Hình ảnh và tên gọi con rồng trở thành biểu tượng vừa cao đẹp, thiêng liêng, vừa thân thuộc, gần gũi đối với truyền thống, văn hóa, lãnh thổ và ngôn ngữ Việt Nam. Từ xưa đến nay, tên “rồng” (long) đã được trang trọng lấy đặt cho nhiều loại địa danh trên khắp mọi miền đất nước ta.
TỈNH THÀNH RỒNG
Long Đỗ (rốn rồng) là từ để chỉ miền đất Hà Nội xưa. Long Đỗ vốn là tên vị thần bảo hộ cho nhân dân trong vùng an cư lạc nghiệp, được thờ làm thành hoàng. Đến tháng 8 năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời kinh đô từ miền Hoa Lư hẻo lánh về đây, bỗng thấy một con rồng vàng bay thẳng lên, bèn đặt tên kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Trải qua nhiều triều đại, Thăng Long luôn là thủ đô của nước ta. Đến thời Nguyễn, kinh đô dời vào Phú Xuân (Huế) và từ năm 1831, Thăng Long đổi tên thành Hà Nội. Từ năm 1945, Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam nhưng cái tên “Thăng Long” vẫn được sử dụng rộng rãi trên thực tế cũng như đọng sâu trong tâm thức đầy tự hào của mỗi người dân. Năm 2010, chúng ta đã trang trọng kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngày nay, rất nhiều địa danh, tổ chức, công trình… được mang tên và vinh danh Thăng Long.
Nằm ở phía bắc đồng bằng sông Cửu Long rộng thoáng, xanh tươi và trù phú là tỉnh Long An (sự bình yên của rồng) với diện tích gần 4.500 km2 và dân số hơn 1,8 triệu người. Vùng trung tâm đồng bằng này có tỉnh Vĩnh Long (rồng muôn thuở) với diện tích chừng 1.500 km2 và dân số hơn 1,1 triệu người.
Cả nước có 705 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thì có tới hàng chục đơn vị mang tên rồng: quận Long Biên (Hà Nội); thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Long Khánh (Đồng Nai), Long Xuyên (An Giang); thị xã Bình Long và Phước Long (Bình Phước); huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu), Long Hồ (Vĩnh Long)… Dưới cấp huyện có tổng cộng 10.598 xã, phường, thị trấn thì cũng có hàng trăm đơn vị hành chính cơ sở mang tên rồng: phường Ka Long (thuộc thành phố Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh), Long Thạnh (thị xã Tân Châu – An Giang); thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn – Quảng Ninh), Thịnh Long (Hải Hậu – Nam Định), Long Phú (Long Phú – Sóc Trăng); xã Đức Long (Nho Quan – Ninh Bình), Hương Long (Hương Khê – Hà Tĩnh), Long Nguyên (Bàu Bàng – Bình Dương), Long Hậu (Lai Vung – Đồng Tháp), Long Điền (Đông Hải – Bạc Liêu)…
ĐỒI NÚI RỒNG
Khắp lãnh thổ Việt Nam, đồi núi chiếm tới hai phần ba diện tích, trong đó có hàng trăm ngọn, dãy, quần thể… đồi núi mang tên rồng. Từ Bắc vào Nam, ban đầu phải kể đến núi Long Tu (râu rồng) ở vùng Tiên Yên (Quảng Ninh). Núi được gọi như vậy vì nơi đây mọc nhiều cỏ long tu (cỏ râu rồng) – một loài cỏ có sức sống bền bỉ và được dùng làm thuốc quý trong đông y.
Phần lớn đồi núi được đặt tên rồng thường đều do hình dạng của chúng ít nhiều giống hình rồng. Ra Hải Phòng, người ta sẽ đến một nơi nghỉ mát nổi tiếng là Đồ Sơn. Bán đảo rất đẹp này uốn lượn thành 9 gờ nhô vào lòng biển, tựa hình dáng của con rồng chín khúc, nên còn được gọi là Cửu Long Sơn (núi rồng chín khúc).
Trong vùng đồng bằng sông Hồng, lâu đời và giàu ý nghĩa lịch sử nhất là khu đồi núi Long Đọi (gò rồng) ở Duy Tiên (Hà Nam). Mùa Xuân năm 987, lần đầu tiên Vua Lê Đại Hành từ kinh đô Hoa Lư ra đây cày ruộng (cày tịch điền) để động viên và làm gương cho dân chúng. Việc này được Vua Chúa các triều đại kế tiếp duy trì như một hoạt động mở đầu công việc đồng áng hàng năm và khẳng định truyền thống nông nghiệp của dân tộc.
Ninh Bình có nhiều thắng cảnh đẹp, nhất là núi Long Triều (sóng rồng), còn gọi là Mã Yên Sơn, cây cỏ tươi tốt mọc xen, ở chân núi có đền thờ Vua Đinh và Vua Lê. Xuôi vào Thanh Hóa, sẽ gặp chắn ngang là dãy núi Hàm Rồng sừng sững toàn sa thạch, hùng vĩ trên hai bên bờ sông Mã.
Vào đến Hà Tĩnh, sẽ thấy có 2 núi rồng: phía tây bắc thành phố Hà Tĩnh có một khối núi lớn gọi là Long Tường (bức tường rồng), xung quanh có nhiều núi nhỏ như đàn rồng châu lại; còn ở huyện Đức Thọ có hai ngọn núi liền nhau – ngọn trước cao và nhọn như đầu ngựa, ngọn sau thấp và bằng như lưng ngựa có mang địa đồ và thư tịch, nên được đặt tên là núi Long Mã Phụ Đồ. Phía tây Quảng Bình có một đỉnh núi cao xanh biếc, gọi là Thanh Long (rồng xanh). Tại huyện Minh Hóa của tỉnh này có ngọn núi hình ngộ nghĩnh như mũi của con rồng nên được đặt tên là Long Tỵ (mũi rồng). Lũy Trường Dục nổi tiếng do Đào Duy Từ cho xây dọc sông Nhật Lệ có đầu tựa vào núi Phúc Long (rồng ban phúc).
Tới Thừa Thiên-Huế, sẽ thấy ngay dãy núi Kim Long (rồng vàng) vừa đẹp thơ mộng, vừa vững chãi như tường chắn cho kinh thành Huế. Tại chân đèo Hải Vân thuộc huyện Phú Lộc, có mạch núi chạy quanh co giống rồng uốn lượn nên gọi là Núi Rồng.
Vào Quảng Ngãi, ở huyện Bình Sơn có ngọn núi trông giống đầu rồng nên gọi là Long Đẩu. Còn riêng huyện Mộ Đức có 3 núi mang tên rồng: Lạc Long (rồng an lạc), Long Phụng (rồng phượng) và đặc biệt là Long Cốt (xương rồng) – ngọn núi sau sườn dốc để trơ đá trắng như xương. Xuôi tiếp vào Nam, thấy nhiều tỉnh khác cũng có đồi núi mang tên rồng: Hàm Long (Bình Định), Hàm Rồng (Gia Lai), Bửu Long (Đồng Nai), Dương Long (Kiên Giang)…
SÔNG HỒ RỒNG
Nếu tính độ dài từ 10 km trở lên, Việt Nam có 2.360 sông các loại với nhiều dòng sông mang tên rồng. Bao la và hoành tráng nhất là sông Cửu Long (chín con rồng). Đây là phần cuối của sông Mê Kông, chảy vào Nam Bộ chia thành hai nhánh (Tiền Giang và Hậu Giang), mỗi nhánh dài trên 200 km, đổ về biển Đông bằng 9 cửa – tựa như 9 con rồng phun nước ra khơi. Sông Cửu Long là nguồn cung cấp nước, chuyên chở phù sa, bồi đắp nên đồng bằng châu thổ mang tên nó và cũng là vựa lúa lớn nhất Việt Nam: Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích hơn 40.000 km2. Trong lưu vực sông Cửu Long và vùng phụ cận, nhiều tỉnh có các sông mang tên rồng: sông Long Bình (thuộc tỉnh Trà Vinh), Long Hồ (Vĩnh Long), Long Xuyên (An Giang), Phước Long và Long Tân (Đồng Nai)…
Ngoài Bắc, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng với sông Hoàng Long (rồng vàng). Tên sông gắn liền sự tích Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chơi cờ lau tập trận, mổ trâu khao quân nên bị ông chú ruột đánh mắng, đuổi đến bờ sông. Tới nơi, hết đường chạy, Bộ Lĩnh đang bối rối thì bỗng một con rồng vàng hiện lên, cõng Bộ Lĩnh bơi thoát qua sông. Ông chú kinh ngạc, chắp tay vái lạy, cho là điềm quý. Quả nhiên, sau này, năm Mậu Thìn 968, Bộ Lĩnh đứng lên dẹp loạn 12 sứ quân cát cứ, thống nhất được quốc gia, lên ngôi Hoàng đế… Ngược lên miền trung du Bắc Bộ, có một đoạn sông Đà chảy qua núi Long Môn nên mang tên sông Long Môn (cửa rồng). Sông này có cửa đá chắn ngang, nước chia thành 3 dòng đổ xuống thành thác rất hùng vĩ. Ở đây còn có loài cá anh vũ đặc biệt thơm ngon, quý hiếm, thời xưa là vật dâng tiến Vua Chúa. Vùng biên giới phía bắc có Sông Rồng (Lạng Sơn), sông Ka Long (Quảng Ninh)…
Trở vào miền Trung, Quảng Bình có sông Long Đại (rồng lớn). Còn các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) đều có nhiều địa danh mang tên Krông (Kroong) chỉ sông nước như Krông Ana (sông Cái), Krông Knô (sông Đực), Krông Buk (sông Tóc), Krông Pach (sông Rửa mặt), Krông Pa, Krông Pôkô… Các nhà nghiên cứu cho rằng Krông là biến âm của Rồng hay Long – con rồng có thể là “krông”, theo cách đọc và hiểu của đồng bào Tây Nguyên.
Hồ nước mang tên rồng cũng hiện diện không ít ở các tỉnh từ Nam ra Bắc. Đẹp nhất là hồ Long Ẩn và hồ Long Vân ở Khu Du lịch Bửu Long (Đồng Nai). Hồ Long Ẩn rộng gần 200.000 m2, sâu tới 22 m, nước trong vắt, núi và cây xung quanh, trông hồ tựa như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Về phía tây, đẹp không kém là hồ Long Điền Sơn ở Tây Ninh. Ra ngoài Bắc, ngay trước cửa chùa Thầy tại Quốc Oai (Hà Nội) có một hồ lớn mang tên Long Trì (sân rồng), giữa dựng thủy đình là nơi biểu diễn múa rối nước. Ngược lên vùng Tây Bắc, đến huyện Than Uyên (Lai Châu) sẽ thấy một hồ tuyệt đẹp mang tên Long Thăng.
VỊNH ĐẢO RỒNG
Truyền thuyết kể rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc xâm lược, Ngọc Hoàng liền sai Rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển như bức tường thành vững chãi chặn bước tiến của thuyền giặc. Đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột đã đâm vào các đảo đá và va đập với nhau vỡ vụn. Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra chiến trận. Vị trí Rồng mẹ xuống là Hạ Long, Rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi đàn Rồng quẫy nước trắng xóa là Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát mịn màng chạy dài 18 km).
Hạ Long (rồng đáp/hạ xuống) là vịnh và quần thể đảo lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam với tổng diện tích 1.553 km2, có 1.969 đảo lớn nhỏ (trong đó nhiều đảo mang tên rồng: Hòn Rồng, Tiên Long…), từng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới (vào các năm 1994 và 2000), và từ cuối năm 2011 trở thành 1 trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên thế giới mới. Sát phía đông bắc vịnh Hạ Long là vịnh Bái Tử Long (rồng con bái lạy [rồng mẹ]), có 9 đảo lớn và hàng trăm đảo nhỏ.
Phía nam vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là đảo Cát Bà (Hải Phòng), với tên cổ là đảo Phù Long (rồng nổi). Gần đó là đảo Long Châu (viên ngọc rồng) ban đêm luôn có ngọn hải đăng sáng rực. Ngoài khơi xa, cách bờ biển Hải Phòng tới 135 km là huyện đảo Bạch Long Vĩ (đuôi rồng trắng).
Xuôi tiếp vào Nam, còn thấy một số vịnh và đảo mang tên rồng. Nổi tiếng nhất là đảo Long Sơn (núi rồng) thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trên đảo, cây cối tươi tốt và đặc biệt có một rừng nứa xanh biếc được ví như con rồng xanh của thành phố Vũng Tàu.
CẦU ĐƯỜNG RỒNG
Hoành tráng bậc nhất trong những cây cầu ở Việt Nam là cầu mang tên Thăng Long (Hà Nội) nối hai bờ nam – bắc sông Hồng. Cầu giàn thép, dài 3.500 m, rộng 21 m, 2 tầng và được khánh thành ngày 09/05/1985. Cũng tại Hà Nội và cũng bắc qua sông Hồng nhưng cổ kính nhất là cầu Long Biên do người Pháp xây dựng trong những năm 1899-1902: cây cầu thép đầu tiên này dài 1.862 m, mỗi bên có 1 làn đường cho xe cơ giới và 1 làn đi bộ, giữa là 1 làn đường sắt.
Vai trò quan trọng và nổi tiếng bậc nhất là cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Đây là cây cầu huyết mạch bắc qua sông Mã, nối miền Bắc với miền Trung. Trong kháng chiến chống Mỹ, cầu bị giặc điên cuồng đánh phá và lực lượng bộ đội bảo vệ cầu đã bắn rơi hơn 100 máy bay Mỹ nơi đây.
Thành phố Đà Nẵng khởi công ngày 19/07/2009, chính thức thông xe ngày 29/03/2013 cây cầu thứ 6 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Cầu dài 666,6 m, rộng 37,5 m. Vì hình dáng giống một con rồng nên cầu được đặt tên là Cầu Rồng.
Đường sá mang tên rồng cũng có rất nhiều, nhất là tại các đô thị. Quy mô nhất là Đại lộ Thăng Long, nối trung tâm với ngoại thành Hà Nội. Sau hơn 5 năm thi công, đại lộ này khánh thành ngày 03/10/2010, dài 30 km, rộng thênh thang (trung bình 140 m) với nhiều làn đường cao tốc. Từ Bắc vào Nam thấy có Đường Rồng ở Hải Phòng, đường Thanh Long (quận Hải Châu – Đà Nẵng), Sơn Long (thành phố Cam Ranh – Khánh Hòa), Long Hậu (thành phố Tân An – Long An), Long Phước (thành phố Vĩnh Long – Vĩnh Long)… Hai tỉnh thành có nhiều đường phố mang tên rồng nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (các phố Long Bình, Long Hưng, Long Thuận, Long Phước…) và tỉnh Quảng Ninh (các phố Bạch Long, Hải Long, Hoàng Long… ở Hạ Long).
CHỢ BÃI RỒNG
Trên khắp cả nước, hầu như tỉnh thành nào cũng có chợ mang tên rồng. Nổi tiếng và lâu đời bậc nhất là Chợ Rồng đặt ở trung tâm tỉnh Nam Định. Nhưng quy mô lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ lại là Chợ Rồng Ninh Bình thuộc tỉnh Ninh Bình – hàng hóa cực kỳ đa dạng và diện tích chợ lên tới 16.000m2. Xuôi vào Nam, qua cố đô Huế sẽ gặp các chợ Kim Long và Long Hồ, vào Quảng Ngãi sẽ thấy chợ Long Tử, đến Bình Định có chợ Long Hưng…
Bãi mang tên rồng nhiều chẳng kém gì chợ, nhất là ở các tỉnh miền Nam. Sông Cửu Long rộng lớn, bồi đắp nên giữa dòng và hai bên bờ nhiều cù lao, gò bãi. Xuôi theo dòng sông, sẽ lần lượt gặp 4 bãi nổi tiếng: Long Sơn – Long Ẩn – Long Phương – Long Hồ. Ngược ra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sẽ đến Long Hải là một bãi biển đẹp thuộc thị trấn cùng tên của huyện Long Điền. Nơi đây có rừng cây anh đào thường trổ hoa tưng bừng vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng đẹp nhất có lẽ là bãi Long Thủy ở xã An Phú nằm phía bắc thành phố Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên, vì bãi kết hợp được cả vẻ nên thơ và hùng vĩ của những khối đá hoa cương nhô cao 80m trên biển trước mặt.■
Văn Hiến