Bánh tét hay bánh Tết?

Khi đất nước còn chưa thống nhất, mùa xuân luôn là thời điểm đầy khắc khoải đối với người dân ở cả hai miền, nhất là những người con miền Nam. Chúng ta sẽ được lắng nghe một tiếng lòng như thế qua bài viết “Bánh tét hay bánh Tết” của tác giả Phong Sơn, in trên Văn hóa tập san số 4, năm 1973 tại Sài Gòn. Nhân ôn lại phong tục dân tộc qua câu chuyện chiếc bánh téttác giả đã thầm gửi gắm nỗi nhớ thương miền Bắc cùng niềm khát khao thống nhất đất nước trong từng trang viết. Tạp chí Phương Đông xin đăng lại để bạn đọc có những giây phút lắng đọng bên trang báo Tết Giáp Thìn – 2024!

Bánh tét chỉ làm trong dịp Tết

Bánh tét hay bánh Tết? Chữ nào xét ra cũng có ý nghĩa cả. Bánh tét là do cái cách dùng sợi dây buộc bánh mà tét khúc bánh ra từng lát trước khi ăn. Bởi vì bánh tét làm bằng nếp, rất dẻo ít ai dùng dao mà xắt ra, vừa khó khăn, vừa dính nếp vào dao khó chùi rửa, hơn nữa lát bánh xắt ra bằng dao trông không đẹp và duyên dáng bằng lát bánh tét ra bằng sợi dây. Còn bánh Tết thì cũng đúng ở ý nghĩa của loại bánh chỉ làm ra trong những ngày Tết mà thôi. Điều này rất xác đáng đối với những người miền Trung, nhất là người Huế, mà việc nấu bánh tét khi Tết đến là một tập tục rất đẹp rất vui, lại còn mang một ý nghĩa thiêng liêng nữa.

Bánh tét từ lâu đã trở thành món ăn đại diện cho ngày Tết cổ truyền của người Việt, nhất là người dân miền Trung – Nam bộ. Ảnh minh họa

Nói như thế, không phải cho rằng chỉ có bánh tét mới làm ra trong dịp Tết đến Xuân về. Người Việt Nam đã ăn Tết và xem Tết là một lễ lớn nhất trong năm thì biết bao nhiêu thứ bánh, mứt được làm ra để ăn trong ba ngày Tết. Vả lại, bánh tét cũng là thứ bánh phổ biến khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam thân yêu này. Về một khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam tôi cũng có thể nói rằng: bánh tét còn, người Việt Nam còn. Vâng, đúng thế. Từ chợ Đông Hưng ở miền biên giới Trung Hoa cho đến chợ Cà Mau, Rạch Giá, tận cùng miền Nam ở đâu và bất cứ ngày nào cũng đều có bán thứ bánh tét ấy, loại bánh bằng nếp dẻo và nhuỵ đậu xanh hành mỡ, món ăn bình dân, chắc bụng nhất của người Việt Nam.

Nhưng, càng thấy bánh tét lan tràn ra khắp các chợ, càng thấy người ta coi thường sự có mặt đầy ý nghĩa lịch sử của bánh tét, tôi lại càng buồn cho những tập tục thiêng liêng bị thương mại hóa quá độ. Đối với người Việt Nam ngày xưa, bánh tét không bao giờ được nấu ra để bán trong những ngày thường. Nồi bánh tét của miền trong (tức vùng kinh đô Huế) và nồi bánh chưng của miền ngoài (tức vùng Thăng Long, Bắc Hà) chỉ được nấu trong đêm cuối năm (đêm trừ tịch) mà thôi. Cái điểm đặc biệt của bánh tét hay bánh chưng ngày Tết không phải là điểm làm bánh ra để ăn, để thỏa mãn bao tử trong mấy ngày Xuân, mà đặc biệt và thiêng liêng ở giai đoạn làm bánh và nấu bánh.

Gói bánh tét – khung cảnh đoàn tụ yên vui

Trước khi cùng lắng tâm hồn tận hưởng những giờ phút êm đềm, ấm cúng của đêm cuối năm trong việc nấu bánh tét, tôi cũng xin mời quý vị thưởng thức những điều thích thú vui nhộn của những ngày cuối năm, thời gian xôn xao, náo nức chuẩn bị cho nồi bánh Tết.

Từ đầu tháng Chạp, khi những cành mai đã lấm tấm đơm hoa, khi những tiệm may đã tràn ngập hàng may áo mới, khi những cánh thư ở khắp nơi lác đác gửi về cho mọi gia đình hẹn ngày sum họp đêm cuối năm, mọi gia đình đã chuẩn bị cho nồi bánh tét; chồng hỏi vợ đã lo đủ nếp, đậu, hành, mỡ, lá gói chưa, vợ nhắc chồng sửa soạn kiếm một ít củi loại gốc cây như gốc mít, gốc sầu đâu, bửa sẵn ra một ít phơi khô. Người ta nấu bánh tét bằng củi gốc cây vì loại củi này cháy rất bền, lửa rất đượm và lò than cũng kéo dài ra cho đến hết đêm Trừ tịch, làm lò sưởi cho gia đình.

Lá dong gói bánh được bày bán tại các chợ Hà Nội vào dịp Tết (1929). Ảnh tư liệu

Lá gói bánh phải là hai thứ lá, bên trong là lá đơn (lá dong) ôm lấy thân bánh, loại lá mỏng khi nấu chín có mùi thơm ngon và đặc biệt là tạo cho lớp da bánh ở ngoài màu xanh dịu, tươi mát. Lớp lá ngoài phải là lá chuối sứ, khỏi gãy, gói bánh tròn và màu tươi xanh đẹp mắt. Nếp phải là loại nếp một, thứ nếp dẻo, thơm:

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau

Nhụy bánh làm bằng đậu xanh, hành, mỡ – Mỡ phải là những thỏi mỡ lớn, cắt từng thoi dài để khi gói, đặt nằm song song theo chiều dài của bánh. Dây lạt để cột đòn bánh tét cũng phải được sửa soạn từ trước. Những ống lồ ô tươi hoặc ống giang được chẻ ra thành những sợi lạt thật mỏng, thật thanh, để vừa cột chặt chẽ vừa đều đặn trên bề tròn của đòn bánh tét. Ngoài ra, sau này còn dùng sợi lạt đó để bánh tét ra.

Những ngày giành giựt, tranh thủ gấp rút của một năm đã chấm dứt. Tiền đã thu, nợ đã trả, gạo cơm, muối mắm thức ăn, áo quần… để ăn, mặc trong mấy ngày đầu Xuân đã sắm sửa xong xuôi, bây giờ chỉ chăm lo cho nồi bánh tét.

Cha, mẹ, con cái, anh em bà con đã đoàn tụ dưới mái gia đình. Người lo vút nếp, người lo hong đậu, xắt mỡ, lau lá… Những câu chuyện khôi hài nổ như bắp rang cho đến khi mọi thứ đã xong xuôi, một chiếc chiếu hay một cái nia lớn bỏ ra giữa nhà, mọi người ngồi lại để gói bánh, các em lãnh phần lau lá, chị vắt từng vắt nhụy, xắt từng lát mỡ, mẹ đặt lá, bỏ nếp và các cô, các dì bắt đầu gói bánh – ông bà có thể phụ vào việc buộc những sợi lạt chung quanh đòn bánh cho đều, cho đẹp. Công việc diễn ra nhẹ nhàng, êm ấm với sự chờ đợi đêm trừ tịch, khi màn đêm buông xuống, bếp lửa nhóm lên và nồi bánh đặt ra.

Bếp lửa nấu bánh, lò sưởi của gia đình trong đêm Trừ tịch

Không gian của việc nấu bánh là khung cảnh gia đình ấm cúng, đoàn tụ trong đêm cuối năm. Ông, bà, cha, mẹ, con cái đều có mặt dưới mái ấm gia đình sau một năm dài làm lụng mệt nhọc và cách biệt nhau vì phải tha phương cầu thực. Thời gian nấu bánh là thời gian lý tưởng và thiêng liêng nhất trong một năm, bắt đầu từ chập tối đêm ba mươi kéo dài cho đến Giao thừa.

Ở Huế, đêm cuối năm là đêm cuối cùng của mùa đông, thường mưa phùn và gió lạnh. Bên ngoài, trời đen như mực. Không gian như ngưng đọng lại trước giờ phút chuyển mình mới mẻ, mở đầu một mùa xuân mới. Chỉ có tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng pháo nổ lác đác và mùi trầm hương ngào ngạt.

Bên trong, chính giữa căn nhà lá bếp lửa hồng cháy rừng rực trên đó, một cái chảo thật lớn, hoặc nhỏ; một cái thùng thiếc thật bự hoặc chỉ là cái thùng dầu lửa, tùy theo gia cảnh giàu nghèo, gia đình bề thế hay nhỏ nhoi.

Ánh lửa đỏ tỏa hơi khắp căn nhà, đó chính là lò sưởi cho toàn thể gia đình trong một đêm lạnh cuối năm. Bếp lửa tượng trưng cho sự sum họp, cho tình thương yêu ruột thịt nồng nàn, quấn quít bên nhau. Bao nhiêu câu chuyện vui, buồn của một năm dài đằng đẵng được dịp kể cho nhau nghe. Qua ánh lửa, người ta thấy có những đôi mắt rướm lệ vì sung sướng của mẹ già nhìn thấy các con đoàn tụ, vui cười với nhau mà có thể rằng, trong năm qua, có khi chúng đã thù hằn đánh đập lẫn nhau. Những gương mặt trẻ con thì rạng rỡ vui tươi vì được dịp quấn quít trong vòng tay của cha mẹ, ông bà, chú bác, anh em, với hình ảnh áo mới, chợ Xuân hội hè đình đám mà chúng sẽ tha hồ chơi trong những ngày sắp tới.

Cùng với lửa réo tí tách, cùng với hơi bánh thơm phức bốc lên, mọi người trong gia đình đều thấy lòng xúc động vì giờ phút thiêng liêng sắp tới: Giao thừa. Một năm cũ với nhiều chuyện buồn, vui đã qua và một năm mới nhiều hi vọng đã tới. Mọi gia đình đều bận rộn trưng dọn, sắp đặt suốt đêm Trừ tịch cùng với bếp lửa nấu bánh tét ấm cúng.

Luộc bánh chưng Tết ở Hà Nội năm 1955. Ảnh: EFEO; Phục chế màu: Vietnamcolored

Cũng có nhiều chuyện vui xảy ra trong đêm ba mươi Tết, trong đó có cả chuyện gia đình sửa soạn làm bánh, nấu bánh mệt nhọc, ngủ say như chết. Khi bừng tỉnh dậy, cả nồi bánh tết đã không cánh mà bay (một tên trộm nào đó đã làm một vố cuối năm để đón Xuân). Người ta không buồn bực tức tối gì lắm khi bị trộm nồi bánh tét vì thực ra, tất cả cái thích thú, vui tươi, ấm cúng của việc làm bánh, nấu bánh đã diễn ra tốt đẹp và trọn vẹn lắm rồi.

Lịch sử bánh tét và bánh chưng

Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của bánh tét ở vùng cố đô Huế và bánh chưng của vùng Thăng Long, xem thử phát xuất từ sự kiện gì mà loại bánh đó được xem là món ăn đặc biệt thiêng liêng phải làm ra trong ngày lễ Tết Nguyên Đán.

Ngày xưa, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con, 50 trai, 50 gái. Khi trăm đứa con đã khôn lớn, Lạc Long Quân và Hoàng hậu Âu Cơ phải lo lắng chọn người để nối dõi, lên ngôi Hoàng đế, trị vì trăm họ về sau. Nhưng vấn đề nan giải thay vì lẽ 100 con của Lạc Long Quân cả trai lẫn gái đều khôi ngô tuấn tú, sắc nước hương trời, văn võ kiêm toàn không ai hơn kém.

Thế rồi, vào đêm Giao thừa năm ấy, trong khi cả Hoàng tộc đang vui vầy trong vườn Ngự Uyển để chờ đón Chúa Xuân, giữa giờ phút thiêng liêng của đêm cuối năm cũ chờ bước sang năm mới, trong ánh sáng muôn màu của hàng trăm chiếc đèn lưu ly, hằng ngàn lồng đèn ngũ sắc giăng mắc khắp nơi, bỗng hiện ra một vừng hào quang sáng rực từ trên không trung, phủ chụp xuống giữa vườn Ngự Uyển. Nhà Vua, Hoàng hậu và tất cả hoàng tộc đều hoảng sợ nhưng chỉ một lát sau, vừng hào quang rực rỡ tan biến và giữa vườn bỗng hiện ra một vị Thiên Thần oai dũng, trong tay cầm chiếc phất trần phe phẩy. Nhà Vua chưa kịp lên tiếng thì vị Thiên Thần đã phán rằng:

“Này Lạc Long Quân và Âu Cơ! Ta vâng lệnh Trời đến đây để truyền cho các người cách tìm vị Hoàng tử kế vị. Các ngươi đừng lo lắng về sự lựa chọn kẻ tài cao chí rộng mà làm gì. Làm vua là cốt ở sự biết rõ dân tình, biết rõ tình cảm dân tộc, biết đất nước quê hương để tùy ở lòng dân mà trị dân. Sống trên đất nước trong lòng dân tộc, phải hiểu rõ đất nước và dân tộc ước vọng những gì mới xứng đáng là vị vua trị vì trăm họ. Các người hãy tổ chức một cuộc thi trong 100 đứa con của các người, đứa nào cũng phải đi sâu vào lòng đất nước và quần chúng để tìm hiểu họ và đến Nguyên Đán năm sau, trở về Hoàng cung dâng lên cho Vua một vật chứng minh để tế lễ đất trời, tượng trưng cho ý tình đất nước và dân tộc. Vật nào có ý nghĩa nhất thì tác giả của vật ấy sẽ là Hoàng tử kế vị. Vị Thiên Thần phán xong, vừng hào quang chói lọi vụt bừng lên và bay vút lên trên không, rồi lịm tắt dần trong màn trời đêm mông lung, huyền ảo. Vị Thiên Thần cũng biến mất”.

Nhà Vua và Hoàng hậu tuân theo lời chỉ dẫn của vị Thiên Thần, tức tốc cho 100 người con lên đường trong ngày hôm sau. 50 trai lên miền núi, 50 gái xuống miền bể, đi khắp sơn cùng thủy tận, xóm làng hẻo lánh tìm hiểu dân tình và đúng Nguyên Đán năm sau phải trở về với một món lễ vật đầy ý nghĩa để tế lễ trời đất.

Đúng vào đêm Giao thừa năm ấy, tại vườn Ngự Uyển lại mở ra một cuộc lễ để tuyển chọn các lễ vật do 100 người con Lạc Long Quân mang từ khắp địa phương trong nước về dâng hiến. Vị Thiên Thần năm trước lại hiện xuống để chứng giám. Sau một hồi xem xét, vị Thiên Thần bỗng chú mục vào hai vật hèn mọn nhất trong 100 món của ngon vật lạ, sơn hào hải vị khắp nơi: đó là một đòn bánh tét và một ổ bánh chưng. Hào quang bỗng sáng rỡ lên từ nơi hai chiếc bánh mà vị Thiên Thần đang chăm chú nhìn và truyền cho các nội giám mở bánh, cắt ra cho mọi người xem. Lạc Long Quân và Hoàng hậu cùng với 98 người con kia, cũng như toàn thể hoàng tộc đều ngạc nhiên trước sự lựa chọn kỳ lạ của vị Thiên Thần, đại diện cho trời đất. Nhưng vị Thiên Thần thong thả giải thích rằng:

“2 vị Hoàng tử sáng tạo ra hai chiếc bánh này đều có những tư tưởng và tình cảm giống nhau. Họ đã lựa chọn những thổ sản chính của dân tộc: nếp, đậu, mỡ, lá, vừa đầy đủ các loại sinh tố, vừa thể hiện đúng nguyện vọng bình thường mộc mạc của người dân là: ăn chắc mặc bền. Ngoài ra, về phương diện ý nghĩa thâm thúy, thì nếp dẻo bọc lấy đậu rời tượng trưng cho tình đoàn kết, nhụy đậu vàng bó mỡ tượng trưng cho sự sắt son, tình cảm ướt át, khuôn tròn của lát bánh tét cắt ra tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hình vuông của bánh chưng tượng trưng cho đất (theo quan niệm thời cổ, mặt đất vuông). Như vậy, thật là đầy đủ ý nghĩa của trời đất, của âm dương của tình tự dân tộc mà chúng ta đang đòi hỏi”.

Nói xong, vị Thiên Thần bỗng biến mất và nhà Vua cùng Hoàng hậu lấy làm khó xử trong việc chọn lựa một trong hai vị Hoàng tử bánh tét và bánh chưng, ai sẽ là người chính thức kế vị vua cha. Cuối cùng, nhà Vua không biết xử trí ra sao cho ổn thỏa đành phải đưa hai vị Hoàng tử đi trấn nhậm hai nơi, kẻ ở phương Bắc (vùng Thăng Long), người ở phương Nam (vùng Thuận Hóa), và nhà Vua bèn quyết định lựa Hoàng tử lớn nhất (tức cái trứng nở đầu tiên) kế vị, phong Hùng Vương thứ I.

Cũng kể từ đó, hai vị Hoàng tử bánh tét và bánh chưng mỗi người mỗi ngả. Nhưng về sau, con cháu của mỗi bên không một ai quên câu chuyện ngày xưa, dù tổ phụ của họ không được phong vương nhưng lại được quần chúng hai miền mến mộ và ca tụng công đức bảo vệ, thương yêu dân.

Ý nghĩa của việc gói bánh tét nằm ở khung cảnh sum vầy, đoàn viên bên gia đình (Ảnh minh hoạ)

Vì vậy, hằng năm cứ đến Tết Nguyên Đán, người dân vùng Thuận Hóa, dù nghèo hay giàu cũng đều dành dụm tiền nong để nấu cho được một nồi bánh tét, cũng như người dân vùng Thăng Long cũng phải thực hiện cho được mấy ổ bánh chưng để cúng ông bà và ăn ba bữa Tết.

Phía bánh chưng cũng làm thêm vài đòn bánh tét, phía bánh tét cũng bắt chước làm thêm vài chiếc bánh chưng, để tự nhắc nhở rằng mình đều là con một cha, cùng một tổ Rồng Tiên để đời đời sum vầy, kết chặt trong tình đất nước thiêng liêng.■

Phong Sơn

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN