Báo chí năm 1930 viết về những người Cộng sản tại các phiên tòa của thực dân Pháp

Sau khi ra đời ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức những cuộc biểu tình chống thực dân Pháp ở Nghệ An, Hà Tĩnh; các cuộc đình công ở Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn… Các cuộc biểu tình của nông dân ở Thái Bình, Hà Nam… Các cuộc bãi công, biểu tình đã bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu và hàng trăm chiến sĩ Cộng sản đã bị bắt. Thực dân Pháp đã lập một loạt phiên tòa để xét xử những người Cộng Sản tại Bắc Ninh (8/3/1930), Nam Định (27/1/1931), Kiến An (27/1/1931), Sài Gòn… Các phiên tòa này đã được báo chí đương thời tường thuật khá chi tiết. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại phần thẩm vấn các chiến sĩ Cộng sản ở phiên tòa Bắc Ninh qua tờ Hà Thành Ngọ Báo, đăng liên tiếp trên ba số báo (774-776) trong tháng 3/1930 và phiên tòa Kiến An được tờ Đông Pháp tường thuật liên tiếp trên năm số báo của tháng 1-2 năm 1931. Qua đó để độc giả hiểu được tinh thần chiến đấu, hy sinh kiên cường của những chiến sĩ Cộng sản và những người dân yêu nước chống thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì thời gian đã qua lâu nên tên một số nhân vật được ghi chép trong tư liệu có thể chưa chính xác, chúng tôi xin phép để nguyên văn cho đến khi có tài liệu sẽ đính chính sau.

Cuộc thẩm vấn ở tòa Kiến An

Hồi 8h sáng hôm 27/1/1931, Hội đồng Đề hình đã họp tại Kiến An trong trại binh khố đỏ ngay dưới chân núi đặt đồn vô tuyến điện do quan thanh tra chính trị và hành chính Poullet Osier làm chủ tọa. M.Sourderval Công sứ Kiến An, Duffilho biện lý ở Hải Phòng và đại úy Guillaumin làm Hội viên. M.Staler làm lục sự và M.Duvillier vẫn giữ chức thông ngôn.

Vũ Văn Tính

Tính khai là mới có 15 tuổi không làm gì nên tội, không làm gì mà khuynh đảo được Chính phủ. Việc vẽ búa liềm là vì y không biết đấy là dấu hiệu Cộng sản nên mới vẽ.

Nguyễn Văn Đại

Đại khai rằng: “Tôi là một người dân mất nước, bổn phận là phải giúp nước ra khỏi vòng nô lệ”.

Phạm Mại (có tài liệu ghi là Mai)

Mại khai rằng: Tôi là người lính của Chính phủ thực, nhưng khi tôi sang Pháp thấy người sung sướng về nước thấy anh em bị áp chế khổ sở nên vào Đảng làm cách mệnh để giúp đồng bào.

Nguyễn Văn Mão (có tài liệu ghi là Mai) : Mão nhận có vào Đảng và khai rằng: “Mục đích để đuổi cổ người Pháp ra ngoài bờ cõi. Ai là người Nam biết cầm bát cơm ăn cũng phải làm cách mệnh không phải riêng gì tôi”.

Phạm Thị Hợi tức Hai Liêu: Ăn mặc lối nhà quê, ra trước tòa nhận có chân trong Đảng Cộng sản, vì thấy những nỗi bất bình đẳng ở đời.

Hà Bá Cang tức Bau (Hạ Bá Cang – Hoàng Quốc Việt): Cang nhận y là cách mệnh, bổn phận y phải làm, y không hề chối vì là để đánh đổ giai cấp ở đời, chống tư bản và đế quốc.

Đồng chí Hạ Bá Cang tức Hoàng Quốc Việt (1905 – 1992)

Nguyễn Khắc Khang: Khang nhận là có chân trong Đảng Cộng sản.

Trần Hy: Hy khai nhận là vô sản bị tư bản đè nén nên phải làm cách mệnh.

Hoàng Phúc Ân dit Lân: Ân có chân trong Đảng Cộng sản và có treo cờ ở trên cổng nhà pha Hải Phòng.

Nguyễn Danh Sáng: Sáng khai có chân trong Đảng Cộng sản từ tháng Sáu năm ngoái. Hôm 30 tây vừa rồi, tôi xuống Hải Phòng có gặp hai người ở trước nhà hát Tây, chưa giới thiệu thì hai người kia bảo tôi đi tống tiền, đưa xe đạp, súng lục cho tôi, 7h sáng hôm sau tôi ra đứng ở ngã ba. Tôi có cướp tiền, có bắn bốn phát súng chỉ thiên và một phát chỉ địa vì họ định bắt tôi, thì tôi phải hộ thân, chứ không định giết ai cả.

Phạm Văn Gi: Chối là không có chân trong Đảng Cộng sản, chỉ vào hội đá bóng thôi.

Trần Văn Cầu tức Loan: Cầu khai là y không có vào Đảng Cộng sản, chỉ có vào hội Cứu tế. Y nói y vào hội này là để giúp đỡ lẫn nhau chống lại bọn chủ và bọn cai, chúng thường bạc đãi. Nếu Hội đồng lấy công lý xét cho y thì y là vô tội, nếu Hội đồng muốn làm tội tôi đây thì cứ làm tội.

Nguyễn Văn Giải tức Tám: Chối là không có chân trong Đảng Cộng sản, chỉ vào hội Cứu Tế. Việc đồng bào cổ động trong nhà pha Hỏa Lò thì y chối.

Nguyễn Huy San tức Thao tức Huguste: San khai y là thợ, y có vào Đảng Cộng sản để mưu cầu hạnh phúc cho phái vô sản.

Ngô Kim Tài tức Trương tức Tàu: Tài là lính cảnh sát bị cáo chân trong Đảng Cộng sản. Tài nhận có chân trong Đảng.

Nguyễn Văn Phú: Phú khai là y không có vào Đảng Cộng sản, chỉ vào hội thể thao.

Phiên tòa sáng hôm 28/1

Chi bộ Cộng sản ở Hải Phòng

Nguyễn Thị Hợi tức Bích Hợp: Hợi nhận là có chân trong Đảng Cộng sản vì thị thấy chủ nghĩa này rấy hay, thị lại nói: “giá các ông là giai cấp vô sản như chúng tôi, tất cả các ông cũng vào”. Hỏi xong thị Hợi thì cho giải thị về nhà pha ngay. Thị Hợi trước có làm giáo học, sau lại làm cu li nhà máy Sợi.

Phạm Văn Đoài tức Cả: Đoài bị cáo là có chân trong Đảng Cộng sản làm người thông tin cho Kỳ bộ Bắc kỳ và Kỳ bộ Nam kỳ. Đoài có giữ bốn khẩu súng lục trong nhà, 5 ngày trước đã thú nhận.

Nguyễn Văn Khánh: Bị cáo là có chân trong Đảng Cộng sản, y là người giao thông của Đảng với Trung Hoa, lại giao thiệp với mấy người cách mệnh ở Thượng Hải. Khánh nhận rằng y có vào Đảng Thanh niên, Khánh làm trên tàu đi sang Pháp.

Ngô Đình Luận: Luận thú nhận có chân trong Đảng Cộng sản, nhưng chối không phải là người giao thông.

Nguyễn Văn Đệ: Đệ nhận là có chân trong Đảng Cộng sản.

Phạm Văn Tư: Tư không nhận là có chân trong Đảng Cộng sản, chỉ mang hộ một người anh em 50 quyển sách từ Nam ra Bắc.

Đoàn Văn Nghiêm tức Ninh: Nghiêm nhận là có chân trong Đảng Cộng sản, Nghiêm nói: “Tôi vào Đảng mục đích là đánh đổ đế quốc…”

Đặng Xuân Thiều tức Hồng

Thiều bị cáo là có chân trong Đảng Cộng sản, đưa tiền mua xăng để đốt Khải Hoàn Môn ở Hải Phòng, lại đưa vải để làm cờ.

Đồng chí Đặng Xuân Thiều (1909 – 1965)

Tống Phúc Chiểu: Chiểu nhận có chân trong Đảng Cộng sản, và nói: “Đả đảo đế quốc tư bản” là lẽ tất nhiên của tôi phải làm. Tôi nói thế là đủ nhận tội, các ông muốn làm gì tôi thì làm.

Bùi Hà Đăng: Nhận có chân trong Đảng Cộng sản.

Lương Văn Thiêu: Thiêu khai rằng: “Tôi không vào Đảng Cộng sản vì sau khi tôi bị bắt Đảng mới thành lập. Tôi chỉ nhận tôi có đình công tại nhà máy chai và rải truyền đơn, vì việc này đã bị kết án 18 tháng tù. Tôi tưởng thế đã là quá, không ngờ hôm nay tôi lại phải ra Hội đồng Đề hình lần nữa. Những truyền đơn tôi viết chỉ là để kêu oan cho bọn thợ thuyền”.

Nguyễn Đức Kiệm tức Lan: Nhận có vào Đảng Cộng sản.

Đặng Văn Thân tức Lương: Lương nhận có chân trong Đảng Cộng sản.

Nguyễn Thị Vinh làm cô đỡ: Cô đỡ Vinh bị cáo là có chân trong Đảng Cộng sản, nhưng cô đỡ Vinh từ trước đến nay vẫn chối. Cô đỡ Vinh khai rằng: “Tôi không có đảng nào cả, không biết bao nhiêu người khai cho tôi”.

Nguyễn Văn Giễu tức Cả Mầu: Giễu khai y là vì nhân loại nên vào đảng nhưng chỉ có chân trong Đảng Thanh niên.

Quỳnh (tư liệu bị rách lên chúng tôi không đọc được đầy đủ tên họ): Quỳnh khai rằng: Tôi là người cách mệnh, các ông phải cho tôi nói, nếu không các ông muốn xử sao thì xử.

Phạm Văn Mưu: Bị cáo là có chân trong Đảng Cộng sản và có cầm súng đến nhà thị Thọ ở Chợ Con để tống tiền. Mưu nhận có chân trong Đảng Cộng sản nhưng không can dự vào việc tống tiền.

Nguyễn Văn Vương tức Lai: Lai nhận có chân trong Đảng Cộng sản. Còn việc tống tiền thì tự tôi làm chứ không phải Đảng chủ trương, vì nếu Đảng cần tiền, thì làm việc khác chứ không phải như thế.

Nguyễn Chi Tư: Cũng khai tương tự như Nguyễn Văn Vương.

Phạm Văn Hồ: Hồ chối là không có vào Đảng Thanh niên và Cộng sản.

Bùi đắc Thành: Thành khai rằng: “Tôi có can đảm vào Đảng, tôi có can đảm nhận tội, và chúng tôi không lấy việc làm cách mệnh làm trò đùa. Chỉ xin Hội đồng đừng kết án oan nhiều người”.

Đặng Đình Ngọ tức Phùng: Ngọ khai y làm việc thì không cần chối. Ngọ nói y không có chân trong Đảng Cộng sản, chỉ có giúp tiền cho Đảng Thanh niên.

Hoàng Yêm tức Hạ: Yêm khai rằng Cả Mầu rủ y vào một hội Cứu tế, y có vào.

Lưu Đình Thâu tức Dinh: Thâu chỉ nhận là có vào hội Cứu tế.

Vũ Thị Mường tức Mai (cô giáo): Cô giáo Mương khai rằng: “Tôi đã nhận tất cả công việc, các ông cứ làm việc không cần hỏi lại nữa. Tôi có vào Đảng Cộng sản”. Cô giáo Mường dáng bộ rất tự nhiên, đầu vấn tóc, mình mặc áo bom-bay đỏ và quần lĩnh rất thanh nhã.

Trần Đăng Huyên tức Lý Hồng Nhật: Người này trước có giúp việc một nhà báo ở Hà Nội, sau lại trốn sang Tàu, khi về đến Hải Phòng thì bị bắt. Ra trước tòa, Huyên khai rằng: ‘Những điều tôi đã khai trước thì nay không cần phải hỏi lại nữa. Có một điều tôi cần nói để Hội đồng biết là nếu sở Mật thám cứ tin ở lời khai của bọn phản đảng như Lâm Đức Thụ tức Trương Béo ở Hương Cảng mà kết tội thì rất là quá đáng”.

Phạm Hữu Lâu tức Lô: Người Nam Kỳ, nói tiếng Sài Gòn, là đại biểu trong Nam ra Bắc để lập Đảng bộ Trung ương.

Lưu Văn Ôn: Chối là không có đảng và chưa hề có nhận bao giờ.

Phạm Thị Thảo tức Hoàng, tức Lan: Bị cáo là người giao thông của Đảng Cộng sản, thị Thảo trả lời thị không vào Đảng Cộng sản, chỉ có đưa giúp chồng một lá thư lên Hà Nội.

Nguyễn Văn Ninh: Chối là không có vào Đảng, chỉ vào một hội đá bóng.

Đỗ Huy Liêm tức Phương Sĩ Hưng, tức Đồng Sơn: Liêm có sang Tàu học tại trường Hoàng Phố trước khi về làm việc ở Hải Phòng, làm sách và in truyền đơn. Liêm xin giữ lời khai như trước.

Phạm Thế Hinh: Hinh nhận có vào công hội để giúp đỡ anh em công nhân còn truyền đơn do Mai Trọng Năn giao cho y chứ không phải y làm ra.

Đỗ Hữu Tình: Chối không có vào Đảng Cộng sản, chỉ vì bị ép nên trước phải nhận liền.

Lê Văn Phê: Phê chối là không có chân trong Đảng Cộng sản và không biết việc gì cả.

Phạm Văn Bảo: Tôi không có đảng gì. Còn tên Phê chỉ là người cho thuê nhà, tôi không nhận y bao giờ sao lại giam người ta lại.

Nguyễn Phú Cường tức Quân: Cường khai nhận rằng y xin giữ lại lời khai trước, y làm cách mệnh là để đánh đổ Chính phủ, lập nên Chính phủ Công nông rất chính đáng, y không chối. Chỉ xin Hội đồng xét cho hai người là Tình với Phê thật là bị oan.

Đàm Văn Vân tức Dương: Can tội ném hai quả bom ở Cẩm Phả đi cắm cờ đỏ trong lúc ban đêm là không biết gì cả.

Trần Kim Biểu: Can tội đưa đồ cho Vân làm bom ở Cẩm Phả. Biểu chối là không.

Vũ Sang tức Phiếm: Sang khai là không có hội hè gì cả và không hề có thú nhận bao giờ.

Lưu Văn Cỗi: Cỗi là lính cảnh sách ở Hải Phòng, y khai là không có đảng và hội hè gì cả, có lẽ vì y hay dự vào các việc bắt bớ nên có người thù mà khai cho y. Cỗi kể công 14, 15 năm làm việc cho Nhà nước.

Lê Văn Dâu: Dâu khai là y có vào Đảng Thanh niên.

Đặng Châu Tuệ (có tài liệu ghi là Nguyễn Trọng Tuệ): Tuệ khai là không có cơm ăn, không có áo mặc, tôi phải làm cách mệnh, không làm thì chết.

Nguyễn Trọng Cổn: Khai là chỉ có chân trong Đảng Thanh niên chứ không có chân trong Đảng Cộng sản.

Hoàng Văn Đồi: Chủ hiệu Cao lâu ở phố Cầu Đất, Hải Phòng. Nhà Đồi là nơi tụ họp của Cộng sản. Đồi khai y là người buôn bán không có vào Đảng Cộng sản nào cả.

Nguyễn Văn Khiết: Khiết khai là vô tội xin hội đồng minh xét.

Nguyễn Văn Thoa: Can tội rải truyền đơn ở sở Xi măng Hải Phòng, Thoa khai y cầm truyền đơn là toan để bỏ cho một người thì không may bị bắt.

Nguyễn Thị Hiên (em cô đỡ Vinh): Can tội theo lệnh thị Vinh đi tuyên truyền cho Đảng. Khai là không có vào Đảng.

Phùng Gia Yếu: Yếu khai bằng tiếng Pháp nói rằng xin giữ những lời khai trước và nhận có giúp cho một người bạn 20$. Còn việc chứa Cảnh (Nguyễn Đức Cảnh?) trong nhà thì không có.

Thái Bá Hòe: Hòe khai rằng mình xưa nay vẫn làm ăn lương thiện, không có hội đảng gì cả.

Nguyễn Đạt Khôi: Đã thú nhận là có chân trong Đảng Cộng sản. Giao thông Kỳ bộ Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Khôi khai rằng y chưa làm việc gì rối trị an cả. Còn các giấy má kia thì không thể làm một cái chứng cớ có giá trị được.

Tranh biếm họa của Đặc ủy Hậu Giang, Đông Dương Cộng sản Đảng tố cáo chính sách bóc lột bằng sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp và quan làng, được phát hiện tại làng Mỹ Trâm và An Trường, Trà Vinh đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6/6/1931. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II/ Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ

Phần biện hộ cho các bị cáo có sự tham gia của 5 trạng sư

(Chúng tôi xin đăng trích lại phần biện hộ của Trạng sư Maraichal)

Trạng sư Maraichal là thư ký trạng sư Coueslaut, người còn trẻ, cố sức cãi cho ra vẻ hăng hái. Đại khái trạng sư nói:

“Bảo hộ nghĩa là gì? Trạng sư giải nghĩa chữ này rất kỹ rồi nói bảo hộ một nước thì phải có nghĩa vụ phải hộ vệ cho họ. Người Pháp sang bảo hộ người Nam cũng có nghĩa vụ phải bảo hộ cho họ như Vua với chư hầu, cha đối với con. Vì rằng sau hồi Đại chiến, chủ nghĩa Cộng sản người Nga đem truyền bá ra các thuộc địa rất kịch liệt.

Chính phủ không làm sao mà ngăn cản cho phong trào Cộng sản khỏi tràn vào xứ thuộc địa, thế là không biết chức trách người giữ bảo hộ cho kẻ khác.

Những người Nam bị khổ về cái phong trào ấy, phần nhiều họ là những người vô học thức có làm gì nên tội. Những kẻ có tội chính là như ông Doriot bên Pháp đem chủ nghĩa Cộng sản mà truyền bá trong dân gian. Trạng sư nói rằng người Pháp nên tự trách mình là không làm hết nghĩa vụ. Trạng sư lại nói đến việc dạy người Nam, toàn đem tư tưởng cách mệnh mà truyền bá cho họ, trong các hàng sách cũng bán sách cách mệnh.

Đối với những kẻ này xin tòa lượng thứ xét cho họ. Ở bên Pháp cũng có nhiều thợ thuyền làm cách mệnh nhưng không bị kết án đi đày bao giờ.

Trạng sư nói đến các việc tố cáo và xin tòa tha cho tất cả những người nào từ trước vẫn chối và chỉ bị kẻ khác tố giác. Ông nói: ‘Một tòa án có giá trị không lấy lời tố giác làm bằng chứng bao giờ”.

Sau hết trạng sư xin Hội đồng lượng xét cho nhiều người bị cáo.

Cuộc thẩm vấn tại tòa Bắc Ninh

Hôm 7/11/1929, các nhà đương chức ở Bắc Ninh có bắt được một ít cờ đỏ trong vẽ búa liềm, đề chữ “Đông Dương Cộng sản Đảng” và nhiều truyền đơn xúi giục thợ thuyền, phụ nữ, nông dân và binh lính mưu cuộc bạo động để đánh đổ Chính phủ hiện thời.

Nhân có những vật bắt được đó, Chính phủ mới xét ra một đảng cách mệnh. Đảng này thành lập từ 1927, lấy tên là Việt Nam Thanh niên Cách mệnh Đồng chí hội. Trải qua năm 1928 sang 1929 thì Đảng Thanh niên tan. Các Đảng viên cũ bèn lọc lõi lại mà lập thành Đông Dương Cộng sản Đảng.

Múc đích của Đảng này là đánh đổ Chính phủ Bảo Hộ, Chính phủ Nam Triều, mà lập một Chính phủ Lao động theo lối Nga Xô Viết.

Sáng 8/3/1930 Tòa án Bắc Ninh đã họp để xử các người vào hội Cộng sản bắt được kỳ vừa rồi. Can phạm cả thảy là 41 người, trong đó có 4 người bỏ trốn.

Quan Filipecki là Chánh án, Quan Nguyễn Đình Quỳ Tổng đốc làm bồi thẩm. Đến dự có các quan: Magnières Công sứ, Bùi Phát Tường Bố chánh, Vũ Ngọc Thúy tri huyện Võ Giàng, Nguyễn Hữu Đôn tri huyện Tiên Sơn.

Phạm Văn Chấp tức Lâm 80 tuổi làm thợ bạc ở Bắc Ninh (Phạm Văn Chất): Chấp nhận rằng năm 1928 và 1929, mình có nhập tịch Đảng Thanh niên và Đảng Cộng sản. Chấp vào Đảng do Kim Tôn giới thiệu. Năm 1928, Chấp biết Đảng Thanh niên có ý lừa dối, lợi dụng thợ thuyền và nông dân nên Chấp từ bỏ Thanh niên mà nhập tịch Cộng sản là Đảng mà Chấp cho là ý nghĩa rất hay. 

Q.T (Quan tòa): Trong cửa hàng anh đã thi hành chủ nghĩa Cộng sản, nghĩa là chia lợi tức cho các thợ thuyền chưa?

P.V.C (Phạm Văn Chấp): Chưa, vì trong hiệu tôi chỉ có một mình tôi làm, chứ không có thợ thuyền nào khác nữa.

Q.T: Anh là hội viên dự khuyết tỉnh bộ Bắc Ninh.

P.V.C: Tôi là người giao thông của tỉnh bộ với các khu bộ.

Q.T: Nhưng đến khi Ngô Sĩ Quyết (Ngô Gia Tự) bỏ trốn thì có phải chính anh thay Quyết mà chỉ huy các đồng chí ở Bắc Ninh, không thì sao anh lại giao tiếp với nhiều người?

P.V.C: Ngô Sĩ Quyết, mới trốn chưa bao lâu nên không có ai cử tôi lên thay Quyết cả, còn cái địa vị tôi là giao thông nên đi lại với nhiều người cũng là lẽ tự nhiên.

Nói đến các truyền đơn thì Chấp khai rằng, truyền đơn làm theo kiểu mẫu ở Hà Nội gửi xuống, Chấp sang chờ ở đầu cầu sông Cái đã có người của kỳ bộ gửi sang trước hàng mấy ngày. Mang về viết, in chờ đúng hẹn thì đưa đi phát. Nhưng chưa kịp phát (7 tháng 11) thì Chấp bị bắt ngay từ sáng hôm mùng 6, truyền đơn và cờ ở nhà Chấp cũng bị bắt theo. Còn những truyền đơn và cờ phát ở đường thì Chấp không biết là của ai làm ra cả.

Chấp cũng nhận mình là giao thông với mấy người lính để xét tình hình trong các trại lính vì có đưa truyền đơn cùng nhiều báo búa liềm. Chấp đưa Hoàng Khắc Trung tức Anh Cả về Lạc Thổ, Phật Tiên để thăm các tiên tổ và đi diễn thuyết để rủ người vào Đảng Cộng sản.

Lê Hữu Đông tức Bích tức Trung Quang, giáo học: Đông nhận rằng có nhập tịch Đảng Thanh niên do Kim Tôn giới thiệu và Phi Vân tổ chức. Phi Vân có nói cho Đông biết rằng mục đích Đảng Thanh niên là góp tiền phái người sang Tàu vào học các trường để sau này về mở mang cho nước Việt Nam. Số tiền đó tự ý Đông quyên ra chứ không hề có quyên của học trò bao giờ cả.

Q.T: Anh đã có óc cách mạng thì còn đi dạy học, nghĩa là làm cho Chính phủ làm gì?

Đông: Tôi đi dạy học lấy tiền tiêu, còn thừa thì giúp cho các bạn đồng chí.

Nói tiếp Đảng Cộng sản thì Đông khai rằng khi Đảng Thanh niên tan, Phi Vân và Kim Tôn có rủ Đông vào Đảng Cộng sản nhưng vì chưa hiểu chủ nghĩa đó nên Đông không nhận lời.

Q.T: Anh là Chủ tịch chi bộ Lạc Thổ. Khi khám nhà anh có bắt được một số báo Thanh niên.

Đông: Tôi không phải chủ tịch, nhưng cái chức trách của tôi là phải phân phát báo, chỉ cho các đồng chí và thu tiền nguyệt liễm (tiền đóng hàng tháng cho đoàn thể) giao cho Phi Vân. Tôi thu khi được một vài đồng, khi ngót một đồng đều đưa đi cả.

Phạm Đình Thúy tức Xuyên: Thúy nhận là giữ giao thông cho Đảng Cộng sản. Chính Thúy có phát truyền đơn và giao báo Búa Liềm cho hai người cai pháo thủ là Thuận Quang và Chung Nam. Những cờ và truyền đơn phát hôm 7 tháng 11 tuy không phải tay Thúy làm, nhưng Thúy giao cho các đồng chí là Liễn khâu cờ và Nhu in.

Phạm Văn Thấm tức Thuận Quang, cai pháo thủ ở Bắc Ninh: Thấm không nhận tên bí mật là Thuận Quang và nói không có dự vào đảng chính trị nào cả, tuy có gặp gỡ Kim Tôn một lần ở nhà ả đào, Kim Tôn cử vào Đảng Cộng sản. Thấm đã từ chối, từ đấy không giao thiệp với ai nữa. Quan tòa vặn rằng trong lúc dự thẩm, Thấm có khai tên các đồng chí nhưng Thấm có cãi, nói: Thấm ghét ai thì khai người ấy, chứ thực ra không biết ai là Đảng viên Cộng Sản cả.

Quan tòa cho gọi Kim Tôn, Nguyễn Đình Thúy và Phạm Đình Chất lên nhận mặt, thì ai cũng nói rằng Phạm Văn Thấm có dự vào Cộng sản Đảng và có giữ chức Chủ tịch binh đoàn.

Dương Quang Chiểu tức Chung Nam, cai pháo thủ: Dương Quang Chiểu bị bắt ngay từ lúc mới xảy ra cuộc biểu tình của Cộng sản. Trong lúc dự thẩm, Chiểu có khai cả những người ở trong binh đoàn. Nhưng ra trước tòa thì Chiểu hết sức chối cãi, đến cái tên Chung Nam, Chiểu cũng không chịu nhận là của mình.

Trần Văn Khả tức Đại Yên, Đinh Văn Đạt tức Bắc Hà, Đinh Văn Hách tức Đại Thành, Nguyễn Văn Cẩm tức Đại Hưng, lính pháo thủ: Bốn người này đều chối không có can dự đến Đảng Cộng sản, nhưng Nguyễn Đình Thúy và Phạm Văn Chấp nhận mặt và nói là đã gặp bốn người ở nhà Phạm Văn Thấm tức Thuận Quang.

Đinh Văn Nhân lính pháo thủ: Nhân cũng chối cãi như bốn người trên. Quan tòa cho đòi Thúy và Chấp lên nhận mặt, nhưng hai người đều khai không quen biết Nhân bao giờ cả.

Riêng về phần Nguyễn Văn Cẩm, khi Cẩm thấy anh em bị bắt, Cẩm liền kêu lên: “Thôi hỏng rồi, các anh em bị bắt cả rồi à?”. Xét một câu nói đó, quan tòa đủ luận ra mấy người này có tham dự vào Đảng Cộng sản.

Trịnh Quang Liễn: Liễn thuộc Chi bộ Bắc Giang, nhưng theo lời xin của Phạm Văn Chấp. Liễn đến Đáp Cầu thuê nhà cùng Hoàng Khắc Trung và Nguyễn Đình Thúy. Chỗ nhà ở của Liễn dùng làm nơi viết và in các báo và Truyền đơn Cộng Sản. Khi Trung và Thúy bị bắt, Liễn bỏ trốn về, nhưng hàng ngày vẫn cầu gọi các đồng chí ở Lạc Thổ lên in viết truyền đơn. Cho tới lúc bị bắt, Liễn cũng vẫn còn đương in dở quyển ‘Cuộc bạo động Quảng Châu năm 1927”.

Ngoài cái tội in truyền đơn “chi tử” ra, Trịnh Quang Liêu lại còn bị cáo về tội làm giám sát chi bộ Võ Giàng và đưa Hoàng Khắc Trung đi các nơi diễn thuyết.

Trần Nhu tức Vân: Vân làm phu xe ở Hải Phòng. Cứ như lời Vân khai thì bố mẹ chết cả, nhà nghèo lắm không đủ ăn. Khi ở Hải Phòng có gặp Nguyễn Hữu Căn tức Phi Vân. Phi Vân dạy dỗ cho, rồi giới thiệu với Chấp đưa về làm tại nhà máy Giấy Đáp Cầu. Khi bị bắt trong tay Vân cầm nhiều truyền đơn Cộng Sản.

Tờ báo Cách mạng Lao Nông số 1 năm thứ nhất, ra ngày 13/6/1931 với nhiều nội dung truyền truyền, cổ động đặc sắc. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II/ Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ

Nguyễn Ngọc Hoành tức Vỵ, học sinh 17 tuổi: Hoành bị bắt tại nhà Liễn, đương viết truyền đơn. Hoành chối rằng không can dự vào Đảng Cộng sản mà cũng không can thiệp vào Đảng Thanh niên.

Nhưng khi mang ra đối chứng thì Kim Tôn nhận rằng có quen Hoành do Chương giới thiệu. Hỏi đến bí danh, Hoành khai rằng tên Vỵ là tên của cha mẹ đặt cho, chứ không phải tên dùng trong Đảng.

Vương Văn Trà: Vương Văn Trà nhận rằng Hoành có giới thiệu mình vào Đảng Thanh niên, nhưng suốt từ  lúc nhập tịch cho đến lúc Thanh niên giải tán, mình không hề có họp hội đồng mà cũng không đóng tiền nong lần nào cả.

Nguyễn Như Chấp, Nguyễn Ngọc Qui tức Chắc, Trần Văn Thìn, Vũ Xuân Hồng, Thái Bá San, Trần Văn Quang tức Côi, Trần Đức Minh tức Mộc: Bảy người này đều bị cáo là Đảng viên Thanh niên. Đến khi Thanh niên tan thì nhập tịch Đảng Cộng sản. Bảy người cũng nhận rằng mình có vào Đảng Thanh niên, song còn chủ nghĩa Cộng sản thế nào chưa hiểu, nên bọn Phạm Văn Chấp và Nguyễn Đình Thúy có đến mời nhiều lần, nhưng cũng không chịu vào Đảng Cộng sản.

Đặng Văn Đắc lý trưởng; Đỗ Hữu Vấn, Ngô Văn Thuyết lý trưởng, Đỗ Văn Thành tức Lai Thành: Bốn người này đều có dự vào Đảng Thanh niên, nhưng khi Thanh niên tan thì không có nhập tịch vào đảng nào khác cả.

Ngô Gia Hương tức Vân: Hương là thư ký làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn. Hương có họ với Ngô Sĩ Quyết là chủ tịch của chi bộ Cộng sản ở Bắc Ninh. Cứ như lời Hương khai thì trước đây Quyết có rủ Hương vào Đảng Thanh niên. Hương làm việc cho Đảng độ hai tháng. Sau ra làm thư ký, Quyết có ý không bằng lòng, tuyệt giao với Hương, từ đó Hương không có liên lạc gì với Đảng Thanh niên hoặc Đảng Cộng sản.

Ngô Đình Trương, 17 tuổi: Trương do Nguyễn Tun tức Kim Tôn giới thiệu vào Đảng Thanh niên. Quan tòa cố buộc cho Trương là có đi lại nhà Kim Tôn mà quen biết Phi Vân, chứ thực ra thì chưa có phục tòng mệnh lệnh của Phi Vân bao giờ cả.

Quan tòa có nhắc lại vệc Ngô Đình Trương bị bắt hồi mấy tháng trước đi rải truyền đơn ở Đáp Cầu. Trương bị Tòa án Trừng trị Hà Nội phạt 2 năm tù. Sau Tòa án Thượng thẩm vì không biết các việc hành động của Trương, nên giảm xuống cho Trương một năm tù treo.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN