Chiến công của các lực lượng Công an trong công cuộc bảo vệ Đảng, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tuyên dương, các phương tiện thông tin công khai, nhưng còn rất nhiều chiến công hiển hách, nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh chưa được nhắc đến.
Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 74 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh Nhân dân (12/7), 75 năm ngày Truyền thống Công an Nhân dân (19/8), bài viết này xin giới thiệu một số tư liệu, hình ảnh hoạt động của lực lượng Công an tham gia bảo vệ ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, được trích từ những nguồn tài liệu ở trong và ngoài nước.
HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ NGÀY LỄ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 2/9/1945
1. Nhiệm vụ bảo vệ ngày lễ Độc lập 2/9/1945 được giao cho Sở Liêm phóng Bắc Bộ (tổ chức đầu tiên của CAND), cảnh sát cùng với quân đội và Tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu.
Ngay trong đêm 01/9/1945, lực lượng bảo vệ đã triển khai tại khu vực Vườn hoa Ba Đình và lập các điểm chốt dọc đường Phan Đình Phùng đến Bắc Bộ phủ (nay là nhà khách Chính phủ), tăng cường nắm tình hình hoạt động của các đối tượng để đảm bảo cho Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào đúng thời gian dự kiến. Trong thời gian diễn ra buổi lễ mít tinh, ông Chu Đình Xương, Giám đốc Sở liêm phóng Bắc Bộ trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài do tổ của ông Hoàng Mai (sau này là Cục trưởng Chính trị, Bộ Công an) và ông Chu Đức Minh đảm nhiệm. Đơn vị Giải phóng quân của ông Đàm Quang Trung từ chiến khu về được giao phối hợp với tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, lực lượng vũ trang bảo vệ thủ đô để đảm bảo cho cuộc mít tinh tại quảng trường diễn ra an toàn. Lực lượng cảnh sát Cứu quốc được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự đường phố. Các chiến sĩ cảnh sát xếp thành hàng rào rải suốt từ vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) đến tận trung tâm Vườn hoa Ba Đình. Hộ tống xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ có 2 tiểu đội được chọn trong Cảnh sát cứu quốc và Thanh niên cứu quốc ưu tú.
2. Hồi ký của các cụ tự vệ thành Hoàng Diệu ghi lại:
Quanh lễ đài lúc đó có lực lượng Giải phóng quân, đội mũ calo mặc đồng phục kaki mới, mang súng trường rất oách, nhiều súng mới của Mỹ viện trợ, nhưng đội này chỉ đứng “cho oai” thôi. Bảo vệ chủ yếu vẫn là các lực lượng “đặc vụ”. Đầu tiên là lực lượng cảnh sát mặc sắc phục, có súng ngắn hoặc súng trường đứng bảo vệ xung quanh lễ đài. Các chiến sĩ có vũ trang làm thành hàng rào hai bên đường từ nơi xuất phát của Chính phủ đến Lễ đài trong quảng trường. Ở trong khối quần chúng, cũng có rất nhiều trinh sát hóa trang để phát hiện những hiện tượng nghi vấn. Còn bảo vệ vòng trong và bảo vệ tiếp cận đều là những đặc vụ tinh nhuệ của “Sở đặc vụ” mới được thành lập, dân gian hay gọi là Sở Liêm phóng, là cơ quan tiếp thu Sở Mật thám của chế độ cũ, trụ sở đóng tại Công an Hà Nội trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay.
Khi di chuyển, đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng 2 chiếc xe Citroen màu đen giống hệt nhau (không rõ biển số), cùng xuất phát, với 2 chiếc mô tô (thu được của cảnh sát chế độ Trần Trọng Kim), và đội cận vệ có vũ trang (đội mũ bấc, quần sooc, đeo súng ngắn) đi trên 6 chiếc xe “đặc chủng” chạy hai bên. Đặc biệt, đích thân Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ Chu Đình Xương cùng một số vệ sĩ khác là bảo vệ tiếp cận Chủ tịch ở trên xe, cho đến tận khi lên Lễ đài và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Trong một số bức ảnh chụp từ xa, có thể thấy ông Xương là người cầm ô che cho Chủ tịch.
Về lực lượng bắn tỉa yểm trợ tầm xa, qua quan sát của các nhà chuyên môn, thì quanh khu vực Quảng trường Ba Đình có các điểm cao gồm Dinh Toàn quyền Đông Dương (lúc đó đang có phái bộ Pháp của Jean Sainteny trú ngụ). Toà dinh này đã bị lực lượng Công an Việt Nam vây kín từ trước đó rồi, nội bất xuất ngoại bất nhập. Rất có thể, trên nóc các tòa nhà như Sở Tài chính Đông Dương (Bộ Ngoại giao hiện nay) và trường Albert Sarraut (trụ sở Ban Đối ngoại Trung ương hiện nay) đều có công an Việt Minh canh gác. Khu vực điểm cao trên cổng vào vườn Bách thảo (nằm ở vị trí ngay Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay) chắc chắn cũng được canh gác cẩn thận, không cho người leo lên trên. Và hồi ký của các cụ tự vệ thành Hoàng Diệu cũng cho biết, đúng là lực lượng Tự vệ chiến đấu đã chiếm lĩnh hết các cao điểm quanh Quảng trường Ba Đình, dọc phố Cột Cờ (Điện Biên Phủ ngày nay) để bảo vệ từ xa. Còn theo hồi ký của Sainteny, thậm chí trên bầu trời hôm đó còn có 2 máy bay Mỹ bay cảnh giới nữa.
Trong cuốn hồi ký “Why Việt Nam” của L.A Patti (viên sỹ quan đại diện Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ – OSS ở Việt Nam lúc bấy giờ, được mời dự buổi lễ Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình) có đoạn viết: “Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho bộ đội bảo vệ của Võ Nguyên Giáp và Chu Văn Tấn, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế “đứng nghiêm”, lúc “nghỉ”. Ở đó còn có các đơn vị tự vệ dân quân, mặc lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp hoặc Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo mọi loại vũ khí cũng lộn xộn từ súng kíp, gươm, dao dựa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày… có thứ hình như họ mới lấy ở đình, chùa ở các làng ra. Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động đến kinh ngạc”.
Trong cuốc sách “Việt Nam – 1945” của David George Marr (một sử gia người Mỹ chuyên về lịch sử hiện đại của Việt Nam) có đoạn viết mô tả khung cảnh buổi lễ Độc lập 2/9/1945 và công tác bảo vệ buổi lễ: “Lá cờ Việt Minh khổ lớn được treo lên cột cờ cao vút, vốn là nguyên nhân nó có tên Việt Nam thông dụng là Cột cờ. Trước đó vài tháng khu quảng trường đã được Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai đổi tên lại thành Quảng trường Ba Đình, nhằm tưởng nhớ cuộc phòng vệ ngoan cường chống lại thực dân Pháp hồi năm 1886-1887. Người ta đặt một cái cồng và một cái trống lớn bên dưới khán đài. Vấn đề an ninh cũng được suy xét đáng kể, với đội quân danh dự của Quân Giải phóng đảm bảo không ai trong số khán thính giả có thể tới gần khán đài trong phạm vi 20 mét, những công nhân và sinh viên có vũ trang cũng được xếp đặt tại mọi góc của mấy khu vườn, và một đơn vị tự vệ cảnh giác trước bất kì sự quấy rối nào từ hướng Thành (Hà Nội) nơi quân Pháp vẫn còn bị Nhật giam giữ. Trước cuộc mít-tinh, lính Nhật ở khu đất thuộc Phủ Toàn quyền đã thiết lập mấy khẩu súng máy chĩa về quảng trường, làm những nhà tổ chức phải dựng lên một bức màn người gồm những dân quân tự vệ với chỉ thị thà chết còn hơn rút lui”.
Ông Phạm Gia Đốc – Đội trưởng đội bảo vệ kể lại: Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, Sở Công an Bắc bộ được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng mới và ông vinh dự được đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Công an của đơn vị. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên mà ông Đốc đảm nhiệm là tham gia bảo vệ lễ đài tại Quảng trường Ba Đình. Ông Đốc kể: “Khi đó, do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ, vai trò của những đội bảo vệ cũng vô cùng quan trọng nên mọi người chỉ được thông báo trước khi buổi lễ diễn ra hai ngày. Chỉ những chiến sĩ có thể hình, thể lực tốt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nguy hiểm xảy ra mới được lựa chọn”. Sau khi được thông báo nhiệm vụ, các chiến sĩ trong tổ bảo vệ lễ đài được sắp xếp ngủ nghỉ luôn tại Sở Công an. Việc trực chiến như vậy với ông Đốc và các đồng đội không có gì khó khăn nhưng cảm giác sắp được tham gia một nhiệm vụ quan trọng đến như vậy khiến mọi người đều mất ngủ vì hồi hộp.
Theo kế hoạch buổi lễ mít tinh lịch sử ngày 2/9/1945 diễn ra vào lúc 14 giờ nhưng lực lượng bảo vệ đã phải có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị. Các chiến sĩ được phát đồng phục, quần dài trắng, đứng cách khu vực lễ dài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập chỉ vài bước chân. Lúc bấy giờ, Quảng trường Ba Đình là một bãi đất rộng mênh mông có thể chứa tới hàng chục vạn người. Lễ đài đã được một số kiến trúc sư dựng bằng gỗ từ hôm trước, cao gần 5m, xung quanh phủ nhung đỏ, trên viền trắng. Đội bảo vệ của ông Đốc được chia ra làm 3 nhóm, mỗi nhóm có 10 người đứng bảo vệ ở vòng thứ hai. Ngoài ra còn các anh Giải phóng quân ở chiến khu mới về, vòng ngoài cùng là lực lượng thanh niên.
Trong Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi: vừa mới ra đời trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Sở Liêm phóng Bắc Bộ (Công an nhân dân Bắc Bộ lúc đó) được vinh dự giao nhiệm vụ đặc biệt là: Bảo vệ an toàn cho ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945. Đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ là người trực tiếp chỉ đạo lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ và các thành viên của Chính phủ, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự cho buổi mít tinh chống sự phá hoại của kẻ thù.
Lực lượng liêm phóng và cảnh sát Bắc Bộ được bố trí bảo vệ từ vòng trong đến vòng ngoài, bảo vệ tiếp cận và bảo vệ từ xa. Các chiến sĩ trinh sát được trang bị vũ khí đứng thành hàng rào rải suốt từ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ xuất phát đến quảng trường Ba Đình; một số đứng bảo vệ xung quanh lễ đài. Cảnh sát còn mang súng ngắn mặc quần cộc đến đầu gối, đội mũ cát trắng đạp xe hộ tống cho đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ tới tận Quảng trường. Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ Chu Đình Xương và một số trinh sát được bố trí ngồi cùng xe với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ trong quá trình Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, đồng chí Chu Đình Xương đã trực tiếp đứng bên cạnh để bảo vệ Người.
Buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập và ra mặt Chính phủ đầu tiên của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và nhân dân ta, có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của dân tộc ta. Lực lượng Công an được giao nhiệm vụ bảo vệ sự kiện quan trọng này là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng cũng rất vinh quang và lực lượng Công an đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Bác Hồ tin cậy, giao phó, bảo vệ thành công, an toàn tuyệt đối buổi Lễ, các lãnh tụ của Đảng và cuộc mít tinh thành công.
HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG NON TRẺ
Khi Cách mạng Tháng Tám thành công và Chính phủ Cách mạng Lâm thời được thành lập ở nước ta năm 1945, tình hình chính trị lúc bấy giờ rất sôi động, phức tạp. Cách mạng nước ta đứng trước vô vàn, khó khăn, thách thức, phải đối diện tình trạng “ngàn cân treo trên sợi tóc” với thù trong, giặc ngoài. Quân đội của Tưởng Giới Thạch dưới danh nghĩa Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật và Pháp thực hiện dã tâm quay lại tái chiếm Việt Nam; trong nước, có nhiều tổ chức, đối tượng phản động lợi dụng trỗi dậy chống phá; các đảng phái, tổ chức chính trị lưu vong ở nước ngoài theo gót quân Tưởng Giới Thạch kéo về hoạt động ở Việt Nam, như Đại Việt Quốc dân Đảng (Đại Việt), Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) hay những người Tờ-rốt-kít đã gia tăng hoạt động tranh giành ảnh hưởng với Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại nền độc lập của đất nước, chúng tiến hành nhiều hoạt động khủng bố, thủ tiêu, bắt cóc, tống tiền, thậm chí còn có kế hoạch đảo chính cướp chính quyền. Lực lượng Công an đã có nhiều hoạt động nhằm trấn áp, xử lý bọn phá hoại, bảo vệ Đảng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính quyền Cách mạng non trẻ.
Từ một góc nhìn của một nhà khoa học, chuyên nghiên cứu sử của Việt Nam và Đông Nam Á, tác giả cuốn sách “Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng (1945-1946)” (Vietnam: State, War, and Revolution – 1945/1946), xuất bản tại California năm 2013, đã viết:
Cuối tháng 6/1946, tại Hà Nội, Trương Tử Anh, người đứng đầu nhóm Đại Việt bí mật liên kết với Việt Quốc, trù bị các kế hoạch cho một cuộc nổi dậy, có thể bằng một cuộc tấn công vào binh lính Pháp khi người Pháp tiến hành diễu binh quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào ngày Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 nhằm gây rối loạn và tổ chức đảo chính cướp chính quyền.
Đầu giờ sáng ngày 12/7/1946, lực lượng Công an đã đột kích một khu nhà được cho là đã phát hiện một bản kế hoạch trên đó có chữ ký của Trương Tử Anh, theo đó sẽ quăng lựu đạn vào lính gốc Phi da đen trong ngày diễu binh của quân đội Pháp, tiếp theo các đơn vị của Đại Việt hoặc của quân đội Pháp se bắt giữ những người đứng đầu Đảng Cộng sản Đông Dương và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối cùng Trương Tử Anh sẽ công bố thành lập một chính phủ Việt Nam mới. Ông Lê Giản, chỉ huy lực lượng Công an khi đó đã đưa tài liệu này cho Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, ông đeo kính vào và đọc một đoạn, sau đó tức giận, đập mạnh cây gậy xuống sàn nhà và quát lên: “Tiêu diệt chúng. Quét sạch toàn bộ. Lũ phản bội!”.
Bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 12/7, lực lượng Công an được sự hỗ trợ của dân quân Việt Minh bao vây thêm 7 tòa nhà ở Hà Nội. Tại ngôi nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Cảnh sát đã tìm thây một tù nhân bị trói, nhiều dụng cụ tra tấn và 7 xác chết được chôn cất sơ sài ở sân sau. Sau đó ông Lê Giản đã chỉ đạo lực lượng Công an tấn công tất cả các văn phòng của Việt Quốc tại Hà Nội và các tỉnh, triệt phá các hang ổ của bọn chuyên bắt cóc, tống tiền và giết người.
Báo Cứu Quốc khi đó đã có những bài đăng tải một số hoạt động của lực lượng Công an tiến hành diệt ác, trừ gian nhằm bảo vệ Đảng, Chính phủ lâm thời và bảo vệ trật tự, an toàn cho cuộc sống của nhân dân.
Lực lượng Công an tuy vừa mới ra đời, còn non trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, phương tiện, trang thiết bị còn nhiều khó khan, thiếu thốn. Nhưng với tinh thần trung kiên, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, lực lượng Công an đã lập nhiều chiến công đi vào lịch sử của cách mạng Việt Nam, làm thất bại hoàn toàn âm mưu, hoạt động phá hoại của các tổ chức, đảng phái phản động, thù địch, đặc biệt đã đập tan âm mưu, kế hoạch đảo chính cướp chính quyền, góp phần bảo vệ Đảng và Chính quyền Cách mạng non trẻ.■
Lê Bình (tổng hợp)
(Theo Tạp chí Phương Đông)