Trà được biết đến ở châu Á và Việt Nam từ năm ngàn năm trước, ban đầu với tư cách một loại dược liệu quý và sau trở thành đồ uống quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Tại Việt Nam, trên những ngọn núi cao ở miền Bắc như Hà Giang, Yên Bái đã có những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được đồng bào dân tộc miền núi chăm sóc và khai thác nhiều đời nay. Điều này chứng minh cây trà đã xuất hiện và đi vào đời sống dân tộc từ xa xưa. Trong thế kỷ XX, dù trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, cũng đã có những nông trường, nông trại trồng chè lớn và nổi tiếng ở Phú Thọ, Thái Nguyên. Nhiều tỉnh thành có những sản phẩm chè riêng biệt. Quảng Ninh cũng có sản phẩm trà Hà Cối độc đáo. Hiện nay, ở miền Nam, các địa danh như Bảo Lộc, Lâm Đồng đã xuất hiện những vùng trồng trà rất lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Thống kê sơ bộ cho thấy cả nước ghi nhận có 34 tỉnh, thành có vùng trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130.000 ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm. Năm 2022, sản lượng chè khô (trà) đạt 194.000 tấn. Theo báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam, diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22.300 ha), Lâm Đồng (10.800 ha), Hà Giang (21.500 ha), Phú Thọ (16.100 ha).
Điểm mạnh của chúng ta là toàn dân uống trà, thưởng thức trà dưới nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí nhân dân uống lá trà tươi trực tiếp, một điểm rất độc đáo so với thế giới. Uống trà chanh pha với mật ong cũng là phương thức được khuyên dùng để chữa nhiều bệnh. Người Việt Nam cũng thường uống trà xanh đậm đặc để tỉnh táo, có sức chiến đấu trong chiến tranh và lao động sản xuất. Giới văn nghệ sĩ, thầy đồ nhà nho xưa lại có thú chơi trà đẳng cấp, dùng nước mưa đọng trên lá sen pha trà, dùng hoa sen, hoa nhài để ướp trà. Tất cả đều là những nét đặc sắc của văn hoá trà Việt.
Có thể kết luận trà đã phát triển rộng rãi và mạnh mẽ ở nước ta, là đồ uống cơ bản và quan trọng, và có dược tính đặc biệt tốt cho sức khoẻ con người. Trước đây, các hộ trồng chè để phục vụ nhu cầu cá nhân, tự cung tự cấp. Ngày nay, trà đã trở thành một sản phẩm hàng hoá, nhu cầu tiêu thụ nội địa rất lớn. Năm 2022, chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 325 triệu USD. Nhà nào cũng có ấm trà, cũng pha trà mời khách. Chén trà là đầu câu chuyện. Trà được phục vụ ở tất cả các cuộc họp, hội nghị hội thảo lớn cũng như đi vào từng đám hiếu đám hỉ của dân tộc ta.
Vượt qua biên giới quốc gia, trà còn là sản phẩm thương mại, trở thành nhu cầu của nhiều nước thế giới. Nhiều quốc gia uống trà và có nhiều loại trà khác nhau, đặc biệt là Trung Quốc đã dùng trà như một thứ đồ uống quốc dân hàng ngàn năm nay. Nhu cầu trà ngày càng phát triển trên toàn cầu và nước ta đã xuất khẩu trà, hiện là nước xuất khẩu mặt hàng này đứng thứ năm thế giới. Năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD.
Trung Quốc có doanh thu tỉ đô từ trà vì quốc gia này có đa dạng sản phẩm và chiến lược phát triển trà bài bản. Trong niên vụ 2021 – 2022, Trung Quốc đã sản xuất 2,4 triệu tấn chè. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng cho biết quốc gia này sở hữu hơn 2 triệu héc ta đất trồng chè, phân bố tại các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Phúc Kiến, Vân Nam và Hồ Bắc. Trà là một trong những ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của quốc gia này. Đài Loan cũng tinh chế ra các loại trà tuyệt đỉnh. Tại nhiều nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, trà phục vụ ở những bữa quốc tiệc, trà thượng phẩm được đem ra mời các nguyên thủ quốc gia. Giá trị của một vài lạng trà có thể rất lớn, tương đương với một chiếc xe sang. Có loại trà để hàng trăm năm như trà Phổ Nhĩ, có tác dụng chữa bệnh, càng để lâu càng có giá.
Từ các cường quốc về trà ở châu Á, nhìn lại Việt Nam, chúng ta thấy còn nhiều hạn chế. Việt Nam có tiềm năng lớn, diện tích trồng trà lớn và lượng xuất khẩu không ít nhưng chủ yếu là trà giá rẻ. Việt Nam đã là một địa chỉ tham gia vào thương mại thế giới về trà nhưng vẫn xuất khẩu trà phẩm thấp hoặc bán nguyên liệu thô là chính. Trà chế biến của Việt Nam chất lượng tốt nhưng không hấp dẫn thị trường, giá rẻ so với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Giá thấp như vậy nên doanh nghiệp không có lãi nhiều, đời sống của bà con nông dân trồng trà bấp bênh.
Trà Việt Nam cũng không có thương hiệu mạnh nên có những loại trà sản xuất tại Việt Nam nhưng lại mang thương hiệu Đài Loan, Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam thực tế làm thuê cho Đài Loan, Trung Quốc để sản xuất trà. Trà Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế nên không có thương hiệu, do đó thị trường quốc tế chưa biết tới trà Việt Nam, dù trà ngon hay trà quý hiếm cũng là thương hiệu của nước khác. Đây là điểm yếu mà Việt Nam chưa khắc phục được.
Ngày nay, chúng ta đã khắc phục được một bước về cách trồng trà, nhiều nơi áp dụng phân vi sinh, nhưng vẫn bị các nước dùng tiêu chuẩn này để ép chất lượng và ép giá, buộc Việt Nam phải bán trà giá rẻ. Không có tiêu chuẩn bón phân chuẩn mực và không được hướng dẫn, trà Việt Nam không đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường khó tính như EU. Không có cơ quan kiểm nghiệm hỗ trợ, Việt Nam không thể có trà chất lượng cao và bán được giá cao.
Từ thực tế trên, có thể thấy một số gợi ý về quan điểm để thúc đẩy ngành trà vượt qua giới hạn, phát triển xứng với tiềm năng của nó.
Trước hết, trà là sản phẩm quan trọng của ngành nông nghiệp, là nguồn sống của người nông dân. Đứng trên góc độ quốc gia thì là một trong những ngành sản xuất rất quan trọng, tương tự các ngành nông nghiệp khác như trồng lúa, hoa quả. Như vậy, phải nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, tính chất chiến lược của trà, trong phục vụ đời sống và văn hoá của dân tộc, đồng thời cũng là mặt hàng xuất khẩu trong nền kinh tế quốc gia, là nguồn thu của nhiều tỉnh thành. Muốn phát triển được ngành trà, quan điểm này phải trở thành nhận thức quốc gia, làm sao để toàn dân Việt tự hào là nước trồng chè lớn, cung cấp chè cho thế giới.
Để làm được điều này, vai trò chính phủ là cực kỳ quan trọng, trong việc làm cho người dân hiểu đúng tầm vóc của ngành cũng như đóng vai trò quy hoạch quốc gia cho ngành. Chính phủ phải xác định quy hoạch đối với 34 tỉnh thành đang trồng chè hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ đóng vai trò lớn trong việc quy hoạch các khu vực trồng chè diện tích lớn, trong đó có việc bảo tồn những cây chè cổ quý hiếm giá trị chất lượng cao. Hơn thế, Chính phủ bằng các chính sách khuyến khích có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn đầu tư chuyên sâu vào ngành chè. Chỉ khi doanh nghiệp lớn vào cuộc, diện mạo của ngành mới thực sự thay đổi và Việt Nam mới có ngành chè quy mô sản xuất lớn, từ đó tạo ra sản lượng lớn, mang lại doanh thu vượt trội.
Đầu tư vào công nghệ là yếu tố then chốt để phát triển ngành chè hiện nay. Trước hết là công nghệ trồng chè. Người nông dân phải được hướng dẫn bài bản quy trình trồng những giống chè mang hiệu quả kinh tế cao, cách chăm sóc tiêu chuẩn cao để sản phẩm được người dân và các thị trường cao cấp chấp nhận. Đặc biệt quan trọng là công nghệ chế biến. Làm chủ được công nghệ sản xuất mới tạo ra được nhiều loại trà khác nhau, từ các loại trà cao cấp thượng hạng tới các loại phục vụ cho đông đảo người dân, từ trà phục vụ nhu cầu xuất khẩu tới các loại trà dành riêng để chữa bệnh. Muốn vậy phải nghiên cứu rất kỹ về kỹ thuật, máy móc, công nghệ chế biến trên cơ sở tham khảo chuyên gia của các cường quốc trà ở châu Á.
Việt Nam cũng chưa có những thương hiệu quốc gia lớn trong ngành trà, dù trà Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước. Việt Nam phải làm tốt công tác giới thiệu sản phẩm. Các tỉnh thành có vùng trồng trà lớn phải có các trung tâm giới thiệu sản phẩm lớn. Các vùng trà phải giới thiệu những loại trà đặc sản của họ tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Tiếp thị như thế nào cũng như thiết kế bao bì, đóng gói ra sao cho hợp thị hiếu người dân là cần thiết. Các vùng trà lớn hoàn toàn có thể nghĩ tới du lịch sinh thái gắn với cây trà, cho du khách thăm vườn trà và tự sao trà. Chúng ta phải rất chú trọng nhu cầu tiêu thụ trong nước bởi trà là đồ uống được đông đảo nhân dân sử dụng hàng ngày. Giới thiệu rộng rãi các sản phẩm trà chất lượng tới toàn dân là nhiệm vụ quan trọng nhất, sau đó tới quảng bá trà Việt Nam ra quốc tế để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ngành trà có thể đóng góp rất lớn phục vụ người dân Việt Nam, trước hết để ngành y dược nghiên cứu như một dược liệu, quan trọng hơn là để mỗi gia đình Việt Nam uống trà Việt Nam, trà trở thành sản phẩm quốc gia, từ đó xây dựng thương hiệu trà mang tầm quốc tế. Thực hiện được mục tiêu này phải thực thi rất đồng bộ, phải tạo chuyển biến từ chính phủ, doanh nghiệp, tới từng địa phương và mỗi người dân. Sản phẩm trà của Việt Nam vô cùng quý báu do ông cha ta từ ngàn đời để lại, không phát huy được ngành truyền thống này là có tội với cha ông.
Không gian phát triển của ngành còn rất lớn, đòi hỏi nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng phối hợp đầu tư các dự án cho ngành trà, định hướng tổ chức sản xuất trà, biến trà thành một lĩnh vực thực sự quan trọng đối với nền kinh tế và văn hoá quốc gia, tương xứng với tiềm năng vốn có của Việt Nam trong mảng này.■
Bình Minh