Chữ “lễ”

Từ xa xưa, cha ông ta đã xem lễ nghĩa là cái gốc để hình thành nền tảng đạo đức xã hội. “Tiên học lễ, hậu học văn” – châm ngôn này không chỉ được đúc rút từ các thư tịch kinh điển của Nho giáo, mà còn trở thành lẽ sống cho biết bao thế hệ, và vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Trong bài viết in trên báo Thanh Nghị, số 44, ra ngày 01 tháng 9 năm 1943, nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý đã luận bàn rất rốt ráo về chữ lễ trong văn hoá Việt Nam xưa và nay. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại để độc giả cùng đọc và suy ngẫm.

Đi học để làm gì?

Lâu nay, quen lắm rồi, hễ hỏi một em bé, một người lớn nữa, thì vọt ngay ra một câu đáp: “Tôi đi nhà trường để học đọc, học viết và học tính”. Nếu đi học mà để chỉ có thế thôi thì ai cũng phải ngẩn ngơ. Nếu “đọc, viết, tính” là trọn cả việc học tập thì ba cái bùa ấy đã đủ cho người ta chưa? Nếu mục đích học có thế thì học đã có nghĩa lý chưa? Sắm cho một người một cái chàng, một cái đục, cái bào nữa, đủ làm sao cho người ta thành một người thợ mộc. Không khéo chẳng nên đồ gì, mà còn đứt tay mình, đứt tay người nữa. Người ta bảo rằng “người khác loài vật là ở tư tưởng”. Chúng ta lại thấy rằng “người khác loài vật ở chỗ biết lễ” (Lễ ký). Vì đó mà việc dạy dỗ hãy lễ đã, văn cũng còn ở sau.

Đem loài vật ra mà nói, vì cũng là những vật sống trong đời, ta muốn nói rõ ràng rằng ta là người, ta không phải như các vật. Khác ở chỗ nào chứ? Khỏe không bằng voi cọp, hươu nai còn nhanh hơn, sống lâu cũng kém con rùa. Hơn chỉ có chỗ là người biết cách làm người, ăn ở ra người, ra người biết lễ làm người.

Đời xưa, một ông vua ra oai, đem quân áp đến nước Lỗ, thế mà rồi không dám đánh, than rằng: “các nước lễ nghĩa, không nên đánh”. Một ông vua hỏi bầy tôi: “Trọng Ni – Khổng Tử – là ai thế?”. Bầy tôi tâu: “Đó là một người biết lễ”.

Lễ là cái gì vậy, mà có cái sức ngăn cản đám thiên binh vạn mã? Lễ là cái gì vậy, mà đủ làm giá trị nhất định cho một người? Không phải nể dân biết lễ mà không đánh, đánh vào lấy thua về mình; vì dân biết lễ, biết yêu nước yêu nhà, dễ đem tính mạng mà ném ra vì nghĩa, đánh khó được. Người biết lễ, biết cư xử, nhìn rõ việc, rõ đời, là người khá.

“Lớp học thư pháp”, tranh của họa sĩ Thang Trần Phềnh (1895-1972)

Thế thì, có phải lễ không, khi đem biếu người ta mấy bao chè mà không đựng chè? Có phải lễ không, khi lạy lục người ta để mà cầu cạnh? Chúng ta đã mắc lầm một cái nghĩa giả dối, một cơ nguy. Xét cho kỹ ra, lễ chính mình, rồi đối với người. Lễ vì mình đã. Ăn mặc, tập luyện nghiêm chỉnh, rồi giao tiếp với người cho xứng đáng. Chính mình đã, vì thế phải sạch sẽ, phải ngay ngắn, phải tự mình trọng cái phẩm cách mình, rồi ra đối với mọi người, cư xử theo lẽ phải, trên có phép với người trên, dưới có phép với người dưới, đáng làm thế nào thì làm thế ấy, việc thế nào thì xử thế ấy, không nhầm lỗi để đến nỗi hỏng việc, không rẻ mình để cho người ta khinh được mình. Ăn có lễ, mặc có lễ, đi đứng có lễ, làm việc có lễ, giao tiếp với người có lễ, mà ngồi một mình cũng giữ lễ. Người quân tử cẩn thận khi ngồi một mình, lúc nào cũng như có mười mắt trông mình, mười tay trỏ mình, cốt cho không nghĩ đến điều tà.

Lễ không phải là cái bó buộc người ta, nhưng từ trên đến dưới đều phải theo, thì kẻ kém đạo đức cũng có thể do hình thức khuôn phép mà giữ được nhân, được hòa, theo được đường con hiếu, cháu hiền, tôi trung của nước, người ích với đời vậy. Đào Duy Từ thấy chúa quên lễ khi tiếp mình, không vào, là không muốn để cho chúa phải hỏng việc. Sứ Tầu đến cửa Tập Hiền không xuống ngựa, Thọ Xuân Vương lấy lễ ra trách, không để cho người ngoài khinh được mình.

Lễ là cách cư xử một mình và với mọi người, khiến cho người ta ăn ở với nhau được thỏa đáng, có thế thế giới mới mong hòa bình lâu bền được. Những nông nỗi nghiêng ngửa, tan nát lúc này, gốc cũng là vì người ta không theo lễ, ăn ở với nhau không lấy nhân nghĩa đạo đức làm trọng. Người ta không nói rằng “đi học để tập lễ, tập làm người biết cách ăn ở cho phải đạo giời, biết làm việc”. Vì lễ đã gồm cả những cách cư xử mình với mình, mình với người, nên khu vực lễ rộng lắm.

Chu Công làm sách Chu lễ sắp đặt việc dựng nước trị dân. Quyển lễ này là một “sách chính trị” coi dân là gốc của nước, vua lấy dân giàu làm giàu, lấy dân mạnh làm mạnh; theo phép của Tam Đại mà coi trọng không có gì hơn dân, đến nói rằng: ngoài việc dân không có việc vua nữa, vua tôi cùng đức, khiến cho nhà Chu có được tám trăm năm chí trị, thật là nhờ sách Chu lễ sắp đặt, gốc ở yêu dân chớ không cướp dân, vì dân chớ không phải vì thân, gia, vì con, cháu.

Một trang “Lễ ký” (“Kinh Lễ”) bản chữ Hán trước năm 907. Ảnh: Wikipedia

Vận Chu suy, Khổng Tử ra, thấy phép không được thi hành, lòng người đã bạc. Ngài viết sách Lễ ký, một quyển sách ta có thể gọi là “sách luân lý”. Phép nước đã kém, có thể dựng lại được là ở lòng người. Thầy Khổng nối sách Chu lễ mà nói về đạo làm người, tất cả quyển lấy một chữ kính làm gốc. “Vô bất kính” – không cái gì là không phải làm một cách kính cẩn. Từ thân mình, từ tâm mình, đến việc mình, không có một tơ hào nào là không kính. Lấy đó có thể theo khuôn phép mà sửa được mình, trị được nước.

Sách Lễ ký còn có những lẽ vua tôi, cha con, anh em, việc giáo dục, tình thầy trò, ăn ở chỗ làng mạc, việc học âm nhạc, việc tập bắn, nói rõ cái ý nghĩa bốn lễ trong đời người ta (quan, hôn, táng, tế). Đến đời sau có ông Văn Công làm sách Gia lễ, để rõ ràng phép tắc, lề lối của các thống lễ và quan, hôn, táng, tế. Quyển sách này ta có thể gọi là một quyển “lễ nghi” nói rõ những cách cử chỉ lời nói, để biểu lộ rõ các đức tính, các ý nghĩa của sách Lễ ký.

Lễ nghĩa là con đường làm người. Vì vậy lễ nghĩa bỏ thì lòng bạc, nước yếu, đời nguy. Chúng ta đem cái nguyên ý của mấy lễ trọng mà đặt vào những cái hình thức bấy giờ xem đã sai lạc đến thế nào để mà liệu chữa. Đã hay rằng hình thức không trọng bằng tinh thần, song hình thức sai lạc có thể làm cho tinh thần mòn mỏi đi. Hình thức có thể tùy thời mà thay đổi, song không thể đổi đến nỗi làm sai được ý nghĩa; đã không ý nghĩa thì lễ nghi nào cũng là trò đùa thôi.

Quan

Quan là lễ đội mũ, một lễ có ý nghĩa rất hay về đạo làm người. Đáng tiếc quá, lễ này không mấy nhà giữ được nữa. Còn một chỗ, là trong phương pháp Hướng đạo, còn dùng lễ ấy. Người tráng sĩ vào núi theo thầy học đạo và luyện võ, khi thành tài rồi làm lễ “hạ sơn” để xuống núi giúp đời. Hướng đạo sinh ngoài hai mươi tuổi, khá đủ đức tính và tài sức rồi thì làm lễ “lên đường”, anh em đưa tiễn, bước lên đường đời để tìm một tôn chỉ cao thượng mà phụng sự, làm công việc của người quân tử, kẻ tráng sĩ.

Khi lễ quan còn thịnh thì con trai bé để trái đào, theo mẹ; hơi lớn lên thì bới tóc, làm lễ cài trâm trong gia đình. Đến lúc mười bảy, mười tám, hai mươi, mới cho làm lễ đội mũ ở nhà ngoài. Người ta ăn mặc đủ quần áo rồi mà chưa đội mũ là chưa ra lễ. Cho nên đội cái mũ vào là bắt đầu vào lễ vậy. Làm lễ đội mũ, rồi mới đặt cho tên “tự”, cho ra tiếp kiến các bậc cao tuổi, cao đức trong làng, tỏ cái ý đã thành nhân rồi. Từ đó, đối với có thể trách cứ được cái lễ làm con, làm em, làm tôi vua, tôi nước, làm kẻ ít tuổi đối với kẻ nhiều tuổi. Có đủ bốn nết: hiếu, đễ, trung, thuận, ấy mới nên người, rồi sau này mới trị người được.

Bỏ lễ quan thực là suy cho thế đạo nhiều lắm.

Hôn

Lấy lẽ cưới gả là một việc âm và dương kết hợp nên lễ làm vào lúc gần tối, vì thế gọi là lễ hôn. Đó là một lễ lớn, chớ không phải là việc báo cáo cho thiên hạ biết một sự chung chạ. Lễ “hôn” có cái ý nghĩa “kết sự tử tế của hai họ, trên thì thừa kế tổ tiên, dưới để giõi truyền con cháu”. Nghĩa chính là thế. Bây giờ ta hay nói lấy vợ là lập gia đình. Sai, chính ra thì lập gia đình là từ tổ tiên, lấy vợ là nối dõi gia đình đó.

Trong lễ hôn có nhiều nghi tiết, mỗi nghi tiết thêm một nghĩa hay: Lễ “điện nhạn”, sánh hai con nhạn, tỏ ý theo nhau suốt đời, như cặp chim nhạn. Lễ “giao bái”, vợ chồng vái nhau, tỏ ý kính trọng nhau như khách, chớ không phải coi nhau như khách, vợ chồng có kính nhau nhà cửa mới bền vững được. Lễ “Yết kiến cha mẹ chồng”: Cô dâu dậy sớm, tắm rửa (rồi tay cầm cái chổi), lên làm lễ chào cha mẹ chồng, để rõ đạo làm dâu, hầu hạ cha mẹ chồng. Rồi đến lễ quan trọng nhất, lễ “yết miếu”, lễ nhà thờ tổ tiên, tỏ ý nối dõi tôn đường. Lễ đó thành mới thành vợ chồng. Ý lễ này gần giống như “làm phép cưới” ở những nơi không biết thờ cúng tiên tổ.

Một đám cưới ở Hà Nội thập niên 1940 – 1950. Ảnh tư liệu

Xem một đám cưới thường bây giờ thì thấy rằng: cái nghĩa hai họ giao vui còn có, chứ đem các ý nghĩa kia thì các hình thức sai lạc đã làm cho quên dần đi. Đã hiểu nhầm “nối” gia đình ra “lập” gia đình, nên cần sắm giường đẹp hơn là lễ tiên tổ. Đến nỗi rằng lễ “yết miếu”, cái lễ trọng nhất đã thành ra một trò vui. Chú rể mặc áo ngắn, lễ ngượng nghịu, nửa cúi, nửa ngửng một cách buồn cười, cô dâu che miệng cười khúc khích, trong khi các bạn phù dâu, phù dể chỉ thiếu một trò vỗ tay.

Lễ đã không trọng, việc không ra một việc quan hệ, thiêng liêng, không nhớ ý nghĩa, chỉ cần thỏa thích. Đó là cớ của những nỗi tan nát.

Tang

Việc tang lại còn sai lạc nữa. Nói thế không phải là nói chuyện cái gậy, cái mũ, áo sô, áo gai, chúng nó chỉ là một phần hình thức thôi.

Hãy so sánh hai đám tang.

Nhà Nho có thói “hậu táng”. Ý là đấng sinh ra ta, không nỡ thấy lấp ở nơi ngòi rãnh. Ơn sâu thì phục nặng; vì nhớ ơn, vì tình cảm mà thế. Không phải là hậu táng thì phải làm tốn nhiều tiền, cứ tùy sức nhà. Thầy Mạnh, cha mất lúc còn hàn vi nên chỉ làm được nhỏ; mẹ mất lúc đã làm nên, hóa làm được to. Hậu ở chỗ hết lòng.

Người ngoài không biết tục ta, ý nghĩa của ta, cho đám tang ta là vui, vì có lộ bộ, có kèn trống, có uy nghi. Vì thế này, chúng ta theo Nho, coi chết như là một cái về thôi. Người trăm tuổi, hay kém, sau khi đã làm trọn việc đời mình, coi cái chết như về, không lo lắng, không phiền não. Giữ mình hết sức cho sống là một việc lớn, nhưng phải chết thì không phàn nàn. Lần đi này là lần cuối cùng, nên con cháu dự cho đủ những lễ nghi, những hành trang, để cho cha mẹ sau khi làm hết việc đời, đi về với tiên tổ.

Đám ma các ông có hai cái biển khắc chữ “Trung, tín”, các bà hai chữ “Trinh, thuận”. Vẫn sắm đem theo, cho đủ, cho đẹp mắt, mà ít hiểu vì cớ gì. Là thế này: một người đã có công với nước, khi mất đi, Vua ban cho tên “thụy” để ghi công. Đó là một sự vẻ vang. Việc tang là việc trọng, cho nên mỗi người dân, dù không giúp nước rõ rệt, nhưng cũng là giúp đời, khi khuất đi, nhà Vua cũng ban cho, ông là trung tín, bà là trinh thuận, bốn chữ chỉ những đức tính tốt đẹp của ông, của bà. Làm như thế nhà Vua tỏ ý ân tuất đến mỗi người dân trong nước.

Đối với người chết, đi đến nơi mồ yên mả đẹp là quý, đó là một cuộc đi vui, nên có nhã nhạc, có hành trang. Màu tang của ta là màu trắng tự nhiên, đó là vì: lòng đau xót, không nghĩ đến trang sức cho mình, mặc đồ “mộc”, chớ không chuội, không nhuộm. Hưng Đạo Vương mất, Vua Trần đi xe mộc, ngựa trắng, ra Vạn Kiếp thân lo việc trị tang. Vậy mộc là để tự nhiên, là không trang sức, chớ không phải là cứ phải chuội cho trắng, hồ cho đẹp.

Phần đau xót là phần con cháu. Con đưa cha, mẹ, không nỡ dứt đi, nên lăn đường mà ngăn, níu mà giữ lại, khóc không nên lời, đi không nổi, phải chống gậy. Rồi mà đến khóc lóc, kể lể lôi thôi, là một cái biến hình, tỏ ra thương mình chớ không thương cha mẹ.

Nói tóm lại: đám tang ta có một phần vui, một phần buồn, vui cho người đi, buồn cho kẻ ở.

Một đám tang lối mới, như thường thấy bây giờ, thì chỉ có ý tỏ cái buồn của kẻ còn, mà lại bắt cả người khuất cũng phải buồn nữa. Dùng đen làm màu tang, có khi phải đi nhuộm kíp quần áo, đó là có ý trang sức. Lại phủ áo quan một cái tạ – quan đen, bắt người chết phải tỏ ý buồn ý nhớ. Âm nhạc ảo não để tỏ lòng mình buồn, vì mình, không phải vì người chết. Khúc nhạc, màu áo có khi còn dùng để gợi cái buồn không thật. Các người đi đưa lại ăn mặc xộc xệch, nói chuyện ồn ào. Đến nỗi rằng năm lá cờ ngũ hành, năm màu, để đưa người mất về với thái cực, nơi phát sinh ra trời đất, muôn loài, cũng đem làm một mầu đen hết, thì còn nghĩa gì. Đến nỗi học lối mới, đem hoa đi, lại còn thuê vòng hoa cườm giả: che mắt thiên hạ và dứ người chết đến thế.

Những nỗi sai lạc như vậy làm cho lễ tang ra một trò nhố nhăng, không tỏ được các ý nghĩa ta vẫn có. Khi tiễn người về với thiên cổ: coi chết nhẹ nhàng và hậu táng. Chôn người chết hóa ra vị mình, hóa ra muốn đẹp mắt hộ thiên hạ.

Tế

Tang đã dùng những hình thức làm sai ý nghĩa, thì tất đến việc tế lễ giữ làm sao được. “Tế như tại”, tế ai, vị thần nào, như người ấy ở ngay đấy, vị thần ấy ở ngay đấy. “Sự vong như sự tồn”, thờ người chết như hầu hạ người sống. Đó là ý nghĩa của việc cúng tế. Vua chịu mệnh trời để chấn dân, thì vua thay dân mà “tế” trời. Con cúng tế cha mẹ là tỏ lòng thành kính. Mỗi người đều theo cái địa vị của mình mà thờ cúng. Thờ cúng không phải vị, đó là nịnh quỉ thần mà thôi.

Cha mẹ mất, con thế là có cái tang suốt đời. Ngày kỵ cha mẹ là một ngày tang. Người làm con nhớ đến lời nói tiếng cười, nhớ chí ý của ông cha, nhớ đến những thứ người ưa, coi người như còn đó, nên chay sạch mà dâng cúng. Ngày giỗ cha mẹ, ngày có tang, buồn, tơ tưởng đến người khuất, bà con họ hàng đến lễ để cùng tỏ lòng kính.

Bây giờ nhiều nhà đã để lạc mất cái ý nghĩa hoài vọng, cung kính ấy. Ngày giỗ đã gần như ngày mời khách uống rượu. Có khi mời được khách sang mới làm cỗ to, không có thì cúng gọi là. Rượu tan rồi còn hư đến cờ bạc. Một hạng người lại coi đó là một dịp thu tiền.

Tế sai thì bàn thờ khó mà bầy đúng lối. Trong gia đình chúng ta có bàn thờ là có cái ý nghĩa gia đình bền vững. Chính gian giữa nhà có ban thờ cho trên có tổ tiên, dưới có con cháu. Ngày tế lễ, nhắc công đức tổ tiên cho con cháu cố theo. Cố theo không phải là phải kém. Con hơn cha, vẫn là nhà có phúc. Làm vang tiếng tăm để rõ rệt cha mẹ, vẫn là một điều hiếu. Nhà có bàn thờ nhắc cho con cháu cố gắng mà làm nên công nghiệp, con cháu cố giữ gìn đừng làm điều bậy bạ để điếm nhục tổ tiên. Bàn thờ còn đó để bao giờ cũng nhớ luôn rằng: không có con là một tội bất hiếu lớn. Muốn tránh tội ấy thì dòng giống mới sinh sôi nảy nở. Dòng giống mỗi nhà đều phồn thịnh thì nước mới vững bền. Thờ cúng tổ tiên có quan hệ đến nước là ở chỗ đó.

Ban thờ gia tiên của một gia đình ở Hà Đông (Hà Nội) những năm đầu thế kỉ XX. Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Cúng cốt thành kính, vậy bàn thờ cốt sạch sẽ, đồ cúng cốt trong trẻo. Bàn thờ không phải là nơi bày đồ chơi, nơi khoe khách. Trong lễ thì tinh thần và hình thức thật có quan hệ với nhau. Tinh thần không có hình thức thì không rõ rệt, không vững bền. Hình thức sai hỏng thì làm tinh thần lạc lõng. Tinh thần chúng ta vẫn còn, nhưng các hình thức nhặt nhạnh một cách vội vàng đã gây thành một cái nguy lớn cho tâm trí.

***

Xưa nay chúng ta vẫn xưng là “một nước lễ nghĩa”. Nền móng văn hóa của chúng ta ở cả đó. Chúng ta khác người ở chỗ đó, tự hào được cũng ở chỗ đó. Không thể nói được rằng ở thế kỷ khoa học này, lễ không can hệ gì. Đã nói: người ta khác loài vật ở biết lễ. Có biết lễ mới biết đạo người. Đạo đức, nhân nghĩa có lễ mới tỏ được. Mọi người có đạo đức, nhân nghĩa, thì do đó mới sửa được mình, nhà được yên, nước được mạnh, thiên hạ được thái bình.

Khoa học thật cần lắm, nhưng khoa học chỉ là một cái lợi khí. Cái lợi khí ấy phải có để làm được việc trong thời này. Nhưng bỏ lễ nghĩa thì không biết cách dùng khoa học – cái đồ rất tốt ấy, nhưng cũng rất có thể có hại ấy – sẽ dùng nhầm, sẽ theo sông đục không bờ bến mà làm hại. Cảnh tượng hồi này đấy!

Làm người làm được thời phải có chí khí. Chí khí chỉ có được khi người ta có thể tin được ở phẩm cách mình. Nếu bỏ phẩm cách ta là cái cốt thì tin ở mình về cái gì? Vậy nghĩ đến lễ nghĩa thì ngoài vì thiên hạ, mà trong vì nước đó. Giữ cho văn hóa Tổ quốc bền vững, giữ cho người Nam một cái cốt cách “lễ nghĩa” cũ, giúp sức bằng “khoa học” mới.■

Hoàng Đạo Thúy

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN