Màu sắc trong tranh dân gian Đông Hồ

Từ thuở lọt lòng, ta đã quen với giọng ru hời mát ngọt của mẹ hiền, với tiếng võng đưa kẽo kẹt êm tai, thoang thoảng hương sen trong gió. Và cũng từ ấy, ta sống tươi tắn trong xanh ngát của cỏ cây, trong bao la dìu dịu của sông hồ, trong rực rỡ của hoa và trái chín, trong mịn màng của trăng ngần và ngoạn mục những buổi chiều quê.

Lời ca và sắc màu ấy lắng đọng, âm vang. Nó vương vấn, quấn quýt tạo nên cá tính cho cả một dân tộc, một vùng trời đất. Những dòng tuyệt bút, những tích tuồng chèo, những đồ chơi dân dã, những món ăn dân tộc. Cũng rộn ràng, ấm nồng màu sắc và lời ca. Chiếc thắt lưng nõn nà, cái nón thúng quai thao, dải yếm đào… là hình dáng rất Việt Nam, duyên dáng nên thơ.

Người Đông Hồ đã hiểu, đã có cách nhìn và dùng màu độc đáo như thế từ lâu đời. Cùng với lối bố cục táo bạo, màu sắc Đông Hồ đã biết gợi cảm một cách khôn ngoan, đột ngột mà thích thú, tượng trưng mà cô đọng, điển hình.

Mã Đông Hồ gấm thêu hoa quyện

Cầy làng Lê dựng nghiệp nông gia.

Một cuốn địa dư, phong thổ từ cuối đời Lê đã viết về nghề nghiệp Đông Hồ như thế. Lộng lẫy nhưng đôn hậu, đó là đặc trưng của màu sắc Đông Hồ từ ngày nhuộm giấy làm đồ vàng mã, gấp hoa, bồi phỗng. Nghề này đã nổi tiếng một khi: Mã Đông Hồ, đồ Bến Chọi.

Đông Hồ còn có tên là làng Mái (Đông Mai), nằm xuôi dòng sông Đuống quanh năm nước đỏ phù sa. Từ lâu, cái làng nhỏ bé, “có lịch, có lề” ấy, đã đi vào tình cảm của người dân quê hương như một kỷ niệm nặng nghĩa sâu tình. Những chợ phiên giáp Tết, những chuyến thuyền cập bến ăn tranh, mãi mãi là hình ảnh không phai mờ. Không còn một trăm hộ nhà tranh và vài ba nóc ngói, dân và làng Đông Hồ đã nói với ta cái thanh đạm của một nghề thủ công xứ Bắc, nói với ta cái chí hướng “sinh vì nghề, tử vì nghề” của người xưa. Nhiều người đã bảo, nghề làm tranh Đông Hồ chỉ là một nghề nông nhàn nhã nhưng ông già bà cả ở Đông Hồ thì nghĩ ngược lại. Từ hàng trăm năm nay, người Đông Hồ đã là những thợ thủ công chuyên nghiệp. Thóc gạo từ Vàng, Chẹm lên nuôi thợ Đông Hồ. Bút mực từ Tư Thế đến tô vẽ tranh Đông Hồ. Gỗ, màu từ núi rừng xuôi xuống. Điệp sò từ biển ngược lên.

Tranh Đông Hồ “Rước rồng”

Bóng dáng của làng Đông Hồ cũ chỉ còn lại ven sông với những tấm bia ở chùa làng. Tấm bia như muốn nói với ta một niên đại tương đối của làng và một dòng suy tư táo bạo; đôi chuột đang hăm hở giã gạo trong vầng nhật nguyệt trên một trán bia. Tình cảm của người bình dân, qua tay người thợ Đông Hồ đã sáng lòa như chân lý.

Tranh khắc gỗ Đông Hồ mộc mạc, chân chất, không tinh vi như tranh khắc gỗ Nhật Bản, không rực rỡ chải chuốt như tranh khắc gỗ Trung Quốc. Nó mang theo cái giản dị, tươi sáng, chân thật như củ khoai hạt lúa. Chính vì vậy nó rất khỏe khoắn, lạc quan, đầy sáng tạo. Dòng tranh này có từ lâu đời nhưng phồn thịnh nhất ở hai thế kỷ XVII-XVIII.

Tranh khắc gỗ Đông Hồ có nhiều đề tài:

– Chúc tụng: Thể hiện mơ ước ngàn đời của người lao động (cơm no áo ấm, cửa nhà sung túc, làm ăn thịnh vượng, con cháu đầy đàn).

– Lịch sử: Ca ngợi những anh hùng dân tộc, phản ánh những chiến công hiển hách trong quá trình giữ nước và dựng nước.

– Tranh thờ: Vẽ theo lễ giáo, phong tục và các y môn, câu đối.

– Tranh truyện: Đề cao chủ nghĩa nhân đạo, ca ngợi chính nghĩa, giáo dục đạo đức.

– Tranh phương ngôn: Minh họa sinh động gương tốt của người xưa, chứa đựng những triết lý sâu sắc.

– Tranh cảnh vật: Nói lên lòng yêu quê hương đất nước, hoa cỏ tốt tươi.

– Tranh sinh hoạt: Phản ánh công việc đồng áng, các trò vui, bài trừ hủ tục, châm biếm lẽ đời.

Tranh Đông Hồ phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Ngoài những tranh có bản khắc, nghệ nhân Đông Hồ còn tùy cảm hứng mà ứng bút ngay tại chỗ. Loại “độc bản” này chúng ta chỉ được nghe nói lại.

Cái độc đáo của màu sắc tranh dân gian Đông Hồ, là nghệ nhân đã biết sử dụng và khai thác kho nguyên liệu vô tận từ thiên nhiên, vừa dễ kiếm vừa rẻ tiền. Phải có một sự lao động thông minh, sáng tạo của rất nhiều thế hệ thì mới có một bảng hòa sắc nhuần nhuyễn như thế. Của kho thì vô tận nhưng đâu dễ chiều lòng người, hơn nữa lại là người làm nghệ thuật. Công việc tưởng là đơn giản nhưng quả công phu.

Những ai yêu màu sắc Đông Hồ, hãy cùng tìm hiểu kỹ thuật chế biến và ngôn ngữ một số màu thường gặp trên tranh:

– Điệp: lung linh óng ả, biểu hiện sự trong trắng thanh cao như tâm hồn dân Việt đã trải 4.000 năm dựng và giữ nước, lớp lớp anh hùng, hào kiệt làm nên những trang sử oanh liệt.

Để có được màu trắng của điệp, người Đông Hồ đã đến vùng biển Quảng Ninh. Điệp không phải đâu cũng có, không phải điệp nào cũng dùng được. Người quen nghề, cầm nắm điệp trên tay như nhà địa chất lành nghề. Họ phân loại ngay tốt xấu, đã dùng được hay chưa dùng được. Điệp nằm trên tranh Đông Hồ phải qua sàng lọc, xay giã, rây mịn. Nấu điệp sao cho vừa phải. Điệp non, giấy ẩm, khi in, điệp lên từng mảng. Già hồ, giấy bị cong đanh mặt, điệp rụng.

Mùa hanh khô là mùa bồi điệp. Gió hanh và nắng rất cần đối với điệp. Như một phép thần màu nhiệm nào đó, điệp nhốt nắng lại trên giấy, bắt tỏa sáng ra muôn nhà trong những ngày đông tháng giá.

Cầm “thét thông” (chổi lá thông) trải điệp đều trên giấy dó lụa, những nét thông để lại dấu ngang, dấu dọc như những đường bừa trên ruộng, như thớ lụa được dệt trên giấy dó, như bầu trời yên tĩnh đêm trăng lấp lánh những vì sao của tinh thể điệp.

Có ai nghĩ đến công phu sáng tạo tuyệt vời ấy khi cầm trên tay một tờ giấy điệp? Chỉ riêng tờ điệp ấy đã đáng liệt vào loại công trình tuyệt mỹ.

– Màu vàng hòe Đông Hồ dịu dàng mà ấm cúng. Đó là màu tượng trưng cho sự no đủ, tươi vui như biển lúa vàng dập dờn, trĩu hạt xây bông. Đó cũng là màu của cây rơm, mái rạ quen thuộc và còn đòng trĩu tấm áo, vuông yếm sồi của mẹ già tần tảo.

Để rút chất vàng từ hoa hòe ra, khi sắc hòe cho thêm lá chua, rồi đun đều lửa trong một số giờ nhất định. Để dùng lâu dài, nước hòe được trộn với điệp phơi khô vài lần. Ta được loại điệp màu vàng, gọi là vàng cái, để bồi và in tranh. Giống như trong hình tượng văn học, hòe được dùng với ý hiển vinh, thành đạt. Nước hòe trong tranh dân gian Đông Hồ đã tôn thêm vẻ cao quý của nhiều loại tranh chúc tụng, cảnh vật.

– Đỏ vang quen thuộc với thẩm mỹ dân gian trong những ngày hội hè đình đám, cưới xin. Màu đỏ tưng bừng, náo nhiệt ấy không thể thiếu được trong những ngày vui. Tục ngữ ta có câu “đỏ như vang, vàng như nghệ”. Tuy cùng với [cây] vang tạo nên sắc màu thân thiết với người Việt Nam, nhưng nghệ không phải là chất liệu in tranh, chỉ là một món gia vị ngon lành.

Vang là loại cây thân gỗ có quả cứng, hoa vàng. Từ thân cây cong queo như cò quăm ấy, người Đông Hồ đã chẻ nhỏ, cho vào nồi đun, rồi gạn lấy nước đặc, đun suốt ngày đêm, tuy gỗ không mềm nhưng được nước vang đỏ tươi. Để màu có nhiều phong độ, nước vang được đem trộn với sơn ta, tạo thành màu đỏ gấc. Thêm chút phèn đen, ngả màu tím. Tím cộng với chàm ngả sang màu nhiễu. Người ta bồi nhiều ngả phẩm hồng làm giấy thông tu (màu như gỗ gụ). Màu phải bồi đi bồi lại nhiều lần để tạo ra sắc mới, không thể pha trực tiếp được.

Người Đông Hồ đã dặn lại khi nấu gỗ vang:

…Cò quăm mà ở trên rừng

Đem về nấu nướng tưng bừng suốt đêm

Hết nước thì lại đổ thêm

Một trăm gánh nước không mềm cò quăm…

Còn nhiều màu nữa. Mỗi màu được tạo ra là cả một quy trình kỹ thuật với phương tiện hết sức thô sơ. Màu đen của than lá tre, màu xanh của rỉ đồng. Màu nâu của sỏi. Màu tím của chàm. Người Đông Hồ gọi nôm na tên chất liệu tạo ra màu thành tên màu chứ không bao giờ gọi theo tên người tìm ra nó, như phong cách Châu Âu.

Về Đông Hồ, ta được gặp một sự hội ngộ thú vị, bất ngờ: màu sắc trên mọi miền Tổ quốc tụ lại trên tờ tranh. Điệp, sò từ biển cả. Vang, chàm của rừng. Sỏi đá trung du. Than, hòe đồng bằng. Lại còn loại giấy dó in tranh nữa. Loại giấy này từ Đống Cao (Yên Phong, Hà Bắc) hay vùng Bưởi (Hà Nội) mang về. Nó có loại mỏng như lụa (giấy bóc một), lại có loại dày như bìa (giấy bóc bốn, bóc năm). Giấy dó xốp, thấm mực, bền và dai, màu vàng ngà, mềm mại, lả lướt, thật phù hợp với màu sắc và phong cảnh của tranh dân gian Đông Hồ.

Nghệ nhân Đông Hồ không dùng dao khắc ván in mà dùng ve (đục): loại ve móng, ve thẳng, và ve dẫy. Mỗi loại như thế có năm, sáu cái to nhỏ khác nhau. Bản nét được khắc trên gỗ mít, gỗ thị. Bản màu khắc trên gỗ dổi, gỗ vàng tâm. Vì không dùng loại gỗ lồng mực mềm, nên chỉ có ve mới trị nổi các loại gỗ cứng trên. Gỗ để khắc phải xẻ trước một, hai năm để cho dóc mới dùng. Ván phải để phía vỏ cây ra mà khắc. Khi in, ván bị nước mà không vênh, không cong. Mỗi màu in là một ván khắc.

Nét khắc Đông Hồ sâu (độ một đốt ngón tay), đứng thành vại, chặn xong mới dãy nền, dãy hết nền mới lấy nét. Người Đông Hồ lại có lối đánh dấu trên ván để khi in ba bốn màu không bị trệch, đơn giản mà chính xác, có lẽ lối in ngày nay không sánh kịp. Những ván khắc tranh sẽ trở thành tài sản để cho con cháu đời sau. Con gái đi ở riêng, của hồi môn cũng chỉ là ván khắc. Cho nên gỗ tốt, khắc sâu, còn có nguyên nhân ấy. Ván in xong được cọ rửa cẩn thận, được hong trên gác bếp, nên đỏ như đồi mồi, nét cứng như sừng.

Tranh Hàng Trống in ngửa ván, nét khắc chỉ làm cữ, màu in là phụ, chủ yếu màu tô bằng tay. Đông Hồ lại in úp ván (như đóng dấu). Sau khi đã úp tay co (đập màu lên bìa), in ván trên giấy mới để ngửa ván, dùng xơ mướp xoa đều cho thấm màu. Nếu bị ghẻ màu, phải in lại. Cho nên lúc sai sót về cách in, hầu như không thể có đối với người làm tranh.

Thợ thủ công làng Đông Hồ khắc ván để in tranh. Ảnh: Langvietonline

Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là một bản giao hưởng, ngân vang bằng màu sắc, mà chất lãng mạn là đường nét, là bố cục, cách in và chất liệu.

Gần đây, màu hóa học tràn lan nhưng làm sao có thể thay thế được vẻ đẹp nhuần nhụy, đôn hậu của màu sắc cổ truyền. Tuy vậy, trong một chừng mực nào đó làm phong phú thêm hòa sắc mới trong tranh Đông Hồ: son, tía, lục, liên dương thanh, đan da[1] và mở đường cho loại tranh mới ra đời: tranh in phẩm và tô tay. Làm theo cách này, tranh sản xuất được nhanh, nhiều, rẻ, mở rộng thị trường tiêu thụ… Một số người đã lợi dụng tranh làm phương tiện buôn bán “một vốn bốn lời”, cho nên làm còn cẩu thả, màu sắc tùy tiện, lạm dụng. Chắc chắc, hiện trạng này sẽ được sớm chất dứt.

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Om sòm trên vách bức tranh gà

                             (Tú Xương)

Nghệ nhân Đông Hồ đã cùng người và vật tượng trưng để tạo nên những tranh chúc: câu chúc gắn liền với hình vẽ, hình vẽ gắn liền với màu sắc. Trên bức tranh “gà đàn” chẳng hạn. Với ý nghĩa chúc cho thiên hạ đông con nhiều cháu sum họp đề huề… người ta đã bố trí gà mẹ đứng chính giữa, ung dung, đĩnh đạc cắp mồi. Mười chú gà vây quanh, tươi vui, thoải mái, tung tăng.

Màu vàng hoè của nền, gợi sự no ấm. Những nét chổi thông quét điệp chạy ngang trên giấy dó, khi sôi nổi, lúc trầm lặng gây một không gian thanh bình, êm ả. Xanh rỉ đồng rộn rã. Nâu sỏi sâu lắng chuyển động như những nét nhạc bay bổng, phối hợp với đường viền đen chắc nịch, hân hoan như tiếng trống chèo đêm xuân, trọn vẹn duyên tình.

Tranh “gà đàn” là một bài thơ trữ tình bằng màu sắc và đường nét, chứa chan tình người và tình yêu cuộc sống. Họ hàng với “gà đàn” còn có đại cát, gà thư hùng, gà trống, gà gáy…

Đón xuân anh thích treo tranh

Vách tím tranh lợn, vách xanh tranh gà,

Tranh Đông Hồ “Gà đàn”

Lợn dắt nhau vào nghệ thuật tạo hình; từ những tượng lợn bằng đất nung (Yên Lạc, Vĩnh Phú) đến tượng gỗ chạm (Tùng Thiên, Hà Tây) và lợn đàn, lợn độc, lợn ăn ráy ở Đông Hồ.

Bức tranh lợn ăn ráy trải trên nền gấc rực rỡ, gợi cảm đầy đủ về sự tưng bừng, nô nức, vừa thực tế vừa thần thoại. Đó là loại tranh đặc tả, là bức chân dung lợn hóm hỉnh hoàn chỉnh: hình như, khi nhìn vào bức tranh, ta được một mối giao cảm của nghệ sĩ truyền cho. Hình tượng ấy đang chuyền hộ tác giả lời chúc tụng chân thành, đầy tình nghĩa.

Có ai đó, chê bố cục chật chội. Thật oan uổng. Khung tranh được giả định làm chuồng – mà chuồng lợn nhà nghèo, của cung cách sản xuất tiểu nông. Rõ ràng là tại chuồng chật chứ đâu phải lợn to. Vậy nên, ta dễ dàng vui vẻ bỏ quá đi cho cái tưởng như vô lý ấy mà lại rất dễ thương, rất đôn hậu.

Ở đây, một lần nữa ta lại gặp điệp. Điệp trắng in chồng lên gấc ở mình lợn, tạo ra màu hồng tự nhiên, khiêm nhường nhưng vẫn mơ màng, láng bóng và thanh thoát. Màu nâu đất chắc chắn, chạy từ gốc ráy lên lưng, đọng lại phía sau đùi lợn như mở ra để rồi quyện chặt lấy xanh rỉ đồng từ góc tay phải qua bụng, đuôi, xoáy âm dương và tỏa ra trên lá ráy. Màu xanh rỉ đồng vì thế mà có duyên thầm. Tất cả màu xanh khác, như xanh non (vert clair), xanh già (vert foncé), xanh bèo (vert émeuraude), đều bị bật ra ngoài. Thế nên, màu sắc tưởng như nghèo nàn đơn điệu nhưng vì biết sử dụng tài tình khôn khéo nên khiến ta không thể cho thêm hoặc bớt đi bất cứ màu nào ở bức tranh này. Chỗ nào, mảnh nào cũng vừa phải, có cân nhắc, suy tư, không rườm rà, rắc rối, không tẻ nhạt sơ sài.

Tranh Đông Hồ “Lợn ăn cây ráy”

Đuôi xoáy âm dương và đuôi hình lá vá trên mình lợn mang ý nghĩa tốt lành, giàu tính trang trí và giàu chất thơ. Màu đen, chỗ nặng, chỗ nhẹ ý vị sâu xa. Đường nét ấy đã giữ vai trò kết thúc, hóm hỉnh như câu kết của bài ca dao cổ hoặc ngân nga như một tiếng đàn.

Nghiêng nón em vào xem keo võ

Ai khỏe nhiều, em quý em yêu.

Như đã nói, màu sắc được dùng trong tranh Đông Hồ không nhiều, thường chỉ vài ba, bốn màu nền và nét. Nhờ luôn thay đổi sắc độ màu chu đáo, biến hóa khôn lường nên ít đã hóa thành nhiều, đơn giản thành phong phú. Bức tranh “đánh vật” chỉ với mấy màu mà rất độc đáo, gây ấn tượng bất ngờ, đột ngột, sửng sốt mà lý thú.

Vật là môn thể thao dân tộc, một nét sinh hoạt phổ biến của quần chúng trong những ngày hội xuân. Ở Hà Bắc có một truyền thống vật nổi tiếng và có nhiều lò vật tiếng tăm (Tri Nhị – Gia Lương). Đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng xưa có tượng hai ông Đá Rãi – hai đô vật nổi tiếng.

Khi hồi trống hùng dũng vang lên, các võ sinh đóng khố, đầu chít khăn bỏ tua, xếp hàng ngay ngắn rồi xe đài, rồi vật. Tranh đánh vật đã chộp đúng lúc ba đôi đang vào miếng : “bá tay tư” “sang sườn” “gồng vai nắm thắt lưng” để cho nhau “lấm lưng trắng bụng”. Tranh được bố cục theo mũi nhọn tiến công. Khung tranh là sới vật. Vai đô vật chạm chân vào vòng sới, mà vẫn đúng luật lệ. Hai đô chờ đến lượt đang nhấp nhổm, mắt nhìn nhau, thăm dò, dưới hai tràng pháo. Cái khỏe khoắn, chắc hẳn không kém thua sức lực các dũng sĩ thành A-ten. Ta nhìn thẳng hay nhìn nghiêng, các đô đều vững chãi, sôi động mà mềm mại lạ lùng. Nét bút thẳng căng, không chút đắn đo, ngập ngừng.

Tranh Đông Hồ “Đấu vật”

Màu của tranh tinh giản đến mức tối đa, dường có gì đáng nói. Khi nhìn kỹ, nền tranh lấp lánh ánh điệp, như một bức khảm trai sôi nổi. Tám đô vật được phết đều một màu hồng của da thịt. Màu hồng ấy lại chảy nhẹ trên khung, đề phân chia đấu trường với khán giả. Nét đen lung linh chập chờn trên từng khuôn mặt, dáng đứng của các đô thanh thoát, thẳng thắn gợi thế mạnh của từng đấu thủ.

Chính màu sắc đơn giản, đáng quý này đã được bàn tay điêu luyện của nghệ nhân dùng đúng lúc, đúng chỗ, đã phát tung mọi lề thói thông thường. Phép dùng màu ở đây giống như binh pháp Tôn Tử, lui một bước để tăng giá trị bất ngờ cho toàn bộ tác phẩm. Nó đã mang tính nghệ thuật hết sức độc đáo, táo bạo vô cùng.

Nhìn một cách tổng quát, tranh Đông Hồ có một phong cách riêng biệt. Nền tranh là màu rực rỡ, sáng trong để các màu khác khi in lên tươi vui, trong trẻo. Màu sắc được dùng như một cái gì tượng trưng gợi cảm, từng màu đều có quy ước, giống như niêm luật trong thơ ca. Màu sắc còn được dùng nguyên sắc, không pha trộn ở ngoài, có chăng chỉ được chồng màu khi in.

Trong mỗi bức tranh, tuy màu chủ đạo được sắp xếp cạnh nhau ba đô màu: sáng (hòe, điệp), trung gian (hòe, đan da, vang), đậm (sỏi, chàm, rỉ đồng) rồi cộng với nét đen chắc chắn.

Màu trong tranh chuyển động nhịp nhàng, kết hợp với lối in chồng màu của khắc gỗ, tuy đơn giản mà vẫn phong phú.

Ngày nay, do một vài yêu cầu nào đó, để thuyết minh hoặc giới thiệu tranh Đông Hồ, người ta đã dùng cách in hiện đại (typo, offset). Làm như vậy cũng cần thiết nhưng không phải là việc làm để thay thế.

Dòng tranh dân gian Đông Hồ đang hồi phục lại. Những tờ tranh đậm sắc màu và tình cảm dân tộc lại có mặt khắp các vách nhà, các phiên dư ngày xuân đến. Tranh Đông Hồ còn được giới thiệu ở nhiều nơi.

Tâm hồn trong sáng, lạc quan, lòng tin yêu đằm thắm, đã truyền từ suy nghĩ, từ bóng hình của tranh Đông Hồ đến ta. Chúng ta “Học xưa là vì nay, học cũ để làm mới” là vì thế.■

Nguyễn Thuần

(trích “Hà Bắc ngàn năm văn hiến” tập 2, 1974)

 

Chú thích:

[1] Màu da được pha từ Hoàng đan (một vị thuốc bắc) và điệp, BTV

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN