Đảng Cộng sản Việt Nam là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Chúng ta kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm đất nước đã trải qua những chặng đường lịch sử hào hùng, đánh đuổi thực dân giành độc lập, thực hiện công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh; thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, đã đưa đất nước phát triển vượt bậc, có vị trí và tiếng nói quan trọng trong khu vực Đông nam Á và quốc tế.

Đảng ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Đảng ta là đạo đức là văn minh/Là thống nhất độc lập là hòa bình ấm no…”. 94 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã ghi những dấu ấn đặc biệt đem lại những thành quả to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, có thể khẳng định chỉ từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta mới giành được độc lập, có tên trên bản đồ thế giới và có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Đảng ta từng có tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu. Những bài học hệ trọng đó gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một là, vấn đề độc lập dân tộc

Một trong những vấn đề cốt tử nhất mà Đảng ta ngay từ lúc mới ra đời đã xác định độc lập dân tộc là mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trải qua hơn một ngàn năm đất nước bị nô lệ, độc lập dân tộc luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta. Vì thế, trong cương lĩnh thành lập Đảng ngày 3/2/1930 có sức lôi cuốn đặc biệt đối với nhân dân ta. Khát vọng ấy được thể hiện trong lời chỉ dẫn của Bác Hồ năm 1945 tại lán Nà Lừa, Tuyên Quang: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trải qua bao mất mát, hi sinh, máu xương đã đổ, nhân dân ta luôn tin tưởng theo Đảng đấu tranh giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Độc lập dân tộc từ nay được bền vững.

Trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngọn cờ dân tộc lại tiếp tục được Đảng ta giương cao, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc thành sức mạnh mới đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Ngày nay trong một thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng ta nhận định các nước lớn sẽ tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác. Trước tình hình đó, Đảng ta với bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh cách mạng đã giữ vững đường lối độc lập, tự chủ. Lấy quyền lợi dân tộc là nguyên tắc cao nhất để ứng xử linh hoạt trước những biến động của thế giới, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác.

Vấn đề độc lập dân tộc theo quan điểm của Đảng ta luôn gắn với chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được hoạch định tại Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2/1930) xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội II của Đảng (tháng 2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam: “Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, giành lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội”.

Trong thời kỳ 1954 – 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Chính công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa với những ưu việt của chế độ mới đã trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho miền Nam chiến thắng Đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất giang sơn đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Dù bị thế lực thù địch và phản động quốc tế câu kết bao vây, cấm vận, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt nhưng độc lập dân tộc và CNXH đã gắn kết, tạo xung lực lớn đưa nước nhà vượt qua thách thức. Có những thời điểm Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu khủng khoảng trầm trọng và sụp đổ, Đảng ta vẫn tiếp tục kiên định con đường CNXH với nhiều nhận thức mới, phương thức cách mạng mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991) của Đảng ta đã đúc kết: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH là bài học xuyên suốt của cách mạng nước ta và khẳng định, đối với nước ta, không còn con đường nào khác ngoài con đường duy nhất đúng đắn là đi lên CNXH để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân… Trong thời điểm không ít người bắt đầu có tư tưởng chông chênh ấy, sự khẳng định dứt khoát, đanh thép, rõ ràng của Đảng ta thực sự đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua Cương lĩnh lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Ảnh:TTXVN

Từ ngày tiến hành sự nghiệp đổi mới và thực hiện Cương lĩnh 1991, Đảng ta đã liên tục nghiên cứu, đổi mới mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với những sáng tạo cả về lý luận và thực tiễn. Theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng gồm 8 đặc trưng mà cơ bản nhất là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo… Đó là thành quả của đổi mới nhận thức có ý nghĩa rất lớn và quan trọng về CNXH phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta vẫn không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khi khẳng định: Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. “Nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là một mô hình mới hoàn toàn của Việt Nam.

Suy ngẩm từ câu chuyện 6 quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược – toàn diện với nước ta; nhìn lại sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm nước Mỹ năm 2016 và Tổng thống Mỹ Jon Biden sang thăm Việt Nam năm 2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng ta không chỉ chứng tỏ đường lối đối ngoại đúng đắn, rộng mở của Nhà nước ta mà còn là một minh chứng hùng hồn nhất về sức sống của mô hình CNXH ở Việt Nam trong thế giới ngày nay.

Hai là, phát huy truyền thống yêu nước

Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng ta, người khai sinh nước Việt Nam mới trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” đã nhấn mạnh: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Chính vì lòng yêu nước thương nòi mà Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Chính vì lòng yêu nước mà suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trong đêm trường nô lệ biết bao người anh hùng đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu nước. Chính vì lòng yêu nước mà các thế hệ chiến sỹ cộng sản Việt Nam tiền bối, tiêu biểu như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ… dũng cảm dấn thân, bất chấp hi sinh, lao tù, trước lúc bị thực dân Pháp tuyên án tử hình vẫn hô vang, giữ vững niềm tin ngày mai đất nước sẽ được những người dân yêu nước khác giải phóng.

Khi nước nhà đã giành được độc lập năm 1945, song hiểm nguy từ nạn “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã luôn khơi dậy tinh lòng yêu nước của mỗi người dân, không phân biệt đảng phái, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, nơi sinh sống để phát huy nguồn sức mạnh to lớn đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Yêu Tổ quốc”, “nghĩa đồng bào”, “con cháu Lạc Hồng” là những tiếng gọi thiêng liêng, da diết kết nối triệu triệu tấm lòng hướng về dân tộc kết thành một khối sức mạnh vô biên. Người Việt Nam ở bất cứ đâu trên trái đất này cũng cần có một Tổ quốc, một cội nguồn dân tộc. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam luôn được Đảng ta trân trọng, coi như báu vật; gạn đục khơi trong mọi tấm lòng, nâng niu mọi ứng xử nhân văn vì Tổ quốc. Lúc này hơn lúc nào hết, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng ta cần phải là một tấm gương sáng về lòng yêu nước tha thiết, phải thấm nhuần, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”.

Vấn đề thứ ba là, phát huy đoàn kết toàn dân tộc

Trong lịch sử dân tộc ta, đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống quý báu được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch, đưa nước ta, dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành nhiều chiến thắng hiển hách, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Câu chuyện kể về Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần, “tướng sỹ một lòng phụ tử” thời nhà Lê trở thành biểu tượng đẹp về tinh thần đoàn kết lưu danh đến bây giờ.

Đoàn kết toàn dân là một tư tưởng lớn xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Từ ngày có Đảng ta, truyền thống đại đoàn kết lại càng được phát huy hơn bao giờ hết. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Đảng ta có những sáng tạo đoàn kết mọi người dân trong các tổ chức Mặt trận để tổ chức đấu tranh phù hợp với từng thởi gian và tình hình cách mạng cụ thể. Đặc biệt những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp các giai cấp, đảng phái, dân tộc, mọi người Việt Nam vào nhiệm vụ chung giải phóng đất nước. Khi lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, trong tình hình thù trong, giặc ngoài, chính quyền cách mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc”, để đoàn kết tất cả cứu Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta phải làm một công việc chưa từng có tiền lệ là tuyên bố giải tán Đảng cộng sản Việt Nam (thực chất là rút vào hoạt động bí mật). Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành lời hiệu triệu mọi con dân đất Việt đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc: “Bất kể đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, dân tộc, tôn giáo, hễ là người Việt Nam thì đứng lên đánh thực dân Pháp cứu nước”. Chính nhờ sức mạnh đoàn kết ấy, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp thắng lợi sau 9 năm trường kỳ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hi sinh, với khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam:“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã được phát huy, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất. Đảng ta đã thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc; ở miền Nam thì thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam… Tất cả đều với tôn chỉ là đoàn kết mọi lực lượng chống Mỹ cứu nước, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa…

Trong những năm chiến tranh, Đảng ta không chỉ phát huy đoàn kết giữa hai miến Nam – Bắc, đoàn kết giai cấp, đoàn kết các tôn giáo, các dân tộc anh em, mà còn đoàn kết cả với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đối với nước Pháp và Mỹ, Đảng ta chỉ rõ trực tiếp đấu tranh với chính phủ thực dân, đế quốc gây ra chiến tranh Việt Nam và đoàn kết, thân thiện với nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ. Những năm chiến tranh gian khổ, khó khăn đó, phong trào biểu tình ủng hộ Việt Nam nổ ra khắp nơi trên thế giới, nhất là ở nước Mỹ. Nhờ đó, dân tộc Việt Nam đã huy động cao độ sức mạnh cả trong và ngoài nước cùng sức mạnh thời đại để kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, thống nhất nước nhà.

Cùng với Đảng, đến lượt mình, nhân dân Việt Nam xuất phát từ truyền thông nhân đạo cao cả đã đổi xử hòa hiếu với người dân các nước láng giềng trong chiến đấu bảo vệ biên giới của ta, với người dân của các nước đế quốc xâm lược nước ta và ngay cả với những người lính ngoại xâm bị bắt làm tù binh trên chiến trường. Lòng nhân đạo ấy được cả loài người tiến bộ cũng như nhiều chính phủ trên thế giới nể phục, càng hiểu hơn, tôn trọng hơn lịch sử, nền văn hoá và con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Từ khi đổi mới đến nay, nhất là trong thời kỳ Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nội dung và giải pháp về tinh thần đoàn kết của Đảng ta đã đổi mới toàn diện cả trong và ngoài nước nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, tranh thủ mọi sự tương đồng, mọi sự hợp tác, giúp đỡ của các nước để nhân lên nguồn lực thuận lợi bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Ở trong nước, Đảng đã tiếp tục hoàn thiện nhiều chính sách bảo đảm cơ chế bình đẳng, tôn trọng, thực sự đoàn kết toàn dân, nhất là các tôn giáo, các dân tộc đông người và ít người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế, Đảng ta coi phương châm gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai để mở rộng quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Phương châm ấy đã được Đảng ta công khai tuyên bố thống nhất trong các Nghị quyết nhiều kỳ đại hội: Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước…

Thế giới ngày nay diễn biến khó đoán định, trật tự thế giới biến động, xô đẩy nhiều quốc gia lâm vào cảnh rối loạn, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế – xã hội. Tất cả các quốc gia nói trên, các đảng cầm quyền đều mắc sai lâm về đường lối đối nội và đối ngoại, khiến cho quốc gia của họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không dễ gì vượt qua được.

Nhìn người để ngẫm đến ta. Một quốc gia như Việt Nam, đi ra từ 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược, đất nước bị tàn phá và nghèo đói, cũng phải chịu nhiều khó khăn, thách thức của biến động thế giới, nhưng sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, tiềm lực quốc gia được tăng cường, chế độ chính trị được ổn định, có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế; đời sống về vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và giàu có.

Tất cả những thành tựu trên đây đã chứng minh vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta đã lựa chọn đúng đắn con đường đi của dân tộc là tiến lên CNXH – là một xu thế phát triển của thời đại đã được Mác và Lê-nin chỉ ra. Những thành tựu Đảng đã mang đến cho dân tộc là độc lập, tự do, thịnh vượng và hạnh phúc… Dù kẻ xấu có xuyên tạc đến đâu, cũng không thể che lấp được cơ đồ của đất nước, sự vinh quang của Đảng và Bác Hồ kính yêu, và rồi đây họ không thể nói khác được với thực tế, họ không thể xóa được long tin yêu của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Cả dân tộc ta đang ra sức phấn đấu, hun đúc khát vọng thực hiện thành công mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra cho dân tộc.■

Nguyễn Hồng

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN