc sắc như vậy, Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc. Tận dụng lợi thế này, huyện Mộc Châu đang rất nỗ lực để phát triển tương xứng với tiềm năng. Ngày 03/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Theo văn bản này, Chính phủ định hướng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ với ba mũi nhọn: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 50.000 lượt; phấn đấu tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Để hiện thực hoá mục tiêu lớn này, Mộc Châu phải kiên trì thực thi các phương hướng chiến lược căn bản và có những định hướng sáng tạo mới.

Thứ nhất, Mộc Châu có thể phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, hơn là chỉ là thu hút du khách tới ngắm cảnh, ăn uống. Đặc biệt, Mộc Châu rất có thế mạnh để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nghĩa là kết hợp thăm quan các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò chế biến sữa; thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu… Tại đây, du khách không chỉ tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp mà còn được tham gia lao động sản xuất để có trải nghiệm thực tế…Mộc Châu cũng rất có thể mạnh về du lịch sinh thái khi du khách tham quan hòa mình vào cảnh quan, môi trường sống gắn liền với phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Mộc Châu cũng có thể đi theo những mô hình du lịch tiên phong hiện đại như du lịch dưỡng bệnh với các suối khoáng nóng, du lịch trị liệu bằng các thảo dược trồng trên cao nguyên, hoặc du lịch thể thao với leo núi, nhảy dù, đua ngựa, du thuyền… Tóm lại, với tiềm năng sâu rộng của mình, đa dạng hoá các sản phẩm và loại hình du lịch là chiến lược hoàn toàn khả thi với Mộc Châu.

Thứ hai, Mộc Châu phải phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng để khai phá hết tiềm năng du lịch. Là huyện vùng cao nên hạ tầng cơ sở của Mộc Châu và Vân Hồ còn nhiều bất cập, thiếu thốn. Toàn huyện Mộc Châu hiện có 295 cơ sở lưu trú đang hoạt động; trong đó có 9 khách sạn từ 1 đến 3 sao, một khách sạn 4 sao, một resort. Nhiều hộ đồng bào dân tộc tận dụng những ngôi nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món ăn địa phương phục vụ khách tham quan. Hiện nay có xu hướng nhiều doanh nhân, nghệ sỹ ở Hà Nội tới Mộc Châu mở homestay rất thành công cũng là tín hiệu mừng, rất đáng ghi nhận nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn cho du khách hiện nay.

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa đa dạng, Mộc Châu là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc.

Thứ ba, Mộc Châu phải kiên trì phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại và hợp tác xã nông nghiệp. Mô hình này đã và đang khẳng định được vị thế trong khai thác và phát huy tiềm năng của Mộc Châu thời gian qua, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch và nâng cao hiệu quả kinh tế địa phương.  Hiện nay, toàn huyện có gần 100 trang trại đạt yêu cầu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê quy định. Đặc biệt, mô hình trang trại nuôi bò sữa mang lại thu nhập rất cao cần được nhân rộng. Hiện nay, toàn huyện Mộc Châu đang có trên 500 hộ chăn nuôi bò sữa với gần mười tám nghìn con bò cái. Doanh thu từ bò sữa mang lại mỗi năm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 15 – 20 con; số lượng hộ nuôi bò sữa đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên là gần 200 hộ. Kinh tế trang trại, gia trại đã góp phần từng bước đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung với quy mô lớn, mở ra hướng làm giàu cho nông dân.

Thứ tư, Mộc Châu có thể tăng cường tổ chức các festival để nhấn mạnh giá trị nông phẩm của các trang trại địa phương, vừa hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, vừa hỗ trợ phát triển du lịch. Trên thực tế, ngày hội tôn vinh sản phẩm sữa của Mộc Châu, ngày hội hái quả với đặc sản mận Mộc Châu… đều thu hút rất nhiều du khách. Sau lễ hội, du khách thường đến với Mộc Châu đông hơn và thường xuyên hơn để tiếp tục thưởng thức sản vật của vùng đất này.

Tóm lại, từ lợi thế sẵn có và thương hiệu đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, huyện Mộc Châu toàn toàn có thể kết hợp các mô hình phát triển nông nghiệp với du lịch để tạo ra sự phát triển tương hỗ, cùng thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, đồng thời nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong vùng. Tin tưởng hướng đi này sẽ tiếp tục giúp Mộc Châu từ một huyện vùng cao trở thành điểm đến du lịch và nông nghiệp tầm cỡ quốc gia và khu vực.■

Bảo Bình

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN