Hà Nội là thủ đô, trung tâm văn hoá – chính trị hàng đầu của nước ta với lịch sử ngàn năm văn hiến. Song cũng như nhiều đô thị lớn trên thế giới, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với vấn đề xây dựng cảnh quan, văn hoá đô thị hiện đại.
Đại dịch Covid-19 vừa qua là một phép thử đối với toàn nhân loại, giúp chúng ta có dịp quan sát, suy ngẫm sâu hơn về những vấn đề còn tồn tại của đất nước và thế giới. Sau các lệnh phong toả, hạn chế đi lại do ảnh hưởng từ dịch bệnh, đường phố Hà Nội trở nên thông thoáng, thanh bình, khác xa so với thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, khi Covid-19 đã nằm trong tầm kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường; người dân tiếp tục đổ dồn về các đô thị lớn để làm ăn, sinh sống, khiến mật độ dân cư tại các đô thị lớn tăng lên nhanh chóng, trong đó có Hà Nội.
Góp phần giải quyết tắc nghẽn giao thông tại khu vực trung tâm và đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của người dân sau dịch bệnh, chính quyền thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai “phố đi bộ” quanh khu vực Hồ Gươm vào các tối cuối tuần (từ Thứ 6 đến Chủ nhật). Các tuyến phố đi bộ ngày càng được mở rộng, kéo theo nhiều hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng, phong phú. Một mặt, phố đi bộ góp phần làm giảm số lượng phương tiện và mật độ giao thông ở nơi được xem như “bộ mặt” thủ đô, tạo ra một “sân chơi” tương đối tích cực, đặc biệt là cho người trẻ. Song mặt khác, việc mở phố đi bộ cũng làm dấy lên tình trạng mất trật tự, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực. Dịch vụ ăn uống, trông giữ xe thu phí cao ngất ngưởng, “bắt chẹt” khách nước ngoài, lấn chiếm vỉa hè, xả rác bừa bãi; các quán bar hoạt động thâu đêm làm ô nhiễm tiếng ồn; dòng người chen lấn, xô đẩy tại các khu phố cổ… Tất cả đã tạo nên một khung cảnh hỗn độn cho bức tranh văn minh đô thị tại thủ đô.
Ngoài khu vực trung tâm, các điểm nút giao thông khác trong thành phố cũng thường xuyên ách tắc kéo dài, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Những công trình đang thi công kéo dài cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh; các công trình công cộng xuống cấp; nhịp sống hối hả, xô bồ; lối sống “gấp”, thực dụng cùng tâm lý căng thẳng, bất an len lỏi trong mỗi con người đô thị. Một Hà Nội yên ả, thanh tĩnh có lẽ chỉ bắt gặp vào mỗi dịp Tết, khi nhiều người dân trở về quê hương mình, trả lại vẻ bình yên, thơ mộng cho thành phố được ít ngày.
Trong thời gian qua, dư luận rất hoan nghênh công tác quy hoạch, thiết lập trật tự đô thị của chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh các dự án có tính thực tiễn cao vẫn còn những dự án gây lãng phí và đem lại hiệu quả thấp, điển hình là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Nhìn chung, nếu mỗi thế hệ lãnh đạo của Hà Nội chỉ thực hiện từng biện pháp cục bộ, đơn lẻ thì chưa thể đáp ứng kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng và phức tạp của thành phố như hiện nay. Do đó, việc đề xuất một hệ thống giải pháp có tính chiến lược, toàn diện là vô cùng quan thiết.
1. Giải pháp ngắn hạn
Lối sống, văn hoá ứng xử của người dân sống ở Hà Nội cũng là vấn đề lớn hiện nay, do dân số thường trú tăng vọt, đô thị hoá mở rộng gấp nhiều lần kể từ năm 1975. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, cơ sở đào tạo bậc nhất nhì đất nước. Dân số gốc Hà Nội chỉ chiếm một phần so với toàn thành phố. Trong đó, số người sống tạm trú từ các tỉnh đến lao động thời vụ, thương mại, học tập có thể chiếm đến 1/3 dân số thường trú, chưa kể có hàng triệu người lưu thông trong ngày từ các tỉnh vào thành phố cùng với đủ loại phương tiện.
Nếp sống thanh lịch người Hà Nội chỉ dành để mô tả về lịch sử của thành phố, thay vào đó là văn hoá, lối sống tổng hợp của người đô thị, nông thôn, miền sơn cước… phản ánh đa dạng văn hoá sinh hoạt, lối sống bao gồm cả lối sống tạm bợ, nhất thời. Nhịp sống vẫn dẫn dắt mọi người hoà với lối sống chung của thành phố trên các quán ăn, siêu thị, chợ búa, đi bộ vỉa hè và lễ hội với cách ăn nói, cách ứng xử đều rất riêng; tạo nên một thủ đô tấp nập, chật chội, xô bồ, đôi khi hỗn loạn. Đôi lúc còn có các bãi rác thải mỗi khi có lễ hội hoặc sự kiện được tổ chức ở đâu đó, khiến những người sống có văn hoá cảm thấy khó chịu, bất lực.
Với thực trạng văn hoá thủ đô hiện nay, để đạt được mong muốn của chính quyền Hà Nội là xây dựng một thủ đô văn minh, tiến bộ là điều rất khó khăn. Đây không phải vấn đề mới mà đã được nêu ra từ hàng thập kỉ nay, song các thay đổi tích cực có xu hướng giảm trong khi những hiện tượng tiêu cực lại ngày càng gia tăng, nhất là văn hoá ứng xử trong cuộc sống, xuất phát từ yếu tố nhân chủng học nêu trên. Do đó, để đạt được mục tiêu này, ta cần có một cách nhìn toàn diện, đưa ra được chương trình tổng thể bao gồm những giải pháp ngắn hạn và dài hạn, liên quan đến quy hoạch thành phố, dân cư, dịch vụ, văn hoá, các kết cấu hạ tầng cơ sở giao thông, vấn đề định chế luật pháp… Hiện nay, những yếu tố trên đều không đồng bộ. Người dân đến Hà Nội hoàn toàn không biết điều gì nên hay không nên làm, họ chỉ lựa chọn một cách cảm tính, đến và đi chóng vánh, coi Hà Nội chỉ như nơi tạm trú nên khó tránh khỏi cảnh “cha chung không ai khóc”. Đặc biệt, các tỉnh lân cận Hà Nội, các vùng nông thôn, miền núi đời sống vẫn còn khó khăn, người dân không quá chú trọng tới việc nâng cao nếp sống văn minh mà lại quen với nếp sống suồng sã, đơn giản.
Thiết nghĩ, nên đặt ra một câu hỏi, vì sao người Việt Nam khi ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia văn minh, tiến bộ tại châu Âu hay Mỹ, Singapore… lại rất nghiêm túc chấp hành luật pháp? Ta phải thừa nhận một thực tế rằng, thành phố, đô thị của những đất nước này quá chỉn chu, ngăn nắp khiến người ta không “nỡ” xả rác bừa bãi, làm xáo trộn một nơi sạch sẽ, gọn gàng như vậy. Hơn thế nữa, luật giao thông và văn minh đô thị ở cácquốc gia này rất chặt chẽ, chế tài xử phạt rất nặng, nên răn đe được rất nhiều người, đặc biệt là những người dân từ nơi khác tới. Điển hình là tại Singapore, mặc dù là một trong những đô thị phát triển, nhịp sống hối hả bậc nhất tại châu Á song đường phố luôn sạch đẹp. Ngay cả người Việt Nam sang du lịch, sinh sống hay học tập, làm việc ở đây cũng đều rèn được thói quen vứt rác đúng nơi quy định, bởi luật pháp Singapore xử lý rất nghiêm các hành vi xả rác nơi công cộng, bằng hình thức phạt tiền hoặc cấm xuất cảnh. Có thể nói, chính nhờ những quy định, điều luật nghiêm ngặt về quản lý đô thị do Thủ tướng Lý Quang Diệu ban hành mà trải qua nửa thế kỷ, thế giới mới có một Singapore như ngày hôm nay.
Do đó, việc giáo dục, phổ biến cho người dân lối sống văn minh là rất cần thiết, giúp họ xoá bỏ dần những thói quen cẩu thả, suồng sã, giảm bớt hành động theo bản năng. giúp người dân xây dựng được tác phong kỷ luật, biết chấp hành các quy định chung, hình thành nếp sống văn minh ở mỗi khu phố. Mỗi người dân cần ghi nhớ và thực hiện mỗi ngày, biến những hành vi chuẩn mực thành thói quen mới, loại bỏ thói quen cũ. Từng khu vực nên phổ cập các những quy định của thành phố cho người dân sở tại, kèm theo đó là lực lượng quản lý đô thị, môi trường, cảnh sát phải phát huy chức năng, căn cứ vào chế tài để xử lý sai phạm một cách mạnh mẽ, triệt để theo phương châm giáo dục kết hợp với xử phạt hành chính, như Singapore và các nước khác đã làm. Từng khu phố có thể thành lập đội môi trường, gây quỹ môi trường, trật tự đô thị… nhằm phát huy tốt sự chủ động, tích cực của người dân trong việc xây dựng lối sống văn minh.
Hiện nay, tình trạng thuê phòng trọ, nhà trọ tại Hà Nội cũng đang rất hỗn loạn, đặt ra nhiều vấn đề an ninh, vệ sinh môi trường, điều kiện sống… Nhà trọ phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn cho thuê, thông báo kịp thời, đầy đủ, minh bạch cho người trọ biết các quy định, nội quy của khu trọ để họ thực hiện, đồng thời quản lý tốt các vấn đề về điện, nước, vệ sinh… tránh gây ảnh hưởng đến khu vực lân cận và toàn thành phố. Sinh viên trong các khu ký túc xác tại các trường đại học cũng cần tuân thủ tốt nội quy về vệ sinh và nếp sống văn minh.
Bên cạnh các khu trọ tồi tàn, những người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ lại là một vấn đề khác của thành phố. Trong vấn đề này, Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm của Đà Nẵng những năm trước đây, cân nhắc xây dựng thêm hệ thống nhà ở xã hội, bố trí chỗ ở, cấp phát lương thực, giúp đỡ y tế, hỗ trợ việc làm… từ đó góp phần kiểm soát an ninh, trật tự, tránh hình thành các ổ tệ nạn ma tuý, trộm cắp, cờ bạc và ăn xin trên đường phố, kể cả đối với người nước ngoài.
Về các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, lễ hội, hiện nay các mô hình sự kiện này đều chưa thực sự đi vào chiều sâu mà vẫn còn lộn xộn, xô bồ với đủ các loại dịch vụ kinh doanh từ hàng ăn vỉa hè cho đến thuê xe, đồ chơi trẻ em… vô hình trung khiến bộ mặt thành phố không còn giữ được nét thanh lịch, sâu lắng vốn có của thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong thời gian sắp tới, việc ban hành, bổ sung và thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức sự kiện tại địa điểm công cộng là vô cùng cần thiết. Theo đó là các quy định rõ ràng về nhiệm vụ và trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức sở tại, kèm theo là các biện pháp, chế tài đủ mạnh. Điều này góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn nét đẹp văn hoá của Thủ đô Hà Nội.
Cuối cùng, mỗi người dân đều phải có ý thức xây dựng nếp sống văn minh thì thành phố mới thay đổi theo hướng tiến bộ. Mọi con đường vạn dặm đều bắt đầu từ một bước chân. Hà Nội có trở thành một đô thị văn minh, hình mẫu lý tưởng cho những đô thị khác trong cả nước noi theo hay không, điều đó phụ thuộc vào chính những hành động nhỏ nhất của mỗi người dân đang sinh sống trên mảnh đất này!
2. Giải pháp dài hạn
Quy hoạch thành phố chính là vấn đề then chốt của giải pháp dài hạn nhằm xây dựng Hà Nội thành một thủ đô văn minh, trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế hàng đầu cả nước. Hà Nội trước hết cần có những công trình văn hoá hiện đại, mang tầm vóc thế kỷ của riêng mình, thay vì chỉ nương vào những công trình do nước ngoài xây dựng từ thế kỷ trước. Hệ thống viện bảo tàng, không gian văn hoá, triển lãm, thư viện… ở Thủ đô hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt cảnh quan, kiến trúc của các công trình lớn, tầm cỡ quốc tế. Việc xây dựng các công trình văn hoá mới sẽ góp phần kiến tạo một diện mạo độc đáo riêng cho thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô đến mọi miền đất nước và vươn ra thế giới. Ngoài ra, Hà Nội cũng thiếu những công viên hay địa điểm sinh hoạt cộng đồng quy mô lớn, các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em… Các khách sạn 5 sao của thành phố cũng do các doanh nghiệp nước ngoài quản lý, Hà Nội vẫn chưa có một khách sạn nổi tiếng, đạt tiêu chuẩn quốc tế của riêng mình… Đây là những vấn đề quy hoạch dài hạn, cần được thực hiện bằng tất cả sự quyết tâm, tinh thần tự tôn dân tộc và một tình yêu lớn đối với Thủ đô Hà Nội.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố cũng cần có sự thay đổi tích cực trong nhiều năm tới. Hệ thống cầu đường hiện tại chưa thể đáp ứng được lưu lượng xe tham gia giao thông rất cao, do đó việc cải tạo và xây thêm các tuyến cầu qua sông là vô cùng cần thiết. Không những thế, một hệ thống tàu điện ngầm hiện đại cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán ách tắc giao thông trong thành phố, đồng thời tạo cho Hà Nội một một không gian đô thị hiện đại, tiên tiến, sánh kịp với những đô thị lớn trên thế giới.
Cuộc sống của người Hà Nội lấy tiện ích là hàng đầu, kèm theo bản tính không chịu khó đi bộ như người nước ngoài. Vì vậy mà xe máy được coi là phương tiện chủ yếu của người dân Hà Nội, nên đó là một nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông. Không thể kéo dài tình trạng này được nữa, ai ai cũng thấy hậu quả của nó, nhưng không thấy chính quyền Hà Nội có chương trình cụ thể về giảm xe máy lưu thông trên đường phố. Chính quyền thành phố cần coi đây là một chương trình quan trọng, vừa là ngắn hạn, vừa là dài hạn của thành phố Hà Nội. Ta ngó sang nước bạn Trung Quốc – trên 1,4 tỷ người – thành phố Bắc Kinh đã làm gì mà lượng xe máy rất ít xuất hiện trên đường phố?
Thứ ba, việc phân bố dân cư của Hà Nội hiện nay vẫn chưa thực sự hợp lý, dẫn đến tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, người dân ở khu vực nội đô phải sống chen chúc trong các con ngõ nhỏ… Được biết, Hà Nội đang thực hiện một lộ trình quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, định hướng mở rộng vùng đô thị ra các địa bàn lân cận, kết nối vùng nội thành với các huyện ngoại ô và các địa phương xung quanh. Đường phố Hà Nội vốn nhỏ, hẹp, mật độ dân cư lại cao. Do đó, nếu chỉ người dân chỉ dồn về sinh sống tại một số khu vực nhất định thì rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải, mất cân bằng về điều kiện sống giữa các vùng, dẫn đến tình trạng mưa xuống là ngập phố, giao thông tắc nghẽn. Cán cân quy hoạch đã và đang nghiêng dần về những khu dân cư với mật độ thưa hơn tại các địa điểm xa trung tâm thành phố. Việc xây dựng những khu đô thị đi kèm với các tổ hợp dịch vụ – tiện ích, vui chơi – giải trí, y tế, giáo dục…sẽ góp phần hình thành những “trung tâm mới”, thu hút người dân tới sinh sống, học tập và làm việc, góp phần làm giãn mật độ dân số ở khu vực nội đô.
Nhìn chung, tất cả các giải pháp trên cần phải được thực hiện trong khoảng thời gian dài, bằng sự kiên trì, quyết tâm cao độ và tinh thần nhất trí của các thế hệ lãnh đạo thành phố. “Tư duy nhiệm kì”, bỏ ngỏ các dự án dang dở sẽ không thể giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng. Thay vào đó, việc chuyển giao công việc một cách khoa học, có tính kế tục sẽ góp phần đảm bảo các dự án quy hoạch diễn ra thông suốt, đồng bộ, kiến tạo một diện mạo mới cho Thủ đô.
Hiện nay, rất nhiều người dân, đặc biệt là những người đang sống tại Hà Nội, đều mong muốn những thay đổi ở Thủ đô sớm trở thành hiện thực. Chính quyền thành phố có thể học tập kinh nghiệm từ các đô thị lớn trên thế giới để giải quyết những bài toán dài hạn và ngắn hạn của Hà Nội. Khi có sự chung tay, góp sức, đồng lòng từ các cấp chính quyền cho tới mỗi người dân, thì việc xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn minh tầm cỡ thế giới sẽ thành hiện thực trong một tương lai không xa. Chúng ta hãy cùng tin tưởng, hi vọng rằng tinh thần đoàn đoàn kết và ý chí quyết tâm của cả thành phố chắc chắn sẽ làm nên kì tích!■
Ngọc Lan
(Theo Tạp chí Phương Đông)